Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Hội nghị Giơnevơ: bài học về lợi ích dân tộc, quốc gia*
Thứ ba, 22 Tháng 7 2014 14:12
4240 Lượt xem

Hội nghị Giơnevơ: bài học về lợi ích dân tộc, quốc gia*

(LLCT) - Cách đây đúng 60 năm ngày 20 tháng 7 năm 1954, tại Giơnevơ, đã kết thúc Hội nghị đình chỉ chiến sự ở Đông Dương. Đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử  hiện đại của Việt nam, và cũng là lần đầu tiên Việt nam thực hiện một hoạt động ngoại giao mang tầm quốc tế. Đánh giá về sự kiện này, bên cạnh nhiều ý kiến khẳng định thắng lợi của Việt Nam DCCH, song vẫn còn ý kiến cho rằng phía Việt Nam đã theo sự sắp đặt của các nước lớn chấp nhận một Hiệp định không có lợi cho mình, dẫn đến sự chia cắt đất nước suốt 20 năm sau đó.

Vậy nên nhìn nhận ra sao sự kiện này, sau đây xin đóng góp một ý kiến

Đánh giá về một sự kiện, nhất là một sự kiện có tính quốc tế, liên quan tới quan hệ giữa nhiều quốc gia, nhiều bên như Hội nghị Giơnevơ, rất cần có cái nhìn toàn diện, lịch sử - cụ thể. Với tinh thần đó, chúng ta cần thấy rõ:

1. Hội nghị Giơ-ne-vơ là mong muốn của cả Việt Nam, các nước Đông Dương và Pháp.

Thật vậy, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta tính đến năm 1953 đã tròn 8 năm. Lực lượng ta đã lớn mạnh, nhất là trên chiến trường Bắc Bộ. Tuy nhiên trừ Bắc Bộ, nhìn trên toàn chiến trường Đông Dương cán cân lực lượng quân sự giữa ta và Pháp không phải đã nghiêng hoàn toàn về ta, lực lượng quân Pháp cùng quân Ngụy ở Trung Bộ, Nam Bộ còn rất lớn, thậm chí nhỉnh hơn ta về số lượng và chất lượng trang bị, vũ khí. Cuối năm 1953, ta chủ trương thực hiện Kế hoạch Đông xuân 1953-1954 tấn công địch nhằm tạo bước chuyển quan trọng về cục diện trên chiến trường, đẩy địch tiếp tục lún sâu vào bị động, đối phó, từ đó phải chấp nhận một giải pháp hòa bình kết thúc chiến tranh có lợi cho ta. Ngày 26-11-1953, Hồ Chủ Tịch tuyên bố: “Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút ra bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt nam bằng cách thương lượng là giải quyết vấn đề Việt nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam DCCH sẵn sàng  tiếp ý muốn đó” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.1996, tr. 168). Ngày 15-12-1953, Hồ Chủ tịch lại khẳng định lập trường này: “Nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính Phủ Việt Nam DCCH cũng sẵn sàng nói chuyện”(sđd, tr.192)

Về phía Pháp, trải qua 8 năm chiến tranh với nhiều thiệt hại và tương lai mờ mịt cùng sự phản đối của nhân dân Pháp, cũng nhận thức không thể chiến thắng Việt Minh và có ý định giải quyết bằng thương lượng. Tuy nhiên, Pháp hy vọng sẽ thương lượng trong thế có lợi nhất cho mình bằng một chiến thắng quân sự đối với Việt Minh. Vì vậy, khi thấy Việt Minh đưa quân lên Tây Bắc, Pháp đã coi đây là cơ hội đánh bại quân chủ lực của Việt Minh nên nhanh chóng đưa quân lên Điện Biên Phủ xây dựng tập đoàn cứ điểm chờ Việt Minh. Về phía ta cũng nhận thấy đây là cơ hội tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng quân viễn chính Pháp nên đã quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, do vậy nơi đây đã trở thành “ điểm hẹn lịch sử” giữa hai bên (lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Trong khi đó, vào đầu những năm 50, trên thế giới đã hình thành rõ cục diện chiến tranh lạnh, đối đầu giữa hai phe một bên là Mỹ, Anh, Pháp, một bên là Liên Xô, các nước Đông Âu. Ở châu Âu, khối NATO hình thành tạo thế bao vây Liên Xô. Ở châu Á, Mỹ đang vận động thành lập khối quân sự SEATO. Mỹ đứng đằng sau chiến tranh Triều tiên. Song sự đụng độ giữa Mỹ, Trung Quốc ở đây đã dẫn đến việc các bên ký Hiệp định đình chiến chia cắt Triều Tiên vào tháng 5 năm 1953. Đây cũng là mô hình mà các nước lớn, đặc biệt Mỹ, Trung Quốc muốn áp dụng ở Đông Dương. Tháng 2-1954, Hội nghị ngoại trưởng 4 nước lớn là Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô ra quyết nghị mở Hội nghị về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương, coi đây là một phần của bàn cờ lớn toàn cầu giữa hai phe. Phía ta chấp nhận tới Hội nghị Giơnevơ theo lời mời của Liên Xô, Trung Quốc để giải quyết chiến tranh theo tinh thần tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã thực hiện mọi công tác chuẩn bị từ tháng 3 năm 1954, song song với quá trình chuẩn bị cuộc chiến ở Điên Biên Phủ.

Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu gay go và anh dũng, ta đã giành chiến thắng trong trận quyết chiến tại Điện Biên Phủ. Chiến thắng này thực sự là một “chấn động địa cầu” không chỉ có ý nghĩa quân sự mà còn có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn, tạo ra thế mạnh của ta trên bàn đàm phán, đẩy Pháp vào thế bất lợi

2. Sự can thiệp của các nước lớn khiến Hội nghị phức tạp, kéo dài.

Có một câu hỏi: tại sao Hội nghị Giơnevơ lại là Hội nghị Quốc tế nhiều bên, bao gồm cả Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, mà không phải là Hội nghị đình chiến  giữa hai bên Việt Nam và Pháp (giống như Hiệp định sơ bộ 6-3 hay Tạm ước 14-9-1946 giữa Chính phủ Việt Nam DCCH và Chính phủ Pháp hoặc sau này giữa Việt Nam DCCH, Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và bên kia là Chính Phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa)? Vai trò của các nước lớn đến đâu? Tiếng nói của các nước Đông Dương đến đâu?

Trước hết phải thấy, cuộc chiến tại Đông Dương vào thời điểm năm 1953-1954 không còn là cuộc chiến giữa Việt Nam và Pháp nữa. Để có tiền và vũ khí kéo dài chiến tranh, Pháp ngày càng lệ thuộc vào Mỹ. Mỹ với tư cách là một trong những nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng ít chịu thiệt hại nhất trở thành nước đế quốc mạnh nhất, đứng đầu phe tư bản chủ nghĩa thế giới. Âm mưu của Mỹ là thông qua viện trợ cho Pháp, sẽ dần thay chân Pháp tại Đông Dương, do vậy trong những năm cuối chiến tranh Đông Dương, Mỹ ngày càng gây áp lực với Pháp, buộc Pháp đi theo tính toán của mình. Về phía Việt Nam, từ  cuối 1950 đã nhận được sự giúp đỡ ngày càng to lớn của Liên Xô và Trung Quốc, kể cả cố vấn quân sự Trung Quốc. Sự giúp đỡ về vũ khí, trang bị là nhân tố rất quan trọng để có chiến thắng Điện Biên Phủ.

Mặc dù cả phía ta và Pháp đã có ý định tiến tới thương lượng chấm dứt chiến tranh song khác với thời điểm năm 1945-1946, giờ đây không còn là việc riêng của hai bên nữa. Các nước lớn thuộc hai phe đều muốn nhân tình huống này đạt được lợi ích của mình, vì vậy họ là người chủ động triệu tập Hội nghị Giơ ne vơ và tham gia với tư cách là các bên có quyền đàm phán, thỏa thuận. Cũng vì có những lợi ích của các nước lớn xen vào, nên Hội nghị Giơ ne vơ diễn ra phức tạp và kéo dài tới 75 ngày, từ 8 tháng 5 tới 21 tháng 7 năm 1954. Lợi ích của các bên biểu hiện trong lập trường đàm phán của các nước.

Liên Xô mặc dù ủng hộ lập trường của Chính phủ Việt Nam DCCH, song muốn có sự hòa hoãn với phương Tây để xây dựng đất nước, chạy đua với Mỹ, nên sẵn sàng chấp nhận giải pháp mà phía Việt nam DCCH đồng ý.

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa ra đời được 5 năm, muốn  khẳng định tiếng nói trên diễn đàn quốc tế, tranh thủ Hội nghị để Mỹ và các nước phương Tây công nhận mình, giảm bớt thế đối đầu với Mỹ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên. Do vậy Trung Quốc sẽ nhượng bộ yêu sách của Mỹ, Pháp nếu có thể. Trong thực tế, chính Trung Quốc đã chủ động gặp phía Pháp ngày 23 tháng 6 năm 1954 để bàn về việc phân định ranh giới phân chia hai miền Nam, Bắc Việt Nam và khuyên ta chấp nhận lấy vĩ tuyến 17 thay vì đòi hỏi vĩ tuyến 14 hoặc 16. Trung Quốc cũng đưa ra phương án thời hạn tổng tuyển cử thống nhất đất nước ở Việt Nam là 2 năm khi ta nêu yêu cầu trong vòng 6 tháng.

Về phía các nước phương Tây, Anh sẵn sàng và luôn ủng hộ Pháp giống như đã ủng hộ trong những năm 1945, 1946. Pháp tuy thua đau ở Điện Biên Phủ song mong muốn vớt vát danh dự, bảo toàn được đội quân viễn chinh còn lại, nhất là ở Trung, Nam bộ; cố gắng tách giải pháp với Lào, Căm Pu Chia khỏi giải pháp với Việt Nam để có thể duy trì ảnh hưởng ở hai nước này. Sau cuộc gặp với phía Trung Quốc ngày 23-6-1954, Pháp nêu yêu cầu vạch ranh giới hai miền Việt Nam tại vĩ tuyến 19. Đây là yêu cầu rất cao so với thực lực của Pháp trên chiến trường, đặc biệt là sau thất bại Điện Biên Phủ.  

Mỹ đã có âm mưu thay chân Pháp nên thúc giục Pháp không nhượng bộ trong mọi điều khoản. Ví dụ về ranh giới quân sự tạm thời, nếu không được vĩ tuyến 19 thì dừng ở vĩ tuyến 18; đồng thời nêu các phương án nhằm hạn chế tới mức cao nhất thế và lực của Việt Nam DCCH, tạo cơ hội cho Mỹ nhảy vào Việt Nam sau này.

3. Kết quả cuối cùng là chấp nhận được với Việt Nam, là thắng lợi quan trọng tạo tiền đề cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước sau này.

Với mong ước giải quyết cuộc chiến bằng giải pháp hòa bình nên Việt Nam DCCH nhận lời mời tham dự Hội nghị Giơnevơ cùng với Lào và Campuchia như các bên độc lập, có quyền đàm phán, thỏa thuận.  Song khác với Việt Nam, đại diện của mặt trận Khmer Itxarăk và Pathet Lào tuy đến Giơnevơ song không được các nước phương Tây chấp nhận, do vậy trên thực tế Campuchia và Lào không có tiếng nói riêng tại Hội nghị. Điều này đúng với ý đồ của Pháp. Do vậy, thay vì  9 bên thì chỉ còn 7 bên tại Hội nghị.

Về phía Việt Nam, là một trong 3 nước chịu đựng cuộc chiến xâm lược của Pháp, lẽ ra là người chủ đàm phán với Pháp, nhưng trong bối cảnh như vậy chỉ là một trong 7 bên đàm phán, thỏa thuận.

Lập trường của phía ta là đòi Pháp và các nước trên thế giới công nhận độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào; Pháp phải rút quân khỏi Đông Dương. Lập trường này được Liên Xô, Trung Quốc ủng hộ; Pháp và phương Tây không chấp nhận. Phía Pháp nêu yêu cầu chỉ giải quyết vấn đề quân sự, không giải quyết vấn đề chính trị; tách vấn đề Campuchia, Lào khỏi vấn đề Việt Nam.

Do lập trường cách xa nên Hội nghị phải diễn ra qua 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể, 24 phiên cấp trưởng đoàn. Kết thúc Hội nghị, các bên đã thông qua các văn bản quan trọng là: Ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia; Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị; Các Công hàm trao đổi giữa Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp Mendes France; Hai tuyên bố riêng của đoàn Mỹ và Pháp.

Những vấn đề mấu chốt trong quá trình đàm phán và đã đạt được thống nhất  trong các văn bản là:  

Đối với các nước Đông Dương:

- Pháp công nhận độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và các nước Đông Dương.

- Đình chỉ chiến sự đồng thời tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Pháp rút quân khỏi Đông Dương, quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Lào, Campuchia. Các nước Đông Dương không có căn cứ nước ngoài và không liên minh quân sự với nước ngoài.

- Tổng tuyển cử tại mỗi nước. Không trả thù người hợp tác với đối phương; trao trả tù binh và người bị giam giữ

- Thành lập Ủy ban liên hợp kiểm soát và giám sát quốc tế thi hành Hiệp định.

Riêng với Việt Nam:

- Các bên ngừng bắn, lập vùng tập kết; việc chuyển quân được thực hiện trong vòng 300 ngày, trao trả tù binh giữa hai bên.

- Lập giới tuyến quân sự tạm thời tại vĩ tuyến 17. Đây là ranh giới quân sự tạm thời, người dân hai miền có thể qua lại, không phải là ranh giới chính trị hay lãnh thổ hai miền.

- Về thời gian tổng tuyển cử, thống nhất hai miền: Hai miền tiến hành Hiệp thương vào tháng 7 năm 1955, tiến tới Tổng tuyển cử vào tháng 7 năm 1956. Nhân dân hai miền được tự do vùng sinh sống; không trả thù hay phân biệt đối xử với người hợp tác với đối phương;

Như vậy so với yêu cầu ban đầu, ta không đạt được các đòi hỏi như: ranh giới quân sự tạm thời tại vĩ tuyến 14 (sau lùi xuống vĩ tuyến 16); thời hạn tổng tuyển cử trong vòng 6 tháng; có vùng tập kết cho các lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia. Tuy nhiên theo nhận định của Đảng ta cũng như của các nhà nghiên cứu lịch sử sau này, trong bối cảnh quốc tế lúc đó, các kết quả như trên là chấp nhận được, là thắng lợi cao nhất về mặt ngoại giao có thể đạt được. Hiệp định Giơnevơ đã chấm dứt ách đô hộ 117 năm của thực dân Pháp ở nước ta. Lần đầu tiên tất cả các nước lớn trên thế giới đã cùng cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh tiếp theo của nhân dân ta nhằm đạt được “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ” như khẩu hiệu của Đảng ta nêu tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu ngày 15-7-1954.

4. Cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm sau là kết quả của sự phá hoại Hiệp định Giơ ne vơ của Đế quốc Mỹ và tay sai.

Sau khi Hiệp định được ký kết, trong khi nhân dân hai miền chờ đón ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, Chính phủ Việt Nam DCCH nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ, thì Mỹ và tay sai ở Miền Nam ra sức phá hoại Hiệp định. Đại diện của Mỹ đã không ký vào Hiệp định, mà chỉ ra Tuyên bố riêng với Pháp vào ngày 21-7-1954. Trên thực địa, Mỹ tích cực các hoạt động nhằm hất cẳng Pháp để trực tiếp can thiệp vào Việt Nam. Mỹ lập ra chính phủ quốc gia Ngô Đình Diệm làm tay sai cho Mỹ, tăng cường viện trợ vũ khí, cố vấn quân sự, ủng hộ chính quyền tay sai thực hiện chính sách chống Cộng, khủng bố những người tham gia kháng chiến, khủng bố những ai ủng hộ Hiệp thương, Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Với sự xúi giục của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng thừng từ chối hiệp thương và Tổng tuyển cử. Đỉnh điểm của chính sách đó là việc ban hành Luật 10/59 khét tiếng của chính quyền Ngô Đình Diệm, buộc nhân dân ta phải bước vào cuộc đấu tranh vũ trang đầy đau thương và mất mát. Cuộc chiến tranh 20 năm sau Hiệp định Giơnevơ thực chất đây là cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là cuộc chiến tranh bắt buộc và chính nghĩa của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

5. Bài học về độc lập, tự chủ giải quyết các vấn đề dân tộc, quốc gia trong bối cảnh quốc tế đầy phức tạp.

Như diễn biến của Hội nghị Giơnevơ chứng tỏ, những kết quả đạt được của Việt Nam DCCH không hoàn toàn đơn giản. Một mặt nhờ có sự hậu thuẫn của những hy sinh sương máu của bộ đội và nhân dân ta trong suốt chín năm kháng chiến, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ mà còn phải là sự đấu tranh kiên quyết, có nguyên tắc nhưng linh hoạt trên mặt trận ngoại giao trong bối cảnh các nước lớn cùng can dự và dàn xếp để tìm kiếm lợi ích của mình.  

Đối với các nước thuộc phe XHCN, một mặt Đảng, Chính phủ ta biết tận dụng sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc trên mặt trận chống đế quốc, nhất là chống Mỹ, song cũng biết mục tiêu và sự thỏa hiệp mà các nước này khi có thể. Chúng ta mong muốn cùng các nước thuộc phe XHCN đấu tranh cho hòa bình thế giới song trước hết phải bảo vệ được lợi ích cơ bản của dân tộc, đất nước. Đó là độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

Đối với các nước thuộc phe đế quốc, một mặt ta biết rõ sự cấu kết của các nước này, đứng đầu là Mỹ nhằm khống chế các nước trên thế giới, tiến tới tiêu diệt phe XHCN, nhưng biết rõ mâu thuẫn, những lợi ích khác nhau giữa các nước này, đặc biệt là giữa Mỹ và Pháp. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu ngày 15-7-1954, Hồ Chủ Tịch đã chỉ ra mâu thuẫn giữa Anh- Mỹ, Mỹ-Pháp: “Ở Đông Dương, đối với kháng chiến của ta thì Mỹ và Pháp hình như là thống nhất, nhưng sự thật thì Mỹ muốn nắm bù nhìn để hất Pháp; Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm là tay sai đắc lực của Mỹ lên nắm chính phủ bù nhìn” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H, tr.313).

Với tầm nhìn như vậy nên phía ta nêu yêu cầu cao nhất và kiên quyết đấu tranh để đạt được sự công nhận của các nước lớn về độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đó là một thắng lợi không thể phủ nhận Song trong điều kiện không thể đạt được toàn bộ những yêu cầu của mình chúng ta phải linh hoạt chấp nhận một số nhượng bộ. Thực sự, nếu đế quốc Mỹ và tay sai không điên cuồng phá hoại Hiệp định thì những kết quả đạt được cho phép đất nước ta hòa bình thực hiện thống nhất sau thời hạn đã định.

Ngày nay trong bối cảnh quốc tế vừa có đấu tranh, vừa có hòa hoãn giữa các nước lớn, cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta cũng sẽ phức tạp. Vận dụng kinh nghiệm của đàm phán Hiệp nghị Giơnevơ, đứng vững trên lập trường độc lập, tự chủ, trước hết bảo vệ lợi ích chính đáng của dân tộc, quốc gia, đồng thời đấu tranh cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển của các nước trên toàn thế giới, đó chính là phương châm cần thiết trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước.

________________

*Bài viết có sự tham khảo tài liệu của Ban Tuyên Giáo Trung ương.

 

Hoàng Công

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền