Trang chủ    Quốc tế    Tác động từ chính sách “ngoại giao năng lượng“ của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á
Thứ ba, 31 Tháng 5 2016 10:07
7703 Lượt xem

Tác động từ chính sách “ngoại giao năng lượng“ của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á

(LLCT) - Đông Nam Á là khu vực có vị trí quan trọng trên con đường giao thông biển giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với eo biển Malacca được xem như là cửa ngõ duy nhất để vào thị trường rộng lớn ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong những năm đầu thế kỷ XXI,Trung Quốc gia tăng thực hiện chính sách “ngoại giao năng lượng” và hợp tác năng lượng với các quốc gia Đông Nam Á.  Việc thực thi chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc đã tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế, chính trị, an ninh của Đông Nam Á theo hai hướng vừa tích cực vừa tiêu cực.

1. Chính sách “ngoại giao năng lượng” của Trung Quốc

Hiện nay, xét về mặt tiêu thụ năng lượng, Trung Quốc đang đứng thứ 2 thế giới, sau Hoa Kỳ. Nhưng xét về lượng nhập khẩu dầu thô thì Trung Quốc đã vươn lên thành nước đứng đầu thế giới trong tháng 4-2015(1). Để bảo đảm nguồn cung ứng năng lượng ổn định với giá cả hợp lý, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra chiến lược năng lượng quốc gia và chính sách an ninh năng lượng với các mục đích và biện pháp thực hiện cụ thể, ráo riết tìm kiếm các nguồn năng lượng trên phạm vi toàn cầu cũng như khu vực.

Sau giai đoạn đơn phương tìm kiếm nguồn năng lượng (2001-2005), từ năm 2006,Trung Quốc tích cực tham gia một số cơ chế hợp tác đa phương về lĩnh vực này, đã thành lập cơ chế đối thoại năng lượng song phương và đa phương với các tập đoàn dầu lửa lớn của Mỹ, Anh, Nga, Nhật Bản. Một trong những mục tiêu của Trung Quốc trong thời gian tới là gia nhập Tổ chức Năng lượng quốc tế. Từ nay đến khoảng năm 2020, Trung Quốc thực hiện chiến lược phát triển biển ở khu vực ven biển miền Đông; tức chiến lược phát triển biển khu vực dưới sự chỉ đạo vĩ mô của Nhà nước, lấy các tỉnh (thành phố trực thuộc, khu tự trị) làm chủ thể, lấy tài nguyên biển làm đối tượng khai thác, lấy sáng tạo thể chế chế độ làm trọng điểm. Giai đoạn này vừa là giai đoạn thực hiện bước đầu chiến lược phát triển biển quốc gia, cũng là giai đoạn chuẩn bị thực hiện toàn diện chiến lược phát triển biển. Từ năm 2020 đến giữa thế kỷ, thực hiện toàn diện chiến lược phát triển biển, khai thác với quy mô lớn tài nguyên và năng lượng biển, xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế biển.

Trong chính sách ngoại giao năng lượng, Trung Quốc chú trọng lấy hợp tác khu vực làm nền tảng mà mục tiêu chiến lược là xây dựng “Cộng đồng năng lượng Đông Bắc Á”. Hiện nay, Đông Bắc Á là một trong những thị trường năng lượng lớn của thế giới cùng với Mỹ và châu Âu. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều là những nước phải dựa vào một lượng lớn dầu mỏ nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì như hiện nay, an ninh năng lượng sẽ là vấn đề nóng bỏng mà các nước Đông Bắc Á phải đối mặt. Về lĩnh vực năng lượng, cả ba nước này mặc dù mỗi nước đều có ưu thế riêng có thể bổ sung cho nhau,nhưng có sự cạnh tranh quyết liệt và xung đột lợi ích gay gắt.

Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng chính sách ngoại giao năng lượng với các quốc gia, các khu vực để nắm sự chủ động trong việc bảo đảm an ninh năng lượng. Thậm chí, có người đã gọi ngoại giao năng lượng của Trung Quốc là ngoại giao vết dầu loang. Nó không đơn thuần chỉ phục vụ cho mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế, mà còn là cách thức để nước này đạt được những mục tiêu chiến lược cao hơn.

2. Tác động đối với Đông Nam Á

Đông Nam Á là khu vực có vị trí quan trọng trên con đường giao thông biển giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với eo biển Malacca được xem như là cửa ngõ duy nhất để vào thị trường rộng lớn ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong những năm đầu thế kỷ XXI,Trung Quốc gia tăng thực hiện chính sách “ngoại giao năng lượng” và hợp tác năng lượng với các quốc gia Đông Nam Á. Mặc dùtrữ lượng dầu mỏ, khí đốt ở khu vực chỉ đạt mức trung bình,nhưng với vị trí quan trọng về mặt địa chính trị của Đông Nam Á,Trung Quốc không thể “bỏ qua” khu vực này trong chính sách ngoại giao năng lượng của mình.Trung Quốc tiến hành hợp tác khai thác dầu khí với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á như: Inđônêxia; Việt Nam; Malaixia,Thái Lan,Campuchia và Myanma. Việc thực thi chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc đã tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế, chính trị, an ninh của Đông Nam Á theo hai hướng vừa tích cực vừa tiêu cực:

Chiến lược ngoại giao năng lượng này là góp phần thúc đẩyhoạt động thăm dò, khai thác, tìm kiếm và hợp tác ngoại giao năng lượng giữa các quốc gia trong khu vực. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, năm 2000,Trung Quốc nhập khẩu 3.158.500 tấn dầu thô của Việt Nam, với tổng trị giá 730 triệu USD, chiếm 78,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam; năm 2001, lượng dầu thô Trung Quốc nhập từ Việt Nam là3.360nghìntấn, dựa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất khu vực Đông Nam Á sang Trung Quốc, đồng thời là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 6 trên thế giới sang Trung Quốc(2).

Từ cuối năm 2007, Trung Quốc đã khởi công xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu nối cảng Sittwe (Myanma) với Côn Minh - thủ phủ của tỉnh Vân Nam. Kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt dài 2.380 km, dự kiến vận chuyển 170 triệu m3 khí đốt tự nhiên tới khu vực phía Tây Nam Trung Quốc trong vòng 30 năm tới đã được Chính phủ Trung Quốc triển khai. Công ty khai thác dầu mỏ và khí đốt Trung Quốc Sinopec và công ty CNPC, CNOOC đã tăng cường thăm dò tại bờ biển phía Tây Myanma.Dự kiến Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 160 triệu nhân dân tệ để phát triển cảng Myanma. Đây là cơ hội tốt cho quá trình đổi mới, mở cửa hội nhập của quốc gia này(3).

Như vậy, trong 2 thập niên đầu thế kỷ XXI Đông Nam Á vẫn là khu vực cung cấp và trung chuyển năng lượng quan trọng, phục vụ cho sự phát triển của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á vượt qua được những “rào cản” về an ninh,chủ quyền, tìm được những cơ chế hợp tác thích hợp, thì trong tương lai dầu mỏ sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy quan hệ song phương phát triển,đem lại hòa bình,an ninh và thịnh vượng chung cho khu vực.

Chiến lược ngoại giao năng lượng của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là vấn đề năng lượng mà nó còn nằm trong tổng thể chiến lược nước lớn, gây ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á và thế giới, nằm trong tiến trình độc chiếmBiển Đông của Trung Quốc. Vì thế, chiến lược ngoại giao năng lượng của Trung Quốc phức tạp, tác động rất tiêu cực đến khu vực Đông Nam Á trên nhiều phương diện cả về kinh tế, năng lượng, an ninh và quốc phòng. Hiện nay, quan hệ hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và ASEAN vẫn còn nhiều rào cản, đó là vấn đề Biển Đông, lợi ích chiến lược về dầu mỏ và vị trí quan trọng của vùng biển này chưa được giải quyết thỏa đáng. Chính sách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của Trung Quốc là bước đi kế tiếp của các chính sách an ninh năng lượng trong nước. Với chính sách này, Trung Quốc gần như có mặt ở tất cả các khu vực trên thế giới với danh nghĩa hợp tác kinh tế - chính trị - văn hóa.

Trên lĩnh vực hợp tác an ninh:Trung Quốc đã ký các hợp tác quân sự với Malaixia, Xinhgapo và Inđônêxia xung quanh việc đảm bảo an ninh toàn diện cho các tuyến đường hàng hải qua eo biển Malacca. Tầm quan trọng của Biển Đông đối với an ninh năng lượng Trung Quốc thể hiện ở các tuyến vận chuyển dầu lửa chiến lược qua khu vực này. Khoảng  85% nguồn nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc bắt buộc phải đi qua eo biển Malacca(4).

Chiến lược ngoại giao năng lượng của Trung Quốc, chiến lược phát triển biển của Trung Quốc và thực trạng năng lượng Trung Quốc trong những năm gần đây là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc đẩy mạnh quá trình tranh chấp chủ quyền Biển Đông với các nước ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc đề cập đến lợi ích hợp tác kinh tế để trung lập các thành viên ASEAN, tạo điều kiện cho Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự trên Biển Đông. Ngày 12-14đến 11-2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự các Hội nghị ASEAN+1, ASEAN+3 và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á diễn ra tại Myanma. Tại đây, Thủ tướng Trung Quốc đưa ra sáng kiến “tư duy kép” (song quỹ tư lộ) để giải quyết vấn đề Biển Đông: Một là, các tranh chấp có liên quan sẽ do các nước trực tiếp liên quan giải quyết hòa bình thông qua đàm phán hữu nghị.

Hai là, hòa bình và ổn định ở Nam Hải do Trung Quốc và các nước ASEAN cùng nhau bảo vệ duy trì(5).

Hiện nay, giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang diễn ra quá trình cạnh tranh trong khai thác các nguồn lợi từ dầu mỏ và khí đốt. Trung Quốc bày tỏ thái độ quyết liệt khi đề cập đến vai trò của mình tại Biển Đông. Trung Quốc đơn phương tuyên bố 80% diện tích mặt biển thuộc về chủ quyền của mình. Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc đã phô diễn sức mạnh hải quân trên Biển Đông. Các hành động trên của Trung Quốc gây ra một phản ứng dây chuyền từ các nước láng giềng trong vùng biển này(6).

Để lý giải hành động trên, cần xem xét Biển Đông đóng vai trò gì trong tổng thể chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc. Ngoài dầu lửa, thì khí thiên nhiên hiện nay là nguồn nhiên liệu loại hai của Trung Quốc, cộng với thế mạnh đây là nguồn nhiên liệu tương đối sạch, vì vậy, khí thiên nhiên có lợi hơn so với dầu lửa trong chính sách an ninh năng lượng của Trung Quốc. Thậm chí, trong thời điểm dầu lửa khủng hoảng, nếu dự trữ tốt loại nhiên liệu này, thì cũng bổ sung được phần nào lượng nhiên liệu thiếu hụt của Trung Quốc. Trong số các nước Đông Nam Á,Inđônêxia và Malaixia là hai quốc gia có trữ lượng khí thiên nhiên rất lớn, khoảng 2.800 tỷm3 , do đó, việc nhập khẩu khí đốt thiên nhiên từ Đông Nam Á và đầu tư thăm dò khai thác ở khu vực này rất có lợi cho an ninh dầu mỏ của Trung Quốc(7).

Trung Quốc đang áp dụng kế hoạch chiến lược ngoại giao “tăng sự tự tin” đối với khu vực Đông Nam Á. Sách lược kiểu tiệm tiến này gồm 2 phần. Phần thứ nhất là tái khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn”, đồng thời áp dụng hành động thực tế bảo vệ chủ quyền Biển Đông. Phần thứ hai tiếp tục tăng cường kết nối kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á, thu hút các nước này đi vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Có thể nói, những hành động của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông làm cho các nước liên quan rất khó đoán và sẽ đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi sự tham gia giải quyết của các bên.

Chính phủ Mỹ đã công bố báo cáo nghiên cứu về “đường 9 đoạn”, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc dựa trên đường này. Cần thấy rằng, kể cả khi Tòa án Trọng tài ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng sẽ phớt lờ phán quyết này(8). Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện mục tiêu kiểm soát hoàn toàn Biển Đông.

Để xử lý vấn đề Biển Đông, đòi hỏi các bên liên quan phải biết kiềm chế, thông qua đàm phán song phương lẫn đa phương và phải dựa trên nền tảng Công ước của Liên Hợpquốc về Luật Biển 1982 để giải quyết tranh chấp. Nhưng trên thực tế, những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay lại diễn biến theo chiều hướng ngược lại, các quốc gia Đông Nam Á cần có sự nỗ lực chung,vừa mềm dẻo vừa cương quyết trong thực hiện nguyên tắc chung “hợp tác cùng nhau khai thác,cùng nhau hưởng lợi” với quốc gia láng giềng này. Bởi trong các nước ASEAN còn 1/5 dân số vẫn sống trong cảnh thiếu điện, nhu cầu năng lượng của khu vực sẽ tiếp tục tăng khoảng 80% trong giai đoạn đến năm 2035.

Như vậy, chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc đã và đang gây tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến tình hình kinh tế-chính trị,an ninh và hòa bình đối với các nước ASEAN nói riêng và Đông Nam Á nói chung.Chính sách này cũng để lại cho các nước ASEAN,trong đó có Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình hợp tác,đấu tranh với Trung Quốc. Trong những năm tới,chính sách ngoại giao năng lượngcủa Trung Quốc tiếp tục là một nhân tố chính làm cho quan hệ quốc tế ở khu vực thêm phức tạp và căng thẳng.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2015

(1) Dẫn theo Báo Tham khảo kinh tế - 12/5 trích lại từ Thời báo New York, Lượng nhập khẩu dầu thô tháng 4-2015 của Trung Quốc đạt mức gần 7,4 triệu thùng/ngày (tương đương với 1/13 lượng tiêu thụ dầu thô mỗi ngày của toàn thế giới), đã thay Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu thô số một thế giới (Mỹ là 7,2 triệu thùng/ngày).

(2) Thông tấn xã Việt Nam: Trung Quốc và vấn đề năng lượng ở Đông Nam Á, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 24-9-2004, tr.15.

(3) Dẫn theo: Chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc, http://dangcongsan.vn, ngày 29-10-2007.

(4), (6), (7), (8), (9) Dẫn theo Nguyễn Minh Mẫn: Chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ XXI, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2015,  tr.176.

(5) Dẫn theo: Trung Quốc & Biển Đông 2015: Nỗ lực kiểm soát thực tế, ngày 14-01-2015.

 

PGS, TS Thái Văn Long

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS Lương Công Lý

Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền