Trang chủ    Quốc tế    Kinh nghiệm trong xử lý mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế của Cadắcxtan
Thứ tư, 16 Tháng 12 2015 11:18
2316 Lượt xem

Kinh nghiệm trong xử lý mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế của Cadắcxtan

(LLCT) - Trong các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Cadắcxtan được coi là nước thành công nhất trong bảo vệ, củng cố nền độc lập non trẻ và nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của mình. Dù cho tới nay nước này vẫn chưa gia nhập WTO, nhưng Cadắcxtan không hề thực hiện chính sách biệt lập, ngược lại, tham gia khá nhiều tổ chức hợp tác quốc tế đa phương trên các lĩnh vực khác nhau, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại tới quân sự - quốc phòng.

 

(Thủ đô Astana - Cadắcxtan, nguồn: internet )

1. Thành tựu to lớn của Cadắcxtan trong hơn 20 năm từ khi độc lập

Cadắcxtan là một nước Trung Á có diện tích khá lớn (2.724.902km2, thứ 9 thế giới), nằm ở trung tâm đại lục địa Á - Âu, dân số 16,856 triệu người (2012) gồm 140 tộc người, đông nhất là dân tộc Cadắc (65%), thứ đến là Nga (22%).

Cadắcxtan từng là một bộ phận nằm trong lãnh thổ Đế quốc Nga. Từ ngày 5-12-1936, Cadắcxtan trở thành một nước Cộng hòa XHCN Xôviết độc lập và gia nhập Liên bang Xôviết. Trong cuộc khủng hoảng trầm trọng dẫn đến việc các nước cộng hoà thành viên của Liên Xô đua nhau tuyên bố độc lập và kết cục là sự giải thể Liên Xô, Cadắcxtan là nước cuối cùng trong 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô tuyên bố độc lập (16-12-1991). Những thành tựu kỳ diệu mà đất nước độc lập non trẻ này đạt được trong hơn 20 năm qua là rất đáng tự hào. Cụ thể là:

Thứ nhất, Cadắcxtan không chỉ giữ vững được sự ổn định chính trị - xã hội, trật tự, an ninh của đất nước mình, mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh ở khu vực Trung Á. Về thể chế chính trị, sau khi độc lập, Cadắcxtan thực thi thể chế cộng hòa tổng thống, tập trung quyền lực vào tổng thống
(N. Nazarbaev) là người đứng đầu nhà nước. Mô hình nhà nước mà nước này thực hiện được gọi là mô hình “dân chủ phụ quyền châu Á”, từng được một số nước châu Á áp dụng thành công thời kỳ đầu độc lập (Xinhgapo dưới sự lãnh đạo của Lý Quang Diệu và của Đảng Hành động Nhân dân là một trường hợp điển hình). Mô hình này còn được gọi là “tiền dân chủ, hậu chuyên chế”, mà sự thành công hay thất bại của nó trước hết phụ thuộc vào vai trò của lãnh tụ và đảng cầm quyền. Có thể nói, đất nước Cadắcxtan phát triển được như ngày nay là nhờ có được một lãnh tụ tài giỏi như N. Nazarbaev - Tổng thống, Chủ tịch Đảng cầm quyền Nur Otan.

N. Nazarbaev là Tổng thống đầu tiên của Cadắcxtan vào năm 1991, và từ đó đến nay qua tất cả các kỳ bầu cử tổng thống, ông đều giành được sự tín nhiệm rất cao của cử tri Cadắcxtan để liên tục làm Tổng thống nước này chí ít cho tới năm 2016 (cuộc bầu cử tổng thống mới đây nhất, nhiệm kỳ 2011 - 2016, ông vẫn giành được sự ủng hộ rất cao của cử tri). Ông vốn là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Cadắcxtan từ năm 1989, từng chứng kiến sự khủng hoảng rồi đi đến sụp đổ của CNXH hiện thực và sự giải thể của Liên Xô trong những năm cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90 thế kỷ XX. Song N. Nazarbaev đã lãnh đạo đất nước Cadắcxtan vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại, đồng thời để lại những dấu ấn riêng trong những thành tựu cả trên lĩnh vực đối nội và đối ngoại của Cadắcxtan trong hơn 20 năm độc lập. Người ta cũng nhắc nhiều đến công lao to lớn của Nadarbaev trong việc quyết định xây dựng thủ đô mới Átxtana trên vùng đất hoang thảo nguyên nằm ở trung tâm Cadắcxtan và lục địa Á - Âu. Để hiện thực hoá siêu dự án xây dựng thủ đô mới, Tổng thống Nazarbaev mở nhiều cuộc thi quốc tế thiết kế kiến trúc Thủ đô Átxtana nhằm tìm ra phương án mà ông cho là tối ưu nhất. Kết quả cuối cùng, quy hoạch phát triển tổng thể Átxtana thuộc về kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật Bản Kiso Kurokawa. Trong xây dựng Thủ đô, Nazarbaev đã mời được rất nhiều kiến trúc sư tài danh của thế giới thiết kế các công trình kiến trúc độc đáo và hiện đại. Đích thân Tổng thống Nazarbaev đã tham gia nghiên cứu, thiết kế các công trình kiến trúc, trực tiếp điều hành công việc xây dựng, nên mỗi công trình hoàn thành đều có kiến trúc hài hoà giữa truyền thống và hiện đại. Phần lớn các công trình này hiện nay đã trở thành các danh thắng của Thủ đô Átxtana. Átxtana được coi là một kỳ tích hàm chứa nhiều ý nghĩa chính trị - tinh thần, kinh tế - thương mại, truyền thống - hiện đại và mang lại những lợi ích quan trọng xét trên nhiều phương diện cho Cadắcxtan. Chính vì vậy, đa số người dân luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ và khâm phục trước tài năng và tầm nhìn chiến lược của Tổng thống N. Nazarbaev, tôn vinh ông là “kiến trúc sư trưởng” của thủ đô mới Átxtana.

Về đảng cầm quyền Nur Otan, Cadắcxtan thực thi chế độ đa đảng. Tại đất nước này có khá nhiều đảng phái chính trị, song thực quyền tập trung vào đảng cầm quyền Nur Otan (thành lập ngày 1-3-1999 theo sáng kiến của Tổng thống N. Nazarbaev). Từ đó đến nay, Đảng đã trải qua 15 kỳ đại hội, trong một số kỳ đại hội có thêm nhiều đảng khác xin gia nhập, là đảng lớn nhất, mạnh nhất tại Cadắcxtan. Trong cuộc bầu cử Hạ viện Cadắcxtan khóa 5 (2012 - 2017), Đảng Nur Otan chiếm đa số phiếu với 83/107 hạ nghị sĩ. Đảng viên của Đảng cũng giữ các chức vụ cao nhất ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Tính đến ngày 1-6-2014, Đảng có hơn 900 nghìn đảng viên(1). Đại hội XV (10-2013) của Đảng Nur Otan đã thông qua Cương lĩnh chính trị, khẳng định Đảng Nur Otan là đảng của nhân dân; nền độc lập của Cadắcxtan là tài sản quốc gia lớn nhất, bảo vệ độc lập quốc gia là nhiệm vụ của thế hệ hiện nay và các thế hệ mai sau. Trên thực tế, Đảng Nur Otan là một đảng mạnh, nhận được sự tín nhiệm khá cao của người dân ở đất nước đa dân tộc Cadắcxtan này.

Thứ hai, sự phát triển kinh tế rất ấn tượng của Cadắcxtan trong nhiều năm qua, bất luận thế giới có những biến động lớn, khủng hoảng, suy thoái kinh tế diễn ra. Năm 1993, GDP/người là 700 USD, năm 2012 đã đạt tới 12.500 USD, tăng gần 18 lần; năm 1993 chỉ có 500 triệu USD dự trữ ngoại tệ, năm 2012 đã tăng lên thành 85 tỷ USD; năm 1990, Cadắcxtan chưa có hàng hóa xuất khẩu, năm 2012 đã có tổng kim ngạch thương mại là 144,6 tỷ USD (xuất khẩu 96,2 tỷ USD, nhập khẩu 48,4 tỷ USD). Năm 2012, Cadắcxtan có GDP đạt 186 tỷ USD, gia nhập nhóm 50 nước kinh tế phát triển nhất thế giới. Năm 2013, GDP của Cadắcxtan là 224 tỷ USD, GDP/người đạt 13 nghìn USD (đứng thứ 45 thế giới)(2). Cadắcxtan cũng đạt nhiều thành tựu trong phát triển công, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, chăm sóc y tế, v.v.. Chính vì vậy, vào tháng 10-2012, Trung tâm “Legatum Institute” (trụ sở tại Luân Đôn) dựa trên 8 tiêu chí (sức mạnh kinh tế; môi trường; hiệu quả quản lý; hệ thống giáo dục; hệ thống y tế; an ninh và luật pháp; tự do cá nhân; tư bản xã hội) để đánh giá sự phồn thịnh của 144 quốc gia trên thế giới, đã xếp Cadắcxtan đứng thứ 46/144 (tăng 4 bậc so với năm 2011) và đứng đầu trong các nước SNG.

Thứ ba, Cadắcxtan thực hiện hiệu quả chính sách đối ngoại độc lập, hòa bình, cân bằng, đa dạng và đa phương, mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, xử lý thành công mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế.

Cadắcxtan tăng cường và thực hiện hiệu quả quan hệ hữu nghị, hợp tác chặt chẽ, cùng có lợi với các nước láng giềng ở khu vực Trung Á (Kyrgystan, Tatgikistan, Turmenistan và Uzbekistan).

Nằm ở một khu vực có vị thế địa - chính trị, địa - kinh tế quan trọng trong cán cân chiến lược toàn cầu, Cadắcxtan là một trong những địa bàn tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn Nga, Trung Quốc, Mỹ, EU. Song Cadắcxtan đã khôn khéo thực hiện một chính sách đối ngoại cân bằng, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với cả Nga, Trung Quốc, Mỹ và EU một cách thực chất, không quá nghiêng về nước lớn nào (dù trên thực tế vẫn đặt quan hệ đối tác chiến lược với Nga ở vị trí đặc biệt quan trọng).

Là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, Cadắcxtan có nhiều sáng kiến, tham gia tích cực, hiệu quả vào giải quyết nhiều vấn đề nóng của thế giới. Ngay từ đầu những năm 90 (sau khi trở thành quốc gia độc lập) Cadắcxtan đã tuyên bố từ bỏ vũ khí hạt nhân (Cadắcxtan vốn là 1 trong 4 nước cộng hòa Xôviết có vũ khí hạt nhân đặt trên lãnh thổ thời Liên Xô); tham gia và đưa ra nhiều sáng kiến tại 2 Hội nghị an ninh hạt nhân thế giới (lần 1 tổ chức tại Mỹ năm 2010, lần 2 tổ chức tại Hàn Quốc năm 2012); là nước sáng lập và chủ trì hoạt động của Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA, được thành lập tại Liên Hợp quốc, hiện có 26 nước thành viên, trong đó có những nước như Việt Nam, Trung Quốc, Iran, Itxraen, Irắc,...),v.v..

Có thể nói, những thành tựu mà Cadắcxtan đạt được trong hơn 20 năm từ khi độc lập, trong đó có việc xử lý thành công mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế, trước hết là do đã bảo vệ, củng cố được nền độc lập và chính sách tự chủ của mình, nhất là nâng cao được sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Cadắcxtan đã thực thi các chính sách đối nội và đối ngoại khôn khéo. Cadắcxtan ưu tiên cho việc bảo đảm ổn định chính trị - xã hội trong nước, song chú trọng một chính sách đối ngoại tự chủ, hòa bình, cân bằng, không để bất cứ nước lớn nào thao túng, chi phối.

Trên lĩnh vực kinh tế, quốc gia này ưu tiên cho việc xây dựng nền kinh tế dân tộc độc lập và phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế có cân nhắc, có lựa chọn để đảm bảo hội nhập có hiệu quả và bảo vệ tốt lợi ích quốc gia dân tộc. Cho tới nay Cadắcxtan vẫn chưa xin gia nhập WTO (hiện đang là quan sát viên tại WTO), song lại tích cực và ngay từ đầu tham gia Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) cũng như các hình thức liên kết lớn nhỏ khác nhau trên tất cả các lĩnh vực trong không gian “hậu Xôviết”, trong đó có Liên minh thuế quan cùng với Nga và Bêlarút (mà Việt Nam cũng đang thực hiện các phiên đàm phán để tham gia). Mới đây nhất, ngày 29-5-2014, Cadắcxtan đã cùng với Nga và Bêlarút ký Hiệp định thành lập Liên minh kinh tế Á - Âu  (chính thức có hiệu lực từ 01-01-2015). Cadắcxtan vừa là thành viên tích cực của Tổ chức an ninh tập thể (gồm 6 nước SNG do Nga chủ đạo), của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), lại vừa là thành viên trong cơ chế Đối tác vì hòa bình của NATO.

2. Kinh nghiệm từ những thành công của Cadắcxtan trong việc kết hợp giữa củng cố độc lập tự chủ với hội nhập quốc tế

Thứ nhất,một quốc gia dân tộc muốn hội nhập quốc tế thành công, phải giữ vững được độc lập tự chủ. Độc lập tự chủ là điều kiện tiên quyết để có thể hội nhập quốc tế thành công, mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực. Trước hết, phải giữ được sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế một cách bền vững, có một xã hội hài hoà, dân chủ. Nước nào làm được như vậy là đã tạo dựng được cơ sở quan trọng hàng đầu cho hội nhập quốc tế thành công.

Thứ hai, muốn củng cố được độc lập tự chủ của quốc gia dân tộc, điều quan trọng hơn hết là phải xây dựng và thực thi hiệu quả các chiến lược, chính sách đoàn kết các dân tộc sinh sống trên đất nước mình, tạo sự đồng thuận xã hội cao.

Phải xây dựng được lòng tin trong nhân dân, mà để có được lòng tin trong dân chúng, trước hết bộ máy công quyền phải trong sạch, bộ máy hành chính công phải hoạt động hiệu quả. Trong hệ thống chính trị đa đảng, cần xây dựng được một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị cao, có năng lực lãnh đạo đất nước sao cho vừa làm gia tăng sức mạnh quốc gia tổng hợp, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, vừa hội nhập quốc tế thành công, qua đó nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của quốc gia dân tộc mình. Đảng cầm quyền cũng phải có một lãnh tụ có tài, có tâm và có tầm để lãnh đạo đất nước theo hướng vừa giữ vững được độc lập tự chủ, vừa hội nhập quốc tế thành công.

Thứ ba, phải có một chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, thiết thực, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nhất là không để xảy ra tình trạng đứng giữa ngã ba đường. Với các nước vừa và nhỏ, đang phát triển, thì càng cần nâng cao tinh thần vì lợi ích dân tộc trên hết, không nghiêng ngả giữa các nước lớn. Hội nhập quốc tế là một quá trình mang tính hai mặt, nên nếu không có được một tinh thần, ý chí độc lập tự chủ, thì sẽ đưa đất nước vào bế tắc, từ đó tạo cơ hội cho các thế lực bên ngoài nhảy vào thao túng, chi phối đời sống chính trị - kinh tế của nước đó phục vụ cho lợi ích ích kỷ của họ. Cần khôn ngoan và tỉnh táo tận dụng được cơ hội thuận lợi và tránh được những nguy cơ.

Thứ tư, về lâu dài phải xây dựng được một hệ giá trị chung gắn kết tất cả các dân tộc, để dân tộc nào cũng hết lòng hết sức cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng một đất nước hoà hợp, phồn vinh, hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc trên đất nước mình và với các dân tộc khác trên thế giới. Nghĩa là quốc gia dân tộc vừa bảo vệ được độc lập tự chủ, tôn vinh được những giá trị của riêng mình, vừa hội nhập thành công, hiệu quả với thế giới bên ngoài.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2015

(1), (2) Trần Hiệp: “Đảng Nur Ôtan - Đảng cầm quyền ở Cadắcxtan”, Tạp chí Cộng sản, chuyên đề cơ sở, số 92 (8-2014), tr.91, 87-88.

PGS, TS Hà Mỹ Hương

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền