Trang chủ    Quốc tế    "Thế chân vạc" địa chiến lược Mỹ - Trung - Nga trong thế kỷ XXI
Thứ hai, 24 Tháng 8 2015 10:13
2860 Lượt xem

"Thế chân vạc" địa chiến lược Mỹ - Trung - Nga trong thế kỷ XXI

(LLCT) - Thế chân vạc là hình ảnh để nói về mối quan hệ của ba cường quốc: Mỹ - Trung - Nga trong thế giới đương đại, trong đó, mỗi cường quốc được coi như một chân, vừa nương tựa vào nhau, vừa cạnh tranh với nhau. Mối quan hệ này tác động và ảnh hưởng đến đời sống của nhiều khu vực và toàn thế giới. Các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, là những quốc gia đã và đang chịu sự tác động, ảnh hưởng to lớn bởi “thế chân vạc”. Vì thế, nghiên cứu “thế chân vạc”, nhận rõ những tác động của nó, từ đó có đối sách phù hợp là vấn đề đặc biệt hệ trọng đối với các nước đang phát triển nói chung, Việt Nam nói riêng.

1. Lịch sử hình thành “Thế chân vạc”

“Thế chân vạc” được hình thành từ khá lâu nhưng đến đầu thế kỷ XXI tính chất ngày càng thể hiện rõ hơn; các “chân” của “thế chân vạc” đều có sự vận động, biến đổi trong vị thế và khung cảnh mới. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, ba cường quốc này vừa là đối thủ lại vừa là đối tác của nhau. Mỹ đối nghịch với cả Nga và Trung Quốc, nhưng chủ yếu là với Nga, vì lúc này Trung Quốc còn nhiều khó khăn, chưa đủ sức mạnh làm đối trọng.

Sau khi CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Mỹ chiếm ưu thế gần như tuyệt đối vào thập niên cuối thế kỷ XX. Nhưng bước sang thế kỷ XXI, Trung Quốc và Nga đều dần phục hồi vai trò của mình trong nhiều công việc quốc tế. Tương quan lực lượng tuy có thay đổi so với trước, nhưng cả ba cường quốc đều quen với những tính toán chiến lược nhằm bảo đảm lợi ích cho mình và kiềm chế, gây thiệt hại cho đối phương.

Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Nga - Mỹ - Trung Quốc đã tạo thành “thế chân vạc” khá rõ. Thực chất là “thân thiện bề mặt, đấu đá bề trong” và việc hình thành “liên minh 2 chống 1” cũng xảy ra trong từng thời kỳ, thậm chí từng vụ việc. Thời gian gần đây, “thế 2 chống 1” có dấu hiệu trở lại như thời kỳ Chiến tranh lạnh. Theo đó, Nga và Trung Quốc đã bắt tay nhau để chống kẻ thù là đế quốc Mỹ, nay lại tạo nên “thế 2 chống 1” trong một khung cảnh mới. Sự kiện Ukraina và Biển Đông đã cho thấy rõ điều đó. Việc Nga sáp nhập Crưm có sự “phớt lờ” của Trung Quốc; Trung Quốc hung hăng trên Biển Đông có sự “lảng tránh” từ phía Nga. Điều đó đã buộc Mỹ cùng một lúc phải đối phó với hai mặt trận châu Á và châu Âu, phải tính toán chiến lược với cả hai đối thủ là Nga và Trung Quốc.

Sau Chiến tranh lạnh, Mỹ thực hiện nhiều biện pháp để củng cố vị thế bá chủ của mình. Nhiều chính sách, chiến lược được Mỹ thực thi ráo riết: mở rộng NATO sang phía Đông nhằm đẩy Nga xuống “quốc gia loại hai”, thậm chí loại ba; tiến hành chiến tranh không kích Nam Tư (1999), Ápganitxtan (2001), Irắc (2003); vận động chuyển Hiệp ước chung về thuế quan mậu dịch (GATT) thành Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhằm đưa cả nền kinh tế thế giới vào “sân chơi” mới; triển khai chiến lược “can dự và mở rộng”, chiến lược “xoay trục, tái cân bằng” ở châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với thách thức đang trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Năm 2010, Tổng thống Mỹ B.Obama công bố Chiến lược an ninh quốc gia, khẳng định: “Những gì xảy ra trong biên giới nước Mỹ sẽ quyết định sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ ở ngoài biên giới”(1). Tháng 4-2014, Tổng thống Mỹ công du đến 4 nước châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia, Philíppin tuyên bố chiến lược “xoay trục, tái cân bằng” ở châu Á - Thái Bình Dương. Chính sách này của Mỹ không chỉ bố trí lại lực lượng an ninh ở khu vực, mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề chính trị, kinh tế, thương mại, trong đó có các cuộc đàm phán thỏa thuận Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Mỹ phải kiểm soát được toàn bộ đại lục Âu - Á, nơi có đối thủ tiềm năng là Nga và Trung Quốc. Mặc dù Tổng thống B.Obama từng tuyên bố: Mỹ không còn đóng vai trò cảnh sát quốc tế nữa, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy Mỹ rút hoàn toàn khỏi cam kết liên minh được hình thành từ trật tự Chiến tranh lạnh, Mỹ chỉ sắp xếp lại những ưu tiên chiến lược toàn cầu. Mỹ vẫn can dự vào Trung Đông, Bắc Phi, Ukraina; vẫn cam kết bảo vệ đồng minh Nhật Bản, Philíppin trong các tranh chấp biển đảo...

Trung Quốc từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đã nhìn thấy rõ thời cơ để phát triển. Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (2012), khẳng định: Nhìn tổng quát tình hình thế giới và trong nước, Trung Quốc vẫn ở vào thời kỳ “cơ hội chiến lược quan trọng”, có nhiều không gian để phát triển. Trung Quốc đã nhanh chóng thành siêu cường thứ hai và có thể qua mặt Mỹ trong vài chục năm tới. Tham vọng của Trung Quốc không phải để duy trì trật tự toàn cầu hiện thời, mà phải “vẽ lại” một bản đồ thế giới mới cho phù hợp với quyền lợi của mình. Nhiều sáng kiến để liên kết trong khối BRICS và Hợp tác Thượng Hải (SCO) được xem như nỗ lực nhằm cạnh tranh với các định chế quốc tế của phương Tây và Mỹ. Mục tiêu của Trung Quốc là nhằm thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, trong đó nếu Trung Quốc không trở thành trung tâm thế giới, thì ít ra cũng phải là một trong hai hay ba “tâm điểm” quan trọng nhất của thế giới. Trung Quốc mặc dù theo đuổi chính sách duy lợi nhuận, nhưng lại có tầm nhìn chiến lược rất dài hạn. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cố tránh chiến tranh với Mỹ, nếu cần họ sẽ chấp nhận đứng ngang hàng với Mỹ trong thế kỷ thứ XXI để có thêm thời gian chuẩn bị vươn lên hạng nhất sau này. Trung Quốc tập trung khai thác thế mạnh về lịch sử, văn hóa, kinh tế, tranh thủ thời cơ trở thành cường quốc thế giới, phát triển chủ nghĩa bá quyền, chi phối các nước bằng mọi biện pháp có thể, kể cả đe dọa vũ lực; thể hiện rõ ý đồ “tạo lập luật chơi”, không chấp nhận luật chơi do các nước khác áp đặt(2), kể cả luật pháp quốc tế; thực hiện chiến lược mở rộng ảnh hưởng chính trị, đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á, cố tình “viết lại một số quy tắc quốc tế” theo hướng có lợi cho mình. Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc lộ rõ tham vọng nước lớn, đòi chủ quyền trên 80% diện tích, không chấp nhận tính pháp lý của Công ước Luật biển của Liên Hợp quốc (1982) mà Trung Quốc đã ký. Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ, hợp tác quân sự với nhiều nước ở các châu lục. Thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược với Nga; đẩy mạnh hợp tác chiến lược toàn diện với Pakistan; quan hệ với ASEAN; thúc đẩy quan hệ quân sự với 52 nước châu Phi; thúc đẩy hợp tác quân sự với các nước Mỹ Latinh, đến 2014 đã hợp tác quân sự với 18 nước, nhất là với Áchentina và Vênêduêla(3).

Ngacó nhiều ưu thế để tái khẳng định vị thế và ảnh hưởng trong đời sống nhân loại; tạo ra sự cân đối tương đối giữa các nước lớn, nhằm duy trì hoà bình, ổn định, bảo vệ vững chắc an ninh, phát triển kinh tế. Nga là nguồn cung cấp dầu hoả, khí đốt hàng đầu đến châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và sử dụng khí đốt như “con bài chiến lược” khi cần thiết. Nga thiết lập, củng cố và tăng cường các liên minh: xác định các nước SNG có “ý nghĩa sống còn”, chú trọng Cadắcstan, Bêlarút; tăng cường cải tổ Hiệp ước An ninh tập thể (ODKB); đẩy mạnh hợp tác, đối thoại quân sự với các nước, chú trọng các nước có quan hệ truyền thống; tăng cường hợp tác đối tác chiến lược với Trung Quốc; thúc đẩy làm sâu sắc quan hệ với Ấn Độ; tiếp tục quan hệ chặt chẽ với Syria, Iran; xác định quan hệ Việt Nam là đối tác “đặc biệt quan trọng”(4).

2. Những vận động gần đây và chính sách của các nước lớn với Việt Nam

Trong “Thế chân vạc” hiện nay, từng cường quốc đang vấp phải những khó khăn, thách thức không nhỏ: Mỹ không còn là siêu cường duy nhất nữa; Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, ngày càng thể hiện các hành động đơn phương gây căng thẳng khu vực; châu Á - Thái Bình Dương trở thành nơi phát triển năng động và là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI… Trung Quốc tránh không để xảy ra chiến tranh với Mỹ; tăng cường sức mạnh bảo vệ con đường vận chuyển dầu mỏ quá dài từ Trung Đông vòng qua Nam và Đông Nam Á không trở thành mục tiêu của phong trào Hồi giáo cực đoan một khi sự hiện diện của người Hoa ngày càng rõ nét; hình thành một “khu vực đệm” an ninh xung quanh biên giới Trung Quốc. Nhưng thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian qua đã vô hình trung tạo cơ hội để Hoa Kỳ đẩy nhanh quá trình chuyển trọng tâm chiến lược sang Thái Bình Dương và củng cố lại mối quan hệ với các đồng minh lâu đời như Ấn Độ - Philíppin - Ốtxtrâylia - Nhật Bản - Hàn Quốc. Cho dù không một nước nào (kể cả Hoa Kỳ) muốn hình thành một liên minh chống Trung Quốc, nhưng sự kết nối này cũng đủ để tạo áp lực không nhỏ đến Bắc Kinh.

Nga cũng phải đối đầu với các thử thách lớn: Dân số đang già hóa và ngày càng giảm; nạn tham nhũng làm cho nền kinh tế phục hồi chậm chạp, công nghiệp thua kém quốc tế, ngoại trừ năng lượng và vũ khí… Hiện nay, ba nước đều có tham vọng bành trướng sự ảnh hưởng trên thế giới. Cuộc tranh giành của ba nước ngày càng trở nên gay gắt với nhiều cấp độ và tầng nấc khác nhau. Không chỉ trên trái đất, mà trong bối cảnh cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay, “thế chân vạc” giữa Nga - Mỹ - Trung còn được xác lập cả trên không gian. Thời gian qua, Nga và Mỹ đã thống trị không gian với nhiều thành tựu, tuy nhiên Trung Quốc cũng tỏ ra không kém. Từ tháng 9-2007, với tham vọng nghiên cứu mặt trăng, Trung Quốc có những bước tiến khiến cả thế giới phải kinh ngạc khi phóng vệ tinh Hằng Nga 1. Nếu Trung Quốc tiếp tục đầu tư như hiện nay thì rất có thể kế hoạch nghiên cứu mặt trăng của Trung Quốc còn hoàn thành sớm hơn cả Nga và Mỹ.

Tuy luôn phải dè chừng sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc nhưng hiện nay, Mỹ đang tính tới khả năng không hợp tác nghiên cứu vũ trụ với Nga nữa. Quan điểm muốn hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ với Trung Quốc được thể hiện rõ hơn trong chuyến công tác bí mật tới Bắc Kinh của Phó Giám đốc NASA. Mỹ hy vọng có thể liên kết với Trung Quốc trong việc đưa các nhà du hành lên không gian khi Mỹ tạm dừng chương trình tàu vũ trụ. Còn với Trung Quốc, đây là cơ hội quý để tranh thủ và học hỏi kỹ thuật hiện đại của Mỹ. Hiện cả Mỹ và Trung Quốc đều có tham vọng xây dựng được căn cứ trên mặt trăng để có thể nghiên cứu khoa học, khai thác các nguyên liệu quý và làm bàn đạp cho các chuyến đi tới sao Hỏa.

Gần đây, do lợi ích của mỗi nước, Nga và Trung Quốc dường như có chung một hướng nhìn, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, quân sự giữa hai bên đang diễn ra khá tốt đẹp. Tuy nhiên, mối quan hệ này tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến công nghệ quốc phòng, đặc biệt là vấn đề di dân và lấn chiếm của Trung Quốc ở biên giới phía Đông của Nga. Hai nước không phải là đồng minh; không có hiệp ước liên minh mà chỉ mang tính quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, không bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ hiệp ước. Ranh giới đồng minh hay đối thủ trong mối quan hệ Nga - Trung khá mong manh.

Cuộc khủng hoảng Ukraina hiện đã đẩy Nga - Mỹ rơi vào trạng thái đối lập nghiêm trọng, nhất kể từ khi Liên Xô tan rã. Cùng với đó là sự nổi lên của Trung Quốc, đối thủ tiềm ẩn của Mỹ nhưng cũng không hoàn toàn là đồng minh của Nga làm cho “thế chân vạc” Mỹ - Trung - Nga thể hiện rõ nét. Trong cục diện hiện nay, Trung Quốc là đối tượng được lôi kéo, tranh giành của cả Mỹ và Nga.

Đối với Nga, việc “lấy lòng” Trung Quốc có ý nghĩa cả về mặt chiến lược và chiến thuật nhằm nâng cao sức mạnh chống Mỹ trong bối cảnh tương quan lực lượng Nga - Mỹ không có nhiều thuận lợi. Ngoài ra, Nga còn tăng cường hợp tác quân sự, bán dầu mỏ, khí đốt với giá rẻ cho Trung Quốc. Đây là những bước đi có lợi cho cả hai bên, vì nó giúp Nga tìm được thị trường xuất khẩu năng lượng lớn thay thế cho châu Âu vừa khép lại, đồng thời giúp Trung Quốc đáp ứng cơn khát năng lượng giá rẻ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế. Nga đang đẩy mạnh chính sách lôi kéo Trung Quốc về phía mình trong cuộc so găng với Mỹ.

Tất nhiên, Mỹ không thể ngồi yên mặc cho Nga tìm cách ly gián và lôi kéo Trung Quốc. Khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại La Hay (3-2014), dù rất bận rộn với các cuộc đàm phán về tình hình Ukraina với các đối tác châu Âu, nhưng Tổng thống B.Obama vẫn cố gắng thu xếp cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Không chỉ đẩy mạnh quan hệ cấp nguyên thủ, Mỹ còn cử Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tới thăm một loạt nước châu Á, trong đó có Trung Quốc để tăng cường “quan hệ quân sự kiểu mới” với Bắc Kinh. Theo tính toán của Mỹ, khi quan hệ Mỹ - Trung nồng ấm trở lại sau một thời gian dài lạnh giá từ năm 2010, Trung Quốc sẽ buộc phải tính toán cẩn thận các bước đi của mình, nhất là khi những lợi ích chiến lược mà Trung Quốc thu được từ quan hệ Mỹ - Trung chắc chắn sẽ vượt xa các giá trị mà quan hệ Nga - Trung có thể mang lại. Khi đó, Trung Quốc sẽ không đánh đổi, đồng nghĩa với việc Mỹ đã phần nào ly gián được quan hệ Nga - Trung. Đây là điều quan trọng nhất với Mỹ hiện nay để bảo đảm các đòn trừng phạt kinh tế với Nga sẽ phát huy tác dụng do việc phát động tấn công quân sự là không khả thi.

Những động thái lôi kéo Trung Quốc của Mỹ và Nga cho thấy tính tùy thuộc lẫn nhau của ba cường quốc trong “thế chân vạc” là rất cao. Trung Quốc rất hiểu phát triển quan hệ với Nga có thể giúp họ thách thức vị thế bá chủ toàn cầu của Mỹ và làm phân tán nguồn lực của nước này trong việc thực thi chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương (mà theo giới phân tích thực chất là nhằm kiềm chế Trung Quốc). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không thể vì Nga mà hy sinh “quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ.

Trước tác động, chi phối của “thế chân vạc” Mỹ - Trung - Nga, Việt Nam cần có đối sách thế nào? Quan hệ của Nga với Việt Nam vốn tốt đẹp. Nay nếu Việt Nam bắt tay với Nga như một đối tác chiến lược vừa cũ vừa mới, lấy quan hệ Việt - Nga để đối trọng với Trung Quốc, Mỹ, thì sẽ gặp phải sự cản trở, ngăn chặn từ phía Mỹ và Trung Quốc. Từ trước, Việt Nam và các nước Đông Nam Á luôn giữ thái độ trung lập trước cuộc tranh giành của các cường quốc. Nhưng tình hình đã trở nên căng thẳng hơn khi Trung Quốc không chấp nhận tình trạng này, liên tục xâm lấn Biển Đông.

Cả Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam đều chia sẻ sự hòa bình và ổn định ở Biển Đông và châu Á. Cho dù cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn Việt Nam đứng về phía mình, nhưng họ cũng tạm hài lòng với hiện trạng. Trung Quốc muốn Việt Nam ổn định nhưng không đủ mạnh, không được là “sân sau” của ai và phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Mỹ muốn Việt Nam là liên minh để duy trì vai trò lãnh đạo ở Đông Nam Á và châu Á, nhưng không muốn gánh vác trách nhiệm bảo vệ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khác biệt về chế độ chính trị và giá trị quốc gia dân tộc.

Rõ ràng, Việt Nam cần tự thoát khỏi “thế kẹt” này bằng cách tự đổi mới mình. Việt Nam cần phải nỗ lực để không trở thành một nạn nhân mà cần chủ động hơn trong các liên minh của mình và sự chủ động này không chỉ đến từ Chính phủ mà phải đến từ mỗi người dân, để chúng ta dù có là nước nhỏ nhưng không phải là một nước nhược tiểu.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2014

(1) Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ  (NSS) năm 2010, tr.2.

(2) Tạp chí Khoa học Quân sự, số 9/ 2011, tr.104.

(3), (4)Tạp chí Quan hệ Quốc phòng, số 27 Quý III/2014, tr.44-45, tr.40-44.

 

PGS, TS Thái Văn Long

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền