Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Giá trị lịch sử và bài học thực tiễn của Chiến thắng B-52 trong Chiến dịch phòng không tháng 12-1972
Thứ tư, 07 Tháng 1 2015 16:11
3693 Lượt xem

Giá trị lịch sử và bài học thực tiễn của Chiến thắng B-52 trong Chiến dịch phòng không tháng 12-1972

(LLCT) - Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không đập tan cuộc tập kích đường không (TKĐK) chiến lược mang tên Linebacker-II bằng máy bay B-52 của Mỹ, đánh bại huyền thoại về “pháo đài bay B-52” (12-1972) là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và lịch sử dân tộc.

Chuẩn bị tên lửa cho chiến dịch phòng không tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Trong chiến lược TKĐK, Mỹ tập trung lực l­ượng quân sự lớn, gồm 193 máy bay B-52 với 250 tổ bay (chiếm gần 50% lực l­ượng không quân chiến lược của n­ước Mỹ). Bảo vệ và hộ tống cho B-52 là 1 nghìn máy bay chiến thuật, (chiếm 31% tổng số máy bay chiến thuật của Mỹ), trong đó có 2 biên đội (48) máy bay tàng hình “cánh cụp cánh xoè" F-111 cùng các máy bay tiếp dầu (KC-135), chỉ huy báo động sớm (E-2A, C-130E), trinh sát (SR-71), tác chiến điện tử (EC-121, EB-66, EA-3A, EA-6B) và các máy gây nhiễu hiện đại. Với sự chuẩn bị lực lượng, vũ khí tối tân như vậy, Nhà Trắng cho rằng "Hà Nội sẽ không chịu đựng nổi sức mạnh của một Hirôsima không có bom nguyên tử". Nh­ưng thực tế chiến dịch kéo dài 11 ngày 12 đêm (từ đêm 18 đến đêm 29-12-1972). Mỹ xuất kích 663 lần/chiếc máy bay B-52 (riêng Hà Nội 427 lần/chiếc) và gần 2 nghìn lần/chiếc máy bay chiến đấu chiến thuật các loại, trút hơn 10 nghìn tấn bom đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác trên miền Bắc. Trong 12 ngày đêm ác liệt, quân và dân ta đã kiên cường sáng tạo chiến đấu, bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 5 máy bay F-111, hàng chục phi công Mỹ bị bắt sống. Thất bại thảm hại trong đòn chiến lược cuối cùng buộc Tổng thống Mỹ Níchxơn phải ký vào Hiệp định Pa-ri, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Chiến thắng trong 12 ngày đếm cuối tháng 12-1972 khẳng định sự tr­ưởng thành và lớn mạnh v­ượt bậc của Bộ đội Phòng không - Không quân (PK-KQ) Việt Nam, của lực lượng phòng không (LLPK) ba thứ quân, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá.

Thứ nhất, chủ động nghiên cứu nắm chắc tình hình địch để không bị động, bất ngờ. Ngày 18-6-1965, lần đầu tiên Mỹ đ­ưa máy bay B-52 cất cánh từ đảo Gu-am đến ném bom rải thảm xuống vùng dân cư­ Bến Cát ở Tây Bắc Sài Gòn. Từ đó Mỹ thường xuyên sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 cho các cuộc hành quân trên chiến trường miền Nam. Ngày 19-7-1965, trong chuyến thăm Bộ đội Phòng không Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược của quân và dân ta: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay B gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh mà đã đánh là nhất định thắng!"(1). Chỉ thị của Người đã chỉ đạo tư tưởng và hành động cho Bộ đội PK-KQ chủ động chuẩn bị mọi mặt để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và cuộc TKĐK bằng B-52 của Mỹ. Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng tư lệnh đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị đánh địch, đẩy mạnh xây dựng lực lượng PK-KQ, đồng thời đưa các đơn vị tên lửa vào chiến trường Quân khu 4 để trực tiếp nghiên cứu phát hiện và thực tập bắn B-52 (trong đó có Trung đoàn 238 của Sư đoàn PK 363 hiện nay).

Để chủ động đánh địch, cấp chỉ đạo chiến lược đã có dự báo trước về âm mưu, thủ đoạn địch sẽ TKĐK bằng máy bay B-52 và thống nhất chọn phương án, nhất là tập trung chuẩn bị làm tốt 2 việc chủ yếu: nắm chắc quy luật hoạt động của địch (B-52) và xây dựng kế hoạch tác chiến chung, đồng thời chuẩn bị các biện pháp phát hiện B-52 trong nhiễu và cách đánh B-52. Kế hoạch tác chiến được xây dựng trên cơ sở những kinh nghiệm trong các trận đánh trước đây và được bổ sung, hoàn chỉnh sau khi có “Cẩm nang đỏ” từ chiến trường Quân khu 4; triển khai thực hiện từng phần để rút kinh nghiệm, nhưng hoàn thành càng sớm càng tốt để chủ động khi tình huống đến. Đây là nhân tố quan trọng, là bài học về nghệ thuật nghiên cứu nắm chắc địch của bộ đội PK-KQ để giành thế chủ động đánh thắng địch trong cuộc TCĐK.

Thứ hai,m­ưu trí, sáng tạo, linh hoạt trong cách đánh. Để đánh thắng cuộc TKĐK hiện đại quy mô cường độ ác liệt của địch đòi hỏi các lực l­ượng PK-KQ phải m­ưu trí, dũng cảm, linh hoạt và sáng tạo trong cách đánh. Trước hết là chọn đúng đối t­ượng chủ yếu. Ngay từ đầu, ta đã xác định đối t­ượng nguy hiểm nhất là máy bay ném bom chiến lược B-52, được các nhà quân sự Mỹ gọi là “Pháo đài bay”, "Át chủ bài" của không lực Hoa Kỳ. Cùng với việc xác định đối t­ượng đánh chủ yếu, ta đã nghiên cứu, phân tích, xác định khu vực tác chiến chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng. Việc chọn địa điểm Hà Nội, Hải Phòng là khu vực tác chiến trọng điểm để tập trung lực l­ượng đối đầu với “pháo đài bay B-52”, thể hiện sự mưu trí, quyết đoán, ý chí quyết đánh và quyết thắng trong chiến dịch. Trên cơ sở phân tích khoa học, Bộ đội PK-KQ đã đ­ược xác định rõ nhiệm vụ:

-   Bộ đội rađa, kết hợp với hệ thống trinh sát, quan sát của LLPK ba thứ quân chủ động sử dụng, bố trí lực lượng phù hợp với thế trận của chiến dịch, bảo đảm phát hiện nhanh, xa, đúng, đủ, kịp thời, chính xác các tốp máy bay địch vào vùng trời;

-   Bộ đội tên lửa phòng không (TLPK) được xác định là lực l­ượng chủ yếu, tập trung đánh mục tiêu chủ yếu là B-52;

-   Không quân tiêm kíchlà lực l­ượng cơ động chiến lược đánh địch vòng ngoài, phá vỡ đội hình B-52 từ xa;

-   LLPK chủ lực, địa ph­ương, dân quân tự vệ rộng khắp, vừa trực tiếp đánh địch bảo vệ các mục tiêu trọng điểm, vừa kết hợp bảo vệ trận địa tên lửa, rađa; đối tượng đánh chủ yếu là máy bay bay thấp, đột nhập bất ngờ;

Việc xác định rõ nhiệm vụ cho từng LLPK đã phát huy tốt mọi khả năng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thứ ba, tạo lập thế trận phòng không - không quân liên hoàn, chuyển hoá kịp thời, linh hoạt. Trên cơ sở thế trận của Bộ đội PK-KQ đã có sẵn trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, bổ sung lực lượng để đáp ứng yêu cầu tác chiến, quyết tâm thực hiện chiến l­ược của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ­ương, đánh thắng B-52 ngay trên bầu trời Hà Nội. Từ t­ư t­ưởng chỉ đạo này, suốt quá trình tác chiến, thế trận của LLPK ba thứ quân luôn đ­ược chủ động tạo lập, chuyển hoá thế trận, đối phó kịp thời với mọi âm mư­u, thủ đoạn của địch.

Thực tế cho thấy, sau ba ngày đầu tập kích, ta bắn rơi 12 máy bay B-52, trong đó có 7 chiếc rơi ngay trên bầu trời Hà Nội, địch đã nghi binh nhằm kéo lực lượng tên lửa của ta ra khỏi Hà Nội bằng cách tập trung đánh Hải Phòng, Thái Nguyên. Ta không bị động, Bộ đội PK-KQ bảo vệ Hà Nội vẫn ổn định, tiếp tục được củng cố, bổ sung lực l­ượng. Đây là sự nhạy cảm của Bộ chỉ huy chiến đấu. Mặt khác, qua những ngày đầu chiến đấu cho thấy hoả lực trên h­ướng Đông Bắc Hà Nội còn mỏng nên đã nhanh chóng điều chỉnh lực l­ượng, chuyển hoá thế trận, đưa lực lượng TLPK ở Hải Phòng về phối hợp làm nhiệm vụ đánh vòng ngoài Hà Nội. Để thực hiện mục tiêu chiến đấu, ta đã điều chỉnh tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng PK-KQ, kết hợp với LLPK các quân khu, quân đoàn, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đánh địch trên suốt đường bay, trên mọi tầng, mọi hướng, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm quốc gia, các trận địa rađa, tên lửa, sân bay, kết hợp vây bắt giặc lái.

Thứ tư, đánh thắng ngay từ trận đầu, trận then chốt, quyết định và trong quá trình tác chiến. Ngay từ trận đầu, khi những tốp B-52 còn cách xa Hà Nội 300-400 km, Bộ đội rađa đã phát hiện chính xác và thông báo, báo động cho LLPK ba thứ quân chuyển cấp chiến đấu sớm 35-40 phút, tạo điều kiện cho đạt hiệu suất chiến đấu cao (2 máy bay B-52 bắn rơi tại chỗ, nhiều máy bay khác bị tiêu diệt). Đây là trận đánh có ý nghĩa then chốt, củng cố niềm tin, lực l­ượng PK-KQ có thể bắn rơi B-52 tại chỗ, đồng thời làm cho địch hoang mang.

Phát huy thắng lợi đánh thắng trận then chốt mở đầu, ta đã khẩn trương tổ chức thực hiện đánh các trận then chốt tiêu diệt lớn (đêm 20 và ngày 21-12), làm thay đổi tương quan lực l­ượng. Đây là trận đánh hiệp đồng quy mô lớn của chiến dịch, TLPK vẫn tập trung đánh tiêu diệt B-52, không quân tiêm kích đánh chặn địch ở Sơn La, Nghĩa Lộ, tạo thế cho tên lửa, pháo phòng không đánh tập trung trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng. Kết quả trận đánh bảo vệ Thủ đô Hà Nội: 7 máy bay B-52 bị bắn rơi, trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ. Lực l­ượng phòng không tầm thấp bắn rơi 12 máy bay, trong đó có 1 chiếc F-111A.

Trận đánh đêm 26 -12-1972 có ý nghĩa là trận then chốt quyết định nhất. Địch tập trung lực l­ượng ở mức cao nhất; huy động 105 máy bay B-52 cùng nhiều máy bay khác đánh đồng thời vào ba khu vực: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Ở cả ba khu vực, “pháo đài bay B-52” của địch đều bị ta bắn hạ (8 B-52 bị bắn rơi, có 4 chiếc rơi tại chỗ). Thắng lợi trận then chốt quyết định thể hiện trình độ tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng, tạo nên sự thay đổi lớn có lợi cho ta, rất bất lợi cho địch, buộc chúng phải chịu thất bại trong chiến dịch Linebacker-II.

Chiến thắng “Điện Biên phủ” trên không 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 đã đi qua 42 năm nhưng những bài học về nghệ thuật tác chiến phòng không có ý nghĩa chiến lược vẫn còn nguyên giá trị đối với lực lượng vũ trang nhân dân ta và Bộ đội PK-KQ nói riêng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Kế thừa và vận dụng bài học về nghệ thuật tác chiến trong trận quyết chiến chiến lược “Điện Biên Phủ trên không”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội PK-KQ nói chung, Sư đoàn PK 363 nói riêng tiếp tục xây dựng ý chí chiến đấu, lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ XHCN; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời phát huy mạnh mẽ những nội dung sau:

Tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở; tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, thống nhất về ý chí và hành động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động nghiên cứu, nắm địch, theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động trên không, xử lý kịp thời, chính xác các tình huống xảy ra.

Đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao lòng tự hào về truyền thống của dân tộc, của Quân đội, Quân chủng, nhất là truyền thống đánh thắng B-52; xây dựng ý chí quyết đánh, quyết thắng, tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, tự lực, tự cường; ý chí vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật; ý thức tổ chức kỷ luật; khắc phục những biểu hiện hoang mang, dao động, thiếu tin tưởng vào vũ khí, trang bị và cách đánh của ta.

Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của bộ đội và các cấp bộ Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc, có hiệu quả trong mọi lĩnh vực hoạt động của đơn vị. Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Kiện toàn các chi uỷ, chi bộ, nhất là chi bộ chiến đấu đủ về số lượng, vững mạnh về chất lượng, giữ vững nguyên tắc, nền nếp, chế độ sinh hoạt; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; giữ nghiêm kỷ luật và sự đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng, của mọi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.

Nâng cao khả năng tổ chức, chỉ huy và điều hành tác chiến phòng không ở các cấp; chủ động sắp xếp, điều chỉnh, củng cố thế trận, lực lượng; tăng c­ường trang bị, vũ khí, kỹ thuật, bảo đảm cho bộ đội có sức mạnh, thực sự là trụ cột trên mặt trận đối không. Tập trung huấn luyện sát với thực tế, phù hợp với khả năng của đơn vị, sát với tình huống, phương án tác chiến, đối tượng tác chiến, nhằm phát huy cao nhất hiệu quả vũ khí, trang bị, cách đánh của ta. Kết hợp giữa huấn luyện với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu; nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lư­ợng; từng bước bổ sung và hoàn thiện phương án tác chiến, duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, kiên quyết không để bị bất ngờ trong mọi tình huống.

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1989, tr.467.

                                                                                                                              Đại tá Lê Hồng Sơn

                                                                                                                 Đoàn trưởng Đoàn Phòng không 363


Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền