Trang chủ    Quốc tế    Giá trị châu Á và dân chủ - tương đồng và khác biệt
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 17:40
4451 Lượt xem

Giá trị châu Á và dân chủ - tương đồng và khác biệt

(LLCT) - Cuộc tranh luận về sự khác biệt và tương hợp giữa các tập quán truyền thống châu Á với nền dân chủ phương Tây  đã được bắt đầu ngay từ khi các tư tưởng phương Tây thâm nhập vào các nước Đông Á đầu thế kỷ XX. Trong những thập niên 1970 - 1990, do sự thành công về kinh tế của các nước này, cuộc tranh luận lại được khơi ra. Sau cuộc khủng hoảng 1997 - 1998, các giá trị châu Á cùng các thiết chế chính trị của các nước này tiếp tục được nghiên cứu với các bằng chứng mới, đặc biệt là dưới sự chuyển đổi chính trị của các nước như Inđônêxia, Thái Lan,v.v.. Tâm điểm của cuộc tranh luận chính là việc nhìn nhận “các giá trị châu Á” (Asian values) trong sự so sánh với phương Tây.

1. Quan niệm về giá trị châu Á

Mahathir Mohamad phê phán tình trạng nhiều người phương Tây thành thực tin rằng chỉ tồn tại một loại giá trị là giá trị toàn cầu. Những người này cho rằng, bất kỳ ai chủ trương có một thứ giá trị nào khác thì đó chỉ là cách biện giải cho sự áp bức, độc tài và thiếu văn minh. Ông cho rằng đã tới lúc cần phải thanh toán quan niệm này vì “Tôi tin rằng có sự khác biệt tự nhiên về giá trị. Những ai không thừa nhận sự khác biệt đó thì chẳng khác gì một kẻ mù màu - chỉ nhìn thấy màu xám mà không thấy được các sắc của cầu vồng - nên họ cho rằng làm gì có sự khác biệt”(1). Những khuyết tật của châu Á như: tình trạng độc đoán và vi phạm dân chủ, nạn bóc lột lao động phụ nữ và trẻ em, tập quán mê tín,... là có thật. Nhưng “không phải tất cả các hình thức dân chủ đều có hiệu quả. Có hình thức dân chủ tốt và có hiệu quả, nhưng cũng có những hình thức dân chủ xấu, mang tính phá hoại. Tự do phải đi đôi với trách nhiệm dân chủ. Có hệ thống thị trường tốt và có hiệu quả, nhưng cũng có những hệ thống thị trường không hiệu quả như ở quận Orange của Mỹ. Có những phương thức tốt và hiệu quả để nâng cao nhân cách và đời sống nhân dân, nhưng cũng có những phương thức ý nghĩa thì tốt song lại vô nghĩa vì lãng mạn, ngớ ngẩn và không có hiệu quả”(2).

Theo Francis Fukuyama, các giá trị châu Á thường được nói đến là: Đề cao giáo dục; Tôn trọng cộng đồng; Tôn trọng quyền lực; Đề cao chính quyền “độc đoán”(3). Ông đặc biệt chú ý tới mô hình chính quyền “độc đoán” ở những xã hội đạt tới tăng trưởng kinh tế cao như Hàn Quốc và Xinhgapo. Ông thẳng thắn thừa nhận mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế với bàn tay cứng rắn của chính phủ. Ông cũng cho rằng, người dân ở các xã hội châu Á tôn trọng quyền lực hơn so với phương Tây, và thái độ này có thể có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển tích cực. Tuy nhiên, về căn bản, ông cho rằng các khác biệt trong thang bậc giá trị như vậy không dẫn tới các khác biệt về tổ chức chính thể.  

Trần Lâm Phong, nhà nghiên cứu người Trung Quốc cho rằng, các nước thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, dưới ảnh hưởng của văn minh nông nghiệp và văn hóa Nho giáo đã hình thành nên một kiểu đời sống tinh thần của riêng mình, bao gồm phương thức tư duy, đời sống tín ngưỡng, lề thói phong tục, đặc trưng tâm thế, và đặc biệt, hệ giá trị riêng biệt: “Ngày nay, một số quan niệm giá trị và mệnh đề triết học của Đông Á vẫn có ý nghĩa tích cực và giá trị bất hủ. Nó có khả năng gợi mở và tham khảo rất lớn đối với việc uốn nắn các tệ nạn xã hội, xác lập các mối quan hệ kiểu mới giữa con người với nhau, giữa con người với xã hội và với tự nhiên”(4).Theo ông, sự gắn bó đến mức “ba ngôi nhập một” giữa nhà nước, dân tộc và xã hội đã bắt rễ trong đời sống tinh thần Đông Á và trở thành giá trị lấy cộng đồng làm bản vị (cơ bản, chính yếu). Chủ nghĩa tập trung gia tộc trong làm ăn kinh tế ở Hàn Quốc, Xinhgapo, Đài Loan là biểu hiện của giá trị này.

Ông cũng như khá nhiều học giả Trung Quốc đều khẳng định mạnh mẽ và tôn vinh cao các giá trị Đông Á mà trong đó giá trị văn hóa Nho giáo là trụ cột. Ông viết “Trước sự tha hóa và lộn xộn của quan niệm giá trị toàn cầu, quan niệm giá trị Đông Á cần đảm đương lấy trách nhiệm nặng nề của thời đại là vực dậy sự băng hoại của tinh thần loài người... Nếu trong thời kỳ tới đây, văn hóa phương Tây không tạo ra được một công cuộc phục hưng văn nghệ mới thì hoàn toàn có thể sẽ xuất hiện một thế kỷ mới trong đó văn hóa phương Đông sẽ thống lĩnh trào lưu văn hóa thế giới”.

Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây vẫn cho rằng giữa người Mỹ và người châu Á, cái chung, cái giống nhau vẫn là điểm căn bản hơn. Cái chung lớn nhất là quan niệm về những vấn đề quan trọng nhất đối với đời sống: tăng trưởng kinh tế và nạn đói nghèo; cuộc sống đô thị và tình trạng thiếu việc làm, tỷ lệ ly hôn cao và nạn tham nhũng... Davis Hitchcock(5) chia các giá trị có ý nghĩa định hướng hành vi con người thành “các giá trị xã hội” và “các giá trị cá nhân” như sau:

 Điều thú vị là ở chỗ, giá trị cá nhân ở đây là những giá trị được số đông thừa nhận, về thực chất, cũng là giá trị xã hội - giá trị về phẩm cách cá nhân.

2. Giá trị châu Á và dân chủ

Các nước Đông Á dường như luôn có tính hạn chế các quyền cá nhân hơn so với các nước phương Tây. Nhà nghiên cứu về Đông Á D. Bell trong khi phê phán việc sử dụng các “Giá trị châu Á” để biện hộ cho sự hạn chế tùy tiện các quyền cá nhân, ông vẫn công nhận các truyền thống văn hóa và sự đóng góp của các nước Đông Á và là các thách thức đáng kể với nền dân chủ tự do theo kiểu phương Tây.

Lý Quang Diệu và Mahathir cho rằng chính “các giá trị châu Á” đã hỗ trợ cho mô hình chính quyền của mình và là yếu tố quan trọng cho sự thành công rực rỡ của các nước NIC Đông Á.  “Giá trị châu Á” mà các ông hàm ý bao gồm nhiều khía cạnh như tinh thần lao động cần cù và tiết kiệm, hiếu học, sự tuân thủ thứ bậc xã hội, lòng trung thành với gia đình và bằng hữu,... 

Huntington cho rằng hai tập quán có tác động trực tiếp đến hình thái dân chủ tại Đông Á là “Hài hòa và hợp tác được ưa chuộng hơn bất đồng hay ganh đua” và “Giữ đúng ngôi thức và tôn trọng tôn ti trật tự”. Ông coi đây là hai giá trị cốt lõi đã tỏ ra có lợi cho các nền dân chủ mang tính gia trưởng như ở Xinhgapo, Malaixia, Inđônêxia,v.v..

Tommy Koh, Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách Xinhgapo cho rằng, trong các xã hội Đông Á có “Mười giá trị nền tảng”, “hợp thành khuôn khổ giúp cho các xã hội Đông Á đạt được phồn vinh về kinh tế, ổn định và hài hoà về xã hội”(6): Không tán thành chủ nghĩa cá nhân cực đoan; Coi trọng gia đình; Coi trọng việc học hành; Cần kiệm và thanh đạm; Cần cù; Coi trọng cộng đồng; Đề cao quan hệ bổn phận giữa chính phủ và công dân; Ở một số nước chính phủ tạo điều kiện cho công dân có cổ phần; Coi trọng xã hội có đạo đức; Tán thành nền báo chí tự do nhưng không tuyệt đối.

Tương tự, Trần Lâm Phong đã tổng hợp các quan niệm về giá trị Đông Á thành những nội dung: Định hướng lấy giá trị cộng đồng làm bản vị; Đề cao ý chí tự cường; Quan tâm đến cả “nghĩa” và “lợi”; Đề cao cần kiệm.

Phần dưới đây sẽ tổng kết lại các giá trị mà chúng tôi cho là khác biệt nổi bật so với phương Tây và các tranh luận quanh chúng liên quan tới dân chủ ở phương Đông và phương Tây

(1)Tinh thần cộng đồnglà giá trị có tính phổ biến và có nhiều biểu hiện trong lối sống thực tế và giao tiếp hàng ngày, khá khác với phương Tây (nhấn mạnh tính riêng tư cá nhân). Một số học giả cho rằng Nho giáo hàm chứa các lập luận không tương hợp với dân chủ, trong đó giá trị cộng đồng nhấn mạnh đến tập thể và hy sinh các quyền cá nhân. Phản bác lại lập luận trên một số học giả đưa ra quan niệm của Khổng Tử trong Kinh Lễ “Đại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công”, tức là khi đạo lớn được thi hành, thiên hạ là của chung.  Câu này cũng được Tôn Trung Sơn trích lại như là hạt mầm cho tư tưởng dân chủ.

Cũng theo hướng này, câu “Thiên hạ không chỉ của một người, thiên hạ là của thiên hạ” cũng được cho rằng bao chứa các giá trị tương hợp với dân chủ. Tuy nhiên, trong cách diễn giải của một số học giả Trung Quốc có ý về một sự cầm quyền trung lập, không thiên vị ai (impartial), do vậy có thể tương thích với cả quân chủ và dân chủ(7).

Fukuyama nhận xét về các diễn giải này: “Nếu coi Nho giáo là hệ thống giá trị chi phối ở châu Á, chúng ta thấy rằng, hệ thống này mô tả một thế giới đạo đức mà ở đó, con người sinh ra không phải là có quyền lợi mà là có nghĩa vụ”. Từ đó, ông cho rằng các giá trị châu Á không có khái niệm về cá nhân và các quyền cá nhân. Ngoài Nho giáo, ông cũng cho rằng các tôn giáo khác ở châu Á như Đạo giáo, Thần đạo và các tôn giáo dân gian cũng “không đặc biệt ủng hộ các nguyên tắc dân chủ phương Tây”(8).

Lý Quang Diệu đã từng phát biểu công khai là các tự do cá nhân cần phải hy sinh một khi làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu kinh tế cơ bản của cộng đồng.  Nói cách khác, nhà nước sẽ cần độc đoán để có thể huy động sự nhất trí cho mục tiêu chung về phát triển.

(2) Tính đồng thuận, hay sự chấp nhận của dân chúng được Mạnh Tử  nhắc đến như một yêu cầu về tính chính đáng của Hoàng đế, song song với “thiên mệnh”. J.Chan cho rằng, ngay cả khi được dân chúng chấp thuận, chính thể không nhất thiết có tính dân chủ vì một ông vua sáng với quyền lực tuyệt đối vẫn có thể được đa số nhân dân ca ngợi và chấp thuận, và do vậy, tính đồng thuận không hàm chứa các tư tưởng dân chủ, và cũng không hàm ý sự bình đẳng chính trị cũng như quyền tự quyết của người dân.

Bell lại chỉ ra rằng tính đồng thuận được đánh giá cao cũng đồng thời cho phép chính quyền các nước châu Á có các quyết định cứng rắn, gạt bỏ tinh thần phe phái làm chia rẽ xã hội, cản trở nỗ lực chung(9).

(3) Trọng trật tự và thứ bậc.Truyền thống tôn trọng trật tự và thứ bậc thể hiện trong đời sống hàng ngày khá rõ. Thuyết chính danh của Khổng Tử có thể được nhìn nhận như một lý thuyết chính trị, không chỉ nhấn mạnh vào thứ bậc, đồng thời còn nhấn mạnh vào tính chính đáng của thứ bậc từ vua đến dân, từ ngoài xã hội đến trong gia đình. Việc giáo dục và chia sẻ giá trị này như là con đường để giải quyết mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội. Truyền thống này có tác động đến hành vi chính trị, đến các thể chế chính thức và phi chính thức của các nước châu Á. Các tác động này được cho là trái chiều, và không thúc đẩy dân chủ như phương Tây  quan niệm. Hiển nhiên, cần nhận thấy rằng, sự tôn trọng thứ bậc là có giới hạn vì kể cả Hoàng đế, nếu trị vì không xứng đáng thì, theo quan điểm Mạnh Tử, người dân có quyền lật đổ.     

(4) Coi trọng học hành. Nho giáo rất coi trọng việc tu thân (Chí tri tại cách vật), do vậy chủ trương chọn tầng lớp lãnh đạo có thực tài. Bản thân giá trị này là rất phù hợp với nền dân chủ hiện đại phương Tây và đời sống xã hội phức tạp ngày nay. Các nghiên cứu về lãnh đạo chính trị phương Tây hiện nay cũng cho rằng người lãnh đạo theo phong cách dân chủ chính là người luôn học tập và sáng tạo, xây dựng giá trị và tầm nhìn hơn là sử dụng quyền lực ép buộc hay dụ dỗ bằng lợi lộc.

(5) Chăm chỉ và tiết kiệm. Trong các giá trị truyền thống tương đối nổi bật của châu Á thì đây là giá trị dường như ít tác động trực tiếp nhất đến sự khác biệt về mô hình dân chủ giữa phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra dai dẳng và rộng khắp đã khiến cho nó thành vấn đề nổi bật. Một lập luận trung tâm ở đây là về thói quen và tập quán tiêu dùng vượt quá khả năng của người dân các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Chính thói quen này đã đưa đến mức nợ cao của chính phủ, là nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng tại nhiều nước.  

3. Dân chủ và phát triển tại các nước Đông Á: tương đồng và  khác biệt

Tại Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác ở châu Á, ảnh hưởng của các tư tưởng dân chủ tự do phương Tây rất rõ. Các điểm tương đồng, nhìn từ bức tranh toàn cục về các thể chế dân chủ cũng như về sự tham gia của dân chúng:

- Dân chúng ngày càng có quyền lớn hơn trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo. 

- Dân chúng ngày càng có quyền lớn hơn trong việc kiểm soát các hoạt động của nhà nước.

- Bản thân nhà nước ngày càng phải thay đổi theo hướng minh bạch hơn và phải chịu áp lực giải trình trách nhiệm lớn hơn.

Tuy nhiên, có 3 khác biệt quan trọng mà các nghiên cứu đóng góp và làm phong phú cho cách nhìn dân chủ của phương Tây:

Các tập quán và giá trị văn hóa có thể làm thay đổi thứ tự ưu tiên  trong trật tự các quyền dân chủ.

Sự thay đổi thứ tự ưu tiên thể hiện ở việc trong các tình huống tương tự nhau ở Đông và Tây, có sự khác biệt trong các quyết định chính trị. Điều này đặc biệt rõ trong các trường hợp phải có sự cân nhắc giữa các lựa chọn giá trị mang tính loại trừ nhau.

Các tập quán và giá trị văn hóa có thể dẫn đến các quan niệm về quyền và nghĩa vụ trong thực tế khác nhau

Điều này cũng đã được Michael Walzer nêu ra và lập luận rằng các nhà dân chủ phương Tây không nên coi các lý lẽ của mình mang tính phổ quát cho toàn thế giới, và áp đặt các hình thức dân chủ của mình dựa trên các lý lẽ đó. Việc nhìn nhận và phán xét như vậy thậm chí sẽ dẫn tới phản ứng ngược, tức bản thân nền dân chủ phương Tây lại tự chứng tỏ là mình mất dân chủ.

Đây là một quan sát tinh tế và lập luận được nhiều nhà nghiên cứu chia sẻ vì  bản thân dân chủ là gì nếu không tôn trọng tính đồng thuận và tự quyết của cộng đồng? Do vậy, các hình thức thực hành dân chủ, cũng theo Walzer, cần phải được quyết định “từ bên trong”, nghĩa là cần tính đến các thực tiễn hàng ngày của các cộng đồng này, các giá trị và sự chia sẻ các chuẩn mực đạo đức được biểu hiện trong thực tếcuộc sống.

Các tập quán và giá trị văn hóa có thể tạo ra cơ sở đạo lý cho các hình thức thực hành và các thể chế dân chủ khác với phương Tây

Trong các nền văn hóa theo đạo Khổng chẳng hạn, chữ “Hiếu” được nhấn mạnh và đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày rất khác biệt so với các nước phương Tây. “Bất hiếu” là lời kết tội nặng trong nền văn hóa này. Mặt khác, cha mẹ cũng lại có nghĩa vụ “nhân từ”, phải chăm lo đến con cái. Tập quán này có ảnh hưởng đến các hình thức và thể chế dân chủ, vì chúng phải tạo các điều kiện  kinh tế, xã hội để đạo hiếu được thực thi thuận lợi. Do vậy, các tranh luận ở các nước Đông Á không đề cập vấn đề liệu các cá nhân (con cái) có bị “mất dân chủ” hay không, mà là cách thức thực hiện đạo hiếu như thế nào; như nên có đạo luật về nghĩa vụ “có hiếu” hay không, hay chỉ cần dựa trên các chính sách như ưu đãi thuế, bao cấp nhà ở, y tế, v.v..

Mở rộng quan hệ này ra xã hội, sẽ thấy các màu sắc tương tự về nghĩa vụ và quyền lợi giữa quan chức với người dân. Do vậy, các hình thức trong con mắt phương Tây có vẻ như độc đoán lại vẫn được người dân chấp nhận, nếu sự độc đoán đó đồng thời cũng thể hiện nghĩa vụ lo cho dân.  Và đó là cơ sở đạo lý của các hình thức dân chủ có vẻ như mất dân chủ đối với phương Tây.

Những khác biệt trong giá trị văn hóa và lối sống của châu Á đã có tác động trực tiếp đến việc hình thành các thiết chế chính trị mà sự vận hành của chúng bộc lộ các khác biệt so với các nước phương Tây.

Trước hết, sự đồng nhất giữa các giá trị dân chủ với các hình thức thiết chế dân chủ tự donhư ở phương Tây đã dẫn tới các phê phán và thậm chí phủ nhận các phát triển dân chủ ở Đông Á là thiếu cơ sở, và thậm chí mang tính thiển cận. Chẳng hạn như Huntington cho rằng Khổng giáo mang tính phản dân chủ hay không dân chủ là điều hiển nhiên đối với cộng đồng khoa học(10).

Về cơ bản, cho dù có các khác biệt quan trọng, nhưng các thể chế cộng hòa phương Đông và phương Tây vẫn chia sẻ những giá trị căn bản nhất. Đó là sự chia sẻ về mục đích trong khát vọng tự do, hạnh phúc, cả về khả năng duy lý của cá nhân và cộng đồng. Khác biệt có thể có đó chính là khác biệt trong cách thức, con đường và các hình thức cụ thể của thể chế trong từng thời kỳ và từng nước. Khi nhìn nhận như vậy, sự thẩm thấu văn hóa cũng như sự truyền bá tri thức giữa Đông và Tây, cũng như giữa tất cả các nước trên thế giới là điều tất yếu. Đó cũng là giá trị khoan dung của chính tinh thần cộng hòa, hiểu với nghĩa rộng nền cộng hòa của cả nhân loại hơn là chỉ áp dùng trong một quốc gia r

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014

(1), (2) Tạp chí Thông tin Công tác tư tưởng, số 7-1996.

(3) Francis Fukuyama: Asian Value and the Asian Crisis “Commentary”, 2-1998, pp.23-27.

(4) Trần Lâm Phong: Mấy suy nghĩ về quan niệm giá trị Đông Á, 1999.

(5) Davis Hitchcock: The United state and East Asia: New Commonalities and then, all those differences, 1997.

(6) Tommy Koh: The 10 Values Which Undergird East Asian Strength and Succese, The International Herald Tribune,12-1993, p.6.

(7) Chan, J: “Democracy and Meritocracy: Toward a Confucian perspective”, Journal of Chinese Philosophy, 2007.

(8) Farrukh Iqbal và Jong-Il You: Dân chủ , Kinh tế Thị trường và Phát triển: Từ góc nhìn châu Á, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2002.

(9) Bell, D: East Meets West: Human Rights and Democracy in East Asia, Princeton University Press, 2000.

(10) Dahl, Robert Alan: The demjocracy sourcebook, MIT Press, 2003.

PGS, TS Ngô Huy Đức -  ThS Lê Thị Thu Mai

Học viện Chính trị  quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền