Trang chủ    Quốc tế    Mô hình cơ quan chống tham nhũng của một số quốc gia Đông Nam Á – bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Thứ ba, 14 Tháng 6 2016 09:05
4996 Lượt xem

Mô hình cơ quan chống tham nhũng của một số quốc gia Đông Nam Á – bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(LLCT) - Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế: “phần lớn các cơ quan nhà nước ở các quốc gia Đông Nam Á thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình; pháp luật chống tham nhũng còn chưa hoàn thiện; nhiều cơ quan chống tham nhũng rơi vào tình trạng thiếu độc lập trong hoạt động và hạn chế về nguồn lực”(1). Do vậy, các quốc gia trong khu vực phải không ngừng hoàn thiện, nâng cao năng lực và hiệu quả của các cơ quan chống tham nhũng quốc gia.

Hiện nay, một số quốc gia Đông Nam Á như Xinhgapo, Malaixia, Thái Lan… đã xây dựng khá thành công mô hình cơ quan chống tham nhũng, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng ngừa và chống tham nhũng. Theo báo cáo của tổ chức Minh bạch quốc tế về chỉ số CPI (Corruption pereptions index) năm 2015 thì ba quốc gia trên có sự minh bạch vào loại cao nhất trong khu vực.

Tên quốc gia

Chỉ số CPI

Xếp hạng minh bạch trên thế giới

Xinhgapo

85/100

8/168

Malaixia

50/100

54/168

Thái Lan

38/100

76/168

Inđônêxia

36/100

88/168

Philíppin

35/100

95/168

Việt Nam

31/100

112/168

Myanmar

22/100

147/168

Lào

25/100

150/168

Campuchia

21/100

150/168

 

1. Cơ quan chống tham nhũng của Xinhgapo

Cơ quan Điều tra tham nhũng Xinhgapo (Corrupt Practices Investigation Bureau, viết tắt là CPIB) được chính quyền thuộc địa thành lập từ năm 1952. Đây cũng là cơ quan chống tham nhũng có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới. CPIB là một cơ quan chính phủ thuộc Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, hoạt động độc lập và được chỉ đạo và chịu trách nhiệm báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của mình.

CPIB được thành lập với các chức năng:

- CPIB là cơ quan duy nhất có thẩm quyền để điều tra hành vi phạm tội tham nhũng được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng (Chương 241) và các vi phạm khác có liên quan. Cơ quan này có thể điều tra mọi hành vi tham nhũng, cả trong khu vực công và khu vực tư.

- Xem xét phương thức hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, phát hiện và kiến nghị hướng khắc phục những điểm chưa hợp lý trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan này nhằm hạn chế tối đa các điều kiện nảy sinh tham nhũng.

- Cơ quan này cũng có nhiệm vụ thúc đẩy những nỗ lực giáo dục và tiếp cận cộng đồng để tuyên truyền bá về phòng, chống tham nhũng. CPIB có một bộ các sáng kiến ​​để tiếp cận với sinh viên, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và công chúng nói chung để giáo dục họ chống tham nhũng.

Về cơ cấu, tổ chức:

Đứng đầu CPIB là Giám đốc. CPIB gồm 3 bộ phận:

Bộ phận điều trathực thi nhiệm vụ tiến trình điều tra các hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu của tội tham nhũng theo luật định. Đây là bộ phận quan trọng nhất, tập trung số lượng lớn nhân viên có trình độ cao. Bộ phận này được chia thành 7 đơn vị, trong đó có 4 đơn vị đảm trách điều tra các loại hành vi tham nhũng:

- Đơn vị điều tra đặc biệt trong khu vực công (có nhiệm vụ điều tra các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước);

- Đơn vị điều tra đặc biệt trong khu vực tư (đảm nhiệm chức năng điều tra các hành vi tham nhũng xảy ra trong khu vực tư nhân);

- Đơn vị điều tra tài chính (tập trung điều tra hành vi rửa tiền và tham nhũng xuyên quốc gia);

- Đơn vị Tổng điều tra (được giao điều tra các quan chức cao cấp của Chính phủ hoặc những vụ việc có tính chất phức tạp).

- Đơn vị đào tạo điều tra (đơn vị chuyên đào tạo các sĩ quan điều tra của CPIB). Các đơn vị đào tạo điều tra có trách nhiệm lập kế hoạch chương trình giảng dạy và tiến hành các khóa học chuyên ngành trong điều tra tham nhũng, tập huấn cho các cán bộ cũng như đối với các đối tác nước ngoài của CPIB.

- Ban Chính sách điều tra (tiến hành phân tích về xu hướng tham nhũng và cũng được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách điều tra để giải quyết sự thiếu hụt phát hiện tại các tổ chức trong một cuộc điều tra tham nhũng.

- Bộ phận phỏng vấn đặc biệt.

Bộ phận điều hành: bao gồm hai đơn vị chính: Phòng Quản lý hành chính và Phòng Hỗ trợ và các bộ phận tình báo. Bộ phận tình báo thu thập và đối chiếu thông minh để hỗ trợ các nhu cầu điều tra của Cục điều tra. Bộ phận điều hành có nhiệm vụ quản lý và hỗ trợ bộ phận có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động lĩnh vực khác nhau như giúp đỡ để bắt giữ và áp giải bị cáo và hỗ trợ trong việc bắt giữ và kiểm tra văn bản. Họ cũng tham gia vào việc sử dụng các công cụ điều tra chuyên ngành như kiểm tra nói dối để hỗ trợ cho CPIB.

Bộ phận quản trị và đối ngoạicó 4 đơn vị trực thuộc:

- Phòng Tài chính và quản trị: có trách nhiệm mua sắm tài sản và các vấn đề tài chính của Văn phòng và cung cấp dịch vụ hành chính khác nhau.

- Phòng Quản lý nhân sự và phát triển: có trách nhiệm quản lý nguồn nhân lực, đánh giá và thực hiện các chiến lược nhân sự phù hợp với định hướng chiến lược của CPIB. Ngoài ra, họ được giao nhiệm vụ phát triển và xây dựng năng lực của đội ngũ nhân viên để đáp ứng yêu cầu hoạt động của CPIB.

- Phòng Kế hoạch, chính sách và đối ngoại: phụ trách lập kế hoạch chiến lược của CPIB. Ngoài ra, bộ phận này còn đảm nhiệm việc đánh giá chính sách, tham vấn điều chỉnh chính sách chống tham nhũng và thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế của CPIB và xử lý các vấn đề quan hệ với các doanh nghiệp của cơ quan.

- Phòng Công nghệ thông tin có nhiệm vụ kết hợp và khai thác công nghệ thông tin vào hoạt động của Văn phòng để hỗ trợ chức năng của CPIB(3).

Thành viên của CPIB có quyền chọn cơ chế hưởng lương theo công chức hoặc hưởng phần thưởng thu được từ Quỹ Phòng, chống tham nhũng (Invest fund). Nếu phạm tội tham nhũng hay che giấu tội phạm tham nhũng, các thành viên của CPIB sẽ bị mất toàn bộ lương hưu và tiền thưởng từ Quỹ. Quỹ Phòng, chống tham nhũng được trích nộp từ tiền tịch thu tài sản tham nhũng. Các thành viên CPIB hoạt động chuyên trách, nên họ dành toàn bộ thời gian và công sức cho công việc.

CPIBđược trao thẩm quyền lớn trong việc điều tra tham nhũng. CPIB có quyền bắt giữ những người bị tình nghi tham nhũng mà không cần Viện kiểm sát ra lệnh, có toàn quyền tiến hành các hoạt động điều tra mà không cần Viện kiểm sát hay cơ quan công an cho phép. CPIB có quyền khám xét, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của bất kỳ ai bị tình nghi tham nhũng. Người nào từ chối cung cấp thông tin sẽ bị phạt 2.000 đôla Xinhgapo và bị kết án tối đa một năm tù. Mức độ điều tra đối với người bị nghi vấn là rất kỹ, không chỉ bao gồm tài sản của người bị tình nghi, mà còn bao gồm tài sản của vợ, con và những người có liên quan; các suất học bổng, quà tặng mà vợ, con người đó được nhận; các công ty do vợ, con người đó tham gia góp vốn. Những người từ chối cung cấp thông tin, tẩu tántài sản hay cản trở quá trình điều tra sẽ bị phạt đến 10.000 đô la.

Là một cơ quan trực thuộc Thủ tướng, nhưng nếu Thủ tướng bị tình nghi tham nhũng, CPIB cũng có thể tiến hành điều tra.Trong trường hợp đó, CPIBsẽ xin đặc quyền của Tổng thống để tiến hành cuộc điều tra.

Mỗi năm, CPIB tiến hành khoảng 300 cuộc điều tra, kể cả điều tra đến cấp Bộ trưởng.

2. Cơ quan chống tham nhũng của Malaixia

Được thành lập vào tháng 1-2009, Ủy ban Chống tham nhũng của Malaixia là cơ quan duy nhất được xử lý các vụ việc liên quan tới tham nhũng ở quốc gia này. Chức năng của Ủy ban Chống tham nhũng Malaixia là bài trừ tham nhũng, lạm quyền và các hành vi trái pháp luật, cụ thể: trong lĩnh vực thực thi pháp luật, cơ quan này có nhiệm vụ phát hiện và điều tra tội phạm tham nhũng; trong lĩnh vực giáo dục cộng đồng, Ủy ban này có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng; trong lĩnh vực phòng ngừa tham nhũng, Ủy ban có trách nhiệm phát hiện và dự báo nguy cơ tham nhũng.

Về tổ chức, Ủy ban Chống tham nhũng Malaixia gồm 5 bộ phận:

Một là, Ban cố vấn chống tham nhũng. Ban có 7 thành viên do Quốc vương bổ nhiệm. Ban có nhiệm vụ tư vấn và thực hiện việc giám sát của Ủy ban về mặt chính sách và chiến lược cũng như tư vấn, thông qua các đề xuất từ phía Ủy ban nhằm cải thiện hiệu quả và hiệu lực hoạt động.

Hai là, Ủy ban đặc biệt về tham nhũng. Ủy ban gồm 7 nghị sĩ Quốc hội do Quốc vương bổ nhiệm. Ủy ban có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng về những vấn đề liên quan đến tham nhũng; có thẩm quyền kiểm tra, chất vấn về nội dung báo cáo thường niên của Ủy ban Chống tham nhũng và có trách nhiệm trình báo cáo Thủ tướng để thảo luận tại Quốc hội hằng năm.

Ba là, Ủy ban giải quyết khiếu nại. Ủy ban gồm ít nhất 5 thành viên do Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm, có nhiệm vụ giám sát việc giải quyết khiếu nại của Ủy ban Chống tham nhũng về các hành vi vi phạm pháp luật mà chưa cấu thành tội phạm.

Bốn là, Nhóm đánh giá hoạt động. Nhóm gồm 7 thành viên, với chức năng nghiên cứu báo cáo của Ủy ban Chống tham nhũng về các quyết định có liên quan tới các tài liệu điều tra và các quyết định do công tố viên đưa ra nhằm cải thiện hiệu quả điều tra của Ủy ban Chống tham nhũng Malaixia.

Năm là, Nhóm tham vấn và phòng ngừa tham nhũng. Nhóm có ít nhất 7 thành viên, có trách nhiệm tham mưu, giám sát và thông qua các vấn đề liên quan trong chương trình phòng ngừa tham nhũng do Ủy ban Chống tham nhũng Malaixia tiến hành.

3. Cơ quan chống tham nhũng của Philíppin

Để chống tham nhũng có hiệu quả, Philíppin đã thành lập một cơ quan thanh tra độc lập gọi là Ombudsman (OMB). Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này được quy định trong Hiến pháp năm 1987 của Philíppin.

Về chức năng, OMB được trao rất nhiều quyền lực để chống tham nhũng:

- Điều tra và truy tố mọi hành vi tham nhũng của bất kỳ viên chức hay nhân viên, văn phòng hoặc cơ quan. Điều tra và thu hồi tài sản bất chính hoặc tài sản không giải thích được nguồn gốc.

- Xử lý kỷ luật hoặc truy tố các quan chức hoặc nhân viên có hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật.

- Yêu cầu tất cả các cán bộ, công chức có liên quan cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến hợp đồng, giao dịch của mình liên quan đến việc giải ngân hoặc sử dụng các quỹ công cộng hoặc các tài sản khác, và báo cáo bất thường ở Ủy ban Kiểm toán  

- Yêu cầu các cơ quan chính phủ hỗ trợ và thông tin cần thiết trong việc thực hiện trách nhiệm của mình, và có quyền kiểm tra các hồ sơ, tài liệu đó nếu thấy cần thiết. Thậm chí, cơ quan này còn được trao quyền kiểm tra truy cập vào các tài khoản ngân hàng khi thực hiện hoạt động điều tra.

OMB được phép công bố công khaicác thông tin liên quan về các vụ khiếu nại lên website của mình cũng như lên các mạng xã hội để người dân cả nước có thể giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tham nhũng.

- Xác định nguyên nhân của sự kém hiệu quả, quan liêu, quản lý yếu kém, gian lận và tham nhũng trong Chính phủ và đề xuất biện pháp khắc phục.

Thanh tra của OMB và các phó thanh tra do Tổng thống bổ nhiệm. Thanh tra và các Phó thanh tra hoạt động theo nhiệm kỳ 7 năm và không được tái bổ nhiệm.

Tính đến tháng 12-2015, Văn phòng OMB đã tiếp nhận 14.058 vụ việc, trong đó có 6.730 vụ việc đã được xem xét, điều tra và giải quyết, chiếm tỷ lệ 48%. Đặc biệt, trong đó có 34% số vụ việc có liên quan đến công chức cấp cao(2). Cơ quan này được đánh giá là một trong những mô hình cơ quan chống tham nhũng hiệu quả trong khu vực.

4. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ quan phòng, chống tham nhũng của Việt Nam

Luật Phòng, chống tham nhũng ban hành năm 2005, được sửa đổi qua các năm 2007 và 2012 quy định việc thành lập cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Về tổ chức, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng gồm: Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ; Phó trưởng Ban chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ; các ủy viên Ban chỉ đạo: Ủy viên thường trực; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Công an; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ở địa phương cũng có Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Trong các cơ quan thanh tra, công an và viện kiểm sát thành lập các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5-2012) kết luận thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Ban Nội chính Trung ương được thành lập lại làm nhiệm vụ Thường trực cho Ban Chỉ đạo mới. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Ban có 16 thành viên, gồm  nhiều cán bộ đứng đầu cơ quan đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. So với Ban Chỉ đạo trước, Ban Chỉ đạo mới có số lượng thành viên nhiều hơn, trong đó có nhiều người là cấp trưởng cơ quan Đảng, Nhà nước.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chức năng phòng, chống tham nhũng còn được trao cho các cơ quan có chức năng bảo vệ pháp luật, bao gồm các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án. Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản sau đó về tổ chức thanh tra đã lần đầu tiên xác định Thanh tra Chính phủ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm: tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng thì đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý; xây dựng hệ thống dữ liệu chung về phòng, chống tham nhũng. Điều 77, 78, 79 Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong việc tham gia đấu tranh phòng ngừa và xử lý tham nhũng.

Thực tiễn hoạt động cho thấy, quy định về các cơ quan phòng, chống tham nhũng như hiện nay hiệu quả chưa cao.

Muốn phòng, chống tham nhũng có hiệu quả phải xây dựng cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập, có cơ cấu tổ chức riêng, không chịu sự ảnh hưởng, tác động của các cơ quan khác. Mục đích thành lập cơ quan, lực lượng chuyên trách là nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp và đảm bảo sự độc lập tương đối trong hoạt động chống tham nhũng. Đây cũng là yêu cầu cơ bản của Công ước phòng, chống tham nhũng của Liên Hợp quốc. Điều 6 và Điều 36 của Công ước quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong việc thành lập một cơ quan (hay lực lượng phòng, chống tham nhũng chuyên trách) nhằm thực thi, giám sát và phối hợp việc thi hành các chính sách và hành động chống tham nhũng. Đồng thời, mỗi quốc gia thành viên sẽ dành cho các cơ quan này sự độc lập cần thiết trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình nhằm giúp cho những cơ quan này có thể thực hiện chức năng của mình một cách hiệu quả.

Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng theo hướng tăng tính độc lập của cơ quan này. Tính độc lập của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng không chỉ thể hiện sự độc lập trong thẩm quyền điều tra, xử lý các hành vi tham nhũng mà cần phải độc lập trong tổ chức, hoạt động của cơ quan này.

__________________

Tài liệu tham khảo

(1) Transparency International: Asean Integrity community A vision for transparent and accountable integration từ website của Tổ chức Minh bạch quốc tế: http://www.transparency.org

 (2)  Báo cáo thường niên năm 2009 của Văn phòng Ombudsman được đăng tải trên website của cơ quan này http://www.ombudsman.gov.ph

 (3) Theo website của Cơ quan điều tra tham nhũng Xinhgapo https://www.cpib.gov.sg/about-us/our-work/organisational-structure

1. Quốc hội: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012).

2. Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới: Đương đầu với tham nhũng ở châu Á những bài học thực tế và khuôn khổ hành động,Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2005.

3. Nguyễn Xuân Yêm, Nguyễn Hòa Bình, Bùi Minh Thành (chủ biên), Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam và thế giới, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

4. https://www.cpib.gov.sg

ThS TRẦN THÁI HÀ

                                                                Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền