Trang chủ    Quốc tế    Vị trí của Mỹ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc
Thứ ba, 02 Tháng 2 2016 09:39
6133 Lượt xem

Vị trí của Mỹ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc

(LLCT) - Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân (CHND) Trung Hoa năm 1949 đến nay, quan hệ Trung Quốc - Mỹ đã trải qua nhiều khúc quanh, nhiều biến động lớn và hiện đã trở thành mối quan hệ song phương quan trọng trên thế giới, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân hai quốc gia này mà còn tác động rất lớn đến đời sống chính trị thế giới. Mỹ luôn là nhân tố hàng đầu trong việc hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Từ khi thành lập nước CHND Trung Hoa (1949) tới năm 1972, Trung Quốc coi Mỹ là “kẻ thù” số 1, là đại diện của chủ nghĩa đế quốc mà Trung Quốc kiên quyết chống lại. Trong giai đoạn này, Trung Quốc không có mối quan hệ ngoại giao chính thức nào với Mỹ.

Ngược lại, Mỹ cũng áp đặt một chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc: không công nhận nước CHND Trung Hoa, cấm vận thương mại đối với Trung Quốc, cấm công dân Mỹ đến Trung Quốc, ủng hộ vị trí trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc của Đài Loan, sử dụng Hạm đội 7 để bảo vệ Đài Loan trước các khả năng bị Trung Quốc tấn công. Thậm chí, năm 1955 Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower còn đe dọa tấn công hạt nhân đối với Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1954. Quan hệ thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc được đẩy lên cao hơn khi năm 1964 Trung Quốc chế tạo thành công bom nguyên tử.

Sau khi xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng với Liên Xô, Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách vừa chống lại Mỹ, vừa chống lại “chủ nghĩa xét lại” Liên Xô. Trước cái gọi là “đe doạ” về quân sự từ Liên Xô, Trung Quốc buộc phải tìm đến một “đồng minh” có đủ khả năng chống lại mối đe doạ đó và lựa chọn duy nhất chỉ có thể là Mỹ. Đến cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, Mỹ cũng đang ở thế “kẹt” về chiến lược vì vừa phải chống lại sự bành trướng toàn cầu của Liên Xô lại vừa muốn kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam. Do vậy, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc cũng là một khả năng mà Mỹ phải tính đến.

Dựa trên lợi ích chung và các toan tính chiến lược, Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu tiến trình bình thường hoá quan hệ từ tháng 2-1972 và tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979. Đánh giá về điều chỉnh đó, có thể thấy rằng:

(1) Chính sách đối ngoại của Trung Quốc chuyển từ một chính sách nặng về ý thức hệ sang một chính sách thực dụng hơn, sát cánh với Mỹ để chống Liên Xô, tận dụng mâu thuẫn giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới. Vị trí của Mỹ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã dần chuyển từ “kẻ thù” sang một dạng “đồng minh” đôi bên cùng có lợi.

(2) Cải thiện quan hệ với Mỹ còn giúp Trung Quốc cải thiện và phát triển quan hệ với các nước phương Tây. Từ chỗ bị cô lập, Trung Quốc đã có cơ hội vươn rộng ra cộng đồng quốc tế. Điều này đã đặt nền móng cho công cuộc cải cách kinh tế thần kỳ do Đặng Tiểu Bình khởi xướng ở giai đoạn sau.

Đặng Tiểu Bình được coi là một trong những người có công rất lớn trong việc bình thường hoá quan hệ Trung - Mỹ. Năm 1976, những hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ nhất là Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai qua đời, Đặng Tiểu Bình trở thành hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ hai của Trung Quốc. Sau khi ổn định nội bộ và đấu tranh quyết liệt cho con đường cải cách, năm 1978, Đặng Tiểu Bình bắt tay vào thực hiện công cuộc cải cách, mở cửa nhằm phát triển đất nước Trung Quốc. Một trong những ưu tiên hàng đầu của đối ngoại Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình là thiết lập và duy trì một môi trường thuận lợi nhất cho phát triển đất nước. Đặc điểm của chính sách đối ngoại Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình là “thực tế và thực dụng” không xác định kẻ thù cụ thể, chống Liên Xô nhưng không từ bỏ con đường CNXH, gác lại những bất đồng để thúc đẩy hợp tác nhằm lợi dụng Mỹ phục vụ chiến lược hiện đại hoá Trung Quốc. Dù trong “Thông cáo chung Thượng Hải” vấn đề Đài Loan được hai bên tạm gác lại nhưng có thể nói, mâu thuẫn lớn nhất được gác lại để Trung - Mỹ đi tới hợp tác chiến lược chính là vấn đề ý thức hệ(1).

Thời điểm diễn ra tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, Mỹ đang ở trong giai đoạn lâm vào khủng hoảng do tác động của cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973 - 1975, sa lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam, lại phải đối mặt với thế tấn công chiến lược trên toàn cầu của Liên Xô, nên dù là một siêu cường, Mỹ cũng có nhu cầu phải gác lại các mâu thuẫn về ý thức hệ với Trung Quốc để đối phó với Liên Xô, đồng thời chia rẽ phe XHCN. Đến năm 1971, Mỹ từ bỏ quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, công nhận vị trí của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thay Đài Loan, thừa nhận chính sách “một Trung Quốc” và sau đó là quá trình chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Hai bên hoàn thành quá trình bình thường hóa quan hệ khi mở sứ quán tại thủ đô của mỗi nước vào tháng 1-1979. 

Sau khi bình thường hoá quan hệ với Mỹ, Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu như: bảo đảm an ninh quốc gia trước Liên Xô; vai trò của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế được thừa nhận; quan hệ với các nước trên thế giới được mở rộng; và tạo tiền đề cho công cuộc cải cách, mở cửa. Có thể coi Mỹ là một “đột phá khẩu” cho chiến lược hướng ra bên ngoài của Trung Quốc giai đoạn này tuy việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ đã khiến quan hệ của Trung Quốc với một số nước XHCN ngày càng xấu đi. Về ý thức hệ, Trung Quốc vẫn coi Mỹ đứng ở bên kia chiến tuyến, nhưng về kinh nghiệm phát triển và quản lý, cũng như tư cách một thị trường, Mỹ đã trở thành một “đối tác” cần thiết, có vai trò quan trọng cho sự phát triển trong các giai đoạn sau của Trung Quốc.

Trong những năm 1980, đặc điểm của quan hệ Trung - Mỹ là sự thực dụng, lợi dụng lẫn nhau, tập hợp lực lượng để tạo lợi thế so sánh trong quan hệ với Liên Xô do cả hai nước đều có chung một “kẻ thù” là Liên Xô. Nhìn chung, quan hệ Trung - Mỹ phát triển “tương đối ổn định,” thậm chí có cả hợp tác về quân sự(2). Tuy nhiên, vị thế của Trung Quốc trong chính sách của Mỹ đã giảm dần kể từ khi quan hệ Mỹ - Xô có dấu hiệu hoà hoãn và cải thiện khi Goocbachốp lên cầm quyền ở Liên Xô. Ngược lại, Trung Quốc thấy rằng, quan hệ thân thiết với Mỹ cũng không giúp Trung Quốc tạo được thế với Liên Xô mà còn làm cho uy tín của Trung Quốc với các nước thuộc thế giới thứ ba bị suy giảm nghiêm trọng. Cho dù Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách thực dụng hơn nhưng trong bối cảnh quốc tế khi đó, Trung Quốc không thể từ bỏ phe XHCN để ngả hẳn về Mỹ. Mỹ vẫn có một vị trí mang tính “đối tượng” trong chính sách của Trung Quốc.

Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, quan hệ của Trung Quốc với phương Tây xấu đi nghiêm trọng. Mỹ và phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ với Trung Quốc, các hợp tác về kinh tế, chính trị, quân sự với Trung Quốc cũng bị đình chỉ. Vị trí của Trung Quốc trong chiến lược của Mỹ bị hạ thấp và Mỹ bắt đầu thực hiện chính sách “diễn biến hòa bình” đối với Trung Quốc(3).

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ (1989), năm 1991 Liên Xô tan rã kéo theo sự kết thúc của trật tự thế giới hai cực tồn tại trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Lúc này Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, trật tự thế giới chuyển từ “hai cực” sang “nhất siêu, đa cường” với ưu thế vượt trội của Mỹ, Trung Quốc luôn đặc biệt coi trọng quan hệ với Mỹ, coi Mỹ là đối tượng chính và đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh bị bao vây, trừng phạt bởi Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đã thực thi chính sách “ngoại giao láng giềng”, mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực. Dù phải đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhưng Trung Quốc đã khôn ngoan không thành lập một “mặt trận quốc tế thống nhất chống Mỹ” nên quan hệ Trung - Mỹ dù sóng gió nhưng cũng không bị quay lại trạng thái đối đầu những năm trước khi bình thường hóa quan hệ(4). Giai đoạn thế hệ lãnh đạo thứ ba có thể được coi là giai đoạn khó khăn nhất trong quan hệ Trung - Mỹ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Trung Quốc chủ trương không đẩy căng thẳng với Mỹ lên quá cao mà kiên trì thực hiện chính sách “giấu mình chờ thời”, tập trung vào xây dựng và củng cố nội lực.

Đối với Mỹ, do sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ cũng không thể coi nhẹ vai trò của nước này trong chiến lược của mình. Trung Quốc phát triển về kinh tế sẽ là một thị trường rộng lớn về đầu tư và xuất khẩu của Mỹ. Joseph Nye nhận định “nếu Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù thì Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thù của Mỹ trong tương lai. Nếu Mỹ coi Trung Quốc là bạn bè, cho dù không thể bảo đảm được một tình hữu nghị thì Mỹ cũng có thể mở ra cơ hội về những kết quả tốt đẹp hơn”(5). Quan hệ giữa hai nước dần được khôi phục, tăng cường hợp tác.

Bước sang thế kỷ XXI, đặc biệt kể từ sau sự kiện 11-9, chiến lược toàn cầu của Mỹ có sự thay đổi, Mỹ phải tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố. Trung Quốc ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng cũng có giới hạn do Trung Quốc lo ngại việc Mỹ có thể tăng cường sự hiện diện ở Trung Á và Đông Nam Á, đặc biệt là hiện diện về quân sự. Trung Quốc duy trì chiến lược tăng cường hợp tác, tranh thủ và tránh đối đầu với Mỹ.

Trung Quốc chủ trương tận dụng cơ hội Mỹ đang vướng vào cuộc chiến chống khủng bố và sa lầy tại Iraq và Afghanistan để vươn lên, trở thành một cường quốc toàn cầu dưới tên gọi “trỗi dậy hoà bình”. Năm 2001, Trung Quốc gia nhập WTO và tăng trưởng của Trung Quốc luôn ở mức cao, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình(6). Dựa trên tiềm lực kinh tế, Trung Quốc không ngừng tăng cường hiện đại hoá quân đội với ngân sách cho quốc phòng chỉ sau Mỹ(9). Trung Quốc đã tận dụng rất tốt quan hệ với Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ sau Chiến tranh lạnh đã tăng lên rất nhiều, đặc biệt từ những năm đầu thế kỷ XXI. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ dẫn đến sự phụ thuộc lẫn nhau trên các lĩnh vực khác như chính trị, ngoại giao… khiến Mỹ và Trung Quốc luôn là các đối tượng, đối tác hàng đầu trong chính sách đối ngoại của nhau.

Mỹ vừa là “đối tác” quan trọng cho sự phát triển của Trung Quốc nhưng ngược lại, yếu tố “đối thủ” của Mỹ chưa bao giờ mất đi mà nó thay đổi về hình thức, tuỳ thuộc vào bối cảnh và tình hình thế giới.

Trong những năm đầu của thập niên thứ hai thế kỷ XXI, tình hình thế giới nổi lên nhiều vấn đề lớn, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường, thậm chí mang tính đột biến tại một số khu vực như Bắc Phi - Trung Đông, Ucraina. Thế giới tiếp tục vận động hướng tới cục diện “đa cực”, “đa trung tâm”. Trong khi sức mạnh của Mỹ và các nước EU suy giảm tương đối thì các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ lại trỗi dậy mạnh mẽ, kéo theo là quá trình chuyển dịch tương đối sức mạnh, trước tiên là sức mạnh kinh tế, từ Tây sang Đông, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ là trung tâm quyền lực mới của thế giới trong thế kỷ XXI.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đẩy mạnh chính sách “tái cân bằng”, chuyển dần nguồn lực về khu vực, làm mới lại các quan hệ đồng minh truyền thống, mở rộng quan hệ với các đối tác mới. Trung Quốc đang theo đuổi một chính sách khẳng định vị thế cường quốc khu vực của mình nhằm bảo đảm mọi “lợi ích cốt lõi”, duy trì khu vực ảnh hưởng. Tập Cận Bình khi lên nắm quyền tiếp tục duy trì tư tưởng phát triển Trung Quốc của những người tiền nhiệm nhưng cũng đã đưa ra “Giấc mơ Trung Hoa” với mục tiêu về “sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”(8) dựa trên 2 trụ cột chính là: Sức mạnh kinh tế và Vị thế quốc tế(9). Trung Quốc đã và đang thực thi một chính sách cứng rắn tại Biển Đông và Biển Hoa Đông với Nhật Bản, Philíppin, Việt Nam và các nước có liên quan trong khi không ngừng tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại Lào, Campuchia, Myanmar và một số nước Nam Á. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “thiết lập một quan hệ kiểu mới dựa trên sự ổn định lâu dài và phát triển vững chắc với các nước lớn khác”(10). Điều đó cho thấy Trung Quốc tập trung vào việc duy trì ổn định quan hệ, tránh đối đầu với các nước lớn khác, đặc biệt là Mỹ.

Từ những tuyên bố về một “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình có thể thấy về đối ngoại, Trung Quốc sẽ tập trung: (1) Phát triển kinh tế nhằm vươn lên vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới; (2) Hiện thực hoá mục tiêu trở thành một cường quốc đại dương; (3) Đầu tư hiện đại hoá quân đội, đặc biệt là hải quân và không quân nhằm bảo vệ các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc; (4) Vươn lên trở thành cường quốc toàn cầu, có vai trò chủ chốt trong hệ thống quốc tế. Để hiện thực hoá “giấc mơ” của mình, Trung Quốc sẽ tiếp tục định vị Mỹ có vai trò quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại trên cả hai mặt “đối tác” và “đối tượng” vì mối quan hệ này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống quan hệ quốc tế hiện nay và trong thời gian tới.

Quan hệ Trung - Mỹ luôn diễn biến phức tạp với các lợi ích đan xen chồng chéo, các nhân tố tác động tới mối quan hệ cũng mang tính phức tạp và luôn biến động không ngừng. Đặc biệt, quan hệ Trung - Mỹ vẫn nằm trong xu thế chung trong quan hệ giữa các nước lớn, trong đó các nước tìm kiếm sự tập hợp lực lượng với các nước lớn khác song không hình thành liên minh rõ rệt. Do đó, quan hệ Trung - Mỹ về cơ bản vẫn tiếp tục xu hướng vừa hợp tác vừa cạnh tranh, đặc điểm hợp tác hay cạnh tranh với Mỹ sẽ tuỳ theo từng vấn đề, từng thời điểm và tuỳ thuộc bối cảnh khu vực và quốc tế. Yếu tố “hợp tác” của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn sẽ được tăng cường trong các lĩnh vực như kinh tế hay trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng yếu tố “cạnh tranh” sẽ là chủ đạo trong các vấn đề liên quan đến quân sự, dân chủ - nhân quyền hay tập hợp lực lượng ở khu vực Đông Á.

Quan hệ Trung - Mỹ từ năm 1949 đến nay nổi lên một số đặc điểm chính như sau:

Thứ nhất, quan hệ Trung - Mỹ luôn phản ánh đầy đủ hai mặt “hợp tác” và “cạnh tranh” trong đó “cạnh tranh” là đặc điểm xuyên suốt. Yếu tố hợp tác chỉ bắt đầu xuất hiện từ khi quan hệ Trung - Xô bị chia rẽ, khi cả Trung Quốc và Mỹ đều xác định chung một “kẻ thù” là Liên Xô.

“Hợp tác” và “cạnh tranh” chịu tác động của các nhân tố “điểm” và “diện”. Trung Quốc có thể xác định Mỹ là đối thủ trong lĩnh vực này nhưng lại là đối tác trong lĩnh vực khác và các yếu tố này biến đổi theo từng giai đoạn (trước và sau khi bình thường hoá quan hệ, trước và sau cuộc chiến chống khủng bố...), theo từng lĩnh vực (quân sự, dân chủ - nhân quyền, văn hoá, kinh tế), theo vấn đề cụ thể (Biển Đông, Ucraina, Bắc Phi - Trung Đông hay vấn đề Đài Loan, Triều Tiên, Iran...) và ở cấp độ toàn cầu, khu vực hay song phương.

Thứ hai, Mỹ luôn là nhân tố hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, thậm chí là nhân tố quan trọng nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ đến nay. Có thể thấy quan hệ với Mỹ là trục chính, xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc để từ đó hoạch định chính sách với các đối tượng khác, ảnh hưởng đến cách hành xử của Trung Quốc ở các cấp độ toàn cầu và khu vực vì lợi ích quốc gia mà Trung Quốc theo đuổi. Trung Quốc hoạch định chính sách để cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ, mong muốn thiết lập một trật tự thế giới có lợi nhất cho Trung Quốc nhưng Trung Quốc cũng cần Mỹ như là một đối tác phát triển không thể thiếu.

Thứ ba, luôn tồn tại sự thiếu tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ Trung - Mỹ do đặc điểm của cạnh tranh chiến lược giữa hai nước lớn. Bên cạnh các nhân tố lợi ích quốc gia, vị thế và ảnh hưởng trên trường quốc tế thì yếu tố ý thức hệ vẫn là một nhân tố không thể không kể đến dù nó rất mờ nhạt trước nhân tố lợi ích quốc gia. Mỹ tấn công rất mạnh Trung Quốc trên các lĩnh vực dân chủ - nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do thông tin và ngược lại Trung Quốc cũng không hài lòng với trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo hiện nay, cho rằng đó là một trật tự thiếu công bằng. Chính vì vậy, trong chính sách đối ngoại của mình, Trung Quốc sẽ không thể từ bỏ yếu tố “cạnh tranh” với Mỹ và Mỹ sẽ luôn có vị trí là một “đối thủ” mà Trung Quốc muốn vượt qua.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2015

(1), (2), (3), (4) Sở Thụ Long và Kim Uy (chủ biên): Chiến lược và chính sách ngoại giao của Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.88, 92, 93, 94.

(5) Joseph Nye: Should China be “contained”?, 2011The Project Syndicate, truy cập ngày 20-4-2014 tại http://www.project-syndicate.org.

(6)Tom Orlik (2012): Charting China’s Economy: 10 Years Under Hu, Wall Street Journal, truy cập ngày 20-4-2014 tại http://blogs.wsj.com.

(7) Stockholm International Peace Research Institute: SIPRI Military Expenditure Database, truy cập ngày 20-4-2014 tại http://milexdata.sipri.org.

(8) Xem thêm Robert Lawrence Kuhn: Xi Jinping’s Chinese Dream, truy cập ngày 25-4-2014 tại http://www.nytimes.com.

(9) Wikilead: Look At The Next 30 Years Of The U.S-China Relation, truy cập ngày 25-4-2014 tại http://www.wikileads.org.

(10) Taylor Fravel: Foreign Policy Under Xi Jinping, The Dilopmat, truy cập ngày 25-4-2014 tại http://thediplomat.com.

 

TS Trần Thọ Quang

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền