Trang chủ    Quốc tế    Hoạt động đầu tư của một số nước vào Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 16:20
2731 Lượt xem

Hoạt động đầu tư của một số nước vào Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào

(LLCT) - Lào là một quốc gia có vị thế riêng biệt, có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên; mặc dù nằm sâu trong lục địa, không có đường ra biển nhưng Lào có vị trí ngã tư biên giới của lục địa Đông Nam Á; đồng thời là “trái tim” của Tiểu vùng sông Mê Kông, cánh cửa đi vào thị trường to lớn với gần 300 triệu dân trong khu vực này. Dòng sông Mê Kông chảy qua Lào, bồi đắp những cánh đồng phù sa màu mỡ, rất thuận lợi cho việc phát triển cây nông nghiệp, tiềm năng thủy điện đạt khoảng 18 GW. Kiên trì đường lối đối ngoại hòa hình, độc lập, hữu nghị và hợp tác với các nước trên cơ sở nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, phát triển, với điều kiện hệ thống giao thông được cải thiện vượt bậc so với trước đây, Lào đang trở thành điểm trung chuyển quan trọng của khu vực Đông Nam Á lục địa, là nơi các nước đang gia tăng đầu tư.

Trung Quốc là quốc gia láng giềng lớn của Lào. Từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX đến nay, Trung Quốc và Lào đẩy mạnh quan hệ hữu nghị láng giềng, hợp tác toàn diện ở nhiều cấp độ và trên nhiều bình diện: chính trị, kinh tế, quốc phòng, giáo dục - đào tạo... Các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và Lào đã qua lại thăm chính thức nhau; qua đó, hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ hướng tới thế kỷ XXI với phương châm: Ổn định vững chắc, tin tưởng lẫn nhau, láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác. Trung Quốc cam kết tài trợ dài hạn cho dự án xây dựng hệ thống đường sắt quốc gia của Lào, kèm theo hình thức cho vay khoảng 4 tỷ USD. Trung Quốc phấn đấu trở thành nước có vị trí, ảnh hưởng lớn nhất và toàn diện nhất ở Lào. Ở tầm vĩ mô, Chính phủ Trung Quốc nắm giữ vai trò chỉ đạo, điều hành thống nhất mọi quan hệ hợp tác với Lào, chịu trách nhiệm đầu tư trực tiếp vào các công trình trọng điểm. Ở tầm vi mô, Chính phủ Trung Quốc đứng ra bảo lãnh, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, công ty tư nhân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Lào.

Để thực hiện mục tiêu của mình, Trung Quốc đã chú trọng hợp tác đầu tư phát triển giao thông kể cả đường bộ, đường hàng không và đường thủy dọc theo sông Mê Kông. Năm 2007, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng tuyến đường dài 215 km, nối Trung Quốc qua cửa khẩu Bò Tèn ở tỉnh Luông Nậm Thà (Bắc Lào) thông sang Thái Lan qua Huội Xài ở phía Tây Bắc Lào. Trung Quốc thuyết phục Lào tham gia vào “tứ giác phát triển kinh tế” bao gồm Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Myanma; đồng thời, kết hợp phát triển kinh tế các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư Lào, từ năm 2001 đến tháng 6 - 2010, Trung Quốc đã đầu tư vào Lào 369 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt trị giá hơn 2,643 tỷ USD. Riêng trong năm 2009, Trung Quốc đầu tư vào Lào 47 dự án với số vốn đăng ký đạt trị giá 932,8 triệu USD (xếp thứ hai sau Việt Nam với 48 dự án, trị giá vốn đăng ký 1,4 tỷ USD).

Cán cân thương mại hai chiều Trung Quốc - Lào không ngừng tăng nhanh chóng. Năm 2001-2005, Trung Quốc xuất khẩu sang Lào 410,9 triệu USD và nhập khẩu 66,48 triệu USD; năm 2008, Trung Quốc xuất sang Lào 369 triệu USD và nhập từ Lào 154 triệu USD(1).

Về đào tạo nguồn nhân lực, Trung Quốc cam kết từ năm 2011 đến năm 2020, mỗi năm Trung Quốc sẽ nhận đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho 300 cán bộ Lào hệ sau đại học. Chính phủ Lào đồng ý cho Trung Quốc xây dựng Học viện Khổng Tử tại Đại học quốc gia Lào(2). Như vậy, thông qua chiến lược hợp tác Lào - Trung Quốc giai đoạn 2011 - 2020, cho thấy rằng, Trung Quốc sẽ bỏ tiền xây dựng giúp Lào hầu hết cơ sở hạ tầng thiết yếu đóng vai trò xương sống cho nền kinh tế Lào, giúp Lào hiện đại hóa đất nước và chuẩn bị đội ngũ cán bộ ngang tầm với sự phát triển của Lào đến năm 2020. Đổi lại, Trung Quốc sẽ thu được nhiều lợi ích kinh tế - xã hội thông qua việc cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản, rừng, quỹ đất rộng lớn của Lào.

Nhìn chung, sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc tại Lào phát triển với tốc độ nhanh. Đối với Lào, hiện tại tranh thủ tiềm lực kinh tế của Trung Quốc để xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương đôi bên cùng có lợi. Đây là mối quan hệ cả hai bên xác định là mang tính chiến lược và toàn diện.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có quan hệ truyền thống tốt đẹp từ lâu đời. Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt nhất, thì dãy Trường Sơn trùng trùng, điệp điệp luôn là biểu tượng của sự kiên cường, bền vững thể hiện ý chí quyết tâm kháng chiến giành độc lập, tự do và gắn bó hai dân tộc. Sau năm 1975, Việt Nam - Lào đều bắt tay vào xây dựng CNXH với những thành công và hạn chế mang tính lịch sử. Sau Chiến tranh lạnh, công cuộc đổi mới, mở cửa, xây dựng nền kinh tế thị trường trở thành xu thế chung của thời đại; mối quan hệ Việt Nam - Lào đặt ở vị trí khác so với trước đây, từ đồng minh trong chiến đấu trở thành đối tác chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.

Trước sức ép của toàn cầu hóa, cả Việt Nam và Lào đều chịu những tác động mạnh mẽ từ bên trong và bên ngoài; do đó, đòi hỏi hai Nhà nước phải điều chỉnh chính sách để thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường. Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Lào, Lào không chỉ là vị trí ưu tiên đặc biệt mà còn là đối tác chiến lược gần gũi và thân thiết. Về phía Lào, luôn bày tỏ quyết tâm duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Việt Nam. Có thể nói rằng, trong lịch sử thế giới chưa có mối quan hệ nào mẫu mực, thủy chung, trong sáng được tôi luyện qua thời gian và khói lửa chiến tranh như quan hệ Việt Nam - Lào.

Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, sự tác động của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan đã đặt quan hệ Việt Nam - Lào đứng trước nhiều thách thức gay gắt. Quan hệ chính trị giữa hai nước chỉ được xây dựng bền vững trên cơ sở quan hệ kinh tế giữa hai bên phải đóng vai trò then chốt. Theo số liệu thống kê của Cục đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào): Từ năm 2001-2009, tổng số vốn FDI của Việt Nam tại Lào đạt 2,11 tỷ USD, xếp thứ 3 trong tổng số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Lào; Thái Lan xếp ở vị trí thứ nhất với 2,65 tỷ USD; Trung Quốc ở vị trí thứ hai với 2,24 tỷ USD. Nền kinh tế của Việt Nam còn nghèo nên viện trợ cho Lào so với Nhật Bản và Trung Quốc còn nhiều hạn chế. Năm 2009, Việt Nam viện trợ cho Lào 17,3 triệu USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Lào, năm 2010 đạt 490 triệu USD (tăng 17,2% so với năm 2009)(3), phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương 2 nước đạt mức 2 tỷ USD vào năm 2015(4). Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào thiếu chiến lược nhất quán, ít được Chính phủ Việt Nam đầu tư, hỗ trợ về vốn lẫn cơ chế chính sách.

Về hợp tác phát triển nguồn nhân lực, trong 7 năm gần đây đã có 5.233 lưu học sinh Lào học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo Việt Nam. Trong đó có 1.982 người thuộc diện được hưởng học bổng của hai Chính phủ, 914 người diện tự túc kinh phí, 2.099 người học theo học bổng trao đổi giữa các địa phương, các ngành, 61 người đi học theo học bổng của các tổ chức quốc tế tài trợ và 177 người nhận học bổng của các dự án, công ty(5)

Nhìn chung, mặc dù hai nước đã có nhiều cố gắng trong việc gìn giữ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp trong quá khứ nhưng dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa, thì quan hệ Việt Nam - Lào ít nhiều cũng bị ảnh hưởng và vị trí của Việt Nam đối vớiLào tất yếu cũng sẽ thay đổi so với trước đây.    

Thái Lan là láng giềng mà trong lịch sử có nhiều biến cố, thăng trầm xảy ra. Thái Lan nhiều lần đem quân xâm lược Lào cũng như đóng cửa biên giới, gây khó khăn cho giao thương hàng hóa của Lào. Khép lại quá khứ, hiện nay Lào - Thái Lan đang có mối quan hệ chính trị khá tốt đẹp.

Về chính trị, hai bên vẫn thường xuyên có các đoàn đại biểu viếng thăm lẫn nhau ở các cấp, địa phương và các tổ chức nghề nghiệp xã hội; tiến hành hợp tác bảo vệ an ninh biên giới, đẩy nhanh tiến độ cắm mốc biên giới trên sông và trên đất liền.

Về kinh tế, Lào luôn là thị trường truyền thống quen thuộc tiềm năng trong thu hút đầu tư của Thái Lan. Hai nước vốn có nhiều điểm tương đồng về văn hóa nên thị hiếu tiêu dùng tương đối giống nhau; vì vậy, hàng hóa Thái Lan rất được ưa chuộng tại Lào. Trong quan hệ thương mại, tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa từ Thái chiếm khoảng 60-70% tổng giá trị nhập khẩu, bao gồm các loại hàng như máy móc, phương tiện giao thông vận tải, thiết bị đồ gia dụng...; hàng hóa Lào xuất khẩu sang Thái Lan chiếm khoảng 30- 40% tổng giá trị xuất khẩu, bao gồm các loại hàng hóa như điện năng, khoáng sản, nông sản, các loại nguyên liệu thô, gỗ... Theo số liệu của tờ Thời báo Viêng Chăn số ra ngày 9-2-2014, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Lào - Thái Lan đạt 5,44 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2013; trong đó, Lào xuất sang Thái Lan 4,03 tỷ USD và nhập 1,41 tỷ USD. Thái Lan và Lào đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều từ mức 5,4 tỷ USD trong năm 2015 lên 8 tỷ USD trong vòng 3 năm tới; số dự án của Thái Lan tại Lào có 254 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 2,666 tỷ USD(6).

Thời gian gần đây, Thái Lan đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực cho Lào. Nhìn chung, xét về thương mại, Thái Lan vẫn là đối tác lớn nhất của Lào. Bên cạnh những ưu thế vượt trội, Thái Lan vẫn cầnnỗ lực nhiều để xua tan đi tàn dư những trang sử nặng nề trong quan hệ Lào - Thái Lan và nhiều vấn đề vẫn còn tồn đọng như: Trong việc xây dựng một số công trình thủy điện trên sông Mê Kông do Thái Lan tiến hành đã ảnh hưởng tiêu cực đối với Lào, đây cũng là nhân tố gây nhiều tranh cãi; vấn đề người lao động Lào trên đất Thái Lan buộc phải về nước vì nhiều lý do khiến Lào không hài lòng.

Với điều kiện kinh tế Lào còn trong tình trạng khó khăn, tiềm lực quốc phòng còn hạn chế, Lào luôn bày tỏ quan điểm sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Thái Lan nhằm thu hút đầu tư trực tiếp từ Thái Lan để phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

Nhật Bản:  Sau Chiến tranh lạnh, xu hướng toàn cầu hóa, cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển nhanh. Nhật Bản ngày càng nhận thức rõ hơn: Nếu Mỹ có châu Mỹ thì Nhật Bản có châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á - thị trường truyền thống lâu đời và là “sân sau” của Nhật Bản(7). Với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, trình độ khoa học - kỹ thuật hiện đại,có vai trò lớn trong cáctổ chức kinh tế, tài chính trong khu vực và thế giới, Nhật Bản có khả năng đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế của Lào. Sự giúp sức của Nhật Bản sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác Nhật Bản - Lào trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, đào tạo đội ngũ cán bộ là những nhân tố chủ yếu cho Lào hội nhập với khu vực và thế giới. Như vậy, Nhật Bản vừa hoàn thành nhiệm vụ của cường quốc lớn, vừa nâng cao vị thế kinh tế, chính trị của Nhật Bản trên trường quốc tế. Năm 1999, Nhật Bản viện trợ cho Lào là 271,8 triệu USD, chiếm 58,2% tổng viện trợ của nước ngoài cho Lào(8). Năm 2007, Nhật Bản viện trợ cho Lào 1,2 tỷ yên dành cho sự án lớn Non-Project giúp Lào nhập các nguyên liệu như xăng, dầu, sắt, thép… nhất là ưu tiên cho các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, văn hóa, y tế; 400 triệu yên cho dự án xây dựng Trung tâm Lào - Nhật. Đây là nơi bồi dưỡng năng khiếu thể thao, nhất là những môn thể thao truyền thống Nhật Bản như: Judo, Karatedo, Aikido; trao đổi văn hoá(9). Hiện đầu tư của Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 7 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Lào, với 102 dự án, tổng số vốn 438 triệu USD; trong đó, lĩnh vực đầu tư chủ yếu là nông nghiệp, công nhiệp và tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ(10). Số liệu thống kê năm 2014 cho thấy, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và là nhà nhập khẩu lớn thứ 4 của Lào. Số lượng các nhà đầu tư Nhật Bản ở Lào vào thời điểm cuối năm 2014 tăng gấp đôi so với năm 2012, lên khoảng 120 nhà đầu tư(11).

Thực tế cho thấy, các dự án Nhật Bản triển khai tại Lào sau khi hoàn thành đã phát huy hiệu quảđối với sự phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Trong tương lai, Nhật Bản tiếp tục muốn nâng cao vị thế của mình tại khu vực Đông Nam Á, châu Á và trên thế giới thì vai trò cũng như ảnh hưởng của Nhật Bản tại Lào sẽ lớn mạnh hơn.

Mỹ là nước lớn, luôn muốn sắp đặt lợi ích quốc gia mình trên toàn cầu. Chính vì thế, mối quan tâm của Mỹ đối với Đông Nam Á có lịch sử lâu dài, tùy vào thời điểm mà gây ảnh hưởng mạnh, yếu khác nhau. Trong đó, các nước Đông Nam Á cũng có vị thế khác nhau. Khi xem xét vị thế của Lào trong sự cạnh tranh chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á, cần xem xét mối quan tâm chung của Mỹ đối với Đông Nam Á và với từng nhóm nước và đặt nó trong mối tương quan cạnh tranh với các cường quốc khác tại khu vực này như Trung Quốc, Nhật Bản…

Nhìn lại quá khứ, cuộc chiến tranh Đông Dương đã để lại cho Mỹ nỗi đau lớn nhưng cũng thông qua thất bại này, Mỹ hiểu hơn về các nước Đông Dương; để từ đó điều chỉnh chính sách phù hợp. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ xác định lợi ích quốc gia của mình tại Lào bao gồm bốn vấn đề cơ bản:

Thứ nhất,khuyến khích và hỗ trợ Lào giảm thiểuvà tiến tới triệt phá hoàn toàn cây thuốc phiện, thay thế bằng các loại cây lương thực khác; đồng thời, hỗ trợ việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Thứ hai, thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền,bao gồm cả việc tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Thứ ba,khuyến khích Lào xây dựng thành công nền kinh tế thị trường; cùng Lào ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Thứ tư, phối hợp với các nhà chức trách Lào tìm kiếm hài cốt lính Mỹ và quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Có thể nói rằng, điểm chung của Mỹ, Thái Lan và các nước phương Tây khác đều có những dính líu chặt chẽ đối với Lào từ năm 1975 khi Lào lựa chọn con đường chính trị XHCN là không phù hợp với lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh với Mỹ. Chiến lược của Mỹ một mặt viện trợ, đầu tư, buôn bán với Lào; mặt khác, gây sức ép tổng hợp để chuyển hóa thể chế chính trị Lào từ trong nội bộ. Sự quan tâm của Mỹ dành cho Lào chủ yếu xuất phát từ yêu cầu chính trị; còn yêu cầu về kinh tế và lợi ích thương mại còn thể hiện khá mờ nhạt. Năm 2006, tổng số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Lào với tất cả các nước đạt trên dưới 1 tỷ USD, nhưng trong đó xuất khẩu của Lào sang Mỹ chỉ đạt 8,7 triệu USD (chủ yếu là hàng may mặc) và nhập khẩu từ Mỹ đạt 6,9 triệu USD (phần lớn là máy móc, đồ điện tử). Năm 2007, xuất khẩu của Lào sang Mỹ tăng 2,6 lần so với năm 2006 và nhập khẩu từ Mỹ tăng khoảng 80%. Đến năm 2008, kim ngạch thương mại Mỹ - Lào tăng gấp 4 lần năm 2006, từ 15 triệu USD lên 60 triệu USD. Năm 2009, kim ngạch thương mại hai nước tăng lên 63,8 triệu USD, tăng gấp 10 lần so với năm 2004 và Mỹ vươn lên đứng thứ 7 trong số các đối tác thương mại lớn tại Lào(12). Viện trợ của Mỹ cho Lào cũng rất nhỏ giọt, qua những chương trình như tháo gỡ bom mìn, chống ma túy, cải thiện khả năng mậu dịch, phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS, tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, giáo dục... Tổng viện trợ của Mỹ cho Lào năm 2009 là 5 triệu USD, đến năm 2010 là 5,15 triệu USD (so với Nhật Bản viện trợ cho Lào mỗi năm đạt trên dưới 100 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng, bệnh viện, trường học và đào tạo nguồn nhân lực)(13).

Những con số trên, có thể thấy ảnh hưởng kinh tế của Mỹ tại Lào chưa tương xứng với vai trò cường quốc và tiềm năng khổng lồ của Mỹ. Năm 2007, Mỹ đã có động thái tích cực trong việc điều chỉnh chiến lược đối với Lào thông qua việc bắt giữ Vàng Pao và đồng bọn nhằm gây tiếng vang lớn trong cộng đồng thế giới và xây dựng uy tín của người Mỹ trong cuộc đấu tranh chống khủng bố; đồng thời, tạo dựng niềm tin đối với Lào. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn tiếp tục dung túng cho một số tổ chức người Lào lưu vong tại Mỹ có quan điểm và tiếng nói trái ngược với Chính phủ Lào, phối hợp với Thái Lan trong một số hoạt động nhằm cản trở sự nghiệp cách mạng của Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào. Trước những động thái vừa mang tính tích cực và tiêu cực của Mỹ, Chính phủ Lào vẫn kiên trì chính sách ngoại giao mềm dẻo đối với Mỹ nhằm thu hút viện trợ để phát triển kinh tế - xã hội.

Tóm lại, ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ tại Lào tuy ở những mức độ khác nhau, phụ thuộc vào mục đích của từng nước nhưng sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước này tại Lào sẽ ngày càng quyết liệt hơn.

Nhận thức rõ những ảnh hưởng này đối với sự phát triển đất nước, đòi hỏi Đảng và Chính phủ Lào phải xử lý các mối quan hệ với các quốc gia này một cách linh hoạt, mềm dẻo và hiệu quả, giảm những tác động tiêu cực, gia tăng ngoại lực phục vụ tốt công cuộc đổi mới nhằm bảo vệ, củng cố độc lập dân tộc, hội nhập phát triển đất nước hiện nay.

____

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

(1) Thông tấn xã Việt Nam, Bản tin “Kinh tế quốc tế”, số 046, năm 2008, tr.9

(2) Thỏa thuận Chiến lược hợp tác Lào - Trung Quốc giai đoạn 2011 - 2020, Viêng Chăn, 2008.

(3) Xem: http://socongthuonght.gov.vn

(4) Xem: http://www.mofahcm.gov.vn

(5) Xem: http://cepece.edu.vn

(6) Xem: http://www.tin247.com

(7) Keesing (1993), Record World Events, Tokyo, p.39

(8) Xem: http://www.la.em-Japan.go.jp

(9) Xem: http://vneconomy.vn

(10) Xem: http://vov.vn

(11) Xem: http://www.vietnamplus.vn 

(12) Congressional rerearch service prepared for menbers and committees of congress by Thomas Lum - Specialist in Asian Affairs (Foreign Affairs, Defense, and Trade Division), Junuary 7th, 2008: “Laos: Background and U.S relations”.

(13) Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 098-TTX, thứ ba, ngày 13-4-2010, tr.7.

 

ThS Đỗ Thị Ánh

Trường Cao đẳng Công nghiệp Cẩm Phả, Quảng Ninh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền