Trang chủ    Quốc tế    Khủng bố ở khu vực Đông Nam Á hiện nay và quan điểm của Việt Nam trong phòng, chống khủng bố
Thứ sáu, 26 Tháng 8 2016 14:35
9445 Lượt xem

Khủng bố ở khu vực Đông Nam Á hiện nay và quan điểm của Việt Nam trong phòng, chống khủng bố

(LLCT) - Trong những năm qua, các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực để duy trì hoà bình, ổn định khu vực. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á hiện nay cũng đang phải đối mặt với những thách thức khủng bố từ IS. Việt Nam lên án mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

(Bom nổ trong vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Jakarta ngày 14-1 - Ảnh: Reuters)

 1.Mối đe dọa khủng bố ở Đông Nam Á ngày càng trở nên cấp bách

- Nguyên nhân IS có mặt tại Đông Nam Á:

Giới phân tích cho rằng, việc đang bị dồn ép mạnh mất dần sự kiểm soát ở Trung Đông là nguyên nhân khiến IS có thể chuyển địa bàn hoạt động sang Đông Nam Á. Những nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Đông Nam Á đã phải chứng kiến nhiều vụ tấn công do các phần tử IS tiến hành. Điển hình là cuộc tấn công hồi tháng 1-2016 tại Jakarta, làm 8 người thiệt mạng. Tháng 6-2016, hai kẻ khủng bố đã ném một thiết bị nổ vào câu lạc bộ đêm ở Puchong, Malaixia khiến 8 người bị thương. Tháng 7-2016, cảnh sát đã bắt giữ 14 người Malaixia bị tình nghi có liên quan đến IS, với cáo buộc âm mưu đánh bom nhằm vào các quan chức cảnh sát cấp cao của nước này. Mới đây nhất, ngày 5-8, chính quyền Indonesia đã bắt giữ 6 đối tượng với cáo buộc âm mưu tấn công Vịnh Marina của Xinhgapo bằng rocket từ đảo Batam của Inđônêxia.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaixia, Hamidi cho biết,  có khoảng 300 tay chân của Abu Bakar Bashir – cựu lãnh đạo tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah và là chủ mưu loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Bali năm 2002, mới được ra tù đã đến Batam, đảo Riau của Indonesia và chuẩn bị xây dựng căn cứ mới cho IS tại đây.

Tuy nhiên, không hẳn từ sự thất thế của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Trung Đông mới tác động đến an ninh khu vực Đông Nam Á. Từ lâu trong lịch sử, ở khu vực này hình thành các phong trào Hồi giáo cực đoan. ỞĐông Nam Á có gần 300 triệu người là tín đồ Hồi giáo, đây chính là môi trường thuận lợi để tư tưởng cực đoan của IS thâm nhập(1).

Khủng bố ở khu vực Đông Nam Á gắn liền với chủ nghĩa ly khai Hồi giáo. Theo báo cáo của Tổ chức Interpol (2015), hiện ở Inđônêxia  có 5 nhóm khủng bố chính, gồm: Al-jamah AlIslamiyah (JI), Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), Quân đội Kumpulan Mujahideen Malaysia (KMM), Abu Sayap Group (ASG) và Quân đội nhân dân mới (NPA)(2).

Trong số các nhóm này, đặc biệt nguy hiểm là nhóm Al-jamah Al Islamiyah (JI). Mục đích của tổ chức này là nhằm thành lập một Quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á bằng việc hợp nhất các tổ chức Hồi giáo Indonesia, Malaysia, miền Nam Philíppin, Xinhgapo và Brunây.

Tổ chức JItừng được coi là đã bị tan rã sau chiến dịch trấn áp mạnh mẽ của chính phủ Indonesia những năm vừa qua. Tuy nhiên, hiện có nhiều thông tin cho thấy, nhóm này đang được gây dựng trở lại và có thể có liên quan tới IS.

Bộ trưởng Quốc phòng Xinhgapo cho biết, đã có hơn 150 người Hồi giáo ở Malaixia sang Iraq và Syria tham gia vào lực lượng IS, trong đó một số từng phục vụ trong lực lượng vũ trang Malaixia. Trong khi tại Inđônêxia, hơn 500 người Indonesia đã gia nhập IS và rất nhiều trong số này đã có những kỹ năng chiến đấu và kinh nghiệm khủng bố từ các cuộc chiến tại Trung Đông.

Chuyên gia chống khủng bố Rohan Gunaratna, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khủng bố và bạo lực chính trị tại Xinhgapo cho biết, đây sẽ là thách thức an ninh chính cho khu vực Đông Nam Á. Để đối phó: “Chính phủ các nước trong khu vực phải hợp tác cùng nhau để ngăn chặn việc hình thành tổ chức vệ tinh của IS tại khu vực, bởi nếu không, thách thức khủng bố vẫn tiếp tục gia tăng. Hiện, đã có ít nhất 22 nhóm cực đoan tại Inđônêxia và Philíppin thề trung thành với IS(3).

- Giải pháp nào ngăn chặn được hiểm họa khủng bố ở Đông Nam Á ?

Nhận thức sâu sắc về hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố, ngày 10-8-2016, tại Bali, Indonesia đã diễn ra Hội nghị quốc tế về chống khủng bốHội nghị cấp cao về chống tài trợ khủng bố. Tham dự Hội nghị có đại biểu từ 21 quốc gia, trong đó có 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc; Tổng thư ký Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) Jurgen Stock và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nguy cơ khủng bố ngày càng hiện rõ ở khu vực.Đông Nam Á đang là mục tiêu để tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phát triển các cơ sở mới(4).

Hội nghị đã công bố bản báo cáo: “Nguy cơ khủng bố tại châu Á”.  Bản báo cáo do 6 nước: Ôxtrâylia, Inđônêxia, Xinhgapo, Malaixia, Thái Lan và Philíppin phối hợp công bố và được coi là công trình hợp tác nghiên cứu đầu tiên của các quốc gia khu vực đưa ra được cái nhìn tổng thể về thách thức khủng bố mà các nước Đông Nam Á đang phải đối mặt, đồng thời nhấn mạnh việc hợp tác chống khủng bố trong khu vực cần được nâng lên cấp độ mới.

Thủ tướng Xinhgapo Lý Hiển Long đã nhận định, hiểm họa khủng bố ở châu Á là vấn đề nghiêm trọng và khó khăn, nguy cơ IS vươn tới Đông Nam Á đang ngày một gần.

Các phát biểu của quan chức cao cấp ngành an ninh các quốc gia ASEAN tại Hội nghị đã bao quát nhiều khía cạnh của cuộc chiến chống khủng bố, như công nghệ thông tin, tài chính, tình báo và đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của sự hợp tác giữa các nước.Đại diện các nước khẳng định sẽ cùng cam kết thúc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là kiểm soát biên giới thông qua các hoạt động thực thi pháp luật, chia sẻ dữ liệu, ngăn chặn các mạng lưới khủng bố lợi dụng công nghệ thông tin và tiếp cận các nguồn tài trợ khủng bố. Chắc chắn rằng sau Hội nghị này, sự hợp tác, chia sẻ thông tin, phối hợp trong hoạt động chống khủng bố giữa các nước Đông Nam Á sẽ có bước chuyển biến mới.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các hoạt động quân sự, tăng cường an ninh cũng như những hợp tác nhiều mặt vẫn là chưa đủ để ngăn chặn IS. Giải pháp tối ưu cho cuộc chiến chống khủng bố không chỉ là vấn đề rất khó khăn đối với khu vực Đông Nam Á, mà là khó khăn của toàn cầu.

Bản thân ASEAN, khi đưa ra các giải pháp chống IS, cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn đan xen với giải pháp phát triển kinh tế, xã hội. Và đây cũng là mâu thuẫn khó tránh khỏi trong thời đại toàn cầu hoá. Cụ thể, ASEAN đang tạo được nhiều lợi thế trong ngành du lịch, khi mà mỗi năm, khu vực này thu hút được khoảng 7 triệu công dân châu Âu. Để đạt mục tiêu thu hút 20 triệu du khách vào năm 2019, Indonesia vừa quyết định miễn thị thực cho công dân của 75 quốc gia. Malaixia là một trong số ít các quốc gia Hồi giáo đang đi đầu trong nỗ lực hỗ trợ người tị nạn Syria, đặc biệt với tuyên bố sẽ nhận 3.000 người tị nạn Syria trong vòng 3 năm tới. Đây sẽ là con đường thuận lợi để IS xâm nhập vào khu vực, tuyển mộ chiến binh và mở rộng khủng bố.

Do đó, các nước ASEAN hơn bao giờ hết cần phải "đoàn kết và tự cường" để ứng phó với hiểm họa khủng bố đang ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, cần sớm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và khoảng cách giàu - nghèo trong từng nước, giữa các vùng miền, hướng tới sự phát triển bền vững sẽ là một trong những biện pháp hiệu quả để đảm bảo môi trường an ninh khu vực.

2. Quan điểm của Việt Nam về vấn đề đấu tranh chống khủng bố

Trên nền tảng truyền thống đối ngoại hòa hiếu, tinh thần yêu chuộng hoà bình, đường lối đối ngoại nhân đạo được vun đắp qua nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, Đảng và Nhà nước Việt Nam lên án, phản đối mạnh mẽ mọi hình thức hoạt động khủng bố. Mặt khác, Việt Nam cũng phản đối việc lợi dụng vấn đề chống khủng bố để can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia. Đấu tranh chống khủng bố phải được tiến hành phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền quốc gia cũng như nguyện vọng hòa bình, ổn định và cùng phát triển của toàn thể nhân loại. Việt Nam phản đối việc lợi dụng danh nghĩa chống khủng bố để đe doạ tấn công, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, lên án việc sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ khí hủy diệt, vũ khí giết người hàng loạt, trước hết là vũ khí hạt nhân nhằm mục tiêu khủng bố hoặc dưới danh nghĩa chống khủng bố.

Nhận thức rõ sự nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố, Việt Nam phản đối mạnh mẽ mọi hoạt động khủng bố, phá hoại trật tự an ninh quốc gia, xâm phạm chủ quyền, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia. Văn kiện Đại hội XII nêu rõ: “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống…”(5).

Cần phân tích, đánh giá một cách khách quan và toàn diện về nguyên nhân dẫn đến các hành động khủng bố để tìm ra những giải pháp cơ bản, hiệu quả nhất. Nguyên nhân của Chủ nghĩa khủng bố và hành động khủng bố quốc tế đều có liên quan đến tình trạng bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế. Những lợi ích và bất lợi do toàn cầu hoá tạo ra không được chia sẻ một cách công bằng giữa các quốc gia, nhất là giữa các nước phát triển ở phía Bắc với các nước chậm phát triển ở phía Nam. Sự phát triển không đồng đều về kinh tế, xã hội dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng, gây ra những phản ứng tiêu cực trong một bộ phận xã hội. Họ bị bế tắc trong cuộc sống, nên một bộ phận đã tìm đến những biện pháp cực đoan, thái quá và nó sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu các thế lực đen tối đứng đằng sau xúi giục, kích động.

Để đấu tranh loại trừ chủ nghĩa khủng bố, cần có sự hợp tác trên cơ sở bình đẳng giữa các quốc gia, đảm bảo sự bình đẳng trong hưởng thụ những thành tựu chung của văn minh nhân loại ở cả quy mô khu vực và thế giới. Cộng đồng thế giới nói chung, trước hết là các nước công nghiệp phát triển, cần phải giúp đỡ các nước nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo đói, bệnh tật và chậm phát triển. Ở đâu công bằng xã hội kém được thực thi nhất, thì ở nơi đó nguy cơ khủng bố sẽ cao nhất. Khủng bố là tín hiệu phản hồi của một thực trạng tồi tệ do các chính sách xã hội sai lầm cùng các quan hệ quốc tế bất bình đẳng tạo ra. Để đấu tranh có hiệu quả với hoạt động khủng bố, cần phải giải quyết ổn thoả, toàn diện về các vấn đề kinh tế - xã hội, dân tộc, tôn giáo, pháp luật. Các chính phủ cần tập trung sức để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thực hiện công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Việt Nam lên án khủng bố quốc tế, đồng thời ủng hộ sự hợp tác giữa các quốc gia trong đó có Mỹ nhằm loại trừ khủng bố quốc tế. Ở Việt Nam, mặc dù chưa xảy ra vụ khủng bố nào do các tổ chức, phần tử khủng bố quốc tế gây ra, nhưng qua công tác nghiệp vụ, các lực lượng chức năng đã phát hiện một số đối tượng khủng bố quốc tế xâm nhập vào nước ta, chúng đã bị cơ quan an ninh ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra khủng bố. Gần đây, chúng ta đã phát hiện một số đối tượng trong nước có liên lạc, quan hệ với tổ chức khủng bố, Hồi giáo cực đoan trên thế giới và khu vực Đông Nam Á; đồng thời, đã phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động khủng bố của hàng trăm đối tượng phản động lưu vong người Việt xâm nhập nội địa.

Trong thời gian tới, với xu thế hội nhập, mở cửa ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng, có quan hệ đầy đủ và toàn diện hơn với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước lớn. Do vậy, các hành động khủng bố nhằm vào lợi ích của các nước lớn có thể xảy ra và đe dọa nghiêm trọng, trực tiếp đến an ninh, trật tự của Việt Nam. Với truyền thống yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn tỏ rõ thái độ không khoan nhượng với các hoạt động khủng bố dưới bất kỳ hình thức nào.

Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện đấu tranh phòng, chống khủng bố, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống khủng bố, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-10- 2013. Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này. Đến nay, trong tổng số 13 điều ước quốc tế đa phương về phòng, chống khủng bố, Việt Nam đã là thành viên của chín điều ước và đang tích cực nghiên cứu khả năng gia nhập bốn điều ước còn lại. Nhà nước Việt Nam cũng đã ký kết hàng chục điều ước, thỏa thuận quốc tế khu vực, song phương cấp Nhà nước, cấp Chính phủ và cấp Bộ với nhiều nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, về dẫn độ và hợp tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, trong đó có khủng bố quốc tế. Văn kiện pháp lý quan trọng nhất đánh dấu sự hợp tác sâu rộng của Việt Nam với các nước trong khu vực trong cuộc chiến chống khủng bố là Công ước ASEAN về chống khủng bố. Cùng với việc tham gia xây dựng và phê chuẩn Công ước ASEAN về chống khủng bố, Việt Nam đã hợp tác với các quốc gia trong khu vực thông qua nhiều văn kiện pháp lý tạo cơ sở cho hợp tác chống khủng bố. Việt Nam cũng đã góp phần tích cực vào các nỗ lực chống khủng bố của ASEAN được thể hiện thông qua việc đàm phán và ký kết các tuyên bố chung về chống khủng bố giữa ASEAN và các đối tác như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Nga...

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị quốc tế về chống khủng bố tại Inđônêxia (10-8-2016) nêu rõ: “các nước ASEAN thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân, nhưng Đông Nam Á cũng đang đối diện với nguy cơ tiềm ẩn, trở thành mục tiêu của khủng bố, bạo lực, cực đoan. Với phương châm chủ động phòng ngừa, không để xảy ra khủng bố, Việt Nam chú trọng và nâng cao năng lực phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, kiểm soát biên giới, cửa khẩu nhằm phát hiện và ngăn chặn các đối tượng khủng bố, nghi khủng bố xâm nhập, ẩn náu và hoạt động thiết lập khủng bố; đồng thời đẩy mạnh quan hệ hợp tác chống khủng bố các nước”(6).

____________________

(1)    Minh Hoa: “Đông Nam Á: Giải pháp nào chống IS”, http://kienthuc.net.vn, cập nhật ngày 19-1-2016.

(2)    Mộc Thạch: “Khủng bố tấn công tại Jakata, Inđônêxia :Đông Nam Á hãy thức tỉnh” http://antg.cand.com.vncập nhật ngày 18-01-2016.

(3)    Thanh Huyền: “Khủng bố ở Inđônêxia: Mối nguy đối với Đông Nam Á”, http://vovtv.vov.vn, cập nhật ngày 18-01-2016.

(4)    Thùy Linh: “Đông Nam Á sẽ là cứ địa mới của IS”, http://vov.vn, cập nhật ngày 7-8-2016.

(5)    ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tr.148.

(6)    Minh Đăng: “Tích cực hợp tác quốc tế về phong,chống khủng bố”, http://www.nhandan.com.vn, cập nhật ngày 8-6-2015.

 

                                                                   PGS, TS Thái Văn Long

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

                                                                                            Trần Văn An

Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền