Trang chủ    Quốc tế    Quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Thứ ba, 02 Tháng 8 2016 09:54
2165 Lượt xem

Quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

(LLCT) - Trong những năm qua, Nhà nước Lào đã tập trung xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế, góp phần tạo ra những chuyển biến quan trọng trong quản lý và phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh.

1. Quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại tại Lào từ năm 1986 đến trước khi có Luật Kinh doanh (1994)

Trước năm 1987, rất khó để phân biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý kinh doanh đối với doanh nghiệp tại Lào. Các doanh nghiệp không có quyền làm chủ trong kinh doanh, mọi hoạt động đều do Nhà nước quản lý và quy định. Do nhấn mạnh vai trò quản lý của Nhà nước, mà không thừa nhận tính quy luật và vai trò điều tiết của “thị trường”, nên tính sáng tạo và năng động của người lao động không được phát huy, dẫn đến nền kinh tế trở nên “trì trệ”, yếu kém.

Nhận thức rõ những sai lầm trong việc xây dựng mô hình kinh tế nói trên và hậu quả của nó, Đảng và Nhà nước CHDCND Lào đã đưa ra chủ trương xóa bỏ “cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp”, từng bước chuyển sang thực hiện cơ chế thị trường. Đại hội Đảng NDCM Lào lần thứ IV (năm 1986) đã chính thức thông qua đường lối đổi mới,“xây dựng cơ chế quản lý mới - cơ chế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước”.

Trong giai đoạn 1986 - 1994, cơ chế quản lý hoạt động thương mại đã có những thay đổi căn bản sau:

Tháng 6 - 1986, Chính phủ Lào xóa bỏ việc thực hiện giá “cộng chi phí” đối với các doanh nghiệp nhà nước, giá cả hàng hóa được hình thành theo quan hệ cung - cầu.

Tháng 7 - 1987, Liên đoàn Thương mại quốc gia Lào vẫn độc quyền về thương nghiệp buôn bán và xuất - nhập khẩu. Thương nghiệp quốc doanh nắm chức năng phân phối (không chỉ hàng hóa, mà trên thực thế phân phối thu nhập cho các tầng lớp nhân dân, kể cả đối với nông dân). Việc mua bán, phân phối lương thực (chủ yếu là lúa gạo), đều do các cửa hàng lương thực quốc doanh thực hiện.

Cuối năm 1989, hệ thống hợp tác xã không còn giữ chức năng đại lý cho thương nghiệp quốc doanh, mà hoạt động như một bộ phận của thương nghiệp ở Lào. Giá cả hàng hóa được tự do hóa.

Bước chuyển dịch căn bản từ cơ chế tập trung cao độ sang cơ chế thị trường chỉ diễn ra đến khi có Luật Kinh doanh ra đời. Nhà nước Lào thực hiện cuộc cải cách phương thức quản lý, chuyển từ phương thức kế hoạch mệnh lệnh mang tính chỉ thị sang phương thức thị trường kết hợp với kế hoạch. Các phương pháp quản lý thương mại được áp dụng, bao gồm: Phương pháp kế hoạch hóa mang tính định hướng; phương pháp pháp chế; phương pháp hành chính; phương pháp kinh tế; phương pháp giáo dục, tuyên truyền và phương pháp kiểm tra, kiểm soát.

2. Pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại từ khi có Luật Kinh doanh

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng NDCM Lào lần thứ IV và lần thứ V, Nhà nước Lào tập trung vào công tác xây dựng pháp luật, trong đó chủ yếu là xây dựng pháp luật về kinh tế. Nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý doanh nghiệp trong tình hình mới, ngày 18-7-1994, Quốc hội Lào đã thông qua hai đạo luật là Luật Kinh doanh và Luật Phá sản của doanh nghiệp. Đây là các đạo luật đầu tiên tại Lào quy định vấn đề thành lập và đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. So với các quy định trước, chế định về đăng ký kinh doanh trong các luật trên có sự tiến bộ và hoàn thiện hơn. Luật Kinh doanh năm 1994 quy định rõ ràng, đầy đủ về vấn đề tổ chức quản lý của cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD), thành lập doanh nghiệp, về điều kiện và thủ tục ĐKKD cho doanh nghiệp.

Theo Luật Kinh doanh năm 1994, sau khi đã làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp, để được phép tiến hành các hoạt động kinh doanh, các chủ doanh nghiệp phải tiến hành làm thủ tục ĐKKD tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chỉ sau khi đăng ký và được cơ quan này chấp thuận thì doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường, chính thức phát sinh các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, pháp luật về ĐKKD thời điểm này còn sơ hở và thiếu tính thống nhất trong việc vận dụng thực hiện. Vẫn tồn tại nhiều cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận ĐKKD như Sở Thương mại cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đoàn thể, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Bộ Thương mại cấp giấy phép hoạt động kinh doanh cho các Viện nghiên cứu khoa học. Như vậy, việc ĐKKD mới chỉ là sự ghi nhận các thông tin đầu tiên về doanh nghiệp được thành lập để thừa nhận sự tồn tại của nó. Tình trạng trên gây ra sự thiếu thống nhất trong các quy định của Nhà nước và sự lỏng lẻo trong quá trình quản lý. Thực tế, nhiều doanh nghiệp hoạt động sai chức năng hoặc lợi dụng sự sơ hở của chính sách để làm ăn phi pháp, gây khó khăn cho công tác tổng hợp tình hình hoạt động của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến chính sách điều hành vĩ mô nền kinh tế của Nhà nước Lào.

Sau năm 2000, Nhà nước Lào đã ban hành nhiều nghị định, quy định nhằm tổ chức lại công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, chống gian lận thương mại. Pháp luật Nhà nước Lào đã thể hiện chính sách tự do lưu thông của các thành phần kinh tế. Lào đã ban hành và thực thi các chính sách quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại như sau:

+ Nghị định số 205/TT ngày 11-10-2001 của Thủ tướng Chính phủ về “Quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu”.

+ Nghị định số 206/TT ngày 10-10-2001 của Thủ tướng Chính phủ về “Kinh doanh thương mại trong nước”.

+ Quy định số 0834/BTM ngày 13-07-2001 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về “Hiệp hội kinh doanh thương mại”.

+ Nghị định số 02/TT ngày 21-01-2002 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng “Đặc khu kinh tế Sa vẳn - Sê nô” - Tỉnh Savannakhet - Mụcđahản (Thái Lan).

+ Nghị định số 25/TT ngày 25-03-2002 của Thủ tướng Chính phủ về “Đầu tư xây dựng khu thương mại biên giới Đensavẳn (Lào) - Lao Bảo (Quảng Trị - Việt Nam)”.

+ Nghị định số 162/TT ngày 08-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ về “Đầu tư xây dựng khu thương mại biên giới Boten (Luông Nậm Thà) - Mo han (Vân Nam - Trung Quốc).

Đối với thị trường nội địa, Chính phủ Lào thực hiện chính sách thương mại nhất quán: một thị trường thống nhất và ổn định trong cả nước, các chủ thể kinh doanh chủ động và tự do kinh doanh lưu thông trên thị trường. Thí dụ Quy định số 0755/BTM ngày 20-6-2001 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về “Tổ chức và quản lý thị trường”. Nhà nước xóa bỏ chế độ quản lý thị trường theo đơn vị hành chính, chấm dứt tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, làm cho hàng hóa thông suốt và thuận lợi.

3. Pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại từ khi có Luật Doanh nghiệp

Những thiếu sót và hạn chế trong Luật Kinh doanh, chủ yếu là những hạn chế trong chế định thành lập doanh nghiệp và ĐKKD đã làm giảm tính linh hoạt của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn hình thức và cơ hội đầu tư phù hợp, đồng thời làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Để khắc phục những vấn đề trên, ngày 9-11-2005 Quốc hội nước CHDCND Lào đã thông qua Luật Doanh nghiệp nhằm thay thế cho Luật Kinh doanh năm 1994.

So với trước đó, vấn đề ĐKKD trong Luật Doanh nghiệp đã có sự thay đổi cơ bản trong nội dung, thể hiện sự đổi mới trong tư duy và phương pháp quản lý của Nhà nước, trong đó ghi nhận việc ĐKKD, thành lập doanh nghiệp hoàn toàn là quyền của nhà đầu tư. Thủ tục và hồ sơ ĐKKD, thành lập doanh nghiệp được đơn giản hoá tối đa, các hình thức tổ chức kinh doanh được mở rộng, có nhiều loại hình doanh nghiệp để các nhà nước đầu lựa chọn. Phương pháp quản lý chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” giúp Nhà nước giám sát, quản lý được hoạt động của doanh nghiệp sau ĐKKD.

Không chỉ đưa ra những quy định bảo đảm việc giám sát, quản lý doanh nghiệp, vấn đề ĐKKD trong Luật Doanh nghiệp đã có sự thay đổi về cơ bản, thể hiện sự đổi mới trong nhận thức của Nhà nước đối với quyền tự do kinh doanh của công dân.

Thứ nhất, Nhà nước xoá bỏ thủ tục xin phép thành lập doanh nghiệp

Trước đây, các quy định trong Luật Kinh doanh buộc người muốn thành lập doanh nghiệp phải nộp đơn xin phép thành lập với nhiều điều kiện phức tạp. Tuy nhiên, trong Luật Doanh nghiệp, Nhà đầu tư muốn thành lập doanh nghiệp không cần phải xin phép bất cứ cơ quan, tổ chức nào mà chỉ cần làm thủ tục ĐKKD với Nhà nước. Hồ sơ ĐKKD được đơn giản hoá tối đa, bao gồm: Đơn ĐKKD; Điều lệ công ty; Danh sách các thành viên công ty và xác nhận về vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề đối với những ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật quy định phải có. Đối với doanh nghiệp tư nhân thì hồ sơ ĐKKD chỉ cần có đơn ĐKKD là đủ, nếu doanh nghiệp không kinh doanh trong ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định hoặc chứng chỉ hành nghề. Các yêu cầu về xác nhận nhân thân, vấn đề sức khoẻ đã được xóa bỏ.

Thứ hai, quyền đăng ký kinh doanh được bảo đảm tốt hơn trước

Theo Luật Kinh doanh năm 1994, doanh nghiệp sau khi được cơ quan nhà nước cho phép thành lập phải tiến hành ĐKKD tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có thể tiến hành hoạt động kinh doanh. Đến Luật Doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể lựa chọn bất cứ loại hình doanh nghiệp nào, và hoạt động ĐKKD chỉ mang tính chất thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước biết việc thực hiện quyền kinh doanh theo pháp luật.

Luật Doanh nghiệp cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), cùng các phòng thương mại cấp tỉnh, quận, huyện trong quản lý, phát triển và xúc tiến doanh nghiệp; giám sát, khuyến khích và theo dõi việc thực thi pháp luật, chính sách doanh nghiệp của các đơn vị kinh doanh các cấp, báo cáo kết quả thực hiện cho cơ quan cấp trên…

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, từ chỗ chưa được quan tâm xây dựng đến trở thành công cụ quản lý không thể thiếu của Nhà nước, đến nay, pháp luật về thành lập doanh nghiệp và ĐKKD đã có sự hoàn thiện nhất định, phản ánh đúng quy luật kinh tế và phù hợp với thông lệ quốc tế. Những thay đổi trên góp phần tạo ra những chuyển biến quan trọng trong việc quản lý và phát triển kinh tế, một mặt đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong việc thành lập doanh nghiệp; mặt khác, cũng tạo điều kiện tốt hơn cho các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý doanh nghiệp.

KEOVICHITH KHAYKHAMPHITHUONE

 Sở Công thương Tỉnh Savannakhet - CHDCND Lào

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền