Trang chủ    Quốc tế    Mấy nét về các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc hiện nay
Thứ ba, 26 Tháng 1 2016 10:34
5218 Lượt xem

Mấy nét về các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc hiện nay

(LLCT) - Đại Hàn Dân Quốc gọi tắt là Hàn Quốc được thành lập năm 1948, có diện tích  100,032km2,dân số 48 triệu người. Theo các học giả Hàn Quốc thì thời kỳ trước năm 1987 (chưa sửa đổi Hiến pháp) gọi là thời kỳ độc tài nên khi bàn về dân chủ hóa và hoạt động của các tổ chức xã hội thì không được chính quyền ủng hộ. Sau khi sửa đổi Hiến pháp (1987) được gọi là thời kỳ dân chủ và hàng loạt các đảng phái cũng như các tổ chức theo khuynh hướng dân chủ ra đời.

 

(Thành phố Sê-un)

Nghiên cứu về Hàn Quốc cho thấy cả 2 miền Bắc và Nam Triều tiên đều bị coi là theo chế độ độc tài. Điều đáng lưu ý là các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng: hai thế lực độc tài ở 2 miền Nam - Bắc tuy có vẻ là đối lập nhưng thực chất không đối lập hoàn toàn như Việt Nam trước 1975 mà là đối lập trên cơ sở cộng sinh. Thực chất là cả 2 chế độ đều muốn giữ quyền lực của các thế lực độc tài nên bên ngoài thì luôn chống nhau dưới ngọn cờ dân tộc nhưng bên trong thì đàn áp các quyền dân sinh, dân chủ.

Năm 1987 đánh dấu sự chuyển biến dân chủ về mặt chính trị: hàng loạt các phong trào về lao động, bình đẳng giới, bảo đảm công lý... ra đời và phát triển mạnh mẽ.

Theo thống kê năm 1999, có 20 nghìn tổ chức xã hội thì đến năm 2013 có 50 nghìn tổ chức đấu tranh vì dân chủ.

Tổ chức lớn nhất hiện nay là Liên minh Lao động Dân chủ(trước năm 1987 mang tên Hiệp hội Lao động). Thành viên tham gia các tổ chức này gồm nhân viên văn phòng, người lao động và thương gia nhỏ cũng tham gia các tổ chức này.

Nhiệm vụ của tổ chức là: suy nghĩ, sáng tạo với khoảng 200 người làm các nghề luật sư, giảng viên và tổ chức hiện có 13 nghìn thành viên; hoạt động của tổ chức chủ yếu là phát hành báo chí, tuyên truyền vận động; tham gia tranh cử vào Quốc hội và các cơ quan Nhà nước, tham gia biểu tình; tổ chức họp báo...

Biện pháp đấu tranh: hòa bình, phản đối bạo lực.

Liên minh Lao động Dân chủ đấu tranh đòi quyền lợi cho người lao động không những với Chính phủ mà còn với các tập đoàn lớn như Samsung. Khi người đứng đầu tập đoàn tham nhũng, trốn thuế, muốn thu lợi ích riêng cho gia tộc của người đứng đầu tập đoàn thì họ phát động phong trào
đấu tranh.

Họ cũng tổ chức đấu tranh đòi dân chủ khi có các vấn đề nảy sinh  trong bầu cử như vạch trần hành vi tham nhũng của các ứng cử viên với trường hợp Thị trưởng Seoul cùng 30 ứng viên khác trong kỳ bầu cử Quốc hội, tháng 4-2012.

Liên minh Lao động Dân chủ hiện được đánh giá là tổ chức vì dân chủ hóa và hoạt động xã hội dân sự đứng thứ 2 thế giới sau các tổ chức của nước Đức.

Có một số nhà hoạt động dân sự cũng tham gia nội các của chính phủ như Giáo sư Chung Hyun Baek của Đại học Sungkyunkwan đã từng tham gia văn phòng vì sự phát triển xã hội dân sự của Hàn Quốc. Về vấn đề này có 2 luồng ý kiến đánh giá: có người thì lên án và phê phán là tham gia tổ chức thực chất vì mục đích vụ lợi, vì danh vọng để làm chính trị. Cũng có những ý kiến ủng hộ vì họ cho rằng tham gia Chính phủ là để thay mặt nhân dân nêu ý kiến của dân, phản biện với chính phủ để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Họ tham gia hoạt động trong Chính phủ vì có cơ hội đề xuất với lãnh đạo của Chính phủ để thay đổi chính sách.

Các phong trào đấu tranh do các tổ chức dân chủ phát động đã huy động nhiều tầng lớp người tham gia như vụ biểu tình chống nhập khẩu thịt bò từ Mỹ năm 1998 thì không những nông dân mà còn có cả học sinh và các tầng lớp khác trong xã hội.

Hiện nay, các tổ chức vì dân chủ của Hàn Quốc là tổ chức phi chính phủ nên kinh phí khó khăn (hàng năm Chính phủ chỉ tài trợ 3 triệu đôla Mỹ) nên cần thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài.

Trong các tổ chức theo phong trào Dân chủ được coi là tiến bộ nhưng các tổ chức theo xu hướng bảo thủ cũng hoạt động mạnh mẽ và có một số lượng khá lớn cử tri ủng hộ nên xã hội Hàn Quốc có sự phân cực rõ rệt giữa bảo thủ và tiến bộ, thậm chí đối lập nhau. Điều này được thể hiện khi Phong trào dân chủ đốt nến tưởng niệm phản đối bầu cử trước Tòa nhà Chính phủ thì tổ chức bảo thủ phản đối mở loa đài để gây áp lực, phá hoại hoạt động tưởng niệm, hoặc tổ chức vì dân chủ mở các chiến dịch ủng hộ nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam nhưng lại bị Chính phủ lợi dụng và hỗ trợ cho các tổ chức Bảo thủ cung cấp 50 xe cứu thương cho các cựu chiến binh từng tham chiến và như vậy, phong trào do các tổ chức dân chủ phát động đã bị lợi dụng bởi Chính phủ và tổ chức bảo thủ.

Nói cách khác, xã hội Hàn Quốc đang bị phân cực mạnh mẽ bởi khuynh hướng bảo thủ hoặc dân chủ chứ không có tầng lớp trung gian. Chính vì vậy, làm thế nào để hòa hợp xã hội và hướng tới mục tiêu phát triển ổn định là vấn đề khó khăn đối với các nhà hoạt động chính trị của Hàn Quốc.

Các hội ở Hàn Quốc được chia thành hai loại là tự thành lập và chính phủ hỗ trợ. Tổ chức lớn nhất do Chính phủ thành lập có 170 nghìn thành viên. Phong trào dân sự được ủng hộ bởi phong trào lao động nhưng phong trào dân sự không chỉ dừng lại ở lao động mà còn ở các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục. Liên minh giáo viên đã được thành lập nhưng hoạt động bị chính quyền coi là bất hợp. Lý do thực chất mà tổ chức này bị coi là bất hợp pháp vì họ đấu tranh chống chính quyền sửa đổi nội dung sách giáo khoa viết về thời kỳ Tổng thống Park Jeong Hee nên bị coi là chống lại chính quyền và những giáo viên tham gia tổ chức này đã bị buộc thôi việc.

Các tổ chức dân sự Hàn Quốc chưa có tờ báo riêng, nên khi có chính sách mới phải gặp trực tiếp nhân dân hoặc thông qua các tổ chức trung gian để biểu thị quan điểm
của mình.

Hệ thống luật pháp của Hàn Quốc quy định về các Hội rất rõ ràng và cụ thể. Như có quy định rõ về cách thức nhận tiền quyên góp của các hội. Nếu có Tổ chức nào nhận tiền quyên góp từ 10 triệu won trở lên phải báo cáo Chính phủ, nếu không báo cáo sẽ bị đóng cửa mạng lưới.

Chính phủ hoạch định chương trình nhưng Chính phủ lại không trả lương nhân viên nên hoạt động của các Hội rất khó khăn. Tuy độc lập hoạt động nhưng các Hội vẫn chịu sự quản lý của Chính phủ Hàn Quốc để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lợi dụng hoạt động Hội vì mục đích cá nhân trong các tổ chức đó.

Cách thức hoạt động của các Hội ở Hàn Quốc cũng rất đặc biệt. Những vấn đề của Hội được thảo luận, bàn bạc chủ yếu qua Internet nên rộng khắp cả nước. Kinh phí 70% là do hội viên đóng góp.

Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốccó 16 thành viên, gọi là các liên minh theo các ngành nghề và có các văn phòng chi nhánh tại các địa phương.

Vấn đề mà Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc quan tâm là tiền lương, môi trường làm việc của công nhân...

Một số nhiệm vụ của Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc hiện nay là:

Tham gia đề xuất các chính sách với Chính phủ về vấn đề tiền lương; tham gia với Quốc hội về lương tối thiểu cho người lao động. Tuy nhiên, muốn được Quốc hội quan tâm thì phải nghiên cứu, đánh giá và luận chứng được những đề xuất đó là hợp lý.

Quy định về ngày lao động của Hàn Quốc hiện nay là ngày làm 8 giờ và tuần 5 ngày (từ năm 2003) còn trước đó là 44 giờ hoặc hơn.

Quy trình đình công ở Hàn Quốc:

- Đề xuất yêu cầu đình công

- Hòa giải 3 bên gồm đại diện Chính phủ, giới chủ và công nhân

- Hòa giải không thành thì sau 15 ngày có quyền đình công

- Trước khi quyết định đình công phải lấy ý kiến của công nhân và nếu đạt từ 50% công nhân đồng ý trở lên mới được đình công.

 Sau khủng hoảng kinh tế năm 1997 tại Hàn Quốc có tới 40% công nhân bị ký hợp đồng tạm thời và hưởng lương chỉ là 50%. Vấn đề đặt ra là ai đóng bảo hiểm, chủ sử dụng lao động hay bản thân người lao động? Khi suy thoái kinh tế diễn ra, có thời điểm lương công nhân chỉ còn 25% so với lương thực tế. Đây là vấn đề mà Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc phải giải quyết.

Lương công nhân của Hàn Quốc dựa trên 4 thành phần: thu nhập của doanh nghiệp, mức sống của công nhân, mức sống chung của xã hội và hiệu quả lao động.

Lương bình quân của người lao động là 2.400 USD/tháng. Bình quân 1 giờ lao động là 4 USD. Vậy, thực tế là công nhân làm theo giờ chỉ được 1.280 USD/tháng.

Hiện Hàn Quốc có hai hệ thống Công đoàn cùng song song tồn tại. Mối quan hệ giữa 2 hệ thống công đoàn của Hàn Quốc là đối tác và cạnh tranh. Những lĩnh vực chung như lương tối thiểu thì hợp tác, còn các vấn đề khác thì cạnh tranh.

Khi công nhân tham gia Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc, họ phải nộp hội phí là 1% lương/tháng của công nhân.

Các nhà hoạt động lãnh đạo của công đoàn cũng được trả lương. Nếu là cấp trực tiếp thì từ phí của các hội viên, cấp trên thì từ phí trích nộp lên trên.

Phong trào đoàn kết nhân dân vì nền dân chủ tham quyết  People’s Solidarity for Participatory Democracy (PSPD). PSPD ra đời năm 1994, là phong trào dân chủ có tiếng nói mạnh mẽ trong xã hội Hàn quốc.

Mục tiêu: Phấn đấu vì mục tiêu dân chủ. Nhân dân không chỉ được dân chủ thông qua bầu cử mà còn dân chủ trong thực hiện dân chủ hóa trong xã hội.

Hoạt động cụ thể:

- Cung cấp quần áo, lương thực cho trẻ em mồ côi

- PSPD mong muốn thay đổi pháp luật để cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

- Tầm nhìn của PSPD là: cung cấp tầm nhìn; khuyến khích tinh thần đoàn kết; huy động nhân dân tham gia.

Về cơ cấu tổ chức của PSPD, hiện có 50 nhân viên chính thức thì có tới 2/3 là nữ. Lương bình quân chưa có con số cụ thể nhưng ở mức trung bình (thấp hơn mức lương đại học ở các doanh nghiệp nhưng cao hơn ở các tổ chức xã hội khác vì có nguồn thu lớn); 130 nhân viên tự nguyện làm các công việc như: thu gom tài liệu, hỗ trợ công việc sự vụ hàng ngày, quảng bá cho PSPD... 206 chuyên gia (luật sư, kiểm toán...) tham gia tự nguyện và không nhận lương; 13.357 người đóng hội phí.

Tổng thu hàng năm của PSPD khoảng 1 tỷ 500 triệu won nhưng hơn 90% là do quyên góp từ bên ngoài sự đóng góp của các thành viên. Chính phủ không có hỗ trợ tài chính và quan điểm của PSPD là không muốn nhận hỗ trợ vì quan niệm hỗ trợ của Chính phủ cũng là từ tiền thuế của dân; không nên bắt dân đóng thuế 2 lần. Trách nhiệm của PSPD chủ yếu là kiểm tra Chính phủ nên nếu nhận tiền của Chính phủ sẽ khó khăn và không độc lập trong hoạt động và hiệu quả công việc.

Lực lượng nòng cốt của Phong trào đoàn kết nhân dân vì nền dân chủ tham quyết (PSPD) là các luật gia (1/3 là luật sư) nên có chủ trương là bảo vệ chế độ. Lý do mà họ đưa ra là xã hội nào cũng cần có pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật của chế độ cầm quyền có những khuyết khuyết nên cần phải sửa chữa. Kể từ khi ra đời đến nay, PSPD chưa từng vi phạm pháp luật qua 5 đời Tổng thống Hàn Quốc. Tuy nhiên, PSPD không ủng hộ chính quyền vô điều kiện mà họ cũng ủng hộ các phong trào đấu tranh đòi dân chủ, bảo vệ những đấu tranh đúng đắn vì cải cách chế độ, nhất là cải cách tư pháp.

Về thực chất, PSPD có nhiều chủ trương ủng hộ Đảng dân chủ nhưng họ cố gắng đứng trung gian. Như muốn sửa chữa hệ thống pháp luật thì PSPD gặp tất cả các đảng để bàn bạc, vận động họ ủng hộ. Nhìn chung các đảng có xu hướng dân chủ đều muốn tranh thủ ý kiến của PSPD.

Điều đáng lưu ý là PSPD không được coi là một đảng chính trị ở Hàn Quốc. Chính vì vậy, PSPD không có tư cách đưa người ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Nếu hội viên muốn tham gia ứng cử Quốc hội thì họ có thể ra khỏi PSPD rồi ứng cử với tư cách độc lập.

Nếu là công chức nhà nước họ phải xin nghỉ việc 6 tháng rồi mới ra ứng cử chức vụ của chính quyền để tránh việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà mình đảm nhận để thu lợi thế khi tham gia tranh cử.

Điều kiện ứng cử Tổng thống hoặc đại biểu Quốc hội của Hàn Quốc ngoài các quy định chung thì cần có tiền ký quỹ. Khi bầu cử mà đạt đến 1 mức độ phiếu nhất định thì được lấy lại tiền đó. Nói cách khác là không có tiền thì không thể trở thành ứng viên Tổng thống.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2015

TS Lê Văn Cường

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền