Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế qua việc thực hiện báo cáo quốc gia về quyền con người
Thứ năm, 21 Tháng 8 2014 15:29
2294 Lượt xem

Vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế qua việc thực hiện báo cáo quốc gia về quyền con người

(LLCT) - Ngày 20-6 vừa qua tại trụ sở Liên Hợp quốc ở Giơnevơ, Báo cáo nhân quyền của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) đã được toàn thể 47 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) nhất trí thông qua trước sự chứng kiến của đại diện 193 nước thành viên Liên Hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (NGOs).

Sự kiện này vừa là minh chứng khách quan việc đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực, thành tựu của Việt Nam về thực hiện các quyền con người, vừa đánh dấu thêm một bước vững chắc của Việt Nam trong quá trình hội nhập, đối thoại và hợp tác về quyền con người trên trường quốc tế, thể hiện một cách rõ nét vị thế của Việt Nam là một hình mẫu cho quốc tế về cam kết, nỗ lực và thành tựu về nhân quyền.

Cơ chế UPR là một trong những cơ chế quan trọng nhất của HĐNQ Liên Hợp quốc, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008 với nhiệm vụ rà soát tình hình bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở tất cả các nước thành viên Liên Hợp quốc, không phân biệt lớn nhỏ, phát triển hay đang phát triển với chu kỳ 4,5 năm/lần. Nguyên tắc hoạt động của UPR là đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch, không đối đầu, không chính trị hóa nhằm mục tiêu cải thiện và thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền; tăng cường năng lực thực thi nhân quyền cho các quốc gia thông qua tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm.

Để thực hiện cơ chế UPR, HĐNQ lập ra Nhóm làm việc về UPR do Chủ tịch HĐNQ làm Chủ tịch nhóm với sự tham gia của tất cả các nước thành viên Liên Hợp quốc và nhóm 3 nước thành viên HĐNQ có nhiệm vụ hỗ trợ nước tiến hành UPR và làm báo cáo kết quả. Tại mỗi khóa họp của Nhóm làm việc có 3 tài liệu chính thức được xem xét là báo cáo quốc gia do nước tiến hành UPR chuẩn bị, không quá 20 trang; tài liệu tổng hợp các nhận xét, đánh giá, khuyến nghị của các cơ quan và cơ chế chuyên môn của Liên Hợp quốc; tài liệu tổng hợp thông tin của các cơ quan nhân quyền quốc gia, các tổ chức phi chính phủ do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền chuẩn bị và không quá 10 trang.

Phiên rà soát tại Nhóm làm việc diễn ra dưới hình thức đối thoại, nước tiến hành trình bày báo cáo quốc gia, trả lời câu hỏi, bình luận của các nước thành viên. Tất cả các nước thành viên Liên Hợp quốc quan tâm đều có thể dự, phát biểu đánh giá, nêu khuyến nghị. Nhóm làm việc sau đó sẽ xem xét báo cáo kết quả phiên rà soát và thông qua báo cáo này để trình tiếp lên HĐNQ.

Tiến trình rà soát UPR của một nước chỉ được xem là hoàn thành sau khi báo cáo kết quả của Nhóm làm việc được HĐNQ xem xét thông qua tại phiên họp toàn thể. Tại phiên họp toàn thể HĐNQ, tất cả các nước, các tổ chức quốc tế, NGOs quan tâm đều có thể dự và đăng ký phát biểu. Điểm quan trọng nhất là tại phiên họp này, nước tiến hành UPR phải trả lời chấp nhận hay chỉ ghi nhận các khuyến nghị nhận được tại phiên rà soát ở Nhóm làm việc. Đây được xem như là một trong những thước đo của tinh thần nghiêm túc, thái độ thiện chí, hợp tác của nước tiến hành UPR với Cơ chế UPR nói riêng và hợp tác quốc tế về nhân quyền nói chung. Đồng thời, sau khi báo cáo được thông qua, nước tiến hành UPR cũng phải có trách nhiệm thực hiện các khuyến nghị đã được chấp nhận và báo cáo lên HĐNQ việc thực hiện tại các chu kỳ tiếp theo.

 Việt Nam đã tham gia UPR một cách nghiêm túc, xây dựng và trách nhiệm từ năm 2009 đến nay. Chu kỳ II của phiên rà soát UPR về Việt Nam được bắt đầu tại phiên họp tháng 2-2014 tại Nhóm làm việc UPR. Trước đó, công tác chuẩn bị cho phiên rà soát đã được nhiều bộ, ngành liên quan khẩn trương chuẩn bị mà Bộ Ngoại giao là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối. Tiếp nối những kinh nghiệm từ chu kỳ I, Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ II của Việt Nam đã được soạn thảo kỹ lưỡng, chi tiết với sự tham vấn rộng rãi của tất cả các bộ, ngành, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện các khuyến nghị, cũng như các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội và các tổ chức Liên Hợp quốc, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Với những nỗ lực, thành tựu, kinh nghiệm của mình về nhân quyền, phiên rà soát của Việt Nam đã được sự quan tâm rất cao với 106 nước, từ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới phát biểu. Các nước đã đánh giá cao sự cởi mở, hợp tác và tích cực của Việt Nam, các thành tựu của Việt Nam trong 30 năm đổi mới và những tiến triển tích cực trong giai đoạn 2009-2014. Các nước cũng đưa ra tổng cộng 227 khuyến nghị trên các lĩnh vực khác nhau, từ phát triển kinh tế-xã hội, cải cách tư pháp, thúc đẩy hơn nữa các quyền và tự do cá nhân, thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), chia sẻ kinh nghiệm về nhân quyền, tăng cường đóng góp vào khu vực và quốc tế về nhân quyền. Nhóm làm việc đã nhất trí thông qua Báo cáo kết quả phiên rà soát về Việt Nam để trình lên HĐNQ cũng như thời hạn Việt Nam sẽ trả lời việc chấp nhận các khuyến nghị tại phiên họp HĐNQ xem xét thông qua báo cáo kết quả.

Trong bối cảnh đó, phiên họp thông qua Báo cáo rà soát UPR về Việt Nam tại khóa họp thường kỳ lần thứ 26 của HĐNQ ngày 20-6-2014 mang một ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình tham gia UPR của Việt Nam, đồng thời cũng nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Quán triệt tinh thần tham gia tích cực, trách nhiệm và nghiêm túc, Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành liên quan đã chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chi tiết cho phiên họp, trong đó tiến hành thống kê, rà soát và nghiên cứu các khuyến nghị Việt Nam có thể chấp nhận được để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ. Nhiều bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai đồng loạt nhiều hoạt động để củng cố, thúc đẩy hơn nữa việc thụ hưởng ngày càng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đây là những tiền đề quan trọng được chuẩn bị để HĐNQ xem xét thông qua báo cáo.

 Tại phiên họp, trước sự chứng kiến của 47 nước thành viên HĐNQ và đông đảo các nước thành viên Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các NGOs quan tâm, Đoàn Việt Nam đã công bố danh sách 182 khuyến nghị chấp nhận trên tổng số 227 khuyến nghị Việt Nam nhận được tại Nhóm làm việc về UPR trước đó vào tháng 2-2014. Đây là một tỷ lệ chấp nhận cao so với nhiều nước khác đã tiến hành rà soát nhân quyền theo UPR. Tỷ lệ chấp nhận này là một minh chứng thể hiện thái độ nghiêm túc, cởi mở của Việt Nam trước các ý kiến đóng góp của cộng đồng quốc tế cũng như ưu tiên, quyết tâm bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền cho mỗi một người dân Việt Nam. Đồng thời, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Việt Nam cũng thông tin với HĐNQ Kế hoạch triển khai 182 khuyến nghị chấp nhận được, với sự phân công chi tiết trách nhiệm thực hiện, báo cáo định kỳ của từng bộ ngành nhằm mục tiêu cao nhất là triển khai 182 khuyến nghị một cách thiết thực và hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao hơn nữa các quyền con người, quyền tự do của nhân dân.

Tinh thần coi trọng Cơ chế UPR, các cam kết quốc tế của Việt Nam và cách tiếp cận toàn diện này đã nhận được sự hoan nghênh và đánh giá cao của các nước, các tổ chức tại Liên Hợp quốc tại phiên họp. Nhiều nước đã đăng ký phát biểu chia sẻ với Việt Nam về nỗ lực, quyết tâm bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người. Các nước khẳng định tinh thần đối thoại, xây dựng và hợp tác của Việt Nam là một hình mẫu tại HĐNQ đặc biệt là với tỷ lệ khuyến nghị UPR được chấp nhận. Các nước ASEAN ghi nhận và mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào nỗ lực chung của khu vực Đông Nam Á, nhất là thúc đẩy sự hợp tác thông qua các cơ chế như Cơ quan nhân quyền liên chính phủ ASEAN (AICHR), Ủy ban ASEAN về Phụ nữ và trẻ em (ACWC). Nhiều nước Á, Phi hoan nghênh những thành tựu tuyệt vời, đáng khâm phục của Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội, giảm đói nghèo, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và đề nghị Việt Nam tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm quý báu này với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước đang phát triển. Nổi bật nhất, Hiến pháp 2013 và việc triển khai thực hiện Hiến pháp để từng bước củng cố chính thể nhà nước pháp quyền và hệ thống pháp luật về quyền con người đã nhận được sự quan tâm cao trong các phát biểu tại phiên họp. Nhiều nước đánh giá cao nội dung và hàm lượng quyền con người được phản ánh rất toàn diện trong bản Hiến pháp 2013, đồng thời ghi nhận quá trình soạn thảo, tham vấn ý kiến người dân một cách kỹ lưỡng, công phu và rộng khắp trước khi dự thảo được Quốc hội xem xét thông qua. Bên cạnh đó, các thành tựu trong công tác bảo đảm quyền của những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người già, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật… cũng như kế hoạch tiếp tục tham gia nhiều công ước quốc tế cơ bản về quyền con người của Việt Nam như đẩy nhanh phê chuẩn Công ước người khuyết tật, Công ước chống tra tấn cũng là các nội dung được nhiều nước đề cập trong phát biểu của mình.

Tại phiên thông qua Báo cáo nhân quyền về Việt Nam, nhiều NGOs hoạt động tại Liên Hợp quốc cũng tham gia phát biểu và đưa ra nhiều đánh giá, nhận xét khách quan và tích cực. Một số tổ chức nêu các khó khăn, thách thức hiện nay của Việt Nam để nêu bật ý nghĩa của thành tựu và đóng góp của Việt Nam về bảo đảm và phát huy quyền con người. Nhiều tổ chức hoạt động trực tiếp tại cơ sở ở Việt Nam đã cung cấp các minh chứng sinh động về thành tựu bảo đảm quyền con người, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam là một nước đang phát triển có xuất phát điểm thấp, thường gặp thiên tai và vừa trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập và tự do. Hầu hết các phát biểu từ các NGOs kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam để góp phần thúc đẩy hơn nữa việc thụ hưởng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Trước sự ủng hộ rất cao tại phiên họp, HĐNQ đã nhất trí cao, nhanh chóng thông qua bằng đồng thuận kết quả Báo cáo rà soát định kỳ UPR của Việt Nam chu kỳ II, đánh dấu thêm một cột mốc lớn của Việt Nam trong công tác bảo đảm, phát huy thực hiện các quyền con người, góp phần thúc đẩy đối thoại, chia sẻ và giúp cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước thường trao đổi với Việt Nam về nhân quyền hiểu rõ hơn các chính sách, nỗ lực, thành tựu về nhân quyền của Việt Nam.

Báo cáo nhân quyền của Việt Nam theo Cơ chế UPR chu kỳ II đã được thông qua, tiếp nối kinh nghiệm chu kỳ I từ năm 2009. Đây là một quá trình tiệm tiến, diễn ra liên tục và là một bước cụ thể hóa chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm, phát huy quyền con người. Trong quá trình đó, UPR đã nhận được sự quan tâm triển khai, nghiêm túc thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, công tác bảo đảm, thúc đẩy quyền con người đã được thực hiện ngày càng tốt hơn, được các nước, cộng đồng khu vực và quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực.

Qua thực tiễn triển khai UPR từ trước đến nay và kết quả cụ thể tại các phiên họp Nhóm làm việc và tại HĐNQ, thành công về UPR đã góp phần khẳng định vị thế của một Việt Nam đổi mới, phát triển năng động, sẵn sàng đối thoại, hợp tác, hội nhập sâu rộng và đóng góp tích cực vào công việc chung của quốc tế, trong đó có vấn đề quyền con người, xứng đáng là một hình mẫu cho quốc tế về chính sách nhất quán, cam kết mạnh mẽ về quyền con người. Việc thực hiện thành công tiến trình UPR cũng một lần nữa khẳng định tiếng nói và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trước sự nghiệp chung của quốc tế về quyền con người, đặc biệt khi Việt Nam đang là thành viên của HĐNQ nhiệm kỳ 2014 - 2016.

Để phát huy kết quả của những thành công đã đạt được, trong thời gian tới các bộ, ngành liên quan cần xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể trong lĩnh vực phụ trách để thực hiện 182 khuyến nghị UPR Việt Nam đã chấp nhận. Quán triệt chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ và phát huy các quyền con người, trong phạm vi quốc gia, Việt Nam cần tăng cường các biện pháp, chính sách và nguồn lực để đảm bảo tốt hơn các quyền con người phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, các nội dung công ước quốc tế về quyền con người. Trong đó, các hướng ưu tiên là đẩy mạnh kiện toàn hệ thống pháp luật trên cơ sở Hiến pháp 2013, thực hiện cải cách hành chính, mở rộng và tăng cường quyền dân chủ và nâng cao hiệu lực của Nhà nước pháp quyền, tăng cường các thể chế quốc gia bảo vệ quyền con người, tích cực triển khai các chương trình, chiến lược quốc gia nhằm tăng khả năng tiếp cận của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương vào các chương trình, dịch vụ của hệ thống an sinh xã hội, đẩy mạnh giáo dục về quyền con người, quyền công dân. Trên phạm vi quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục tham gia tích cực, trách nhiệm vào công việc chung của HĐNQ và Liên Hợp quốc, xem xét tham gia thêm một số công ước quốc tế về quyền con người và tăng cường hợp tác với các cơ chế nhân quyền Liên Hợp quốc, các nước thành viên và đối tác quốc tế khác vì mục tiêu chung là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng tất cả các quyền, tự do cho người dân.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị tháng 7-2014

Hoàng Chí Trung

Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền