Trang chủ    Quốc tế    Vài nét về lực lượng cánh tả ở các quốc gia Mỹ Latinh hiện nay
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 15:56
5646 Lượt xem

Vài nét về lực lượng cánh tả ở các quốc gia Mỹ Latinh hiện nay

(LLCT) - Dưới sự lãnh đạo của các chính phủ cánh tả, nền kinh tế các nước Mỹ Latinh có sự phục hồi khá nhanh chỉ sau hơn một thập niên. Song, sự rớt giá nhanh chóng của các hàng nông sản, sự sụt giảm giá dầu đã khiến nền kinh tế các nước Mỹ Latinh lao đao và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

1. Các xu hướng lý luận của cánh tả Mỹ Latinh

a.  Khuynh hướng dân chủ tư sản

Đây là khuynh hướng cải cách muốn vượt qua mô hình chủ nghĩa tự do mới nhưng vẫn duy trì thể chế dân chủ tư sản, mà giới nghiên cứu còn gọi là xu thế cải cách “màu hồng”.

Khuynh hướng riêng được nhiều tổ chức cánh tả hoặc chính đảng theo trường phái Perơn cầm quyền thực hiện, tiêu biểu như Chính phủ của Tổng thống Lula de Silva tại Brazil, hay của những người đồng cấp với ông là Cristina Femández de Kirchner tại Argentina, Michelle Bachelet tại Chile. Họ chủ trương vượt qua chủ nghĩa tự do mới bằng cách khôi phục mức độ phát triển qua sự điều tiết của nhà nước, nhưng lại áp dụng các chính sách tự do mới và ủng hộ tầng lớp tư sản quốc gia hoặc khu vực trong các dự án của mình. Chính phủ cánh tả ở các nước này hướng tới xây dựng một mô hình kinh tế thống nhất do tư bản lớn kiểm soát tương tự như các nước châu Âu và muốn người lao động toàn khu vực cạnh tranh lẫn nhau để được hưởng lợi nhiều nhất và có thể trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Như thế, chính phủ cánh tả vẫn kiên trì bảo vệ nền dân chủ tư sản và nhà nước chỉ có vai trò là lính cứu hỏa cho các đám cháy mà cuộc khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản gây ra(1); đồng thời, thực hiện các chương trình xã hội nhằm xoa dịu sự bất mãn của người dân đối với đường lối phát triển kinh tế của họ. Chẳng hạn như tại Brazil, các gia đình nghèo được nhận trợ cấp trực tiếp từ Nhà nước, điều bảo đảm sự ủng hộ của quần chúng đối với đảng cầm quyền tại những vùng chậm phát triển.

Nhìn chung, trong lý luận về con đường phát triển của mình, các quốc gia Mỹ Latinh thuộc nhóm cải cách “màu hồng” chủ trương chuyển từ mô hình chủ nghĩa tự do mới sang kinh tế thị trường kết hợp giải quyết các vấn đề xã hội; một số nước tiến hành quốc hữu hóa từng phần các ngành kinh tế, đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, thực hiện các chương trình xã hội vì sự bình đẳng, dân chủ (giảm nghèo, xóa nạn mù chữ, giải quyết việc làm, cải thiện các dịch vụ công cộng...). Về đối ngoại, tuy các nước này vẫn chủ trương hợp tác với Mỹ (nhất là về thương mại) nhưng có xu hướng độc lập nhiều hơn, đồng thời ủng hộ quá trình hội nhập và dân chủ hóa trong quan hệ khu vực và quốc tế nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới, vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

b. Mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”

Sự ra đời của mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”

Sự phá sản của chủ nghĩa tự do mới, tiến trình dân chủ hóa cùng với những kinh nghiệm thực tiễn từ các nước xã hội chủ nghĩa (Việt Nam, Trung Quốc, Cuba) là động lực thúc đẩy sự ra đời của mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”, mà người khởi xướng là Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela. Tại Diễn đàn xã hội thế giới lần thứ 5 (1-2005), ông đã làm nhiều người phải ngạc nhiên khi tuyên bố: Venezuela sẽ tái tạo lại chủ nghĩa xã hội, nhưng nó phải khác với chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XX(2). Trong diễn văn phát biểu hồi giữa năm 2006, ông định nghĩa: Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI phải dựa trên các nguyên tắc: đoàn kết, bác ái, yêu thương, công lý, tự do và bình đẳng. Chủ nghĩa xã hội được xây dựng từng ngày chứ không phải được định trước(3).

Sau khi tuyên bố công khai tư tưởng mới, Tổng thống H.Chavez đã được báo giới và chính khách nước ngoài bình chọn là“hiện tượng trong đời sống chính trị khu vực Mỹ Latinh”. Mục tiêu hướng tới bình đẳng, công bằng xã hội và xóa bỏ sự đói nghèo của mô hình này đã được 3 đảng cánh tả khác trong khu vực hưởng ứng nhiệt tình: Đảng Phong trào tới chủ nghĩa xã hội Bolivia (MAS), Đảng Liên minh Đất nước Ecuador (AP), Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Sandino (FSLN) ở Nicaragua.

Cơ sở lý luận của mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”

Chủ nghĩa Mác - Lênin

Không phải ngay từ đầu của quá trình cải cách, các đảng cánh tả đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Khi mới lên cầm quyền (1998), Tổng thống H.Chavez vẫn tin vào một CNTB nhân đạo và đã từng có ý định đưa đất nước đi theo “Con đường thứ ba” của trào lưu dân chủ xã hội quốc tế. Song, cuộc đảo chính thất bại của cánh hữu đối lập (4-2002) đã giúp ông nhận ra rằng, con đường duy nhất để thoát khỏi nghèo đói là đi lên CNXH.

Nhận thức của cánh tả Mỹ Latinh về chủ nghĩa Mác trước tiên là về lập trường phê phán. Haixo Điotrich Xtephan đã phê phán tư tưởng của C.Mác là thiên về cải tạo xã hội, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, tuyệt đối hóa vai trò của nhà nước và lý tưởng hóa xã hội XHCN. Ông cho rằng, thay vì chuyên chính vô sản, thì cần xây dựng một nền dân chủ rộng rãi, mọi người dân đều được tham gia vào cải tạo xã hội. Còn Tổng thống Cộng hòa Ecuador Rafael Correa lại nhấn mạnh: CNXH ở thế kỷ XXI buộc phải từ chối một số yếu tố không khả thi về đấu tranh giai cấp, thay đổi chính quyền bằng bạo lực cách mạng và duy vật biện chứng của CNXH truyền thống(4).

Nhìn chung, “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” đã vận dụng lý luận mácxít ở các luận điểm tư tưởng như kinh tế quyết định chính trị, chống CNTB, chống áp bức về chính trị và bóc lột kinh tế của giai cấp tư sản, hướng tới một xã hội công bằng và dần đi tới xóa bỏ giai cấp... Họ ủng hộ việc dân chủ hóa tất cả các tư liệu sản xuất và việc cần thiết quốc hữu hóa tư liệu sản xuất trong những ngành chiến lược chứ không phải xóa bỏ hoàn toàn sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.

Tư tưởng S.Bolivar(5)

Trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, S.Bolivar đã xây dựng nên tư tưởng cách mạng của mình. Tư tưởng của ông có vị trí quan trọng trong cấu trúc lý luận của mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”, thể hiện ở 7 nội dung chính: Độc lập dân tộc, quyền tự chủ của nhân dân, công bằng xã hội, giáo dục toàn dân, chống tham nhũng, chống chủ nghĩa quân phiệt liên kết Mỹ Latinh.

Tư tưởng của S.Bolivar được Tổng thống H.Chavez tích cực tiếp thu và thực hiện trên con đường xây dựng “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” mà ông gọi là “Cuộc cách mạng Bolivar”. Bên cạnh đó, ý tưởng liên kết khu vực để xây dựng “một Tổ quốc châu Mỹ vĩ đại”, “một châu Mỹ không biên giới hiện hữu và mở cửa với thế giới” của S.Bolivar cũng được nhiều chính phủ cánh tả khu vực tiếp nối trong bối cảnh toàn cầu hóa nhằm tạo nên “sự cân bằng theo quy luật của vũ trụ” trước các cường quốc.

Chủ nghĩa nhân đạo Thiên Chúa giáo

Tổng thống H.Chavez đã kế thừa các tư tưởng công bằng, bình đẳng, bác ái của đạo Thiên Chúa, đặc biệt là những tư tưởng về giải phóng tầng lớp dân nghèo. Ông khẳng định, Chúa Giêsu là “người theo chủ nghĩa xã hội vĩ đại nhất trong lịch sử”. Từ đó, ông khuyến khích Chính phủ và người dân học theo tấm gương của Chúa để quan tâm đến người khác một cách tự do, tự nguyện, xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc. Cần nhận thấy rằng, với hơn 80% số dân theo Thiên Chúa giáo, thì các tư tưởng nhân đạo, bác ái của tôn giáo này là một góc độ tiếp cận thuận lợi để Chính phủ cánh tả tập hợp quần chúng ủng hộ mô hình CNXH mới.

Như vậy, cánh tả Venezuela đã biết tích hợp, khai thác những nhân tố hợp lý của tư tưởng mácxít về xây dựng CNXH, các lý thuyết về giải phóng và phát triển của S.Bolivar, tính chất nhân đạo của Thiên Chúa giáo. Đó là nền tảng về lý luận để các chính phủ cánh tả xây dựng “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” trên chính “mảnh đất hiện thực” Mỹ Latinh.

2.  Vai trò của lực lượng cánh tả trong đời sống chính trị - kinh tế - xã hội ở các quốc gia Mỹ Latinh

a.  Đảng cánh tả lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, đổi mới đời sống chính trị theo hướng tích cực

Là đại diện tiêu biểu của các lực lượng tiến bộ trong xã hội, đảng cánh tả ở nhiều nước Mỹ Latinh đã đề ra những cương lĩnh tranh cử phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng. Nhờ đó, các đảng này đã thu hút được sự ủng hộ của nhân dân bằng lá phiếu cử tri trong các cuộc tổng tuyển cử và vươn lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, trở thành bộ phận hữu cơ trong hệ thống chính trị của mỗi quốc gia, đánh dấu sự “xoay chiều” của cán cân quyền lực tả - hữu sau một thời kỳ đầy biến động.

Bước ngoặt của cánh tả Mỹ Latinh là sự thắng lợi của ông H.Chavez trong cuộc bầu cử Tống thống năm 1998 ở Venezuela, sau đó là sự ra đời của hàng loạt chính phủ cánh tả của các tổng thống: Ricardo Lagos ở Chile năm 2000, Lula de Silva ở Brazil năm 2002, Nestor Kirchner ở Argentina năm 2003, M.Torrijos ở Panama và T.Vasquez ở Uruguay năm 2004, E.Morales là người thổ dân da đỏ đầu tiên trở thành Tổng thống Bolivia năm 2005...

Năm 2006 được coi là năm ghi đậm dấu ấn thành công của trào lưu cánh tả Mỹ Latinh với thắng lợi dồn dập trong cuộc bầu cử Tổng thống của 5 lãnh tụ cánh tả. Tại Chile, bà M.Bachelet ứng cử viên cánh tả đã trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước này. Daniel Ortega, người đứng đầu Mặt trận Giải phóng Dân tộc Sandino (FSLN), đã đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2007-2012. Ứng cử viên cánh tả Rafael Correa thuộc Liên minh đất nước giành được gần 70% số phiếu bầu để trở thành Tổng thống Ecuador. Đặc biệt, Tổng thống H.Chavez tái đắc cử lần thứ ba liên tiếp ở Venezuela, Tổng thống Lula de Silva của Brazil cũng tái đắc cử lần thứ hai với số phiếu bầu còn cao hơn so với thắng lợi mà ông giành được 4 năm trước (2002).

Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, thế giới tiếp tục chứng kiến những thắng lợi của lực lượng cánh tả Nam Mỹ: Ứng cử viên S.Ceren thuộc Mặt trận Giải phóng Dân tộc Faramundo Marti (FMLN) trúng cử Tổng thống El Salvador nhiệm kỳ 2014 - 2019, E.Morales lần thứ ba được bầu làm Tổng thống Bolivia, Tổng thống Brazil D.Rousseff tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai...

Từ năm 1998 đến nay, đã có 17 đảng cánh tả lên cầm quyền ở Mỹ Latinh, chiếm khoảng 1/2 số nước trên lục địa châu Mỹ và trên 3/4 số nước ở riêng khu vực này. Tuy nhiên, do hoạt động chưa hiệu quả và có sự can thiệp quân sự của các thế lực bên ngoài nên một số đảng cánh tả đã bị mất quyền lực vào tay cánh hữu, điển hình như: Haiti (2004), Honduras (2009), Paraguay (2012). Song, điều đó không làm ảnh hưởng đến con đường tiến lên của xu hướng cánh tả khu vực, cái mà từng một thời người Mỹ cho là “hoang đường”.

Bước đột phá về chính trị ở Mỹ Latinh có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của lực lượng cánh tả trên thế giới, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi phong trào cộng sản và công nhân quốc tế chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng kể từ cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX. Đồng thời, nó đã có tác động tích cực hóa đời sống chính trị khu vực theo hướng dân chủ, được thể hiện rõ trong sự khác biệt giữa cánh tả Mỹ Latinh với cánh tả châu Âu. Nếu như cánh tả châu Âu coi cử tri là tất cả, giành được đa số ghế trong nghị viện là quan trọng nhất, dẫn đến xu hướng tả - hữu trung dung ngày càng chiếm ưu thế, thì cánh tả ở Mỹ Latinh lại có xu hướng thiên tả đặc trưng, gắn quá trình giành quyền lực của mình với một mục tiêu rộng lớn hơn là bảo vệ chủ quyền dân tộc, chống sự can thiệp và chi phối của các nước đế quốc và các công ty xuyên quốc gia; giải quyết những bế tắc trong phát triển xã hội do “chủ nghĩa tự do mới” gây ra...(6). Do đó, ở Mỹ Latinh có sự kết hợp giữa đảng cánh tả với các đảng phái khác để tạo lực lượng và thúc đẩy cải cách; đồng thời, kết hợp các quan niệm tả khác nhau để tạo nên các liên minh khu vực như Khối “Sự lựa chọn Bolivar của Mỹ Latinh” (ALBA), “Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ” (CSN)... 

Điều cần nhấn mạnh ở đây là vào cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, khi mà phong trào cánh tả thế giới đang đứng trước những thách thức gay gắt vì khủng hoảng và mất phương hướng, nhiều đảng cánh tả châu Âu bị mất quyền lực và trở thành đảng đối lập, thì các đảng cánh tả ở Mỹ Latinh lại nhận được niềm tin và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Điều này được lý giải dưới nhiều góc độ, trong đó có 3 yếu tố cơ bản: Một là, mô hình kinh tế của chủ nghĩa tự do mới làm gia tăng nghèo đói, thất nghiệp, bất bình đẳng..., đã khơi dậy sự thức tỉnh về ý thức độc lập dân tộc, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của các tầng lớp nhân dân. Đây là điều kiện thuận lợi để các lực lượng cánh tả khu vực đẩy mạnh hoạt động và trở thành những người đi đầu trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội; Hai là, các đảng phái cánh tả đã tích cực đổi mới tư duy và phương thức hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi, chuyển từ bạo lực cách mạng - đấu tranh vũ trang sang chú trọng vận động quần chúng nhân dân, đấu tranh nghị trường với những cương lĩnh tranh cử phù hợp lòng dân; Ba là, sự tăng cường đoàn kết và liên minh rộng rãi không chỉ giữa các lực lượng cánh tả mà còn giữa cánh tả với các lực lượng đấu tranh vì dân chủ và tiến bộ khác thông qua các diễn đàn, hội thảo...

b. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội

Việc thực hiện triệt để “chủ nghĩa tự do mới” tuy có đạt được một số kết quả “tức thời” nhưng về lâu dài đã đẩy các nước Mỹ Latinh vào một cuộc khủng hoảng toàn diện từ cuối thế kỷ XX. Các vấn đề xã hội bức xúc như đói nghèo, thất nghiệp, bất bình đẳng, tham nhũng, nợ nước ngoài... diễn ra triền miên nhưng các biện pháp giải quyết của các chính phủ cánh hữu lại quá ít và kém hiệu quả, khiến cho bức tranh kinh tế - xã hội của khu vực này ngày càng ảm đạm.

Khi đứng ra tranh cử, các đảng cánh tả Mỹ Latinh đều đưa ra các biện pháp tích cực nhằm đưa đất nước vượt qua khủng hoảng. Vì vậy, ngay sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, các chính phủ cánh tả đều tiến hành cải cách kinh tế - xã hội. Dù thực hiện ở các mức độ khác nhau nhưng họ đều chủ trương chuyển từ mô hình chủ nghĩa tự do sang mô hình kinh tế thị trường kết hợp giải quyết các vấn đề xã hội theo hướng dân chủ hóa như: chống tham nhũng, cải cách ruộng đất, xóa đói giảm nghèo, cải thiện dịch vụ y tế, văn hóa cộng đồng, điều chỉnh hiến pháp nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động...

Đối với nhóm nước cải cách theo hướng tiếp tục duy trì thể chế dân chủ tư sản, Brazil là nước đạt được nhiều thành tựu nhất. Trong nhiệm kỳ đầu (2002 - 2006), Chính phủ cánh tả của Tổng thống Silva đã cố gắng kiểm soát lạm phát, duy trì sự phát triển kinh tế ổn định gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên và giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc. Mỗi năm Chính phủ chi hơn 4 tỷ USD trợ cấp cho 11,5 triệu gia đình nghèo với tổng số gần 60 triệu người, chiếm 1/3 dân số. Các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội đều đạt kết quả khả quan: Tốc độ tăng trưởng trung bình 5%/năm, lạm phát được khống chế, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh (lên 375 tỷ USD), tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 7% (năm 2009), 24 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói, hàng triệu trẻ em được trợ cấp giáo dục hàng tháng(7)... Nhờ đó, đến cuối năm 2005, Brazil đã thanh toán xong các khoản nợ nhiều chục tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và trở thành một trong 3 nước có quy mô kinh tế lớn nhất châu Mỹ (sau Mỹ và Canada).

Cùng với nền tảng tư tưởng đã được xác định, chính phủ cánh tả của 4 nước theo mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” cũng tích cực tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn từ công cuộc đổi mới của các nước Trung Quốc, Việt Nam, Cuba để tiến hành cải cách toàn diện đất nước. Tại Venezuela, Tổng thống H.Chavez thực hiện đường lối chung trong phát triển kinh tế - xã hội là khuyến khích sự tham gia của quần chúng và coi đây là “tác nhân chính”, là trụ cột của một xã hội bình đẳng, đoàn kết và dân chủ. Vì vậy, ông đã tiến hành một loạt cải cách về thể chế, tổ chức trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới, bầu quốc hội lập hiến đáp ứng được những đòi hỏi dân chủ, đồng thời thông qua nhiều luật, đặc biệt là luật đất đai có lợi cho người nghèo, quốc hữu hóa ngành dầu khí. Chính phủ cũng sử dụng hàng chục tỷ USD lợi nhuận thu được từ ngành dầu khí để thực hiện các chương trình cải cách xã hội. Bằng những biện pháp dân chủ, tiến bộ đó, Venezuela đã có sự thay đổi ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực trong hơn một thập kỷ. Không chỉ giảm được tỷ lệ nghèo đói, bất bình đẳng thu nhập, mà người dân nước này còn có điều kiện để hưởng nhiều dịch vụ xã hội, giáo dục và y tế cũng như tham gia vào một số cấp chính quyền... Đặc biệt, lần đầu tiên tỷ lệ thất nghiệp của Venezuela đạt được mức một con số vào năm 2007; nợ công giảm từ 30,7% (năm 1998) xuống còn 14,3% (năm 2008)(8).

Các nước khác trong khu vực Mỹ Latinh như Argentina, Uruguay, Bolivia, Ecuador… cũng đạt được nhiều kết quả thông qua việc thực thi những chính sách có lợi cho quần chúng lao động, chú trọng mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Tình hình được cải thiện ở mỗi quốc gia đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho khu vực Mỹ Latinh: kinh tế dần phục hồi, chính trị đi vào ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện. Năm 2008 là năm thứ sáu liên tiếp kinh tế khu vực này tiếp tục tăng trưởng ổn định từ 4,5% đến 5,5%/năm, tỷ lệ người nghèo đã giảm từ 44% (2002) xuống 35,1% (2008), tỷ lệ người cực nghèo giảm xuống còn 12,7%(9). Đó là yếu tố quan trọng giúp phong trào cánh tả ở các quốc gia Mỹ Latinh liên tiếp giành được thắng lợi.

c. Góp phần đẩy nhanh quá trình đối thoại và hợp tác trong quan hệ khu vực và quốc tế

Trước tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, chính phủ cánh tả ở các nước Mỹ Latinh tăng cường đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Tuyên bố của Hội nghị cấp cao lần thứ hai của “Cộng đồng các nước Nam Mỹ” (CSN) tổ chức tại Cochabamba (Bolivia) ngày 9-12-2006 đã nhấn mạnh: Mỹ Latinh cần thiết liên kết khu vực với bản sắc riêng, tôn trọng những quan điểm khác biệt về tư tưởng và chính trị nhằm tăng cường đối thoại, tạo không gian hợp tác toàn diện, góp phần củng cố sự ổn định khu vực. Mục tiêu của Mỹ Latinh là thiết lập một không gian kinh tế kiểu Liên hiệp châu Âu, có một đồng tiền chung và những cơ chế kinh tế thương mại thống nhất, xóa bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào hệ thống kinh tế, tài chính tư bản do Mỹ kiểm soát. Đến nay, các quốc gia lựa chọn lý luận cánh tả ở Mỹ Latinh đã là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế - chính trị của khu vực và thế giới như: Cộng đồng các nước Mỹ Latinh (CELC), Liên hiệp châu Âu và Mỹ Latinh (EU-MLT), Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OSA), Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc... Sự đoàn kết và đồng thuận của các nước thành viên sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia cũng như toàn khu vực Mỹ Latinh để có đủ khả năng đương đầu với những thách thức của thời đại.

Trong quan hệ với Mỹ, các chính phủ cánh tả ở khu vực này chủ trương tăng cường hợp tác về thương mại nhưng có xu hướng độc lập nhiều hơn, hạn chế sự lệ thuộc, đồng thời, sẵn sàng phê phán các chính sách áp đặt của Mỹ. Chẳng hạn như Venezuela, trong khi vừa thẳng thắn phản đối một số chính sách của Mỹ (cấm vận Cuba, can thiệp ở Trung Đông …), thì mặt khác, vẫn có đối sách mềm dẻo và khôn ngoan nhằm duy trì quan hệ thương mại với Mỹ. Năm 2005, tại Hội nghị cấp cao toàn châu Mỹ, các nhà lãnh đạo 3 nước Boliva, Cuba và Venezuela đã phối hợp với nhau đưa ra một sáng kiến mới gọi là “Sự lựa chọn Bolivar của Mỹ Latinh” (ALBA) nhằm trao đổi thương mại và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, chống lại âm mưu tự do mậu dịch của Mỹ ở châu lục này. Trong khuôn khổ ALBA đã hình thành dự án liên kết năng lượng PETRO CARIBE và hợp tác năng lượng Nam Mỹ, nhằm khai thác, hỗ trợ lẫn nhau để sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng khu vực.

Cùng với đó, phản đối chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cuba là quan điểm nhận được sự nhất trí cao của nhiều nước Mỹ Latinh. Chính phủ cánh tả nhiều nước trong khu vực đã thiết lập lại quan hệ ngoại giao đầy đủ với Cuba, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại với các nước thuộc Phong trào không liên kết, các nước XHCN. Venezuela, Bolivia đã thiết lập quan hệ chiến lược và trở thành những đối tác quan trọng của Cuba trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… Quan hệ hợp tác song phương và đa phương giữa các chính phủ cánh tả Mỹ Latinh với Việt Nam, Trung Quốc, Iran, Nga ngày càng phát triển, thể hiện qua nhiều chuyến thăm cấp cao giữa chính phủ các bên, nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác khung và chuyên ngành được ký kết…

Cánh tả Mỹ Latinh cũng tích cực ủng hộ quá trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế, cải tổ Liên Hợp quốc, đấu tranh vì một thế giới hòa bình, dân chủ và tiến bộ, thể hiện qua việc phối hợp với các đảng cộng sản, các lực lượng tiến bộ xã hội đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo quốc tế. Tiêu biểu là Diễn đàn Sao Paulo, thu hút được hơn 140 đảng và các tổ chức chính trị trên thế giới tham gia, hay Hội thảo quốc tế “Các đảng và một xã hội mới” do Đảng Lao động Mexico chủ trì được tổ chức thường niên thu hút sự tham gia của gần 60 đảng cộng sản, công nhân và cánh tả khu vực cùng với các chính đảng ở châu Âu, châu Á... Thông qua các diễn đàn, hội thảo, các quốc gia có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, đánh giá tình hình châu lục, làm rõ các hệ lụy của chủ nghĩa tự do mới, hoạch định chủ trương, giải pháp thay thế, phấn đấu xây dựng một xã hội lấy con người làm trung tâm.

3. Những thách thức của phong trào cánh tả Mỹ Latinh hiện nay

Dưới sự lãnh đạo của các chính phủ cánh tả, nền kinh tế các nước Mỹ Latinh có sự phục hồi khá nhanh chỉ sau hơn một thập niên. Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Haxan Tuluy đã từng nhận định: “Mỹ Latinh là mô hình mẫu về tăng trưởng kinh tế và phát triển cho các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu(10). Song, sự rớt giá nhanh chóng của các hàng nông sản, sự sụt giảm giá dầu đã khiến nền kinh tế các nước Mỹ Latinh lao đao và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Mặt khác, dù quyền lực đã bị suy giảm nhưng Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh. Vì vậy, khi kinh tế Mỹ bị khủng hoảng đã gây nên những tác động tiêu cực đến các nước trong khu vực, đúng như tác giả Jack Rasmus khẳng định, sự suy thoái kinh tế của các nước Mỹ Latinh là có căn nguyên từ Mỹ(11).

Trên thực tế, các nước Mỹ Latinh không thể tự mình giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc đang diễn ra. Họ đều xác định được tiềm năng kinh tế và vị thế địa chính trị quan trọng của mình trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa. Trong trật tự thế giới đa cực đang có những chuyển biến mới và nhanh chóng, các nước này đều mong muốn có thể tăng cường hợp tác thương mại với Mỹ, nhưng mối quan hệ đóng băng giữa Mỹ và Cuba lại gây ra nhiều trở ngại. Vì vậy, sự kiện hai nhà lãnh đạo đứng đầu Mỹ và Cuba tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 17-12-2014 được xem là một “bước ngoặt lịch sử” để có thể khai thông bế tắc cho tất cả các bên liên quan.

Chính phủ cánh tả ở các nước Mỹ Latinh đều hoan nghênh quyết định hòa giải của hai nhà nước. Tổng thống Dilma Rousseff (Brazil) khẳng định, sự kiện này mở ra chương mới cho quan hệ của châu lục. Ngoại trưởng Heraldo Munoz (Chile) thì cho rằng đó là “sự khởi đầu cho việc chấm dứt Chiến tranh lạnh ở Mỹ Latinh”… Và đây sẽ là tiền đề để Mỹ và các nước khu vực Tây bán cầu thu hẹp những bất đồng, căng thẳng và tăng cường đối thoại. Tuy vẫn còn là vấn đề lâu dài nhưng những bước đi ban đầu của tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba đã thổi một làn gió mới vào“Tổ chức các quốc gia châu Mỹ”(OAS) cũng như trong việc đàm phán các hiệp định thương mại khu vực rộng lớn hơn(12).

Trong bối cảnh trên, các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản… đang ra sức thực hiện chiến lược “hướng Mỹ Latinh” bằng nhiều chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cấp cao trong 2 năm 2014 và 2015. Trước những động thái chính trị mới đó, các nước Mỹ Latinh cũng phản ứng nhanh, điều chỉnh sách lược với các nước lớn một cách mềm mỏng, linh hoạt. Một mặt, họ kêu gọi xóa bỏ chính sách cấm vận của Mỹ với Cuba và tăng cường hợp tác thương mại với Mỹ; mặt khác, xem xét và ký kết hàng trăm hiệp định thương mại với Trung Quốc, Nga và Nhật Bản nhằm tạo ra thế cân bằng quyền lực để không bị sa lầy hay quá phụ thuộc vào bất kỳ nước nào. Bên cạnh đó, các nước này cũng mong muốn được tham gia vào các hiệp định thương mại, các tổ chức, diễn đàn của khu vực và thế giới. Đặc biệt, ngày 5-10-2015, 12 nước đã đạt được những thỏa thuận cuối cùng của Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù còn những tranh cãi khác nhau nhưng việc ký kết Hiệp định này chắc chắn sẽ có những tác động tích cực đến nền kinh tế các nước Mỹ Latinh, nhất là Mexico, Peru và Chile - những thành viên của TPP. Nhìn chung, nhờ những thay đổi tích cực trong thời gian gần đây, các nước Mỹ Latinh đã đạt được nhiều thỏa thuận tại các chương trình nghị sự rộng lớn, bao gồm các chủ đề dân chủ và nhân quyền, năng lực cạnh tranh toàn cầu, năng lượng, môi trường...

Dù vậy, việc xóa bỏ những bất đồng, căng thẳng giữa Mỹ và các nước trong khu vực này còn cần một khoảng thời gian dài. Những mâu thuẫn, tranh chấp vẫn tiếp tục nảy sinh mà đáng quan tâm nhất chính là việc Mỹ tuyên bố trừng phạt Venezuela hồi tháng 4-2015 với lý do là bảo vệ nhân quyền. Venezuela hiện là địch thủ số một của Mỹ ở khu vực Tây bán cầu. Bởi vậy, trong khi vừa giảm đi các lệnh trừng phạt đối với Cuba, thì Washington lại đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt với Venezuela. Trước những nỗ lực kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Venezuela của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Obama vẫn tỏ ra rất kiên quyết đối với quyết định của mình. Như vậy, chính sách của Mỹ đối với Mỹ Latinh thực ra chẳng có gì mới hay tích cực mà chỉ là một sự chuyển đổi mục tiêu, nó giống như một hình thức kinh doanh(13). Điều này cũng làm dấy lên những lo ngại về việc khu vực này sẽ trở thành “con mồi” trong cuộc tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn. Để không bị rơi vào tình trạng đó, chính phủ cánh tả ở Mỹ Latinh đang và sẽ tiếp tục khai thác tối đa mối quan hệ quốc tế, tăng cường hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong sự cảnh giác cao độ. Riêng trong quan hệ với Mỹ, các nước này xác định, Mỹ không bao giờ tử bỏ âm mưu bá quyền ở khu vực Tây bán cầu, do đó, thái độ của họ vẫn khá dè dặt và thận trọng.

_____________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

(1) Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, “Về lực lượng cánh tả tại Mỹ Latinh”, http://cpv.org.vn.

(2) Gregory Wilpert, “The Meaning of 21st Century Socialism for Venezuela”, http://venezuelanalysis.com.

(3) Gregory Wilpert, “The Meaning of 21st Century Socialism for Venezuela”, http://venezuelanalysis.com.

(4) Ecuador: Interview, “President Rafael Correa discusses `Citizens’ Revolution’, socialism for the 21st century”, http://links.org.au.

(5) Simon Bolivar (1783 - 1830) là nhà cách mạng nổi tiếng người Venezuela, người lãnh đạo các phong trào giành độc lập ở Nam Mỹ đầu thế kỉ XIX. Những cuộc đấu tranh do ông lãnh đạo đã lật đổ sự thống trị của Tây Ban Nha, giành độc lập cho 6 quốc gia ngày nay: Venezuela, Colombia, Panama, Ecuador, Peru và Bolivia.

(6) Nguyễn An Ninh, “Cánh tả Mỹ Latinh so với cánh tả châu Âu khác biệt tạo nên đột phá”, trong Cơ sở lý luận của cánh tả nhìn từ quan điểm mácxít, Kỷ yếu tọa đàm khoa học quốc tế, Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách, Nxb Lao động, Hà Nội, 2010, tr.283.

(7) Nguyễn Hoàng Giáp, “Làn sóng cánh tả Mỹ Latinh: Nguyên nhân và kết quả chủ yếu”, Tạp chíChâu Mỹ ngày nay, số 3, 2007, tr.38; Trương Tuấn Anh, “Vài nét về các đảng cầm quyền ở Mỹ Latinh hiện nay”, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 11, 2013, tr.5.

(8) J. Preston Whitt, “The changing face of socialism in the 21st”, http://www.cetri.be.

(9) Trần Thảo Nguyên, “Chủ nghĩa xã hội thế kỉ XXI: Lý luận, thực tiễn và triển vọng”, trongCơ sở lý luận của cánh tả nhìn từ quan điểm mácxít, Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách, Nxb Lao động, Hà Nội, 2010, tr.247.

(10) Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, “Mỹ Latinh trở thành hình mẫu lý tưởng cho các khu vực trên toàn cầu”, http://www.cpv.org.vn.

(11) Jack Rasmus, “Latinh America’s recessions: Made in the USA”, http://www.counterpunch.org

(12) Global Risk Insights, “U.S.-Cuba Thaw Stepping Stone to Expanded Latin America Trade,” International Policy Digest (December 2014), http://globalriskinsights.com.

(13) Alan MacLeod, “US Sanctions in Latin America”, http://www.counterpunch.org .

 

Nguyễn Văn Khánh

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội 

 

 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền