Trang chủ    Quốc tế    ALBA: một dự án địa chính trị tích cực của hội nhập quốc tế ở Mỹ Latinh
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 17:35
2113 Lượt xem

ALBA: một dự án địa chính trị tích cực của hội nhập quốc tế ở Mỹ Latinh

(LLCT) - Từ cuối thế kỷ XX, toàn cầu hóa (globalization) ngày càng thể hiện là một xu thế tất yếu trên phạm vi toàn thế giới. Lực lượng sản xuất hiện đại do cuộc cách mạng khoa học - công nghệ tạo ra, trong đó có các phương tiện thông tin và phương tiện giao thông vận tải, cùng với sự thắng thế của kinh tế thị trường trên tất cả các không gian đã làm cho toàn cầu hóa trở thành quá trình không thể đảo ngược. Các quốc gia dân tộc và mọi lực lượng kinh tế, xã hội, chính trị..., dù muốn hay không, đều không thể đứng ngoài xu thế chung của lịch sử. Trên thực tế, họ đã lựa chọn những hình thức phong phú, đa dạng để tham gia vào toàn cầu hóa và, như thế, họ cùng tạo ra quá trình hội nhập quốc tế (international integration).

Trên phương diện của những tiền đề vật chất, toàn cầu hóa trước hết là một quá trình kinh tế - công nghệ. Tuy nhiên, nhìn toàn cục và trong bản chất, toàn cầu hóa là một quá trình kinh tế - xã hội, văn hóa, chính trị phức tạp chứa đựng rất nhiều lợi ích khác nhau, thậm chí đối lập, đối kháng nhau giữa các chủ thể tham dự. Vì vậy, quá trình hội nhập quốc tế, tuy theo đuổi ý tưởng ban đầu nhất thể hóa lành mạnh, công bằng, nhưng ngay từ rất sớm đã phải bộc lộ là một quá trình đan xen giữa hợp tác, thống nhất và mâu thuẫn, xung đột, loại trừ lẫn nhau.

Toàn cầu hóa là quá trình xích lại gần nhau, hợp tác sâu rộng giữa các thành tố trong cộng đồng quốc tế; lưu chuyển tự do các nguồn lực phát triển; giao lưu văn hóa, xã hội rộng mở và phối hợp hoạt động an ninh, quân sự, chính trị... chưa hề có tiền lệ. Tất cả các quốc gia dân tộc, trước hết là các nước đang phát triển, chậm phát triển có nhiều cơ hội tốt đẹp khi tham gia hội nhập quốc tế. Nhìn từ góc độ này, toàn cầu hóa là quá trình dân chủ hóa mọi sinh hoạt của thế giới đương đại.

Mặt khác, toàn cầu hóa đang chịu sự chi phối, lũng đoạn của các thế lực phương Tây, trước hết là chính quyền Mỹ, chính phủ các nước tư bản phát triển và các tập đoàn tư bản độc quyền xuyên quốc gia.Xét về tổng thể, toàn cầu hóa trong nhiều năm qua là quá trình mở rộng, củng cố thị trường cho các tập đoàn tư bản độc quyền; là quá trình xác lập các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN) trên quy mô toàn cầu; là quá trình tuyên truyền, áp đặt chủ nghĩa tự do mới như hình thái ý thức hệ TBCN trong bối cảnh của thế giới đương đại; là quá trình xâm lăng văn hóa một cách thô bạo từ phía các cường quốc tư bản đến các quốc gia dân tộc; là quá trình can thiệp vừa tinh vi vừa trắng trợn vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền...

Châu Mỹ, bao gồm Bắc Mỹ của các nước tư bản phát triển và Mỹ Latinh (Trung Mỹ, Nam Mỹ và Caribe) của các nước đang phát triển, là không gian địa chính trị, địa kinh tế có nhiều đặc thù. Liên kết và hội nhập châu lục được khởi động ngay từ giữa thế kỷ XIX và được thúc đẩy mạnh mẽ từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trở đi. Trong suốt chiều dài hội nhập quốc tế ở châu Mỹ, luôn luôn tồn tại hai khuynh hướng khác biệt, đối lập nhau. Một bên là khuynh hướng hội nhập do tư bản đế quốc Mỹ toàn quyền chi phối, dẫn dắt; bên kia là khuynh hướng hội nhập độc lập tự chủ của các quốc gia dân tộc Mỹ Latinh. Đây không hề là sản phẩm của các nhân tố chủ quan, mà là tất yếu sinh ra từ thực tiễn kinh tế - xã hội, lịch sử - văn hóa và chính trị châu Mỹ.

Lợi dụng ưu thế chính trị và kinh tế sau khi Liên Xô tan rã, chính quyền Mỹ đã công khai thể hiện bá quyền đối với quá trình nhất thể hóa châu Mỹ. Năm 1994, Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ được tổ chức tại Maimi (Mỹ) với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ 34 nước châu Mỹ, trừ Cuba. Hội nghị ký văn bản thành lập Khu vực Thương mại Tự do châu Mỹ (viết tắt trong tiếng Anh là FTAA và trong tiếng Tây Ban Nha là ALCA) nhằm liên kết 34 thị trường tại bán cầu Tây thành một thực thể do Mỹ chủ trì. Với ALCA, các nước Mỹ Latinh một lần nữa rơi vào cạm bẫy của sự lệ thuộc về chính trị, sự biến mất của chủ quyền kinh tế quốc gia trước sự tàn bạo của chủ nghĩa tự do mới, sự tan rã của khối đoàn kết giữa các dân tộc Mỹ Latinh, sự trở lại của đói nghèo, tuyệt vọng... Chưa bao giờ chính quyền Mỹ có cơ hội vàng thực hiện giấc mộng Monroe “biến châu Mỹ thành của người Mỹ” như thời điểm đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, ở đó, Mỹ là siêu cường duy nhất trên thế giới đang “tự do” thiết lập một PAX AMERICANA! Trong bối cảnh nghiệt ngã ấy, các chính phủ và lực lượng tiến bộ tại châu lục đã tích cực tìm kiếm đối sách kịp thời, phù hợp. Tuy vậy, trong những năm đầu tiên sau 1994, sức mạnh của ALCA ở thế thượng phong.

Năm 1998, thủ lĩnh cánh tả Hugo Chavez đắc cử Tổng thống và chính thể Cộng hòa Bôliva ra đời ở đất nước Venezuela, góp thêm một thắng lợi nữa cho phong trào cánh tả Mỹ Latinh đang ở thế phát triển mạnh mẽ. Bước sang thế kỷ XXI, các lực lượng cánh tả đã giành được chính quyền ở gần 15 quốc gia, tạo nên nhiều chuyển động tích cực trong nền chính trị Mỹ Latinh. Ngày 14-12-2004, tại La Habana, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Chủ tịch Cuba Fidel Castro ký tuyên bố thành lập Phương án Bôliva cho các dân tộc châu Mỹ của chúng ta (Alternativa Bolivariana para los Pueblos de Nuestra America - ALBA). Trong tư duy chiến lược của hai lãnh tụ, ALBA là sự lựa chọn của các dân tộc Mỹ Latinh như phương án thay thế cho ALCA, và như vậy, ALBA là đối trọng công khai với ALCA trong toàn cảnh hội nhập quốc tế tại châu lục.

Trong những năm tiếp theo, ALBA liên tục đón nhận thêm các thành viên mới. Đến nay, ALBA gồm 9 quốc gia: Antigua - Barbuda, Cuba, Bolivia, Dominica, Ecuador, Nicaragua, Saint Lucia, San Vicente - the Grenadines và Venezuela, có tổng cộng 74 triệu dân, trong đó 47% trong độ tuổi lao động; diện tích 3 triệu km2 (1% tổng diện tích Mỹ Latinh); GDP toàn khối hiện nay gần 350 tỷ USD. Trụ sở Ban Thư ký của ALBA đặt tại thủ đô Caracas (Venezuela). Cổng thông tin điện tử là http://alba-tcp.org. Năm 2006, ALBA đổi tên thành Liên minh Bôliva cho các dân tộc châu Mỹ của chúng ta (Alianza Bolivariana para los Pueblos de Nuestra America), vẫn viết tắt theo tiếng Tây Ban Nha là ALBA; đồng thời, mang thêm tên phụ là Hiệp định Thương mại của các dân tộc (Tratado de Comercio de los Pueblos - TCP/Peoples Trade Agreement - PTA).

Thông thường, các thiết chế liên kết khu vực và hội nhập quốc tế mở đầu chương trình nghị sự bằng các dự án kinh tế, thương mại, đặt mục tiêu kinh tế lên vị trí ưu tiên. Cách làm này dễ dàng cuốn hút các thành viên tham gia và có nhiều thuận lợi trong việc tạo ra động lực ban đầu. ALBA lại lựa chọn con đường riêng của mình: trước hết, xác lập một dự án địa chính trị và trên cơ sở của định hướng chính trị đúng đắn sẽ triển khai các nội dung liên kết kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường... Với tính cách một dự án địa chính trị, ALBA tự xác định là sự tiếp nối của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và đoàn kết, thống nhất Mỹ
Latinh đã được các lãnh tụ Simon Bolivar, Jose Marti, Francisco Miranda, Augusto Casar
Sandino, Che Guevarra... khởi xướng và thúc đẩy. Trong văn bản thành lập, ALBA khẳng định mục tiêu chung là: “Cải tạo các xã hội Mỹ
Latinh theo hướng ngày càng công bằng, văn minh, tham dự và đoàn kết thông qua các chính sách khắc phục bất bình đẳng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống và động viên nhân dân tham gia có hiệu quả vào quá trình tự làm nên tương lai của mình”.

Để thực hiện mục tiêu chung, ALBA xác định các mục tiêu cụ thể. Một là, phối hợp chính sách phát triển nông nghiệp công cộng để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Hai là, bảo đảm các quyền kinh tế, quyền xã hội và quyền công dân hợp thành một thể thống nhất không thể chia cắt, ở đó chủ quyền và độc lập dân tộc là bất khả xâm phạm. Ba là, phấn đấu vì một sự hội nhập nhân văn. Bốn là, khai thác các lợi thế hợp tác giữa các quốc gia dân tộc, bù đắp cho nhau mọi sự mất cân đối. Năm là, chống đói nghèo, nguy cơ loại trừ xã hội, vì sự phát triển đồng thuận, hài hòa quốc gia và khu vực. Sáu là, mở ra không gian tham vấn, phối hợp và liên minh chiến lược.

Trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của ALBA chứa đựng khá nhiều đặc sắc, đặc thù. Trước hết, ALBA xem thương mại và đầu tư không có mục đích tự thân, mà chỉ là công cụ nhằm đạt tới sự phát triển công bằng và bền vững; hội nhập Mỹ Latinh đích thực không thể là sản phẩm mù quáng của thị trường; không thuần túy là chiến lược mở rộng thị trường bên ngoài và thúc đẩy buôn bán; nó yêu cầu nhà nước phải vững vàng trên vị trí điều tiết và phối hợp các hoạt động kinh tế. Thứ hai, ALBA không chấp nhận cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các nền sản xuất, thay vào đó là sự hợp tác và bổ trợ kinh tế. Thứ ba, có chính sách thích hợp với từng quốc gia phù hợp với trình độ phát triển và quy mô nền kinh tế cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các nước thành viên tham gia và cùng được hưởng lợi.

Với tầm nhìn hiện thực, ALBA đã vạch ra ngay từ ban đầu những chướng ngại vật cần phải vượt qua gồm: tình trạng nghèo đói trầm trọng trong các xã hội thành viên; sự chênh lệch về trình độ phát triển và khác biệt giữa các nước thành viên; cơ chế trao đổi bất bình đẳng và các điều kiện bất công trong các quan hệ quốc tế hiện hành; gánh nặng nợ nước ngoài không thể trả được; các chính sách điều chỉnh cơ cấu do Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới áp đặt; các hiệp định sở hữu trí tuệ đang thủ tiêu quyền tiếp cận thông tin, tri thức, công nghệ toàn cầu; các thiết chế độc quyền truyền thông đang phá hủy nền dân chủ thật sự trên thế giới...

ALBA là một dự án liên kết khu vực và hội nhập quốc tế vì nhân dân, rất chú trọng các chương trình kinh tế - xã hội. Chỉ số Phát triển nhân lực (HDI) bình quân toàn khối tăng lên đáng kể, từ mức trung bình (0,658) năm 2005 đạt lên mức cao (0,721) năm 2012. ALBA quyết tâm cải thiện tỷ lệ 1 bác sĩ/1.626 người dân năm 2004 lên 1 bác sĩ/1.166 người dân năm 2008. Theo số liệu điều tra 2 năm 2009 - 2011, đã có hơn 3,8 triệu người nghèo được khám bệnh miễn phí, trong đó gần 1,3 triệu người được chữa bệnh. Chương trình y tế “Sứ mệnh Diệu kỳ” đang được triển khai ở 21 quốc gia trên thế giới, đã đem lại ánh sáng cho gần 3 triệu người khiếm thị. Chương trình “Moto Mendez” dành riêng cho những người thiểu năng, đã xúc tiến các nghiên cứu về gien và tâm lý - xã hội, đem lại cuộc sống bình thường cho hàng nghìn người thuộc các quốc gia thành viên ALBA. Năm 2006, ALBA thành lập Bệnh viện Tim mạch “Gilberrto Rodriguez Ochoa” tại thủ đô Caracas chuyên chữa trị các căn bệnh tim bẩm sinh cho trẻ sơ sinh và trẻ em Mỹ Latinh. Tính đến tháng 3-2014, Bệnh viện đã tiến hành thành công hơn 8.000 ca phẫu thuật. Ngoài ra, còn có chương trình khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng nghiện hút. Các nước thành viên ALBA đã thành lập Tập đoàn Dược phẩm đại quốc gia (ALBAFARMA), thống nhất 489 loại thuốc thiết yếu dùng trong khối ALBA; tiến hành đăng ký y tế đối với các loại thuốc dùng cho người của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Y tế châu Mỹ... Tính trong giai đoạn 2004 - 2012, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh (dưới 5 tuổi) toàn khối đã hạ được 5%, trong đó có một số quốc gia tiêu biểu như Bolivia (20,5%), Nicaragua (8,7%), Ecuador (6,4%)...

Hợp tác trên lĩnh vực giáo dục của ALBA cũng đạt được kết quả ấn tượng. Tính đến năm 2014, đã có 3.815.092 người được xóa mù chữ, biết đọc, biết viết. Với niềm tự hào chân chính, các nước Antigua - Barbuda, Cuba, Nicaragua và
Venezuela tuyên bố hoàn toàn xóa xong nạn mù chữ. Các quốc gia ALBA đã sớm ký nghị định công nhận chứng chỉ cử nhân trong toàn khối; xúc tiến Chương trình Giáo dục quốc tế đặt tại Caracas. Trong khuôn khổ chương trình này, có trên 4 nghìn sinh viên ngoại quốc (Mỹ Latinh, châu Á, châu Phi, Trung Đông) được nhận học bổng theo học 88 chuyên ngành tại 36 trường đại học của Venezuela. Năm 1999, ALBA thành lập Đại học Y Mỹ Latinh (ELAM) tại La Habana (Cuba). Tính đến năm 2013, đã có 20.786 bác sĩ y tế cộng đồng được tốt nghiệp, thuộc 123 quốc gia trên thế giới, trong đó có 8.398 bác sĩ thuộc các nước ALBA; ngoài ra, còn có 1.590 bác sĩ đa khoa đã tốt nghiệp, trong đó có một số người tiếp tục chương trình chuyên khoa II. Hiện nay,  nhà trường đang có 9.580 sinh viên quốc tế theo học. Tháng 11-2013, Đại học Y Mỹ Latinh “Salvador Allende” được thành lập tại Venezuela, trao một nghìn học bổng đại học và 900 học bổng sau đại học cho sinh viên nước ngoài. Tính chung cho đến nay, các chương trình đào tạo y tế của ALBA đã cung cấp thêm cho cộng đồng 21.075 bác sĩ và 1.590 sinh viên đang theo học các chuyên ngành y khoa.

Trên lĩnh vực truyền thông, ALBA nhất quán với chủ trương tăng cường chủ quyền quốc gia. Đã xúc tiến nhiều phần mềm dùng chung ứng dụng tin học; thành lập các Trung tâm Viễn thông cộng đồng; lắp đặt Trạm Mặt đất để sử dụng băng tần KU-NAM và Vệ tinh Simón Bolivar. Năm 2007, Tập đoàn liên doanh Viễn thông đại Caribe (TGC) ra đời, thiết lập đường truyền internet cáp quang dưới biển, ban đầu kết nối 3 nước Cuba, Jamaica, Venezuela và sau đó đến nhiều quốc gia Trung Mỹ và Caribe. Năm 2010, Tập đoàn Truyền thông ALBA (ALBATEL) được thành lập với mục đích triển khai các dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng, dịch vụ và nền công nghiệp viễn thông toàn khối. Đến nay, ALBA có Truyền hình Phương Nam (TELESUR), Đài Phát thanh Phương Nam (RADIO DEL SUR) và Truyền hình ALBA (ALBATV) như các thiết chế truyền thông chung.

Hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, thể thao được các nguyên thủ ALBA xác định là một trong những con đường bảo vệ chủ quyền quốc gia và tự quyết tương lai của đất nước mình. Nhà Văn hóa ALBA được xây dựng và hoạt động tại thủ đô các nước Cuba, Venezuela và Bolivia như thiết chế nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá, triển lãm, giao dịch sản phẩm và dịch vụ. Bảo tàng ảo Mỹ Latinh và Caribe được xây dựng và hiện có 84.546 hiện vật đã được số hóa. Các chương trình nghiên cứu văn hóa Mỹ Latinh và Caribe được triển khai mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia thành viên ALBA. Định kỳ, ALBA tổ chức thi và trao giải thưởng về văn xuôi, điện ảnh, nghệ thuật... Đại hội Thể thao ALBA đã tổ chức được 4 kỳ, thu hút hơn 10 nghìn vận động viên đến từ 36 quốc gia tham dự ở 45 môn thi đấu, luôn luôn chiếm con số kỷ lục trong toàn bộ khu vực  Mỹ Latinh và Caribe.

Trên lĩnh vực kinh tế, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ VI của ALBA năm 2008 đã ký Điều lệ thành lập Ngân hàng ALBA với sứ mệnh bảo đảm sự độc lập kinh tế và chủ quyền tài chính cho các quốc gia thành viên. Hiện nay, Ngân hàng đang triển khai 42 dự án với tổng kinh phí 344,9 tỷ USD. ALBA đã thiết lập cơ chế thanh toán nội bộ (SUCRE) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi giao dịch kinh tế, thương mại giữa các nước thành viên. Trong khuôn khổ SUCRE, các đồng nội tệ được sử dụng trong thanh toán nội khối; hợp lý hóa chi phí trao đổi tiền tệ; giảm thời gian giao dịch; giảm chi phí nhập khẩu; dẫn đến giảm giá thành sản phẩm... ALBA đặc biệt chú trọng các chương trình lương thực phục vụ nhân dân. Đến nay, 4 quốc gia thành viên là Cuba, Dominica, San Vicente-the Grenadines và Venezuela đã thanh toán được nạn đói; các nước khác đã giảm được đáng kể tỷ lệ đói: Nicaragua (35%), Bolivia (10%) và Ecuador (6,2%). Năm 2008, Quỹ Lương thực ALBA được thành lập với tổng vốn 50 tỷ USD nhằm góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chống đỡ các tình huống khủng hoảng, khó khăn. Đặc biệt, ALBA đã thiết lập Khu vực Bổ trợ kinh tế và Khu vực Kinh tế dầu mỏ Caribe như những không gian thúc đẩy liên kết, hội nhập hữu hiệu.

Mười năm đầu tiên của ALBA không phải là chặng đường dài và ALBA cũng không phải là một thực thể liên kết lớn về dân số, diện tích, quy mô kinh tế, tiềm lực quân sự... Những kết quả, thành tựu đạt được cũng thật khó so sánh với các thực thể liên kết khác như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... Tuy nhiên, ALBA với những bước đi hiện thực 10 năm qua đã và đang gợi mở không ít vấn đề quan trọng.

Một là, trong bối cảnh các thế lực tư bản độc quyền đang gắn vào quá trình toàn cầu hóa tính chất TBCN với nhãn hiệu chủ nghĩa tự do mới về kinh tế hiện nay, con bài thương mại tự do sẽ đẩy các nền kinh tế của các nước đang phát triển, chậm phát triển vào thân phận của những thuộc địa kiểu mới của CNTB hiện đại. Thương mại tự do, hiểu theo nghĩa trực tiếp là phá bỏ các loại hàng rào thuế quan và phi thuế quan, đáng ra phải được xem như cái đích cần vươn tới trong tương lai, nhưng đang được các ông trùm tư bản đế quốc áp đặt như điều kiện tiên quyết cho các nước đang phát triển, chậm phát triển tham gia vào thế giới toàn cầu hóa. ALBA đã tìm kiếm một phương án khác, thay thế cho phương án đầy dấu ấn thực dân nêu trên, không chấp nhận cạnh tranh lạnh lùng theo cơ chế thị trường, mà là bổ trợ và hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên.

Hai là, trong bối cảnh đa số các thiết chế liên kết khu vực của các nước đang phát triển, chậm phát triển ra sức tìm kiếm các kênh hợp tác, liên kết với các nước lớn, ALBA duy trì, phát triển hoạt động của mình bằng sức mạnh nội tại của các quốc gia thành viên, không chấp nhận sự hiện diện của các cường quốc. Nhờ vậy, trong đời sống của ALBA không hề có dấu ấn lợi ích của siêu cường Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới. Trên phương diện này, ALBA đã chứng minh cho nhân loại khả năng và sự cần thiết thành lập, củng cố và phát triển các thiết chế hội nhập quốc tế độc lập, tự chủ của các nước đang phát triển, chậm phát triển.

Ba là, thông qua nhiều chương trình, dự án hợp tác không theo đuổi mục đích lợi nhuận, ALBA thể hiện như tấm gương trong sáng của tình đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa quốc tế thiết thực giữa các nước phương Nam trong thế giới đầy chủ nghĩa thực dụng ngày nay. Trong thế giới hậu Xôviết, dường như không còn chỗ đứng cho chủ nghĩa quốc tế, các nước ALBA vẫn sẵn sàng chia sẻ cho nhau các nguồn lực rất khiêm tốn của mình và hỗ trợ nhau chống đỡ, trụ vững, đi lên trước sóng gió thời cuộc.

ALBA đúng là một tổ chức liên kết khu vực, hội nhập quốc tế, nhưng trên hết và trước hết, đó là một dự án địa chính trị cách mạng của các lực lượng cánh tả, tiến bộ Mỹ Latinh. ALBA thành công trong 10 năm qua, không phải chủ yếu nhờ sức mạnh kinh tế, mà là nhờ tầm nhìn đúng đắn, bản lĩnh chính trị kiên định của các nguyên thủ quốc gia, trong đó có các lãnh tụ Fidel Castro, Hugo Chavez, Rafael Correa, Evo Morales, Daniel Ortega... ALBA là thiết chế hội nhập của các dân tộc, là hiệp định thương mại của nhân dân Mỹ Latinh, bởi vậy, nó sẽ tiếp tục viết nên những trang sử đẹp đẽ ở phía trước.

_____________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014

PGS, TS Nguyễn Viết Thảo

Phó Giám đốc Học viện

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền