Trang chủ    Quốc tế    Tìm hiểu mô hình giáo dục đại học ở một số nước trên thế giới
Thứ năm, 24 Tháng 3 2016 09:41
7753 Lượt xem

Tìm hiểu mô hình giáo dục đại học ở một số nước trên thế giới

(LLCT) - Việc nghiên cứu mô hình giáo dục đại học của các nước phát triển, giúp Việt Nam đúc kết được những kinh nghiệm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của đất nước, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

1. Mô hình giáo dục đại học của Mỹ

Mô hình giáo dục đại học của Mỹ phát triển theo hướng đa ngành, với nhiều loại hình trường, mang tính tư nhân hóa cao. Đối với trường công được chính quyền bang đầu tư kinh phí, có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi học tập của dân cư trong toàn bang, còn trường tư không được chính quyền bang hỗ trợ, các nguồn kinh phí có được là nhờ sự ủng hộ của các cơ quan, các tổ chức và các cá nhân. Chính phủ liên bang không can thiệp sâu vào quản lý giáo dục, chính quyền bang chịu trách nhiệm chính và có quyền lực lớn đối với hoạt động giáo dục - đào tạo của từng tiểu bang. Việc kiểm định chất lượng giáo dục của các trường đại học là do các tổ chức chuyên nghiệp phi lợi nhuận, phi chính phủ tiến hành. Hiện nay, Mỹ có hệ thống kiểm định giáo dục lớn nhất thế giới: 6 tổ chức kiểm định vùng phục vụ hơn 7 nghìn trường, trong đó có hơn 4 nghìn trường đại học; 11 tổ chức kiểm định cấp quốc gia để kiểm định từng lĩnh vực giáo dục và hàng chục tổ chức kiểm định nghề nghiệp.

Hệ thống giáo dục đại học của Mỹ gồm 3 loại hình trường chính, mỗi loại hình đều có cả trường công và trường tư.

Các trường đại học 2 năm(thường gọi là trường cộng đồng, kỹ thuật hay cao đẳng). Trường cao đẳng cộng đồng, chủ yếu phục vụ cho một vùng, một địa phương nào đó. Sinh viên hoàn tất 2 năm sau đó có thể theo Chương trình chuyển đổi học tiếp lên chương trình đại học 4 năm để lấy bằng cử nhân. Bên cạnh đó, còn có Chương trình phát triển hay hoàn thiện dành cho các sinh viên gián đoạn việc học tập có cơ hội học tiếp ở bậc đại học. Ngoài ra còn có các Chương trình giáo dục thường xuyên dành cho người lớn tuổi và các Chương trình dạy nghề - kỹ thuật.

Các trường đại học 4 năm:Các trường này có các khóa học chuyên môn 4 năm về giáo dục đại cương, hoặc kết hợp giữa giáo dục đại cương và tiền chuyên môn.

Các trường đại học tổng hợp:Trường đại học tổng hợp thực hiện cả hai chức năng giảng dạy và nghiên cứu. Trường vừa có chương trình đào tạo cử nhân và vừa có chương trình đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ.

Theo số liệu của Trung tâm thống kê Bộ Giáo dục Mỹ, năm 2007, tổng số trường đại học ở Mỹ là 4.325 trường. Trong đó, trường đại học cộng đồng 2 năm là 1.677 trường (654 trường tư); trường đại học 4 năm là 2.675 trường (653 trường công, 2.022 trường tư); số trường đại học 2 năm vì lợi nhuận là 510 trường, không vì lợi nhuận là 112 trường; số trường đại học 4 năm vì lợi nhuận là 369 trường, không vì lợi nhuận là 1.525 trường. Hằng năm, các trường đại học vì lợi nhuận có doanh thu khoảng 23 tỷ USD.

Theo Trung tâm thống kê của Bộ Giáo dục Mỹ, năm 2011 số sinh viên theo học trường đại học công 2 năm là 6,9 triệu sinh viên, theo học đại học tư hai năm khoảng 0,3 triệu; đại học công bốn năm 7,7 triệu, đại học tư 4 năm 4,8 triệu.

Theo số liệu thống kê của Viện nghiên cứu giáo dục Mỹ (năm 2000): tổng số sinh viên quốc tế theo học ở các trường đại học Mỹ là 514.723 sinh viên, đến năm 2007 tăng lên 582.984 sinh viên, trong đó số sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ là 7.303 sinh viên. Các trường đại học và cao đẳng Mỹ là nơi cung cấp nguồn tài chính quan trọng hỗ trợ cho sinh viên nước ngoài theo học, chiếm khoảng 18,9%, Chính phủ Mỹ chỉ tài trợ 0,6 %.

Các trường đại học Mỹ có quyền tự chủ rất lớn. Hội đồng quản trị trường đại học chịu trách nhiệm chủ yếu về các vấn đề tài chính, chiến lược thực hiện, đánh giá hoạt động của nhà trường và của Ban Giám hiệu. Các trường đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu, có sự cạnh tranh cao. Cạnh tranh về sinh viên giỏi, giảng viên giỏi, về kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, uy tín của trường. Chính sự cạnh tranh đã giúp cho các trường đại học đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Hiện nay, Mỹ là một trong những nước xuất khẩu dịch vụ giáo dục lớn nhất thế giới. Hệ thống giáo dục đại học của Mỹ được thế giới đánh giá có chất lượng cao, đạt được những thành tựu to lớn, trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, cũng còn có một số hạn chế, như chi phí đào tạo cao, vấn đề kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục đại học, vấn đề tài trợ cho sinh viên, sự công bằng trong giáo dục, sự trì trệ trong quản lý ở các trường công, và giáo dục đại học ở Mỹ cũng đang bị cạnh tranh gay gắt. Hiện Mỹ đang đẩy mạnh đổi mới cải cách, hiện đại hóa giáo dục, đẩy mạnh hợp tác giữa các trường công và trường tư, xuất khẩu giáo dục nhằm duy trì vị trí hàng đầu về chất lượng giáo dục đại học cao trên thế giới.

2. Mô hình giáo dục đại học của Anh

Hiện nay, Anh đang đẩy mạnh cải cách giáo dục đại học theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường đại học, thực hiện chủ trương tư nhân hóa với các hình thức và cấp độ khác nhau, như chuyển một số trường công thành trường tư, trường công tự chủ hoàn toàn, quản lý giáo dục theo mô hình doanh nghiệp - công ty, thực hiện mối quan hệ đối tác giữa đại học công - tư. Tăng cường quản lý vĩ mô của nhà nước về nội dung, chương trình chuẩn và chất lượng giáo dục. Trường tư cũng phải phục vụ mục đích công, sản phẩm đầu ra của trường công và trường tư phải như nhau, có sự đối xử bình đẳng giữa trường công và trường tư. Vì vậy, các trường đại học tư có thể được nhận sự tài trợ của Chính phủ. Nguồn thu của các trường đại học chủ yếu là từ học phí của sinh viên và các nguồn tài trợ khác, chỉ có 3% là trợ cấp nghiên cứu của Chính phủ Trung ương và một phần nhỏ từ các chính quyền địa phương. Sự đầu tư của Chính phủ cho giáo dục đại học ngày càng giảm, trong khi đó Chính phủ lại gia tăng kiểm soát đầu ra và các yêu cầu đối với hệ thống giáo dục đại học trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Chính phủ Anh cho phép các công ty giáo dục đại học tư nhân được đào tạo và cấp bằng hai năm trình độ sau đại học và được phép đào tạo trình độ cử nhân, đã tạo nên một môi trường cạnh tranh giữa các trường đại học. Chính phủ Anh rất quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, đã thành lập cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục đại học QAA độc lập với cơ quan về tài chính cho giáo dục đại học HEFCE (thuộc Chính phủ). Báo cáo của QAA có ý nghĩa quan trọng để Bộ kinh doanh -  sáng kiến - đại học và kỹ năng và cơ quan HEFCE làm căn cứ cấp kinh phí cho các trường đại học. Đồng thời, cơ quan thanh tra giáo dục của Chính phủ cũng trực tiếp tiến hành rà soát chất lượng giáo dục của từng trường ít nhất ba năm một lần, kiểm tra về môi trường học tập, năng lực đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, đưa ra các ý kiến cần khắc phục.

Sự quản lý linh hoạt và tự chủ của các trường đại học cùng với vai trò quản lý vĩ mô có hiệu quả của nhà nước là chìa khóa dẫn đến sự thành công trong đào tạo đại học ở Anh.

Về phát triển thị trường giáo dục, nước Anh có thị trường giáo dục hấp dẫn học sinh, sinh viên nước ngoài. Theo số liệu thống kê của các trường đại học Anh, trong 10 năm qua, số lượng sinh viên các nước trong Khối cộng đồng chung châu Âu theo học ở Anh tăng gấp đôi; sinh viên Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam theo học tại Anh khá đông. Ngoài ra, các trường đại học Anh cũng mở thêm các chi nhánh đại học ở các nước khác. Để bảo đảm chất lượng và uy tín giáo dục đại học, Chính phủ Anh quy định: chỉ có trường đại học nào đã được kiểm định chất lượng và có đủ điều kiện mới được tuyển sinh viên nước ngoài và phải được tuyển sinh chặt chẽ.  

Những cải cách về giáo dục đại học ở Anh được đã đạt được những kết quả tích cực, chất lượng và uy tín giáo dục được nâng cao. Chính phủ Anh chủ trương đẩy mạnh cải cách, tăng học phí, song đối với sinh viên nghèo sẽ có chế độ hỗ trợ, triển khai mạnh chương trình cho vay để học (thanh toán trong vòng 30 năm), chỉ những sinh viên nào đạt được điểm số cần thiết trong các kỳ thi mới được vay tiền ưu đãi của Nhà nước.

3. Mô hình giáo dục đại học của Đức

Hệ thống giáo dục đại học của Đức được Nhà nước bao cấp, sinh viên đi học chỉ đóng một phần học phí rất thấp, kể cả sinh viên nước ngoài. Ở Đức, Chính phủ liên bang đóng một vai trò rất hạn chế trong việc quản lý và phát triển giáo dục. Chính phủ các bang quyết định chính sách phát triển giáo dục theo cách thức riêng. Trong nhiều thập kỷ, các trường đại học đều được hưởng sự ưu đãi mang tính bình quân của Nhà nước. Việc miễn phí giáo dục đại học đã giảm đi tính cạnh tranh trong đào tạo đại học của Đức. Các giáo sư và nhân viên trở thành công chức nhận lương theo thâm niên. Lương giáo sư thấp, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, nhiều giảng viên và chuyên gia giỏi đã làm việc cho nước ngoài, sinh viên giỏi cũng đi học ở nước ngoài. Hệ thống giáo dục đại học của Đức thiếu năng động, có nguy cơ bị tụt hậu so với một số nước ở châu Âu. Do vậy, Chính phủ Đức đang thực hiện cải cách giáo dục, thực hiện thu học phí đại học, trao quyền tự chủ cho trường phổ thông và đại học, xây dựng chế độ tuyển chọn giảng viên giỏi, trả lương cao, tăng cường trách nhiệm ở các cơ sở giáo dục như có quyền quyết định về nhân sự cũng như nội dung hoạt động. Xây dựng các trường đại học danh tiếng, hội nhập quốc tế và tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống giáo dục.

Tại Đức hệ thống trường đại học có ba loại hình: Trường đại học tổng hợp (University): chuyên sâu về nghiên cứu, học nhiều về lý thuyết; trường đại học khoa học ứng dụng (Universities of applied sciences): thiên về học thực hành; trường đại học thực hành Berufsakademie (University of Cooperative Education): gắn chặt giữa lý thuyết và thực hành và trường về nghệ thuật, phim ảnh và âm nhạc (Colleges of art, film, Music).

Chính sách giáo dục đại học của Đức thể hiện tính ưu việt, sự công bằng và khuyến khích khả năng học tập của các sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, Nhà nước Đức tạo điều kiện cho các sinh viên nước ngoài ở lại một năm đầu để tìm việc làm. Hiện nay, có khoảng 260 nghìn sinh viên nước ngoài đang theo học tại hơn 370/380 trường đại học trải khắp 175 thành phố của nước Đức với trên 150 chương trình học khác nhau. Trong đó, số sinh viên Việt Nam du học tại Đức ngày càng tăng. Mỗi trường đều có thế mạnh và trọng tâm đào tạo riêng, chất lượng giữa các trường tương đối đồng đều nhau.

4. Mô hình giáo dục đại học của Nhật Bản

Giáo dục đại học của Nhật Bản được xây dựng theo mô hình của Mỹ, nhưng vai trò và sự can thiệp trong quản lý giáo dục của Nhà nước cao hơn, Nhật Bản coi trọng hợp tác hơn cạnh tranh, hạn chế sự tác động của cơ chế thị trường.

Trong hệ thống giáo dục đại học,Nhật Bản đào tạo 4 cấp trình độ: cao đẳng, cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ. Các trường đại học của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực như Đại học Tokyo, Đại học Osaka, Đại học Kyoto, v.v.. Trong mỗi trường đại học lớn của Nhật Bản lại có nhiều trường thành viên chuyên đào tạo một ngành hay một nhóm ngành nhất định, Đại học Kyoto có 4 trường thành viên, Đại học Tokyo có 15 trường thành viên và 11 học viện. Năm 2003, Nhật Bản đã có hơn 700 trường đại học, trong đó 87 trường đại học quốc gia, 596 trường đại học tư, làm cho Nhật Bản trở thành một trong những nước có hệ thống đại học tư lớn nhất thế giới.

Về chất lượng giáo dục, Nhật Bản được xếp thứ hạng cao ở cả phổ thông lẫn đại học. Tuy nhiên, mô hình quản lý giáo dục của Nhật Bản còn nặng về tập trung hóa, vai trò quản lý của Nhà nước rất lớn, làm cho hệ thống giáo dục kém năng động, chế độ thi cử rất nặng nề, do tập trung quá sức vào vấn đề bình đẳng trong giáo dục, làm suy giảm tính đa dạng và khả năng phát triển của người học. Vì vậy, những năm đầu thế kỷ XXI, Nhật Bản đã tiến hành cuộc cải cách hệ thống giáo dục đại học, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục, giảm sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước; tăng tính cạnh tranh trên thị trường, thực hiện chính sách đa dạng hóa các trường đại học, sử dụng hình thức tuyển chọn sinh viên mới thông qua phỏng vấn, hồ sơ học tập, viết bài luận...

Nhật Bản thiết lập rộng rãi các mối quan hệ đối tác rộng khắp với hầu hết các trường đại học trên thế giới để nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học và phát minh. Cuộc cải cách giáo dục đại học của Nhật Bản đã tạo ra một hệ thống linh hoạt, tạo nhiều quyền tự chủ cho các trường. Các trường đại học thực hiện đào tạo theo tín chỉ. Nhật Bản đã tiến hành thành lập các công ty đại học quốc gia để tăng quyền tự chủ và trách nhiệm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường quốc tế.

Nhật Bản rất coi trọng đầu tư giáo dục đại học. Phần lớn kinh phí của Chính phủ đều dành cho các đại học quốc gia và các đại học địa phương, hỗ trợ các nghiên cứu khoa học. Chính quyền Trung ương hỗ trợ khoảng 1/3 kinh phí hoạt động cho các trường tư nếu các trường này chấp nhận tuân thủ một số điều kiện của chính quyền. Các trường tư cũng được Chính phủ cho vay để trang bị các phương tiện và bảo dưỡng cơ sở vật chất (12,2%). Sinh viên được vay để học tập và nhận các khoản học bổng nếu đạt thành tích học tập tốt. Chính phủ còn đưa ra các biện pháp tăng cường và đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho giáo dục từ ngân sách nhà nước và đóng góp của cha mẹ học sinh.

5. Mô hình giáo dục đại học của Xinhgapo

Xinhgapo có hệ thống giáo dục chất lượng cao, có uy tín trong khu vực và đang vươn lên trở thành trung tâm giáo dục của thế giới. Đối với giáo dục đại học, Xinhgapo đã thực thi tập đoàn hóa các trường đại học công vào năm 2006. Đặc điểm cơ bản của tập đoàn hóa đại học ở Xinhgapo là: (1) Đa dạng hóa nguồn tài chính, trong đó có việc phát triển mạnh quỹ hiến tặng; (2) Không coi thầy giáo là công chức; (3) Trả lương cạnh tranh theo mức độ hoàn thiện của công việc; (4) Tăng quyền tự chủ cho các trường.

Hiện nay, giáo dục của Xinhgapo phát triển theo cơ chế thị trường, trường học có nhiều quyền tự chủ, giữa các trường học có sự cạnh tranh cao. Nhà nước xác định mục tiêu, chiến lược và quản lý chặt chẽ chất lượng giáo dục. Bộ Giáo dục quản lý các trường công, tư vấn và giám sát các trường tư. Xinhgapo mở rộng quyền tự chủ cho tất cả các trường trong vấn đề chương trình, kinh phí và quản lý nhân sự.

Chính phủ Xinhgapo đầu tư 20% tổng ngân sách quốc gia cho giáo dục; có chính sách tài trợ cho học sinh nghèo và gia đình đông con bằng việc miễn giảm học phí, miễn phí thi tốt nghiệp phổ thông, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên xuất sắc... Để nâng cao chất lượng giáo dục, Xinhgapo tăng cường quốc tế hoá giáo dục, thực hiện nền giáo dục dựa trên năng lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế tri thức và thông tin trong thế kỷ XXI. Chính phủ cho phép các trường nước ngoài danh tiếng đầu tư 100% vốn để mở trường và khuyến khích các trường trong nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt là các trường liên kết Mỹ - Xinhgapo.

Có thể nói, giáo dục đại học ở các nước tiên tiến đều phát triển đa dạng, nhiều loại hình, chính quy và không chính quy, công và tư, giáo dục suốt đời... Các trường được quyền tự chủ và chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình. Nhìn chung, cả giáo dục đại học công và tư đều có những mặt mạnh và những hạn chế cần khắc phục. Việc ra đời các trường tư và trường công thu học phí đã hình thành nên thị trường cung cấp các dịch vụ giáo dục ở các cấp học, đặc biệt là thị trường giáo dục đại học. Đa số các nước đều tiến hành cải cách giáo dục đại học theo mô hình của Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Úc, Xinhgapo...

Việc nghiên cứu mô hình giáo dục đại học của các nước phát triển, giúp Việt Nam đúc kết được những kinh nghiệm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của đất nước, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2015

Tài liệu tham khảo

1. Đề án đổi mới giáo dục Đại học Việt Nam, giai đoạn 2006 - 2020, Hà Nội, 11-2005.

2. Hảo Dũng: Vỡ bong bóng giáo dục đại học, Tạp chí Giáo dục và thời đại, số 8, tháng 10-2013.

3. Phát triển giáo dục, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

4. IED GOUP: Hệ thống giáo dục đại học Đức, Hệ thống phát triển giáo dục quốc tế Đông Dương.

 

ThS Nguyễn Thị Lan

Đại học Sài Gòn

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền