Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Tư tưởng chủ đạo của Phan Bội Châu về giáo dục yêu nước và ý nghĩa lịch sử
Thứ hai, 10 Tháng 7 2023 15:30
3925 Lượt xem

Tư tưởng chủ đạo của Phan Bội Châu về giáo dục yêu nước và ý nghĩa lịch sử

(LLCT) - Tư tưởng của Phan Bội Châu về giáo dục rất sâu sắc, nhất là tư tưởng về triết lý giáo dục yêu nước. Tư tưởng coi giáo dục là sinh mệnh của quốc dân”, “giáo dục là cái khuôn đúc người”, “giáo dục là cái gốc để gây dựng nền chính trị” trong triết lý giáo dục yêu nước của Phan Bội Châu có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam hiện nay.

Lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã ghi danh biết bao tấm gương chói lọi của các nhà tư tưởng và yêu nước tiêu biểu làm nên hào khí dân tộc, làm rạng danh non sông, đất nước. Trong các nhà yêu nước ấy có Phan Bội Châu (1867 - 1940) - một chí sĩ, nhà tư tưởng lớn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người đại diện cho tư tưởng lấy giáo dục làm nội dung trọng yếu, là một trong những phương thức để giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Triết lý giáo dục yêu nước của ông với các nguyên tắc chỉ đạo như: giáo dục là sinh mệnh của quốc dân”(1), “giáo dục là cái khuôn đúc người”, “giáo dục là cái gốc để gây dựng nền chínhtrị”(2), được coi là những quan điểm cốt lõi trong đường lối duy tân, phát triển giáo dục trong công cuộc giải phóng dân tộc khỏi sự áp bức, lầm than. 

Triết lý giáo dục yêu nước của ông là sản phẩm của những điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội - tư tưởng Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đồng thời, đó cũng là kết quả của những suy ngẫm, trăn trở trước thời cuộc trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến của một trái tim nhiệt huyết, giàu lòng nhân ái, đầy chất nhân văn, một trí tuệ uyên bác và khát vọng canh tân đất nước. 

Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: “Lúc còn thanh niên, mỗi lần đọc thơ Phan Bội Châu, tôi thấy trong lòng có cái gì náo nức, như thúc giục lòng mình xông lên làm một điều gì cho Tổ quốc. Đó thực sự là những bài thơ tác giả viết ra từ bầu nhiệt huyết, bằng tất cả óc tim”(3).

1. Tư tưởng của Phan Bội Châu về triết lý giáo dục yêu nước

Giáo dục là sinh mệnh của quốc dân

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, truyền thống hiếu học đã thấm sâu vào trong tư tưởng của mọi thời đại, là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển giáo dục, góp phần đào tạo nên những bậc hiền tài - “nguyên khí của quốc gia”. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước lầm than, nô lệ dưới ách thống trị của đế quốc, thực dân, Phan Bội Châu sớm có tư duy chính trị, nhận thức được nhu cầu giải phóng dân tộc và canh tân đất nước để mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Là một nhà nho yêu nước, đồng thời là một nhà hoạt động chính trị, Phan Bội Châu có điều kiện tiếp cận nhiều với tân thư, tân văn, lại thêm hiểu biết văn hóa Đông - Tây, kiến thức của ông ngày càng được mài sắc, tình cảm của ông ngày càng sâu nặng. Ông đau xót trước tình cảnh đất nước bị nô lệ, đồng bào lầm than và phẫn uất trước những điều hủ bại trong tư tưởng phong kiến. Theo ông, hoạt động chính trị chỉ có thể đạt được hiệu quả cao thông qua giáo dục và để cứu nước, cứu dân thì không thể khác, phải coi“giáo dục là sinh mệnh của quốc dân”, giáo dục là một con đường giải phóng dân tộc. 

Để làm rõ khái niệm “giáo dục”, Phan Bội Châu cho rằng: “Chữ “giáo dục” cũng có hai nghĩa: khơi dắt trí khôn, mở rộng tai mắt, gọi bằng “giáo”; điêu luyện chân tay, nuôi nấng thể lực gọi bằng “dục”. Chữ “dục” có nghĩa là nuôi. Gần đây, học mới có ba chữ “dục”: nuôi đức tính là đức dục; nuôi trí khôn là trí dục; nuôi chất mạnh là thể dục”(4). Phân tích sâu hơn khái niệm “giáo dục” từ phương thức thực hiện cho đến bản chất của giáo dục, nhằm trang bị cho mọi người hiểu được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của lĩnh vực này, Phan Bội Châu phân tích một cách cụ thể, chi tiết: ““Giáo” vẫn là dạy, nhưng chẳng những dạy bằng lời nói, mà lại phải dạy bằng tâm thân. “Dục” vẫn nghĩa là nuôi, nhưng chẳng những nuôi ở hình thức, mà lại phải nuôi đến cả tinh thần”(5).

“Giáo dục là sinh mệnh của quốc dân” vừa thể hiện cô đọng nhất vị trí trọng yếu của giáo dục ở một quốc gia, vừa cô đúc một triết lý giáo dục yêu nước sâu sắc. Lòng yêu nước luôn luôn được Phan Bội Châu lồng ghép, đan xen trong tư tưởng về giáo dục. Những quan điểm, nguyên tắc giáo dục tạo thành triết lý giáo dục của Phan Bội châu. Triết lý giáo dục ấy là triết lý giáo dục yêu nước. Ông đã khơi dậy lòng yêu nước trong nhân dân bằng triết lý giáo dục yêu nước. Giáo dục luôn gắn liền với sinh mệnh, sự tồn vong và thịnh suy của một dân tộc. Đó là muốn “quốc dân nên quốc dân, tất trước phải giáo dục, một ngày không giáo dục là một ngày không quốc dân, bảo rằng quốc dân nhờ giáo dục mà sống”(6).

Bằng sự quan sát tinh tường và trải nghiệm của mình, ông cho rằng, có hai nguyên nhân làm cho quốc dân suy kiệt, yếu hèn, đó là “bụng đói và óc đói”, trong đó, “chết bằng óc đói” thì gây nên thảm họa gấp bội lần so với “chết bằng bụng đói”. Cho nên: “Cái họa chết bằng óc đói, thiệt hại hơn cái chết bằng bụng đói không biết baonhiêu! Bây giờ muốn tránh cái họa ấy, chẳng gì cần hơn giáo dục. Giáo dục chính là phương thuốc thánh để bổ óc, chẳng bao giờ giáo dục chết mà quốc dân sống; chẳng bao giờ giáo dục mất mà quốc dân còn, mà chẳng bao giờ giáo dục suy mà quốc dân thịnh được”(7). Theo Phan Bội Châu, một dân tộc mà thiếu giáo dục thì dân tộc ấy không thể phát triển được, mà chỉ là ở thời đại mông muội mà thôi.

Giáo dục là phương thuốc hiệu quả nhất để bổ óc, biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao trình độ dân trí nhằm ý thức được vận mệnh của đất nước, của dân tộc, từ đó đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước, dân tộc. Giáo dục góp phần mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, phát triển dân sinh. Giáo dục là cơ sở, là chất liệu tinh thần của mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Khi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mất nước, Phan Bội Châu cho rằng, dân ta phải chìm đắm trong vòng nô lệ là bởi: “Chỉ có người Pháp lấy nước ta mà không lo điều này, vì nó may gặp người nước ta ngu và yếu mà thôi!”(8). Do đó, phương thuốc tốt nhất để trị được hai căn  bệnh này, đó chính là giáo dục. Thực tế chứng minh rằng, không một sự giàu sang hay thịnh vượng, thành công hay vinh quang nào của một quốc gia mà không có đóng góp của giáo dục thông qua việc học tập tri thức và rèn luyện nhân cách của con người, những chủ nhân quyết định vận mệnh và xu hướng phát triển của bản thân quốc gia đó. 

Giáo dục là cái khuôn đúc người

Trong Tân Việt Nam (năm 1907), Phan Bội Châu khẳng định: “giáo dục là cái khuôn đúc người”. Công việc giáo dục là cần thiết cho mọi người, vào mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm. Cho nên mục tiêu hàng đầu của giáo dục là giúp con người ta thành người, dạy con người ta làm người, từ đó góp phần vào sự phát triển đất nước, dân tộc. 

Đánh giá rất cao tầm quan trọng của giáo dục đối với từng cá nhân và cộng đồng xã hội, cũng như đối với cả một dân tộc, ông cho rằng: “giáo dục không thể một ngày nào thiếu được”(9). Lo cho sự sống là phải lo giáo dục, giáo dục tâm hồn - giáo dục trí tuệ, giáo dục tinh thần - giáo dục thể chất, giáo dục đạo đức - giáo dục văn hóa,... Nhờ có giáo dục mà con người sinh ra mới thành người: “dần dần mới thành nhân”. Thông qua giáo dục, con người mới lĩnh hội được các tri thức về tự nhiên, xã hội và chính mình, về các mối quan hệ xã hội đan xen chằng chịt với nhau, trên cơ sở đó hình thành nên một thế giới quan, một nhân sinh quan, một lý tưởng sống tích cực, tiến bộ. Thông qua giáo dục, con người ngày càng được hoàn thiện cả về năng lực và phẩm chất của mình, từ đó hoàn thiện nhân cách và bản chất của mình. 

Con người là chủ thể của lịch sử, đồng thời cũng là sản phẩm của lịch sử, là nhân tố quyết định sự vận động, phát triển của xã hội. Theo đó, mọi quá trình lịch sử phải thông qua hoạt động của con người; và thông qua các quá trình lịch sử mà con người ngày càng hoàn thiện các năng lực, các thuộc tính, phẩm chất, bản chất của mình. Quá trình hình thành, phát triển của con người, phần nhiều là do giáo dục mà nên.

Không phải ngẫu nhiên, Hồ Chí Minh khẳng định cái quyết định đến bản chất con  người là yếu tố xã hội, là môi trường giáo dục: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện/ Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền/ Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”(10).

Với Phan Bội Châu, “giáo dục là cái khuôn đúc người”. Nhưng giáo dục với tính cách là một trong các hình thái ý thức xã hội, là sự phản ánh tồn tại xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Cho nên, trước hết, giáo dục là sản phẩm của các điều kiện  kinh tế - xã hội, gắn liền với các hình thái ý thức xã hội khác, như chính trị, pháp quyền, văn hóa, đạo đức, khoa học, tôn giáo, thẩm mỹ,… Do đó, chính xã hội đã đặt ra những yêu cầu đối với giáodục trong việc tạo “cái khuôn đúc người” cho phù hợp với bản chất của các chế độ xã hội, tính chất của thời đại, phong tục, tập quán, truyền thống của các dân tộc. Nghĩa là, với các chế độ xã hội khác nhau, thời đại khác nhau, các dân tộc khác nhau sẽ tạo ra các mẫu “khuôn đúc người” khác nhau. Giáo dục tạo ra con người theo cái khuôn mẫu từ hình hài bên ngoài đến năng lực và phẩm chất bên trong theo yêu cầu của xã hội.   Trong quan niệm của Phan Bội Châu, chữ quốc với chữ dân bao giờ cũng gắn với nhau: dân là dân nước, nước là nước dân. Cho nên: “Quốc tức dân, dân tức quốc, hai chữ quốc dân không thể rời nhau được. Nghĩa hai chữ quốc dân là thế”. Do vậy, theo Phan Bội Châu, muốn cho quốc dân nên quốc dân thì phải giáo dục, muốn cho giáo dục nên giáo dục thì phải giáo dục quốc dân. Sự sống còn, thịnh suy của quốc dân gắn liền với sự sống còn, thịnh suy của giáo dục. Thực chất của giáo dục là “giáo dục quốc dân”, giáo dục phải hướng tới quốc dân, phục vụ quốc dân, được quốc dân chú trọng, quốc dân thấy rõ vai trò của giáo dục và trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của đất nước. 

Sự giàu mạnh của đất nước phụ thuộc vào trình độ học vấn của người dân, dân khí phát đạt thì kinh tế phát triển, dân trí được nâng cao thì dân quyền được tôn trọng. Tất cả mọi sự thành công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và canh tân đất nước, theo Phan Bội Châu, đều có nguồn cội từ giáo dục. Vì thế, theo ông, cần phải có một nền giáo dục mới, một “cái khuôn đúc người” mới, mà “trước hết phải bồi dưỡng cái giáo dục thuần khiết như lòng ái quốc, như lòng hợp quần, như lòng công        ích,... thứ nữa phải cầu cho được trí thức mở mang, như thếnào là lợi dụng được, như thế nào là rộng đường kinh tế mà lợi  ích cho nhân quần, tất phải mỗi việc mỗi theo đường khoa học mà cầu cho tri thức mỗi ngày mỗi phát đạt để cho vừa yêu cầu trong xã hội”(11).

Với quan điểm “giáo dục là cái khuôn đúc người”, giáo dục có vai trò thiết yếu, tối quan trọng đối với sinh mệnh của mỗi con người và mỗi dân tộc. Phan Bội Châu nhấn mạnh, yếu tố sống còn của một dân tộc phải là giáo dục nhưng đó phải là “giáo dục quốc dân”, trong đó, giáo dục và quốc dân gắn bó mật thiết với nhau. Khuôn đúc đó phải phù hợp với lợi ích của quốc dân. 

Ở đây, cũng cần nhấn mạnh rằng, trong quan niệm của Phan Bội Châu, chữ quốc với chữ dân bao giờ cũng gắn với nhau: dân là dân nước, nước là nước dân. Cho nên: “Quốc tức dân, dân tức quốc, hai chữ quốc dân không thể rời nhau được. Nghĩa hai chữ quốc dân là thế”(12). Do vậy, theo Phan Bội Châu, muốn cho quốc dân nên quốc dân thì phải giáo dục, muốn cho giáo dục nên giáo dục thì phải giáo dục quốc dân. Sự sống còn, thịnh suy của quốc dân gắn liền với sự sống còn, thịnh suy của giáo dục. Thực chất của giáo dục là “giáo dục quốc dân”, giáo dục phải hướng tới quốc dân, phục vụ quốc dân, được quốc dân chú trọng, quốc dân thấy rõ vai trò của giáo dục và trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của đất nước. Nền “giáo dục quốc dân” phải là nền giáo dục của dân, do dân làm chủ và vì dân mà phục vụ, chứ không phải là nền giáo dục nô lệ; sự nghiệp giáo dục chỉ có thể thành công  khi sự nghiệp đó là sự nghiệp của quốc dân. Ông viết: “Gia nô là thằng ở của một nhà, quốc dân là ông chủ của một nước”(13).

Để xây dựng một nền “giáo dục quốc dân”, nhà nước phải đứng ra tổ chức nền giáo dục, để nền giáo dục ấy có nghĩa vụ đối với quốc dân, giáo dục làm ra sinh kế cho quốc dân, có lợi ích cho dân, cho nước. Ông viết: “Dân là sinh mệnh của nước, mà giáo dục là sinh mệnh của dân. Giáo dục mà không phải quốc dân giáo dục, thì hai chữ “giáo dục” chẳng phải chữ suông trên pho tự điển mà thôi”(14).

Để có được một nền giáo dục mới, một nền giáo dục lo cho dân, cho nước, Phan Bội Châu đã phê phán những hạn chế của nền giáo dục cũ, chỉ ra thứ triết lý giáo dục khoa cử, ông gọi đó là “lối học hủ bại”, mang nặng lối “tầm chương trích cú”, học vẹt, học thuộc lòng, không đề cập đến những lĩnh vực thiết thực của đời sống, không đáp ứng yêu cầu của xã hội, làm cho con người ta trì trệ, ít có ích cho đời, nếu tiếp thu nguyên xi nền giáo dục cũ thì đầu óc không thể mở mang, quốc gia không thể phồn thịnh. Ông viết: “Gọi rằng giáo dục, chẳng qua là một đường khoa cử văn từ đó thôi”(15).

Trong các tác phẩm Việt Nam vong quốc sử (năm 1905), Việt Nam quốc sử khảo (năm 1908), Ngục trung thư (năm 1914), Phan Bội Châu đã vạch rõ bản chất của thực dân Pháp trong việc tạo ra một nền giáo dục phi thực tiễn, kìm hãm trí tuệ và năng lực sáng tạo của nhân dân, cản trở sự phát triển đất nước. Ông thể hiện thái độ căm phẫn chế độ giáo dục nô lệ với chính sách ngu dân của thực dân, đế quốc, lên án cái “diệu pháp làm mê tối nước người ta”, “làm ngu điếc người Việt Nam”, “ngu muội người Việt Nam”(16).

Như vậy, Phan Bội Châu đã kịch liệt phê phán chính sách nô dịch của thực dân Pháp lẫn nội dung giáo dục khoa cử lạc hậu ở nước ta. Bằng sự kế thừa có chọn lọc những yếu tố hợp lý trong nội dung của nền giáo dục cũ, đồng thời tiếp thu những yếu tố tiến bộ của nội dung và phương pháp giáo dục của phương Tây, đặc biệt là quan điểm giáo dục theo tinh thần dân chủ tư sản, nhằm mục đích nâng cao trí tuệ, tâm hồn, ý thức và giá trị của con người Việt Nam, trên hết là giáo dục tinh thần dân tộc và lòng yêu nước cho người dân Việt Nam, Phan Bội Châu đã làm phong phú, sâu sắc thêm triết lý giáo dục yêu nước, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người. 

Phan Bội Châu đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục phẩm chất đạo đức, luân lý để định hướng cho hoạt động của con người. Với tinh thần gạn đục khơi trong, Phan Bội Châu nhìn nhận, đánh giá về nền giáo dục của dân tộc ta trải qua các triều đại phong kiến, ông nêu câu hỏi: “... giáo dục cũ của ta, có phải là toàn bỏ đứt được không?” và ông trả lời: “Chắc không phải!... chúng ta sở dĩ còn sống được tới bây giờ, chẳng phải là không có công ở nơi giáo dục, luân lý cũ ở trong gia đình ta, đạo đức cũ ở trong xã hội ta, hiếu đễ trung tín làm cội gốc... cha con, anh em, vợ chồng, thầy bạn cố kết nhau bằng lễ nghĩa liêm sỉ...”(17). Điều đó chứng tỏ rằng, bên cạnh những hạn chế của nền giáo dục phong kiến cần phải gạt bỏ thì Phan Bội Châu đã thấy được những giá trị tích cực của nền giáo dục ấy trải qua ngàn đời để lại cần phải được kế thừa, phát huy, nếu không là có tội với tiền nhân, có lỗi với hậu thế. 

Mặt khác, khi tiếp xúc với khoa học và giáo dục của nền văn minh phương Tây, Phan Bội Châu thấy nền giáo dục cũ của ta không phát triển, thiếu dạy khoa học, thiếu văn minh, chính vì “đầu óc đói, nên tai mắt không lấy gì làm thông minh”. Do đó, để khắc phục hạn chế này, cần phải tiếp thu văn minh phương Tây, bởi vì theo ông, giáo dục Âu châu là một nền giáo dục mới “tiêu biểu cho sự tiến bộ”, nếu không tiếp thu, mà “cứ bo bo ôm lấy giáo dục cũ, chẳng ngu lắm hay sao?”(18).

Trong Tân Việt Nam, với đường lối duy tân, giáo dục giữ vai trò quan trọng, theo Phan Bội Châu, đào tạo con người là sứ mệnh của giáo dục, mọi người dân đều phải có nghĩa vụ học tập, cho nên nhà nước phải thiết lập nên một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh để đáp ứng yêu cầu học tập của mọi người dân, cũng như đòi hỏi phát triển của đất nước. Một nền “giáo dục quốc dân”, theo Phan Bội Châu, đó là “cho người dân nước ta, bất kỳ giàu nghèo, sang hèn, trai gái, hễ từ năm tuổi trở lên thì vào học ở trường ấu trĩ viên,…; tám tuổi trở lên thì vào học ở trường tiểu học,…; mười bốn tuổi trở lên thì vào học ở trường trung học,…; đến tuổi mười tám thì tài chất đã khá thì vào trường cao đẳng,...”(19). Phan Bội Châu đề cập đến một vấn đề hệ trọng là giáo dục để thực hiện chương trình duy tân cải cách, mà theo ông, “trong nền giáo dục, thì việc giáo dục binh lính và phụ nữ là thiết yếu hơn cả”(20). Có thể thấy, Phan Bội Châu đặt vị trí người phụ nữ bên cạnh binh lính, ông không xem xét phụ nữ dưới góc độ giới tính, mà xem như một bộ phận cơ bản, lực lượng xã hội rất quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người. 

Giáo dục là cái gốc để gây dựng nền chính trị

Theo quan điểm mácxít, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, quyết định tất cả mọi lĩnh vực, mọi sự chuyển biến trong xã hội, cho nên C. Mác đã từng chỉ rõ: “Muốn thay đổi những điều kiện xã hội phải có một chế độ giáo dục thích hợp”(21). Cũng vì thế, Phan Bội Châu cho rằng, trong bối cảnh nước mất nhà tan của đêm trường nô lệ bởi sự thống trị của ngoại xâm thì việc kiến tạo một nền chính trị vững chắc, việc giáo dục để đào tạo nguồn lực con người phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước càng trở nên cấp bách.

Phan Bội Châu cho rằng, “giáo dục là cái khuôn đúc người. Quan lại binh lính cũng từ đó mà ra. Giáo dục cũng là cái gốc để gây dựng nền chính trị. Thuế khóa, hình pháp mọi sự đều do đó mà định”(22). Theo ông, giáo dục gắn liền với khơi dậy tinh thần yêu nước của dân tộc, gắn liền với nhu cầu giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Hoạt động chính trị muốn diễn ra và thành công thì không có gì khác hơn là phải thông qua giáo dục: “vì dân tộc nước ta gây nên một nước Việt Nam mới, nên phải bắt tay mở mang đường giáo dục”(23).

Nhờ có giáo dục, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, phát huy năng lực trí tuệ, chống lại chính sách ngu dân của thực dân, phong kiến để nhận thức và vận dụng đúng đắn quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội, cải tạo nó, góp phần thắng lợi cho sự nghiệp cứu quốc. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, cái cốt lõi của chính trị là chính quyền nhà nước, là sự tham gia của nhân dân vào công việc của nhà nước. Điều này tùy thuộc vào trình độ dân trí. Trình độ dân trí càng cao thì sự tham gia của nhân dân vào công việc của nhà nước càng nhiều và sâu rộng. Người dân không thể có quyền lực thực sự khi chưa thoát khỏi sự mê muội và tối tăm về trí tuệ; trình độ dân trí thấp kém thì khó mà tôn trọng, đề cao và thực hiện dân quyền. Nhưng trình độ dân trí không phải tự nhiên mà có được mà phải thông qua giáo dục. Phan Bội Châu cho rằng, “muốn cho trình độ quốc dân ngày thêm tiến bộ, thì phải bắt tay lo về đường giáo dục mới được”(24)

Do đó, Phan Bội Châu cho rằng, muốn mở mang dân trí, cần phải thay đổi cách học và nội dung giáo dục. Đồng thời, với mong muốn lập ra một chính phủ Việt Nam độc lập, Phan Bội Châu tâm đắc tấm gương tự lực, tự cường của Nhật Bản và khoa học kỹ thuật của phương Tây nhằm khai dân trí, chấn dân khí, cốt sao cho dân được giàu mạnh, đất nước được hùng cường. Ông chủ trương giáo dục phải được quan tâm hàng đầu để mở mang trí tuệ, làm giàu tri thức cho mình.

Mặc dù, trong thời điểm lúc bấy giờ, chưa thể nêu ra một nội dung cụ thể về giáo dục yêu nước, nhưng tình cảm dân tộc luôn là chủ đề xuyên suốt trong suy nghĩ và hành động của Phan Bội Châu về một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh. Tất cả những điều đó tạo nên một sức mạnh, nguồn động viên, khích lệ to lớn tinh thần yêu nước của nhân dân trong sự nghiệp cứu nước, cứu nhà. Đó là công việc chính trị lớn lao đòi hỏi mọi người phải quan tâm và thực hiện. Bởi lẽ, chính trị cần phải dựa vào giáo dục để xác lập vị thế của dân tộc, sự sống còn, thịnh suy của đất nước. Trong Thiên Hồ! Đế Hồ!, khi tố cáo chính trị của nước Pháp nhằm ngầm tiêu diệt nòi giống nước người, Phan Bội Châu khẳng định: “Phàm người trong  một nước mà giàu mạnh được có thể cùng thế giới tranh đua, giành sự sống còn, tất phải lấy giáo dục làm cơ sở”(25).

Trong quan điểm về giáo dục, Phan Bội Châu không dừng lại ở quan điểm giáo dục con người chung chung, mà ông đã phân tích và đưa ra những phương pháp cụ thể trong giáo dục con người Việt Nam hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhận thức tầm quan trọng của giáo dục đối với dân tộc, Phan Bội Châu hướng đến nội dung giáo dục phải bảo đảm tính toàn diện, có ích cho xã hội, nhằm hoàn thiện nhân cách và trí tuệ con người, phù hợp với yêu cầu của đất nước trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Ông chủ trương giáo dục toàn diện cả trí dục, đức dục và thể dục; giáo dục cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội và hơn hết, giáo dục những tri thức về chính trị - xã hội như tư tưởng về nhân quyền, dân quyền, độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân cách,…; giáo dục nhằm tạo ra những con người thực sự tài đức vẹn toàn “nhằm mở mang lòng dân yêu nước và lòng tin yêu lẫn nhau, khai dân trí, giúp dân quyền, khiến cho ai ai cũng tiến bộ ngày ngàn dặm”(26)

Là một nhà nho yêu nước, thương dân, luôn quan tâm đến việc giáo hóa con người, Phan Bội Châu cho rằng những chuẩn mực đạo đức truyền thống có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Đường lối duy tân của Phan Bội Châu nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, khôi phục nước Việt Nam, xây dựng chế độ cộng hòa, làm cho nước nhà thành “nước Việt Nam mới độc lập, tự chủ, giàu mạnh”. 

Tóm lại, triết lý giáo dục của Phan Bội Châu là triết lý giáo dục yêu nước, được thể hiện trong phong trào Đông du do ông khởi xướng, du học cốt sao thấm nhuần tư tưởng đã được thể hiện trong Gọi tỉnh hồn quốc dân (năm 1907): “Quyết rằng nòi giống Lạc Long hãy còn/ Người một nước là con một họ/ Tính làm sao mà giữ non sông?”(27).

Đầu thế kỷ XX, dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến, triết lý giáo dục yêu nước sâu sắc, những quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo, định hướng cho một nền giáo dục quốc dân mà Phan Bội Châu có ý tưởng nêu lên, thực sự là mới mẻ và tiến bộ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

2. Ý nghĩa lịch sử của triết lý giáo dục yêu nước của Phan Bội Châu 

Đối với các phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX

Triết lý giáo dục yêu nước của Phan Bội Châu đã đánh thức trái tim yêu nước của nhân dân Việt Nam thông qua các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Nó như một lời hiệu triệu, kêu gọi sức mạnh đồng bào đứng lên đánh đuổi quân xâm lược để thoát khỏi vòng nô lệ, lao khổ cùng cực, giải phóng nước nhà.

Trước hết, đối với phong trào Đông du

Triết lý giáo dục yêu nước của Phan Bội Châu được thể hiện rõ nét trong phong trào Đông du do ông khởi xướng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giáo dục nước nhà, được các phong trào yêu nước về sau tiếp nối. Ông có quyết định táo bạo, dù phải vượt qua những ải xiềng xích của thực dân, đế quốc để đưa thanh niên xuất dương du học, kế thừa truyền thống yêu nước vốn có của dân tộc, tiếp thu tri thức bên ngoài để chờ cơ hội cứu quốc. Phong trào Đông du là phong trào cử thanh niên sang Nhật học, nhằm tìm đường cứu nước, được nhiều người các vùng, miền trong nước nhiệt liệt hưởng ứng, ủng hộ. 

Mục đích cử đi học được xác định rõ ràng là đào tạo các chiến sĩ cách mạng có trình độ văn hóa và quân sự, phục vụ sự nghiệp đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước và sau đó kiến thiết nước nhà. Cho nên, trong các môn học, ngoài tiếng Nhật, các môn khoa học, còn học cả quân sự, có sinh hoạt tư tưởng, tu dưỡng đạo đức của những người chiến sĩ yêu nước. Nhưng tiếc rằng, phong trào Đông du bị thực dân Pháp câu kết với Chính phủ Nhật đàn áp, giải tán, trục xuất toàn bộ lưu học sinh Việt Nam ra khỏi Nhật. Mặc dù vậy, nhiều người trong số họ sau khi về nước đã tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Triết lý giáo dục yêu nước của Phan Bội Châu với phong trào Đông du “đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử giáo dục nước nhà, được các phong trào yêu nước tiếp nối mãi về sau”(28)

Thứ hai, đối với phong trào Đông Kinh nghĩa thục

Cũng vào những năm ấy, cùng trào lưu tư tưởng giáo dục yêu nước có phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Triết lý giáo dục yêu nước của Phan Bội Châu đã theo phong trào Đông Kinh nghĩa thục đi vào các tầng lớp nhân dân, có tác dụng tích cực đối với các cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống lại thực dân đô hộ. Đông Kinh nghĩa thục là phong trào nhằm thực hiện cải cách xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Mục đích của phong trào là khai trí cho dân, mở trường học làm việc nghĩa, trong đó có lớp dạy học không lấy tiền và tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng, cổ động trong dân chúng. Chủ trương của Đông Kinh nghĩa thục là: “...phải khai hóa quốc dân, lấy việc dân gian giáo dục làm điều kiện cần dùng trước hết cho việc cứu nước...”. Triết lý giáo dục yêu nước của Đông Kinh nghĩa thục có ý nghĩa to lớn trong việc thức tỉnh đồng bào ta đứng lên chống đế quốc, thực dân nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Với triết lý giáo dục yêu nước, Đông Kinh nghĩa thục trở thành tên gọi phong trào truyền bá tư tưởng yêu nước, mở mang dân trí, phát triển dân sinh, giành độc lập dân tộc, làm cho dân giàu nước mạnh, dân chủ, tự do.

Đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay

Trong sự nghiệp đổi mới nói chung, đổi mới giáo dục nói riêng ở nước ta hiện nay, triết lý giáo dục yêu nước của Phan Bội Châu có ý nghĩa sâu sắc. 

Thứ nhất, giáo dục, đào tạo là “quốc sách hàng đầu”

Giáo dục - đào tạo là lĩnh vực có vị trí trọng yếu trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Đó là kết luận được rút ra từ sự tồn tại và phát triển mấy ngàn năm của loài người. Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp  hóa, hiện đại hóa; giáo dục, đào tạo liên quan đến công việc hết sức quan trọng là chuẩn bị nguồn lực con người. Kế thừa, tiếp nối tư tưởng “Giáo dục là sinh mệnh của quốc dân” của Phan Bội Châu, thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh “Một dân tộc dốt là dân tộc yếu”(29), Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của giáo dục, đào tạo đối với sự phát triển đất nước. Đại hội VIII của Đảng nhấn mạnh: “Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”(30).

Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam...; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển”(31)

Thứ hai, về triết lý giáo dục ở Việt Nam hiện nay

Triết lý giáo dục mà Phan Bội Châu nêu lên là triết lý giáo dục yêu nước, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Triết lý ấy đến nay vẫn giữ nguyên giá trị trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay thể hiện ở mục tiêu, cách tiếp cận trong phát triển giáo dục, đào tạo. Trước hết, đó là triết lý xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức, trí, thể, mỹcó tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế. Triết lý giáo dục Việt Nam không tách rời mục tiêu giáo dục như UNESCO đã đề ra, đó là học để biết; học để làm; học để tồn tại; và học để chung sống.

Để phát triển con người Việt Nam toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, giáo dục cần khuyến khích khả năng sáng tạo, phát huy tài năng của con người. Từ xưa, nền giáo dục của dân tộc Việt Nam đã hướng đến con người, vì con người, khai mở trí tuệ nhưng không mất gốc, tức là có lòng tự tôn, tự hào dân tộc, yêu nước nhưng không phải chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi mà gắn liền với ý thức quốc tế, trách nhiệm “công dân toàn cầu”.

Triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, xây dựng xã hội học tập và giữ vững định hướng XHCN và bản sắc dân tộc. Đó là: “Phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, tính cộng đồng và khơi dậy khát vọng vươn lên”(32).

Tư tưởng của Phan Bội Châu về triết lý giáo dục yêu nước là nội dung quan trọng trong tư tưởng của ông về giáo dục. Tư tưởng ấy đã trở thành quan điểm nhất quán xuyên suốt quá trình hoạt động chính trị của ông. Đó là những tư tưởng có ý nghĩa sâu sắc mà ngày nay chúng ta phải tiếp tục đào sâu, nghiên cứu kỹ. Phan Bội Châu không chỉ là một nhà hoạt động chính trị mà còn là một nhà tư tưởng, một người thầy, một nhà giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến các phong trào yêu nước và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Đó là tấm gương sáng chói mà đến nay chúng ta cần học tập để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

_________________

Ngày nhận bài: 31-5-2023; Ngày bình duyệt: 1-6-2023; Ngày duyệt đăng: 8-7-2023

 

(1), (6), (7), (9), (11), (12), (13), (14), (15), (17), (18), (20), (23), (24) Phan Bội Châu: Toàn tập, t.7, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2000, tr.464, 465, 465, 213, 43, 67, 69, 466, 41, 214, 214, 185, 42, 27.

(2), (8), (16), (19), (22), (26), (27) Phan Bội Châu: Toàn tập, t.2, Sđd, tr.184, 122, 63-65, 184, 184, 185, 340.

(3) Phan Bội Châu: Toàn tập, t.1, Sđd, tr.XLIV.

(4), (5) Phan Bội Châu: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.501, 502.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.413.

(21) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.16, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.771.

(25) Phan Bội Châu: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.279.

(28) Phạm Minh Hạc: Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2013, tr.383.

(29) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.7.

(30) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.107.

(31) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.77.

(32) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.262.

ThS NGUYỄN HUỲNH BÍCH PHƯƠNG

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn -

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền