Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam giai đoạn 1975-1986
Thứ năm, 12 Tháng 10 2023 09:55
4514 Lượt xem

Thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam giai đoạn 1975-1986

TS NGUYỄN THỊ TUYẾT
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong điều kiện đất nước hòa bình, mục tiêu này được biểu hiện cụ thể là nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ 1975-1986, việc thực hiện đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã đạt nhiều thành tựu và cũng có một số hạn chế, để lại bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp đổi mới ở nước ta.
  

Ðại hội IV của Ðảng họp từ ngày 14 - 20/12/1976 tại Hà Nội - Ảnh :TTXVN

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH đã được Đảng ta khẳng định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (tháng 2-1930) “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(1). Mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH đã trở thành tư tưởng nhất quán trong tư duy lý luận và mọi hoạt động thực tiễn của Đảng ta. Tùy vào điều kiện của mỗi giai đoạn lịch sử mà mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH đặt ra những nhiệm vụ cách mạng tương ứng.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước và sau đó vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi năm 1954, miền Bắc được giải phóng và quá độ lên CNXH trong phạm vi nửa nước. Miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Từ thời điểm này, cả nước cùng thực hiện nhiệm vụ xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

1. Quá trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn 1975-1986

“Thắng lợi mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi trọn vẹn và vững chắc của sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, mở ra giai đoạn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội”(2). Trong khí thế mới, vị thế đất nước được nâng cao, nhân dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng; cả nước cùng thực hiện nhiệm vụ chiến lược cách mạng XHCN và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, vì Việt Nam tiến lên xây dựng CNXH từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, tàn tích chiến tranh nặng nề; các thế lực thù địch quyết liệt chống phá; các nước XHCN bị trì trệ, khủng hoảng; cắt giảm viện trợ, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp cách mạng. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, Đảng đã lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong điều kiện mới. 

Thứ nhất, thực hiện thống nhất đất nước về mặt nhà nước

Ngày 25-4-1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức. Quốc hội khóa VI tại kỳ họp thứ nhất (từ ngày 24-6 đến ngày 03-7-1976) tại Hà Nội, đã quyết định các vấn đề quan trọng gồm: đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc kỳ nền đỏ sao vàng; Quốc ca là bài Tiến quân ca; Thủ đô là Hà Nội; quyết định thành phố Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh và thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Quốc hội bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước, đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng Chính phủ. Tháng 6-1976, các tổ chức quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn tiến hành hội nghị hợp nhất, thống nhất cơ quan lãnh đạo chung trên cả nước.

Việc thống nhất về mặt nhà nước đã tạo sự ổn định về chính trị - xã hội để Đảng thống nhất lãnh đạo cả nước tiến lên xây dựng CNXH.

Thứ hai, đề ra đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976), Đảng ta chỉ rõ: “cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là: hoàn thành thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”(3). Đại hội nêu lên 03 đặc điểm lớn của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó quan trọng là quy định nội dung, hình thức, bước đi của cách mạng XHCN. “Nước ta đang ở trong quá trình từ một xã hội mà nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(4); “cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa thế lực cách mạng trên thế giới còn gay go, quyết liệt”. 

Đại hội đề ra đường lối chung của cách mạng XHCN ở Việt Nam: “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội(5). Đường lối chung thể hiện nhận thức mới gồm 04 đặc trưng cơ bản là xây dựng chế độ làm chủ tập thể XHCN, nền sản xuất lớn, nền văn hóa mới, con người mới XHCN; coi chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động là công cụ để xây dựng CNXH.

Đảng ta cũng đã xác định đường lối xây dựng, phát triển kinh tế, trong đó nổi bật là: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ... vừa xây dựng kinh tế trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất; kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới”(6). Từ đó, Đại hội đề ra Kế hoạch nhà nước 5 năm (1976-1980) và nhiệm vụ cụ thể cho miền Bắc là tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN; miền Nam tiến hành cải tạo XHCN đồng thời với xây dựng quan hệ sản xuất XHCN. 

Thứ ba, thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa

“Thắng lợi mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi trọn vẹn và vững chắc của sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, mở ra giai đoạn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Trong khí thế mới, vị thế đất nước được nâng cao, nhân dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng; cả nước cùng thực hiện nhiệm vụ chiến lược cách mạng XHCN và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội IV, Đảng lãnh đạo tiến hành cải tạo XHCN đối với thành phần kinh tế công thương nghiệp tư bản tư doanh và cá thể ở miền Nam. Quốc hữu hóa các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tư bản nước ngoài; xây dựng hình thức xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh và xí nghiệp hợp tác, gia công. Xóa bỏ bóc lột ở nông thôn, hợp tác hóa nông nghiệp, đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể. Ở miền Bắc, tiến hành củng cố quan hệ sản xuất XHCN trong nông nghiệp, hợp tác xã mở rộng quy mô, tổ chức theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, cơ giới hóa. Đầu tư các ngành công nghiệp cơ bản trên cả nước.

Thứ tư, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Đất nước ta đã được hòa bình nhưng các thế lực trong và ngoài nước vẫn tiếp tục chống phá, gây trở ngại cho công cuộc xây dựng xã hội mới. Tháng 5-1975, quân Pôn Pốt từ Campuchia vượt biên giới sang tấn công, giết hại nhân dân. Ngày 31-12-1977, Kherme Đỏ đã tiến hành chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam. Việt Nam đã kiên quyết tiến công, đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Năm 1978, theo lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia, quân đội Việt Nam đã sang giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt phản động và chế độ diệt chủng, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh ngày 07-01-1979. Ngày 18-2-1979, Việt Nam và Campuchia ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Việt Nam với tinh thần quốc tế trong sáng đã hỗ trợ đất nước bạn hồi sinh dân tộc, ngăn chặn chế độ Pôn Pốt diệt chủng quay trở lại, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, giúp bạn khôi phục sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, được nhân dân Campuchia và thế giới ghi nhận. Cựu Quốc vương Norodom Sihanouk từng nói: “Nếu Việt Nam không đánh đuổi bọn Pôn Pốt thì tất cả mọi người Campuchia có thể đã bị chết. Khmer Đỏ có thể đã giết chết tất cả chúng ta. Chúng ta có thể nói rằng Đảng Nhân dân không mắc sai lầm khi đề nghị Việt Nam giúp đỡ chống Khmer Đỏ, bởi vì nếu chúng ta không được giải phóng khỏi bọn Pônpốt thì toàn dân tộc có thể đã bị tiêu diệt”(7).

Trong khi đó, tháng 2-1979, 60 vạn quân Trung Quốc đã tấn công ở biên giới phía Bắc Việt Nam. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, quân và dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Đến tháng 3-1979, quân đội Trung Quốc rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta đã đoàn kết, kiên quyết và giữ được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Cũng trong thời gian này, quân và dân ta đã đấu tranh thắng lợi chống lực lượng phản động có vũ trang ở Tây Nguyên (FULRO) và lực lượng phản động lưu vong xâm nhập về nước. Thời gian này, Mỹ và các thế lực thù địch thực hiện chính sách cấm vận, bao vây, cô lập.

Việt Nam xác định mối quan hệ với Liên Xô là hòn đá tảng, quan hệ giữa 03 nước Đông Dương là mối quan hệ sống còn.

Thứ năm, từng bước khảo nghiệm thực tiễn, tìm tòi đường lối đổi mới đất nước

Do những hạn chế của cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp, quan hệ sản xuất vượt quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, lại đầu tư công nghiệp không hiệu quả nên các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra đều không đạt, khủng hoảng kinh tế - xã hội, cần tìm đường lối đổi mới, khắc phục. Đảng ta đã nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn mô hình để từng bước đổi mới tư duy.

Bước đột phá thứ nhất: Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa IV (từ ngày 15 đến ngày 23-8-1979) đã chủ trương: Các chính sách phải thúc đẩy sản xuất bung ra, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất và các thành phần kinh tế làm ra nhiều của cải vật chất; chú trọng kế hoạch với thị trường, vận dụng các quan hệ thị trường; duy trì 5 thành phần kinh tế ở miền Nam.

Ngày 13-1-1981, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 100-CT/TW “Về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”. Trong công nghiệp, ngày 21-1-1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 25-CP về “Một số chủ trương và biện pháp nhằm tiếp tục phát huy quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh”. Quyết định số 26-CP về “Mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh của Nhà nước nhằm tạo động lực cho người lao động hăng hái lao động sản xuất”. Ngày 23-6-1980, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về cải tiến công tác phân phối lưu thông”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982)

Đại hội V của Đảng (năm 1982) đã nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới: “Một là, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; Hai là sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa(8). Hai nhiệm vụ chiến lược đó quan hệ mật thiết với nhau... “Trong khi không một phút lơi lỏng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta và nhân dân ta phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội”(9).

Thời điểm này có nhiều khó khăn, thách thức vì đất nước đang bị bao vây, cấm vận và khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đảng ta xác định công tác đối ngoại phải trở thành một mặt trận chủ động, tích cực trong đấu tranh nhằm làm thất bại chính sách của các thế lực hiếu chiến mưu toan chống phá cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, Đại hội đã có nhận thức mới về thời kỳ quá độ lên CNXH khi xác định: quá độ lên CNXH là một thời kỳ lịch sử lâu dài, trải qua nhiều chặng đường, với những bước đi cụ thể. Trong đó, chặng đường trước mắt thời kỳ 5 năm 1981-1985 và kéo dài đến năm 1990, lần đầu tiên đề cập đến chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ. Đại hội điều chỉnh nội dung, bước đi của công nghiệp hóa, trước hết tập trung phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; ra sức đẩy mạnh hàng tiêu dùng; tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng; khẳng định trong một thời gian nhất định ở miền Nam vẫn tồn tại 5 thành phần kinh tế gồm: quốc doanh, tập thể, công tư hợp doanh, cá thể và tư bản tư doanh. Tuy nhiên, những nhận thức mới của Đảng tại Đại hội V mới chỉ diễn ra trong khuôn khổ đổi mới bộ phận, từng phần trong quá trình từng bước tìm tòi đổi mới tư duy kinh tế và chỉ đạo thực tiễn của Đảng.

Bước đột phá thứ hai: Hội nghị Trung ương 8 khóa V (tháng 6-1985) họp bàn về lưu thông, phân phối giá - lương - tiền. Hội nghị khẳng định: không thể ổn định được tình hình kinh tế và đời sống, cân bằng được ngân sách và tiền mặt trong khi vẫn duy trì bao cấp theo giá và lương. Hội nghị chủ trương: Phải dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thực hiện đúng chế độ tập trung dân chủ, hạch toán kinh tế và kinh doanh XHCN.

Bước đột phá thứ ba: Tháng 8-1986, Hội nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã thảo luận và đưa ra kết luận ba vấn đề lớn về kinh tế thời kỳ quá độ:

Về cơ cấu kinh tế: Đảng chủ trương điều chỉnh lớn cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư theo hướng lấy nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, ra sức phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng phát triển có chọn lọc. Về cải tạo xã hội chủ nghĩa: Đây là nhiệm vụ phải tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH. Trong thời kỳ quá độ lên CNXH, tồn tại nhiều thành phần kinh tế; kinh tế XHCN (quốc doanh và tập thể) giữ vai trò chủ đạo. Về cơ chế quản lý: Đảng chủ trương lấy kế hoạch hóa làm trung tâm, sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hóa - tiền tệ, dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, vận dụng quy luật giá trị, thực hiện cơ chế một giá. Trên cơ sở những quan điểm của Bộ Chính trị, tháng 11-1986, Hội nghị Trung ương 11 khóa V thông qua Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng - xác định đường lối đổi mới.

2. Thành tựu và hạn chế

Về thành tựu

Thứ nhất, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược là xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam XHCN hòa bình, độc lập, thống nhất; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH.

Thứ hai, xác định đúng 03 đặc điểm của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hộibỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đưa ra bước điều chỉnh, phân kỳ trong xây dựng CNXH khi xác định nhiệm vụ chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ. Xác định lý luận mới về cơ cấu kinh tế, cách thức thực hiện, tạo tiền đề hoàn thiện về con đường đi lên CNXH.

Thứ ba, đất nước hoàn thành quá trình thống nhất về mặt nhà nước, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội sau 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng đất nước.

Thứ tư, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia, bảo vệ thành quả cách mạng; làm thất bại âm m¬ưu chống phá Đảng, mưu đồ bạo loạn lật đổ chính quyền nhà nước của các thế lực phản động.

Thứ năm, Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế đối với Campuchia. Thắt chặt quan hệ quốc tế với Lào, Campuchia. Việt Nam gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế SEV, tháng 9-1979 trở thành thành viên của IMF, WB, ADB, tăng cường quan hệ với Liên Xô, mở rộng quan hệ với 23 nước tư bản chủ nghĩa. Từng bước tiến tới phá vỡ thế bao vây, cấm vận.

Thứ sáu, kết quả trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả nhất định: Sản xuất lương thực có bước phát triển, tăng từ 13,4 triệu tấn trong các năm 1976-1980 lên 17 triệu tấn những năm 1981-1985. Sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 1981-1985 tăng bình quân 9,5%/năm so với 0,6%/năm trong giai đoạn 1976-1980. Cơ sở vật chất - kỹ thuật được tăng cường trên cả nước, với những công trình quan trọng trên các lĩnh vực điện, cơ khí, luyện kim, dầu khí, thủy lợi, làm tiền đề cho công cuộc đổi mới sau này. Đặc biệt, từ năm 1979, trước khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, trong đó điểm nổi bật là sự không phù hợp của cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp trong hoàn cảnh lịch sử mới của đất nước, Đảng đã từng bước khảo nghiệm thực tiễn, tìm tòi đổi mới tư duy kinh tế, cơ bản hình thành đường lối đổi mới đất nước. Đó là cơ sở lý luận để hình thành đường lối đổi mới đất nước.

Về hạn chế

Mô hình CNXH với cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, kế hoạch hóa cao độ đã bộc lộ nhiều khuyết tật, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và xu thế phát triển của thế giới trong giai đoạn 1975-1986.

Trong chỉ đạo thực tiễn của Đảng bộc lộ nhiều hạn chế, do đó tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn: Sản xuất tăng chậm, không tương xứng với điều kiện tự nhiên và nguồn lực lao động; không đáp ứng được yêu cầu cải thiện đời sống nhân dân; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; tài nguyên của đất nước chưa được khai thác tốt, bị sử dụng lãng phí; phân phối lưu thông rối ren; vật giá tăng nhanh, ngân sách thiếu hụt; lạm phát tăng cao.

Quan hệ sản xuất XHCN chậm được củng cố, vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh suy yếu. Đời sống nhân dân, nhất là công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang gặp nhiều khó khăn. Các hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển, công bằng xã hội bị vi phạm, pháp luật, kỷ cương không nghiêm minh. Quần chúng nhân dân suy giảm lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Về nguyên nhân, nguyên nhân khách quan của những hạn chế nêu trên là do xuất phát điểm của cả n¬ước khi quá độ lên CNXH thấp, đồng thời chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tăng cường phá hoại nhiều mặt. Nguyên nhân chủ quan là trong lãnh đạo và chỉ đạo, Đảng và Nhà nước phạm sai lầm trong việc xác định mục tiêu, bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, bố trí cơ cấu kinh tế, trong cải tạo và sử dụng các thành phần kinh tế; nóng vội, chủ quan, duy ý chí, nhận thức giản đơn về CNXH. Công tác nghiên cứu lý luận còn trì trệ so với yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Việc thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH từ năm 1975 đến năm 1986 cơ bản đã đạt được những thành tựu trên thực tiễn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã bước đầu xây dựng được những cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu của CNXH, giữ gìn thành quả cách mạng, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, ứng phó thành công trước sự chống phá của các thế lực thù địch.

Trước những khó khăn trong bước đầu đi lên CNXH trên phạm vi cả nước, Đảng và nhân dân ta đã từng bước tìm tòi, khảo nghiệm, tìm bước đi phù hợp trong thời kỳ quá độ lên CNXH; đồng thời, giữ gìn độc lập, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, tạo điều kiện để xây dựng xã hội mới. Thực tế cho thấy, độc lập dân tộc là cơ sở, tiền đề để xây dựng CNXH, là điều kiện để bảo đảm nền độc lập dân tộc vững chắc.

Những thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong quá trình hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH giai đoạn trước đổi mới 1975-1986 chính là những cơ sở thực tiễn và cơ sở lý luận quý báu giúp cho Đảng ta trưởng thành và vững vàng hơn trong lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước, tiếp tục kiên định mục tiêu mà Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn, xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam.

_________________

Ngày nhận bài: 1-8-2023; Ngày bình duyệt10-10-2023; Ngày duyệt đăng: 16-9-2023.

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.2.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.391.

(3), (4), (5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 145, 988, 523-524, 524.

(7) https://vtc.vn/con-trai-thu-tuong-hun-sen-the-gioi-lam-ngo-3-trieu-nguoi-campuchia-chet-duoi-tay-khmer-do-chi-co-viet-nam-giup-do-ar500783.html.

(8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 43, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 53, 57.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền