Trang chủ    Quốc tế    Thực hiện pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước ở Lào
Thứ sáu, 26 Tháng 8 2016 14:33
2315 Lượt xem

Thực hiện pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước ở Lào

(LLCT) - Trong những năm qua, pháp luật về sử dụngngân sách Nhà nước Lào ngày càng được đổi mới và hoàn thiện theo hướng tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng; góp phần khuyến khích đầu tư,phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với yêu cầu hội nhập trong giai đoạn mới.     

1. Những thành công trong thực hiện pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước

Hệ thống pháp luật về sử dụng ngân sách được bổ sung, sửa đổi theo hướng sử dụng NSNN đồng bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Lào hiện nay.

Bảng 1: Tình hình sử dụng ngân sách Nhà nước

                                                                                       Đơn vị: Tỷ Kíp

Năm

Sử dụng NSNN phát triển kinh tế - xã hội

2010 - 2011

7.197

2011 - 2012

8.581

2012 - 2013

8.753

2013 - 2014

9.441

(Nguồn: Bộ Tài chính Lào)

Trên thực tế, trong giai đoạn 2010 - 2015, thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng trên diện rộng, giá cả một số mặt hàng trên thế giới tăng cao, nhất là giá xăng dầu, khiến chỉ số giá tiêu dùng trong nước tăng theo v.v.. Trước bối cảnh đó, dưới tác động tích cực của Luật NSNN, nền tài chính - ngân sách quốc gia vẫn ổn định và giữ được thế chủ động. Thu NSNN ở Trung ương và địa phương hàng năm luôn vượt chỉ tiêu, năm sau cao hơn năm trước; góp phần tăng đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm; các chủ trương của Đảng, nhà nước về xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh được triển khai hiệu quả.

Bảng 2: Cơ cấu kinh tế của nước CHDCND Lào

                                                                                    Đơn vị: % GDP

Năm

Nông nghiệp

Công nghiệp

Dịch vụ

Thuế các sản phẩm

2010 - 2011

27,2

30,6

36,4

5,79

2011 - 2012

26,0

31,2

37,1

5,68

2012 - 2013

23,5

33,2

37,9

5,4

2013 - 2014

23,1

32,4

37,9

6,6

(Nguồn: Trung tâm thống kê quốc gia Lào)

Cơ cấu ngân sách tiếp tục được duy trì ở mức độ hợp lý cho đầu tư phát triển, khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Việc sử dụng NSNN đã giữa vững vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế; góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao (8,3% năm 2012); đồng thời thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. NSNN đã ưu tiên tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển các hệ thống giao thông liên vùng; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển hạ tầng miền núi, v.v.. Nhiều công trình kinh tế - xã hội lớn đã hoàn thành, hạ tầng kinh tế - xã hội đất nước có bước cải thiện rõ rệt, như: dự án xây dựng hệ thống nước sinh hoạt ở tính U Đôm Xay, dự án xây dựng đường từ tỉnh Bo Li Khăm Xay đến tỉnh Xiêng Khoảng, dự án mạng điện nông thôn, dự án xây dựng sân bay tỉnh Át Ta Pư, dự án phát tiển giáo dục sinh viên nữ, dự án chính phủ điện tử, dự án khuyến khích sự sản xuất hàng hóa, v.v..

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng NDCM Lào, NSNN luôn chú trọng phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm đầu tư cho giáo dục đào tạo chiếm 16% ngân sách, đầu tư cho khoa học - công nghệ chiếm 20%, văn hóa 10%, đầu tư cho môi trường chiếm 11% tổng chi ngân sách. Trong lĩnh vực kinh tế, NSNN được sử dụng nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ làng nghề, tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ xây dựng kết cấuhạ tầng khu công nghiệp. NSNN cũng được sử dụng trong cải cách tiền lương, thực hiện các chính sách xã hội như chính sách người có công, chính sách cho các cán bộ vùng sâu vùng xa, chính sách xóa đói giảm nghèo, chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc v.v..

Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi bổ sung năm 2006 đãđáp ứng được yêu cầu của Luật Thuế mới (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, v.v), đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 theo hướng phân cấp rõ ràng hơn, mở rộng nguồn thu cho ngân sách cấp huyện, xã, nhằm tạo thế chủ động cho các cấp chính quyền địa phương trong việc khai thác nguồn lực tại chỗ, bố trí hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Luật sửa đổi bổ sung lần này cũng giúp tăng cường phối hợp đồng bộ và chặt chẽ hơn giữa các cơ quan tài chính ở địa phương, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý theo lãnh thổ của chính quyền địa phương.

2. Những hạn chế trong thực hiện pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN vẫn còn nhiều hạn chế, trong cả chế định luật cũng như việc tổ chức triển khai.

Đến nay, mặc dù đã điều chỉnh, sửa đổi, nhưng hệ thống pháp luật về NSNN vẫn chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh và còn mang tính “chữa cháy”, chưa có một khung pháp luật thật sự phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội ở Lào hiện nay. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng NSNN bao gồm Luật, pháp lệnh, Nghị định và các văn bản dưới luật, là cơ sở pháp lý để Nhà nước tập trung các nguồn lực tài chính phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, các văn bản pháp luật chưa làm rõ được nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc lập, chấp hành và quyết toán, phân bổ NSNN. Vì vậy, trong một thời gian dài, quản lý, sử dụng NSNN ở Lào thiếu cơ sở pháp lý, các quy định áp dụng có hiệu lực pháp lý thấp, chủ yếu là các văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Do số lượng văn bản lớn (mỗi năm có đến hàng trăm văn bản khác nhau trong lĩnh vực sử dụng ngân sách nhà nước), nên không thể hệ thống hóa đầy đủ, do đó tồn tại tình trạng mâu thuẫn, thậm chí trái ngược nhau giữa các văn bản. Nhiều quy phạm trong quản lý NSNN còn thiếu tính chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các hành vi tham nhũng.

Thực trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của hệ thống NSNN.Quá trình xét duyệt ngân sách phức tạp, thủ tục hành chính rườm rà. Nguyên tắc quản lý, sử dụng ngân sách được xác định là tập trung, nhưng trên thực tế ở địa phương là “phân tán, khó kiểm soát”, do vậy, nguồn lực tài chính không được huy động đúng mục đích hoặc sử dụng kém hiệu quả. Trình độ của đội ngũ cán bộ làm trong lĩnh vực sử dụng NSNN còn hạn chế; ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chưa cao, dẫn đến việc quản lý NSNN kém hiệu quả, gây thất thoát tài sản quốc gia.

Quy định về phạm vi sử dụng NSNN còn chưa rõ ràng, đầy đủ dẫn đến việc quản lý còn thiếu thống nhất, đặc biệt là một số khoản phí, lệ phí và cách xác định bội chi NSNN. Việc triển khai cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp chưa đạt yêu cầu đề ra; tình trạng thất thu, trốn thuế, lậu thuế còn tồn tại ở nhiều nơi và là một vấn đề nhức nhối trong hoạt động quản lý NSNN. Thí dụ, việc quản lý đất đai, bất động sản chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ cũng là nguyên nhân gây ra hoạt động đầu cơ, trục lợi, làm cho thất thu NSNN.

Về bội chi NSNN, theo quy định của Luật NSNN, bội chi NSNN được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và nước ngoài. Những khoản vay này được tính vào nghĩa vụ trả nợ Chính phủ và phải chủ động trả nợ khi đáo hạn, nhưng việc xác định bội chi ngân sách hiện nay còn chưa đầy đủ. Hiện mức bội chi NSNN của Lào thường cao hơn so với thông lệ quốc tế; đồng thời, có hiện tượng trùng lắp khi bố trí ngân sách hai lần đối với các khoản vay bù đắp bội chi.  Trong giai đoạn 2010-2014, chi NSNN của Lào lớn hơn thu NSNN.

Bảng 3: Tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước

                                                                                      Đơn vị: Tỷ Kíp

Năm

Thu NSNN

Chi NSNN

2010 - 2011

13.890

15.087

2011 - 2012

16.983

17.906

2012 - 2013

21.223

24.618

2013 - 2014

22.190

25.430

                                                                                                        (Nguồn: Bộ Tài chính Lào)

Luật NSNN cho phép được chuyển nguồn NSNN năm trước sang năm sau sử dụng tiếp, mà chưa quy định cụ thể những nội dung nào được phép chuyển nguồn. Lỗ hổng pháp luật này dẫn đến số chi chuyển nguồn hàng năm khá lớn, năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, KBNN thực hiện kiểm soát chi thông qua lập số liệu báo cáo đủ căn cứ lập, quyết toán thu, chi của từng cấp ngân sách. Quy trình làm việc theo trình tự đơn vị lập dự toán, cấp trên duyệt, cơ quan tài chính thẩm định, thời gian qua đem lại hiệu quả hạn chế, gây lãng phí thời gian, công sức, kéo dài thời gian tổng hợp, quyết toán ngân sách.

Một số chính sách chi NSNN còn chưa phù hợp với quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), như quy định Đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính của nhà nước, v.v. Trên thực tế, có một số khoản chi đầu tư hoặc hỗ trợ cho các đối tượng này như: chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; chính sách hỗ trợ thành lập các quỹ bảo hiểm ngành hàng; chính sách nợ tồn đọng của các doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã, v.v.. đã trái với nguyên tắc của WTO. Đặc biệt, cuối năm 2015, theo thỏa thuận giữa 10 nước ASEAN về xây dựng thị trường chung, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra với các nước như: thay đổi chính sách thuế xuất nhập khẩu, điều chỉnh giá cả hàng hóa, tiền lương người lao động, việc làm, dân số, v.v.. Những vấn đề này đều liên quan trực tiếp đến NSNN, đòi hỏi Đảng và Nhà nước Lào phải chủ động và linh hoạt trong thời gian tới, nhất là sử dụng ngân sách nhà nước có hiệu quả.

 

Th.S PHÔ KHĂM XAY NHA SỎN –

NCS Lào tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền