Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Thứ sáu, 26 Tháng 4 2024 00:00
598 Lượt xem

Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc

TS LÊ TRUNG KIÊN
 
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

(LLCT) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng sinh động về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần đoàn kết và nghị lực của con người Việt Nam, ghi nhận tinh thần anh dũng, bất khuất và hết mực hy sinh nhân lực, vật lực của đồng bào các dân tộc Tây Bắc cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng, để có chiến thắng “chấn động địa cầu”.
 

Đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái góp công, góp sức mở đường ra chiến dịch_ Ảnh tư liệu

Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” năm 1954 đã đi vào lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”(1). Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ của toàn dân, toàn quân do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, ghi nhận công lao to lớn của thanh niên và đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó, đã đóng góp nhân lực, vật lực, hy sinh cho kháng chiến, vớitinh thần quyết chiến, quyết thắng thực dân Pháp xâm lược.

1. Tinh thần yêu nước, đoàn kết chống xâm lược trong mọi hoàn cảnh

Tây Bắc là một vùng chiến lược quan trọng, bởi nếu làm chủ địa bàn Tây Bắc thì quân ta bảo vệ vững chắc khu trung tâm đầu não kháng chiến Việt Bắc, tạo thành một thế liên hoàn nối liền hậu phương và tiền tuyến, giữa các tỉnh thuộc Liên khu 3 và Liên khu 4 gắn với thế mạnh của địa hình rừng núi hiểm trở “thuận cho đường tiến, lợi cho đường thoái”, lại giáp với Lào ở phía Tây (tỉnh Phông xa lỳ và tỉnh Sầm Nưa) và giáp với Trung Quốc ở phía Bắc (tỉnh Vân Nam) tạo thuận lợi trong quan hệ quốc tế và sự ủng hộ của quốc tế trong kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Được Mỹ ủng hộ và chi viện, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương là Hăngri Nava đã đệ trình với Chính phủ Pháp một chương trình hành động cụ thể nhằm thay đổi tình hình ở Đông Dương để chấm dứt chiến tranh trên thế mạnh. Kế hoạch chiến lược của Nava dự kiến hoàn thành trong 18 tháng và chia làm hai bước gồm: Bước 1, thực hiện trong chiến cuộc 1953 - 1954; bước 2, từ mùa khô 1954 trở đi đã đạt được ưu thế về lực lượng cơ động chiến lược. Được đà, ngày 22-10-1953, Thủ tướng Pháp Lanien đã tuyên bố: “Kế hoạch Nava chẳng những được Chính phủ Pháp mà cả những người bạn Mỹ cũng tán thành. Nó cho phép hy vọng đủ mọi điều”(2).

Từ đó, quân đội Pháp được tăng viện nhanh chóng, kể từ nửa cuối năm 1953, Pháp đã huy động được 480.000 quân. Đến đầu 1954, tổng số bộ binh lên đến 267 tiểu đoàn và khoảng 300 máy bay chiến đấu, máy bay vận tải quân sự. Đây được coi là “quả đấm chiến lược”, được Ngoại trưởng Mỹ Đalét đánh giá: “Kế hoạch Nava trong hai năm tới, nếu không phải là một thắng lợi hoàn toàn thì ít nhất cũng thu được kết quả nhất định về quân sự”(3).

Với sự giúp sức của Mỹ, từ giữa tháng 11-1953, thực dân Phápđã xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với tổng số quân hơn 16.000 quân, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 2 tiểu đoàn và 3 đại đội pháo lớn, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay, tổ chức thành 8 cụm với 46 cứ điểm. Việc Nava quyết định giao chiến ở Điện Biên Phủ do đánh giá chủ quan về quân ta không có khả năng đánh một tập đoàn cứ điểm, lại không thể đưa vũ khí hạng nặng và tiếp tế từ miền xuôi lên Điện Biên Phủ.

Thời điểm này, trên địa bàn Tây Bắc có khoảng 44 vạn dân cư trú gồm nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số: Thái, Mông, Mường, Dao, Hà Nhì... Trong đó, dân tộc Thái khoảng 200.000 người, dân tộc Mông khoảng 70.000 người, Tày có 47.000 người, Mường có 36.000 người. Các dân tộc thiểu số sống xen kẽ nhau nên rất đoàn kết và có đặc điểm chung của dân tộc Việt Nam là tinh thần yêu quê hương đất nước, “chung lưng đấu cật”, đoàn kết chống thiên tai, địch họa.

Từ tháng 8-1953, địch tung nhiều toán biệt kích (chủ yếu là những tên tay sai người địa phương) xuống vùng giải phóng của khu Tây Bắc để móc nối, nhen nhóm thổ phỉ. Chỉ trong vài tháng, chúng đã tănglực lượng lên gần 4.000 tên, chiếm giữ nhiều vị trí then chốt ở các tỉnh thuộc Tây Bắc.

Ngày 20-11-1953, trước khi cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, thực dân Pháp cho quân san phẳng mọi chướng ngại vật và lấy đó làm nguyên vật liệu xây dựng tập đoàn cứ điểm cũng như tạo thuận lợi phục vụ tầm nhìn và tầm tác xạ của hỏa lực. Địch dồn dân vào trại tập trung Noong Nhai gồm hơn 3.000 người, phần lớn là đồng bào dân tộc Thái từ các xã: Thanh An, Sam Mứn, Thanh Xương và Noong Hẹt. Dưới sự giám sát chặt chẽ và hà khắc của lính Pháp và tay sai, bình quân mỗi tháng hai lần các gia đình được cử người về bản cũ lấy lương thực, thực phẩm vào trại.

Cuộc sống của nhân dân trong trại tập trung không khác gì nơi địa ngục trần gian: phụ nữ bị hãm hiếp, đàn ông bị bắt đi phu, đi lính và làm “bia đỡ đạn”thay cho địch, đói khát và bệnh tật hoành hành dữ dội mà chẳng có bất cứ một thứ thuốc chữa nào.

Địch thực hiện chính sách “đốt sạch, phá sạch”, “tất cả những nhà bằng tre gỗ của dân chúng tản cư đều phải phá dỡ, làmvật liệu cho công binh thu về làm hầm trú ẩn”. Hình thái chiến tranh của thực dân Pháp ngày càng uy hiếp nghiêm trọng đến nhân dân các dân tộc khu Tây Bắc, nhưng tinh thần yêu nước và nhiệt thành cách mạng của đồng bào các dân tộc và thanh niên Tây Bắc ngày càng lên cao. Trước sự bạo tàn,vô nhân đạo của địch, nhân dân càng quyết tâm “quét sạch” bọn thực dân tàn bạo, giữ vững cuộc sống yên ổn, hòa bình.

Cuối tháng 9-1953 tại bản Tỉn Keo (thuộc thôn Lục Giã, dưới chân núi Hồng, huyện Định Hóa, Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình địch, Người nhấn mạnh: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn” - bàn tay Người mở ra, mỗi ngón tay chỉ về một hướng. Kết thúc cuộc họp, Người nói: “Phương hướng chiến lược không thay đổi”. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hành động có thể thay đổi. Phép dùng binh là thiên biến vạn hóa(4)...

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi nghe Tổng Quân ủy báo cáo, nhận định tình hình và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 01-1-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch, trong đó Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã có sự chuẩn bị kỹ càng và coi việc đi phục vụ tiền tuyến là một vinh dự, một nhiệm vụ cao quý. Dù muôn vàn khó khăn, tổn thất, nhân dân vẫn luôn hăng hái, phát huy tinh thần yêu quê hương bản làng và đoàn kết với nhau trong mọi công tác kháng chiến. Chính trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng đều mang chiến lược đại đoàn kết toàn dân và tính chất nhân dân sâu sắc, “là điển hình thành công của việc quán triệt và tổ chức thực hiện tư tưởng chiến tranh toàn dân, toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta”(5).

2. Sẵn sàng quyết chiến theo đường lối chiến thuật của Đảng

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy những khó khăn về trang bị cho bộ đội và hậu cần chưa bảo đảm kịp thời, đồng thời, thận trọng cân nhắc và theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình mặt trận nên đã nhất quán quyết định: “Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại thì hết vốn”(6).

Ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết tiếp tục thấu triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, đề cao quyết tâm tích cực giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ; Nghị quyết nêu rõ: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này. Toàn thể cán bộ và đảng viên ở các đơn vị và cơ quan, ở mặt trận Điện Biên Phủ phải nhận rõ vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong chiến dịch lịch sử này, đồng thời làm cho toàn thể chiến sĩ thấu triệt quyết tâm của Trung ương, tích cực phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng và chịu đựng gian khổ, giành toàn thắng cho chiến dịch”(7).

Ngày 21-4-1954, Ban Bí thư Trung ương gửi thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục thúc đẩy công tác hậu cần bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến, trong đó khẳng định: “Bộ Chính trị đã đôn đốc Hội đồng cung cấp và các khu, các tỉnh thực hiện cho được việc động viên nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch”(8).

Trên cơ sở thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đồng chí Võ Nguyên Giáp phổ biến tinh thần cách mạng, xác định và hoàn thành các nhiệm vụ: “tiêu diệt sinh lực địch”, “tranh thủ nhân dân”, “chúng ta phải sửa đường, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, anh dũng chiến đấu, chịu đói, chịu rét, trèo đèo lội suối, đi xa vác nặng, tìm đến tận sào huyệt quân địch để tiêu diệt chúng, để giải phóng đồng bào ta”(9).

Hưởng ứng tích cực chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lực lượng bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân quân du kích và đồng bào Tây Bắc đều có khí thế cách mạng, ai ai cũng hối hả băng rừng, vượt núi, trèo đèo, lội suối làm nhiệm vụ phục vụ mặt trận. Các bước chiến thuật bao vây, đánh lấn của quân và dân ta trong các đợt tấn công tại Điện Biên Phủ bao gồm “vây - lấn - tấn - phá - triệt - diệt” rất hiệu quả.

Trong từng trận đánh, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, bộ đội phối hợp thanh niên, dân quân tại chỗ nắm chắc địa bàn, địa hình, địa mạo để vừa vây lấn vừa tiến công, đánh chiếm các cứ điểm, cụm cứ điểm, vừa phòng ngự, bám trụ đánh địch phản kích, tạo bàn đạp đánh chiếm các mục tiêu tiếp theo.

“Chúng ta phát triển lực lượng du kích mạnh mẽ rộng khắp, thành một “thiên la địa võng”, giặc đi đến đâu là bị tiêu diệt đến đó, thì giặc nhất định thua, ta nhất định thắng”(10), “ta nhất định thắng, địch nhất định thua”(11). Đó chính là tư duy của Hồ Chí Minh và của Đảng về phát triển nghệ thuật chiến tranh nhân dân(12) tạo sức mạnh kháng chiến; kết hợp tác chiến giữa tiến công và phòng ngự là hình thức tác chiến mới, biểu hiện sự phát triển linh hoạt, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

Yên Bái trở thành hậu phương trực tiếp của chiến dịch, con đường 13A trở thành mạch máu giao thông chính nối liền căn cứ địa Việt Bắc với Điện Biên Phủ. Địch đánh phá dữ dội dọc đường 13A và đường từ Ba Khe nối với Đường 41, tinh thần dũng cảm bám giữ đường của quân và dân Tây Bắc luôn giữ vững... Hàng vạn dân công cùng dân quân du kích khu Tây Bắc đã dũng cảm vượt qua “mưa bom, bão đạn”, suối sâu, đèo cao vận chuyển hơn 22.370 tấn hàng hóa vào Điện Biên Phủ.

Trên địa bàn Lào Cai, Đại đội 956 bộ đội địa phương phát huy vai trò nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, tích cực chiến đấu giải phóng Sa Pa, Mường Vi, Bình Lư, Tam Đường, phá vỡ vòng vây của phỉ đối với thị xã Lào Cai, các thị trấn Sa Pa, Bát Xát và huyện Phong Thổ, đánh tan các ổ phỉ dọc đường từ Lào Cai đi Lai Châu.

Tại Lai Châu, lực lượng vũ trang trong khu vực mới giải phóng tập trung ổn định đời sống nhân dân, tuyên truyền chính sách của Đảng và Chính phủ, xây dựng cơ sở, càn quét tàn binh, thổ phỉ, việt gian phản động, đập tan âm mưu chia rẽ của địch... Quân và dân Lai Châu tích cực bảo vệ các mục tiêu quan trọng, diệt tề trừ gian, chống càn, bảo đảm an toàn cho cán bộ Trung ương và bộ đội chủ lực trinh sát mục tiêu, chỉ đạo mặt trận.

Tại ngã ba chiến lược Cò Nòi (Mai Sơn), thanh niên và các dân tộc Sơn La không để mạch máu giao thông bị tắc nghẽn dù chỉ một giờ... 

Nhiều tấm gương cán bộ chiến sĩ tiêu biểu, nhiều thanh niên dân tộc và đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc. Những tên tuổi còn rất trẻ đã anh dũng hy sinh như: “Dũng sĩ đâm lê” Hoàng Văn Nô (dân tộc Tày) trong trận Tà Lèng; Anh hùng Phan Tư hy sinh trên dòng suối Nậm Na; họa sĩ Tô Ngọc Vân; Phùng Văn Khầu (dân tộc Nùng); Lưu Viết Thoảng; Đinh Văn Mẫu;…

Cũng chính từ Chiến dịch Điện Biên Phủ đã ghi dấu những kỷ lục, những câu chuyện lịch sử hào hùng như: “anh hùng phá thác”, “kỷ lục đào hầm đánh địch”, “ngâm giá trên vai”, “dốc bảy tời”, cuộc vận động “ba tốt”, khẩu hiệu “ba không” khi chăm sóc thương binh,…

Sau này, có nhiều câu chuyện, tấm gương anh hùng liệt sĩ và những thanh niên, đồng bào các dân tộc Tây Bắc trở thành nhân vật trong các thể loại văn hóa - nghệ thuật như: sân khấu có Mối tình Điện Biên, bài hát Hò kéo pháo, Chiến thắng Điện Biên, Bế Văn Đàn sống mãi; kịch nói Bài ca Điện Biên; phim truyện Hoa ban đỏ, phim tài liệu Việt Nam trên đường thắng lợi; văn học có các tác phẩm: Cao điểm cuối cùng, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Cánh đồng phía Tây, Đánh lấn, Ánh sáng trong rừng sâu;…

Sức mạnh vĩ đại của toàn quân, toàn dân ta đã làm nên thắng lợi trong lịch sử. Chính vì thế, đã trả lời cho câu hỏi là tại sao một viên tướng có nhãn quan chiến lược như Nava lại không thấy được vấn đề? Có nhiều nguyên nhân, nhưng về cơ bản “là y không đánh giá nổi tinh thần quyết chiến quyết thắng của toàn dân, toàn quân, toàn Đảng ta đã khắc phục mọi khó khăn để thực hiện bằng được những việc thần kỳ mà y không thể nào ngờ rằng ta lại có thể làm được. Đó là cái bi kịch lớn trong đời làm tướng của y”(13).

3. Vượt mọi khó khăn, tích cực ủng hộ nhân lực, vật lực cho cách mạng

Thực dân Pháp và tướng Nava tính toán rằng, ta không thể mở được đường vận chuyển cơ giới trên vùng Tây Bắc, do vậy sẽ không thể cung cấp đủ lương thực cho hàng vạn người chiến đấu lâu dài ở đây. Nava đánh giá, vào mùa mưa, quân và dân ta sẽ thiếu thốn lương thực và phải đối phó với nạn dịch, sẽ không còn đủ sức chiến đấu. Thực tế, việc cung cấp tiếp tế gặp khó khăn nhất định, bởi điều kiện tiền tuyến cách xa hậu phương 400 - 500 km, thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đường sá hư hỏng, phải bảo đảm bí mật trong việc cung cấp một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực, thực phẩm một cách nhanh chóng và liên tục trong nhiều tháng ngày.

Trong báo cáo của Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì ngày 6-12-1953 về quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ có nêu rõ nhu cầu nhân lực, vật lực là: “Số dân công phải huy động từ trung tuyến trở lên khoảng chừng 14.500, gồm cả dân công theo đơn vị, vận tải xe đạp và khuân vác, chưa kể số dân công của Hội đồng cung cấp mặt trận…(so với kế hoạch đánh Nà Sản số dân công dự trữ lên đến 30.000 người)… Gạo: từ trung tuyến trở ra: 4.200 tấn, chưa kể số gạo phải huy động cho dân công của Hội đồng cung cấp mặt trận. Trong số 4.200 tấn gạo trên đây, sẽ tận dụng khả năng ở địa phương Tây Bắc, còn lại sẽ lấy ở Phú Thọ và ở Thanh Hóa,… Lương thực: cần 100 tấn rau khô, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường… Đạn dược: nhu cầu độ 300 tấn… Ngoài ra còn phải huy động thêm độ 3.000 xe đạp. Như trên đã nói, căn cứ vào tình hình địch và binh lực sử dụng, và nhu cầu nhân, vật lực và giao thông vận chuyển, chiến dịch này là một chiến dịch rất lớn từ trước đến nay, ta có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện chủ trương của Trung ương, nhưng đồng thời cũng có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề cung cấp, mà chủ yếu là vấn đề đường sá(14).

Thanh niên và đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã biến vùng Tây Bắc vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến và luôn luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, vững tin vào chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch lịch sử này. Công tác hậu cần, tiếp tế hướng về Điện Biên Phủ đều sử dụng sức người là chính, đồng bào đều thi đua phục vụ chiến dịch. Họ đã tích cực ủng hộ nhân lực, vật lực cho kháng chiến thắng lợi.

Được sự giúp đỡ của đồng bào, nhất là thanh niên các dân tộc Tây Bắc, quân và dân ta đã mở rộng và sửa chữa nhiều tuyến đường huyết mạch dẫn từ nhiều phía hướng về Điện Biên Phủ và đi các nơi thuận tiện cho công tác hậu cần. Đó là các tuyến đường từ Tạ Khoa đi Cò Nòi, từ Ba Khe sang Việt Bắc, từ Hòa Bình lên Suối Rút (200 km), từ Suối Rút đến Sơn La, từ Yên Bái tới Sơn La (300 km), mở đường từ Mường Luân - Nà Sang,…

Trong quá trình mở đường từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ (89 km), có chiến sĩ Tào Tư (thuộc D555) đã lập kỷ lục quai búa liên tục được 2.800 búa (loại 5 kg) khi đục đá mở đường, trong khi thông thường một người chỉ quai được 20 búa thì phải nghỉ lấy sức.

Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, thanh niên các dân tộc Tây Bắc cùng quân dân ta sử dụng chủ yếu phương tiện vận chuyển thô sơ nhưng rất hiệu quả trên đường núi cao, dốc thẳm. Có sáng kiến lấy quần dài, áo ngoài của anh em thanh niên rồi quấn vòng quanh xăm lốp xe đạp để tăng sức chịu đựng cho xe thồ mỗi chuyến nặng trung bình từ 150 đến hơn 200 kg. Thanh niên có kỷ lục thồ cao nhất là Ma Văn Thắng (352 kg) và Cao Văn Ty (320 kg). Đó là sức mạnh phi thường của đồng bào các dân tộc góp phần làm nên chiến thắng.

Vì thế mà ký giả G. Roa đánh giá rằng: “Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy… Tướng Nava bị thua chính là những chiếc xe đạp thồ những kiện hàng từ 200 đến 300 kg, được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh ni lông trải trên đất. Không phải là phương tiện nào khác đã đánh bại Tướng Nava mà chính là trí thông minh, cái ý chí quyết thắng của đối phương đã quật ngã ông ta”(15).

Mặc dù Tây Bắc có điều kiện dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, tự cung tự cấp là chủ yếu, lại bị thực dân đánh phá thường xuyên nên phải chịu nhiều tổn thất, nhưng với ý chí cách mạng cao độ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã nỗ lực đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Nhiều thanh niên dân tộc tự giác tham gia cách mạng, nhiều gia đình nhịn bữa hoặc ăn sắn, ăn khoai để dành gạo gửi ra mặt trận. Nhiều gia đình đã vét những hạt thóc giống cuối cùng để phục vụ chiến dịch. Nhiều phụ nữ xưa nay vốn chỉ ở nhà lo nội trợ, nghe theo tiếng gọi của Đảng cũng nô nức lên đường, chẳng quản gian khổ, hiểm nguy cùng với nam giới mở đường, gánh gạo, cấp dưỡng, tải thương...

Theo thông tin của Hội đồng cung cấp mặt trận công bố ngày 10-7-1954, phục vụ cho mặt trận Điện Biên Phủ tổng số là 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác; trong đó, nhân dân Tây Bắc đã dồn tâm huyết và vật lực cho bộ đội 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700 - 800 tấn rau xanh, trong đó có rau cải của người Mông. Riêng lượng gạo mà nhân dân Tây Bắc đóng góp chiếm khoảng 27% số lượng phải huy động cho toàn chiến dịch và chiếm 47% lượng gạo sử dụng ngay tại mặt trận. Đó là chưa kể số lương thực mà nhân dân các bản mường trực tiếp đưa đến ủng hộ các đơn vị.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã huy động 261.451 dân công miền ngược, miền xuôi, với 18.301.570 ngày công tham gia phục vụ chiến dịch; quân và dân các địa phương đã huy động 22.000 lượt xe đạp thồ, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và xe trâu, 628 chiếc ô tô vận tải, 11.800 thuyền (gồm canô, thuyền buồm, thuyền độc mộc, 1.800 mảng nứa)…,đã vận chuyển 30.759 tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân dụng... tham gia.

Trong đó, riêng nhân dân Tây Bắc huy động 31.818 dân công ngắn hạn, 1.296.078 công làm cầu đường và 914 ngựa thồ phục vụ chiến dịch. Từ trên núi cao, nhiều vợ chồng, nhiều gia đình đồng bào cùng xuống núi, dắt theo ngựa và các phương tiện khác của gia đình để chuyển gạo, tải rau, thịt, muối, phục vụ quân ta đánh địch... Đây quả là một kỳ tích phi thường, sự vĩ đại của quân và dân ta, trong đó có thanh niên và đồng bào Tây Bắc.

Kết quả đó khẳng định vai trò to lớn của hậu phương, hậu cần tại chỗ; khẳng định tinh thần yêu nước nồng nàn của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Đúng như nhận xét trong báo cáo của Hội đồng Cung cấp Mặt trận Trung ương: “chẳng những địch phải khiếp sợ, mà chúng ta cũng phải ngạc nhiên. Nó nói lên sức vĩ đại của nhân dân ta, nó làm cho chúng ta càng thêm tin tưởng cách mạng có sức mạnh vô địch”(16).

Sau 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ và anh dũng, từ ngày 13-3 đến 7-5-1954, với 3 đợt tiến công, quân và dân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt 16.200 tên địch: gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn trọng pháo và súng cối nặng, 10 đại đội bổ sung người Thái và các đơn vị cơ giới, vận tải, phòng không, không quân, các cơ quan chỉ huy và trực thuộc…, 1 thiếu tướng, 16 quan năm, 353 sĩ quan từ quan một đến quan tư và 1.396 hạ sĩ quan; hạ 62 máy bay các loại; thu toàn bộ vũ khí, kho tàng trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, gồm: 28 cỗ đại bác 105 và 155 ly, 10 súng phun lửa, 64 xe các loại, 542 máy vô tuyến điện, 5.915 súng các loại, 20.000 lít dầu xăng, 21.000 chiếc dù, 20 tấn thuốc và dụng cụ y tế, 51 máy các loại…

Đồng bào Tây Bắc phối hợp, với hơn 20 nghìn thanh niên xung phong và lực lượng vũ trang Tây Bắc đã giải phóng phần lớn đất đai với 25 vạn dân và mở rộng căn cứ địa, đập tan kế hoạch chiếm đóng, bình định lâu dài và thủ đoạn thâm độc của thực dân Pháp, bảo vệ thành quả cách mạng, đồng bào các dân tộc Tây Bắc càng có điều kiện sản xuất và đóng góp cho kháng chiến chống đế quốc Mỹ sau này. 

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi và vang vọng mãi trong lịch sử Việt Nam về tinh thần yêu nước, đoàn kết chống thực dân của quân ta, dân ta và đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã vượt mọi khó khăn, tích cực ủng hộ nhân lực, vật lực cho cách mạng, sẵn sàng quyết chiến quyết thắng theo đường lối chiến thuật của Đảng. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đúc kết rằng: “Quân ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ, đó là nhờ tinh thần tích cực phục vụ tiền tuyến của anh chị em dân công, của đồng bào Tây Bắc và đồng bào hậu phương. Thay mặt bộ đội, tôi xin tỏ lòng biết ơn toàn thể anh chị em dân công, biết ơn toàn thể đồng bào”(17). Đó cũng là thắng lợi vẻ vang của chiến tranh nhân dân gắn với thế trận lòng dân - “một công trình vĩ đại”sẽ mãi mãi được nhắc tới của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Từ ghi nhận những công lao của những chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc năm xưa để luôn nhắc nhớ mỗi thế hệ người Việt Nam phải biết trân trọng những giá trị lịch sử, biết kính trọng những người đã cống hiến hy sinh vì nền độc lập, biết tôn trọng từ lịch sử đến hiện tại để tiếp nối, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, của đồng bào các dân tộc và thanh niên Tây Bắc đã cống hiến. Đó cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. “Tất cả chúng ta biết rằng, dù lịch sử phải sang trang, nhưng chưa có trang sử nào - dù vinh quang hay thảm khốc nhất - có thể viết lại được. Chấp nhận quá khứ tức là chấp nhận mình, đó là một nghĩa vụ đối với tất cả chúng ta”(18)- như A. Puiliớt (Đại sứ Pháp tại Việt Nam) đã phát biểu trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện Điện Biên Phủ.

_________________

Ngày nhận bài: 20-3-2024; Ngày bình duyệt: 28-3-2024; Ngày duyệt đăng: 24-4-2024.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14,Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.315.

(2), (3), (14), (15) Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sự kiện và hỏi đáp, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.19, 23, 115-116, 53.

(4), (10) Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t.5, tr. 301, 337.

(5) Chiến thắng Điện Biên Phủ cột mốc vàng lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 97.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, t.14, tr. 59.

(7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.15, Sđd, tr.88-89, 93.

(9), (17) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 268, 314.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr. 413.

(12) Nguyễn Bá Dương (Chủ biên): Thế trận lòng dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.15.

(13) Hoàng Minh Thảo (Chủ biên): Điện Biên Phủ trận thắng thế kỷ, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 255.

(16) Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Bộ Lao động, hồ sơ 663, Báo cáo số 893-BC, ngày 10-7-1954 của Hội đồng Cung cấp Mặt trận Trung ương về công tác phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ tờ 45-87, Hà Nội, tr.861.

(18) Điện Biên Phủ từ góc nhìn của các nhà khoa học Việt - Pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.14.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền