Trang chủ    Quốc tế    Mô hình “Cánh đồng lớn” ở một số nước và kinh nghiệm đối với Đồng bằng Sông Cửu Long
Thứ hai, 06 Tháng 6 2016 14:59
6896 Lượt xem

Mô hình “Cánh đồng lớn” ở một số nước và kinh nghiệm đối với Đồng bằng Sông Cửu Long

(LLCT) - Các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được áp dụng và triển khai ở hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước đang phát triển và các nước phát triển. Những liên kết thành công là các môhình liên kết mang lại lợi ích cho cả người sản xuất (nông dân) và doanh nghiệp (chế biến và tiêu thụ sản phẩm).

1. Thái Lan

Kinh nghiệm của Thái Lan trong thực hiện nông nghiệp hợp đồng là: Chỉ những ngành hàng có đủ điêu kiện thì liên kết mới thành công, yêu cầu nông dân đầu tư vào tài sản chuyên biệt và vai trò nhà nước là hết sức quan trọng.

Việc lựa chọn ngành hàng để thực hiện liên kết ởThái Lan tập trung vào một số ngành hàng như: gà, rau an toàn, khoai tây chiên, mía đường, sản xuất giống cây trồng. Đó là những sản phẩm chuyên biệt hoặc yêu cầu khoa học kỹ thuật cao. Cũng có những thử nghiệm thất bại như giữa thập niên 1980, được sự hỗ trợ của Ngân hàng nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp (Bank of Agriculture and Agricultural Cooperatives - BAAC), Công ty CP ký hợp đồng nuôi tôm và sản xuất lúa nhưng đều thất bạido nông dân không chấp nhận giá cố định do CP đưa ra. Từ thất bại của CP, công ty vốn rất thành công trong thực hiện nông nghiệp hợp đồng nhưng lại thất bại trong sản xuất tôm, lúa là những nông sản có tính phổ biến, cho thấy nông nghiệp hợp đồng không thể thích hợp với mọi loại cây con.

Về nội dung và hình thức liên kết.Ở Thái Lan ngoài hìnhthức cấu trúc tập trung, hình thức trang trại hạt nhân được chú trọng thực hiện. Công ty Frito-lay International Co., Ltd. thực hiện hợp đồng với nông dân sản xuất nguyên liệu làm khoai tây chiên theo mô hình tập trung như CP. Công ty Frito-lay cũng cung cấp giống, kỹ thuật, đầu vào và nhận lại sản phẩm từ nông dân. Năm 1995, Frito-Lay mua lại Công ty TNHH Trang trại NS (NS Farm Co., Ltd) của Tập đoàn United Foods ở San Sai. Họ tiếp nhận các nhóm nông dân của NS Farm và thành lập thêm nhóm nông dân khác để thực hiện sản xuất theo hợp đồng dưới mô hình trang trại hạt nhân.Mô hình trang trại hạt nhân cũng phổ biến ở các doanh nghiệp kinh doanh trang trại ở Thái Lan như Công ty CP trong sản xuất giống lúa và bắp; Euro Asian Seeds Co. Ltd., Saha Farm Co. Ltd.

Công ty CP rất thành công trong hợp đồng với nông dân nuôi gà, lợn với số lượng lớn và ít vi phạm hợp đồng. Doanh nghiệp đầu tư thức ăn, con giống, thuốc thú y, khoa học công nghệ và nông dân phải tự bỏ vốn ra đầu tư vào xây dựng chuồng trại, thiết bị chăn nuôi là những tài sản chuyên biệt có giá trị lớn (Asset specificity)chỉ có thể sử dụng để nuôi heo, gà theo công nghệ của CP. Người nông dân sẽ bị cột chặt vào hợp đồng vì nếu không nuôi gà cho CP thì tài sản đó rất khó sử dụng vào việc khác.

Vai trò của Nhà nước và các tổ chức xã hội là rất quan trọng. Chính phủ Thái Lan có vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thụ nông sản thông qua hình thức hợp đồng. Bên cạnh việc trợ giúp mối liên kết có tính chiến lược giữa các nhà sản xuất và tiêu thụ, Chính phủ xây dựng luật, tiêu chuẩn và các quy định cần thiết để hợp đồng tiêu thụ nông sản được thực hiện một cách chặt chẽ. Điển hình như việc ban hành Luật mía đường B.E.- 2527, theo đó, Nhà nước có trách nhiệm xác định chỉ tiêu sản xuất hàng năm, xác định công thức định giá mua mía cho nông dân để các doanh nghiệp chế biến mua mía cho nông dân trồng mía. Trên lý thuyết, Chính phủ kiểm soát chặt giá cả, ban hành hạn mức, giám sát hoạt động của doanh nghiệp chế biến đường tư nhân; Chính phủ đề xuất việc chia lợi nhuận ròng theo tỷ lệ người trồng mía 70% và doanh nghiệp chế biến nhận 30%.

Để phát triền hình thức sản xuất theo hợp đồng, nhiều cơ quan, tổ chức của Chính phủ đã tham gia vào xúc tiến việc sản xuất theo hợp đồng như Ủy ban Đầu tư (BOI- Board of Investment), Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia (NESDB - National Economic and Social Development Board),... Tuy nhiên, có hai tổ chức hỗ trợ phát triển mạnh sản xuất theo hợp đồng là Cục khuyến nông (DOAE - Department of Agricultural Extension) thuộc Bộ Nông nghiệp và HTX và BAAC thuộc Bộ Tài chính. Hai cơ quan này xúc tiến việc mở khóa tập huấn cho hộ dân, phát triển các mô hình liên kết để phổ cập trong thực tiễn. Để đảm bảo công bằng cho các bên, năm 1999, Cục Nội thương đã ban hành quy định về các điều khoản trong thỏa thuận sản xuất theo hợp đồng.

Các tổ chức xã hội thể hiện vai trò trong việc hình thành và phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàngnhư: Hiệp hội những người trồng mía, hiệp hội nhà máy đường, các hiệp hội cử người tham gia bộ máy quản lý ngành mía đường thực hiện luật mía đường.

2. Malaysia                                             

Malaysia tăng quy mô các cánh đồng lớn qua 3 hình thức:

1) Doanh nghiệp thuê những mảnh đất nhỏ của nông dân và tổ chức sản xuất;

2) Nông dân tập hợp lại thành HTX và tổ chức sản xuất trên cánh đồng lớn từ những mảnh ruộng của xã viên;

3) Doanh nghiệp thu mua tích tụ ruộng đất từ các mảnh ruộng liền kề phát triển thành những cánh đồng lớn.

Chính phủ Malaysia chủ trương khuyến khích phát triển các cánh đồng lớn sản xuất lúa nhằm tăng năng suất, lợi nhuận, giảm chi phí, còn làm giảm áp lực do thiếu lao động nông nghiệp cũng như giảm xu hướng đất lúa bị chuyển đổi mục đích sang cây trồng có lợi nhuận lớn hơn. Điều này được thể hiện rất rõ nét ở quy mô và trình độ phát triển rất cao ở cánh đồng lớn, điển hình tại huyện Sekinchan thuộc bang Selangor, bang trù phú nhất của Malaysia, cách Kuala Lumpur khoảng 100 km.

Về quy mô, cánh đồng lớn này có diện tích 3.000 ha, nhưng được chia thành hơn 2.000 thửa, mỗi thửa có chiều dài trong khoảng 200 - 250 m, chiều rộng 45 - 60 m và diện tích là 1,2 ha(1). Ngăn cách giữa hai thửa ruộng về chiều rộng là một mương tiêu nhỏ rộng một mét và ngăn cách về chiều dài là một mương nổi cấp nước được xây dựng bằng bê tông, phía mỗi đầu bờ ruộng là mương tiêu chung rộng 4 m. Hai bên mương tiêu chung là đường giao thông. Trong đó, một đường bê tông nhựa, còn một đường cấp phối dành cho xe nông cơ các loại.

Vềtrình độ canh tác, hầu như toàn bộ công việc chính như cày bừa, trang đất đã được cơ giới hóa bằng máy nông cơ gắn theo máy cày công suất 90 sức ngựa, còn khâu cấy thì hoàn toàn sử dụng máy cấy công suất 4 ha/ca của hãng Kobuta Nhật Bản.

Hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Hệ thống tưới vận hành dễ dàng. Việc tiêu nước được tiến hành tự động nhờ van đặt ở vị trí cố định.

Việc bón phân được cơ giới hóa một phần bằng việc sử dụng máy cao áp ở đầu bờ, chỉ việc kéo dây để phun; phun thuốc trừ sâu còn dùng máy đeo lưng nên hiệu suất chưa cao. Hai công việc này, một số nông dân đã thuê lao động từ Indonesia, Ấn Độ.

Khâu thu hoạch đã sử dụng máy gặt đập liên hợp công suất lớn (hàm cắt rộng 3,8 m) của hãng New Holland, lúa hạt sau đó được bơm lên ô tô chở về kho của công ty mua lúa.

Về máy móc, thiết bị canh tác, không phải nông dân trồng lúa nào ở đây cũng tự trang bị, mà chỉ có những người có 10 ha trở lên mới sắm máy riêng, còn phần lớn thuê dịch vụ của các công ty tư nhân. Đây là những công ty nhỏ có văn phòng, trụ sở, kho tàng, bến bãi ngay tại cánh đồng và kinh doanh theo kiểu khép kín, từ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến dịch vụ canh tác, thu hoạch - mua bán lúa gạo, một số còn mởcác điểm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.

Về năng suất lúa, tại cánh đồng lớn này là khoảng 10-12 tấn/ha; tổng năng suất hai vụ đạt trên 20 tấn/ha, tức là ít nhất cũng cao gấp 3 lần so vớinăng suất trung bình của chính quốc gia này.

Về giá thành sản xuấtlúa, bình quân mỗikg lúa cả năm là khoảng 0,45 - 0,5 ringgit (3.200 - 3.500 VNĐ). Trong khi, giá bán lúa của nông dân là 1 ringgit (7.000 VNĐ). Bên cạnh đó, nông dân còn được nhận thêm khoản trợ cấp 0,2 ringgit/kg lúa của Chính phủ Malaysia.

Như vậy, lợi nhuận của nông dân trồng lúa đạt khoảng 50 - 55%, còn nếu tính cả khoản trợ cấp của Chính phủ thì lên tới 70 - 75% và tổng thu nhập đạt 98 - 105 triệu VNĐ/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với canh tác lúa theo cách thức cổ truyền của chính quốc gia này.

Việc năng suất lúa và hiệu quả kinh tế trồng lúa của cánh đồng lớn này cao như vậy bắt nguồn từ 5 nguyên nhân:

- Đồng ruộng bằng phẳng nên tiết kiện được phân bón và nước tưới, lúa phát triển tốt đồng đều;

- Có kênh tướiriêng và tiêu riêng nên chất lượng nước trên mặt ruộng luôn luôn tốt.

- Các khâu từ làm đất đến cấy và thu hoạch lúa, hầu hết được cơ giới hóa triệt để nên giá thành thấp hơn;

- Giống lúa tốt và là giống sinh trưởng dài ngày (115 ngày so với giống của Việt Nam chỉ xấp xỉ 100 ngày) hạt dài trên 7 mm, tỷ lệ hạt lép hầu như không đáng kể, nên năng suất cao;

 - Hầu hết các chủ ruộng đều là những nông dân có kiến thức, còn những nông dân có trình độ thấp hơn đều chọn cách cho thuê ruộng với giá 7-10 triệu VNĐ/ha/vụ.

Thực tế cho thấy, nhờ được đầu tư thiết bị hiện đại và trình độ canh tác cao, giống tốt, năng suất và hiệu quả canh tác lúa tại các cánh đồng lớn ở Malaysia cao hơn so với sản xuất lúa theo cách thức cổ truyền. Nên nếu tiếp tục được đầu tư nhân rộng ra các diện lích lúa rất hữu hạn của mình, quốc gia này có thể khắc phục được chí ít là về cơ bản tình trạng có tới khoảng 40% trong tổng khối lượng gạo tiêu dùng trong thập kỷ gần đây là phải dựa vào nguồn nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng.

Có thể thấy rằng mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn như tại Malaysia là tương đối gần với các mô hình cánh đồng lớn đang hình thành và phát triển tại Việt Nam. Đó là có sự liên kết chặt chẽ, công khai minh hạch giữa nôngdân và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các bên tham gia liên kết. Trong mô hình này đã có sự kết hợp của những người nông dân sản xuất riêng rẽ vào sản xuất cùng nhau trong CĐL để có quy hoạch và xây dựng hạ tầng đồng bộ phục vụ cho sản xuất, phát huy tối đa tính kinh tế của quy mô. Các liên kết được thực hiện hoàn thiện và đồng bộ từ sản xuất, quy hoạch, bảo quản, chế biến và bánsản phẩm cuối cùng. Trong mô hình này không chỉ có các liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp mà có sự gắn kết giữa những người nông dân trong mô hình với nhau. Kinh nghiệm trong việc bố trí thể chế, không gian và hình thức liên kết cũng như sự vào cuộc của các đơn vị cung cấpdịch vụ công của nhà nước trong mô hình tại bang Selangor của Malaysia là bài học tốt cho việc định hình, nhân rộng và phát triển các mô hình liên kết CĐL tại Việt Nam.

3. Trung Quốc

Trong chương trình hiện đại hóa nông nghiệp, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyên khích sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng nhằm giúp ngành nông nghiệp thu được nhiều lợi nhuận và có sức cạnh tranh. Sản xuất theo hợp đồng được xem là hình thức hiệu quả để liên kết nông dân sản xuất nhỏ lẻ với các doanh nghiệp chế biến lớn. Từ những năm 1990, hợp đồng bao tiêu nông sản đã được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ nhằm tăng cường doanh thu và tính cạnh tranh của việc sản xuất nông nghiệp.

Các số liệu gần đây cho thấy số lượng các công ty kinh doanh nông sản tham gia hợp đồng bao tiêu nông sản đã tăng 5 lần từ năm 1996 đến năm 2002 từ 8.377 lên 46.060. Số hộ nông dân đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp là gần 72.650.000 hộ vào năm 2002. Tỷ lệ các hộ nông dân tham gia vào hợp đồng bao tiêu nông sản tăng từ 10% giữa năm 1996 lên 30% năm 2002 (Niu, 2006).

Trong địa bàn tỉnh Triết Giang, 72% doanh nghiệp kinh doanh nông sản tham gia hợp đồng bao tiêu nông sản có hơn 75% các hộ nông dân đã ký hợp đồng hoặc đạt được các điều kiện để ký kết. Từ sự thành công của Trung Quốc trong thực hiện liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến nông sản với nông dân có thể rút ra 3 kinh nghiệm.

(1) Lựa chọn ngành hàng có đủ điều kiện để thực hiện liên kết. Việc thực hiện liên kết trước hết tập trung cho một số ngành hàng nông sản có tính chuyên biệt cao và có yêu cầu cao về chất lượng,nhất là bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm như: chế biến rau, chế biến thịt, nuôi trồng thủy sản, chế biến dầu, tơ tằm, bông vải, nấm và sữa. Tuy nhiên, tỷ lệ ký hợp đồng nhiều nhất là ngành chế biến thực phẩm, nuôi trồng thủy sản và chế biến sữa.

(2) Sử dụng nhiều hình thức liên kết phù hợp. Ở Trung Quốc, có hai hình thức tổ chức cấu trúc được sử dụng tại các doanh nghiệp tham gia hợp đồng bao tiêu nông sản. Mô hình tập trung, trong đó, 1 đơn vị sẽ ký hợp đồng trực tiếp với nhiều hộ nông dân, được xem như “công ty+ các hộ nông dân”.Hình thức được sử dụng rộng rãi thứ hai là doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng với các các hộ nông dân thông qua 1 bên trung gian, ví dụ như hội đoàn nông dân, người trung gian, hoặc hội đồng làng, được xem như “công ty + trung gian + các hộ nông dân”. Giá cả thỏa thuận trong các hợp đồng liên kết ở Trung Quốc có 3 hình thức: giá cố định, giá sàn và giá theo thị trường.

(3) Vai trò của Nhà nước. Để thúc đẩy sản xuất theo hợp đồng, Chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn và chỉ định các doanh nghiệp (trung ương hoặc địa phương) có tiềm lực kinh tế, quy mô lớn, có kỹ thuật và công nghệ ký kết hợp đồng trực tiếp với nông dân được gọi là “Doanh nghiệp đầu rồng”,Ủy ban phối hợp phát triển công nghiệp hóa nông nghiệp quốc gia (The National Agricultural Industrialisation Development Joint Committee) đưa ra tiêu chuẩn và giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp này. Nhờ đó, việc sản xuất theo hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao.

Nhìn chung, sản xuất theo hợp đồng ở Trung Quốc thực hiện nhờ vào chính sách công nghiệp hóa nông nghiệp. Nông dân và doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng sản xuất theo hợp đồng nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp và nông dân tham gia sản xuất theo hợp đồng. Sản xuất theo hợp đồng thành công còn tùy thuộc vào loại sản phẩm. Các sản phẩm đòi hỏi chế biến ngay và yêu cầu vệ sinh thực phẩm dễ dàng thực hiện sản xuất theo hợp đồng hơn những sản phẩm khác.

4. Kinh nghiệm Việt Nam

Tỉnh Tây Ninh

Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực chiếm khoảng 40% GDP của tỉnh Tây Ninh đạt mức tăng trưởng khá. Trong giai đoạn 2001 - 2010, giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh Tây Ninh liên tục tăng với tốc độ tăng bình quân đạt khá cao (7,86%/năm), trong đó cao nhất là chăn nuôi: 13,66%/năm và thuỷ sản 11,53%; còn giai đoạn 2011 - 2014 tốc độ tăng trưởng đạt 5,5%. Đây là những con số khá ấn tượng trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn, là kết quả từ chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, sự nỗ lực của nhân dân, trong đó phải kể đến mô hình liên kết bốn nhà.

Tây Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong tổ chức mô hình liên kết “4 nhà”, năm 2008 triển khai tại 2 xã An Thạnh và Long Chữ, huyện Bến Cầu, với diện tích 160,5 ha,130 hộ nông dân tham gia. Từ mô hình này, cánh đồng lớn được triển khai ở nhiều tỉnh, thành khác.

Từ tiêu chí ban đầu chỉ là quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đến cánh đồng lớn, thâm canh lúa hiệu quả theo hướng VietGAP, rõ ràng mô hình đã có sức lan tỏa, khẳng định hiệu quả từ một chủ trương đúng.

Trước đây, nông dân tại những cánh đồng của xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh trồng lúa theo kiểu mạnh ai nấy làm. Vì thế, cây lúa là cây nông nghiệp chủ lực nhưng năng suất thấp. Sau khi triển khai mô hình liên kết này (còn có tên gọi là cánh đồng lớn) ở Tây Ninh cũng giúp bà con xóa bỏ dần lối sản xuất theo tập quán cũ sang sử dụng các phương pháp canh tác tiên tiến hơn, có sự liên kết với nhau trong sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hóa đồng nhất, có chất lượng cao; thay đổi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trở ngại cho việc cơ giới hóa trong canh tác và thu hoạch. Đặc biệt là, với mô hình mới này, nông dân đã có ý thức hơn trong việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu trên đồng rộng để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ thiên địch có lợi.

Mô hình thí điểm thành công tốt đẹp, được nông dân nhiệt tình hưởng ứng, đã dẫn tới quyết định của tỉnh Tây Ninh mở rộng quy mô của mô hình lên 593 ha trên lúa đông xuân 2009-2010 và hè thu năm 2010 ở 4 xã thuộc 4 huyện: Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu và Châu Thành với 455 hộ nông dân tham gia. Kết quả, nông dân trong mô hình thu được lợi nhuận cao hơn nông dân ngoài mô hình 2.765.597 đồng/ha/vụ. Trên đà thành công, vụ đông xuân năm 2011-2012, mô hình được nhân lên với tên gọi mới “Mô hình liên kết 4 nhà, thâm canh lúa hiệu quả, bền vững theo hướng VietGAP” trên địa bàn 11 xã, thuộc 6 huyện, với 920,75 ha, 653 hộ nông dân tham gia.

Nông dân trong mô hình đều sử dụng lúa giống cấp xác nhận, quen dần với biện pháp kỹ thuật sạ thưa, sạ hàng; gieo sạ tập trung né rầy; xử lý giống bằng dung dịch muối và thuốc trước khi gieo nên hạn chế được rầy nâu và các loại côn trùng phá hoại khác; áp dụng các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, bón phân cân đối, hợp lý; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, hướng đến sản xuất theo 1 phải, 5 giảm; tạo thói quen ghi chép nhật ký đồng ruộng cho nông dân. Đây là tiền đề để xây dựng các vùng lúa chất lượng cao, sản xuất theo hướng VietGAP. Nông dân dần làm quen với việc viết nhật ký canh tác như việc sử dụng giống gì, mua ở đâu, sạ ngày nào, bón phân, xịt thuốc loại gì, lúc nào… và tự hạch toán được lời lỗ. Để có kết quả này nếu làm theo kiểu cũ thì tốn rất nhiều nhân lực và thời gian nhưng hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân vẫn không cao.

Kết quả là, không chỉ năng suất lúa tăng mà chi phí sản xuất, phân bón, thuốc trừ sâu… cũng giảm nhiều. Mỗi hécta lúa theo mô hình này, nông dân thu lợi nhiều hơn cách làm cũ trên dưới 5 triệu đồng. Hiện nay, nông dân trồng lúa ở Tây Ninh đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác cũ và biết dùng chung giống lúa, sạ thưa, sạ hàng, xử lý dịch hại đúng kỹ thuật, bón phân theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Quan trọng hơn là, ngoài ý nghĩa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, có cách tiếp cận mới với hệ thống phân phối vật tư nông nghiệp, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho nhà nông thì cái được lớn hơn đó là đã đột phá việc tổ chức sản xuất hàng hóa.

Tỉnh Thái Bình

Là một trong những tỉnh được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chọn thí điểm xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở miền Bắc từ năm 2012. Đến nay, Thái Bình đã có 143 mô hình ở 72 xã với tổng diện tích 6.440,05ha. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 của Thái Bình (đạt 7,46%) phần nào thấy hiệu quả từ việc xây dựng cánh đồng lớn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: nông, lâm, thủy sản chiếm 32,1%; công nghiệp, xây dựng 33,1%; dịch vụ 34,8%... Toàn tỉnh có 267/267 xã hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Có được thành tựu này phần lớn là do:

Xuất phát từ thực trạng của tỉnh là diện tích sản xuất bình quân đầu hộ nhỏ, manh mún, … nên ứng dụng cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch và nhất là việc tổ chức liên kết để cùng sản xuất đồng loạt hay một vài giống rất khó. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất của nông dân không đồng đều sẽ khó đạt được sự thống nhất và đồng thuận cao. Điều này dẫn đến việc tổ chức, điều hành, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tuân thủ quy trình sản xuất khó khăn hơn. Năng lực, trình độ của cán bộ hợp tác xã nông nghiệp ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Từ thực tế đó, thời gian qua, Thái Bình đã tập trung đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất, tiến hành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, đưa cơ giới vào các khâu trong quá trình sản xuất, hoàn thiện­ hệ thống giao thông, thủy lợi. Ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho xây dựng cánh đồng lớn, như: hỗ trợ kinh phí để các mô hình điểm xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo cơ chế xây dựng nông thôn mới của tỉnh (giá trị 25,02 tỷ đồng). Hỗ trợ kinh phí tập huấn và in sổ ghi chép đồng ruộng cho nông dân, phụ cấp cho cán bộ chỉ đạo (810 triệu đồng). Hỗ trợ kinh phí mua giống cho vụ sản xuất đầu tiên 450 triệu đồng (tương ứng 50% giá giống).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư và ký hợp đồng thu mua nông sản với nông dân còn ít, nhất là do chưa có hệ thống các công ty, xí nghiệp chế biến nông sản mạnh, có độ tin cậy cao. Công tác dự báo thị trường và khâu kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ… Chưa có sự thống nhất với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, tỉnh cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ sản xuất được thụ hưởng chính sách ưu đãi về đầu tư, vay vốn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác xây dựng cánh đồng lớn. Đồng thời, đẩy mạnh việc vận động các doanh nghiệp liên kết trong thực hiện mô hình cánh đồng lớn như ứng trước vật tư cho nông dân không tính lãi và thanh toán sau khi thu hoạch. Qua đó, góp phần tạo ra sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, giúp nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Đơn cử mô hình cánh đồng lớn ở xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư) với giống lúa chất lượng cao VS1 hoặc RVT và luân canh lúa - màu với công thức: lúa xuân (giống VS1), lúa mùa (giống RVT), đậu tương (vụ đông). Hay xã Trọng Quan với mô hình lúa Nhật DS1 (vụ xuân),  lúa DS1 (vụ mùa),  khoai tây (vụ đông).…; hoặc một số mô hình CĐL trong sản xuất cây màu giá trị cao như ở xã Thụy An (huyện Thái Thụy) với công thức luân canh 4 vụ: thuốc lào, dưa lê, dưa hấu (vụ hè); lúa mùa, hành tỏi (vụ đông). Xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ) xây dựng mô hình cánh đồng chuyên rau, sản xuất 3-5 vụ/năm, giá trị thu nhập đạt 300-350 triệu đồng/ha/năm…

Mặt khác, hộ nông dân tham gia có trình độ không đồng đều nên việc tiếp thu, áp dụng kỹ thuật tiên tiến còn hạn chế, việc ghi chép nhật ký sản xuất ở nhiều nơi chưa được nông dân thực hiện đầy đủ nên khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Nông dân còn thụ động trong vấn đề phát hiện và xử lý dịch hại, lệ thuộc nhiều vào hợp tác xã và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước khi thấy có mô hình. Nắm rõ đặc điểm tình hình này, Thái Bình đã thực hiện dự án quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) do các tổ chức quốc tế tài trợ. Đã có một số cán bộ cơ sở và nông dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, bước đầu làm quen với việc ghi chép nhật ký trong quá trình sản xuất. Một số hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và nông dân từng bước hình thành tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất lúa, trồng các loại rau màu có giá trị kinh tế cao, cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường trong và ngoài địa phương.

Những kinh nghiệm rút ra cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Qua nghiên cứu các mô hình liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn một số nước trên thế giới và một số địa phương ở nước ta, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm có thể vận dụng tốt trong xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Một số kinh nghiệm cụ thể như:

Một là, doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn đóng vai trò hạt nhân quyết định đến sự thành công trong mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp chính là người kết nối các mối quan hệ với các tổ chức khác như Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, cơ quan thông tin đại chúng để tạo ra cơ sở cho việc thiết lập quan hệ liên kết bền vững với nông dân. Bài học kinh nghiệm của Tập đoàn CP ở Thái Lan đã cho thấy rõ điều đó. Ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, đa số các doanh nghiệp vẫn là doanh nghiệp nhỏ, ít vốn, không đủ điều kiện để xây kho, trữ hàng, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá thương hiệu, hậu mãi... ở thị trường nước ngoài. Do vậy, giá trị của hàng nông sản không cao, sức cạnh tranh yếu. Kinh nghiệm từ các nước, các cơ quan quản lý nhà nước nên giao nhiệm vụ rõ ràng hơn cho họ thiết lập quan hệ liên kết chặt chẽ với nông dân. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích nhằm xây dựng các doanh nghiệp đủ mạnh nhằm đảm đương vai trò hạt nhân của mình, đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực hiện phương thức nông nghiệp hợp đồng với nông dân.

Hai là, phát triển các tổ chức đại diện của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện củng cố mối liên kết với các doanh nghiệp. Kinh nghiệm phát huy vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp ở Tây Ninh cũng là một gợi ý hay có thể tham khảo trong xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn ở nước ta. Hiện nay, nền nông nghiệp nước ta vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, nông dân sản xuất theo tập quán lạc hậu nên nông sản làm ra có số lượng không lớn, không đồng đều về giống, mẫu mã, chất lượng, dẫn đến giá thành sản xuất và chi phí cao, giảm khả năng cạnh tranh. Để hình thành các cánh đồng lớn, doanh nghiệp phải ký hợp đồng với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hộ, đều này rất khó khăn và tốn kém. Vì thế, nông dân cần thay đổi tư duy, liên kết với nhau tạo thành tổ sản xuất, hợp tác xã để tự cứu mình. Theo đó, hợp tác xã sẽ là đầu mối trung gian giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích hài hòa của hai phía. Tuy nhiên, để hợp tác xã nông nghiệp phát triển cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước về các mặt: tạo khuôn khổ luật pháp; hỗ trợ xây dựng hạ tầng nông thôn nhất là đường giao thông, điện, nước; tuyên truyền, khuyến khích, quảng bá cho các hợp tác xã.

Ba là, lựa chọn ngành nghề và các hình thức liên kết phù hợp cho từng mặt hàng trên cơ sở xem xét các điều kiện cần thiết cho phát triển liên kết. Thực tế Thái Lan và một số nước cho thấy, không ở đâu phương thức nông nghiệp hợp đồng có thể thành công với mọi loại nông sản và trong mọi trường hợp.Điều đó đòi hỏi công tác quy hoạch phát triển liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến với nông dân phải trên cơ sở bảo đảm các điều kiện cần thiết thì mới thành công. Để vận dụng bài học kinh nghiệm này, ĐBSCL cần nhận thức rõ hơn các điều kiện khách quan và chủ quan cho một liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp với nông dân để làm tốt công tác quy hoạch phát triển liên kết kinh tế doanh nghiệp - nông dân có trọng tâm trọng điểm, nên tránh cách thức phát động hô hào thực hiện tràn lan đại trà như thời gian thực hiện Quyết định 80 vừa qua.

Bốn là, vai trò của Nhà nước và các tổ chức xã hội trong xây dựng và phát triển liên kết nông dân - doanh nghiệp là rất quan trọng. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất cũng như tạo sợi dây liên kết một cách bền vững giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị hàng nông sản từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ; đặc biệt trong các nền sản xuất nông nghiệp phân tán, manh mún, lạc hậu. Nhà nước còn có thể dùng luật pháp để tạo ra các cơ chế quản lý sản xuất, quản lý giá cả để điều phối sản xuất và điều hòa quan hệ lợi ích giữa doanh nghiệp chế biến với nông dân. Nhà nước còn tạo điều kiện về khoa học công nghệ để quá trình sản xuất và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp hiệu quả hơn. Kinh nghiệm của Thái Lan đã cho thấy vai trò của các tổ chức xã hội là rất quan trọng. Để vận dụng ở ĐBSCL, cần nhận thức rõ hơn vai trò của Nhà nước trong thực hiện liên kết doanh nghiệp - nông dân. Nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để thúc đẩy liên kết kinh tế trong nền kinh tế nói chung và trong liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp nói riêng. Mặt khác, nông nghiệp hợp đồng khó tránh khỏi tình trạng độc quyền nên Nhà nước phải có luật pháp và giải pháp kiểm soát độc quyền để bảo vệ lợi ích của nông dân như kinh nghiệm của Thái Lan trong việc quản lý ngành mía đường.

Năm là, phát huy cơ chế tự thực thi với các ràng buộc kinh tế - kỹ thuật trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong liên kết. Đây là cơ sở quyết định nhất cho mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân.Tính bức thiết về đầu ra của nông dân, đầu vào của doanh nghiệp; tiến bộ kỹ thuật làm gia tăng chất lượng và giá trị nông sản; đặc biệt là vai trò của việc khuyến khích nông dân đầu tư vào tài sản chuyên biệt (Asset specificity) như kinh nghiệm của CP Thái Lan là hết sức quan trọng vì nó sẽ kết dính được nông dân với sản xuất loại nông sản đã hợp đồng với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi ích của nông dân phải được xem trọng, ưu tiên chăm sóc thì hợp đồng mới thu hút được nông dân, mới có động lực để phát triển. Từ kinh nghiệm này, ĐBSCL cần khuyến khích hơn nữa các mô hình liên kết có mối quan hệ tài sản chặt chẽ của hai bên liên kết như: Kết hợp đầu tư của doanh nghiệp với đầu tư của nông dân; khuyến khích hình thức gia công nông nghiệp; có chính sách ưu đãi để khuyến khích nông dân mua cổ phần của doanh nghiệp và doanh nghiệp tham gia góp vốn vào hợp tác xã nông nghiệp. Các doanh nghiệp ở Việt Nam cần chú ý hơn việc xác định giá cả khi mua sản phẩm của nông dân và chú trọng thực hiện các giải pháp chia sẻ rủi ro cho nông dân theo quan điểm liên kết kinh tế về bản chất khác với quan hệ thị trường là ở chỗ sản xuất có kế họach, chia sẻ lợi ích và rủi ro. Các hợp đồng liên kết kinh tế doanh nghiệp- nông dân ở Việt Nam thời gian qua chưa thể hiện đúng yêu cầu này.

Sáu là, quy hoạch lại và cải tạo đồng ruộng để thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất. Kinh nghiệm Malaysia cho thấy cần phải hình thành những cánh đồng quy mô lớn, bằng phẳng để thuận tiện trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Theo tiêu chí xây dựng cánh đồng lớn, quy mô diện tích cánh đồng lớn được xác định phù hợp với điều kiện tự nhiên của mỗi địa phương. Chẳng hạn, ở khu vực ĐBSCL, cánh đồng lớn có thể diện tích từ 300-500ha, tương đối lớn ở mức 500-1000ha. Còn ở vùng đồng bằng sông Hồng có thể chỉ ở mức 50ha đến trên 100ha. Vì vậy, để có được cánh đồng lớn hiệu quả cao cần phải kiến thiết lại đồng ruộng thành những vùng sản xuất tập trung, từ đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tạo ra những mặt hàng nông sản có chất lượng và giá trị gia tăng cao với khối lượng lớn nhằm thu hút doanh nghiệp vào tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện điều này đòi hỏi phải: Dồn điền, đổi thửa, cho phép nông dân tập trung ruộng đất, chuyển đổi, cho thuê ruộng đất lâu dài… để hình thành những thửa ruộng lớn. Vận động nông dân "bang bờ" để có cánh đồng lớn liền thửa, liền vùng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả cơ giới hóa. Để làm được điều này thì phải tuyên truyền cho nông dân việc "bang bờ" không đồng nghĩa với việc nông dân mất quyền chiếm hữu thực tế, quyền sử dụng đất, ruộng đất vẫn là quyền tài sản của nông dân, được nhà nước bảo hộ. Để nông dân yên tâm, có thể dùng công nghệ chụp hình trên không các thửa ruộng của nông dân và lưu giữ lại, khi nông dân không muốn tham gia cánh đồng lớn nữa thì vẫn có dữ liệu để thiết lập lại bờ thửa, bờ vùng. Vấn đề này được "hé lộ" bởi dự án "san bằng 10.000ha làm cánh đồng lớn" ở tỉnh Đồng Tháp, do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với một tập đoàn của Hàn Quốc thực hiện. Nếu dự án được thực hiện thi sẽ có 10.000ha đất lúa được phá bờ thửa chỉ còn bờ bao lớn bên ngoài. "Khi thực hiện dự án san bằng mặt ruộng bằng tia laser, toàn bộ bờ thửa giữa các hộ dân sẽ được xóa bỏ, chỉ còn lại bờ vùng (bờ đê) lớn bên ngoài. Phần diện tích dư ra sẽ phục vụ cho việc thi công hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng đủ lớn để đưa vật tư và vận chuyển lúa khi thu hoạch bằng cơ giới. Còn ở trên đồng, ranh giới đất giữa các hộ sẽ được cắm mốc âm xuống đất bằng đá nên đất của ai, bằng khoán của ai vẫn còn của người đó, không phải lo" (Tuổi trẻ online, ngày 29-8-2014). Dĩ nhiên kinh phí cho dự án là khá lớn, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Nhà nước và phải áp dụng phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

_______________

(1)Theo báo cáo khảo sát của Quang Ngọc năm 2011.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Guo, Hongdong and Robert W.Jolly: Contract Arrangements and Enforcement in Transition Agriculture: Theory and Evidence in China, Food Policy (33), 2008, 570-575.

2. Sukhpalsingh: Contracting Out Solutions: Political Economy of Contract Farming in the Indian Punjab, World Development, vol.30, issue 9, 2002, pages 1621-1638.

3. Aree Wiboonpoongse and Songsak Sriboonchitta: Faculty of Agriculture and Faculty of Economics - Chiang Mai University, Contract Farming in Thailand, 2002.

4. Ruofeng, N.I.U: "Industrialized Management of Agriculture in China: Observations and Comments." Issues in Agricultural Economy, 3-2006.

5. Hồ Quế Hậu: Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến nông sản với nông dân ở Việt Nam, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2012.

6. Đỗ Kim Chung: “Vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong sự nghiệp CNH, HĐH: Quan điểm và những định hướng chính sách”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 1 (380), 2010.

 

Trần Hoàng Hiểu

Học viện Chính trị khu vực IV

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền