Trang chủ    Quốc tế    Một số kết quả đạt được trong thực hiện Luật khuyến khích đầu tư của Lào
Thứ năm, 24 Tháng 3 2016 09:40
2713 Lượt xem

Một số kết quả đạt được trong thực hiện Luật khuyến khích đầu tư của Lào

(LLCT) - Đại hội IV của Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào (1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, xây dựng và phát triển đất nước, dần hòa nhịp vào sự phát triển của khu vực và thế giới. Thực hiện đường lối đổi mới với chính sách mở rộng hợp tác kinh tế theo hướng đa phương, đa dạng hóa; mở rộng quan hệ với mọi quốc gia, mọi tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng, tự do, hòa bình và cùng có lợi, kinh tế Lào phát triển khá mạnh. Từ một nước chậm phát triển, Lào đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất để tiến lên xây dựng nền kinh tế vững mạnh. Một trong những thành công của Lào trong thời kỳ đổi mới, phát triển đất nước là đã thực hiện thành công chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư; đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

1. Chính sách khuyến khích đầu tư của Đảng NDCM Lào

Trong chiến lược phát triển thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước Lào đặc biệt ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng,nhất là xây dựng hạ tầngkinh tế - xã hội, hạ tầng phục vụ bảo vệ trật tự xã hội cũng như bảo vệ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia...Phát triển hạ tầng là tiền đề để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào Lào, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đại hội IX Đảng NDCM Lào (3-2011) chỉ rõ: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của nền kinh - xã hội là việc quan trọng nhất, vì đó là nguồn lực chức năng để thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ, thực hiện mục tiêu thoát khỏi sự nghèo nàn lạc hậu và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây là sự nghiệp nặng nề, nhiều khó khăn và thách thức của Đảng và nhân dân Lào. Để tạo dựng và tăng cườngsự tin tưởng củacác nhà đầu tư trong và ngoài nước,việc xây dựng vàthực hiện pháp luật đầu tư là then chốt.

Thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế đã đề ra, Lào thu hút các nguồn đầu tư trong và nước ngoài, triển khai xây dựng đặc khu kinh tế, thúc đẩy toàn diện 6 chiến lược thương mại lớn là ngoại thương, sản xuất sản phẩm và quản lý xuất - nhập khẩu, dịch vụ thương mại quá cảnh, phát triển thị trường và quản lý hàng hóa, phát triển nguồn nhân lực và quản lý hành chính; tăng cường hợp tác kinh tế khu vực; và tích cực phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế, Lào không ngừng mở rộng việc hợp tác giao lưu, thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều nước, đặc biệt là với Việt Nam.

Nhận thức rõ sự cần thiết đổi mới chính sách đầu tư, Trung ương Đảng NDCM Lào đã nêu rõ chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2010 - 2015: Thúc đẩy việc phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó quan tâm đến việc phát triển doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo môi trường đầu tư kinh doanh có sự hài hòa thông thoáng, đảm bảo sự an toàn, lành mạnh và có tính cạnh tranh cao so với khu vực. Phát triển kinh doanh có quy mô trung bình và nhỏ, làm cho tài chính kinh doanh có sự ổn định vững chắc, từng bước giải quyết và tiến tới việc giải quyết các khoản nợ nước ngoài. Tăng vốn cho việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, lập dự án đầu tư phù hợp, tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng của quan hệ kinh tế với nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu, thu hút vốn khoa học - kỹ thuật nước ngoài và thực hiện ký kết các hiệp định song phương và đa phương ở phạm vi cấp Nhà nước, cấp địa phương và trong phạm vi các doanh nghiệp với nhau.

2. Quá trình hoàn thiện luật đầu tư của nước CHDCND Lào

Quán triệt, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước Lào đã ban hành các văn bản pháp luật về hoạt động đầu tư và chính sách khuyến khích trong nước và nước ngoài. Nhà nước Lào đã khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế, khuyến khích sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Pháp luật đầu tư của Lào bảo đảm tính liên thông giữa các văn bản pháp luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản,... Trong đó, Luật Doanh nghiệp quy định việc thành lập công ty, hình thức, loại hình và kể cả việc góp vốn của các nhà đầu tư. Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Luật Đầu tư nước ngoài chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, quy định về việc xem xét đơn xin phép đầu tư của các nhà đầu tư. Trong từng thời điểm cụ thể, CHDCND Lào đã ban hành một số văn bản pháp luật về công nhận đầu tư đối với hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài.

Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên của CHDCND Lào được ban hành ngày 19-4-1988, sau đó đã được thay thế bằng Luật Khuyến khích và quản lý đầu tư nước ngoài (1994). Để triển khai thực hiện Luật, Chính phủ Lào đã ban hành Nghị định về việc quản lý đầu tư của Nhà nước (2002), Quyết định về tổ chức thực hiện Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài tại Lào (2001) và một số văn bản pháp luật liên quan.

Luật Khuyến khích và quản lý đầu tư trong nước (1995) cũng được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (2004), trong đó quy định đối tượng áp dụng gồm cả người nước ngoài đã sinh sống lâu dài tại Lào và người Lào đang sinh sống tại nước ngoài.

Trước yêu cầu thực tế, pháp luật về đầu tư của Lào còn thiếu đồng bộ, các quy định nằm rải rác và liên quan nhiều văn bản pháp luật khác nhau, năm 2009, Quốc hội Lào thông qua Luật khuyến khích đầu tư mới, quy định nguyên tắc thủ tục và biện pháp vềkhuyến  khích, quản lý đầu tư trong và ngoài nước để hoạt động đầu tư đượcthuận lợi, nhanh chóng, chính xác, nhận được sự bảo hộ của Nhà nước, bảo đảmquyền và lợi ích của nhà đầu tư, Nhà nước và nhân dân nhằm tăng cường chất lượng và vai trò đầu tư, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, bảo vệvà phát triển vững chắc đất nước. Luật thể hiện chính sách khuyến khích đầu tư cả trong nước và nước ngoài theo định hướng của Chính phủ vào các khu vực, lĩnh vực ưu tiên, trong đó có việc miễn giảm thuế, tiền thuê đất, phụ thuộc vào loại hình đầu tư và khu vực đầu tư. Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư phục vụ dân sinh như xây dựng và vận hành bệnh viện, trường học, trường dạy nghề, tại những vùng không có hạ tầng, các nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất 15 năm.

Mục tiêu của việc khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài tại Lào nhằm mở rộng các ngành kinh doanh thu hút vốn và ngoại tệ vào lưu thông trong nước, khuyến khích xuất khẩu và tìm kiếm thị trường nước ngoài để từ đó tiếp thu và học hỏi trình độ khoa học - kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, phát triển và nâng cao trình độ cho người lao động trong nước, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân lao động, từ đó góp phần cải thiện và nâng cao đời sống xã hội.

Khuyến khích tất cả các cá nhân và pháp nhân nước ngoài đầu tư vào Lào trên cơ sở nguyên tắc mỗi bên cùng có lợi và hoạt động theo pháp luật của Lào. Các nhà đầu tư được đầu tư và tiến hành sản xuất kinh doanh trên tất cả các ngành kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng, khai thác khoáng sản, giao thông vận tải, xây dựng, du lịch, thương mại.... Trừ các lĩnh vực ảnh hưởng tới quốc quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc gây nguy hại đến môi trường thiên nhiên, sức khỏe và văn hóa dân tộc hoặc trái với pháp luật của CHDCND Lào.    

Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, một số chế định cụ thể thể hiện sự khuyến khích và bảo hộ của Nhà nước Lào:

- Nhà đầu tư nước ngoài được bảo đảm quyền kinh doanh trong thời hạn từ 10 đến 15 năm, trường hợp đặc biệt thời hạn có thể kéo dài hơn.

- Được Nhà nước Lào bảo hộ vốn, nếu do yêu cầu của nền kinh tế quốc dân phải quốc hữu hóa xí nghiệp thì được Nhà nước Lào mua lại theo giá cả hợp lý, do hai bên thỏa thuận.

- Nhà đầu tư được chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài, khuyến khích đầu tư trở lại (tái đầu tư).

- Nhà đầu tư nước ngoài có thể được hưởng các ưu đãi về thuế (miến hoặc giảm thuế một hay nhiều lần, thời gian dài hay ngắn, các loại thuế phải nộp) tùy theo lĩnh vực đầu tư.

- Nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng công nhân lao động của Lào.

Về tổ chức quản lý đầu tư nước ngoài, Chính phủ nước CHDCND Lào đã thành lập Ủy ban kế hoạchvà quản lý đầu tư (cơ quan nhà nước về khuyến khích và quản lý đầu tư nước ngoài) trực thuộc Ủy ban kế hoạchvà hợp tác. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm việc thực hiện khuyến khích và quản lý đầu tư nước ngoài tại Lào.

Hệ thống luật đầu tư của Lào thể hiện rõ mục tiêu quan trọng của Chính phủ Lào trong việc mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh tế với nước ngoài là hướng tới việc thực hiện chính sách đổi mới toàn diện, trong đó đặc biệt quan trọng là lĩnh vực kinh tế, thực hiện mục tiêu chuyển đổi việc quản lý kinh tế, phát huy sức mạnh làm chủ của người dân, thống nhất chính sách tiền tệ, đẩy mạnh các ngành công nghiệp năng lượng,...

Thể hiện chính sách khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế, trong đó ưu tiên hàng đầu các dự án đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết về vốn, máy móc, trang thiết bị công nghệ hiện đại, trình độ lao động và trình độ quản lý của người lao động cũng là nhu cầu.

Pháp luật đầu tư thể hiện chính sách phát triển bền vững, không chỉ đem lại lợi ích cho nền kinh tế mà góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động, chính sách quan tâm dành cho người nghèo, vấn đề trật tự an toàn xã hội.

3. Kết quả thực hiện pháp luật đầu tư

Luật đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1988 và từ năm 1989, Chính phủ Lào thực hiện các chính sách mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài, cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư kinh doanh. Từ đó đến nay, với chính sách đầu tư thông thoáng, nền kinh tế Lào đã có sự phát triển. Các thành phần kinh tế đa dạng. Số doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Lào phát triển; với đa dạng các hình thức, như doanh nghiệp có vốn đầu tư của một hoặc nhiều nhà đầu tư, dưới hình thức một công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện,... Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), Lào đã đạt những thành tựu to lớn về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt 7,5%/năm; vốn đầu tư cho phát triển kinh tế lớn, vốn đầu tư phát triển 5 năm là 73,900 tỷ kíp, bằng 32% tổng GDP, tăng 19,3%/năm (hệ số ICOR là 4.2). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là khoảng 23,1 tỷ kíp, chiếm 31,5% của vốn đầu tư toàn xã hội, bằng 10% GDP; nguồn vốn tư nhân trong nước và nguồn vốn nước ngoài là 50,800 tỷ kíp, chiếm 68,75% tổng vốn đầu tư và 22% của tổng GDP.

Những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội ổn định đã hấp dẫn các nhà đầu tư vào Lào. Trong 5 năm (2011 - 2015), kinh tế Lào tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng ổn định, chất lượng nguồn lực trong nước đã được nâng cao một bước. Nguồn lực đầu tư trong nước đã khá ổn định; cơ cấu nguồn vốn giữa trong nước và ngoài nước được cải thiện. Đặc biệt là sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong nước cũng phong phú hơn.

Chính sách hợp tác đầu tư với Việt Nam đã đạt nhiều kết quả. Đến nay, Việt Nam là nước đầu tư lớn thứ 2 tại Lào. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Lào hơn 400 dự án quan trọng với tổng vốn đầu tư khoảng 3,6 tỷ USD. Dự báo, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng 7 tỷ USD năm 2015, kim ngạch hai chiều đạt 2-3 tỷ USD và lên 5 tỷ USD vào năm 2020.

Với tiềm lực kinh tế được tăng cường, Chính phủ Lào đã có thể chủ động bố trí các dòng đầu tư phát triển theo định hướng đã xác định, như đầu tư vào những ngành kinh tế có ưu thế, phát triển các vùng kinh tế. Với tiềm lực kinh tế, Chính phủ cũng có điều kiện để thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế gắn với thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn vùng sâu, vùng xa.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2015

Tài liệu tham khảo:

1. Luật đầu tư nước ngoài của CHDCND Làonăm 1988.

2. Tài liệu Đại hội Đảng NDCM Lào lần thứ VIII , IX, năm 2006, 2011.

3. Bộ Công thương, Cục xuất nhập khẩu: Kế hoạch xuất khẩu 2010 - 2015, Viêng Chăn, 2010.

4. Luật và các văn bản pháp luật trong lĩnh vực ĐTNN tại Lào năm 2004 - 2011.

5. Bộ Tư pháp: Kế hoạch về phát triển quản lý nhà nước bằng pháp luật của CHDCND Lào, từ đây đến năm 2020.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia lần thứ VII (2011 - 2015), Viêng Chăn, 2011.

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê: Thống kê năm 2012,Viêng Chăn, 2013.

 

NORKEO KOMMADAM

Nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền