Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Vận dụng bài học về khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Chủ nhật, 05 Tháng 5 2024 07:02
770 Lượt xem

Vận dụng bài học về khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

 

PGS, TS PHẠM ĐỨC KIÊN
THS CAO THỊ HIỆU
 
Học viện Chính trị khu vực III

(LLCT) - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ thắng lợi Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu đã được đúc rút, trong đó bài học về sự chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết chí giành thắng lợi nhằm hiện thực hóa khát vọng độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Bài học kinh nghiệm đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
 

Lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy của Tướng Đờ Cátxtơri ngày 7-5-1954_Ảnh tư liệu

1. Chiến thắng Điện Biên Phủ - Thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân

Nói đến “khát vọng”, “ý chí quyết tâm” là nói đến yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn hết sức lực, trí tuệ, sự chủ động, sáng tạo để đạt được mục tiêu đề ra; là nguồn động lực có sức mạnh to lớn để mỗi người thực hiện thành công những nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt được ước mơ, hoài bão của mình; không khuất phục trước mọi khó khăn, thử thách. Với ý nghĩa đó, suy rộng ra trên bình diện quốc gia, dân tộc, đó là ý chí, bản lĩnh quyết tâm, quyết chí đấu tranh vì hòa bình, độc lập của dân tộc; là sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo đường lối đấu tranh của chính đảng cầm quyền; là động lực để huy động mọi tầng lớp nhân dân phát huy cao nhất sức mình nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong từng giai đoạn, từng thời điểm lịch sử cụ thể. 

Việt Nam, ở thời điểm đầu năm 1954, trước yêu cầu đặt ra là “phải đánh cho thắng”, đã thấy một khát vọng Việt Nam trỗi dậy mạnh mẽ và được biểu hiện trên nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, Điện Biên Phủ - nơi thể hiện ý chí, bản lĩnh quyết tâm, quyết chí đấu tranh vì khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc

Mùa Hè năm 1953, thực dân Pháp triển khai Kế hoạch Nava. Ngày 20-11-1953, Pháp đã điều 6 tiểu đoàn nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ và quyết định tập trung lực lượng xây dựng ở đây tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương hòng tiêu diệt quân chủ lực của Việt Nam, giành thắng lợi quân sự lớn để kết thúc chiến tranh. Ngày 25-11-1953, theo lệnh của Nava, 6 tiểu đoàn đánh chiếm Mường Ngòi, Mường Khoa, xây dựng phòng tuyến sông Nậm U để nối liền Thượng Lào với Điện Biên Phủ. Ngày 30-11-1953, Đại tá Đờ Cátxtơri được bổ nhiệm Chỉ huy quân đồn trú ở Điện Biên Phủ.

Đến đầu tháng 12-1953, lực lượng phòng giữ Điện Biên Phủ của Pháp đã tăng từ 6 tiểu đoàn lên 9 tiểu đoàn bộ binh và 3 tiểu đoàn pháo, được bố trí thành 49 cứ điểm, 8 cụm, chia làm 3 phân khu (Phân khu Bắc, Phân khu Trung tâm, Phân khu Nam). Mỗi cụm có hệ thống hỏa lực nhiều tầng, hệ thống hầm ngầm che chắn ngang dọc, sở chỉ huy, bao bọc bởi thép gai dày 50m đến 200m với vô số các loại mìn. Hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với phi đội 12 chiếc máy bay bảo đảm sự chi viện bằng đường hàng không. Thêm vào đó là sự yểm trợ của Mỹ ở các sân bay Gia Lâm, Cát Bi.

Chứng kiến sự đồ sộ và vô cùng kiên cố của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, từ Thủ tướng Pháp Lanien đến tướng Nava và cả Đờ Cátxtơri đều tin chắc rằng quân Việt Minh sẽ không dám tiến công Điện Biên Phủ và nếu tiến công thì sức mạnh của Pháp ở Điện Biên Phủ sẽ nghiền nát quân chủ lực của Việt Minh. Nava đã rất tự tin khi khẳng định rằng: “Điện Biên Phủ là tập hợp những gì được phòng thủ mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương”. Tướng Blăng - Tham mưu trưởng Lục quân Pháp khẳng định “đấy là một Véc-đoong(1) ở Đông Nam Á”; Tướng Đanien - Trưởng phái đoàn cố vấn và viện trợ quân sự Mỹ cho Pháp sau chuyến thị sát 6 tuần, “ông ta lên tất cả các điểm tựa, chui vào hầm cố thủ, kiểm tra từng ụ pháo” và khẳng định “Việt Minh chắc chắn sẽ bị đè bẹp”; Đờ Sơvinhê, Thứ trưởng Bộ chiến tranh Pháp huênh hoang khẳng định “Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm”.

Nếu chỉ nhìn vào tương quan so sánh lực lượng của hai bên thì sự tin tưởng của tướng lĩnh Pháp là hoàn toàn có cơ sở. Ở thời điểm năm 1954, quân Pháp có ưu thế về binh lực và hỏa lực: “Số quân Pháp và tay sai là 444.900 người trong khi quân đội ta chỉ có 238.000 người. Lính Pháp có 594 khẩu pháo trong đó có 300 khẩu 105mm, trong khi quân đội ta chỉ có 80 khẩu pháo. Quân Pháp có 10 trung đoàn cộng với 6 tiểu đoàn và 10 đại đội xe tăng, thiết giáp, trong khi quân đội ta không có xe tăng, thiết giáp. Quân Pháp có 580 máy bay và 391 tàu chiến còn Việt Minh không có máy bay, tàu chiến”(2).

Dù tương quan lực lượng giữa ta và Pháp quá chênh lệch, song Đảng ta vẫn đặt niềm tin vững chắc vào ý chí, tinh thần và lực lượng để từ đó phát động toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc Việt Nam quyết chiến, quyết thắng. Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ Điện Biên Phủ tháng 12-1953, Người động viên bộ đội “chiến đấu anh dũng, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh”. Người nhấn mạnh: “Chiến dịch này là chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(3); “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”(4).

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp. Sau khi nghe Tổng Quân ủy báo cáo tình hình, Bộ Chính trị nhận định: “Về địch, Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng có cái yếu cơ bản là bị cô lập, mọi việc tiếp viện, tiếp tế phải dựa vào đường hàng không. Về ta, với chất lượng đã được nâng cao thêm một bước… với những kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị kỹ thuật, quân đội ta tới đây có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Vấn đề đường sá, tiếp tế cho chiến dịch đúng là những khó khăn. Nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, cả hậu phương… nhất định sẽ bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến”(5). Từ đây, một quyết định lịch sử được Bộ Chính trị đưa ra với ý chí, quyết tâm sắt đá “dốc toàn lực tiêu diệt bằng được quân địch ở Điện Biên Phủ”.

Từ sự phân tích trên, chúng ta thấy rằng: Chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn khác so với các chiến dịch trước đó. Chúng ta phải đương đầu với một quân đội nhà nghề mạnh, được trang bị vũ khí hiện đại. Tuy so sánh lực lượng hết sức chênh lệch, song dân tộc Việt Nam có Đảng tiên phong và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đập tan sự kháng cự của Pháp trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, chấm dứt sự có mặt của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Rõ ràng, nhìn suốt hành trình tiến hành cuộc kháng chiến và ở Chiến dịch Điện Biên Phủ đã cho thấy thực dân Pháp lúc đó đã không đánh giá đúng dân tộc Việt Nam. Và do đó, sau thất bại ở Điện Biên Phủ, họ vẫn cố gắng đi tìm đáp án cho một câu hỏi “vì sao dân tộc Việt Nam lại giành được thắng lợi trước một đội quân nhà nghề lớn mạnh đến như vậy?”. Nhiều người trên thế giới coi thắng lợi của Việt Nam là một câu chuyện huyền thoại. Còn “chúng ta, những người trong cuộc, đều biết rõ dân tộc Việt Nam đã thắng, trước hết là do sức sống mãnh liệt của nền văn hóa lâu đời, của truyền thống yêu nước hàng nghìn năm, của tinh thần đấu tranh bất khuất thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, của tư tưởng mà Bác Hồ đã nêu rõ Không có gì quý hơn độc lập tự do”(6).

Thứ hai, luôn chủ động, độc lập, tự chủ trong hoạch định đường lối kháng chiến cũng như trong chỉ đạo thực tiễn chiến dịch

Quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng tiêu diệt bằng cách nào phụ thuộc vào tài thao lược của Đảng. Cần nhấn mạnh rằng, đây là một trận quyết chiến chiến lược mà cả hai cùng chọn. Vì vậy, tâm thế của quân ta khi bước vào trận đánh không phải là sự chủ động bày binh, bố trận, nhử địch vào trận địa mai phục như các trận Bạch Đằng (938), (1288), trận Như Nguyệt (1077), trận Chi Lăng - Xương Giang (1427), trận Rạch Gầm - Xoài Mút (1785), trận Ngọc Hồi - Đống Đa (1789)… như đã từng diễn ra trong lịch sử, mà đây là một trận quyết chiến mà cả hai phía đều có sự chuẩn bị, đều biết trước, chấp nhận thực tế “một mất một còn” và đều có quyết tâm giành thắng lợi. Trong điều kiện đó, thắng - bại của trận quyết chiến mấu chốt nằm ở tài thao lược của mỗi bên.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tài thao lược của Đảng ta được thể hiện ở việc đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là “toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính”. Nhờ đó, chúng ta huy động sức mạnh của toàn dân, tạo lập một thế trận chiến tranh nhân dân: Mỗi đường phố là một mặt trận, mỗi quốc dân là một chiến sĩ, đánh địch mọi lúc, mọi nơi, tạo “thế trận lòng dân” vững chắc. Nhờ đó, trong Chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích đã tiêu diệt hai phần ba (8 vạn) tên địch trên toàn chiến trường Đông Dương “góp phần quyết định vào việc đánh bại kế hoạch Nava”(7).

Nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn, tạo lập thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp đã làm phân tán khối cơ động của Pháp mà tướng Nava dày công tập hợp và đặt nhiều kỳ vọng: 51% bị điều lên chiến trường rừng núi (Tây Bắc, Luôngphabăng, Mường Sài, Sênô, Plâycu, An Khê…) để ứng phó với những đòn tấn công của chủ lực Việt Minh có sự hiệp đồng của quân dân tại chỗ, 49% còn lại bị chiến tranh du kích kìm chân đến không còn cơ động nữa. Kết quả là, địch thì tan, còn ta thì tụ. Để rồi đường tới Điện Biên Phủ như một “cái bẫy” đặt ra cho Pháp vì đóng quân trong một lòng chảo, Điện Biên Phủ trở nên trơ trọi.

 Mô tả về thế trận ở Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lật ngửa chiếc mũ, đưa tay lên vành mũ rồi nói với nhà báo Ôxtrâylia - Bớcsét về triển vọng cuộc đụng đầu ở Điện Biên Phủ giữa ta và Pháp: “Đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi. Dưới kia là thung lũng Điện Biên Phủ (đáy mũ), ở đó người Pháp với những đội quân tinh nhuệ nhất. Họ sẽ không bao giờ ra được - tuy có mất một ít thời gian”(8). Theo binh pháp thì: “Được thế tốt… lúc đánh, thì thế như lăn đá tròn xuống núi cao mấy nghìn thước”(9).

Khi quyết định giao chiến với thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, tài thao lược của Đảng thể hiện ở việc nghiên cứu, đánh giá đúng tương quan lực lượng của ta và địch, bám sát thực tiễn chiến trường, dựa chắc vào đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính” để đi đến quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Việc thay đổi đó là bởi ban đầu, khi quân địch mới nhảy dù xuống, lực lượng của địch chưa được tăng cường, bố trí của chúng còn tương đối sơ hở, quân ta thực hiện bao vây Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, thời gian Chiến dịch dự kiến 3 đêm 2 ngày, nổ súng vào ngày 20-1-1954. Nhưng với nhãn quan khoa học, tư duy chính trị - quân sự sắc sảo và tài thao lược của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh “giao toàn quyền”, trên cơ sở phân tích thế trận: địch không còn ở trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố, pháo binh của ta là hỏa lực chủ yếu của chiến dịch lại không kéo đ­ược vào trận địa đúng thời gian, yêu cầu, “nếu đánh nhanh giải quyết nhanh thì tổn thất sẽ rất lớn, chắc chắn sẽ thất bại”(10).

Sau 11 ngày đêm suy tính, nhất là đêm 25-01-1954 hầu như không chợp mắt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi đến một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình: Tạm ngừng nổ súng, kéo pháo ra, chuẩn bị thêm để đánh theo phương châm tác chiến mới là “đánh chắc, tiến chắc”. Nói là quyết định khó khăn bởi bộ đội ta đã đ­ược chuẩn bị để đánh nhanh, bộ binh đã triển khai đội hình, phần lớn pháo binh đã vào trận địa nay lại rút ra làm cho tư tưởng bộ đội dễ hoang mang. Hơn thế, mọi công tác chuẩn bị đều phải làm lại từ đầu, những khó khăn về cung cấp, vận tải tiếp tế khi mùa mưa đến... sẽ tăng lên, nhưng không thể không thay đổi.

Quyết định chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” chính là quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng thể hiện trong Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (họp từ 25 đến 30-1-1953), Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1953 tại Tỉn Keo (Thái Nguyên), phương án tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, ngày 6-12-1953 của Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị và cũng là kế thừa kinh nghiệm “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều” của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trong Báo cáo của Tổng Bí thư Trường Chinh tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo: “ta không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan mạo hiểm một lần mà thua nặng thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại là hết vốn”(11).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh”. Báo cáo của Tổng quân ủy ngày 6-12-1953, khi địch mới nhảy dù xuống Điện Biên Phủ cũng đã trù liệu thời gian tiến hành trận công kiên lớn nhất này khoảng 45 ngày. Một sự dự báo gần như trở thành hiện thực ở Điện Biên Phủ. Trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!”, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, Tướng Đờ Cátxtơri và toàn bộ Bộ Tham mưu quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị bắt. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.

Thứ ba, Điện Biên Phủ - nơi hội tụ cao nhất của ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn gian khổ quyết giành thắng lợi cuối cùng

Quyết định thay đổi cách đánh, đồng nghĩa với mọi công tác chuẩn bị phải làm lại từ đầu, khó khăn chồng chất. Bởi Điện Biên Phủ là một tập đoàn gồm 49 cứ điểm, được tổ chức thành 8 cụm cứ điểm - trung tâm đề kháng - liên hoàn với nhau, với lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động, hỏa lực mạnh… Nơi đây lại là một chiến trường rừng núi hiểm trở, đường sá chưa được mở mang, ở xa hậu phương của ta (từ 400-500km). Trong các chiến dịch trước đó, bộ đội ta chỉ sử dụng ít lực lượng, chiến trường lại gần hậu phương, việc hành quân, vận chuyển đạn dược, lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn, lương thực cạn kiệt và nhiều lúc đã phải ăn cháo cầm hơi. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, quy mô hoàn toàn lớn hơn, lực lượng sử dụng nhiều hơn, chiến trường xa hơn… thì khó khăn sẽ lớn hơn gấp bội phần.

Trong triển khai lực lượng, sự thay đổi đối với bộ binh đã là điều không đơn giản, vì vậy đối với pháo binh, vấn đề lại càng phức tạp hơn nhiều. Pháo vào trận địa chỉ bằng sức đẩy, sức kéo của con người, trong khi đó đã kéo pháo vào lại kéo ra, rồi lại kéo vào trên một hướng khác; phải làm đường mới, phải chống pháo địch đánh phá liên tiếp ngày đêm, nhất là ở các điểm nút di chuyển... Bên cạnh đó, quá trình diễn ra chiến dịch, chúng ta còn phải đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh, đánh giá địch cao, không tin ở phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Vấn đề đặt ra lúc này là phải làm sao thống nhất về mặt ý chí và hành động để có được quyết tâm từ trên xuống dưới, đồng sức, đồng lòng quyết tâm giành thắng lợi.

Thực tiễn nêu trên cho thấy thành công rất lớn từ công tác tư tưởng - chính trị trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhờ đó đã quy tụ được sự đồng sức, đồng lòng, sự tin tưởng tuyệt đối của toàn quân, toàn dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong quá trình chuẩn bị nhằm phục vụ cho phương châm tác chiến mới, nhiều khẩu hiệu động viên đã được nêu ra:Chuẩn bị tốt là đã giành thắng lợi một nửa!; Đem sức lao động ra để làm đường kéo pháo, xây dựng các trận địa tấn công, đổ mồ hôi hôm nay để ngày mai tiết kiệm xương máu cho đồng đội!; Bảo đảm đường sá thông suốt là bảo đảm thắng lợi!; Xây dựng công sự dày thêm một tấc là tạo thêm điều kiện để chiến thắng quân địch!”.

Với tinh thần tự lực, tự cường, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cố nhiên, sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(12). Toàn dân tộc Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực chi viện cho Điện Biên Phủ. Cùng với các đơn vị quân đội tiến lên Điện Biên Phủ là hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp với công binh mở hàng trămkilômét đường. Chúng ta đã huy động 261.461 dân công với tổng 18.301.570 ngày công phục vụ chiến dịch, vận chuyển 27.400 tấn gạo cho Điện Biên Phủ; huy động 628 xe vận tải, 11.800 thuyền bè, hơn 20.000 xe đạp thồ, 500 ngựa thồ và hàng nghìn xe trâu, bò kéo phục vụ Chiến dịch.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “nhân dân ta không những cung cấp cho bộ đội mọi nhu cầu chiến đấu và chiến đấu bên cạnh bộ đội, mà còn chăm lo cho bộ đội từng cái kim, sợi chỉ, miếng quà, tấm bánh, gửi hàng nghìn bức thư cổ vũ, gửi đến cho chiến sĩ cả tấm lòng thương yêu đùm bọc của toàn dân, truyền cho chiến sĩ cả nhiệt tình của hàng triệu nhân dân đang phấn khởi sôi nổi tiến hành cải cách ruộng đất”.

Có thể khẳng định, chỉ có lòng yêu nước nồng nàn, một tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc và một quyết tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất Tổ quốc mới có được sức mạnh tổng lực như vậy. Và đó chính là sức mạnh nội sinh tiềm tàng quyết định chiến thắng.Guyn Roi - một nhà văn, nhà báo người Pháp từng nhận xét: “Không phải viện trợ từ bên ngoài đã đánh bại tướng Nava, mà chính là những chiếc xe đạp thồ 200 - 300 kg hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm nilông. Cái đã đánh bại tướng Nava không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”(13).

2. Khát vọng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với việc khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc hiện nay

Trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, mưu cầu hòa bình, độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu tối thượng thì khi đất nước hòa bình, mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, khát vọng vươn lên để khẳng định tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước luôn được đặt lên hàng đầu. Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(14). Nhìn từ góc độ bài học lịch sử từ Chiến dịch Điện Biên Phủ, cần nhận thức và giải quyết các vấn đề sau nhằm góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Bởi Đảng có vững thì sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mới thành công. Đảng có trong sạch mới tạo dựng, củng cố được niềm tin, lòng tin của dân đối với Đảng. Dân tin yêu Đảng, một lòng một dạ phụng sự, cống hiến xây dựng Tổ quốc - đó chính là sức mạnh nội sinh tiềm tàng cho sự phát triển vững bền.

Thứ hai, làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta đã rất thành công trong việc huy động toàn dân hướng về Điện Biên Phủ với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Ngày nay, sứ mệnh của Đảng là tiếp tục thắp sáng ngọn lửa đó trong toàn xã hội nhằm hướng tới mục tiêu chấn hưng dân tộc phồn vinh và hạnh phúc, hưng thịnh và phát triển. Nếu trước kia, rửa nỗi nhục mất nước, mất độc lập, mất quyền tự do, dân sinh, dân chủ là “mẫu số chung” để toàn dân tộc Việt Nam đồng sức, đồng lòng đứng lên “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” thì ngày nay, vấn đề đặt ra là phải làm cho mọi người dân ý thức được sự tụt hậu xa hơn về kinh tế, về nỗi nhục của đói nghèo, chậm phát triển… để từ đó khơi dậy ý chí tự tôn dân tộc, ý chí làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho quê hương, đất nước.

Thứ ba, cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cần phải có những chính sách, giải pháp nhằm khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Bởi đó là nguồn sức mạnh nội sinh tiềm tàng, là động lực chủ yếu và là nhân tố quyết định bảo đảm cho việc hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Thứ tư,tăng cường hợp tác quốc tế, tạo lập và phát huy nguồn lực bên ngoài. Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vừa hợp tác, vừa đấu tranh hiện nay đòi hỏi các quốc gia, các chính đảng cầm quyền phải thực thi đường lối đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt nhưng giữ vững nguyên tắc: đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu. Chính vì vậy, để giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước bền vững, cùng với việc huy động tối đa các nguồn lực trong nước, phải tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài trên cơ sở chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng, ổn định, lâu dài; mở rộng những điểm tương đồng, thu hẹp những điểm khác biệt về lợi ích, phấn đấu không để những khác biệt ấy biến thành mâu thuẫn hoặc xung đột lợi ích.

Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu  do Đại hội XIII của Đảng đề ra; không ngừng “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng; xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(15).

_________________

Ngày nhận bài: 24-4-2024; Ngày bình duyệt: 26-4-2024; Ngày duyệt đăng: 3-5-2024.

(1) Hàm ý nói về “Cối xay thịt” - Trận chiến Verdun ở mặt trận phía Tây trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, giữa quân đội Đức và Pháp từ 21-2 đến 19-12-1916 xung quanh Verdun-sur-Meuse ở Đông Bắc nước Pháp.

(2) Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.487.

(3) Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 12-1953.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.88.

(5) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng:Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930-1954)/quyển 2 (1945-1954), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.439-440.

(6)  Việt Nam trong thế kỷ XX, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.45.

(7) Đại tướng Hoàng Văn Thái: Một số suy nghĩ về những bài học lớn của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 -1954…, in trong Mấy vấn đề chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr.19.

(8)  Bớcsét: Hồi ký, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, tr.225.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.523.

(10) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ xưa và nay, Tạp chí Xưa và Nay, số 2, tháng 5-1994.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.4, Sđd, tr.59.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.522.

(13) Jules Roy: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr.449.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc giaSự thật, Hà Nội, tr. 111.

(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Sđd, tr. 231.

Thông tin tuyên truyền