Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    "Những việc cần làm ngay" - dấu ấn Nguyễn Văn Linh trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực
Thứ năm, 02 Tháng 7 2015 14:54
3176 Lượt xem

"Những việc cần làm ngay" - dấu ấn Nguyễn Văn Linh trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực

(LLCT) - Là một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và nhân dân ta, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn xuất hiện ở những thời điểm bước ngoặt của cách mạng Việt Nam và để lại những dấu ấn sâu đậm. Một trong những dấu ấn nổi bật của đồng chí trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ khóa VI mở đầu thời kỳ đổi mới là loạt bài chống tiêu cực đăng trên báo Nhân Dân với tiêu đề “Những việc cần làm ngay”. Tác động của những bài báo ký tên N.V.L trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” hết sức to lớn, đã“tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội: dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước”(1).

 

1. N.V.L -phá vỡ sự “im lặng đáng sợ”

Từ Đại hội VI của Đảng (1986), nước ta bắt đầu công cuộc đổi mới. Bối cảnh quốc tế và trong nướclúc này hết sức khó khăn và phức tạp. Nền kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng, lạm phát tăng nhanh với tốc độ “phi mã”, tình trạng khó khăn trong đời sống nhân dân chưa được giải quyết. Tình trạng lạc hậu, bảo thủ, trì trệ, giáo điều trong cả nhận thức và hành động còn nặng nề; các hiện tượng tiêu cực xảy ra khá phổ biến trong đời sống xã hội.Trong khi đó, các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô chìm sâu trong khủng hoảng và bên bờ vực sụp đổ.

Hiểu rõ vai trò, chức năng của báo chí "là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân”, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịchHồChí Minh về trách nhiệm của người viết báo trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã lựa chọn báo chí là một trong những phương tiện hữu hiệu để khơi dậy dư luận xã hội chống những tiêu cực.

Là người coi trọng thực tiễn, với tư duy nhạy bén, năng động, đồng chí nhận thấy một tác nhân cơ bản cản trở quá trình đổi mới là tệ nạn tham ô, nhũng nhiễu của một số cán bộ lãnh đạo cơ quan công quyền. Để củng cố, xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, với sự nghiệp đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã khởi xướng "Những việc cần làm ngay" nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội.

Lúc đó, có người đã hỏi đồng chí Nguyễn Văn Linh rằng, với cương vị đứng đầu Đảng, đồng chí có thể chỉ thị, yêu cầu làm việc này,đâu cần phải viết báo. Đồng chí đã trả lời, mình có thể cùng với Bộ Chính trị chỉ thị việc này, việc khác, nhưng tác dụng của tờ báo lại khác, tạo ra dư luận xã hội lại có sức mạnh riêng. Cũng có người thắc mắc tại sao đồng chí không ký rõ họ tên dưới bài viết để hiệu lực cao hơn mà lại ký tên tắt, ký bút danh. Đồng chí giải đáp, ký tên tắt, ký bút danh để mọi người tham khảo, thấy đúng thì làm, không bị lệ thuộc vào địa vị người viết… Chừng đó thôi cũng có thể thấy được sự sáng tạo, dân chủ của đồng chí trong lựa chọnphương pháp đấu tranh chống tiêu cực.

Tính từ ngày 25-5-1987, khi lần đầu xuất hiện trên trang nhất báo Nhân Dân bài báo chạy tít đậm Những việc cần làm ngay với bút danh N.V.L đến ngày 28-9-1990 đăng bài cuối cùng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết 27 bài, tập trung phê phán các hành vi quan liêu, tham nhũng, hống hách, cửa quyền, ức hiếp quần chúng; lợi dụng việc công để làm lợi riêng,…của một số cán bộ có chức, có quyền, mà lâu nay vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng, không ai dám nói; phê phán việc ngăn sông cấm chợ; phê phán tình trạng bất hợp lý gây ra những ách tắc trong sản xuất và phân phối, lưu thông hàng hóa…; và nêu lên thực trạng “Từ khi chuẩn bị Đại hội VI, Đảng và Nhà nước phát động phong trào nói thẳng, nói thật, ai làm không tốt thì phê bình để tự sửa chữa, trừng phạt nếu cần. Các báo từ Bắc chí Nam đã đưa ra nhiều vụ việc sai phạm lớn do quần chúng phát hiện. Nhưng sau đó phần nhiều là một sự “im lặng đáng sợ”(2). Đó là một biểu hiện của bệnh vô cảm, vô trách nhiệm, phớt lờ ý kiến nhân dân của những người có địa vị, thẩm quyền và trách nhiệm.

Có thể nói, chủ đề mà đồng chí Nguyễn Văn Linh chọn viết trong loạt bài này là rất khó và nhạy cảm. Khó! Bởi phải chỉ mặt, đặt tên những việc làm tiêu cực, những kẻ tiêu cực ở vào bất cứ thời kỳ nào cũng vậy, không bao giờ là việc dễ dàng. Nhạy cảm! Bởi vì chống tiêu cực thì rất dễ đụng chạm đến “người này, người kia”. Chính vì thế nên đã có người dịch bút danh N.V.L thành “nhảy vào lửa”. Cho nên, khi “Những việc cần làm ngay” mới xuất hiện được một, hai số trên báo Nhân Dân, mặc dù được đông đảo đồng bào, đồng chí ủng hộ nhưng vẫn có một số người lo lắng, băn khoăn cho chuyên mục này và lo lắng cho cả chính tác giả bài báo. Quả đúng vậy! Sau một số bài đăng trên báo Nhân Dân, đã có người trực tiếp đến gặp đồng chíTổng Bí thư can ngăn “nên cẩn thận hơn một chút”, nếu không, “tay phải sẽ đánh vào tay trái”; “bài viết sẽ không được hưởng ứng, lúc đó mới thôi viết, thế là đánh trống bỏ dùi, đã vô ích, lại mất tín nhiệm”; dẫn đến đôi co, phản tác dụng; “mới nói việc nhỏ, ắt có sự không bằng lòng, cho rằng chỉ tắm từ vai xuống còn đầu thì chưa hay không dám”; có người thì cho rằng như thế là “bôi đen chế độ”, “không khéo đây là một kiểu phát động cách mạng văn hóa, v.v...”.Họ khuyên đừng viết nữa vì có “biết bao nhiêu việc cần làm sao phải hăng hái đi chống tiêu cực như vậy? Vài trăm tấn tỏi, mấy vị mang hộ chiếu ngoại giao đi buôn… có gì là ghê gớm, phê bình và tự phê công khai chỉ làm rối lòng dân, làm cản trở công việc của cán bộ lãnh đạo”(3)...

Không chỉ có vậy, Những việc cần làm ngay của đồng chí N.V.L cũng bị “khá nhiều” các ý kiến phản kích phê bình. Loại phản kích phổ biến là bác bỏ, coi người viết bài phê bình có dụng ý xấu. Nhiều đơn vị, cơ quan bị phê bình còn tỏ thái độ gay gắt, đưa ra những ý kiến mang tính “chụp mũ”. Có nơi thay cho sự nghiên cứu kỹ ý kiến phê bình, bàn cách sửa chữa khuyết điểm lại mở cuộc điều tra nội bộ xem ai là người có khả năng tiết lộ sự việc với cơ quan báo chí. Có những nhà báo viết bài phê bình đã bị tổ chức, cá nhân được phê bình “điều tra” xem có phải là phần tử xấu hay không, thậm chí điều tra bằng cách đọc lại tất cả những bài viết của nhà báo đó từ trước đến nay để xem có tìm được gì nghi ngờ không? Có nhà báo còn bị cảnh cáo rằng: anh viết như vậy là “viết dưới giá treo cổ”(4). Ngay đếnTổng Bí thư viết bài đăng báo chống tiêu cực cũng bị can ngăn, điều đóchothấy cuộc chiến chống tiêu cực lúc đó khó khăn biết chừng nào!

Với phẩm chất của một người cộng sản chân chính, đồng chí Nguyễn Văn Linh thẳng thắn trả lời: Chúng ta không nên thận trọng đến mức rụt rè. Có gì sai khi chúng ta dám nói lên sự thật, cho dù sự thật đó có đau lòng, để khắc phục sửa chữa; sửa chữa để tiến lên; phải tiếp tục đẩy mạnh phê bình và tự phê bình; phải kiên quyết chống bọn tham nhũng, ăn cắp, ức hiếp nhân dân và phải xử lý thật nghiêm(5)…và khẳng định “vẫn cứ viết vì thấy cần quá”, “cần đưa các nhân tố mới lên, lấn dần tiêu cực, nhưng đồng thời phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy”(6). Đồng chí còn yêu cầu: “các cơ quan tuyên truyền (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình...) phải phản ánh và lên án, phải chỉ đích danh những cá nhân, những cơ quan, những tổ chức... làm các việc trái với chủ trương nghị quyết Trung ương...”, “các cơ quan pháp luật phải lôi các vụ, việc làm sai trái lớn để nghiêm trị và kết quả thế nào phải đưa rõ lên các cơ quan ngôn luận cho nhân dân biết”(7).

2. N.V.L – “Nói và làm”, khơi nguồn dư luận, tạo sự hưởng ứng

Sau này, khi được hỏi về bút danh N.V.L, đồng chí Nguyễn Văn Linh giải thích đó là Nói và làm. Trong câu trả lời đó đã hàm chứa nội dung đồng chí muốn nhắn gửi: Lời nói phải đi đôi với việc làm, không được nói mà không làm, nói nhiều làm ít, đánh trống bỏ dùi hoặc nói một đằng làm một nẻo.

Đồng chí cũng đã từng căn dặn cán bộ, đảng viên trong công cuộc đổi mới “phải gắn lời nói với việc làm, có nhiệt tình cách mạng cao, thống nhất với tri thức khoa học vững chắc, dám nhìn thẳng vào sự thật, công khai hóa hoạt động, đi sâu đi sát thực tiễn,…biết giải quyết mọi công việc trên cơ sở phát huy quyền làm chủ và tính chủ động của nhân dân lao động”(8).

Khi đồng chí Nguyễn Văn Linh đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư cũng là lúc đất nước bắt đầu triển khai công cuộc đổi mới. Đồng chí cho rằng, muốn thực hiện được các nghị quyết của Đảng thì phải làm nhiều việc, trong đó có việc chống tiêu cực. Đây là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Bởi, tác hại của tiêu cực là vô cùng to lớn: Nó phá hoại kinh tế. Nó làm trật tự xã hội đảo lộn, làm xói mòn các giá trị đạo đức. Cuối cùng, nó phá hoại niềm tin mà ai đó đã nói rất đúng: mất niềm tin là mất tất cả,lớn hơn cả mất cắp và mất cướp.Nguyên nhân của tiêu cực cũng đã được đồng chí chỉ ra là do có những tổ chức, cá nhân vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà cố ý không thực hiện các nghị quyết của Đảng. Có những người trước kia cầm súng đánh giặc là những anh hùng, nhưng sau này hư hỏng đi; trong bộ máy nhà nước cũng có một số người làm ăn không chính đáng, ăn cắp của công(9). Những tác nhân đó có thể khiến công cuộc đổi mới không triển khai được, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của quốc gia và đường lối lãnh đạo của Đảng.

Trong diễn văn khai mạc Đại hội VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh nêu rõ: Phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta.

Trong nhiệm kỳ Đại hội VI, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhiều lần về tận cơ sở, đến với người dân. Dấu chân đồng chí đã in trên khắp những nẻo đường đất nước. Trong những chuyến thực tế đó, đồng chí đã được người dân phản ánh những hiện tượng hư hỏng, thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Những tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân đã gợi cho đồng chí đề xuất với Bộ Chính trị ra nghị quyết về cuộc vận động làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội và thông qua đó từng bước đẩy lùi và hạn chế các hiện tượng tiêu cực.

Điều dễ nhận thấy trong Những việc cần làm ngay là sự phản ánh các sự kiện, các vấn đề trọng tâm, bức xúc nhất trong đời sống xã hội. Sự phê bình, đấu tranh được nêu lên trong các bài viết của đồng chí N.V.L có tên tuổi, địa chỉ cụ thể, rõ ràng và đòi hỏi có những trả lời cụ thể trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng của những ngành, những đơn vị bị phê bình. Thí dụ: nguyên nhân giá cả tăng; ai chịu trách nhiệm và hình phạt sẽ ra sao trong vụ kho lạnh Bến Bính (Hải Phòng) làm hỏng 360 tấn tỏi?; một tấn xăng máy bay từ khi nhập vào cảng Hải Phòng đến khi đổ vào máy bay đã phải trải qua 8 nấc, do đó giá cả tăng vọt; vấn đề tiêu cực trong ngành thương nghiệp và thuế; vấn đề thất thu thuế công thương nghiệp…

Đồng chí Nguyễn Văn Linh ý thức một cách sâu sắc rằng: Một N.V.L hay vài N.V.L không thể biết hết mọi việc, nói hết mọi việc và làm hết mọi việc. Chỉ có sự nhất trí hành động của toàn Đảng, toàn dân mới có thể tạo nên chuyển biến thật sự cho đất nước. Vì thế, đồng chí mong muốn Những việc cần làm ngay được sự hưởng ứng rộng rãi của các ngành, các cấp, của đông đảo quần chúng nhân dân.

Chính những bài những bài viết ngắn gọn,mang đậm tinh thần chiến đấu,cũng là hơi thở của đời sống xã hội đã tác động rất mạnh đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, được các phương tiện thông tin đại chúng hưởng ứng nên có sức lan tỏa nhanh chóng trong quần chúng nhân dân, thổi bùng thành một phong trào chống tiêu cực rộng lớn trên khắp cả nước.

Báo Nhân dân hình thành chuyên mục Hưởng ứng Những việc cần làm ngay của đồng chí N.V.L. Nhiều đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng các đơn vị cho điều tra ngay các vụ việc liên quan đếnngành mình, xử lý nghiêm và cho đăng công khai trên báo với tinh thần trách nhiệm và tôn trọngcao đối vớicông luận.

Nhiều địa phương từ Bắc chí Namđã tích cực hưởng ứng và đã phanh phui ra ánh sáng nhiều vụ tiêu cực nghiêm trọng. Cấp ủy, ủy ban và đoàn thể đều xử lý nghiêm cả về mặt Đảng và đem truy tố trước pháp luật. Nhiều đồng chí về hưu, nhiều cán bộ, nhân dân hoặc viết thư thẳng cho N.V.L hoặc viết cho báo đài vừa hưởng ứng, vừa góp nhiều ý kiến hay đáng chú ý để làm tiếp; vừa phân vân chỉ sợ bệnh tiêu cực đang nặng, đang rộng, mới khơi phong trào ít lâu rồi bỏ sang việc khác, để nguội đi, tắt đi, thì căn bệnh xã hội này lại tái phát, có khi còn nặng hơn(10).

Những việc cần làm ngay được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ vì nó bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, phát huy dân chủ nội bộ, củng cố bộ máy Đảng và chính quyền các cấp. Những việc cần làm ngay thể hiện tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, không khoan nhượng, nhưng mang tính chất nhân văn, xây dựng đối với những hành vi sai trái, để làm cho những giá trị chủ nghĩa xã hội được nhiều lên và tốt hơn.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tiếp tục tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảngvà Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.Những việc cần làm ngaycủa đồng chí Nguyễn Văn Linhvẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, đặc biệt là những bài học về việc dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật,công tâm, công khai, dân chủ, đấu tranh vì lợi ích của đất nước, của nhân dân và vì sự tiến bộ của xã hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh là tấm gương mẫu mực trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới, tươi đẹp, “đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hy sinh cao cả vì lý tưởng cao đẹp của Đảng”(11).

___________________

(1), (11)  Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo(Hồi ký), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.14, 15.

(2) Những việc cần làm ngay,Báo Nhân dân, số 12007, ngày 26-5-1987

(3) Những việc cần làm ngay,Báo Nhân dân, số 12052, ngày 10-7-1987

(4) Hưởng ứng Những việc cần làm ngay, Báo Nhân dân, số 12012, ngày 31-5-1987.

(5) Báo Nhân dân, ngày 6-2-1990

(6) Những việc cần làm ngay, Báo Nhân dân, số 12052, ngày 10-7-1987.

(7) Những việc cần làm ngay,Báo Nhân dân, số 12006, ngày 25-5-1987.

(8) Những việc cần làm ngay,Báo Nhân dân, số 12037, ngày 25-6-1987

(9) Nguyễn Văn Linh: Trả lời các nhà báo nước ngoài, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 7.

(10)  Những việc cần làm ngay, Báo Nhân dân, số 12052, ngày 10-7-1987.

 

TS Lý Việt Quang

ThS Ngô Xuân Dương

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền