Trang chủ    Quốc tế    Nhận diện tham nhũng và chống tham nhũng ở Trung Quốc hiện nay
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 17:38
2342 Lượt xem

Nhận diện tham nhũng và chống tham nhũng ở Trung Quốc hiện nay

(LLCT) - Tham nhũng không phải là hiện tượng mới xuất hiện ở Trung Quốc mà chúng đã bám rễ một thời gian dài, ngay từ khi thành lập Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Từ thời Mao Trạch Đông đã xuất hiện nhiều hình thức tham nhũng, nhưng tham nhũng trong thời kỳ đương đại có nhiều khác biệt về hình thức, quy mô và mức độ trầm trọng.

1. Nhận diện tham nhũng ở Trung Quốc

Tham nhũng không phải là hiện tượng mới xuất hiện ở Trung Quốc mà chúng đã bám rễ một thời gian dài, ngay từ khi thành lập Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Từ thời Mao Trạch Đông đã xuất hiện nhiều hình thức tham nhũng, nhưng tham nhũng trong thời kỳ đương đại có nhiều khác biệt về hình thức, quy mô và mức độ trầm trọng.

Tệ nạn tham nhũng diễn ra phổ biến ở Trung Quốc, và được phân chia thành nhiều loại khác nhau(1). Theo một số học giả, tham nhũng ở Trung Quốc được chia thành 3 loại cơ bản như sau:

Thứ nhất, tham nhũng “đen”. Hiện tượng tham nhũng loại này gồm đút lót, hối lộ, gian lận, tham ô, tống tiền, buôn lậu, trốn thuế, v.v.. Các hiện tượng này cấu thành tội phạm kinh tế, làm giàu cá nhân bất chính.

Thứ hai, tham nhũng “xám”. Cơ hội dung túng cho loại tham nhũng này là sự yếu kém, thiếu đồng bộ của thể chế nhà nước, quy tắc luật lệ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ đó, nhiều quan chức trong các tổ chức đảng và nhà nước lợi dụng để trục lợi cá nhân hay thiên vị lợi ích cho tổ chức của mình thông qua nhiều thủ đoạn hợp pháp và bất hợp pháp. Hình thành các tổ chức kinh doanh ăn bám vào thể chế nhà nước để rút ruột nguồn lực công, mạng lưới các công ty vệ tinh, sân sau của các quan chức có quyền lực trong bộ máy nhà nước và đảng.

Một hình thức gắn với tham nhũng tập thể ở Trung Quốc thể hiện rằng các địa phương, doanh nghiệp tìm cách ngầm vận động hành lang quan chức cấp Trung ương để “vận dụng cơ chế”, nhằm rút nguồn lực công.

Liên quan tới loại tham nhũng này còn có thể kể tới hiện tượng chi tiêu hoang phí nguồn lực công, như xin-cho dự án tràn lan, các hoạt động xa xỉ, mua sắm, xây dựng công sở quá mức cần thiết gây nên gánh nặng ngân sách cho hoạt động hành chính, v.v.. Theo số liệu thống kê, hằng năm Trung Quốc chi tiêu cho việc mua và sử dụng ô tô công lên tới 30 tỷ USD; chi tiêu lãng phí khoảng 250 tỷ USD ngân sách nhà nước.

Thứ ba, tham nhũng “trắng”. Hiện tượng này rất phổ biến trong cuộc sống, gắn với thân quen dòng tộc, quý mến thân thiết, đặc biệt trong tuyển dụng nhân sự, thăng tiến, lách luật trục lợi cho họ hàng, bạn bè, thiên vị trong phân bổ nguồn lực công cho người thân quen, v.v.. từ đó nhận lại những khoản lợi phân chia. Tham nhũng trắng gắn chặt với những quan hệ gần gũi, thân quen cá nhân giữa quan chức nhà nước có quyền phân bổ nguồn lực công để tạo ra lợi ích riêng cho nhóm cá nhân. Hiện tượng này còn gọi là tham nhũng lãnh đạo (yibashou fubai) - chỉ có những người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước và đảng, hay tập đoàn kinh tế nhà nước mới có thẩm quyền phân bổ nguồn lực, dự án cho các bên thân quen đặc biệt để trục lợi riêng thông qua việc ăn chia lợi ích, kiểu ứng xử ơn huệ, hậu tạ.

Mua quan bán chức là hình thức chính của tham nhũng quản lý cán bộ, đó là nguồn trao đổi lợi ích, tìm kiếm sự ủng hộ, trung thành trong xã hội Trung Quốc đương đại.

2. Các chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc

Từ khi tiến hành cải cách đến nay, Trung Quốc đã thực hiện 5 chiến dịch lớn chống tham nhũng trong cả nước. Cụ thể như sau:

- Chiến dịch thứ nhất bắt đầu từ năm 1982, nhằm vào các hiện tượng liên quan tới tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, điều tra 136.024 vụ, xử lý, kết tội 26 nghìn người, công an thẩm vấn 44 nghìn người.

- Chiến dịch thứ hai bắt đầu từ cuối năm 1983, kéo dài tới đầu năm 1987, tập trung vào việc củng cố tổ chức đảng. Trong chiến dịch này, có 35.616 quan chức cao cấp bị trừng phạt, trong số đó nhiều đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng và dính líu vào tham nhũng.

- Chiến dịch thứ ba bắt đầu từ cuối năm 1989, tập trung vào xác định chức năng của các cơ quan công quyền và cơ quan kinh doanh sinh lợi. Tách biệt các tổ chức công quyền, công ty vệ tinh của các cơ quan công quyền ra khỏi chức năng hoạt động kinh doanh sinh lợi. Tới tháng 6-1990, có 11.934 công ty do cơ quan đảng và nhà nước quản lý (85% tổng số) bị đóng cửa, những công ty còn lại được tái cấu trúc, tách ra khỏi cơ quan Đảng và Nhà nước, 49.292 quan chức nhà nước, kể cả quan chức đã nghỉ hưu nhưng đảm nhận chức vụ trong doanh nghiệp phải rời khỏi các vị trí quản lý doanh nghiệp nhằm hạn chế tới mức có thể liên quan tới tham nhũng, lạm dụng nguồn lực công. Số lượng lớn quan chức tham nhũng đã bị bắt và kết tội, trong đó 58.726 trường hợp bị phát giác, điều tra và kết án.

- Chiến dịch thứ tư bắt đầu vào cuối năm 1993, tập trung vào các lĩnh vực sau: (i) điều hành của quan chức cấp cao; (ii) điều tra những vụ án tham nhũng quy mô lớn; (iii) xu hướng bóp méo chính sách trong các cơ quan nhà nước.

- Chiến dịch thứ năm bắt đầu từ năm 2013 (sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc). Chủ tịch, Tổng Bí thư Tập Cận Bình (Xi Jinping) chỉ đạo quyết liệt chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, tức là chống tham nhũng từ quan chức cấp cao đến cấp thấp, nhằm củng cố sự liêm chính của Đảng, lấy lại lòng tin với nhân dân.

Theo Uỷ ban Trung ương Trung Quốc về Điều tra vi phạm (CCDI), Trung Quốc đại lục đã nhận được hơn 1,95 triệu báo cáo từ các nguồn tin tố giác, khiến cho hơn 172.500 trường hợp bị truy tố và 182 nghìn quan chức Trung Quốc chịu nhiều hình thức kỷ luật khác nhau. CCDI thành lập trang website để cho người dân cung cấp thông tin tham nhũng, tiêu cực của cán bộ công chức trong bộ máy đảng và nhà nước. Mỗi ngày, CCDI nhận được trung bình 760 đơn thư.

Riêng tháng 7-2014, trên toàn Trung Quốc đã có ít nhất 44 quan chức các cấp bị thông báo lập án điều tra do cáo buộc vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng. Trong đó, có 6 trường hợp là cán bộ lãnh đạo từ cấp tỉnh, bộ trở lên (bao gồm cả trường hợp Chu Vĩnh Khang); 25 trường hợp là cán bộ lãnh đạo cấp sở, cục; và 13 trường hợp là cán bộ lãnh đạo cấp huyện, phòng. Trong số 44 trường hợp được công bố, có 20 trường hợp thuộc cơ quan đảng, chính quyền, chiếm 45,5%; 5 trường hợp thuộc đơn vị sự nghiệp, chiếm 11,3%; 3 trường hợp thuộc khối doanh nghiệp nhà nước, chiếm 6,8%; 14 trường hợp thuộc hệ thống Hội đồng nhân dân và Chính hiệp, chiếm 31,8%(2)

Chiến dịch chống tham nhũng hiện nay của Trung Quốc đang được sự ủng hộ của công luận trong nước. Theo kết quả điều tra xã hội học tháng 8-2013, có 64% công chúng được hỏi thể hiện thái độ ủng hộ mạnh mẽ Tập Cận Bình trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”(3).

3. Một số nhận xét

Thứ nhất, tệ nạn tham nhũng diễn ra phổ biến trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước từ trung ương tới cơ sở, trong các bộ ngành ở Trung Quốc. Xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp, mức độ tham nhũng trở nên trầm trọng, thủ đoạn càng tinh vi hơn.

Thứ hai, đấu tranh chống tham nhũng là quá trình lâu dài. Đối với mỗi chiến dịch trong từng giai đoạn cần xác định rõ đối tượng và phạm vi cần giải quyết dần dần để làm thay đổi thái độ của các nhóm quan chức trong việc tự giác ngộ, tự điều chỉnh hành vi trong thực thi công vụ nhằm hạn chế sai phạm, tham nhũng.

Thứ ba, chống tham nhũng phải tiến hành đồng bộ, với nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, kiện toàn bộ máy đảng. Cuối năm 2012, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua “Quy định 8 điểm của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về cải tiến tác phong làm việc, liên hệ mật thiết với quần chúng”. Theo đó, lãnh đạo phải gương mẫu về tác phong làm việc và chống tham nhũng. Việc xây dựng tác phong, trước hết phải làm từ Bộ Chính trị, muốn yêu cầu người khác làm, bản thân mình phải làm được trước, muốn yêu cầu người khác không làm, bản thân mình phải kiên quyết không làm. Phải lấy tác phong Đảng thúc đẩy tác phong chính quyền, tác phong nhân dân.

Từ tháng 11-2013, Trung Quốc triển khai quyết liệt Nghị quyết Trung ương 3 khóa XVIII “về một số vấn đề quan trọng cải cách toàn diện sâu rộng”. Trong đó, nhiều giải pháp được đề ra liên quan trực tiếp tới việc nâng cao hiệu lực của bộ máy đảng và nhà nước trong việc chống tham nhũng.

Mở rộng dân chủ, công khai cho phép người dân tham gia phát hiện, tố giác các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trên trang website của Uỷ ban Trung ương Trung Quốc về điều tra vi phạm.

Thứ tư, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh cam go, xuất hiện nhiều xung đột lợi ích chính trị trong nội bộ Đảng và Nhà nước: giữa phái triệt để và phái trung dung, giữa thế lực vùng này và vùng kia, phe này và phe khác…Tuy nhiên, nó phù hợp lợi ích của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Để thành công trong chống tham nhũng, cần bản lĩnh của người lãnh đạo cao nhất và thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo các cấp ở trung ương, địa phương và bộ, ngành.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014

(1) Coruption and anti-corruption in China: Challenges and countermeasures. Center for International business ethnics

(2) Thời báoKinh Hoa (Trung Quốc) ngày 4-8 và TTXVN trích đăng lại.

(3) Chris Marquis and Zoe Yang.Corruption: Chinese People Look For Action, But Words matter Too, Harvard Business School.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Coruption and anti-corruption in China: Challenges and countermeasures, Center for International business ethnic

Chris Marquis and Zoe Yang : Corruption: Chinese People Look For Action, But Words matter Too,Harvard Business School.

Đảng Cộng sản Trung Quốc: Nghị quyết Trung ương 3 khóa XVIII về một số vấn đề quan trọng cải cách toàn diện sâu rộng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc: Quy định 8 điểm của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về cải tiến tác phong làm việc, liên hệ mật thiết với quần chúng.

Thời báo Kinh Hoa (Trung Quốc) ngày 4-8 và TTXVN trích đăng lại.

Vũ Thanh Sơn

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền