Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Hoạt động của Việt kiều tại Pháp trước và sau Hiệp định Giơnevơ
Thứ ba, 29 Tháng 7 2014 16:48
2398 Lượt xem

Hoạt động của Việt kiều tại Pháp trước và sau Hiệp định Giơnevơ

(LLCT) - Hiệp định Giơnevơ được ký kết, nhưng đế quốc Mỹ và tay sai đã trắng trợn vi phạm, phá hoại Hiệp định, dập tắt khát vọng độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Trước thực tế đó cùng với đồng bào trong nước, cộng đồng người Việt tại Pháp đã có những hoạt động thiết thực.

 

Trong thời gian diễn ra Hội nghị Giơnevơ, phong trào yêu nước của Việt kiều tại Pháp diễn ra với nhiều hoạt động. Hội cử người sang Giơnevơ báo cáo tình hình ở Pháp và Việt kiều cho Phái đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiệm vụ này được bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực hiện. Biên giới Pháp - Thụy Sĩ được canh phòng rất nghiêm ngặt. Đảng Cộng sản Pháp đã giới thiệu bác sĩ Nguyễn Khắc Việnđến gặp một người Pháp là chủ trang trại tại một thị trấn gần biên giới, cách Giơnevơ khoảng hơn 10 km. Anh này hàng ngày chở hàng sang bán tại Giơnevơ nên quen nên việc đi lại dễ dàng. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện kể lại: “Tối hôm đó, sau 8 giờ, chúng tôi ra đi,... Anh ta đưa thẳng tôi đến khách sạn. Tôi có dịp gặp và báo cáo tình hình với các anh Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu và được các anh cho nghe tình hình trong nước. Trong đoàn có nhiều anh em quen cũ, như Phan Anh, Trần Thanh, lâu ngày gặp nhau rất vui mừng. Hồi đó, tôi có liên hệ chặt với nhóm Mác xít Campuchia ở Paris, nên cũng báo cáo luôn tình hình cho anh Thanh Sơn, theo lời dặn của đồng chí Mignot phụ trách Campuchia. Ở đây một tuần tôi lại được anh Paul đưa xe qua đón, rồi trở về Paris tiếp tục hoạt động.

Do âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ nên Hiệp định Giơnevơ đã không được thực hiện trọn vẹn. Theo Hiệp định, sau 2 năm (7-1956) sẽ tổng tuyển cử để thống nhất hai miền Nam - Bắc Việt Nam nhưng Diệm trắng trợn tuyên bố: Sẽ không có hiệp thương tổng tuyển cử, vì chúng ta không ký Hiệp định Giơnevơ, bất cứ phương diện nào chúng ta cũng không bị ràng buộc bởi Hiệp định đó. Mỹ - Diệm thẳng tay trả thù người kháng chiến cũ, tổ chức "trưng cầu dân ý" để phế truất Bảo Đại rồi đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống, tiến hành bầu cử riêng rẽ, lập Quốc hội, ban hành Hiến pháp của Việt Nam Cộng hoà…

Trước âm mưu, hành động phá hoại của Mỹ - Diệm, cùng với nhân dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã có những hoạt động đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh và trọn vẹn Hiệp định Giơnevơ.

Tháng 10-1955, tại Pari, Ủy ban Vận động Hội Liên hiệp Việt kiều đã ra Tuyên ngôn, nêu rõ: “Đồng bào trong nước đang tranh đấu đòi hỏi mãnh liệt thực hiện thống nhất. Nhân dân thế giới tích cực ủng hộ chúng ta, vì nước Việt Nam có thống nhất, hòa bình thế giới mới gìn giữ được.

Việt kiều chúng ta ở Pháp không thể nào hững hờ với vận mệnh của dân tộc… Vì vậy, chúng tôi, một số anh chị em trong Việt kiều, thân sỹ, thương gia, công nhân, trí thức, sinh viên, đã lấy sáng kiến triệu tập một Ủy ban Vận động lập Hội Liên hiệp Việt kiều. Mục đích của Hội là:

1. Đoàn kết kiều bào trong một tổ chức chung.

2. Hoạt động để thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt và Pháp, với mục đích thực hiện Hiệp định Giơnevơ và mở mang quan hệ kinh tế, văn học giữa hai nước.

3. Góp phần vào cuộc tranh đấu cho thống nhất của toàn dân: yêu cầu các nhà đương cuộc miền Bắc và miền Nam mau mau mở hội nghị hiệp thương để chuẩn bị tổng tuyển cử, để thực hiện thống nhất trên cơ sở độc lập và dân chủ, bằng phương pháp hòa bình…”.

Đường lối hoạt động đấu tranh của Việt kiều tại Pháp trong thời gian này được bác sĩ Nguyễn Khắc Viện khẳng định một lần nữa: Phong trào lúc này “trước mắt là đấu tranh chống Diệm, đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ”.

Tháng 12-1955, Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp đã được thành lập với 800 hội viên ghi tên đóng niên liễm (hội phí hàng năm - TG) và 11 chi hội tại nước Pháp. Ban Thư ký của Hội bao gồm: Nguyễn Khắc Viện - Tổng Thư ký; Huỳnh Trung Đồng, Nguyễn Ngọc Hà, Đặng Đăng Tiễn, Lâm Bá Châu - Ủy viên.

Thực hiện theo đúng tinh thần Tuyên ngôn, Việt kiều tại Pháp thường xuyên tổ chức từng nhóm người, đoàn người đến đưa kiến nghị tới Sứ quán của chính quyền Ngô Đình Diệm tại Pháp đòi thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ. Từ cuối năm 1954 cho đến năm 1956, từng đoàn trí thức, công nhân, phụ lão… đến ngồi ở Sứ quán chính quyền Diệm đưa hết kiến nghị này đến kiến nghị khác.

Chính quyền Diệm cũng dùng nhiều biện pháp đối với chính quyền Pháp để ngăn chặn hoạt động của Hội Liên hiệp Việt kiều. Cuối năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực hiện cắt chuyển tiền từ miền Nam Việt Nam sang Pháp đối với hàng loạt sinh viên, những người tích cực tham gia đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ. Việc này đã trở nên phức tạp khi một trong những người bị cắt đầu tiên chính là con của Nguyễn Văn Thơ, Phó Tổng thống của chính quyền Diệm.

Trước tình hình đó, Hội Liên hiệp Việt kiều đã tranh thủ dư luận Pháp, nhờ tổ chức Tổng hội sinh viên Pháp và các giáo sư Pháp can thiệp trực tiếp với Sứ quán chính quyền Diệm. Nhiều Việt kiều và một số sứ quán các nước ở Pháp góp tiền giúp những sinh viên bị cắt chuyển ngân, tạo thành một phong trào đoàn kết tương trợ sinh viên bị rút sổ chuyển ngân đã diễn ra. Do đó, sau một thời gian ngắn, chính quyền Diệm buộc phải bỏ chủ trương này.

Tổ chức trại hè cũng là một trong những hoạt động đáng chú ý của cộng đồng người Việt tại Pháp trong giai đoạn trong và sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, thực sự là một hoạt động ý nghĩa đối với cách mạng ở trong nước. Đây là một dịp tập hợp lực lượng nòng cốt của Việt kiều ở Paris và các tỉnh, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của những Việt kiều trung lập, đặc biệt là những sinh viên Việt Nam mới sang. Số này ngày càng đông, sang Pháp học một phần là để tránh sự đàn áp của chính quyền Diệm.

Trại hè được tổ chức 3 tuần trong tháng nghỉ hè. Đây là nơi trao đổi tình hình, đường lối, chủ trương trong nước và tổ chức Việt kiều, cũng là cơ hội để học hỏi nhau và đặc biệt là việc thể hiện tinh thần hòa bình của Việt kiều tại Pháp. Trong thời gian này, trại hè Tours năm 1954 và trại hè Oredon năm 1956 đã gây được nhiều ấn tượng. Trại hè Tours 1954 đã tập hợp hàng trăm sinh viên, trí thức toàn nước Pháp, những người đang hàng ngày chờ đón và dõi theo tình hình Hội nghị Giơnevơ. Ngày 21-7-1954 trở nên tưng bừng, náo nhiệt, kéo dài trong vài ngày sau đó và kết thúc bằng một đêm liên hoan văn nghệ. Vở kịch Sài Gòn 54, diễn tả tâm trạng của một trí thức trước và sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ do ông Lâm Bá Châu sáng tác đã kịp thời đưa ra trình diễn. Sau đó, trại hè Oredon tháng 7-1956 được tổ chức nhằm Kỷ niệm 2 năm hòa bình đã diễn ra trong không khí chan hòa với những thông điệp hòa bình, thống nhất.

Hoạt động của Việt kiều tại Pháp trong giai đoạn sau Hiệp định Giơnevơ đã diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi. Mặc dù những hoạt động ấy không ngăn cản được dã tâm của những thế lực hiếu chiến, muốn chia cắt đất nước Việt Nam nhưng đã chứng minh một chân lý rằng, sự chia cắt chỉ có thể diễn ra trên khía cạnh địa lý chứ không thể cắt rời khối đại đoàn kết dân tộc và khát vọng thống nhất, độc lập của nhân dân Việt Nam.     

_________________

(1)     Nguyễn Khắc Viện: Tự truyện, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr.76

(2)     Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài: Kiều bào và quê hương, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2006, tr.324

(3)     Nguyễn Khắc Viện:Tự truyện, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr.79

ThS Lê Trung Nghĩa

                                                                 Đại học Kiểm sát Hà Nội

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền