Trang chủ    Quốc tế    Sự khó khăn và phức tạp của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông
Thứ tư, 18 Tháng 5 2016 15:40
5707 Lượt xem

Sự khó khăn và phức tạp của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

(LLCT) - Căng thẳng ở Biển Đông leo thang kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong bối cảnh tranh chấp đó, các quốc gia trong khu vực đều nâng cao cảnh giác, gia tăng sức mạnh quân sự, quốc phòng; quan hệ giữa Việt Nam với các nước liên quan trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bất kỳ một tính toán sai lầm, thiếu kiềm chế nào cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

 

1.Một bối cảnh phức tạp của Biển Đông và khu vực

 

 Tranh chấp trên Biển Đông diễn ra dưới nhiều hình thức: giữa 2 nước (tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc; phân định chủ quyền những vùng biển chồng lấn khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa Việt Nam và Malaysia; giữa Việt Nam và Indonesia…); giữa 5 nước 6 bên như tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam với Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan; những vấn đề liên quan đến lợi ích của cả các nước ngoài khu vực: vấn đề hoà bình, ổn định và tự do, an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực liên quan đến quốc tế…

Các nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đều là thành viên Liên Hợp quốc (trừ Đài Loan không được coi là một nước trong tranh chấp Biển Đông và không được tham gia các cơ chế chính trị, hay giải quyết tranh chấp ở Biển Đông) nên có thể áp dụng cơ chế được quy định trong Điều 33 Hiến chương Liên Hợp quốc để giải quyết.

Sự gia tăng hoạt động với tư cách là một nước lớn của Trung Quốc và sự quan tâm của các nước lớn khác đã và đang tạo ra những phức tạp lớn về an ninh ở khu vực Biển Đông. Đặc biệt, khi Trung Quốc tiến hành xây dựng, tôn tạo đảo, bãi ngầm ồ ạt và quân sự hóa vùng biển này, đồng thời tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, một trong những “huyết mạch giao thương hàng hải” của thế giới, tình hình càng trở nên phức tạp, căng thẳng.

Tình hình khu vực và Biển Đông có những biến động phức tạp do nhiều yếu tố gây nên và thúc đẩy, trong đó có yếu tố các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng, cọ xát với nhau về chiến lược, an ninh, kinh tế. Đảng ta nhận định: “Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh mẽ đến cục diện thế giới và khu vực”. Tương quan lực lượng giữa các nước lớn có thểcó sự thay đổi, nhưng các cường quốc đều có tính toán chiến lược nhằm bảo đảm lợi ích của mình và kiềm chế ảnh hưởng của đối phương.

Điều đáng chú ý là, khi các nước lớn thỏa hiệp, liên kết với nhau để đạt lợi ích chung thì lại là điều bất lợi cho các nước nhỏ. Trong quá trình cạnh tranh, vì lợi ích của họ, mà các nước Đông Nam Á có thể bị lợi dụng để chia rẽ, thậm chí làm phương tiện "mặc cả" trên nhiều lĩnh vực.

Tổng thống Mỹ B.Ôbama đã từng tuyên bố ủng hộ những nỗ lực của Đông Nam Á trong giải quyết các bất đồng trên biển và nhấn mạnh trong trường hợp xung đột “ảnh hưởng đến đồng minh của Mỹ”, Mỹ buộc phải có “hành động phù hợp”. Còn Trung Quốc dù quan hệ Mỹ - Trung luôn trong mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt”, song Trung Quốc sẽ không tạo ra cho Mỹ bất kỳ cái cớ nào để có thể can thiệp. Trung Quốc muốn Việt Nam ổn định nhưng không đủ mạnh để thách thức được họ; Việt Nam không được là "sân sau" của ai và nếu phụ thuộc vào Trung Quốc thì càng tốt. Mỹ muốn Việt Nam là liên minh để duy trì vai trò lãnh đạo ở châu Á, nhưng không muốn gánh vác trách nhiệm bảo vệ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khác biệt về chế độ chính trị và giá trị quốc gia dân tộc.

2. Đối sách của Việt Nam

Đại hội XII của Đảng nhận định: “Tranh chất lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp”(1) Tình hình đó đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục kiên trì “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”(2); phát huy vai trò của kênh ngoại giao đa phương trong việc thúc đẩy các lợi ích quốc gia trong quan hệ song phương với các đối tác,đồng thời gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, sức mạnh quốc phòng, bảo đảm được độc lập, chủ quyền, tự chủ, hòa bình và ổn định cho phát triển.

Trong quan hệ với Trung Quốc. Việt Nam đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc về kinh tế, chính trị, thương mại. Mặt khác, Việt Nam là một quốc gia láng giềng, cùng chế độ XHCN với Trung Quốc. Khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc là việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, Hoàng Sa và vùng đặc quyền kinh tế. Đây là vấn đề phức tạp và đặc biệt nhạy cảm, cần hết sức khéo léo, vừa cứng rắn về nguyên tắc vừa mềm dẻo về sách lược để tạo điều kiện có lợi nhất cho sự ổn định và phát triển đất nước.

Yêu cầu mang tính nguyên tắc trong quan hệ với Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông là giải quyết thông qua thương lượng, thực hiện các biện pháp hòa bình. Cần sử dụng hiệu quả Công ước Luật Biển năm 1982, cũng như Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc: “đối với các bên trong tranh chấp mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp có thể đe doạ đến hoà bình và an ninh quốc tế, phải cố gắng tìm cách giải quyết bằng: (i) đàm phán; (ii) điều tra; (iii) trung gian; (iv) hoà giải; (v) trọng tài; (vi) phân xử tại Toà; (vii) sử dụng những tổ chức hoặc hiệp định khu vực; (viii) các biện pháp hoà bình khác tùy theo sự lựa chọn…”.

Trong quan hệ với các nước  trong khu vực. Cần thực hiện tốt các biện pháp hòa bình, xây dựng lòng tin, gia tăng gắn kết và phát huy vai trò của ASEAN. Đây là biện pháp được các nước Đông Nam Á và thế giới đồng tình ủng hộ. Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, đảm bảo nguyên tắc "ba không": không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Ben cạnh đó, Việt Nam cần thực hiện chính sách “viễn giao” với những nước ở xa, cùng san sẻ lợi ích trên cơ sở bảo đảm chủ quyền và lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc.

Thúc đẩy các nước ASEAN nêu cao tính độc lập tự chủ, phát huy nội lực, gia tăng gắn kết cộng đồng, cố kết nội khối và phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực. Cộng đồng ASEAN chỉ có thể được hình thành và phát triển vững chắc khi các quốc gia thành viên cùng nỗ lực chung, vượt qua thách thức, tranh thủ được thời cơ, có phương hướng và biện pháp đúng đắn, phù hợp, thực sự hiệu quả.

Trong tình hình mới, Đảng ta nhận định: “ASEAN trở thành Cộng đồng, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế trong khu vực, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài”(3). Việc các quốc gia ASEAN nhiều lần ra tuyên bố chung, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông, nhất là đối với hành động của Trung Quốc; yêu cầu các bên liên quan kiềm chế không sử dụng vũ lực, không tiến hành các hoạt động làm gia tăng căng thẳngcó thể làm phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực vàtrên Biển Đông; kêu gọi sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cho thấy các quốc gia thành viên của tổ chức này đã có sự chia sẻ và gắn kết với nhau vì mục tiêu chung, đẩy mạnh hợp tác để đối phó với tình hình mới.

Như vậy, các quốc gia ASEAN rất tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp hòa bình, xây dựng lòng tin nên nhận được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Trong quan hệ với từng nước cũng như đối với Cộng đồng, Việt Nam tích cực và chủ động thúc đẩy sự phát triển của xu hướng này, phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Đó là yêu cầu cơ bản bảo đảm cho các quốc gia Đông Nam Á có thể tận dụng được cơ hội, lợi thế; khắc phục được nguy cơ, thách thức; không bị "kẹt", bị chia rẽ bởi sự cạnh tranh chiến lược phức tạp giữa các nước lớn, nhất là trong vấn đề Biển Đông, bảo đảm ổn định và phát triển.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”(4).Để làm được điều đó đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tổng hợp các biện pháp, tạo ra bầu không khí hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng nhau hợp tác và phát triển theo tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước vì hòa bình, hợp tác và phát triển, bảo đảm được lợi ích quốc gia dân tộc khi tham gia hội nhập quốc tế.

Việt Nam cần tự đổi mới trở thành một nước có tiếng nói thật sự trên chính trường quốc tế, khu vực; dù là nước đang phát triển, song tuyệt nhiên phải không là một nước “nhược tiểu”. Để có thểgiữ nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, đặc biệt là chủ quyền trên Biển Đông, phải thực hiện cho bằng được: “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”(5). Chúng ta phải chuẩn bị lực lượng đủ mạnh và có kế hoạch, phương án cụ thể, sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền trên Biển Đôngtrong mọi tình huống. Quốc phòng và an ninh phải đủ sức mạnh để có thể “ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”(6), để đất nước “không bị động, bất ngờ”; giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt quan điểm, chủ trương: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; vững mạnh, nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân”(7).

_______________

(1), (2), (3), (4), (6), (7), Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 73, 72, 73, 73, 218, 149.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2013, tr. 168-169.

 

                                                              PGS,TS Thái Văn Long,

Viện Quan hệ quốc tế,  Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Trần Văn An,

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền