Trang chủ    Quốc tế    Hội nghị COP21
Thứ hai, 25 Tháng 1 2016 11:32
2474 Lượt xem

Hội nghị COP21

(LLCT) - Từ ngày 30-11 đến ngày 12-12-2015, tại Pari diễn ra Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21). Đây là Hội nghị thượng đỉnh các bên tham gia Công ước của các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo 195 quốc gia trên thế giới, đại diện Liên minh châu Âu (EU), các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ (NGO)... với sự tham dự của khoảng 40 nghìn người, bàn về mục tiêu quốc gia giảm lượng phát thải khí nhà kính sau khi Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.

Đây là hội nghị thường niên được tổ chức trong suốt 2 thập kỷ qua nhằm tìm ra cách thức hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GHGs) vốn là nguyên nhân làm trái đất nóng lên. Khác với các năm trước, COP 21 có ý nghĩa quan trọng hơn vì đây là năm bản lề cho việc tạo ra một khuôn khổ ràng buộc pháp lý mạnh mẽ nhằm khống chế lượng phát thải GHGs trong giới hạn cho phép.

Qua đánh giá của các nhà nghiên cứu, 20 năm sau khi bắt đầu Nghị định thư Kyoto về khí hậu với mục tiêu chính là giảm lượng phát thải khí nhà kính để duy trì mức tăng nhiệt độ không được tăng quá 20C vào cuối thế kỷ này, các tiến bộ đạt được không đáng kể, thậm chí còn thụt lùi. Với tốc độ phát thải GHGs hiện nay, nhiệt độ có thể tăng lên tới 40C hay thậm chí là nhiều hơn vào năm 2100.

Cả trong giới khoa học và chính giới đều thừa nhận rộng rãi rằng tình trạng trái đất tiếp tục ấm lên, biến đổi khí hậu, rõ ràng là mối đe dọa nghiêm trọng đến sự sống của con người trên khắp hành tinh mà nguyên nhân chính của hiện tượng này là các quá trình đẩy nhanh công nghiệp hóa trong hai thế kỷ qua.

Theo báo cáo “Tác động, thích nghi và yếu điểm” của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2014 cũng chỉ ra rằng có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy một số hệ sinh thái then chốt có thể rơi vào những điểm chết không thể phục hồi hay điểm bùng phát. IPCC xác định những nguy cơ điểm chết cao nhất tại bốn khu vực: dòng hoàn lưu phía Nam của Bắc Đại Tây Dương (AMOC), Bắc Cực, các rạn san hô và rừng nhiệt đới Amazon.

AMOC là dòng hải lưu ven Vịnh Lớn hay bờ biển lõm vào bên bờ Đại Tây Dương của Bắc Mỹ, mang khối nước ấm từ biển Caribean lên phần biển gần Tây Bắc của châu Âu, khiến cho khí hậu nơi đây trở nên ôn hòa hơn nhiều so với khí hậu lục địa ở cùng vĩ độ. Đã có những thời kỳ dòng chảy có dấu hiệu chựng lại do ảnh hưởng của các luồng nước lạnh do băng tan từ Greenland, nhiều nhà khoa học lo ngại rằng tương lai hiện tượng này có thể làm AMOC tê liệt hoàn toàn, tạo ra những mùa đông giá buốt hơn rất nhiều tại châu Âu ở phía Đông Bắc Mỹ.

Bắc Cực là một trong những trường hợp rõ ràng nhất, nhiệt độ tại khu vực này tăng nhanh hơn bất cứ nơi nào trên trái đất với những hệ quả tàn phá tới thế giới động vật và thực vật nơi đây, cũng như đối với sự sinh tồn của các cộng đồng thổ dân bản địa. Việc lượng băng tại thềm Bắc Cực tan ra sẽ tăng thêm một lượng phát thải khí nhà kính khổng lồ vào khí quyển, đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Những rạn san hô, nơi cư trú của 25% sinh vật biển dù chỉ chiếm chưa tới 1% diện tích trên mặt đất đang chết dần hay “chuyển sắc trắng” với tốc độ đáng sợ trên khắp thế giới. Các nhà khoa học ước tính rằng 50% các rạn san hô đã biến mất chỉ trong vòng 30 năm qua và với tốc độ này, chúng có thể “sạch bóng” vào khoảng năm 2050, gây ra tổn thất lớn về đa dạng sinh học và nguồn cung cấp thức ăn cho 850 triệu người trên thế giới. Caribean là vùng biển nhạy cảm nhất với hiện tượng này.

Rừng nhiệt đới Amazon là điểm thứ tư chịu nguy cơ rơi vào điểm chết không thể phục hồi, và là một trong ba điểm lớn trên thế giới với khu dự trữ sinh quyển quan trọng, phong phú nhất thế giới về mặt địa chất, sinh học và văn hóa, đóng vai trò điều tiết hệ sinh thái toàn cầu. Sự đa dạng xã hội - môi trường tại đây là khổng lồ: chiếm 1/3 đa dạng sinh học và “kho gen” của thế giới với nhiều loài sinh vật và hoạt chất bề mặt (rất quan trọng trong nghiên cứu gen) vẫn còn chưa được biết tới; tổng diện tích 7,8 triệu km2, trải rộng trên lãnh thổ của 9 quốc gia Nam Mỹ, tập trung tài nguyên rừng khổng lồ bao gồm 34% diện tích rừng nguyên sinh của cả thế giới - đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ khí CO2 và chu kỳ tuần hoàn nước, 20% lượng nước ngọt không đóng băng của toàn cầu... nhưng kho báu vô giá này đang bị các doanh nghiệp gỗ và giấy, các tập đoàn dầu khí và khai mỏ, các công ty dược phẩm, nông nghiệp, thủy điện và xây dựng hùng mạnh của các nước đua nhau khai thác, gây ra mất mát khổng lồ về đa dạng sinh học và tác động dây chuyền tiêu cực to lớn tới quá trình trái đất ấm lên trên toàn cầu.

COP 21 đòi hỏi các quốc gia thành viên phải tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm.

Được khởi động từ tháng 3-2015, các quốc gia đã trình lên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) các hồ sơ cam kết “đóng góp” cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, do UNIFCCC áp dụng nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt”, nên mức độ cam kết của các quốc gia là khác nhau. Đối với các nước phát triển, cam kết tập trung vào nỗ lực cắt giảm phát thải GHGs, đặc biệt là hai “ống khói” lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Những nước đang phát triển và các quốc đảo nhỏ (khoảng 20 quốc gia) vốn chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu thì đưa ra các cam kết dưới dạng xây dựng kế hoạch thích ứng. Tuy nhiên, với hai quốc gia đặc biệt là Maldives và Bangladesh sẽ phải có sự kết hợp cả hai giải pháp.

Tại hội nghị, các “nhân vật chính” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là EU sẽ phải đưa ra những mục tiêu cắt giảm mạnh mẽ để khống chế nhiệt độ trái đất không tăng từ 1,5 - 20C theo như khuyến cáo của giới khoa học. COP 21 là thời hạn cuối cùng để các quốc gia đưa ra những cam kết tham vọng cho giai đoạn sau năm 2020 khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực. Bằng việc kết hợp khung thời gian và các mục tiêu khác nhau, COP 21 phải đề ra được giải pháp và công cụ pháp lý làm nền tảng cho việc thực thi các mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu và ngăn chặn hiện tượng trái đất tiếp tục ấm lên. Trong khoảng thời gian đến năm 2020, các nước sẽ có thời hạn 5 năm để điều chỉnh các quy định trong nước và đánh giá lại các mục tiêu trước khi đưa vào thực hiện.

COP 21 cần thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế. Theo quy luật kinh tế và xu hướng phát triển công nghệ, thị trường sẽ tự chuyển đổi sang các loại năng lượng tái tạo nhưng thời gian sẽ kéo dài khiến thế giới khó có thể giải quyết được những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Để đẩy nhanh quá trình này, các nước công nghiệp cần đẩy mạnh cắt giảm GHGs, chia sẻ kiến thức, tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và tham gia các cơ chế mua bán khí thải carbon. Theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), trong 5 năm tới Trung Quốc mua tới 40% nguồn năng lượng tái tạo của thế giới; Anh và Đức là hai nước có giá phong điện rẻ nhất thế giới, vì thế cơ hội xây dựng nền kinh tế carbon thấp là hoàn toàn có thực và dễ dàng nhận thấy. Để khuyến khích các nước đầu tư mạnh cho năng lượng tái tạo, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và các tập đoàn lớn trên thế giới đã phối hợp xây dựng khung định giá và bảng giá carbon.

COP 21 cũng cân bằng giữa trách nhiệm và khả năng tài chính, nhiều nước lo ngại khi tham gia chống biến đổi khí hậu sẽ làm giảm thu nhập của nền kinh tế. Những thách thức về khí hậu chỉ được giải quyết khi có sự thay đổi căn bản trong quan điểm và hành động, mà trước hết là chuyển đổi từ năng lượng bẩn và rẻ tiền sang năng lượng sạch nhưng phải đầu tư nhiều chi phí hơn. Các nước đang phát triển và kém phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhưng lại không phải là thủ phạm chính gây ra tình trạng này, do đó trách nhiệm tài chính sẽ thuộc về những nước giàu từng phát thải lượng lớn GHGs ra bầu khí quyển. Hiện giữa các nước và các nhóm nước vẫn còn nhiều bất đồng về trách nhiệm đóng góp tài chính, song vấn đề mấu chốt là các bên đã ngồi lại được với nhau để cùng bàn thảo về “phân định nghĩa vụ khác biệt của các bên” hay “san đều trách nhiệm và cam kết”. Tuy vậy, một số nước giàu và tổ chức tư nhân đã nhất trí huy động khoảng 100 tỷ USD mỗi năm, bắt đầu từ năm 2020 để giúp những nước bị tổn thương nhất trong việc giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu cắt giảm GHGs.

Dù là COP 21 xác định rõ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ còn kéo dài, với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng cuối cùng lãnh đạo của gần 200 nước đã đạt được nhất trí nguyên tắc phải giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 20C, nhiều sáng kiến định giá carbon và tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo cũng đã được đưa ra. Ngoài ra, các bên tham gia UNFCCC cũng nhất trí rằng những nước phát thải GHGs nhiều nhất sẽ phải có trách nhiệm hỗ trợ công nghệ và tài chính cho những nước chịu nhiều ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tóm lại, với các nguồn lực và khả năng hiện nay, thế giới hoàn toàn có thể giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá cao và giảm nhẹ những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, điều đạt được quan trọng nhất tại COP 21 là các nước đã khẳng định ý chí chính trị mạnh mẽ và quyết định cuối cùng là cùng nhau chung tay hành động.

 

Thanh Huyền

Công ty Cổ phần truyền thông APOTa

(Tổng hợp) 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền