Trang chủ    Quốc tế    Chiến tranh tiền tệ - căn nguyên và tác động
Thứ năm, 30 Tháng 6 2016 16:08
4866 Lượt xem

Chiến tranh tiền tệ - căn nguyên và tác động

(LLCT) - Thực tiễn cho thấy, đồng hành với các cuộc chiến tiền tệ là những tác động trên nhiều phương diện của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội và hệ lụy của nó là những “hiểm họa” mà mọi quốc gia, khu vực và nhân loại đều không muốn phải đối diện. 

1. “Chiến tranh tiền tệ” trong lịch sử và căn nguyên của nó

Trong lịch sử phát triển kinh tế, cuộc chạy đua phá giá đồng tiền giữa các cường quốc kinh tế trong thập niên 1920 và 1930 được biết đến như là trường hợp kinh điển của chiến tranh tiền tệ. Khởi thủy cho cuộc chiến tiền tệ này là Đức (nước bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ I) với một đợt lạm phát được Ngân hàng Trung ương Đức (Reichsbank) tính toán (năm 1921) nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh nhưng rốt cuộc đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và phá hủy nền kinh tế bị kìm kẹp bởi gánh nặng chiến phí. Năm 1922, Reichsbank phải “điên cuồng” in tiền để trả lương cho các nhân viên nhà nước và công nhân nghiệp đoàn. Hậu quả là một đôla Mỹ khi ấy có giá trị lớn đến nỗi các du khách Mỹ không thể tiêu xài nó vì các chủ cửa hiệu không tìm đâu ra được hàng triệu mark để trả lại tiền thừa.

Trước tình hình hỗn loạn của kinh tế Đức nói riêng và các nước khu vực châu Âu thời kỳ đó, các quốc gia khác cũng lần lượt “ra đòn trả đũa”, cụ thể thời điểm phá giá đồng nội tệ của Pháp là năm 1925, Anh (1931), Mỹ (1933),... Cuộc chiến này xoay vòng không được giải quyết dứt điểm cho đến tận Chiến tranh thế giới thứ II và Hội nghị Bretton Woods (1944), được chia thành nhiều giai đoạn, trải dài suốt cả 5 châu lục và gây ảnh hưởng lớn đến sau này.

Kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, các cường quốc kinh tế chính yếu trong phe Đồng minh (dẫn đầu là Hoa Kỳ và Anh) lên kế hoạch cho một trật tự tiền tệ thế giới mới nhằm tránh những sai lầm của Versailles và thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Kế hoạch này được xem xét lần cuối tại Hội nghị Bretton Woods ở New Hamsphire vào tháng 7-1944. Kết quả là một bộ quy tắc, tiêu chuẩn, thể chế được hình thành và định hướng cho hệ thống tiền tệ quốc tế trong ba thập kỷ sau đó - hệ thống Bretton Woods. Vận hành của hệ thống Bretton Woods căn bản đã tạo ra một giai đoạn ổn định về mặt tiền tệ, lạm phát thấp, tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng kinh tế cao và thu nhập thực gia tăng. Ở hầu hết các khía cạnh, giai đoạn này là sự đối lập của giai đoạn Chiến tranh Tiền tệ lần thứ I (1921 - 1936).

Dưới hệ thống Bretton Woods, hệ thống tiền tệ quốc tế được neo với vàng thông qua việc đồng đôla Mỹ được tự do chuyển đổi qua vàng bởi các đối tác thương mại với giá 35 đôla/ounce, còn những đồng tiền khác gián tiếp được neo với vàng thông qua các tỷ giá hối đoái cố định so với đồng đôla Mỹ. Việc một số quốc gia cụ thể vay ngắn hạn trong trường hợp bị thâm hụt thương mại sẽ được giải quyết bởi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Các quốc gia chỉ có thể phá giá đồng tiền của mình nếu được IMF cho phép và điều đó thường chỉ được diễn ra trong trường hợp thâm hụt thương mại dai dẳng cộng với lạm phát cao. Mặc dù được xem như một giao ước quốc tế quan trọng nhưng cấu trúc của hệ thống Bretton Woods hầu như chỉ do nước Mỹ đề ra vào thời điểm mà sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ ở đỉnh cao so với toàn thế giới.

Hệ thống Bretton Woods được cho là bền vững cho đến những năm 70 của thế kỷ XX. Song như một quy luật tất yếu của sự vận động, ổn định chỉ mang tính tương đối, mầm mống của Chiến tranh tiền tệ lần thứ II đã được “kiến tạo” trong chính sự vận động ổn định của hệ thống này và “biểu lộ” vào khoảng cuối thập niên 60. Cuộc chiến tiền tệ này khởi đầu vào năm 1967, sau khoảng 2 năm lời tuyên bố “súng và bơ” của Lyndon B. Johnson được phát đi (súng tượng trưng cho cuộc chiến ở Việt Nam và bơ tượng trưng cho các chương trình xã hội “Great Society”, bao gồm cuộc chiến chống đói nghèo). Nước Mỹ bắt đầu nhận thức rõ ràng về sự kiệt quệ dần dần của nguồn tích trữ sức mạnh kinh tế nội địa và thiện chí chính trị trên bình diện quốc tế. Đồng thời, cuộc khủng hoảng đồng bảng Anh âm ỷ (1964) đã trở nên sôi sục (1967) bằng việc phá giá đồng tiền chính thức đầu tiên kể từ hội nghị Bretton Woods. Ngày 18-11-1967, đồng bảng Anh chính thức bị phá giá 14,3% (từ 2,8 đôla/bảng Anh còn 2,4 đôla/bảng Anh). Những bất ổn trong các vấn đề tiền tệ quốc tế liên tiếp xảy ra: hàng loạt đợt phá giá, định giá lại, lạm phát, quyền rút vốn đặc biệt (SDR), sự sụp đổ của London Gold Pool, hoán đổi tiền tệ, các khoản cho vay của IMF, giá vàng hai lớp và những giải pháp tình thế khác. Cùng thời điểm này, nhiều khu vực, nhiều nền kinh tế hàng đầu phải đối diện với những vấn đề chính trị nội bộ xen lẫn những tác động mạnh mẽ của sự thay đổi  của khoa học - kỹ thuật - công nghệ v.v.. Những hiện thực trên đều trực tiếp hoặc gián tiếp được bắt nguồn từ thâm hụt thương mại và lạm phát. Vì vậy, việc phá giá đồng nội tệ trở thành cứu cánh của các nền kinh tế mà chủ đạo trong cuộc chiến này là việc phá giá đồng đôla, vì nó đồng nghĩa với việc tái định giá vàng theo giá đôla với chiều hướng đi lên.

Năm 1973, IMF tuyên bố khai trừ hệ thống Bretton Woods, chính thức kết thúc vai trò của vàng trong tài chính quốc tế và để giá trị của các đồng tiền biến động ở bất kỳ mức nào mà các Chính phủ hoặc các thị trường mong muốn. Một kỷ nguyên tiền tệ nữa kết thúc và một kỷ nguyên khác bắt đầu, nhưng cuộc chiến tiền tệ sẽ còn tồn tại mãi bởi cuộc sống vẫn luôn vận động và các cỗ xe kinh tế vẫn diễn tiến. Do vậy, nhận thức rõ về cuộc chiến tiền tệ trên cả phương diện thực tiễn lẫn học thuật là rất cần thiết.

Từ những khái lược nêu trên, có thể hiểu rằng: Chiến tranh tiền tệ là thuật ngữ dùng để mô tả hành động hạ thấp giá trị nội tệ (hay còn gọi là phá giá tiền tệ), với kỳ vọng cải thiện tình hình kinh tế quốc gia trên nhiều phương diện (có lợi cho ngân sách(1), có lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài(2), lập lại trạng thái cân bằng của cán cân vãng lai dài hạn)... trong đó, trực tiếp hướng đến việc thúc đẩy cạnh tranh nhằm giành lợi thế so với đối thủ.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế nói chung, cán cân thương mại nói riêng được cải thiện hay không qua phá giá tiền tệ tùy thuộc vào hiệu ứng giá cả và hiệu ứng số lượng cái nào trội hơn. Vì vậy, hành động này hàm chứa những yếu tố có thể tạo ra những kết cục tàn phá đối với hệ thống kinh tế thế giới. Hệ lụy kinh tế đi kèm với chiến tranh tiền tệ là tăng trưởng đình trệ, lạm phát, các biện pháp khắc khổ và hoảng loạn tài chính. Cụ thể, giá trị của đồng tiền có thể chắp cánh hoặc hủy diệt nền kinh tế của một quốc gia. Nếu quá cao, nó sẽ khiến hàng xuất khẩu của đất nước mất tính cạnh tranh. Nếu quá thấp, nó sẽ khiến việc nhập khẩu quá đắt đỏ và châm ngòi cho tỷ lệ lạm phát cao. Cùng lúc đó, sự biến động giá trị đồng tiền đột ngột thường tạo ra hoang mang trên thị trường tiền tệ.

Như vậy, Chiến tranh tiền tệ là thuật ngữ dùng để mô tả sự phá giá tiền tệ để cạnh tranh, khi nhiều nước cố gắng giảm giá trị đồng tiền của họ nhằm giành lợi thế so với đối thủ. Nếu những nước cạnh tranh chủ động can thiệp vào thị trường và phá giá đồng tiền của họ thì một cuộc chiến tiền tệ sẽ nổ ra.

2. Những tác động và hệ lụy của chiến tranh tiền tệ

Thực tiễn cho thấy, đồng hành với các cuộc chiến tiền tệ là những tác động trên nhiều phương diện của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội và hệ lụy của nó là những “hiểm họa” mà mọi quốc gia, khu vực và nhân loại đều không muốn phải đối diện. Kết quả của cuộc Chiến tranh tiền tệ lần thứ nhất là một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất của lịch sử thế giới - đại suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và sản xuất công nghiệp sụp đổ, tạo ra thời kỳ tăng trưởng từ rất yếu tới âm. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25% - 30% ở các nước công nghiệp phát triển; sản xuất ở các nước công nghiệp phát triển tụt xuống mức âm 15% - 20%; ở Mỹ 11.000/25.000 ngân hàng đổ vỡ; trong vòng 2 tháng giá trị của 50 thị trường chứng khoán chủ yếu giảm 1/2; kéo theo tiêu dùng giảm sút... đưa tới xáo động chính trị - xã hội: Chính phủ các nước tư bản phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản...  đều bị xáo trộn (tại Mỹ, trong cuộc suy thoái đó Đảng Dân chủ đều giành đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện, tổng thống thuộc Đảng Dân chủ thay thế tổng thống của Đảng Cộng hòa), đặc biệt quân phátxít Đức và quân phiệt Nhật lên nắm quyền, đẩy thế giới vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ II(3). Các nền kinh tế lớn trên thế giới cùng chạy đua xuống vực thẳm, gây gián đoạn thương mại, sụt giảm sản lượng và sinh ra đói nghèo. Tình trạng bấp bênh đó đổ thêm dầu vào lửa cho các xu hướng cực đoan về chính trị với những hậu quả không thể rõ ràng hơn.

Bối cảnh kinh tế, xã hội thay đổi cùng những tác động từ xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ... đã tạo nên những căn nguyên của cuộc Chiến tiền tệ lần thứ hai (1967-1987) và hệ lụy của nó cũng là những con số đáng phải quan tâm. Cụ thể, toàn bộ thời gian từ năm 1967 đến năm 1971 được mô tả như một khoảng thời gian của sự hỗn loạn và bất ổn trong các vấn đề tiền tệ quốc tế.  Mặc cho những kỳ vọng về tăng trưởng và việc làm xuất phát từ việc phá giá đồng đôla, nước Mỹ vẫn phải chịu đựng thêm ba cuộc suy thoái kinh tế từ năm 1973 đến năm 1981. Tổng cộng sức mua của đồng đôla từ năm 1977 đến năm 1981 giảm 50%. Giá dầu tăng gấp bốn lần trong khoảng thời gian suy thoái từ năm 1973 đến năm 1975 và tiếp tục tăng gấp đôi từ mức đó vào năm 1979. Giá vàng thường niên trung bình tăng từ 40,80 đôla/ounce (1971) lên đến 612,56 đôla/ounce (1980), trong đó bao gồm một cú nhảy vọt ngắn hạn lên mức 850 đôla/ounce vào tháng 1-1980. Nạn thất nghiệp vẫn còn cao trong nhiều năm sau khi đợt suy thoái cuối cùng trong ba đợt suy thoái kết thúc vào năm 1982. Thâm hụt thương mại ở Đức và Nhật Bản tăng lên (do đồng đôla mạnh hơn) đã khiến người Mỹ mua xe hơi Đức và đồ điện tử Nhật Bản cùng những hàng hóa khác, v.v..

Nhìn tổng thể những hệ lụy từ Cuộc chiến tiền tệ lần 2, James Rickards - tác giả cuốn sách Chiến tranh tiền tệ: Cuộc khủng hoảng toàn cầu kế tiếp đang thành hìnhđã viết: “Trong con mắt của nhiều người, thế giới thật sự trở nên điên đảo. Một thuật ngữ mới, “đình lạm, hay lạm phát đình đốn (stagflation)”, đã được dùng để mô tả sự kết hợp chưa từng xảy ra giữa lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ ở Mỹ. Cơn ác mộng kinh tế từ năm 1973 đến năm 1981 là sự đối lập hoàn toàn với sự tăng trưởng bằng con đường xuất khẩu mà hành động phá giá đồng đôla hướng tới. Những động cơ của phá giá đã hoàn toàn phá sản”.

Như vậy, hầu hết các quốc gia đều trực tiếp hoặc gián tiếp kỳ vọng cải thiện kinh tế (mà trước hết là sức cạnh tranh của nền kinh tế) từ phá giá nội tệ. Tuy nhiên, diễn tiến thực tiễn qua 2 cuộc chiến tiền tệ cùng những hệ lụy của nó đã và đang buộc các quốc gia phải cẩn trọng khi áp dụng.

3. Một số động thái mới của cuộc chiến tiền tệ

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mỗi biến động kinh tế, chính trị của một quốc gia (nhất là những quốc gia có nền kinh tế mạnh) đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến vận hành kinh tế khu vực và thế giới. Trước động thái “mạnh tay” của Trung Quốc - giảm sốc 4,6% tỷ giá nhân dân tệ/đôla Mỹ trong 3 ngày liên tiếp (11,12 và 13-8-2015), đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ xảy ra không chỉ ở phạm vi châu Á mà có thể lan ra toàn cầu. Không ít các quốc gia, trong đó điển hình là Mỹ đã ngay lập tức lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không nên rời xa cam kết hướng tới áp dụng một giá tỷ giá hối đoái theo quy luật thị trường. Đồng thời, hành động phá giá đồng nội tệ của quốc gia này cũng ngay tức thì có những tác động đến sự vận hành tiền tệ của các nền kinh tế trong khu vực, cụ thể: trên thị trường tiền tệ, các đồng tiền của châu Á như vừa trải qua “cơn lốc quét”, đồng rupiah của Inđônêxia, ringgit của Malaixia, đôla Xinhgapo, đôla Đài Loan và peso của Philípin... đồng loạt trượt dốc, khi có chung một mối lo ngại về sức cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng lên, đồng thời sức mua của nước này sẽ giảm đi, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất - nhập khẩu của các nước láng giềng. Hành động phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đang đặt khu vực và thế giới trước những kịch bản kinh tế đầy rủi ro, trong đó xu hướng chủ đạo nhận được sự thống nhất cao là sự “khơi mào” một cuộc chiến tiền tệ mới, một mặt nhằm xoay chuyển tình hình kinh tế u ám của Trung Quốc trong bối cảnh khu vực và thế giới đang tái cấu trúc sau khủng hoảng, mặt khác, nhằm xác lập trật tự kinh tế thế giới mới dựa trên tương quan sức mạnh kinh tế mà tiền tệ là công cụ thực thi. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể thì còn khá sớm để đưa ra nhận định chính thức, song với những ghi nhận trái chiều về hành động này của Trung Quốc thì quốc gia này dường như đang có những toan tính kinh tế, chính trị khá rõ nét, cho dù tuyên bố của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc nhấn mạnh dự trữ ngoại hối của nước này đang ở mức 3,65 nghìn tỷ đôla Mỹ và cán cân vãng lai đang thặng dư. Thực tế điều hành chính sách tiền tệ của quốc gia này phần nào phản ánh xu hướng điều chỉnh chính sách phát triển nói chung, mà trước hết là điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Trong thời gian qua, giới chức Trung Quốc không ngừng vận động hành lang để IMF đưa NDT vào rổ tiền tệ dự trữ của tổ chức này, hay còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt, mà IMF dùng để cho các quốc gia vay. Đây sẽ là một bước tiến lớn trong kế hoạch quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc.

Động thái phá giá NDT hướng tới việc thả nổi tỷ giá trong thời gian tới cũng cho thấy một sự chuẩn bị căn bản cho những thay đổi chính sách phát triển của Trung Quốc. Tỷ giá linh hoạt hơn có ý nghĩa quan trọng với nước này bởi họ đang hướng tới trao cho thị trường vai trò quyết định trong nền kinh tế và nhanh chóng hòa nhập vào thị trường tài chính toàn cầu.

Cho dù cắt nghĩa hành động phá giá đồng NDT theo phương diện nào thì cũng chứng tỏ mấy vấn đề căn bản sau: 1) Chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị cho một sự thay đổi trong chiến lược phát triển có tính tới xác lập một vị thế kinh tế, chính trị mới; 2) Phá giá đồng nội tệ chỉ là bề nổi của những điều chỉnh mang tính chiến lược, song chứng tỏ nội tại nền kinh tế quốc gia này đang hàm chứa những vấn đề yêu cầu phải có sự thay đổi; 3) Dù không phải “liều thuốc” chữa bách bệnh cho các nhà xuất khẩu đang ốm yếu của Trung Quốc đang chịu hậu quả do giá nhân công tăng lên, nhưng phá giá đồng NDT sẽ giúp giảm bớt áp lực giảm phát, nhằm tránh lặp lại nguy cơ giảm phát mà Nhật Bản từng gánh chịu trong nhiều năm...

Trước hành động phá giá đồng NDT, mỗi quốc gia trong khu vực và các nền kinh tế có liên quan đều có những động thái nhất định, có thể tình thế, có thể dự phòng nhưng đều hướng đến sự ổn định cần thiết cho đồng nội tệ của quốc gia và dự liệu ứng phó với các tác động liên quan đến cán cân thương mại. Trong đó, với các nền kinh tế mạnh xuất khẩu, vấn đề được cân nhắc là tương quan giá cả hàng hóa xuất khẩu hay nói rộng hơn là sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; với các nền kinh tế gắn nhiều với nhập khẩu thì việc gia tăng nhập siêu, sự phụ thuộc nhiều hơn vào nền kinh tế xuất khẩu là vấn đề cần xem xét. Theo đó, những vấn đề về kinh tế vĩ mô và an ninh kinh tế là những khía cạnh mà các quốc gia như Việt Nam phải cẩn trọng.

_____________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2015

(1) Tức có sự chênh lệch nhất định giữa khoản thu ngân sách tính ra đồng nội tệ, đồng ngoại tệ và chi ngân sách tính ra đồng ngoại tệ.

(2) Phá giá nội tệ làm cho lương thực tế của những người làm công ăn lương giảm đi, như vậy cũng có lợi cho các doanh nghiệp.

 (3) Vũ Khoan: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và một số vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam, http://www.tapchicongsan.org.vn.

Tài liệu tham khảo:

1. http://www.nuiansongtra.com, Cao Minh: Về “cái chết” của đồng đôla Mỹ”.

2. http://www.thanhnien.com.vn, Công Chính: Hiểm họa chiến tranh tiền tệ.

3. James Rickards: Chiến tranh tiền tệ: Cuộc khủng hoảng toàn cầu kế tiếp đang thành hình, Nxb Trẻ, 2014.

4. Song Hongbinh: Chiến tranh tiền tệ, Nxb Trẻ, 2008.

 

PGS, TS Phạm Thị Túy

Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền