Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện     Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 26 (Quân khu 7) trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Thứ ba, 31 Tháng 3 2015 13:38
5284 Lượt xem

Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 26 (Quân khu 7) trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

(LLCT) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta, kết thúc 21 năm chia cắt Bắc-Nam, nước nhà độc lập, non sông thu về một mối. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công chiến lược quy mô lớn, huy động lực lượng quân sự lớn nhất kể từ khi quân và dân ta đứng lên kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ảnh: Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 26 (Quân khu 7) diễn tập vượt sông

Để đáp ứng yêu cầu cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội ta đã tăng cường sức mạnh chiến đấu về mọi mặt, từng bước xây dựng các binh chủng kỹ thuật hiện đại, trong đó có tăng, thiết giáp, lực lượng đột kích quan trọng của lục quân.

Ngày 20-11-1964, Ban cơ giới Miền (B16) được thành lập. Đây là cơ quan Binh chủng Tăng- Thiết giáp đầu tiên ra đời ở chiến trường B2 tại căn cứ Bà Chiêm (chiến khu Dương Minh Châu), tỉnh Tây Ninh. Và đây cũng là đơn vị tiền thân của Đại đội cơ giới Miền (C40), sau đó đổi tên là Đoàn Cơ giới Miền (J16), J16 Đặc công - Cơ giới... Đoàn 26, Trung đoàn Tăng- Thiết giáp 26 và hiện nay là Lữ đoàn tăng thiết giáp 26.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đoàn 26 (nay là Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 26) đã tham gia chiến đấu trên năm hướng với 120 xe, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam - thống nhất đất nước.

Trên thực tế, đến cuối tháng 3-1975, trên chiến trường B2 (gồm Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ) nhân dân và các lực lượng vũ trang nơi đây đã thực hiện các công tác chuẩn bị chiến trường, tạo nên những yếu tố quan trọng, bảo đảm thắng lợi triệt để cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng vào trung tâm đầu não Sài Gòn. Ngay từ đầu tháng 4-1975, Bộ Tư lệnh Miền chỉ huy lực lượng vũ trang B2 thực hiện các đòn chia cắt chiến lược, bao vây cô lập Sài Gòn, tạo thế cho chiến dịch cuối cùng. Đoàn 26 Tăng - Thiết giáp được tăng cường lực lượng, nhanh chóng chấn chỉnh tổ chức, biên chế, bảo đảm sẵn sàng vào trận quyết chiến chiến lược này.

Ngày 26-4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Với sự nỗ lực vượt bậc của lực lượng vũ trang B2 và cuộc hành quân thần tốc của các Quân đoàn 1, 2, 3, quân Giải phóng hình thành thế trận chiến dịch năm mũi tiến công như năm gọng kìm khép chặt hang ổ cuối cùng của địch. Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng một bộ phận lực lượng thích hợp, trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ lực lượng địch phòng thủ vòng ngoài, không cho rút chạy, co cụm về Sài Gòn nhằm tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực của chúng. Thời gian này,Đoàn 26 Tăng - Thiết giáp được tăng cường thêm hai Tiểu đoàn Tăng 1 và 2 (thuộc Lữ đoàn Tăng 215), chia làm hai bộ phận chính phối thuộc chiến đấu trên hai hướng chiến dịch (số còn lại được phối thuộc vào 3 hướng chiến dịch). Bộ phận thứ nhất phối thuộc cho Quân đoàn 4 trên hướng Đông Bắc gồm ba tiểu đoàn: Tiểu đoàn Tăng 21, 22 và Tiểu đoàn Tăng 1. Bộ phận thứ hai phối thuộc cho Binh đoàn 232 tiến công vào Sài Gòn từ hướng Tây và Tây Nam có Tiểu đoàn 20 (thiếu), Tiểu đoàn 2 và Đại đội Thiết giáp 33.

Như vậy, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đoàn 26 Tăng - Thiết giáp có 7 tiểu đoàn, 2 đại đội chiến đấu, gồm: dl, d2, d3, d20, d21, d22, d23, c33 c52 và Tiểu đoàn Huấn luyện 24 (lúc này Tiểu đoàn Bộ binh Cơ giới 23 thuộc Sư đoàn Bộ binh 5 đã trở về trong đội hình của Đoàn 26). Bộ Tư lệnh chiến dịch đã sử dụng toàn bộ lực lượng Đoàn 26 Tăng - Thiết giáp gồm 120 xe tăng, thiết giáp tham gia chiến đấu trên 5 hướng nhưng chủ yếu trên 2 hướng Đông Bắc và Tây Nam Sài Gòn.

Trên hướng Bắc Sài Gòn, trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 1, Đoàn 26 chỉ tham gia phối thuộc Đại đội pháo cao xạ tự hành 57mm (gồm 3 xe).

Ở hướng Đông Bắc Sài Gòn, trong đội hình Quân đoàn 4, lực lượng Đoàn 26 tăng thiết giáp được sử dụng như sau: Tiểu đoàn Tăng 1 phối thuộc cho Sư đoàn Bộ binh 341, đánh địch ở Trảng Bom; Tiểu đoàn Tăng 21 tăng cường cho Sư đoàn Bộ binh 6 (Quân khu 7) tiến công địch ở Hố Nai, Biên Hòa, chiếm cầu Mới, cầu Ghềnh, nhằm mở đường cho mũi thọc sâu tiến vào nội thành Sài Gòn. Tiểu đoàn Tăng 22 trong đội hình của Sư đoàn Bộ binh 7, thọc sâu vào đánh chiếm Đài phát thanh và dinh Độc lập của nội các Sài Gòn.

Ngày 27-4-1975, vào 5 giờ 30 phút, Tiểu đoàn Tăng 1 chia thành hai mũi phối hợp với các đơn vị của Sư đoàn Bộ binh 341 đánh địch ở Trảng Bom trên hai hướng. Hướng chủ yếu phía Đông Bắc, xe tăng đã nhanh chóng cùng bộ binh đánh thẳng vào trận địa pháo địch, khiến chúng tan vỡ, chạy dồn xuống phía Nam. Được xe tăng chi viện, bộ binh ta tiếp tục tiến thẳng vào sở chỉ huy Chiến đoàn 48 của địch và làm chủ hoàn toàn Trảng Bom lúc 9 giờ 30 phút ngày 27-4-1975. Tiếp đó, trên hướng thứ yếu,Đại đội Tăng 1 phối hợp với đại đội bộ binh, chia thành hai mũi, đánh địch ở điểm cao 130 và ấp Hưng Nghĩa làm tan rã hệ thống chính quyền ngụy ở các ấp, xã trên quốc lộ 1A từ Hưng Nghĩa đến Trảng Bom.

Ngày 28-4-1975, sau khi chiếm được Trảng Bom, Đại đội Tăng 3 chuyển sang chi viện cho Trung đoàn Bộ binh 3 tiến đánh địch ở Suối Đỉa, sau đó, chuyển sang tiến công địch ở Long Lạc. Cả hai Đại đội tăng 1 và 2 đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sáng 29-4-1975, Trung đoàn 4 (thuộc Sư đoàn Bộ binh 6) được Đại đội Tăng 2 chi viện tiến đánh địch ở Hố Nai. Trước yêu cầu nhiệm vụ, Đại đội chỉ có bốn xe tăng và trong quá trình chi viện bộ binh đánh địch lần lượt bị tổn thất. Lúc này, mũi thọc sâu của Quân đoàn 4 có Tiểu đoàn Tăng 22 dẫn đầu đội hình Trung đoàn bộ binh 12 và 14 (thuộc Sư đoàn Bộ binh 7) đã tiến vào Hố Nai mở đường, được xe tăng yểm trợ đã hợp sức đánh địch quyết liệt suốt đêm 29-4. Địch buộc phải rút qua sông Đồng Nai, nhưng đã đánh sập cầu Mới, nhằm ngăn chặn quân ta truy kích. Do Cầu Mới bị sập, nên chỉ có bộ binh Sư đoàn 341 dùng ô tô vượt qua cầu Ghềnh tiến vào Sài Gòn, xe tăng và bộ binh Sư đoàn 7 quay lại theo đường xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn, tiến vào sau đội hình của Lữ đoàn Tăng 203, Quân đoàn 2. Thời cơ tiến đánh Biên Hòa, Cầu Mới quá chậm nên Sư đoàn Bộ binh 7 và Tiểu đoàn Tăng 22 không thực hiện thọc sâu được theo đúng kế hoạch.

Trên hướng Tây Nam Sài Gòn, địa hình phần lớn là đồng nước, sinh lầy, hạn chế nhiều đến hoạt động của bộ đội cơ giới. Lực lượng tăng thiết giáp của ta trên hướng này gồm Tiểu đoàn Tăng 20 (thiếu), Tiểu đoàn Tăng 23 và Đại đội Thiết giáp 33 cùng với Tiểu đoàn Tăng 2 được trang bị 80 xe tăng, thiết giáp, phần lớn là tăng bơi và xe thiết giáp phối hợp cho Binh đoàn 232 (có 3 sư đoàn 3, 5, 9) chia làm 2 mũi tiến công thọc sâu vào Sài Gòn, đánh chiếm trạm ra đa Phú Lâm, trường đua Phú Thọ, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát và hợp điểm chiếm dinh Tổng thống ngụy quyền. Riêng Đại đội Tăng 45 phối thuộc cho Sư đoàn 5, đã băng qua Đồng Tháp Mười, chặn đường 4 không cho địch ở Sài Gòn chạy về Mỹ Tho.

Mũi thứ nhất, đêm 27 rạng sáng 28-4-1975, để nhanh chóng chiếm An Hiệp, Bộ Tư lệnh Sư đoàn Bộ binh 3 quyết định đưa Đại đội Thiết giáp 33 thực hiện nhiệm vụ chiến đấu mở đường. Đại đội 33 chia thành 3 mũi chi viện cho bộ binh. Sau 2 giờ chiến đấu quyết liệt, đến 15 giờ ngày 28-4-1975, quân ta chiếm được Tân Hiệp. Cùng lúc đó, Đại đội Tăng 8 cùng một trung đội của Đại đội 33 vượt sông Lộc Giang bằng phà của công binh. Sáng ngày 29-4, xe tăng thiết giáp ở Tây Bắc ấp So Đo (trên đường 10), cách thị xã Hậu Nghĩa 4 km, cùng Sư đoàn Bộ binh 3 tiến công Hậu Nghĩa. Mặc dù quân địch chống trả quyết liệt, nhưng ta đã nhanh chóng giải phóng thị xã Hậu Nghĩa, tạo bàn đạp cho Binh đoàn chủ lực 232 tiến nhanh vào Sài Gòn.

Trong khi đó, Sư đoàn Bộ binh 9 cùng Tiểu đoàn Tăng 2 làm nhiệm vụ thọc sâu chiến dịch đã bí mật vượt sông Vàm Cỏ Đông vào khu vực Giồng Sến tiến theo đường 10, qua cầu Kênh Xáng đánh địch ở Tây Nam Sài Gòn chiếm trạm ra đa Phú Lâm lúc 8 giờ sáng ngày 30-4-1975. Để tranh thủ thời gian, Đại đội Tăng 5 Tiểu đoàn tăng 2 theo đường 9A vượt qua cầu Bông, chi viện cho Trung đoàn Bộ binh 1 (Sư đoàn 9) diệt và đánh tan hai tiểu đoàn biệt động quân của địch ở Vĩnh Lộc, sau đó nhanh chóng tiến vào ngã tư Bảy Hiền. Tại đây, Đại đội 3 phối hợp cùng xe tăng của Quân đoàn 3 tổ chức đánh địch, chiếm ngã tư Bảy Hiền. Đến 10 giờ 15 phút, Đại đội Tăng 5 cùng bộ binh tiến vào chiếm biệt khu Thủ đô. Sau gần một giờ chiến đấu, ba xe của Đại đội tăng 5 tiến vào Dinh Độc lập thì gặp xe tăng của Quân đoàn 2 đã vào trước. Sau đó, Đại đội tăng 5 tiếp tục truy kích địch theo đường 9 ra đường 1, đến ngã ba Bà Quẹo rồi rẽ sang đường Phạm Hồng Thái, Lê Văn Duyệt. Đến 12 giờ, ba xe của Đại đội tăng 5 cùng bộ binh đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát.

Mũi thứ hai, ngày 28-4-1975, Đại đội Tăng 45 thuộc Tiểu đoàn Tăng - Thiết giáp 23 trong đội hình thọc sâu của Binh đoàn 232, dùng 10 xe tăng thiết giáp, băng qua Đồng Tháp Mười chặn đường 4 không cho địch ở Sài Gòn rút chạy về Mỹ Tho. Đơn vị rất khó khăn mới vượt qua được những cánh đồng lầy của vùng Đồng Tháp Mười và phải bơi trên sông Vàm Cỏ Tây 40 - 50 km. Đến 20 giờ ngày 30-4, Đại đội 45 tiến đánh ấp Tân Đông phát hiện đoàn tàu địch từ Tuyên Nhơn, lợi dụng đêm tối trốn chạy ra hướng biển. Xe số 643 đã bắn chìm và vây bắt 19 tàu còn lại. Đây là trận đánh tàu thủy địch trên sông đầu tiên của Bộ đội tăng thiết giáp Quân Giải phóng miền Nam.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi oanh liệt, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 26 vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được Bộ Tư lệnh Miền tặng cờ Quyết chiến, quyết thắng. Vinh dự, tự hào được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 26 đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại tá Nguyễn Văn Lợi

Chính ủy Lữ đoàn 26

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền