Trang chủ    Quốc tế    Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)
Thứ năm, 20 Tháng 8 2015 10:10
2841 Lượt xem

Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)

(LLCT) - Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS), khi mới thành lập năm 2011 được gọi là “Nhà nước Hồi giáo Irắc và cận Đông”(ISIL) đã chiêu mộ những người Hồi giáo dòng Sunni và cả những người Hồi giáo trẻ tuổi từ các nước châu Âu, Ôxtrâylia và các nước thuộc Liên Xô cũ, dưới chiêu bài thành lập một Nhà nước Hồi giáo cho riêng họ. Thủ lĩnh IS là một người Hồi giáo dòng Sunni. Chỉ tính riêng trong tháng 7-2014, tổ chức này đã thu nạp được trên 6 nghìn tân binh. Các chiến binh IS xuất hiện với những khẩu súng trường tự động, nhưng thực tế tổ chức này sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại, thu được từ các căn cứ quân sự của Irắc và Syria khi các lực lượng vũ trang các nước này bỏ chạy. 

(Máy bay Mỹ ném bom khu vực phiến quân IS ở thành phố Kobane của Syria giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, cuối tháng 10-2014 - Ảnh: Reuters)

1. Từ mối đe dọa hơn cả Bin Laden

Với khoảng 60 nghìn quân (ở Syria 50 nghìn và Irắc 10 nghìn quân), trong đó có  khoảng 15 nghìn chiến binh thiện chiến (con số thực tế có thể còn nhiều hơn), IS hiện là một mối đe dọa lớn nhất không chỉ trong khu vực Trung Đông mà còn cả thế giới, nhất là Mỹ. Điều đặc biệt nguy hiểm là trong số các chiến binh của tổ chức IS không chỉ có người Syria, Irắc theo dòng Sunni, mà còn có hàng nghìn chiến binh nước ngoài, nhất là châu Âu và Ôxtrâylia. Theo ước tính đã có hơn 5 nghìn người mang quốc tịch châu Âu và Ôxtrâylia chiến đấu trong tổ chức này.

IS đã dùng mạng xã hội Twitter, Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác để đăng tải những đoạn video giết người rùng rợn. Gần đây nhất, IS đã khiến cả thế giới kinh hoàng khi tung clip hành quyết dã man nhà báo Mỹ James Foley ở Syria. IS đang trở thành mối đe dọa lớn nhất với Mỹ và hòa bình thế giới.

Tại một địa điểm ở Pakistan, nơi trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt, người ta đã tìm được một bức thư dài 21 trang có nội dung cảnh báo về sự tàn bạo cùng cực của nhóm ISIL, đồng thời kêu gọi Al Qaeda cắt đứt quan hệ với nhóm này để tránh “tổn hại danh tiếng”.

Bức thư mô tả các hành vi man rợ của nhóm ISIL như sử dụng khí clo làm vũ khí hóa học, đánh bom nhà thờ Hồi giáo và thảm sát một nhà thờ Công giáo ở thủ đô Bátđa (Irắc)... Đầu năm 2014, thủ lĩnh Al Qaeda trong một tuyên bố trực tuyến, đã khẳng định IS “không phải là một chi nhánh của tổ chức” này.

2. Nguồn lực tài chính “tự kiếm”

Do nắm quyền kiểm soát các mỏ dầu và trộm cắp cổ vật giá trị, cùng với sự giúp đỡ của một số nhân vật người Sunni giàu có đến từ vùng Vịnh, tài sản của nhóm này ước tính  khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, tài sản giá trị nhất mà IS nắm giữ là lòng trung thành của các chiến binh cùng với nhiều loại vũ khí hiện đại. Trong các cuộc giao tranh gần đây, IS đã thu giữ số lượng lớn pháo, xe tăng và xe bọc thép do Mỹ cung cấp mà quân đội Irắc bỏ lại khi tháo chạy, với giá trị hàng trăm triệu USD.

IS là nhóm khủng bố được đánh giá là giàu có nhất hiện nay, chúng có khả năng tự kiếm tiền, tự cung cấp tài chính trên quy mô lớn nhờ kiểm soát được khu vực rộng lớn (gần bằng diện tích của nước Anh) thuộc lãnh thổ của hai nước Irắc và Syria. Trong 19 khu vực do IS chiếm đóng thì có 9 khu vực thuộc lãnh thổ Syria và 10 khu vực thuộc lãnh thổ Irắc.

Giới chức tình báo Mỹ và các chuyên gia về tài chính chống khủng bố cho rằng, mỗi ngày chúng có khả năng huy động hơn 2 triệu USD nhờ nguồn thu từ bán dầu mỏ, thu thuế, tống tiền, cướp bóc và buôn lậu. Trong vài năm gần đây, nhóm này đã kiếm được khoảng 10 triệu USD từ các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc.

Theo Luay al-Khatteeb, chuyên gia Viện nghiên cứu Brookings Institution, IS kiểm soát 7 mỏ dầu và 2 nhà máy lọc dầu ở miền Bắc Irắc, 6/10 mỏ dầu ở miền Đông Syria. IS bán dầu thô với giá rẻ 25-60 USD/thùng, trong khi mức giá trên thị trường là 102 USD/thùng, khiến những kẻ buôn lậu đã mạo hiểm giao dịch với các phần tử khủng bố này. Các mỏ dầu ở Irắc mà chúng kiểm soát có sản lượng khoảng 80 nghìn thùng/ngày, và khai thác khoảng 50% sản lượng.

Giới chức tình báo Mỹ nhận định, một trong những nguồn tài chính quan trọng của IS là Nhà máy lọc dầu Baiji ở miền Bắc Irắc. Đây là nhà máy sản xuất gần 30% tổng sản lượng dầu mỏ của nước này. Nhà máy này đã bị đóng cửa từ tháng 6 năm nay do IS tấn công và hiện vẫn là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt.

Không giống với các nhóm khủng bố khác, nguồn thu chính của IS là từ tại chỗ. Và điều này đang đặt ra thách thức lớn đối với những chính phủ đang tìm cách ngăn chặn và làm suy yếu khả năng của lực lượng này.

Matthew Levitt, cựu chuyên gia tình báo thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cho biết: Lực lượng IS có lẽ là nhóm khủng bố giàu có nhất, chúng không bị ràng buộc bởi hệ thống tài chính quốc tế, và vì thế không dễ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt hay luật chống rửa tiền của quốc tế. Trong khi đó, các nhóm khủng bố khác như Al Qaeda, Hezbollah, Hamas… phải phụ thuộc vào các nguồn tài trợ từ bên ngoài. Taliban ở Ápganixtan nhờ vào buôn lậu thuốc phiện, các loại khoáng sản và gỗ; nhóm Abu Sayyap ở Philíppin hay Al Qaeda ở Yemen và Bắc Phi kiếm tiền chủ yếu bằng các hoạt động bắt cóc.

Chuyên gia Fishman lại cho rằng, sức mạnh của IS là gắn kết với những vùng đất và tài nguyên mà chúng kiểm soát, cũng như từ dân số mà chúng có thể “bóp nặn tiền”. “Điều này đồng nghĩa với việc nhóm này sẽ rất vững vàng và sẽ phải mất nhiều thời gian để trấn áp”.

3. Quyết tâm của Mỹ

Ngay sau vụ Nhà báo Jim Foley bị hành quyết, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: “Mỹ sẽ làm mọi điều có thể để bảo vệ người dân. Cả thế giới kinh hoàng trước vụ giết người tàn ác”. Chính phủ Mỹ cần thực hiện nhiều bước quan trọng. Đầu tiên, Washington không thể nhượng bộ trước những lời đe dọa của IS.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Ben Rhodes khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ người Mỹ, và thực thi công lý đối với việc giết hại dã man Jim Foley. Vì vậy, chúng tôi đang tích cực xem xét những gì cần thiết để đối phó với mối đe dọa đó, và sẽ không bị giới hạn bởi các đường biên giới” của các nước.

Cho đến nay, quân đội Mỹ đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích ở Irắc để bảo vệ các tôn giáo thiểu số Yazidi ở Irắc và tấn công các vị trí xung quanh Mosul Dam. Việc mở rộng cuộc chiến vào Syria sẽ làm gián đoạn đường tiếp vận của tổ chức IS. Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa John McCain nói với Reuters rằng đã xác định được máy bay chiến đấu của IS vận chuyển thiết bị quân sự chiếm được tại thành phố Mosul của Irắc vào đất Syria, và tái tập hợp trên lãnh thổ Syria. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ Martin Dempsey cho rằng IS không thể bị đánh bại nếu không loại bỏ phần lực lượng đóng trên lãnh thổ Syria của chúng.

IS là lực lượng đối chọi mạnh mẽ đối với phương Tây, Mỹ, thế giới hiện đại và bất cứ ai trái quan điểm với chúng. Chúng giết hại những người dân tộc thiểu số, người Hồi giáo dòng Shiite và thậm chí cả những người Sunni không cùng quan điểm.

Mỹ đang tiếp tục hỗ trợ lực lượng người Kurd tại Irắc nhằm đánh bật IS khỏi miền Bắc nước này. Mỹ cũng thúc đẩy nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ để có quyền hợp pháp trong việc hỗ trợ các chiến dịch chống IS. Giới chức Mỹ cho rằng, cách tốt nhất là Mỹ thực hiện chiến lược hỗ trợ người Kurd và người dân Irắc cả về vật chất và ngoại giao. Ngoài ra, Mỹ cần tìm kiếm sự đồng thuận của Liên Hợp quốc trong việc thông qua một nghị quyết của cộng đồng quốc tế, lên án mạnh mẽ những hành động dã man, cách hành xử ghê tởm của lực lượng “Nhà nước Hồi giáo”.

Trong cuộc chiến tiêu diệt tổ chức khủng bố IS, tuy Mỹ vẫn đang thận trọng trong tuyên bố chính thức, nhưng nhiều khả năng Mỹ sẽ hợp tác với cả Irắc và Syria. Chính phủ Syria đã đề nghị hợp tác với tất cả các nước, gồm cả Mỹ để chống lại lực lượng IS trong bối cảnh chúng đã chiếm được một sân bay quân sự của Syria ngày 24-8-2014. Ngoại trưởng Syria ông Walid Mouallem nêu rõ: mọi phi vụ của Mỹ nhằm tấn công quân thánh chiến tại đây phải được sự đồng ý của Syria, nếu không thì đó sẽ là một hành vi xâm lược.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định, Têhêran đang hợp tác với Chính phủ Irắc và chính quyền người Kurd tại đây để đối phó với nhóm phiến quân nguy hiểm. Ông Zarif cũng khẳng định, tổ chức IS là mối đe dọa không chỉ đối với người Kurd, người Shiite, hay người Sunni ở Irắc mà đối với toàn bộ khu vực và thậm chí là cả thế giới.

Ngày 23-9-2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu về chiến lược đối phó với Nhà nước Hồi giáo, sau khi Mỹ tiến hành chiến dịch không kích đầu tiên nhằm vào lực lượng IS ở Syria. Ông Obama nêu rõ: “Một lần nữa, những kẻ có mưu đồ và muốn làm hại Mỹ cần hiểu rõ rằng chúng tôi sẽ không để lại nơi trú ẩn an toàn cho bọn khủng bố đe dọa người dân Mỹ”. Đã có hơn 40 nước tham gia Liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống IS. Sức mạnh của Liên minh này khiến thế giới thấy rằng Mỹ không chiến đấu một mình.

Như vậy, sự xuất hiện tổ chức IS khiến cho an ninh khu vực Trung Đông - Bắc Phi và cả thế giới phải đối diện với sự nguy hiểm chưa từng có. Vì thế, Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ những hành động dã man của tổ chức IS.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2014

Nguyễn Nhâm

Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền