Trang chủ    Quốc tế    Kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ của một số nước ở châu Á
Thứ hai, 15 Tháng 8 2016 15:27
3040 Lượt xem

Kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ của một số nước ở châu Á

(LLCT) - Phát triển công nghiệp hỗ trợ đã và đang được nhiều chính phủ quan tâm đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là các nước đang phát triển ở châu Á. Những kinh nghiệm trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ có những gợi mở có giá trị tham khảo lớn đối với nước ta.

Thứ nhất, xây dựng cơ chế chínhsách phát triển công nghiệp hỗ trợ(CNHT) phù hợp

Ở nhiều quốc gia, thời gian đầu phát triển CNHT, vai trò định hướng của Chính phủ rất quan trọng, trước hết là các chính sách.

Ở Nhật Bản, từ năm 1956 đã có Luật xúc tiến công nghiệp chế tạo máy, áp dụng chính sách hỗ trợ cụ thể cho các ngành CNHT; Luật Phòng chống trì hoãn thanh toán chi phí thầu phụ; Luật Xúc tiến doanh nghiệp thầu phụ nhỏ và vừa (năm 1970)… Hiện nay, chính sách của Nhật Bản là thúc đẩy các doanh nghiệp liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, sử dụng có hiệu quả các phụ tùng giá rẻ của nước ngoài. Duy trì và tăng cường ưu thế về công nghệ và khâu khai thác phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã và hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thâm nhập thị trường ngoài nước. Các doanh nghiệp Nhật Bản rất thành công trong việc “xuất khẩu sản xuất”, tổ chức mạng lưới tiêu thụ sản phẩm trên toàn cầu, khai thác hiệu quả thị trường quốc tế với sức cạnh tranhcao.

Ở Hàn Quốc, Chính phủ đã thiết lập các chương trình hỗ trợ thông qua việc ban hành Đạo luật đặc biệt về sản xuất linh kiện và vật liệu vào tháng 2- 2001 có hiệu lực đến ngày 30-12-2011. Trong tháng 8-2011, Quốc hội (do Ủy ban Kinh tế Tri thức) đề xuất việc sửa đổi, trong đó sẽ kéo dài hiệu lực thêm 10 năm cho Đạo luật đặc biệt này. Chính phủ thành lập và công bố sáng kiến ​​ngày 1 -11 -2011 về "Vật liệu và Linh kiện Tầm nhìn 2020". Cùng với việc ban hành đạo luật về Công nghiệp hỗ trợ, chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng "Quy hoạch cơ bản giai đoạn 1, cho ngành công nghiệp hỗ trợ (MCT-2010)" với sáng kiến phát triển những linh kiện có thể tạo cho lợi nhuận lớn trong một thời gian ngắn đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng và mạng lưới thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu một cách bền vững. Sau khi thiết lập thành công cơ sở hạ tầng vào giữa những năm 2000, mục tiêu chính của Chính phủ là khuyến khích các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc tập trung vào phát triển kỹ thuật và công nghệ ngành công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ Hàn Quốc đã công bố "Chính sách mới cho khuyến khích doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp hỗ trợ" năm 2006.

Ở Trung Quốc, để phát triển CNHT, Chính phủ cho thành lập các tổ chức làm cầu nối giữa khu vực tư nhân và Nhà nước, tăng cường phát triển tiềm năng khoa học-công nghệ quốc gia, đổi mới cơ chế tài chính, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân hợp tác và tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất từ đối tác nước ngoài, xúc tiến hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực... Có cơ chế chocác doanh nghiệp phối hợp đề đạt với Chính phủ những yêu cầu hỗ trợ về mặt chính sách, cải thiện môi trường hoạt động kinh doanh hướng vào thu hút FDI.

Ở Thái Lan, những năm 1960 đã thực thi chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu, từ năm 1970, nước này thực thi chiến lược công nghiệp hoá định hướng xuất khẩu. Thái Lan đã lựa chọn 3 lĩnh vực ưu tiên là công nghiệp kỹ thuật, công nghiệp chế biến và doanh nghiệp nhỏ và vừa nông thôn. Khuyến khích phát triển gia công kim loại, chế tạo linh kiện, phụ tùng hỗ trợ cho sản phẩm viễn thông và điện tử xuất khẩu. Thái Lan thành lập nhiều cơ quan hỗ trợ phát triển CNHT như: Viện Nghiên cứu Ô tô - Xe máy, Văn phòng Phát triển CNHT, Uỷ ban Xúc tiến CNHT,... Thậm chí khối doanh nghiệp của Thái Lan được tham gia vào việc dự thảo, điều chỉnh và kiểm tra các chính sách phát triển. Chính sách của Thái Lan rõ ràng, ổn định; áp dụng những biện pháp vừa khuyến khích vừa bắt buộc các nhà lắp ráp nội địa hoá sản phẩm bằng việc sử dụng linh phụ kiện sản xuất trong nước.

Ở Malaysia, từ năm 1958 đã vận dụng chính sách ưu đãi công nghiệp tiên phong cho những nhóm ngành sản xuất hàng tiêu dùng thay thế nhập khẩu. Vào những năm 1970, chính sách công nghiệp đã định hướng xuất khẩu dựa vào các nhà sản xuất hàng lắp ráp và chế biến. Năm 1980, Nhà nước can thiệp sâu vào phát triển công nghiệp nặng, liên doanh, thành lập doanh nghiệp nhà nước, hình thành nền móng công nghiệp rộng lớn. Malaysia cũng đưa ra một loạt chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, hỗ trợ về thuế cho sản xuất máy móc và linh kiện, các thiết bị giao thông, linh kiện điện tử, các sản phẩm nhựa ... Quy hoạch công nghiệp giai đoạn 2006 - 2020, Malaysia bổ sung danh mục CNHT, tập trung tạo ra giá trị, tri thức, nguồn nhân lực và mở rộng các biện pháp nhằm tăng cường năng lực cho các nhà cung cấp, đặc biệt trong ngành công nghiệp ô tô. Nỗ lực phát triển các nhà cung cấp linh phụ kiện, tăng cường liên kết công nghiệp giữa doanh nghiệp lớn với nhà cung cấp trong nước.

Như vậy, những chính sách của Chính phủ trong từng giai đoạn rất quan trọng, có tính quyết định đến sự phát triển CNHT. Chính vì thế, chính sách cần tận dụng được cơ hội và lợi thế quốc gia, biến nó thành sức mạnh để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, trong đó cần xác định rõ các ưu tiên chiến lược, đồng thời thi hành chính sách hỗ trợ,  ưu tiên cho các doanh nghiệp trong các ngành chiến lược.

Thứ hai,  tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp

Tại các nước phát triển CNHT mạnh trong khu vực cho thấy, khi có mối liên kết chặt chẽ và thông suốt giữa các doanh nghiệp tham gia vào CNHT và công nghiệp lắp ráp, chế tạo thì CNHT mới có thể phát triển nhanh chóng và bền vững được.

Ở Nhật Bản, để phục vụ nhà lắp ráp, có hàng nghìn các doanh nghiệp vệ tinh khác sản xuất các loại linh phụ kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp. Các công ty của Nhật Bản có tầm cỡ trên thế giới chỉ chiếm 1% số lượng doanh nghiệp, còn trên 95% là các doanh nghiệp SMEs sản xuất các kinh kiện cho công ty này. Mối liên kết mạnh giữa các doanh  nghiệp Nhật Bản, được phân chia thành các Tier, trong đó Tier 1 sẽ là các tập đoàn lớn đảm trách nhiệm vai trò tổng thầu; một dự án lớn sẽ thường được chia nhỏ thành rất nhiều phần để chia tiếp cho các công ty nhỏ hơn (Tier 2, Tier 3), thậm chí là Outsource (hợp đồng thuê ngoài hay dịch vụ gia công) ra nước ngoài để tiết giảm chi phí. Nhật Bản đã thành công trong việc liên kết các doanh nghiệp, điều này nhận thấy khi tất cả các doanh nghiệp cùng hướng đến những phương thức quản lý như 5S hay Kaizen (cải tiến, cải thiện). Chính sự liên kết này đã góp phần làm nên sự phát triển CNHT ở Nhật Bản.

Ở Trung Quốc, sự phát triển vượt bậc của ngành CNHT chính là nhờ mối liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nội địa. Các doanh nghiệp lắp ráp trong nước có được nguồn cung các linh kiện, phụ tùng tại chỗ trong nước với chất lượng đảm bảo, giá thành rẻ từ phía các nhà cung ứng nội địa, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện tại, Trung Quốc có tới 4.172 hãng cung cấp đồ linh kiện ô tô. Ngoài sự liên kết các nhà cung cấp nội địa, Trung Quốc còn tăng cường liên kết hợp tác với các công ty lắp ráp nước ngoài, các tập đoàn TNCs, MNCs…

Ở Thái Lan, sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà cung cấp linh kiện với các nhà lắp ráp đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển CNHT. Trong ngành  ôtô - xe máy, các nhà sản xuất linh phụ kiện của Thái Lan đã thành công lớn trong việc giảm chi phí sản xuất nhờ có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà lắp ráp để giảm giá thành ngay từ khâu thiết kế; việc liên kết hợp tác trong CNHT còn được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác như đầu tư thiết bị, phụ tùng mới,  nghiên cứu và phát triển. Chính phủ Thái Lan quan tâm thúc đẩy các liên kết công nghiệp giữa các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, thành lập các tổ chức chuyên về phát triển CNHT làm cầu nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp; giữa các doanh nghiệp với nhau. Từng ngành cụ thể thành lập các vụ, viện góp phần là cầu nối giữa khu vực nhà nước với tư nhân, giữa các nhà lắp ráp với các nhà cung ứng nội địa.

Malaysia tăng cường mối liên hệ giữa các nhà cung cấp và các nhà lắp ráp thông qua Chương trình phát triển các doanh nghiệp cung ứng (VDP). Mục tiêu chính của chương trình là tạo ra thị trường công nghiệp mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Malaysia có thể trở thành những nhà sản xuất và cung cấp đáng tin cậy các sản phẩm đầu vào công nghiệp, máy móc thiết bị cho ngành công nghiệp lớn hơn, thông qua đó tạo điều kiện hội nhập và các liên kết mạnh mẽ giữa các công ty vừa và nhỏ với các công ty lớn, công ty tài chính.

Ở Việt Nam, liên kết giữa các nhà cung cấp nội địa với doanh nghiệp lắp ráp nước ngoài, đặc biệt các tập đoàn đa quốc gia và xuyên quốc gia tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước chen chân được vào hệ thống sản xuất của các tập đoàn này một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, việc liên kết chặt chẽ giữa các nhà cung cấp linh kiện trong nước với các doanh nghiệp lắp ráp nước ngoài giúp các nhà cung cấp linh kiện trong nước có đầu ra cho sản phẩm một cách khá chắc chắn (sự bảo đảm thị trường).Kinh nghiệm các nước đã chỉ ra vai trò quan trọng của Chính phủ. Chính phủ cần thành lập các tổ chức chuyên về phát triển CNHT, tạo thành cầu nối giữa chính phủ với doanh nghiệp, kết nối các doanh nghiệp với nhau.

Thứ ba, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là nhân tố quan trong nhất cho sự phát triển lâu dài của các ngành CNHT. Theo quan điểm của hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì để phát triển lâu dài các ngành CNHT, nguồn nhân lực còn quan trọng hơn nhiều so với máy móc hiện đại. Các chuyên gia và nhà doanh nghiệp cũng cho rằng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, yếu tố cơ bản tạo sức thu hút các tập đoàn đa quốc gia, mở rộng thị trường xuất khẩu chính là chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Lý do chính giải thích tại sao nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn nước này chứ không phải nước khác chính là nguồn nhân lực.

Nhật Bản năm 1985 có Luật khuyến khích phát triển nguồn nhân lực.  Nhà nước có vai trò cung cấp cơ sở hạ tầng và thông tin thông qua các hạt nhân sáng tạo. Các cơ sở đào tạo có mối liên hệ thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp, nắm rõ thực tiễn để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các công ty mẹ. Nhật Bản đưa ra chương trình liên kết học đường - doanh nghiệp, tạo ra những lao động kỹ năng cao.

Công tác quản lý và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành CNHT của Nhật Bản được thể hiện thông qua các mô hình Monozukuri, Coblas và mô hình đào tạo hạt nhân, cụ thể là: Mô hình Monozukuri: Monozukuri là một khái niệm nói đến hình thức sản xuất theo kỹ năng của Nhật Bản sáng tạo, nó đỏi hỏi làm ra sản phẩm đảm bảo chất lượng cao và đáp ứng yêu cầu của khách hàng với niềm tự hào và trân trọng. Thậm chí, mỗi người lao động đều là một nghệ nhân. Hoạt động sản xuất phải duy trì mối quan hệ lâu dài và tạo dựng được kỹ năng, kiến thức trong nội bộ DN hoặc giữa các DN với nhau. Sản xuất kiểu Monozukuri phải đáp ứng nhu cầu cao về quản lý chất lượng theo 5S (Seiri, Seiton, Seiso, Sheiketsu và shitsuke - tạm dịch là Sạch sẽ, sắp xếp, săn sóc, san sẻ, sẵng sàng tại nơi làm việc), QCD (quality, cost, delivery - tạm dịch Chất lượng, chi phí và vận chuyển) và Kaizen (nỗ lực cải tiến liên tục). Trong lĩnh vực chính sách, khái niệm Monozukuri thường được Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh với mục đích nâng cấp năng lực sản xuất nội địa và mở rộng mô hình kinh doanh kiểu Nhật ra bên ngoài; Mô hình COBLAS: Coblas (viết tắt cụm từ tiếng Anh “consulting based learning for ASEAN SMEs) với mục tiêu chủ yếu của mô hình là biến sinh viên - đã được đào tạo tinh thần doanh nhân (Entrepreneurship education) trong chương trình đại học - trở thành các tư vấn viên cho DN; và mục tiêu tiếp theo là hình thành mối quan hệ hợp tác giữa DN địa phương nhằm trao đổi kinh nghiệm chuyên môn. Mô hình này mở rộng trên phạm vi ASEAN được thực hiện thông qua việc giúp đỡ các DN vừa và nhỏ đang hoạt động trong khu vực. Cụ thể là giáo dục sinh viên thành doanh nhân, bồi dưỡng kiến thức cho doanh nhân để thành công và thiết lập mối liên kết giữa trường đại học và cộng đồng DN tại địa phương; Mô hình đào tạo hạt nhân: Là mô hình đào tạo trong đó sinh viên/học viên xuất sắc của Nhật Bản thuộc các trường đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề trong ngành ô tô sang các nước có công nghệ phát triển hơn để tu nghiệp kỹ thuật. Sau thời gian thực tập, trở về nước họ sẽ là lực lượng kỹ thuật và quản lý nòng cốt của nguồn nhân lực CNHT Nhật Bản. Tạo thành mạng lưới nhân lực công nghiệp và công nghệ thông tin chất lượng cao, là xúc tác cho CNHT phát triển tiến bộ. Hiện tại, Nhật Bản có 05 hạt nhân sáng tạo quốc gia và 41 hạt nhân sáng tạo cấp tỉnh. Đây là cầu nối giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhật Bản đưa ra cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ làm việc, theo quy mô của doanh nghiệp, công ty lớn đào tạo càng nhiều. Trong đó chú trọng đào tạo phong cách và kỷ luật lao động; kiến thức thực tế; tinh thần tập thể trong công ty.

Trung Quốc có các chính sách thúc đẩy nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với cấp địa phương, như giải pháp tự do hoá thị trường lao động, tự do hoá việc di cư lao động. Thực hiện tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao trên thế giới hay từ nguồn lực Hoa Kiều. Trung Quốc đã ban hành Cương yếu quy hoạch nhân tài, với chủ trương phát triển nhân tài tầm trung và dài hạn. Đồng thời, tăng cường đào tạo nhân tài nghiên cứu phát triển, kỹ thuật khan hiếm và nhân tài quản lý; xây dựng cơ sở tập huấn sáng tạo đổi mới công trình; ấn định chính sách ưu đãi, nhất là nhân tài hạt nhân dẫn đầu ngành sản xuất, nhân tài kỹ thuật công trình,v.v...

Thái Lan cũng được coi là một trong những nước tích cực trongviệc phát triển kỹ năng. Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ đổi mới công nghệ, khuyến khích phát triển kỹ năng bằng cách giảm thuế thu nhập dài nhất là 8 năm và miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc. Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, y tế, thiết kế và đào tạo nguồn nhân lực, tuyển dụng nhân lực khoa học được hưởng ưu đãi. Thái Lan triển khai tốt hoạt động này, nhưng họ vẫnđang rất thiếu cán bộ kỹ thuật có chất lượng.

Malaysia là một trong những nước đi đầu trong việc tăng cường phát  triển kỹ năng. Chính phủ Malaysia đã thành lập quỹ phát triển nhân lực, hỗ trợ chi phí đào tạo cho công ty thực hiện đào tạo nhân viên trước khi vào làm và hỗ trợ gấp đôi chi phí cho những công ty có sắp xếp lao động đi đào tạo tại một cơ sở đào tạo được Nhà nước công nhận. Đồng thời, Malaysia cũng đặc biệt khuyến khích sự phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển lĩnh vực có đóng góp đáng kể đối với quá trình phát triển nguồn nhân lực trong dài hạn của đất nước. Theo đó, Malaysia thực hiện miễn thuế thu nhập 05 năm đầu hoặc giảm 100% thuế đầu tư trong 10 năm đầu cho những hoạt động trên.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao cần sự phối hợp của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ sở đào tạo. Đối với các nước như Thái Lan, Malaysia, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các công ty mẹ là một giải pháp để phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ các nước đều có những chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động, trong đó, đặc biệt ưu tiên xuất khẩu lao động kỹ thuật. Sau một thời gian làm việc ở nước ngoài, có thể ở chính công ty mẹ, người lao động sẽ nắm được kỹ thuật, tác phong làm việc và trở về nước. Có thể nói, sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ tư, xác định đúng ưu tiên ngành CNHT, cấu trúc ngành phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia

Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia đã rất thành công khi tập trung ưu tiên phát triển một số ngành CNHT và tìm cho mình những linh kiện cơ bản để tập trung chuyên môn hóa. Nhật Bản có nền sản xuất theo cấu trúc tích hợp, rất coi trọng việc vận hành nhà máy và liên kết sản phẩm hiệu quả. Do đó, việc sử dụng lao động rẻ không có kỹ năng ở Trung Quốc và ASEAN sẽ không cho phép tận dụng hết tiềm năng của nền sản xuất tích hợp Nhật Bản. Nếu ASEAN, điểm đến truyền thống của FDI Nhật Bản, học cách trở thành một đối tác sản xuất với tầm nhìn dài hạn và khát vọng theo đuổi chất lượng cao thì Nhật Bản và ASEAN có thể trở thành một liên minh chiến lược trong sản xuất các sản phẩm tích hợp và những sản phẩm này sẽ khác biệt sản phẩm của Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc lại theo đuổi nền sản xuất theo mô-đun, nhưng lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc là lao động rẻ chứ không phải là các sản phẩm mô-đun sử dụng nhiều tri thức như của Mỹ. Song, do Mỹ và Trung Quốc có nền sản xuất theo mô-đun có trình độ phát triển khác nhau nên chúng có thể trở thành đối tác sản xuất mang tính hỗ trợ.Hoa Kỳ có thể cung cấp công nghệ và vốn, còn Trung Quốc cung cấp lao động rẻ.

Đối với nước ta, việc tạo ra những tên tuổi sản phẩm lớn mang tầm quốc tế là rất khó đạt được trong thời điểm hiện tại. Với năng lực cạnh tranh hạn chế, sự cố gắng để có thể kết nối với một trong những mắt xích trong chuỗi sản xuất và cung cấp toàn cầu là hết sức quan trọng. Khi tham gia vào chuỗi sản phẩm có tính toàn cầu, chúng ta sẽ được hưởng lợi từ hệ thống phân phối toàn cầu, có khả năng tiếp xúc và chuyển giao công nghệ, trình độ lao động được nâng cao... Tất nhiên, khi mới tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chấp nhận ở những khâu sản xuất giản đơn, trình độ công nghệ tương đối thấp và có giá trị gia tăng không cao. Khi đã có cơ hội tham gia vào một khâu của sản xuất sản phẩm, thì việc tiến tới các nấc thang cao hơn là hoàn toàn có thế. Việt Nam cần xác định rõ các ngành, các sản phẩn CNHT ưu tiên để có thể tập trung nguồn lực cũng như định hướng để hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư. Việc tạo ra những lợi thế động để thâm nhập được vào hệ thống mạng lưới phân công lao động đang vận động một cách năng động trong khu vực chỉ có thể thực hiện thông qua một đội ngũ doanh nghiệp có năng lực thực sự. Việc xây dựng đội ngũ doanh nghiệp có sức cạnh tranh như vậy là vấn đề phụ thuộc một cách quyết định vào đường lối chính sách, chiến lược công nghiệp hóa của nhà nước.

Thứ năm, chú trọng thu hút vốn đầu tư và tạo cơ chế thuận lợi về vốn cho CNHT

Nhật Bản thành lập các hiệp hội và tổ chức tín dụng, bảo lãnh tín dụng, tạo thị trường ngách cho các DN (thông qua các hợp đồng gia công giữa các công ty lớn với các doanh nghiệp nhỏ, tăng cường viện trợ và ký kết các hiệp định kinh tế, thương mại với các chính phủ nước ngoài để mở đường cho các DN hỗ trợ Nhật Bản thâm nhập thị trường thế giới.Từ năm 1936, Nhật Bản đã thành lập Ngân hàng Shoko Chukin để đầu tư vốn cho các DN vừa và nhỏ. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật về sự hợp tác giữa các DN vừa và nhỏ với các thành phần kinh tế khác, có hiệu lực năm 1949 nhằm tăng cường vị thế cũng như tạo điều kiện cho các DN liên kết với nhau. Cũng vào năm 1949, Nhật Bản đã có quỹ tài chính đầu tư vốn cho DN vừa và nhỏ, chỉ mất 3 ngày để họ có thể vay vốn. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn thành lập những đơn vị bảo lãnh tín dụng có khả năng bảo lãnh cho các DN vừa và nhỏ khi họ vay vốn từ các DN tư nhân khác.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, ngay từ đầu cần phải có chính sách rõ ràng trong việc thu hút FDI vào phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, kết hợp ưu đãi với các chính sách xúc tiến đầu tư.Sau khi mở cửa nền kinh tế và thực hiện các chính sách nhằm vào nông thôn thì bước tiếp theo mà Trung Quốc thực hiện là thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu. Việc làm đầu tiên là thành lập thử nghiệm bốn đặc khu kinh tế, với mục đích thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý của nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây. Để thu hút FDI, Trung Quốc đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong các đặc khu kinh tế về cơ sở hạ tầng, ưu đãi về thuế, thủ tục hải quan, v.v…

Thái Lan tập trungchính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài đặt trọng tâm vào các công ty FDI, đặc biệt là các công ty Nhật Bản đóng vai trò quan trọng. Các công ty lắp ráp của Nhật bản đứng ở trên cùng của tháp công nghiệp, đồng thời với việc tham gia vào xây dựng các tầng tháp bên dưới để làm nền tảng. Các doanh nghiệp này đã tạo ra những sự liên kết kỹ thuật rất tốt và nhờ đó phát triển công nghệ cho các công ty chế tạo linh kiện của Thái Lan. Bên cạnh đó định hướng mua sắm của các công ty Nhật Bản đã khuyến khích đáng kể sự phát triển của các công ty cung ứng địa phương. Các công ty Nhật Bản tạo ra thị trường đối với sản phẩm và do vậy đã tạo ra được hệ thống cung ứng từ các công ty địa phương.

Malaysia có chính sáchưu đãi thuế, cả trực tiếp và gián tiếp, được qui định tại các luật như: Luật Đầu tư 1986, Luật Thuế thu nhập 1967, Luật Hải quan 1967, Luật thuế tiêu thụ 1972, Luật tiêu thụ đặc biệt 1976 và Luật vùng phi thuế quan 1990… Các ưu đãi về thuế trực tiếp cấp hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ nộp thuế thu nhập trong một thời gian quy định, trong khi ưu đãi thuế gián tiếp là dưới hình thức miễn thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt  và thuế bán hàng. Bằng chính sách định hướng dòng vốn nước ngoài vào ngành CNHT, chính phủ Malaysia đã giao MIDA lập và thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế và đơn giản thủ tục hành chính nhằm thu hút FDI vào ngành CNHT. Ưu đãi thu hút DN FDI vào các ngành CNHT thông qua chính sách ưu đãi thuế cho các DN FDI đầu tư vào sản xuất máy móc và linh kiện; sản xuất các thiết bị giao thông và linh kiện phụ tùng; sản xuất các thiết bị và linh kiện điện, điện tử; sản xuất các sản phẩm nhựa…

ThS Đinh Văn Bảo

Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền