Trang chủ    Quốc tế     Chiến lược quảng bá sức mạnh mềm của Nhật Bản và kinh nghiệm đối với Việt Nam
Thứ ba, 31 Tháng 5 2016 10:10
6371 Lượt xem

Chiến lược quảng bá sức mạnh mềm của Nhật Bản và kinh nghiệm đối với Việt Nam

(LLCT) - Mục tiêu gia tăng quyền lực mềm của Nhật Bản là phổ biến, quảng bá hình ảnh của một quốc gia hòa bình, qua đó, khẳng định các giá trị văn hóa Nhật Bản sẽ có ích cho các nước khác. Tất cả đều nhằm giúp cho Nhật Bản vươn tới việc đảm nhận vai trò lãnh đạo lớn hơn trong cộng đồng quốc tế. Không chỉ vậy, việc gia tăng quyền lực mềm còn được kỳ vọng có thể mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa ra nước ngoài, góp phần giúp nền kinh tế Nhật Bản phục hồi và tăng trưởng trở lại.

1. Khái niệm “quyền lực mềm”, “sức mạnh mềm” mới xuất hiện từ thập kỷ 90 thế kỷ XX, song ở Nhật Bản, những nội dung cơ bản của luận thuyết này đã được sử dụng từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Trên thực tế, phương hướng chiến lược phát triển văn hóa của Nhật Bản đã định hình và được triển khai toàn diện, bao hàm cả những giá trị kinh tế, chính trị, ngoại giao, giáo dục mang đặc trưng nền văn hóa Nhật Bản, nhằm khắc họa hình ảnh nước Nhật yêu chuộng hòa bình, phát triển hài hòa, nhiệt tình và thân thiện.

Chính sách văn hóa này trải qua nhiều giai đoạn: trong những năm 1950 và 1960, mục tiêu đặt ra là chuyển đổi hình ảnh Nhật Bản từ một nước quân phiệt trong chiến tranh sang một hình ảnh mới, quốc gia yêu chuộng hòa bình; giai đoạn 1960 - 1970, chính sách ngoại giao văn hóa tập trung vào mục tiêu tạo ra hình ảnh một nước Nhật hòa bình, có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ; giai đoạn đầu những năm 1980, khi nền kinh tế Nhật Bản đã trưởng thành và có tầm ảnh hưởng lớn ra thế giới, đối tượng mà chính sách ngoại giao văn hóa của Nhật Bản hướng tới là các quốc gia châu Á; từ những năm 1990 trở đi, Nhật Bản bắt đầu chú trọng phát triển văn hóa đại chúng - “Pop Culture” nhằm quảng bá hình ảnh, tăng cường “bản sắc Nhật Bản” ở nước ngoài.

Từ đầu thế kỷ XXI, khái niệm “quyền lực mềm” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trong các cuộc bàn luận và văn bản hoạch định chính sách của Chính phủ Nhật Bản. Song, phải tới năm 2004, khái niệm này mới được đề cập một cách chính thức trong “Sách Xanh” ngoại giao. Năm 2003, Bộ Ngoại giao cùng với Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tiến hành cuộc khảo sát toàn diện về các tổ chức và các chương trình trao đổi văn hóa của nước này với các quốc gia phương Tây. Trên cơ sở đó, năm 2004, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Bộ phận đặc biệt trực thuộc Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề ngoại giao cộng đồng hay ngoại giao công chúng (Public Diplomacy), đồng thời Ủy ban đặc trách phát triển ngoại giao văn hóa Nhật Bản cũng được thành lập, nhằm phục vụ cho những hoạt động quảng bá văn hóa truyền thống của xứ sở “mặt trời mọc” tới các quốc gia trong khu vực Đông Á. Ngoại giao văn hóa đại chúng là một vũ khí quan trọng trong kho vũ khí của sức mạnh thông minh, và từ lâu đã được xem như một công cụ để quảng bá sức mạnh mềm của một quốc gia. Ngoại giao văn hóa đại chúng cố gắng trở nên hấp dẫn bằng cách thu hút sự chú ý đối với những nguồn lực tiềm năng đó thông qua các chương trình phát sóng, trợ cấp cho xuất khẩu văn hóa, các chuyến giao lưu trao đổi, v.v.. Đây được cho là những dấu hiệu bước đầu trong quá trình nâng cao quyền lực mềm của Nhật Bản.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa trong ngoại giao quốc tế, tháng 12-2005, dưới thời Thủ tướng Kozumi, Chính phủ Nhật Bản đã công bố chiến lược ngoại giao văn hoá thế kỷ XXI. Nội dung Chiến lược gồm ba mục tiêu và ba trụ cột:

Ba mục tiêu là: Tăng cường hiểu biết của thế giới về Nhật Bản, nâng cao hình ảnh, cũng như lòng tin của các quốc gia đối với Nhật Bản; Tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn minh, văn hóa, tránh khỏi mọi cuộc xung đột; Nuôi dưỡng những giá trị văn hoá chung của toàn nhân loại.

Ba trụ cột tinh thần là: (1) Truyền bá: Truyền bá văn hóa được coi là trụ cột lớn nhất, thông qua các hoạt động được coi là công cụ truyền bá, như: phổ cập tiếng Nhật, giao lưu văn hoá nghệ thuật, trò chơi, phim hoạt hình, truyện tranh, âm nhạc, điện ảnh, truyền hình, thời trang... (2) Hấp thu: Lịch sử văn hoá Nhật Bản là lịch sử “hấp thu” các tinh hoa của các nền văn hoá khác nhau, trên các lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy, “hấp thu” được coi là nguồn kích hoạt kích thích nền văn hoá Nhật Bản phát triển. Với chính sách ngoại giao văn hóa ở thế kỷ XXI, Nhật Bản đã đưa ra chính sách “hấp thu có sáng tạo”, biến Nhật Bản thành nơi “sáng tạo văn hóa” tràn đầy sức sống. 3) Cộng sinh: Thực chất của chiến lược này là nâng cao “lòng tôn sùng và cộng sinh”. Các phương thức thúc đẩy cộng sinh là thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn minh, truyền bá quan niệm cơ bản của hợp tác quốc tế Nhật Bản, thiết lập “Tập  đoàn tài chính hợp tác quốc tế về tài sản văn hóa”, thúc đẩy hợp tác quốc tế, bảo vệ, tu sửa tài sản, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của nhân loại.

Báo cáo “Nghiên cứu liên quan đến chiến lược phát triển công nghiệp giải trí” (tháng 5-2010) của Bộ Công thương Nhật Bản khẳng định “Công nghiệp giải trí là mũi nhọn” (Content is King), đồng thời đưa ra Đề án “Chiến lược tăng trưởng công nghiệp giải trí” (14-5-2010); Đề án “Hướng tới một cường quốc Công nghiệp văn hóa: Vai trò lãnh đạo của công nghiệp hóa” (6-2010). Ngày 8-6-2010, Bộ Kinh tế Nhật Bản đã tuyên bố chiến lược mới về xây dựng “Phòng văn hóa Nhật Bản” trên cơ sở thống nhất ý tưởng của các đề án về “Chấn hưng ngành công nghiệp văn hóa Nhật Bản” do các ban ngành thuộc Bộ kinh tế Nhật Bản đóng góp. Cũng trong năm 2010, Hội nghị Chiến lược Nhật Bản được tổ chức, với nội dung chính là xây dựng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa trong nước và xúc tiến khai thác thị trường nước ngoài. Thông qua Hội nghị chiến lược, một loạt chiến dịch tổng hợp nhằm quảng bá văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài đã được thực hiện, trong đó nổi bật là Chiến dịch quảng bá văn hóa ẩm thực do Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp tiến hành, Chiến dịch thu hút khách du lịch đến Nhật Bản do Sở Du lịch đảm nhiệm, Chiến dịch Lễ hội văn hóa và Giáo dục sáng tạo được phối hợp bởi các trường đại học và các cơ quan văn hóa như Cục văn hóa Tokyo và phòng văn hóa các địa phương.

Bên cạnh yếu tố văn hóa, các yếu tố khác cũng góp phần quan trọng nâng cao giá trị quyền lực mềm của Nhật Bản như xã hội ổn định, tinh thần bền bỉ, kiên cường, kỷ luật tốt trong các thảm họa, sức mạnh khoa học công nghệ, sự tham gia và vai trò chủ chốt của Nhật Bản trong các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức các nước phát triển OECD (Nhật Bản cũng là một trong những sáng lập viên của G7 vào năm 1975, APEC vào năm 1989, và của WTO năm 1995)…

Nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, Chính phủ Nhật Bản đã luôn đóng vai trò “đạo diễn”, thực hiện tốt vai trò điều hành hoạt động phát triển quyền lực mềm quốc gia. Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn lớn, các công ty Nhật Bản hoạt động trên phạm vi toàn cầu cũng góp phần không nhỏ chuyển tải giá trị văn hóa Nhật Bản ra thế giới. Trước hết, có thể nhận thấy điều này rất rõ qua các hoạt động ngoại giao, trong các ấn phẩm đã được công bố của Chính phủ Nhật Bản. Không chỉ vậy, các nhà lãnh đạo cũng thường bộc lộ rõ những ý tưởng về một Nhật Bản mà họ muốn truyền tải tới cộng đồng thế giới. Trong bài phát biểu trước Thượng Nghị viện về xây dựng tầm nhìn Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định mục tiêu tiến đến “một quốc gia có giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử và là quốc gia đáng tin cậy, tôn trọng, yêu thương trên thế giới, một quốc gia thể hiện vai trò lãnh đạo của mình”. Ông cũng nhấn mạnh đến chiến lược ngoại giao công chúng thông qua văn hóa đại chúng bởi “đó là tinh túy của Nhật Bản trong thời đại hiện nay, nó thể hiện được bản sắc quốc gia mới của Nhật Bản trong cộng đồng thế giới, đó là lý tưởng, là phương hướng, là những gì chúng ta nên khao khát và là cách chúng ta truyền đạt “Japanese” của chúng ta với thế giới. Tôi sẽ tập hợp trí tuệ từ khắp Nhật Bản để thực hiện một chiến lược quan hệ công chúng ở nước ngoài”. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Aso cũng làm sáng tỏ mục đích của Chính phủ khi chuyển hướng ngoại giao chính trị sang ngoại giao công chúng, bởi theo ông: “Hình ảnh hiện ra trong tâm trí của một ai đó khi họ nghe thấy tên Nhật Bản là gì? Có phải là một hình ảnh tươi sáng và tích cực? ấm áp? hấp dẫn? Những hình ảnh tích cực in dấu trong tâm trí của người nước ngoài sẽ trở nên dễ dàng hơn cho Nhật Bản về lâu dài”. Kenjiro Monji, phụ trách Ngoại giao công chúng của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng, văn hóa đại chúng và những gì có liên quan đến lĩnh vực này là tiềm năng lớn để giới thiệu văn hóa Nhật Bản với các nước khác. Bên cạnh đó, văn hóa Nhật Bản có sức mạnh kết hợp các yếu tố văn hóa mới khác nhau, bao gồm cả ý tưởng từ nước ngoài trong khi nó vẫn gìn giữ và khởi nguồn từ truyền thống, do đó nó “đặc biệt đa dạng”.

Như vậy, mục tiêu gia tăng quyền lực mềm của Nhật Bản là phổ biến, quảng bá hình ảnh của một quốc gia hòa bình, qua đó, khẳng định các giá trị văn hóa Nhật Bản sẽ có ích cho các nước khác. Tất cả đều nhằm giúp cho Nhật Bản vươn tới việc đảm nhận vai trò lãnh đạo lớn hơn trong cộng đồng quốc tế. Không chỉ vậy, việc gia tăng quyền lực mềm còn được kỳ vọng có thể mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa ra nước ngoài, góp phần giúp nền kinh tế Nhật Bản phục hồi và tăng trưởng trở lại.

2. Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia châu Á có nhiều nét tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và cùng chịu ảnh hưởng chung của dòng văn hóa phương Đông, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa. Tìm hiểu, nghiên cứu về chính sách ngoại giao nói chung và chiến lược xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước nói riêng của Nhật Bản sẽ cung cấp những bài học kinh nghiệm tham khảo hết sức quý báu, hữu ích đối với Việt Nam trong quá trình phát triển.

Nhìn lại thành công trong chiến lược quảng bá sức mạnh mềm của Nhật Bản, có thể đúc kết một số kinh nghiệm của quốc gia này là: Thứ nhất, cần hoạch định một chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia sâu rộng, với những mục tiêu cụ thể, được kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ với các bộ, ban, ngành, các cấp, từ trung ương tới địa phương. Thứ hai, trước khi quảng bá hình ảnh quốc gia đến nước khác, cần tìm hiểu kỹ văn hóa, phong tục tập quán của quốc gia đó, trên cơ sở hiểu rõ, nắm chắc thế mạnh của đất nước mình, từ đó nhấn mạnh những yếu tố tương đồng, phù hợp với nước bạn, song vẫn bảo đảm những giá trị đặc trưng của quốc gia. Thứ ba, biết kết hợp một cách hài hòa, tinh tế giữa những yếu tố, những giá trị truyền thống với phong cách và trào lưu hiện đại.

Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, những năm qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện công cuộc CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức rõ việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh quốc gia có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại. Với mục tiêu tiến kịp thời đại, hội nhập với thế giới, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh mẽ. Từ hình ảnh một dân tộc anh hùng, bất khuất trong chiến tranh, Việt Nam ngày nay trong tâm trí bạn bè quốc tế là một đất nước yêu chuộng hòa bình, là điểm đến an toàn, với chế độ chính trị ổn định, chính sách đối ngoại cởi mở, thông thoáng và nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao. Con người Việt Nam mưu trí, kiên cường trong quá khứ, nay trở thành lực lượng lao động trẻ cần cù, chịu khó sáng tạo, năng động và cũng rất thân thiện, mến khách với bạn bè quốc tế. Việt Nam còn là điểm đến du lịch hấp dẫn những thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Có thể nói, công tác quảng bá hình ảnh đất nước của Chính phủ và nhân dân Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chúng ta đã quảng cáo, giới thiệu với bạn bè quốc tế một nước Việt Nam có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế, góp phần tạo dựng giá trị sức mạnh mềm của Việt Nam, mặt khác  cũng thúc đẩy sự hiểu biết và tăng cường tình hữu nghị, quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu, học hỏi từ thành công của các nước có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực phát huy sức mạnh mềm, Việt Nam đã và đang tập trung nguồn lực, hướng tới việc nâng cao chiến lược quốc gia về quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, với mục tiêu khẳng định vị thế đất nước, vững tin tham gia hội nhập khu vực và quốc tế.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử số 9-2015

ThS Ngô Phương Anh

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền