Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Nắm bắt thời cơ chiến lược, tổng tiến công giành toàn thắng trong mùa Xuân 1975
Thứ hai, 13 Tháng 4 2015 17:30
2884 Lượt xem

Nắm bắt thời cơ chiến lược, tổng tiến công giành toàn thắng trong mùa Xuân 1975

(LLCT) - Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó có sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy bén của Đảng về nắm bắt thời cơ chiến lược. 

   

 

 

Bộ Tổng tham mưu họp bàn phương án tác chiến trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 (ảnh tư liệu)

 

1. Chủ trương sáng suốt, quyết định kịp thời

 

          Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó có sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy bén của Đảng về nắm bắt thời cơ chiến lược.

           Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta luôn đánh giá đúng tình hình thực tế, dự đoán chính xác thời cơ chiến lược, chủ động thúc đẩy tình thế mau chín muồi để giành thắng lợi quyết định. Nhờ đó, đã liên tiếp giành thắng lợi trong chống các chiến lược chiến tranh xâm lược của 5 đời Tổng thống Mỹ. Năm 1972, cuộc tiến công chiến lược diễn ra ở miền Nam, đánh chiếm thị xã Quảng Trị, căn cứ Đông Hà, căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh (Kon Tum), thị trấn Lộc Ninh (Bình Phước), v.v, cùng với trận “Điện Biên Phủ trên không” ở miền Bắc đánh bại chiến lược chiến tranh phá hoại, đã buộc Mỹ ký Hiệp định Pari rút quân khỏi miền Nam. Năm 1973, chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định Pari, xua lính lấn đất, giành dân. Bị Quân Giải phóng đánh trả quyết liệt, lại mất chỗ dựa là quân Mỹ, quân ngụy suy yếu toàn diện cả lực lượng, vật chất hậu cần lẫn tinh thần. Lực lượng ta được củng cố, tăng cường với việc thành lập các binh đoàn chủ lực mạnh: Quân đoàn I (10-1973), Quân đoàn II (5-1974), Quân đoàn IV (7-1974). Ta tiếp tục tiêu diệt nhiều sinh lực địch trên các chiến trường, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng trong các năm 1973-1974. Bước vào mùa khô 1974-1975, Nam Bộ và Khu VI đã đồng loạt mở cao điểm tấn công và nổi dậy giành thắng lợi. Chiến thắng Phước Long (6-1-1975) mang ý nghĩa một đòn trinh sát chiến lược rất quan trọng cho tổng công kích, là liều thuốc thử hiệu nghiệm phản ứng của Mỹ, là thước đo khả năng phòng giữ những vị trí xung yếu của quân ngụy Sài Gòn và mở ra tình thế mới cho cách mạng miền Nam. Thời cơ để ta “đánh cho ngụy nhào” đã đến.

        Hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 30-9 đến 8-10-1974) đã nhận định: “Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn”(1). Bộ Chính trị đã quyết định giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Quyết tâm chiến lược của Đảng là phải “làm nhanh, làm gọn, làm triệt để và khôn khéo”(2) để gây bất ngờ; phải “tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương”, nhằm “động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà”(3). Chọn thời cơ chiến lược và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam vào thời điểm ấy là một quyết định rất dũng cảm và táo bạo. Đây là kết quả của trí tuệ tập thể Bộ Chính trị, sự cân nhắc kỹ lưỡng và không ngừng tích lũy kinh nghiệm từ mấy chục năm chiến đấu trên chiến trường; từ việc tạo ra lực lượng so sánh trong nước và thế giới có lợi cho ta; từ dự đoán chính xác Mỹ không có khả năng quay trở lại và cho dù Mỹ can thiệp trở lại cũng không xoay chuyển được tình thế.

        Ngày 8-1-1975, Hội nghị Bộ Chính trị đã phân tích tình hình miền Nam hai năm sau Hiệp định Pari, khẳng định tình thế, thời cơ chín muồi: Ta đã giành quyền chủ động trên khắp các chiến trường; củng cố và hoàn chỉnh thế chiến lược liên hoàn từ Bắc vào Nam; xây dựng và tăng cường các binh đoàn chủ lực cơ động; cải thiện tình hình nông thôn đồng bằng, tạo nên các bàn đạp vùng phụ cận thành thị lớn; phát động được phong trào đấu tranh chính trị dưới khẩu hiệu hòa bình, độc lập, hòa hợp dân  tộc; tranh thủ thêm được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Phía địch, từ quân chủ lực đến quân địa phương ở thế phòng ngự; sức kìm kẹp dân của chúng đã giảm; sức cơ động và trình độ hiệp đồng các binh chủng xuống thấp và yếu; tinh thần sa sút nghiêm trọng; vùng chiếm đóng bị chia cắt, kế hoạch “bình định” đang phá sản; tình hình chính trị, kinh tế ở thành thị khó khăn, rối loạn. Bộ Chính trị nhất trí quyết tâm gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976; đồng thời đề ra nhiệm vụ, kế hoạch tác chiến chung và cụ thể cho các chiến trường trong năm 1975 và kế hoạch năm tiếp theo. Nhiệm vụ chung là nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhiệm vụ cụ thể là thực hiện các đòn chiến lược tiêu diệt chi khu, quận lỵ, đánh bại kế hoạch “bình định” ở đồng bằng Nam Bộ, đồng bằng Khu V và Trị-Thiên; phát triển phong trào đấu tranh chính trị lên quy mô rộng lớn đòi hòa bình, hòa hợp dân tộc; đẩy mạnh công tác binh vận; phá hủy phương tiện hậu cần và chiến tranh của địch.

         Nhiệm vụ của từng chiến trường cũng được xác định nhằm vào đích chung là tiến tới trận quyết chiến chiến lược tại sào huyệt cuối cùng của địch ở đô thành Sài Gòn. Chiến trường Nam Bộ đánh phá “bình định”, đánh quân chủ lực ngụy, vây ép thành thị. Chiến trường Khu V, Tây Nguyên dùng ba sư đoàn quân chủ lực đánh Tây Nguyên, mở thông hành lang nối liền với Đông Nam Bộ, mở trận đầu đánh chiếm Buôn Ma Thuột, thọc xuống duyên hải miền Trung, để tiến nhanh vào hướng vây ép Sài Gòn. Chiến trường Trị - Thiên đánh chiếm đồng bằng, làm chủ vững chắc phía Nam thành phố Huế, chia cắt Huế với Đà Nẵng, vây ép không cho địch co cụm. Miền Bắc phải cảnh giác, dự trữ lực lượng đề phòng địch.

         Những kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị được ghi thành Nghị quyết về quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, ra ngày 20-1-1975. Nghị quyết khẳng định “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn”, Đảng có quyết tâm tập trung chỉ đạo sáng tạo mọi điều kiện, nắm vững thời cơ. Trong quá trình lãnh đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy đến toàn thắng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ra tiếp nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng; gửi nhiều điện khẩn tới Trung ương Cục, Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền và các Đảng ủy mặt trận chỉ đạo nắm vững thời cơ chiến lược, chớp đúng thời cơ đột biến sát với yêu cầu thực tiễn.

 

2. Thực tiễn chiến trường phong phú, sinh động

         Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu bằng mưu lược bố trí binh lực Quân đoàn IV và Quân đoàn II ghìm lực lượng cơ động của địch từ hai phía Sài Gòn, Nam Bộ và Huế, Đà Nẵng để tạo tình thế, thời cơ mở đòn chiến lược giải phóng Tây Nguyên trước, vì ở đây có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cả. Ở Tây Nguyên ta chọn Buôn Ma Thuột làm điểm đột phá mở đầu chiến dịch. So với Pleiku và Kon Tum, Buôn Ma Thuột địch ít chú trọng đề phòng hơn. Địa hình ở đây dễ cho các đơn vị lớn của ta tiến công hiệp đồng binh chủng, đánh địch phản kích và phát triển ra nhiều hướng. Địch bố trí ở đó khoảng 8.400 quân, gồm một trung đoàn bộ binh, hai chi đoàn thiết giáp, hai tiểu đoàn pháo binh, Sở chỉ huy Sư đoàn 23, Liên đoàn biệt động 21 và các căn cứ trung đoàn, sân bay quân sự. Để đảm bảo chắc thắng, ta tăng cường cho Tây Nguyên thêm hai sư đoàn, một số trung đoàn độc lập, cùng pháo binh và xe tăng. Trên địa bàn Tây Nguyên, ta đã hình thành một quân đoàn mạnh, lại có sự phối hợp với một sư đoàn của Quân khu V và sự hỗ trợ trực tiếp của Binh đoàn 559. Bằng mưu kế bí mật, nghi binh, đánh tiêu diệt một số cứ điểm trên đường 19, đường 21, An Khê, Chư Sê, Thuần Mẫn, Đức Lập, Thanh An, v.v, làm cho quân ngụy mắc bẫy hướng sự chú ý và tập trung lực lượng về phía Bắc Tây Nguyên.

Trong lúc địch hoàn toàn không biết được hướng tiến công chính của ta, thì bất ngờ vào lúc 1h 55 phút, ngày 10-3-1975, quân ta nổ súng đánh Buôn Ma Thuột. Trong 2 ngày quân ta đã chiếm tất cả các vị trí trong thị xã tỉnh lỵ, diệt nhiều địch, bắt sống hơn 1 nghìn tên, thu hàng trăm tấn vũ khí. Chính quyền Sài Gòn kêu gọi “tử thủ Buôn Ma Thuột bằng mọi giá”, tập trung lực lượng phản kích điên cuồng tái chiếm, nhưng đã quá muộn và chịu thất bại.

          Đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột “đã làm đảo lộn hoàn toàn thế phòng ngự của địch ở Tây Nguyên, rung chuyển toàn chiến trường miền Nam”(4). Quân địch ở Pleiku, Kon Tum hỗn loạn. Ngày 11-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp nhận định có khả năng địch rút khỏi Tây Nguyên, cục diện chiến trường sẽ chuyển biến mau lẹ, cần nắm bắt thời cơ giải phóng Tây Nguyên trong tháng 3-1975 và tính đến mở đòn chiến lược ở Huế, Trị-Thiên, Đà Nẵng. Không còn cách cứu vãn tình thế và để tránh cho Quân đoàn II ngụy bị tiêu diệt hoàn toàn, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu bay ra Cam Ranh tuyên bố: “Cho rút quân về giữ vùng duyên hải. Lộ trình rút được chấp thuận là liên lộ 7”(5). Địch rút chạy khỏi Tây Nguyên từ ngày 16-3-1975. Kon Tum, Pleiku ta không đánh mà thắng. Nắm thời cơ đột biến, quân ta nhanh chóng truy kích và chặn đánh, quân ngụy hoảng loạn và con đường số 7 đã trở thành thảm họa kinh hoàng của chúng. Hạ tuần tháng 3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, hơn10 vạn quân địch thuộc đại bộ phận Quân đoàn II ngụy bị loại khỏi vòng chiến đấu. Tây Nguyên được giải phóng.

           Ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975-1976) ngay trong năm 1975 giải phóng miền Nam; hướng chiến lược chủ yếu là Sài Gòn; hướng chiến lược quan trọng trước mắt là Trị - Thiên - Đà Nẵng. Ngày 24-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp khẳng định: “Thời cơ chiến lược lớn đã tới. Chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này, kể từ 20 năm qua. Cách mạng miền Nam đã có những bước nhảy vọt, nhưng đây là bước nhảy vọt có ý nghĩa quyết định”(6). Quyết tâm chiến lược là tranh thủ thời gian cao độ, huy động nỗ lực của cả nước, tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, đánh cho địch không kịp trở tay, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Trước mắt kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Huế, Đà Nẵng.

         Từ ngày 18-3-1975, phần lớn lực lượng ở Tây Nguyên phát triển vào hướng chủ yếu miền Đông Nam Bộ, đồng thời phối hợp với các lực lượng địa phương mở rộng vùng giải phóng ở đồng bằng Khu V từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến Khánh Hòa. Ngày 19-3-1975, ta giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị; mở trận tiến công lớn tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên – Huế. Các lực lượng vũ trang Quân khu Trị -Thiên và bộ đội Quân đoàn II từ ba hướng tiến công bao vây, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 ngụy, cắt đứt đường số 1, bịt chặt các cửa biển Thuận An, Tư Hiền, quân địch rút chạy khỏi Thừa Thiên – Huế. Cảnh thảm bại trên đường số 7 ở Tây Nguyên, lại diễn ra trên đường từ Huế xuống cửa biển Thuận An, với hàng chục nghìn quân ngụy, hàng trăm xe tăng, xe bọc thép bị tiêu diệt. Ngày 26-3-1975, Huế hoàn toàn giải phóng, uy hiếp, đẩy quân ngụy ở Đà Nẵng vào tình thế nguy khốn.

           Đà Nẵng là căn cứ quân sự mạnh của địch. Tại đây địch còn khoảng 10 vạn quân, trong đó có 15 tiểu đoàn chủ lực của Sư đoàn 3 bộ binh, Sư đoàn Thủy quân lục chiến.... Dù hô hào “tử thủ bằng mọi giá”, nhưng trước sức tiến công thần tốc của quân ta từ các hướng, chỉ trong 3 ngày (đến trưa ngày 29-3-1975), toàn bộ quân địch ở Đà Nẵng bị tiêu diệt và tan rã. Đà Nẵng giải phóng, đòn tiến công chiến lược thứ hai đã hoàn thành xuất sắc, mở ra bước nhảy vọt mới của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân lịch sử.

        Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp mở rộng bàn về đòn tiến công chiến lược thứ ba giải phóng Sài Gòn. Với một niềm tin toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Bộ Chính trị đề ra mục tiêu là “thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất”, tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4-1975, với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Bộ Chính trị chủ trương gấp rút tăng lực lượng hướng Tây Sài Gòn, chia cắt đường 4, cô lập Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long; đánh chiếm các mục tiêu quan trọng và bao vây Sài Gòn từ hướng Đông Bà Rịa – Vũng Tàu; các lực lượng quân sự, chính trị ở đồng bằng sông Cửu Long giải phóng các địa phương; bộ đội từ hướng Tây Nguyên nhanh chóng tiến vào chiến trường trọng điểm; Quân đoàn I từ miền Bắc (trừ Sư đoàn 308) khẩn trương tiến quân theo đường bộ, đường không, đường biển vào chiến trường. Vấn đề quyết định là nắm thời cơ, chạy đua với thời gian, vì yếu tố bất ngờ về hướng tiến công không còn nữa. Địch biết ta đánh Sài Gòn, nhưng chúng cho rằng ta phải chuẩn bị vài tháng. Do đó yếu tố bất ngờ lúc này là thời gian, phải tính từng ngày. Phương châm chiến lược là “thần tốc, thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Mệnh lệnh chiến trường là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

          Hạ tuần tháng 4-1975, sau khi đập tan tuyến phòng ngự từ xa của địch ở Phan Rang, đánh sụp đổ tuyến phòng thủ “cánh cửa thép” ở Xuân Lộc, hải quân giải phóng nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa, các binh đoàn chủ lực của ta đã vào vị trí bao vây Sài Gòn tứ phía. Sáu trung đoàn đặc công và hàng chục đội biệt động đã sẵn sàng từ vùng ven đến nội đô Sài Gòn. Các trận địa pháo tầm xa đã được bố trí. Một phi đội máy bay thu được của địch đã chuẩn bị cất cánh ném bom. Chính quyền Sài Gòn và binh lính ngụy hoang mang tột độ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên đài phát thanh oán trách Mỹ bỏ rơi và cay đắng từ chức, báo hiệu giờ phút cáo chung của chế độ Việt Nam cộng hòa. Mọi mưu toan của Mỹ những ngày sau đó nhằm hạn chế, trì hoãn cuộc tiến công của quân ta, cứu ngụy quyền, ngụy quân miền Nam thất bại đã hoàn toàn tan vỡ.

          Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Qua 2 ngày mở màn chiến dịch, không quân ta đã ném bom, khống chế sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, các binh đoàn thọc sâu cùng xe tăng mở nhiều đợt tiến công tiêu diệt và làm tan rã phần lớn 5 sư đoàn quân ngụy, khép chặt vòng vây Sài Gòn từ mọi hướng. Tối 29, sáng ngày 30-4, với lực lượng áp đảo cần thiết, gồm 5 quân đoàn, binh khí kỹ thuật hiện đại đồng loạt tiến công vào trung tâm đô thành Sài Gòn, ta đã nhanh chóng chiếm lĩnh các mục tiêu chủ yếu, làm chủ thành phố. Thời khắc lịch sử đánh dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng là khi chiếc xe tăng Quân Giải phóng húc đổ cổng sắt vào dinh Độc lập vào 11h 30 phút và lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc lập, nơi tập trung bộ máy quyền lực trung ương của địch, đồng thời tin Tổng thống Dương Văn Minh bị bắt, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện được phát trên làn sóng điện.

         Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng huy hoàng đó tô đậm thêm truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất của nhân dân ta, làm phong phú và sâu sắc thêm nhiều bài học kinh nghiệm của cách mạng giải phóng dân tộc, chiến tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trong đó có bài học kinh nghiệm nắm chắc thời cơ chiến lược, dũng cảm quyết tâm giành thắng lợi quyết định.

                                                                       

 


(1) ĐCSVN: Đại thắng mùa Xuân 1975 Văn kiện Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005,tr.12

(2) Sđd, tr.14

(3) Sđd, tr.19-20

(4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.193.

(5) Sđd, tr.204

(6) Sđd, tr.237

                                                        PGS, TS Nguyễn Thanh Tâm

                                                     Viện Lịch sử Đảng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền