Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    85 năm phát huy, bồi đắp giá trị truyền thống đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương
Thứ hai, 02 Tháng 2 2015 16:54
2257 Lượt xem

85 năm phát huy, bồi đắp giá trị truyền thống đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương

(LLCT) - Sức mạnh của một tổ chức chính trị được hình thành và phát triển từ ba nguồn chủ yếu nhất: Từ sự đoàn kết thống nhất muôn người như một, từ trí tuệ sáng suốt và từ kỷ cương. Cả ba nguồn đó đều có trong nội lực của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay khi mới thành lập vào Mùa Xuân năm 1930. Đó là những điểm nhấn tạo thành truyền thống của Đảng trong tiến trình 85 năm qua (1930-2015).

Đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương tạo nên sức mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam (Ảnh: TL)

Truyền thống là những giá trị văn hóa được kết tinh một cách bền vững từ một tổ chức chính trị, xã hội, từ một cộng đồng. Những giá trị văn hóa đó truyền chảy, lan tỏa, thẩm thấu theo thời gian, được giữ gìn, phát huy và bồi đắp dày thêm.

Cái mốc truyền thống đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương của Đảng Cộng sản Việt Nam được định hình ngay từ ngày thành lập vào đầu năm 1930(1). Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản đảng ngày 17-6-1929; An Nam Cộng sản đảng tháng 8-1929; Đông Dương Cộng sản liên đoàn ngày 29-12-1929 là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Nhưng, chính sự hiện diện của ba tổ chức cộng sản ngay trong cùng một nước cũng tiềm ẩn nguy cơ phân tán, chia rẽ. Sự kiện thống nhất các tổ chức cộng sản tại Việt Nam đầu năm 1930 chính là sự quy tụ một cách tuyệt vời, đúng lúc và vô cùng cần thiết. Từ đây, sức mạnh của cách mạng Việt Nam được hướng vào một mối, vào một tổng hợp lực, theo một véctơ lực thống nhất. Sức mạnh ấy lại được cộng hưởng, được nhân lên còn là do Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ đầu đã có Cương lĩnh chính trị đúng đắn. Bảy nội dung  cơ bản của Cương lĩnh chính trị đầu tiên là:

- Mục tiêu và con đường cách mạng Việt Nam là làm cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng ruộng đất, đánh đổ chế độ phong kiến, tiến lên chủ nghĩa cộng sản (“làm tư sản dân quyền c.m và thổ địa c.m để đi tới xã hội cộng sản”(2)).

- Lý luận dẫn đường của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin.

- Lực lượng lãnh đạo của cách mạng Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam, “đội tiên phong của đạo quân vô sản”(3), “đội tiên phong của vô sản giai cấp”(4).

- Lực lượng tham gia cách mạng Việt Nam là toàn thể dân tộc Việt Nam (trừ bọn Việt gian, phản động), không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, tôn giáo, vùng miền, trong đó công nông là gốc của cách mạng.

- Phác thảo một xã hội mới của Việt Nam sau khi cách mạng thành công, đó là một xã hội xã hội chủ nghĩa, giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản.

- Phương pháp tiến hành cách mạng Việt Nam là cách mạng bạo lực.

- Quan hệ quốc tế: Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng trên thế giới; Đảng Cộng sản Việt Nam phải có quan hệ mật thiết với giai cấp vô sản trên thế giới.

Bảy nội dung cơ bản trên đây không những biểu đạt trí tuệ sáng suốt của một đảng chính trị ngay khi mới thành lập, mà chính những nội dung đó, làm thành cái cốt, cái điểm quy tụ sức mạnh đoàn kết cho Đảng và rộng ra là cho cách mạng Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đầu năm 1930 có được Cương lĩnh, Điều lệ và nhanh chóng trở thành một phân bộ của Quốc tế Cộng sản, điều đó làm cho hình thành tính kỷ cương của Đảng, và chính điều này lại nhân lên sức mạnh đoàn kết cho Đảng.

Như vậy, chính ba nhân tố đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương là “ba trong một” làm thành bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân tố này làm nền, thúc đẩy, củng cố nhân tố kia, và ngược lại. Sự thống nhất của ba nhân tố đó là sự khởi đầu không thể tốt hơn của một tổ chức chính trị rất mới trong xã hội Việt Nam thuộc địa - phong kiến đầu những năm 30 của thế kỷ XX. Ba nhân tố hợp thành là sự khai mở của những giá trị văn hóa của một Đảng Mác - Lênin, là sự bắt đầu của truyền thống tốt đẹp của Đảng.

Người thiết kế và xây nền móng cho truyền thống đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương của Đảng ta chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người mà sau này được toàn Đảng, toàn dân Việt Nam tôn vinh là “Anh hùng dân tộc vĩ đại”, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là một trong những “Nhân vật kiệt xuất” và năm 1987 ra Nghị quyết Kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh với sự đánh giá là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

Với sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, Hồ Chí Minh chủ động gánh lấy trách nhiệm “với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương”(5) để khắc phục sự phân tán, chia rẽ của các tổ chức cộng sản trong nước. Cuối năm 1929, từ Xiêm, Nguyễn Ái Quốc đã đến Hương Cảng để thực thi trách nhiệm của mình. Người đã triệu tập Hội nghị thành lập Đảng, soạn thảo các văn kiện của Hội nghị thành lập, hợp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Không những đặt nền móng mà Hồ Chí Minh còn là người tích cực nhất cùng toàn Đảng xây đắp cho truyền thống đó ngày một vững chắc. Với trách nhiệm và công lao to lớn đó, Hồ Chí Minh trở thành lãnh tụ của Đảng Cộng sản và toàn dân tộc Việt Nam, trở thành ngọn cờ hiệu triệu các nguồn sức mạnh cho cách mạng, trở thành hạt nhân cho sức mạnh đoàn kết trong Đảng, trở thành “bộ óc” tạo nên trí tuệ sáng suốt của Đảng, trở thành nguồn lực cho việc thực hiện các nguyên tắc hành động theo kỷ cương của một tổ chức cộng sản chân chính.

Không thể gọi là truyền thống của một tổ chức, của một cộng đồng khi các giá trị của tổ chức, của cộng đồng đó bị mai một, phai nhạt và biến đổi theo chiều hướng xấu. 85 năm qua là những chặng đường Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy và nhân lên các giá trị của đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương.

Đảng luôn luôn chú trọng thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách làm tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(6).

Trước hết, đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương phải dựa trên cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng

 Chế độ chính trị theo định hướng XHCN của nước ta được thiết lập theo đúng những gì trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã vạch ra và chính thức hình thành từ khi Đảng trở thành đảng cầm quyền do thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Chế độ chính trị mà hiện nay toàn Đảng, toàn dân đang ra sức xây dựng, củng cố và phát triển phải dựa chắc vào:  Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng Cộng sản Việt Nam với các nguyên tắc xây dựng Đảng của chủ nghĩa Mác - Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học.

Đây là ba vấn đề cơ bản nhất trong nhận thức và hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam và nói rộng ra là của cả xã hội Việt Nam hiện nay. Đó cũng là tiêu điểm để quy tụ tất cả các lực lượng tạo nên đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương của Đảng, làm cho Đảng có thêm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu dồi dào hơn.

Chính vì vậy, điểm mấu chốt nhất, điểm căn bản nhất vẫn là Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, luôn chú trọng xây dựng, củng cố và phát triển sự đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương của Đảng là điều kiện tiên quyết để giữ vững chế độ chính trị hiện nay. Đến lượt mình, Đảng Cộng sản Việt Nam phải chú trọng xây dựng được cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn, xây dựng và vận hành tổ chức vững mạnh theo các nguyên tắc Mác - Lênin và theo tư tưởng Hồ Chí Minh; có được một đội ngũ cán bộ, đảng viên đầy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ mẫn tiệp, có đức, có tài.

85 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm được những điều đó. Đảng trở thành một nhân tố có tính chất quyết định cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam là bởi bản chất khoa học và cách mạng, bởi truyền thống tốt đẹp được phát huy. Truyền thống đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương của Đảng Cộng sản Việt Nam 85 năm qua biểu hiện qua việc Đảng lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta đứng lên đấu tranh giành chính quyền cách mạng, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH; đưa nhân dân Việt Nam từ địa vị của người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước; đưa nước Việt Nam sánh vai với các dân tộc đấu tranh vì độc lập, hòa bình và tiến bộ xã hội; đưa Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, trở thành một đội ngũ tiên phong, kiên cường trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đảng đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân tiến hành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH, theo đúng xu thế của thời đại.

Hai là, sự nghiệp đổi mới trong gần 30 năm qua chính là sự tiếp tục của truyền thống đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương của Đảng

Với bản lĩnh và trí tuệ của mình, Đảng đã tập hợp được trí tuệ từ nhân dân để cùng khởi xướng sự nghiệp đổi mới vì những mục tiêu của CNXH, chính thức từ Đại hội VI (12-1986). Đường lối đổi mới của Đảng đã được vận hành và được bổ sung ngày càng hoàn thiện trong gần 30 năm qua đã chứng tỏ trí tuệ sáng suốt của Đảng. Đảng biết làm giàu trí tuệ của mình qua việc vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, biết khơi nguồn sức mạnh từ lý luận ấy, biết nạp thêm năng lượng mới từ lý luận sinh động ấy, biết chắt chiu những tri thức từ tình hình năng động ở những giai đoạn phát triển như vũ bão hiện nay. Đảng nắm bắt, tổng kết thực tiễn, thực tiễn trong nước và thực tiễn thế giới, để luôn bổ sung những vấn đề lý luận, làm giàu kho tàng lý luận từ tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới trong một thế giới đầy năng động nhưng cũng biến đổi khó lường.

Những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới chứng tỏ sức mạnh đoàn kết của chính bản thân Đảng và lan tỏa ra toàn xã hội. Sức mạnh đoàn kết đó kết thành một khối vô cùng to lớn, vững chắc, tạo thành sức mạnh của toàn dân tộc và kết hợp được với sức mạnh của thời đại để tăng thêm sức mạnh dân tộc và cuối cùng là hình thành được sức mạnh tổng hợp làm nên thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta tự hào rằng, toàn Đảng, toàn dân ta đã thực hiện xuất sắc tư tưởng chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công

Hơn bao giờ hết, trong gần 30 năm đổi mới, Đảng ta đã tiếp tục xây dựng, củng cố đội ngũ của mình để luôn luôn xứng đáng là một đội quân tiên phong, kiên cường, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam, một đội ngũ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đảng đã kiên định mục tiêu, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa trước muôn vàn thử thách, kể cả khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn.

Tất cả những giá trị thực tế gần 30 năm đổi mới đó do Đảng và nhân dân ta tạo nên có ý nghĩa vun đắp thêm cho truyền thống đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương của Đảng 85 năm qua. Những giá trị đó chính là sự tiếp biến, làm tôn dày cho truyền thống vốn đã được khởi thủy từ mùa Xuân 1930 khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vẫn còn đó không ít những hạn chế trong các chặng đường phát triển của Đảng. Ở đâu đó và ở lúc nào đó, Đảng vẫn còn yếu vì chưa tập hợp được sức mạnh đoàn kết; Đảng vẫn còn những non kém về trí tuệ; Đảng còn xộc xệch do kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm. Nhưng, với những gì đã trải qua, đã kiểm nghiệm, đã thử thách trong 85 năm, nhất định Đảng sẽ tiếp tục lớn lên và hành trang của Đảng trong thế kỷ XXI này cũng như trong các thế kỷ tiếp theo vẫn là ba nguồn sức mạnh từ đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương.

Mất đoàn kết là mất tất cả. Kém trí tuệ thì không làm nổi được vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân và của toàn dân tộc. Thiếu kỷ cương thì Đảng không còn là một tổ chức chiến đấu. Với ý thức như vậy, đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương chính là hằng số phát triển bền vững của Đảng và của dân tộc Việt Nam.

 

________________________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2015

(1) Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu từ ngày 6-1-1930 và kết thúc vào ngày 7-2-1930. Đại hội III của Đảng (9-1960) đã thông qua nghị quyết lấy ngày 3-2 hằng năm làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

(2), (3), (4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.2, 6, 4, 19.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.611.

GS, TS Mạch Quang Thắng

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền