Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Bài học kinh nghiệm xây dựng Đảng từ hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ
Thứ ba, 23 Tháng 8 2022 15:28
1078 Lượt xem

Bài học kinh nghiệm xây dựng Đảng từ hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ

(LLCT) - Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Tuy cuộc đời của đồng chí chỉ 29 năm (1912-1941), nhưng quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí đã góp phần tích cực vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng vì độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đồng chí đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về xây dựng Đảng, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh - Ảnh: baobacninh.com.vn

1. Bài học nhạy bén với thời cuộc, kịp thời chuyển hướng chiến lược cách mạng

Tình hình mới luôn đi liền với yêu cầu Đảng phải đề ra nhiệm vụ mới. Khi tình hình trong nước và quốc tế đã biến chuyển thì Đảng không thể cứ giữ tư duy cũ với những nhiệm vụ cũ, cách làm cũ không còn phù hợp. Bản lĩnh chính trị, tầm trí tuệ của một đảng chính trị là phải nắm bắt nhanh nhạy thời cuộc để đề ra nhiệm vụ, phương pháp hành động đúng đắn. Bài học xây dựng Đảng thời kỳ đồng chí Nguyễn Văn Cừ hoạt động, nhất là khi đồng chí giữ cương vị Tổng Bí thư, là: Đảng ta nhận thức một cách khoa học, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược để tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng vào mùa Thu năm 1945. Và, cũng như thế, sau này, trải qua bao trăn trở và vượt bao trở ngại, Đảng ta đã chính thức bước vào thời kỳ đổi mới. Nhưng, vẫn còn đó những khuyết điểm, hạn chế khi Đảng chưa chú ý đúng mức vận dụng bài học kinh nghiệm quý báu trong xây dựng Đảng các thời kỳ trước đây. Đất nước ta đã có hơn 10 năm (4-1975 – 12-1986) và kéo dài sau đó mấy năm nữa, loay hoay giữ cơ chế cũ, cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp dẫn đến tư duy và hành động chủ quan, duy ý chí và phải “trả giá”, trong đó có sự khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài, nặng nề.

Là một trong những Tổng Bí thư Trung ương Đảng trẻ tuổi (lúc nhận trọng trách Tổng Bí thư tháng 3-1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ mới hơn 26 tuổi và lúc chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939, đồng chí mới 27 tuổi), không có nhiều thời gian được học trên ghế nhà trường, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ lại có bề dày trong hoạt động thực tiễn, tự rèn luyện và tự trang bị tri thức cách mạng qua thực tế. Do đó, đồng chí đã có được khả năng xử lý nhanh nhạy trong các tình thế, tình huống hoạt động của Đảng.

Cuối thời kỳ Mặt trận bình dân Pháp, không khí Chiến tranh thế giới thứ hai đã rục rịch và nó đã chính thức bùng nổ ngày 1-9-1939 bằng việc phátxít Đức tiến công Ba Lan. Tiếp theo, phátxít Đức đánh nước Pháp, chính phủ của Mặt trận Bình dân Pháp bị đổ, thay vào đó là chính phủ thân phátxít. Thực dân Pháp, theo đó, bắt đầu thi hành chính sách khủng bố, đàn áp cách mạng ở Việt Nam một cách khốc liệt. Nếu lúc này Đảng vẫn duy trì hoạt động công khai, nửa công khai, bí mật, nửa bí mật, lãnh đạo nhân dân đòi dân chủ và những quyền lợi trước mắt, thì không phù hợp nữa. Do đó, Đảng phải nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật, thay đổi chỉ đạo chiến lược cách mạng.

Công việc cần kíp lúc này là phải giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tạm gác nhiệm vụ cách mạng ruộng đất để tập trung vào “nhiệm vụ chính cốt của cách mệnh là đánh đổ đế quốc(1).

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng đã xác định rằng, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam có hai nhiệm vụ là chống đế quốc và chống phong kiến. Trong nhiệm vụ chống phong kiến, thì phải giải quyết hai mối quan hệ rất cơ bản: quan hệ ruộng đất và quan hệ giai cấp. Đối với giải quyết mối quan hệ ruộng đất, Đảng phải đưa lại ruộng đất cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng với khẩu  hiệu “Người cày có ruộng”.

Đối với nhiệm vụ giải quyết mối quan hệ giai cấp, ở Việt Nam lúc này có đặc điểm là trong giai cấp địa chủ có không ít người tham gia cách mạng đúng như quan điểm tập hợp lực lượng cách mạng trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng nêu là, tập hợp cả trung, tiểu địa chủ, cả tiểu tư sản - điều này phù hợp với một nước thuộc địa và phong kiến Việt Nam, khi không chỉ công nông mà tất cả các giai tầng khác đều có một “mẫu số chung” là giải phóng dân tộc. Quốc tế cộng sản, khóa VI (1928-1935) đã không nhận thức rõ được điều này. Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đã nhanh nhạy nắm bắt tình hình quốc tế, trong đó có “chính quốc” là Pháp, nắm bắt tình hình trong nước, tình hình chiến tranh thế giới để có những phân tích, đánh giá, nhận xét tỉ mỉ, cặn kẽ, hợp lý để điều chỉnh chỉ đạo chiến lược. Đây là bài học quý báu của công tác xây dựng Đảng thời kỳ này. 

Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939 cho rằng: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập... Sự bóc lột tàn ác của đế quốc Pháp ở Đông Dương để cung cấp cho chiến tranh sẽ làm cho dân Đông Dương ngày càng cách mệnh hóa. Cuộc cách mệnh đánh đổ đế quốc Pháp của các dân tộc Đông Dương nhất định sẽ bùng nổ.   Nét đặc sắc trong công tác xây dựng Đảng thời kỳ đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư là sự khởi đầu cho một quá trình chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên chế độ chính trị mới với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Căn cứ vào những sự biến đổi trên quốc tế và trong xứ và sự biến chuyển mới của phong trào cách mệnh thế giới và Đông Dương, Đảng ta phải thay đổi chính sách. Mặt trận dân chủ thích hợp với hoàn cảnh trước kia, ngày nay không còn thích hợp nữa. Ngày nay phải thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để tranh đấu chống đế quốc chiến tranh, đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến thối nát, giải phóng các dân tộc Đông Dương làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập”(2).

Hội nghị còn chủ trương trong tương lai, khi cách mạng thành công, sẽ lập Chính phủ Liên bang Cộng hòa dân chủ Đông Dương thay cho chủ trương lập Chính phủ công nông binh như trong Chánh cương vắn tắt của Đảng mà Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 đã đề ra, đồng thời cũng là thay cho loại hình chính quyền Xôviết đã thực sự tồn tại trên thực tế ở nhiều làng xã của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930-1931.

Nét đặc sắc trong công tác xây dựng Đảng thời kỳ đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư là sự khởi đầu cho một quá trình chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên chế độ chính trị mới với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á; mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển của đất nước - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, đồng thời cũng mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động của Đảng - thời kỳ Đảng cầm quyền.

Sự cầm quyền của Đảng không phải tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Đó là kết quả của bao hy sinh của những người cộng sản tiên phong lãnh đạo toàn dân đấu tranh không ngừng nghỉ cho độc lập, tự do, hạnh phúc. Với uy tín đó, nhân dân Việt Nam đã trao cho Đảng quyền lãnh đạo đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược ở Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 ghi đậm dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã góp phần quan trọng cho sự thành công của cách mạng Việt Nam. Tư duy của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã bắt kịp tư duy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Sau 30 năm xa Tổ quốc, khi về nước chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941 ở Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược mà trước đó Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939 đã khởi xướng.

Sự nắm bắt nhanh nhạy tình hình trong nước và quốc tế để Đảng đề ra đường lối, chủ trương thích hợp càng cần thiết trong thực hiện sự nghiệp đổi mới giai đoạn hiện nay. Tình hình thế giới sau Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021) có sự biến chuyển rất nhanh chóng, nhiều yếu tố rất khó lường. Những biến chuyển đó chủ yếu là những yếu tố không thuận, gây khó khăn cho sự phát triển bền vững đất nước, nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ucraina đã làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế, an ninh thế giới và Việt Nam. Những sự kiện dồn dập trên thế giới khoảng ba năm trở lại đây nằm ngoài dự báo của nhiều người. Hầu hết những dự báo trên thế giới về sự biến đổi kinh tế, về sự biến chuyển nhanh chóng theo chiều hướng xấu đi của phân hóa giàu nghèo, về giá cả tăng vọt, nhất là dầu mỏ, về lạm phát, về sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và sự tăng lên chóng mặt của nạn đói trên thế giới(3), về xung đột, chiến tranh cũng như sự trừng phạt lẫn nhau, về sự lây lan, chết chóc bởi dịch bệnh v.v.. đều khó đứng vững. Những biến chuyển bất lợi đó đã ảnh hưởng nhiều đến công tác xây dựng Đảng, trong đó đòi hỏi Đảng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và những chủ trương, chính sách phát triển phù hợp. Thí dụ như, quyết sách và hành động về ứng phó với đại dịch Covid-19, Đảng và Chính phủ đã phải nhiều lần điều chỉnh cho phù hợp thì mới giành thắng lợi cho từng giai đoạn. Bài học về xây dựng Đảng thời kỳ đồng chí Nguyễn Văn Cừ hoạt động  không bao giờ cũ và càng trở nên quý báu hơn bao giờ hết.

2. Bài học nhận thức và hành động đúng đắn trong tự phê bình, phê bình và thảo luận trong Đảng

Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của một đảng cộng sản - đó là một trong những nguyên tắc mà V.I.Lênin đề ra trong xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh nguyên tắc này của V.I.Lênin trong xây dựng Đảng ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là cả một quá trình tu dưỡng, rèn luyện, tự phê bình và phê bình để bản thân mình trở thành người cộng sản chân chính, suốt đời phấn đấu cho sự phát triển của dân tộc với mục tiêu và con đường độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Tự phê bình và phê bình cũng là phương pháp quan trọng làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh.

Thể hiện điều này rõ nhất là ở tác phẩm Tự chỉ trích của đồng chí Nguyễn Văn Cừ với bút danh Trí Cường do Tập sách Dân chúng xuất bản năm 1939 sau cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt Nam Kỳ. Đây là tác phẩm, như tựa đề sách đã viết: bàn thêm về vài bài học quan trọng của cuộc tuyển cử và để thảo luận ý kiến “đánh đổ Đảng Lập hiến” của anh Nguyễn Văn Tạo và chủ trương “không đánh đổ một đảng phái nào, một giai cấp nào của người bản xứ” của anh T.B.”(4).

Tác phẩm này tuy thảo luận về những điểm cụ thể, nhưng lại phản ánh quan điểm rất cơ bản, có tính nguyên tắc của đồng chí Nguyễn Văn Cừ về tự phê bình và phê bình trong Đảng. Đồng chí viết: “Tự chỉ trích Bônsơvích không phải là công kích Đảng, mạt sát Đảng, đặt danh dự cá nhân lên trên tất cả quyền lợi của Đảng, của cách mệnh”(5), “Những kẻ nghịch chớ vội hý hởn tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm bè phái gì giữa những người cộng sản mà uổng công. Vì sau khi thảo luận rõ ràng rồi, bao giờ trong hàng ngũ chúng tôi, thiểu số cũng phải phục tùng đa số và chừng ấy chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, ngàn người sẽ như một để thực hành ý chí ấy”(6)

Những tư tưởng lớn thường gặp nhau. Khi bàn về vấn đề dân chủ tự do, Hồ Chí Minh cho rằng: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”(7).

Tác phẩm Tự chỉ trích được viết bởi Tổng Bí thư mới 27 tuổi mà lý lẽ sắc bén, quyết liệt, thể hiện tầm và trí của người lãnh đạo cao nhất trong Đảng. Tác phẩm thể hiện rõ tư tưởng, sự quan tâm lớn đến công tác tự phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng, trong Đảng còn có nhiều khuyết điểm, nhiều sai lầm cho nên Đảng phải tự chỉ trích một cách thành thật và mạnh dạn để sửa đổi; “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận và chỉ trích, nhưng phải có nguyên tắc”(8).

Tự phê bình và phê bình trong Đảng trên tinh thần xây dựng được đồng chí Nguyễn Văn Cừ nêu rất rõ: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại, nếu “đóng kín cửa bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để quân thù chửi rủa; hơn nữa đó tỏ ra không phải một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương”(9).

Điều này đúng theo quan điểm của Hồ Chí Minh: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(10).

3. Bài học người cộng sản phải dấn thân trong hoạt động thực tiễn

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sớm tham gia phong trào yêu nước, cách mạng từ ghế nhà trường (Trường Bưởi, Hà Nội - Trường Trung học Bảo hộ của Pháp, một trong những cái nôi của trí thức Việt Nam yêu nước). Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ gắn với những địa bàn tranh đấu nóng bỏng của nhân dân ta. Khi đang là học sinh Trường Bưởi, vì tham gia phong trào yêu nước, Nguyễn Văn Cừ bị đuổi học. Anh đã trở về quê Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh dạy học, đồng thời liên lạc được với tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để tiếp tục hoạt động yêu nước.

Năm 1928, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một trong những người tích cực thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Kỳ bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; đã đến làm việc như một công nhân thực thụ tại mỏ than Vàng Danh, Mạo Khê (Quảng Ninh) để rèn luyện và tuyên truyền tinh thần yêu nước, cách mạng trong phong trào công nhân.

Tháng 6-1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm Bí thư Đặc khu ủy Hòn Gai - Uông Bí (Quảng Ninh).

Từ tháng 12-1931 đến tháng 9-1936, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và bị tù ở Hòn Gai, Hỏa Lò và Côn Đảo.

Sau khi ra tù năm 1936, đồng chí tiếp tục tích cực tham gia khôi phục Xứ ủy Bắc Kỳ.

Tháng 9-1937, đồng chí được bầu vào Trung ương Đảng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.

Tháng 3-1938, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương Đảng họp ở Tân Thới Nhất, Hóc Môn (Gia Định).

Tháng 11-1939, đồng chí đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng họp tại Bà Điểm (Gia Định), Hội nghị Trung ương mở đầu cho một giai đoạn mới trong hoạt động của Đảng.

Tháng 1-1940, đồng chí bị địch bắt tại Sài Gòn. Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ (tháng 11-1940), chúng khép đồng chí vào tội là người chịu trách nhiệm tinh thần trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Thực dân Pháp kết án tử hình một loạt cán bộ chủ chốt của Đảng, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Đồng chí đã bị xử bắn vào tháng 8-1941 tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định.

Hơn 13 năm hoạt động, lăn lộn với thực tiễn phong trào cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, tu dưỡng, rèn luyện trở thành người cộng sản chân chính. Đồng chí đã suốt đời hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho mục tiêu, con đường đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Từ bài học xây dựng Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên thời kỳ đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng, chúng ta có thể nhìn một cách thẳng thắn rằng, trong Đảng ta hiện nay đang có tình trạng một số cán bộ, đảng viên lười học tập lý luận, ngại đi thực tế, tổng kết thực tiễn. Số người này thường ỷ vào hệ thống báo cáo ở các cấp, ỷ vào công nghệ thông tin để nắm tình hình mà không chịu tự mình dấn thân vào hoạt động thực tế. Có không ít trong số họ đi thực tế một cách hình thức, “giữ mình” để về lại nơi cũ, do đó không năng động, tích cực hoạt động. Đi thực tế, trong đó có đi “luân chuyển” theo sự điều động của tổ chức Đảng, không phải là biện pháp để Đảng bổ nhiệm, đề bạt chức vụ cao hơn, mà là để rèn luyện, tu dưỡng trưởng thành nhằm tiếp tục công tác tốt hơn. Nếu cán bộ, đảng viên lười đi thực tế, coi đi thực tế, đi luân chuyển để “thăng quan, tiến chức” thì tai hại vô cùng.

Lăn lộn với thực tế cũng là một biện pháp hữu hiệu để kết hợp lý luận với thực tiễn. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nắm bắt được quy luật của con đường lý luận - thực tiễn mácxít. Đó cũng là sự đúc kết của Hồ Chí Minh về sự kết hợp lý luận với thực tế: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(11).

Hồ Chí Minh chỉ rõ sẽ mắc bệnh “lý luận suông”(12) nếu lý luận không áp dụng vào thực tế, “Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách. Xem nhiều sách để mà lòe, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận... phải ra sức thực hành mới thành người biết lý luận... phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế... Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung cũng như không có tên”(13).

Đó là bài học quý báu cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ. Đảng viên phải vừa chăm học tập lý luận, đồng thời phải vừa lăn lộn, dấn thân vào hoạt động thực tiễn.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người cách mạng tiền bối tiêu biểu, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có ý nguyện sâu sắc là, Đảng phải luôn luôn trong sạch, vững mạnh. Công cuộc đổi mới đất nước trong thời kỳ hiện nay rất cần soi vào những bài học xây dựng Đảng các thời kỳ, trong đó có thời kỳ đồng chí Nguyễn Văn Cừ hoạt động.

Lịch sử là những vấn đề muôn năm cũ. Nhưng bài học được đúc rút từ lịch sử thì luôn luôn tươi mới. Bài học đó chính là giá trị văn hóa của dân tộc, của Đảng. Mà khi nó đã trở thành giá trị văn hóa thì rất cần được các thế hệ cán bộ, đảng viên hiện nay và mai sau giữ gìn, phát huy, biến giá trị văn hóa đó thành động lực thôi thúc Đảng phát triển lớn mạnh hơn.

__________________

Ngày nhận: 29-5-2022; Ngày bình duyệt: 31-5-2022; Ngày duyệt đăng: 15-7-2022.

 

(1), (2), (4), (5), (6), (8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.538, 536-537, 619, 622, 621, 622-623, 624.

(3) Chương trình VTV 24 trưa ngày 29-5-2022 đưa tin: Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) cho biết đến thời điểm này, thế giới có 220 triệu người đang bị đói.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.378.

(10), (11), (12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.301, 273-274, 275, 274-275.

GS, TS MẠCH QUANG THẮNG

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền