Trang chủ    Quốc tế    Biến đổi khí hậu và quan hệ quốc tế
Thứ năm, 20 Tháng 8 2015 10:07
4660 Lượt xem

Biến đổi khí hậu và quan hệ quốc tế

(LLCT) - Tác động của biến đổi khí hậu tới kinh tế, sức khoẻ, an ninh,… đã đặt ra những thách thức, đe doạ đối với Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung. Những mối đe dọa an ninh môi trường trở thành những thách thức mang tính toàn cầu và những thách đố lớn không chỉ đối với năng lực điều hành của các chính phủ, sự vững chắc của các thể chế chính trị và các nền kinh tế mà còn đối với tính khả thi, bền vững của các liên kết quốc tế hiện nay. 

Hiện nay, con người đang phải đối mặt với những nguy cơ đe dọa đến chính sự tồn vong của mình như: nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thảm họa thiên tai, dịch bệnh,... Biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của con người. Hình thế thời tiết thay đổi đã làm xuất hiện nhiều loại bệnh mới trên thế giới cũng như làm trầm trọng thêm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Sốt rét là một trong số các bệnh nguy hiểm, biến đổi khí hậu tác động tới lượng mưa, nhiệt độ và độ ẩm, tạo môi trường thuận lợi cho bệnh này xuất hiện và lây lan... cướp đi hơn một triệu sinh mạng trên toàn cầu mỗi năm. Từ năm 2013 đến tháng 4-2014, đã có 172 quốc gia (89% các nước trên thế giới) thông báo về dịch sởi và cả thế giới đang nỗ lực chung tay phòng chống dịch bệnh. 11% các quốc gia còn lại chưa công bố các số liệu chính thức do chưa thể kiểm soát tình hình hoặc thống kê chưa đầy đủ, chủ yếu là các nước ở châu Phi.

Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2014, WHO đã ghi nhận gần 56 nghìn trường hợp mắc sởi tại 75 quốc gia trên thế giới. Các nước có số mắc sởi cao là Philíppin với hơn 17 nghìn ca và 69 ca tử vong, Trung Quốc với 26 nghìn ca mắc. Mỗi giờ, trên toàn cầu có 14 trẻ tử vong do sởi. Ở Việt Nam, theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 3-5-2014, trên cả nước đã ghi nhận 3.982 trường hợp mắc sởi xác định trong số 14.136 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố.

Tác động của biến đổi khí hậu tới kinh tế, sức khoẻ, an ninh,… đã đặt ra những thách thức, đe doạ đối với Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung. Những mối đe dọa an ninh môi trường trở thành những thách thức mang tính toàn cầu và những thách đố lớn không chỉ đối với năng lực điều hành của các chính phủ, sự vững chắc của các thể chế chính trị và các nền kinh tế mà còn đối với tính khả thi, bền vững của các liên kết quốc tế hiện nay. 

Một trong những biểu hiện mang tính thách thức của an ninh phi truyền thống là tình trạng biến đổi khí hậu tác động đến hai phương diện chính của quan hệ quốc tế hiện nay là xung đột quốc tế và hợp tác quốc tế.

1. Đối với xung đột quốc tế

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang đe dọa tới môi trường sống, dẫn đến hàng loạt những làn sóng di dân ở các quốc gia bị nước biển dâng hay do sự tăng nhiệt độ quá mức ở một số nơi làm sa mạc hóa. Việc di dân có thể là nguy cơ gây mất an ninh quốc tế và tạo nên những xáo trộn trong đời sống xã hội của các quốc gia. Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh phi truyền thống khác như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, khoảng cách giàu nghèo,... Từ đó, các vấn đề khác nảy sinh như khủng bố, mâu thuẫn chính trị - xã hội. Trong quan hệ quốc tế, nhận thức về nguy cơ khác nhau, mong muốn cắt giảm khí thải khác nhau, năng lực thực hiện khác nhau,…dẫn đến mâu thuẫn mới nảy sinh trong quá trình hợp tác giải quyết vấn đề môi trường. Các bên đều muốn giải quyết vấn đề theo hướng ít tổn hại nhất tới lợi ích quốc gia mình. Điều này đã khiến lực lượng quốc tế trong hợp tác giải quyết vấn đề môi trường có sự phân hóa. Sự phân hóa đó không chỉ biểu hiện trong mâu thuẫn giữa các nước mà ngay cả trong nội bộ các nước phát triển.

Sức ép của môi trường là một phần quan trọng trong số các nguyên nhân gây nên xung đột. Mâu thuẫn giữa các nước phát triển và đang phát triển (Bắc-Nam) vốn đã tồn tại từ lâu và không dễ giải quyết. Biến đổi khí hậu lại càng làm cho mâu thuẫn này trở nên gay gắt hơn. Đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu, giải pháp then chốt là giảm thải cácbon. Nhưng giải pháp đó đánh đòn quá mạnh vào nền kinh tế của hầu hết các quốc gia, từ đó hai nhóm nước càng mâu thuẫn sâu sắc.

Các nước phương Nam chỉ trích các nước phương Bắc vì các hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm, vì chủ nghĩa tiêu thụ quá lớn gây tổn hại nguồn tài nguyên, vì hành động chuyển tác hại môi trường sang các nước nghèo thông qua FDI. Trên thực tế, không phải các nước phương Bắc không nhận thấy mình là nguyên nhân chính gây nên sự tăng nhiệt độ của trái đất, nhưng họ không thể ngừng việc phát triển công nghiệp vì sự tồn tại và phát triển của quốc gia họ. Các nước phương Bắc cho rằng chính các nước phương Nam, điển hình là Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang và sẽ trải qua quá trình phát thải giống như các nước phương Bắc. Vậy nên ngay từ bây giờ các nước phương Nam cần giảm dần việc phát thải khí cácbon. Thêm vào đó, họ cho rằng các nước phương Nam quản lý kém và khai thác tài nguyên bừa bãi làm ảnh hưởng trầm trọng tới bầu khí quyển. Tuy nhiên, các nước phương Nam không muốn xem xét lại con đường phát triển mà họ đang đi. Và họ cũng không thể ngừng khai thác tài nguyên bởi đó là lợi thế so sánh của họ. Họ cho rằng đó là quyền phát triển của họ. Nếu ngừng khai thác tài nguyên, nhiều nước sẽ không có chỗ dựa cho tăng trưởng và sẽ ngày càng bị tụt hậu so với các nước phát triển. Điển hình như việc Trung Quốc cho rằng việc nâng cao nguồn thu nhập còn đang thấp của người dân còn quan trọng hơn việc cắt giảm hoạt động đốt các nhiên liệu hóa thạch.

Như vậy, cả hai phía đều theo đuổi những lợi ích khác nhau và cùng làm tổn hại tới bầu khí quyển trong khi vẫn tiếp tục chỉ trích lẫn nhau. Biến đổi khí hậu rõ ràng đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

2. Đối với hợp tác quốc tế  

Vấn đề biến đổi khí hậu đã tác động tới nền chính trị thế giới, gây nhiều chia rẽ, xung đột, nhưng đồng thời cũng là nhân tố thúc đẩy hợp tác quốc tế. Trên thực tế, sự hợp tác trong vấn đề môi trường đã tăng lên mạnh mẽ trong khoảng 40 năm qua.

Biến đổi khí hậu trước hết tác động tới nhận thức của nhân loại để từ đó, các quốc gia, dân tộc ngày càng nhận thấy rằng đây là vấn đề chung và phải hợp tác quốc tế mới giải quyết được.

Nhận thức về vấn đề chung này xuất phát từ chính bản chất của vấn đề biến đổi khí hậu. Môi trường mang tính hệ thống chỉnh thể, các quốc gia không thể ngăn được sự ô nhiễm bầu khí quyển tràn vào từ bên ngoài, khi bầu khí quyển bị tổn hại ở khu vực này thì nó cũng gây ảnh hưởng tới những khu vực khác. Một nước phát thải quá mức có thể làm khí hậu toàn cầu nóng lên. Các quốc gia buộc phải cộng tác với nhau để cùng đối phó những nguy cơ làm tổn hại bầu khí quyển. Nếu chỉ đơn phương một vài nước hành động nhằm cứu vãn vấn đề thì những nỗ lực đó cũng không đạt hiệu quả. Với bản chất như vậy, biến đổi khí hậu đã thúc đẩy nhận thức của nhân loại về tính thống nhất của khí quyển, về tính chung của vấn đề biến đổi khí hậu và từ đó là sự cần thiết phải hợp tác giữa các quốc gia. Nhận thức chung này ngày càng được củng cố và trở nên phổ biến, rộng rãi hơn.

Nhận thức của nhân loại về một cơ hội bình đẳng hơn trong quan hệ quốc tế về môi trường cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác. Bình đẳng chính là yếu tố quan trọng để duy trì hợp tác. Mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều có quyền đối với bầu khí quyển. Khi bầu khí quyển gặp nguy hiểm, tất cả các quốc gia đều có nghĩa vụ cùng nhau ngăn chặn mối nguy hiểm đó. Không giống như sân chơi chính trị hay kinh tế, nơi mà một quốc gia muốn tham dự thì phải đủ sức mạnh. Đối với vấn đề môi trường, một quốc gia dù còn yếu cũng vẫn có quyền nói lên tiếng nói của mình và tiếng nói ấy vẫn phải được ghi nhận. Một minh chứng cho điều đó là nỗ lực của các nước Thế giới thứ ba trong việc ngăn chặn tác hại phóng xạ cho môi trường khi cuộc chạy đua hạt nhân của các cường quốc trở nên quyết liệt trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nỗ lực này đã dẫn tới hiệp định đầu tiên cho việc kiểm soát vũ khí hạt nhân - Hiệp ước cấm thử hạn chế (1963) cấm thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển. Trong trường hợp này, các nước nhỏ đã có tiếng nói đáng kể.

Biến đổi khí hậu là một trong những xúc tác chính cho sự gia tăng các tổ chức quốc tế về môi trường. Từ các phong trào môi trường hoạt động trong phạm vi quốc gia và chủ yếu gồm các nhóm tư nhân và các nhà khoa học tham gia. Dần dần, do nhận thức được tính toàn cầu của vấn đề, các phong trào đã trở thành tổ chức và mở rộng quy mô hoạt động.

Đến những năm 90 thế kỷ XX, các tổ chức quốc tế về môi trường ngày càng phát triển, tích cực tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng thế giới, tác động vào các chính phủ để đưa ra các chính sách bảo vệ môi trường, phản đối các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, tổ chức và hỗ trợ các chương trình môi trường và thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác xuyên quốc gia. Các tổ chức quốc tế về môi trường đã thực sự ghi được dấu ấn trong cộng đồng quốc tế. Đến nay, số lượng các tổ chức quốc tế về môi trường đã tăng lên rất nhiều, bao gồm các tổ chức liên chính phủ (IGO) và phi chính phủ (NGO), hoạt động trên cấp độ toàn cầu và khu vực.

Sự phát triển ngày càng nhiều các tổ chức quốc tế về môi trường đã phản ánh bước tiến mới trong nhận thức chung và ý chí hợp tác rộng rãi của các chính phủ và nhân dân trong vấn đề môi trường. Nhờ có các tổ chức này, khả năng phối hợp và quản lý môi trường trên cấp độ toàn cầu được nâng cao hơn, đồng thời luật pháp quốc tế về môi trường cũng có thêm cơ sở thiết yếu để hình thành và phát triển. Cùng với đó là các sáng kiến tổ chức hội nghị quốc tế cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn và được các chính phủ coi trọng hơn, đưa đến sự ra đời của nhiều công ước quốc tế, công ước khu vực về biến đổi khí hậu mà điển hình nhất là công ước khung về biến đổi khí hậu đã được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio de Janeiro năm 1992.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biển đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, cùng với đồng bằng sông Nin (Ai Cập) và đồng bằng sông Gange (Bănglađét). Biến đổi khí hậu hiện hữu ở nước ta, có nguy cơ tác động ngày càng lớn hơn. Hằng năm, các loại thiên tai như bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong 10 năm gần đây, tại Việt Nam, thiên tai làm chết và mất tích khoảng 9.500 người, thiệt hại về tài sản khoảng 1,5% GDP mỗi năm. Chỉ trong năm 2013, đã có hơn 10 trận bão trên Biển Đông, trong đó 5 trận bão đổ bộ vào đất liền. Trong tháng 11-2013, thiên tai làm 54 người chết, mất tích và 93 người bị thương; hơn 600 nhà bị sập, cuốn trôi; gần 260 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, tốc mái, v.v..

Trong quá trình lãnh đạo xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng ta đã luôn quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội(Bổ sung, phát triển năm 2011) nhận định: nhân dân thế giới đang đứng trước những vấn đề toàn cầu cấp bách có liên quan đến vận mệnh loài người, trong đó có bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc giải quyết những vấn đề đó đòi hỏi sự hợp tác và tinh thần trách nhiệm cao của tất cả các quốc gia, dân tộc. Từ đó, Đảng xác định đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; với định hướng cơ bản là quản lý, bảo vệ, tái tạo và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia. Tại Hội nghị Trung ương 7 khoá XI (5-2013), Đảng ta khẳng định: Đến năm 2020, Việt Nam chủ động trong thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ cường độ phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Cùng với các nỗ lực thực hiện các biện pháp kinh tế - xã hội, chúng ta luôn coi hợp tác quốc tế trong đối phó với biến đổi khí hậu có vai trò quan trọng. Trong nhiều năm qua, Việt Nam là một quốc gia được hỗ trợ nhiều trong vấn đề môi trường thông qua các thỏa thuận song phương. Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận với nhiều nước về vấn đề môi trường như Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Anh,… Ngoài ra, Việt Nam cũng ký tắt với Liên minh châu Âu (EU) Hiệp định Khung về đối tác và hợp tác toàn diện (PCA), trong đó có hợp tác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đã ký với Hà Lan thỏa thuận “Đối tác chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước”.

Như vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia tăng lên, thế giới dường như nhỏ bé hơn, nhưng lại khó kiểm soát hơn, kém an toàn hơn bởi các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trong đó có tình trạng biến đổi khí hậu. Để giải quyết và đối phó với những vấn đề này đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế và của mỗi quốc gia, con người, với những giải pháp và bước đi phù hợp, kết hợp tổng lực các biện pháp kinh tế, chính trị, pháp luật, khoa học, kỹ thuật... Thực tế đó đã tác động mạnh mẽ tới quan hệ quốc tế hiện nay r

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2014

Tài liệu tham khảo

(1) Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.

(2) Bộ Tài nguyên và Môi trường: Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội, 2009.

(3) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục bảo vệ môi trường: Chương trình hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường đến 2010 và định hướng đến 2020, Hà Nội, 2008.

(4) Nguyễn Trọng Chuẩn (chủ biên): Những vấn đề toàn cầu trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

TS Nguyễn Thùy Linh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS Uông Minh Long

Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hải Phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền