Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Nam Bộ kháng chiến - sức mạnh của tinh thần yêu nước và đoàn kết dân tộc
Thứ tư, 02 Tháng 11 2022 08:57
2654 Lượt xem

Nam Bộ kháng chiến - sức mạnh của tinh thần yêu nước và đoàn kết dân tộc

(LLCT) - Trải qua quá trình đấu tranh kiên cường, vô cùng gian khổ hy sinh, dân tộc ta đã giành được độc lập. Song, với bản chất ngoan cố của chủ nghĩa thực dân, đế quốc Pháp dưới sự hậu thuẫn của quân Anh, đã quay trở lại xâm lược nước ta. Với tinh thần quật khởi, nhân dân Nam Bộ đã đứng lên kháng chiến bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Nam Bộ kháng chiến thể hiện tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, tự do và sức mạnh đoàn kết, đã góp phần quan trọng cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Quân và dân Nam Bộ đốt cháy đoàn xe của quân Pháp trong trận đánh Giồng Dứa ở ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang năm 1947 - Ảnh tư liệu

Trên địa bàn các tỉnh Nam Bộ, khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám diễn ra từ ngày 23 đến ngày 28-8-1945. Ngày 2-9-1945, nhân dân Sài Gòn tham gia cuộc mít tinh mừng ngày độc lập. Nhưng đến ngày 23-9-1945, thực dân Pháp đã quay lại gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Giữ vững lời thề “Độc lập hay là chết”, nhân dân Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày 23-9-1945 đi vào lịch sử là Ngày Nam Bộ kháng chiến, mở đầu cho cuộc chiến đấu đầy gian lao mà anh dũng của quân dân Nam Bộ. Nam Bộ kháng chiến đã ghi dấu ấn lịch sử hào hùng, với sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân chặn đánh cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Nhân dân Nam Bộ đoàn kết chiến đấu với tinh thần “Độc lập hay là chết”

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, chiều ngày 2-9-1945, Xứ ủy và Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ tổ chức Lễ Độc lập tại Sài Gòn. Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu phát biểu với nhân dân: “Việt Nam, từ một nước thuộc địa, đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với toàn cầu. Hôm nay, tuân theo mạng lịnh của Chánh phủ Trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh lãnh đạo, chúng ta làm Lễ Độc lập mừng những ngày thắng lợi đầu tiên”(1), kết thúc bài diễn văn, Bí thư Xứ ủy đã kêu gọi đồng bào Nam Bộ “cương quyết chống mọi sự xâm lăng” và “hãy sẵn sàng chiến đấu”.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Anh là nước có nhiều thuộc địa, đặc biệt là ở châu Á, nên Anh chủ trương “giữ nguyên trạng” thuộc địa của các đế quốc. Ngày 24-8-1945, Anh ký với Pháp một hiệp ước công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Được sự giúp đỡ của quân Anh, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp bằng hành động quân sự bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Tại Nam Bộ, quân dân các địa phương với vũ khí thô sơ là chủ yếu, nhưng tinh thần chiến đấu quật khởi đã chặn đánh địch quyết liệt, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại về người, vũ khí, phương tiện chiến tranh.

Thấy rõ dã tâm của Pháp và sự câu kết của Anh - Mỹ, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ một mặt đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm tỏ rõ thiện chí hòa bình, để tranh thủ thời gian củng cố lực lượng về mọi mặt, đồng thời tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đây là khoảng thời gian quý báu để chính quyền cách mạng xây dựng thực lực cho một cuộc chiến đấu mà có thể thấy trước là sẽ vô cùng gian khổ. Quân dân Nam Bộ đã thể hiện rõ quyết tâm đem “tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được.

Để mở rộng cơ sở chính trị của chính quyền cách mạng, ngày 10-9-1945, Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ được cải tổ thành Ủy ban nhân dân Nam Bộ gồm 13 thành viên, do Luật sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch, Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu làm Phó Chủ tịch.

Sáng ngày 23-9-1945, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số 629 đường Cây Mai, Sài Gòn. Từ phân tích tình hình ở Nam Bộ, Hội nghị đã thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ” và xác định “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”(2).

Sau lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, đông đảo quần chúng nhân dân hăng hái tham gia lực lượng vũ trang với tinh thần và khí thế sục sôi. Quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã anh dũng đánh trả quyết liệt với chiến thuật kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ. Thực hiện “trong đánh ngoài vây”, vừa bố trí lực lượng chốt giữ các cây cầu chính để vây địch trong nội thành, vừa triển khai lực lượng tiến vào nội thành, phối hợp với các tổ, đội du kích bám trụ, tiến hành các cuộc đột kích vào các vị trí địch đóng quân, đốt phá các kho tàng và cơ sở của chúng. Các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia cùng các đội tự vệ tổ chức chốt chặn, canh giữ các ngả đường.

Trong Thư gởi đồng bào Nam Bộ (26-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng, Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ gìn nền độc lập nước nhà… Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước(3).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt” các địa phương trên cả nước đã huy động lực lượng, vật chất để chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ. Ở Bắc Bộ và Trung Bộ, tỉnh nào cũng thành lập Phòng Nam Bộ để tiếp nhận tiền, thuốc, lương thực... do nhân dân tự nguyện đóng góp ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Mặt khác, khí thế xung phong tòng quân bùng lên khắp nơi, tổ chức các đội quân “Nam tiến” lên đường vào Nam Bộ chiến đấu.

Khát vọng và ý chí bảo vệ nền độc lập của nhân dân Nam Bộ còn thể hiện ở nỗ lực tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6-1-1946). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một cuộc Tổng tuyển cử dân chủ được tổ chức mà toàn thể công dân được trực tiếp tham gia quyết định vận mệnh đất nước và tương lai của chính mình. 

Bất chấp sự ngăn cản, phá hoại của kẻ thù, cuộc Tổng tuyển cử vẫn diễn ra và đạt được mục đích. Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và 19 tỉnh Nam Bộ bầu được 73 đại biểu Quốc hội thuộc nhiều dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp xã hội, ngành nghề khác nhau.

Thành công của cuộc Tổng tuyển cử tại Nam Bộ không những biểu thị ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập của dân tộc, thống nhất đất nước, mà còn động viên toàn dân hăng hái tham gia kháng chiến, củng cố chính quyền, giáng một đòn mạnh vào âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam của thực dân Pháp. Đối với nhân dân Nam Bộ, bầu cử Quốc hội là một dịp thể hiện ý chí cách mạng và quyết tâm kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.  

Với quyết tâm “Độc lập hay là chết”, đồng bào Nam Bộ đã đoàn kết chiến đấu chống xâm lược, tạo nên một vòng vây quân sự kết hợp với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bị động, bất ngờ và tổn thất, tạo điều kiện về thế và lực để nhân dân cả nước bước vào giai đoạn toàn quốc kháng chiến.

Mặc dù kháng chiến trong điều kiện khó khăn, vũ khí thô sơ, nhưng quân dân Nam Bộ đã phát huy truyền thống yêu nước, kiên trì bám trụ, dũng cảm, kiên cường, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công”(4).

Cuộc chiến đấu mang tính toàn dân rộng rãi, cùng với tiêu thổ kháng chiến là trong đánh ngoài vây khiến cho lực lượng viễn chinh nhà nghề với tàu chiến, máy bay, xe tăng tạo thành cỗ máy chiến tranh hiện đại bị giam chân hơn một tháng trong thành phố Sài Gòn, góp phần làm chậm bước tiến của chúng. Máu đã đổ để lời thề “Độc lập hay là chết” vang vọng đường phố Sài Gòn và khắp các tỉnh Nam Bộ, thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập của đồng bào Nam Bộ.

Trong Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ (30-10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu của quân dân Nam Bộ: “Trong cuộc chống xâm lăng này, các bạn đã là bức Vạn Lý Trường Thành vững chắc… Những gương hy sinh anh dũng của các bạn đã sáng dọi khắp nước.Những chiến công oanh liệt của các bạn đã làm cho toàn thể đồng bào thêm kiên quyết”(5). Chính vì vậy, Nam Bộ đã xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”.

Ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” xác định: “Nhiệm vụ chiến thuật của ta ở Nam Bộ và miền Nam Trung bộ là phải cắt đứt dây liên lạc giữa các thành phố đã lọt vào tay địch, phong tỏa những thành phố ấy về kinh tế, bao vây về chính trị, nhiễu loạn về quân sự... Phải áp dụng chiến tranh du kích đến triệt để và cổ động nhân dân thi hành chính sách bất hợp tác ở các thành thị quân địch làm chủ và thi hành “nhà không đồng vắng” nếu quân Pháp tràn về quê”(6).

Tại Nam Bộ, thực dân Pháp chiếm đóng ở các thành phố, thị xã, thị trấn và các tuyến đường giao thông chính, còn vùng nông thôn, rừng núi và bưng biền rộng lớn vẫn là “vùng tự do”, “vùng độc lập” do chính quyền kháng chiến quản lý. Trong vùng tạm bị chiếm, Pháp tập hợp lực lượng tay sai cũ, lập ra bộ máy cai trị các cấp, dựng lên mạng lưới đồn bốt để kiểm soát, kìm kẹp nhân dân, thường xuyên mở các cuộc vây ráp, bắt bớ nhằm đánh phá cơ sở kháng chiến. Đồng thời, chúng tổ chức những cuộc hành quân vào các vùng tự do, thực hiện chủ trương “giết sạch, đốt sạch, phá sạch”. Cùng với hoạt động quân sự, quân Pháp tiến hành chính sách “chia để trị” rất thâm độc. Thực hiện âm mưu chia rẽ Bắc - Nam, Pháp lập ra “Nam Kỳ quốc” nhằm tách Nam Bộ khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Sau khi chiếm một phần lãnh thổ phía Nam vĩ tuyến 16, chúng ráo riết xúc tiến kế hoạch đổ quân ra phía Bắc vĩ tuyến 16 nhằm thực hiện mưu đồ thôn tính Việt Nam và toàn bộ Đông Dương. Ngày 28-2-1946, Hiệp ước Trùng Khánh được ký kết, quân Pháp được thay thế quân của Tưởng Giới Thạch ở phía Bắc vĩ tuyến 16.

Trước tình hình trên, ngày 3-3-1946 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Tình hình và chủ trương”, phân tích âm mưu của Anh, Mỹ, Trung Hoa và vạch ra những nguyên tắc căn bản cho việc đàm phán với Pháp. Đảng ta nhận định “Hiệp ước Hoa - Pháp không phải là chuyện riêng của Tàu và Pháp. Nó là chuyện chung của phe đế quốc và bọn tay sai của chúng ở thuộc địa. Dù nhân dân Đông Dương muốn hay không muốn, nhất định chúng cũng thi hành Hiệp ước ấy... Đứng trước tình thế trên đây, chúng ta phải quyết đánh hay hòa với Pháp? Có thể nói phứt ngay rằng: nếu Pháp giữ chủ trương cho Đông Dương tự trị theo bản Tuyên bố ngày 24-3-1945, thì nhất định đánh, và rất có thể đánh lâu dài theo lối du kích, nhưng nếu Pháp công nhận Đông Dương tự chủ thì có thể hòa... Vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”(7).

Với chủ trương trên, Hiệp định sơ bộ đã được ký kết ngày 6-3-1946, tỏ rõ thiện chí xây dựng quan hệ hữu nghị Việt - Pháp, mong muốn giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam. Trong đàm phán, độc lập và thống nhất Tổ quốc là vấn đề mang tính nguyên tắc luôn được giữ vững. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”(8).

Trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”(9) và cũng như trước đó Người đã từng kêu gọi “Đồng bào Việt Nam nghe tôi, tin tôi, vì suốt đời tôi đã tranh đấu chống chế độ thực dân, tranh quyền độc lập cho nước nhà”(10). Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc.

Như vậy, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt sự thay đổi của bối cảnh lịch sử, quyết định ký Hiệp định sơ bộ theo những điều kiện có lợi nhất có thể được đối với Việt Nam, phù hợp với cục diện tình hình trong nước và quốc tế, cũng như tương quan lực lượng lúc bấy giờ.

Hiệp định sơ bộ và Bản tạm ước ngày 14-9-1945 đã phản ánh quan điểm thực tiễn giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, phù hợp với tương quan lực lượng từng thời kỳ giữa cách mạng Việt Nam và các thế lực ngoại xâm. Qua đó, thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật nhân nhượng có nguyên tắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ động thực hiện sách lược ngoại giao hoà bình để biến thời gian thành lực lượng và chủ động phát động toàn dân bước vào cuộc kháng chiến.

Cuộc kháng chiến đã thể hiện rõ ý chí quyết tâm giữ vững nền độc lập vừa giành được của nhân dân Nam Bộ, như đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trong một năm trường, đồng bào kháng chiến, người thì tan nhà nát cửa, người thì hy sinh tính mạng, người thì bị tù, bị đày. Nhưng lòng yêu nước của đồng bào vẫn trơ như đá vững như đồng”(11). Với quyết tâm “Độc lập hay là chết”, đồng bào Nam Bộ đã đoàn kết chiến đấu chống xâm lược, tạo nên một vòng vây quân sự kết hợp với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bị động, bất ngờ và tổn thất, tạo điều kiện về thế và lực để nhân dân cả nước bước vào giai đoạn toàn quốc kháng chiến.

Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Nam Bộ cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Cuối năm 1946, thực dân Pháp liên tiếp gây hấn, mở rộng chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã tìm mọi cách đàm phán, nhằm tránh chiến tranh, giữ vững nền hòa bình, độc lập vừa giành được. Nhưng tất cả những cố gắng đầy thiện chí của ta đều không được thực dân Pháp đáp lại. Chúng gửi tối hậu thư đòi giải tán chính quyền và tước khí giới của lực lượng vũ trang ta, cố tình mở rộng chiến tranh xâm lược ra phạm vi cả nước. Vì vậy, ngày 19-12-1946, Thường vụ Trung ương Đảng điện chỉ thị cho các chiến khu, các tỉnh ủy: Tất cả hãy sẵn sàng. Đúng 20 giờ ngày 19-12-1946, tín hiệu nổ súng kháng chiến toàn quốc được phát ra từ pháo đài Láng (Hà Nội) để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, xuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(12).

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước sang giai đoạn mới, từ Nam chí Bắc, toàn dân tộc Việt Nam đứng lên đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kháng chiến chống quân xâm lược.

Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Nam Bộ với mọi thứ vũ khí có thể, đã siết chặt tay nhau, đoàn kết chiến đấu, đánh địch khắp nơi, vừa đánh, vừa xây dựng, củng cố lực lượng chiến đấu. Với quyết tâm và sự đồng lòng cùng đồng bào cả nước chiến đấu giữ vững nền độc lập, quân và dân Nam Bộ đã có nhiều hoạt động để phân tán lực lượng, giam chân không cho thực dân Pháp đưa quân đội ra miền Bắc và miền Trung. Ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất, hy sinh vì Tổ quốc của đồng bào Nam Bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng danh hiệu cao quý “Thành đồng Tổ quốc”. Tinh thần quật khởi của những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến đã luôn là động lực to lớn, cổ vũ đồng bào Nam Bộ nói riêng và toàn dân tộc ta vững bước vượt qua những thử thách của lịch sử, cùng nhân dân cả nước thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đã giành được thắng lợi, với chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta thắng lợi đã khẳng định chân lý: một dân tộc dù nhỏ yếu, nhưng một khi đã đoàn kết đứng lên kiên quyết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chính đảng cách mạng có đường lối đúng đắn, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân để giành độc lập và dân chủ, thì có đầy đủ lực lượng để đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.

Nam Bộ kháng chiến với khí phách anh hùng của nhân dân Nam Bộ quyết tâm kháng chiến để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc là minh chứng cho sự chủ động, sáng tạo, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Đảng ta, truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc ta.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tinh thần và hào khí của Nam Bộ kháng chiến tiếp tục được kế thừa, phát huy và vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ “động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(13). Đảng ta luôn xác định phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có tính chiến lược, vừa lâu dài vừa cấp bách, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cũng là yếu tố có tính nền tảng bảo đảm phát triển toàn diện, bền vững của đất nước.

_________________

Ngày nhận: 4-8-2022; Ngày bình duyệt: 8-8-2022; Ngày duyệt đăng: 30-10-2022.

 

(1), (2) Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến (2011), Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập I: 1945 - 1954, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.222, tr.237.

(3), (6), (7), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.14-15, 31-32, 41-44, 160.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.136.

(5), (8), (9), (10), (11) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 4, tr.90, 280, 280, 230, 470.

(13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.34.

TS HOÀNG THỊ HƯƠNG

TS NGUYỄN THỊ HẰNG

Học viện Chính trị khu vực II

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền