Trang chủ    Quốc tế    Một số thành tựu trên lĩnh vực kinh tế của Lào giai đoạn 1991- 2011
Thứ tư, 29 Tháng 6 2016 07:07
4511 Lượt xem

Một số thành tựu trên lĩnh vực kinh tế của Lào giai đoạn 1991- 2011

(LLCT) - Trong những năm qua, nhờ chính sách đổi mới có hiệu quả, nền kinh tế của Lào đã đạt được những kết quả quan trọng: kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu lao động đều có bước chuyển dịch tích cực theo hướng CNH, HĐH; hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện rõ rệt.

 

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng NDCM Lào lần thứ IV (1986), công cuộc đổi mới đất nước được triển khai toàn diện, đem lại những thay đổi chưa từng thấy trên đất nước Lào. Đổi mới được bắt đầu trên lĩnh vực kinh tế với hai nội dung cơ bản: Điều chỉnh cơ cấu kinh tế và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Việc xác định lấy nông - lâm nghiệp làm nhiệm vụ hàng đầu, trong đó cơ cấu nông - lâm - công nghiệp - dịch vụ trở thành cơ sở hoạch định những mục tiêu chính của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ ba (1991 - 1995) được xây dựng nhằm thực hiện hóa các mục tiêu do Đại hội V của Đảng NDCM Lào đề ra.

Thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa với những định hướng chuyển đổi nền kinh tế từ trạng thái nửa tự nhiên, tự cung tự cấp sang nền kinh tế thị trường sản xuất hàng hóa; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác kinh tế với nước ngoài làm động lực phát triển kinh tế. Trong giai đoạn1991 - 1995, Lào phấn đấu đạt tăng trưởng GDP bình quân 6,4%/năm, thu nhập quốc dân đạt 344 USD/người vào năm 1995; xuất nhập khẩu đạt con số tương ứng 274,3 triệu USD và 485,5 triệu USD vào năm 1995. Kể từ năm 1988, Lào bắt đầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số dự án và số vốn ngày càng gia tăng. Tính đến cuối kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ ba, Chính phủ Lào đã cấp giấy phép cho 589 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 5,6 tỷ USD(1).

Bước sang kế hoạch 5 năm lần thứ tư (1996 - 2000), do chịu tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á (1997 - 1998) khởi phát tại Thái Lan khiến đồng tiền Kíp của Lào mất giá, bị lạm phát ở mức kỷ lục 142,01% vào năm 1998, sau giảm xuống còn 86,46% năm 1999, rồi ổn định dần với mức trên dưới 10% kể từ năm 2000 đến 2011. Mặc dù vậy, trong giai đoạn này kinh tế Lào vẫn đạt mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 5,8%/năm, xuất khẩu đạt 324 triệu USD và nhập khẩu đạt 540 triệu USD vào năm 2000(2).

Bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ năm (2001 - 2005), tình hình thế giới có những biến động hết sức phức tạp sau sự kiện khủng bố ngày 11 - 9 - 2001 tại Mỹ, tiếp đến là chiến tranh nổ ra tại Apganixtan (2001) và chiến tranh Irắc (2003); giá dầu tăng đã ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của kinh tế khu vực và thế giới… Những biến động khách quan trên đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế Lào, đặt kinh tế - xã hội của Lào đứng trước những thách thức quyết liệt. Bất chấp những khó khăn kể trên, kinh tế Lào vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ bình quân đạt 6,2%/năm và thuộc vào loại cao so với các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á.

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Lào (1995-2005)    

Năm

1995-

1996

1996-

1997

1997-

1998

1998-

1999

1999-

2000

2000-

2001

2001-

2002

2002-

2003

2003-

2004

2004-

2005

%

6,8

7,0

7,0

4,8

5,2

5,8

5,9

5,9

6,5

7,0

Nguồn: Uỷ ban Kế hoạch và Đầu tư năm 2005.

Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trong kỳ kế hoạch này có những thay đổi theo chiều hướng tiến bộ; trong đó, về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng của ngành nông - lâm nghiệp trong GDP đã giảm từ 50% vào năm 2000 xuống còn 45,9% vào năm 2005, tỷ trọng công nghiệp - thủ công nghiệp tăng theo các năm tương ứng từ 23,3% lên tới 27,9%, dịch vụ từ 25,7% lên tới 26,2%. Về cơ cấu lao động, năm 2000 có 78,6% lao động Lào hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp; đến năm 2005 giảm xuống còn 76,6%. Tỷ lệ lao động Lào trong lĩnh vực công nghiệp - thủ công nghiệp tăng lên tương ứng là 6,9% và 7,8%. Lĩnh vực thu hút FDI đạt được những thành tựu đáng chú ý, cuối năm 2005 đạt 491 USD, giá trị xuất khẩu đạt 456 triệu USD và nhập khẩu đạt 686 triệu USD(3).

Kế hoạch 5 năm lần thứ sáu (2006 - 2010) của Đảng NDCM Lào được thực hiện khi bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi. Nhìn chung, Lào được các nước phát triển đánh giá là điểm đến an toàn của các nhà đầu tư. Sự ổn định chính trị - xã hội là nền tảng vững chắc, nhân tố thuận lợi lớn nhất cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở Lào. Chính phủ Lào xác định mục tiêu của giai đoạn 2006 - 2010 là: Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng xây dựng một nền kinh tế sản xuất hàng hóa đa dạng dựa trên tiềm năng phong phú của đất nước kết hợp với hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tiếp tục mở rộng, đi đôi với khai thác có hiệu quả quan hệ kinh tế đối ngoại. Tạo bước chuyển biến đột phá về số lượng và chất lượng giáo dục - đào tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường sinh thái; đưa nhân tố con người, khoa học và công nghệ từng bước trở thành động lực phát triển. Nhờ có những định hướng rõ ràng của Đảng NDCM Lào, nên thu nhập bình quân đầu người ước tính đạt 841 USD, tỷ lệ lạm phát vào cuối năm 2001 đến 2010 (ngoại trừ năm 2002 - 2003 lạm phát 15,2%), các năm còn lại đều ở mức dưới 10%/năm(4).

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Lào (2005-2011)

Năm

2005

2006

2006

2007

2007

2008

2008

2009

2009

2010

2010

2011

%

8,1

8,0

7,9

7,8

8,1

8,0

Nguồn: Uỷ ban Kế hoạch và Đầu tư Lào, năm 2011.

Cơ cấu kinh tế trong tổng GDP có nhiều thay đổi theo hướng tiến bộ: Khu vực nông - lâm nghiệp ngày càng giảm, trong đó, công nghiệp và dịch vụ có xu hướng ngày càng tăng. Tính đến hết năm 2010, giá trị khu vực nông - lâm nghiệp trong GDP chỉ còn chiếm khoảng 40,9%; công nghiệp chiếm 33,2% và dịch vụ khoảng 25,9%.

Lĩnh vực kinh tế đối ngoạicũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Xuất khẩu đã tăng mạnh so với các năm trước do có nguồn lợi đóng góp của khu vực khai thác khoáng sản, xuất khẩu điện năng. Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu trong khoảng thời gian 2005 đến 2010, bình quân đạt gần 42%/năm (so với Việt Nam 24,2%; Thái Lan 16,9%; Xinhgapo 8,6%; Campuchia 15%; Myanma 8,23%). Trong khoảng thời gian này, nhập khẩu tăng 39,9%, đạt khoảng 1,4 tỷ USD vào năm 2010(5). Trước đây, Lào chỉ có một số thị trường truyền thống như Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc. Đến nay, Lào đã xuất khẩu hàng hóa sang gần 50 thị trường, trong đó có nhiều thị trường lớn và rất tiềm năng như Anh, Đức, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Ốtxtrâylia, v.v.

                                Kim ngạch xuất khẩu của Lào vào các thị trường giai đoạn 2001 - 2010 (Đơn vị: Triệu USD)                                                          

Thị  trường

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

Châu Á

23,570

182,090

16,991

9,995

6,973

63,486

183,413

188,311

109,166

124,449

ASEAN

167,407

16,999

183,535

175,588

230,204

590,040

485,452

592,409

678,190

773,136

Châu Mỹ

8,812

366

6,275

5,647

6,254

6,935

16,334

39,486

10,240

11,674

Châu Âu

100,267

119,199

93,741

121,805

129,046

124,690

154,344

353,718

233,368

266,040

Châu Đại Dương

119

222

40,958

61,273

83,144

92,704

86,024

133,535

93,438

106,519

Châu Phi

24,710

3,742

11,124

12

2

153

0

0

0

0

Tổng

324,885

322,618

352,624

374,320

455,623

878,088

925,567

1,307,459

1,124,402

1,281,818

Nguồn: Bộ Công thương Lào, năm 2011.

Có thể nói, sau Chiến tranh lạnh, nền kinh tế Lào phát triển khá ấn tượng, tốc độ tăng trưởng GDP tương đối ổn định do giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao trên thế giới đã tác động tích cực đến kinh tế củaLào.

          Phân bổ dòng FDI vào Lào giai đoạn 2001 - 2010

                                                                                      (Đơn vị: USD)

STT

Lĩnh vực/Ngành

Số dự án đã đăng ký

Giá trị đầu tư (USD)

1

Sản xuất điện

47

4153051585

2

Nông nghiệp

211

1155164225

3

Khai thác mỏ

202

3162124956

4

Công nghiệp và thủ công nghiệp

262

1025642679

5

Dịch vụ

226

1402287005

6

Thương mại

133

312202360

7

Xây dựng

43

288480951

8

Khách sạn và nhà hàng

85

235411245

9

Công nghiệp gỗ

49

118833034

10

Ngân hàng

23

165096000

11

Viễn thông

5

156165978

12

May mặc

40

30474920

13

Dịch vụ tư vấn

61

21245252

 

Tổng số

1387

12226000190

Nguồn:Planning Strategy and Service Division, Investment Promotion Department IPD, Lao PDR, 2011.

Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới, các ngành kinh tế dựa vào tài nguyên đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng GDP của Lào từ năm 2006 đến năm 2011. Các ngành khai thác mỏ, điện năng đóng góp 3 điểm phần trăm, khai thác vàng và đồng đóng góp 2 điểm phần trăm; nông nghiệp, công nghiệp chế tạo và xây dựng mỗi nhóm góp 1 điểm phần trăm. Thực tế cho thấy, đóng góp của ngành chế tạo Lào vào tăng trưởng GDP là thấp hơn ngành nông nghiệp. Ngành thương mại Lào đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm tăng cường năng lực thâm nhập thị trường nước ngoài cho hàng hóa Lào thông qua nhiều hình thức như tiến hành đàm phán trực tiếp giữa các quan chức thương mại cấp cao, ký kết hợp đồng buôn bán; tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa các nhà kinh doanh trong nước với các đối tác nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, thu hẹp khoảng cách giữa xuất khẩu và nhập khẩu; tuân thủ việc thực hiện hiệp định thị trường mậu dịch tự do ASEAN và chuẩn bị các điều kiện để tham gia đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong thời gian tới.

Ngân sách Nhà nước: Đến giai đoạn năm 1996 - 2000, tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh (đạt 230,15 tỷ Kíp, tăng 3,77 lần so với năm 1990). Đến giai đoạn 2000 - 2010, tốc độ tăng không còn cao như giai đoạn trước nhưng số thu hàng năm khá lớn, năm sau cao hơn năm trước (2010 - 2011 tổng thu ngân sách là 10.653,050 tỷ Kíp tăng 1,3 lần so với năm 2009 - 2010). Từ năm 2005 trở lại đây, Nhà nước Lào đã giành một phần ngân sách cho đầu tư, mặc dù còn nhỏ so với khoản vay nước ngoài để đầu tư nhưng đây là nguồn vốn hết sức quan trọng thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ Lào.

          Đầu tư của Nhà nước Lào từ năm 2005 - 2010

                                                                (Đơn vị tính: Tỷ Kíp)

                     Năm 

Nội dung   

2005-2006

2006-2007

2007-2008

2008-2009

2009-2010

Tổng vốn đầu tư

3.649,00

2.614.59

3.642,03

3.329,88

5.125,27

Vốn trong nước

424,00

516,59

688,00

1.137,82

1.265,00

Vốn vay nước ngoài

3.225,00

2.098,00

2.954,03

2.192,06

3.860,27

Nguồn: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 - 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất bản năm 2009, trang 70.

Trong đó, Chính phủ Lào chú trọng xây dựng mới và sửa chữa các tuyến đường bộ, củng cố nhiều bến cảng trên các tuyến đường thủy thuộc hệ thống sông Mê Kông, cải tạo hệ thống sân bay, đặc biệt là sân bay quốc tế Vạt tày ở thủ đô Viêng Chăn, đồng tời nâng cấp 2 sân bay Luông Phabang (tỉnh Luông Phabang) và sân bay Pắc xế (tỉnh Chămpasắc) thành sân bay quốc tế. Đến cuối năm 2006, trên cả nước đã có 31.209 km đường bộ, trong đó 4.497 km đường rải nhựa, 10.097 km đường cấp phối (rải đá), 16.615km đường đất. Đáng chú ý nhất là quốc lộ số 13 chạy từ Bắc Lào đến Nam Lào có tổng chiều dài 1.230 km, thông thương Trung Quốc và Campuchia qua Lào. Ngoài ra, 5 con đường quan trọng đã được xây dựng nằm trong hệ thống hành lang đường bộ Đông - Tây, nối liền các nước trong tiểu vùng Mê Kông thông qua Lào: Đường R3 nối Trung Quốc với Thái Lan, đường 8 nối Việt Nam (qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh) với Thái Lan, đường 9 nối Việt Nam (qua cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị) với Thái Lan, đường 12 nối Việt Nam (qua cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình) với Thái Lan, đường 18B nối Việt Nam (qua cửa khẩu Bờ Y, Kon Tum) với Thái Lan(6).

Nhờ kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu lao động của Cộng hòa DCND Lào đều có bước chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều lợi thế của từng vùng, từng ngành, từng sản phẩm của nền kinh tế Lào từng bước được phát huy; hiệu quả, sức cạnh tranh của một số lĩnh vực, một số sản phẩm đã có nhiều cải thiện. Hệ thống tài chính, tiền tệ của quốc gia Lào được hình thành, phát triển vững chắc, kinh tế đối ngoại tiếp tục được mở rộng, kết cấu hạ tầng đang được tăng cường xây dựng.

_______________________

(1), (2) Phonkeo & Thonglor, The year 2003 in review, Vientiane Time, December 30-Jannuary 4, 2004, tr.2, 3.

(3) Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào: Kết quả tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước 5 năm (2001-2005),Nxb Quốc gia, Viêng Chăn, 2006.

(4) Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào: Báo cáo tổng kết kế hoạch 5 năm lần thứ sáu, Nxb Quốc gia, Viêng Chăn, 2010.

(5)The world Bank Laos (2011): Lao PDR Economic Monitor, The World Bank Vientiane Office, October.

(6) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tổng kết giữa nhiệm kỳ tình hình tôt chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010), Nxb Quốc gia, Viêng Chăn, 2008.

ThS Đỗ Thị Ánh

 Trường Cao đẳng Công nghiệp Cẩm Phả

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền