Trang chủ    Quốc tế    Hai cách nhìn về dân chủ hóa ở phương Tây hiện đại
Thứ ba, 31 Tháng 5 2016 10:05
3588 Lượt xem

Hai cách nhìn về dân chủ hóa ở phương Tây hiện đại

(LLCT) - Có nhiều cách nhìn khác nhau về dân chủ hóa, trong đó nổi lên hai quan điểm, một quan điểm nhấn mạnh vào tầng lớp thiểu số tinh hoa (M.Weber, I.A.Schumpeter) và một quan điểm nhấn mạnh vào sự phân tán quyền lực ở đại chúng (R.Dahl). Bài viết này sẽ so sánh hai cách nhìn về dân chủ hóa đã có ảnh hưởng trong giới khoa học ở phương Tây hiện đại.

1. Tư tưởng về thể chế cạnh tranh của giới tinh hoa 

Quá trình duy lý hóa

Khi nhìn nhận các phát triển vượt bậc của đời sống xã hội thời kỳ hiện đại, Weber coi điểm chung quan trọng nhất của chúng là tiến trình hợp lý hóa. Đây chính là đặc tả trung tâm mà ông dùng để nhìn nhận lại các vấn đề lớn về chính trị, trong đó nổi bật là hình thức chính phủ.

Sự phát triển của xã hội công nghiệp đã làm thay đổi những chuẩn mực giá trị truyền thống như chính trị, đạo đức, triết học, tôn giáo… làm cho xã hội trở nên vô cùng đa dạng về nhiều mặt từ học vấn, tri thức, niềm tin cho đến các lợi ích và phương thức sống. Tức là không còn dễ dàng nói về một sự thống nhất lợi ích giữa những người cùng chung giai cấp và do đó, không dễ dàng quy giản về phân tích mâu thuẫn giai cấp. Tính cạnh tranh ngày càng cao và sự đa dạng hóa về lợi ích đặt ra nhu cầu hình thành nhiều nhóm, nhiều tổ chức, hiệp hội tự quản của công dân và hệ quả tất yếu của công nghiệp hóa là sự thay đổi về chính trị - xã hội.

Weber cũng như Mác, đi từ việc mô tả và giải thích các ràng buộc khách quan của thực tế để đánh giá tính khả thi của các phương án tổ chức đời sống xã hội chứ không phải đi từ các ước muốn cho dù được đồng thuận cao đến đâu. Con người, hay đúng hơn, hành vi thực tế của con người, là kết quả của các ước thúc và ràng buộc trong thực tế xã hội. “Tính hiện thực” đó mới là căn cứ cho xây dựng các thể chế chứ không phải “tính lý tưởng” mà con người mong muốn. Mỗi người đều phụ thuộc vào nhau, và tất yếu cần phải có quyền lực xã hội chung để điều phối và giữ gìn lợi ích chung.

Phương thức sản xuất TBCN, được nhìn nhận như là kết quả của quá trình hợp lý hóa, mà nội dung cốt lõi của nó là áp dụng triệt để các thành quả của khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất cũng như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong thực tiễn ở phương Tây, đã dẫn đến hệ thống phân công lao động xã hội tiến đến các nấc thang mới. Chính nấc thang mới của hệ thống phân công lao động đó là nền tảng của đời sống xã hội phức tạp hiện đại, làm nảy sinh rất nhiều các mâu thuẫn từ đa dạng các lợi ích.

Tiến trình hợp lý hóa đó thâm nhập cả vào đời sống chính trị. Sự tính toán chặt chẽ về kỹ thuật, quá trình tối ưu hóa mọi mặt của đời sống xã hội và sự cần thiết của chuyên môn hóa, tính chuyên nghiệp đã khiến bản thân chính trị trở thành một nghề, là một sự phân công lao động trong xã hội, cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa như các nghề khác.

Sự thay đổi trong quan niệm

Do có sự thay đổi trong các hoạt động xã hội như trên, nên cũng có các thay đổi trong quan niệm của dân chúng về hệ giá trị và các chuẩn mực truyền thống về nhà nước và đặc biệt về tính chính đáng của quyền lực chính trị, mà hiện thân là nhà nước. Độc quyền dùng bạo lực của nhà nước cũng là sự độc quyền hợp lý, được chia sẻ rộng rãi trong nhận thức xã hội. Độc quyền sức mạnh này được chính đáng hóa bởi một niềm tin vào tính hợp lý, mà biểu hiện cụ thể của nó chính là hệ thống pháp lý. Niềm tin này dựa vào sự duy lý của con người trong xã hội hiện đại, chứ không dựa trên thói quen, truyền thống hoặc sự hấp dẫn cá nhân của các nhà lãnh đạo như trước kia. Người ta tuân thủ quyền lực vì “phẩm chất hợp pháp” dựa trên nguyên tắc được sáng tạo một cách hợp lý. Tính chính đáng của nhà nước hiện đại chủ yếu được xây dựng trên “thẩm quyền pháp lý”, các hoạt động của nhà nước hiện đại bị hạn định bởi nguyên tắc pháp quyền. Nói cách khác, Weber nhấn mạnh vào quá trình duy lý hóa, khoa học hóa việc tổ chức chính quyền.

Nhưng ông cũng chỉ ra thực tế rằng, quần chúng cử tri, do nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là lý do chuyên môn hóa, nhìn chung là không có đủ tri thức và sự can dự để lựa chọn chính sách một cách đúng đắn mà chỉ có khả năng lựa chọn ai là người lãnh đạo, hay đúng hơn, chỉ có khả năng loại bỏ người lãnh đạo tồi.

Từ đó, ông kết luận rằng nền dân chủ, hiểu theo nghĩa mỗi người dân đều tham gia quyết định, không thể là nền tảng cho việc ra quyết định hiệu quả. Nền dân chủ - trong trạng thái tối ưu nhất của nó - cũng chỉ là một cơ chế lựa chọn (hoặc loại bỏ) người ra quyết định, tức lựa chọn các lãnh đạo chính trị, có phẩm chất cần thiết (chuyên nghiệp và có trách nhiệm, tức giới tinh hoa chính trị) cho việc ra các quyết định chung có hiệu quả. Tuy nhiên, trong việc phụng sự các chức năng tuyển chọn và trong việc chính thống hóa quyền lực của những người được chọn, nền dân chủ là điều kiện không thể thiếu.

Như vậy, M.Weber và sau đó là Schumpeter đều nhấn mạnh sự hợp lý hóa các thủ tục, bộ máy chính quyền là yếu tố quan trọng nhất trong tính chính đáng của hệ thống chính trị, chứ không phải là các tuyên bố về các mục tiêu chính trị của chúng. 

Tổ chức nhà nước

Quá trình duy lý hóa đưa con người đến chỗ nhận thức lại vị trí, vai trò của mình trong mối quan hệ với thể chế chính trị. Quá trình duy lý hóa cũng nhấn mạnh sự cần thiết của tính chuyên nghiệp, sự chuyên môn hoá. Tức là, phân biệt chính trị với kỹ trị, coi chính trị là một nghề và phản đối quan điểm cho rằng nhà nước sẽ dần tiêu vong. Theo Weber, sự chuyên môn hóa sẽ dẫn đến một tầng lớp kỹ trị, chuyên về quản lý hành chính, không do dân bầu và nó tồn tại không chỉ ở khu vực dịch vụ công của nhà nước mà ở mọi tổ chức, trong đó có các đảng chính trị. Các đảng này muốn hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng của mình, họ phải giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử và để làm điều đó, các đảng phải có một bộ máy hành chính chuyên nghiệp làm tham mưu.

Như vậy, chính trị trở thành một nghề và những người làm chính trị phải được đào tạo để có tri thức, có chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng thu hút, thuyết phục quần chúng, huy động các nguồn lực. Mặt khác, Weber cho rằng, nhà nước không phải của giai cấp, ra đời không chỉ để bóc lột mà còn phải điều hành, phối hợp hoạt động chung và giải quyết những vấn đề chung của mọi giai cấp. Vì vậy, ông phủ nhận quan điểm cho rằng, cùng với quy luật phát triển của xã hội loài người, nhà nước sẽ dần tiêu vong, mà ngược lại, xã hội càng phát triển thì vai trò của nhà nước càng tăng.

Cùng với sự phát triển của xã hội, mô hình hệ thống chính trị cũng có những thay đổi quan trọng, đặc biệt là sự thay đổi vai trò của nghị viện.

Nếu trước đây, nghị viện là thể chế duy nhất có chức năng làm luật thì trong nền chính trị đảng phái, các đảng mới đóng vai trò quyết định. Sự thay đổi đó có thể được tóm tắt bằng lập luận: Nghị viện do các đảng thống trị, các đảng lại do các nhà chính trị chuyên nghiệp thống trị. Như vậy, sự hợp lý hóa (duy lý hóa) các hoạt động xã hội đã dẫn đến một nghịch lý là sự ra đời của “nền độc tài do dân bầu”. Tuy nhiên, thể chế nghị viện vẫn cần thiết cho việc tạo ra tính cạnh tranh giữa các quan điểm và sự cởi mở, minh bạch trong cai trị.

 Weber lập luận rằng, xã hội càng phát triển, các quan hệ lợi ích càng đa dạng, phức tạp thì nhu cầu hình thành các hiệp hội chính trị càng cao và các hiệp hội này luôn nỗ lực để trở thành các tổ chức chính trị đại diện.

Việc ra đời và tồn tại của nền dân chủ đại diện là một tất yếu khách quan của sự phát triển và của quá trình duy lý hóa. Weber cũng nhận thấy rằng, trên thực tế, thể chế dân chủ đại diện chỉ là sự đại diện cho mức độ được lòng dân của một nhóm tinh hoa, hay cùng lắm cũng chỉ là cơ chế bảo đảm cho sự lãnh đạo chính trị có hiệu quả chứ không đại diện thực sự cho lợi ích của người dân.

2. Tư tưởng về đa trị

Sự phân tán quyền lực

Trong khi phê phán lý thuyết về sự thống trị của thiểu số, Dahl cho rằng, các lý thuyết về sự thống trị của thiểu số là sự phn ánh méo mó một sự thực quan trọng về đời sống chính trị. Sự bất bình đẳng đáng kể về quyền lực là một đặc điểm phổ quát trong suốt lịch sử nhân loại, và chúng vẫn tồn tại ở tất cả các hệ thống dân chủ. Sự bất bình đẳng là không thể tránh khỏi trong những tổ chức có quy mô lớn.

Trong các hệ thống dân chủ và không dân chủ, sự thống trị của thiểu số là điều không thể tránh của con người: Sự thống trị của thiểu số đòi hỏi sự đồng nhất về văn hóa và tri thức, các lý tưởng, giá trị và niềm tin nhất định phải được chia sẻ rộng rãi trong xã hội, và đặc biệt ngay cả trong các tầng lớp dưới (trong xã hội tư bản, niềm tin về tính hợp lý và chính đáng của nhà nước được chia sẻ bởi giai cấp công nhân và tầng lớp trung lưu). Sự đồng nhất về văn hóa sẽ gắn kết thành một liên minh giữa các giai cấp. Tuy nhiên, công nhân không tự mình trang bị để tạo nên văn hóa đồng nhất của chính họ. Đó là nhiệm vụ của các nhà trí thức. Gramci đã đưa các nhà trí thức - là người sáng tạo, giải thích và cung cấp tư tưởng và niềm tin - lên vũ đài như là những tác nhân quan trọng của lịch sử.

Theo chủ nghĩa đa nguyên, quyền lực không phải được cấu trúc theo hệ thống cấp bậc, mà là một “quá trình thương thuyết bất tận” giữa vô vàn các nhóm đại diện cho các lợi ích khác nhau.  Chính sách và các kết quả chính trị luôn là hệ quả của quá trình điều hòa và điều chỉnh các khu vực lợi ích. Định hướng tổng thể đối với chính sách công là kết quả của hàng loạt những ảnh hưởng từ các nhóm lợi ích đến chính phủ, mà không có một nhóm nào có ảnh hưởng tuyệt đối.

Do vậy, trong xã hội luôn có sự tồn tại của nhiều trung tâm quyền lực. Giống với quan điểm của Madison, chủ nghĩa đa nguyên thừa nhận rằng, mục tiêu nền tảng của nhà nước là bảo vệ tự do của các phe phái trong việc theo đuổi các lợi ích chính trị của họ, đồng thời ngăn chặn việc một phe phái này làm phương hại đến tự do của các phe phái khác. Tuy nhiên, khác với Madison, chủ nghĩa đa trị lập luận rằng, phe phái không phải là sự đe dọa đối với nền dân chủ, mà là cấu trúc cho sự ổn định, và là sự biểu đạt trọng tâm của nền dân chủ. Đối với những người theo chủ nghĩa đa trị, sự tồn tại của các nhóm cạnh tranh là cơ sở cho sự cân bằng dân chủ, cho sự hình thành chính sách công.

Dahl cho rằng: nếu các hệ thống bầu cử cạnh tranh được đặc trưng bởi tính đa dạng của các nhóm thì các quyền dân chủ có thể được bảo vệ, tránh được sự bất bình đẳng chính trị.

Về vấn đề ai là người thực sự có quyền lực và có quyền đối với ai, cái gì - Dahl đã thấy rằng, quyền lực không có tính quy tụ hay tích luỹ, mà nó được chia sẻ và nuôi dưỡng bởi vô vàn các nhóm, đại diện cho vô vàn lợi ích trong xã hội. Theo Dahl, tối thiểu thì “lý thuyết dân chủ là quan tâm đến quá trình mà theo đó các công dân bình thường thực thi - ở một mức độ khá cao - quyền kiểm soát các nhà lãnh đạo”. Dahl cũng cho rằng, sự kiểm soát này có thể được duy trì nếu có hai cơ chế căn bản: các cuộc bầu cử định kỳ và sự cạnh tranh giữa các đảng, các nhóm. Madison, De Tocqueville và J.S.Mill lại quan ngại nguyên tắc đa số có thể được dùng để chống lại thiểu số. Nhưng theo Dahl, không thể hình thành sự độc tài của đa số vì: các cuộc bầu cử thể hiện tiếng nói của rất nhiều nhóm lợi ích cạnh tranh lẫn nhau, chứ không phải là một nhóm đa số cố định.

Dahl luôn nhấn mạnh sự cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích sẽ kiến tạo nên chính sách và xác định bản chất dân chủ của một chế độ. Với tư cách là điều kiện cho sự vận hành thành công của nền dân chủ, các nguyên tắc hiến định là “ít quan trọng” hơn nhiều so với các nguyên tắc “phi hiến định” và sự thực hành dân chủ.

Các tiêu chí cho mô hình dân chủ

Theo Dahl, một mô hình/quy trình ra quyết định dân chủ được đánh giá là lý tưởng nếu nó đáp ứng đủ năm tiêu chí sau:

(1) Bình đẳng về phiếu bầu (Voting Equality): tại thời điểm chọn lựa chính sách và quyết định chính sách, các thành viên đều có cơ hội bình đẳng bỏ phiếu và mọi phiếu bầu đều được tính bình đẳng như nhau.

(2) Sự tham gia hiệu quả: trong toàn bộ quá trình ra quyết định, lựa chọn chính sách các thành viên phải có cơ bình đẳng và hữu hiệu như nhau.

(3) Hiểu biết khai sáng (Enlightened): trong những giới hạn nhất định, mỗi thành viên phải có cơ hội bình đẳng trong việc tìm hiểu các lựa chọn chính sách phù hợp cũng như những hậu quả tiềm ẩn của các lựa chọn chính sách đó.

 (4) Kiểm soát chương trình nghị sự (Control of Agenda): mọi thành viên phải có cơ hội riêng cho việc quyết định các vấn đề được đưa vào chương trình nghị sự cũng như cách thức giải quyết chúng.

(5) Sự tham gia của tất cả những người trưởng thành (Inclusion of Adults): mọi cư dân thường trú trưởng thành đều có đầy đủ các quyền công dân như đã được đề cập đến trong bốn tiêu chí đầu.

Đó là những yêu cầu bắt buộc đối với một nền dân chủ lý tưởng và được dùng để đánh giá mức độ dân chủ trong hệ thống tổ chức.

3. Các biểu hiện trong thực tế

Như vậy, có thể rút ra được một vài điểm tương đồng về cách nhìn dân chủ hóa, ở đây nhấn mạnh 5 đặc điểm quan trọng có tính phổ quát:

(1) Hệ thống bầu cử và tham gia chính trị rộng khắp

Đây là phát kiến quan trọng, cho dù sẽ còn phải hoàn thiện nhiều vì còn nhiều khiếm khuyết. Cho đến năm 1920, sự bình đẳng giới tính mới được ghi nhận vào Hiến pháp Mỹ (Tu chính án XIX, Section 1) và cũng chỉ mới được triển khai trên thực tế ở nhiều nước khác (ở Anh thậm chí phải đến năm 1921 tuổi của cử tri nữ mới được hạ xuống ngang với nam giới)

Hệ thống đại diện này không chỉ mang tính  phổ quát (phổ thông đầu phiếu) mà ngày càng có tính nhất quán và bình đẳng. Tính nhất quán thể hiện ở các quy định trong luật hiến pháp biểu hiện thành cấp độ và phạm vi quyền lực. 

Về cấp độ quyền lực, có thể thấy nếu người đại diện không được dân ủy quyền sẽ không có quyền, và nếu do toàn dân ủy quyền sẽ có quyền lực lớn hơn là do một bộ phận ủy quyền. So sánh giữa hạ viện với thượng viện cũng như so sánh giữa tổng thống và thủ tướng trong các nước cộng hòa hỗn hợp là các minh chứng.

Về phạm vi quyền lực, các nước cộng hòa hiện nay đều cho thấy quyền lực nhà nước bị hạn chế. Sự hạn chế này không chỉ là hạn chế về thẩm quyền (vì chỉ có một số lĩnh vực được ủy nhiệm cho nhà nước, các lĩnh vực khác được coi là quyền cá nhân) mà còn có các hạn chế mang tính hành vi của người đại diện cũng như của công chức. Với tư cách là người do dân cử (kể cả công chức vì cuối cùng cũng xuất phát từ dân cử), người đại diện bị hạn chế hành vi, chỉ được làm những gì cho phép, và thậm chí ngay cả bỏ phiếu cho các chính sách, dự án luật cũng phải công khai quan điểm, và không được làm một số việc. Ở nhiều nước, các công chức không những không được tham gia đảng chính trị mà thậm chí không được thể hiện quan điểm chính trị cá nhân.

Sự tham gia chính trị được thể chế hóa thông qua các quy định pháp lý về đảng chính trị, các hiệp hội, tổ chức xã hội. Đặc biệt các hoạt động mang tính bè phái và lợi ích nhóm ngày càng bị điều chỉnh chặt chẽ bởi luật pháp và cả sự giám sát của các tổ chức xã hội cũng như truyền thông đại chúng.

(2) Sự kiểm soát và cân bằng quyền lực bằng thể chế

Vấn đề về kiểm soát và cân bằng quyền lực đã có nhiều bước tiến. Đã thay thế sự nhấn mạnh việc kiểm soát giữa các nhóm, tầng lớp có thể sa vào sự độc quyền của các nhóm có cùng mục đích, sự chuyên chế được dân bầu), bằng việc nhấn mạnh vào sự kiểm soát từ các tổ chức xã hội.

(3) Chính phủ bị hạn chế và chủ nghĩa lập hiến

Như hệ quả trực tiếp của tư tưởng khế ước, chủ quyền tối cao của người dân và của hệ thống pháp lý ủy quyền, các chính phủ không chỉ tại các nước cộng hòa mà cả các chính phủ quân chủ lập hiến khác đều chịu các giới hạn nhất định về phạm vi quyền lực của mình. 

(4) Bình đẳng về quyền và cơ hội (đặc biệt là về thu nhập và giáo dục)

Ngay từ thời cổ Hy - La, các nhà tư tưởng đã đặt vấn đề về điều kiện kinh tế của sự bình đẳng, tuy vậy các thiết chế chưa làm được gì nhiều để đảm bảo sự bình đẳng đó.  Thực tế là hơn hai nghìn năm sau đó, chế độ sở hữu tư nhân cũng như các thể chế dân chủ đi kèm đều chưa giải quyết được vấn đề bình đẳng trên thực tế, ngay cả khi công nhận các quyền bình đẳng pháp lý.

Các trào lưu tư tưởng từ thế kỷ XIX, đặc biệt chủ nghĩa Mác đã tập trung vào việc khắc phục chính cơ sở quan trọng của sự bất bình đẳng trên thực tế này.  Do kết quả của các trào lưu này, bản thân thể chế cộng hòa cũng như các thể chế kinh tế kèm theo nó, dù vẫn dựa trên cơ sở sở hữu tư nhân, đã có các biến đổi hết sức to lớn. Đặc biệt, quan điểm thị trường tự do là hiệu quả đã bị bác bỏ thuyết phục. Mọi nhà nước, dù với mức độ khác nhau đều có các thể chế, chính sách can thiệp để giảm bớt các cách biệt về thu nhập và cơ hội được giáo dục cho người dân.

(5) Văn hóa bao dung

Một trong các giá trị quan trọng đó là tính bao dung mà thể chế cộng hòa thúc đẩy, như hệ quả của sự quan niệm về lợi ích công cộng. Tính bao dung thể hiện trước hết trong bao dung sắc tộc và tín ngưỡng, không chỉ ở trong các luật thành văn, mà đặc biệt trong hành vi và nhận thức xã hội. Mức độ ở các nước khác nhau sẽ khác nhau, tuy nhiên khuynh hướng này có thể thấy ở mọi nước cộng hòa. Ở Mỹ, vào những năm 1950, người da màu còn bị kỳ thị khắp nơi và không ai có thể tin rằng chỉ hơn 50 năm sau Mỹ đã có một tổng thống da đen, và một ứng cử viên tổng thống sáng giá là phụ nữ. Ở Ôxtrâylia hay New Zealand, chính phủ đã đưa ra các đánh giá thẳng thắn và các lời xin lỗi về quá khứ kỳ thị dân bản địa.

_____________________

Tài liệu tham khảo

1. Dahl, R: A Preface to Democratic Theory, The Univercity of Chicago Press, 1956.

2. Dahl, Robert Alan: Democracy and Its Critics, Yale University Pres, New Haven, 1989.

3. Dahl, Robert Alan:  On Democracy, YUP, New Haven, 1998.

4. Dahl, Robert Alan: The democracy sourcebook, MIT Press, 2003.

5. M.Weber: Tuyển tập, Moscow, 1994.

6. Sen, A: Dân chủ và Công bằng Xã hội; Farrukh Iqbal và Jong-Il You (Chủ biên), Dân chủ , Kinh tế Thị trường và Phát triển: Từ góc nhìn châu Á, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2002.

7. I.A.Schumpeter: Chủ nghĩa tư bản, Chủ nghĩa xã hội và Dân chủ, t.2, Moscow,1992.

 

ThS Lê Thị Thu Mai

Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền