Trang chủ    Quốc tế    Ngoại giao công chúng của Cộng hòa Pháp
Thứ tư, 26 Tháng 10 2016 08:56
3839 Lượt xem

Ngoại giao công chúng của Cộng hòa Pháp

(LLCT) - Chính phủ Pháp đã sớm có nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ thân thiện, hợp tác, tạo dựng sự hiểu biết và tin tưởng của công chúng trong và ngoài nước nhằm không ngừng nâng cao vị thế của Pháp. Do đó, Pháp đã thực hiện những cải cách mạnh mẽ, trong đó nhấn mạnh việc phổ biến rộng rãi hơn nữa những quan điểm, chính sách, hình ảnh nước Pháp đến nhân dân trong và ngoài nước thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

1. Chính sách và các cơ quan đảm trách ngoại giao công chúng của Cộng hòa Pháp

Trước năm 2010, khái niệm ngoại giao công chúng vẫn chưa được Chính phủ Pháp sử dụng chính thức nhưng Pháp đã sớm có nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ thân thiện, hợp tác, tạo dựng sự hiểu biết và tin tưởng của công chúng trong và ngoài nước nhằm không ngừng nâng cao vị thế của Pháp.

Năm 1999, Pháp đã thực hiện những cải cách mạnh mẽ, trong đó nhấn mạnh việc phổ biến rộng rãi hơn nữa những quan điểm, chính sách, hình ảnh nước Pháp đến nhân dân trong và ngoài nước thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Song, chỉ đến khi Nicolas Sarkozy - ứng cử viên của Đảng UMP đắc cử Tổng thống năm 2007 với cam kết tăng cường ảnh hưởng của Pháp trên trường quốc tế, ngoại giao công chúng mới chính thức được nghiên cứu, xem xét toàn diện. Năm 2010, chính quyền Nicolas Sarkozy đã đưa ra một chiến lược mới để thúc đẩy ngoại giao công chúng. Lần đầu tiên, khái niệm ngoại giao công chúng được Bernard Kouchner, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp nêu: ngoại giao công chúng là một bộ phận không thể tách rời của hoạt động ngoại giao nói chung nhằm bảo đảm môi trường thuận lợi cho Pháp thực hiện thành công các chính sách và lợi ích quốc gia. Trong đó, bốn chính sách ngoại giao công chúng lớn mà Pháp chú trọng đẩy mạnh một cách chuyên nghiệp, bài bản với sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, đó là: dạy tiếng Pháp ở nước ngoài, hỗ trợ phát triển chính thức, ngoại giao văn hóa và quản lý trao đổi sinh viên, nhà nghiên cứu và chuyên gia. Đây là những chính sách có vai trò quan trọng trong việc tăng cường ảnh hưởng, quảng bá hình ảnh của Pháp ra thế giới, từ đó góp phần thực hiện một chính sách đối ngoại hiệu quả hơn, tương tác nhiều hơn.

Các cơ quan thực hiện ngoại giao công chúng:

- Bộ Ngoại giao

Trách nhiệm chính trong việcquảng bá hình ảnh của Pháp ở nước ngoài là của Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao đã tạo ra các mạng lưới ủy ban liên ngành quốc tế (Corinte) nhằm xác định một chiến lược hành động toàn cầu.

Đó là mạng lưới các cơ quan đại diện của Pháp ở nước ngoài lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ) với 163 đại sứ quán, 4 văn phòng chi nhánh ngoại giao, 92 tổng lãnh sự và lãnh sự, 26 đoàn đại biểu thường trực tại các tổ chức quốc tế, gần 16.500 nhân viên.

Bộ Ngoại giao Pháp cũng đặc biệt chú trọng phát triển mạng lưới hành động văn hóa và hợp tác. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Pháp, tính đến tháng 1-2012, mạng lưới này có 8 nghìn người ở 161 bộ phận hợp tác và hành động văn hóa thuộc các cơ quan đại diện ngoại giao Pháp ở nước ngoài, 159 viện nghiên cứu văn hóa Pháp và các trung tâm văn hóa Pháp ở 92 quốc gia,445 cơ sở của Alliance Francaise (Liên hiệp tiếng Pháp), 494 trường với chương trình tiếng Pháp, 155 văn phòng Campus France Agency (cơ quan quảng bá du học Pháp), 70 văn phòng và đại diện Tổ chức phát triển Pháp (French Development Agency - AFD) ở 90 nước, 23 viện nghiên cứu và 14 văn phòng chi nhánh và 161 khu trường Pháp. Đặc biệt, có khoảng 150 cố vấn nước ngoài về văn hóa và khoa học trong các cơ quan đại diện của Pháp ở nước ngoài.

-Trung tâm Văn hóa Pháp

Trung tâm Văn hóa Pháp chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động ngoại giao văn hóa của Pháp ở nước ngoài dưới sự giám sát của Bộ Ngoại giao. Trung tâm này có vai trò như là “ống dẫn” cho chính sách ngoại giao ảnh hưởngcủa Pháp trong khuôn khổ những chính sách và ưu tiên của Chính phủ. Cụ thể là có nhiệm vụ thúc đẩy ảnh hưởng của Pháp ra nước ngoài thông qua đối thoại với các nền văn hóa nước ngoài và thực hiện chính sách lắng nghe đối tác và cởi mở với các nền văn hóa trên thế giới; góp phần thúc đẩy ngôn ngữ, tư tưởng và tri thức Pháp, cũng như đào tạo nhân viên của mạng lưới văn hóa Pháp; tiếp đón các đoàn văn hóa nước ngoài đến Pháp...

- Hiệp hội Giáo dục Pháp ở nước ngoài (AEFE)

Hiệp hội Giáo dục Pháp ở nước ngoài (AEFE) được thành lập năm 1990, thuộc sự quản lý của Bộ Ngoại giao. Hiệp hội này cùng với Uỷ ban Thế tục Pháp (MLF) chịu trách nhiệm quản lý, hỗ trợ và vận hành mạng lưới 480 cơ sở giáo dục từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông của Pháp được thành lập ở 130 nước.

Nhiệm vụ của AEFE là cung cấp giáo dục công cho trẻ em có quốc tịch Pháp sống ở nước ngoài (khoảng 40% tổng số học sinh các cơ sở này) và trẻ em các nước, củng cố mối quan hệ giữa Pháp và hệ thống giáo dục nước ngoài, góp phần mở rộng văn hóa và ngôn ngữ Pháp ra thế giới, cung cấp viện trợ cho giáo dục trẻ em Pháp.

- Cơ quan quảng bá du học Pháp (Campus France Agency)

Đây là một tổ chức công (EPIC) được thành lập nhằm hỗ trợ thông tin cho sinh viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu nước ngoài muốn học tập, nghiên cứu tại Pháp.

Cơ quan quảng bá du học Pháp có 155 văn phòng ở nước ngoài, gọi là “Espace” và 78 chi nhánh ở 119 nước với hơn 350 nhân viên nhằm cung cấp cho học sinh quốc tế những dịch vụ liên quan đến việc học tập ở Pháp; tổ chức các sự kiện thúc đẩy du học Pháp ở các nước, nhất là giáo dục đại học trong các tổ chức địa phương.

- Tổ chức phát triển Pháp (Agency Francaise De’velopment  - AFD)

AFD là tổ chức điều hành cơ chế tài chính phát triển song phương của Chính phủ Pháp, được thành lập năm 1941, có nhiệm vụ là tài trợ phát triển theo chính sách hỗ trợ phát triển nước ngoài của Pháp. Các hoạt động của AFD nhằm giảm đói nghèo và bất bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và bảo vệ lợi ích “những giá trị chung toàn cầu” đến toàn nhân loại. AFD cũng chịu trách nhiệm quản lý Cơ sở môi trường toàn cầu Pháp (GEF) với những dự án giải quyết mối quan hệ giữa phát triển và môi trường.

AFD có mạng lưới 70 chi nhánh và đại diện ở các nước phát triển và các địa phận hải ngoại của Pháp với 1.742 nhân viên, 711 nhân viên làm việc trong các văn phòng khu vực. Hiện AFD hỗ trợ phát triển các dự án ở hơn 90 nước.

- Unifrance

Unifrance là tổ chức chịu trách nhiệm việc quảng bá và xuất khẩu điện ảnh Pháp ra nước ngoài; tổ chức liên hoan phim Pháp lớn nhất tại Paris vào tháng Giêng hằng năm và làm nổi bật các sản phẩm của điện ảnh Pháp tại các liên hoan phim lớn trên thế giới (Cannes, Toronto, Berlin, Hong Kong, Los Angeles) và tổ chức liên hoan phim Pháp ở các nước trên thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Nhật Bản, Anh, Nga, Cadắcxtan, Ấn Độ...).

- TV France International

Đây là một hiệp hội thương mại thúc đẩy các chương trình truyền hình Pháp trên toàn thế giới thông qua việc bán các chương trình này ra nước ngoài và tạo điều kiện hợp tác sản xuất quốc tế. Hiệp hội được thành lập vào năm 1995 và được hỗ trợ bởi Trung tâm điện ảnh quốc gia (CNC). Hiện Hiệp hội có 150 công ty thành viên, gồm các nhà sản xuất, nhà phân phối.

-Trung tâm Báo chí nước ngoài

Đây là nơi tiếp nhận và cung cấp hạ tầng, thiết bị làm việc chuyên nghiệp cho các nhà báo nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho công việc của họ tại Pháp. CAPE cố gắng làm hài lòng các nhà báo nước ngoài như “một ngôi nhà chung tiện lợi và chuyên nghiệp”, từ đó góp phần xây dựng hình ảnh nước Pháp, tranh thủ thiện cảm, sự ủng hộ của họ đối với nước Pháp. Thông qua việc tổ chức các hội nghị, các buổi họp báo về các vấn đề ngoại giao và quốc tế, CAPE có nhiệm vụ định hướng và cung cấp, giúp đỡ phóng viên nước ngoài tiếp cận những thông tin chính thống từ Chính phủ Pháp về các vấn đề mà họ quan tâm.

2. Các lĩnh vực hoạt động của ngoại giao công chúng Cộng hòa Pháp

Một là, truyền thông quốc tế

Chính phủ Pháp coi các phương tiện truyền thông là những công cụ quan trọng trong cuộc chiến thu hút dư luận và gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Trong đó, phát thanh truyền hình được Chính phủ Pháp đặc biệt coi trọng để thực hiện những mục tiêu ngoại giao công chúng của mình. Agence France-Presse (AFP) là hãng thông tấn lâu đời nhất thế giới, được thành lập từ năm 1835. Hiện nay, AFP là hãng thông tấn lớn thứ 3 thế giới (đứng sau AP và Reuters), chuyển tải thông tin nhanh và toàn diện về các sự kiện trên thế giới từ chiến tranh, xung đột đến chính trị, thể thao, giải trí và những tri thức khoa học mới nhất trong lĩnh vực công nghệ, khoa học và sức khỏe. Ngoài trụ sở chính đặt tại Pari, AFP có 200 văn phòng ở 150 nước với 2.260 cộng tác viên. AFP phủ sóng khắp châu Á, châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ với nhiều thứ tiếng.

Gần 50% kinh phí hoạt động của AFP từ nguồn ngân sách của Chính phủ. Do đó, Chính phủ Pháp có những can thiệp nhất định trong hoạt động của AFP.  Đồng thời, Chính phủ còn thông qua công ty cổ phần France Médias Monde để quản lý 3 kênh truyền thông đại chúng toàn cầu của Pháp: Đài phát thanh quốc tế Pháp (Radio France Internationale RFI), kênh Truyền hình tin tức France 24 và Đài phát thanh Monte Carlo Doualiya. Ba kênh này phát sóng từ Pari đến 5 châu lục bằng 14 ngôn ngữ với 24 triệu lượt người xem mỗi tháng.

Là tiếng nói của Chính phủ, RFI có nhiệm vụ cung cấp thông tin và giải thích đường lối, chính sách đối ngoại của Pháp đến công chúng trong và ngoài nước. Đồng thời, RFI có trách nhiệm đóng góp vào sự phổ biến văn hóa Pháp thông qua việc thiết kế và sản xuất các chương trình phát thanh bằng tiếng Pháp hoặc tiếng nước ngoài dành cho khán giả nước ngoài cư trú ở Pháp và ở nước ngoài. RFI là một trong những đài phát thanh quốc tế có lượng thính giả lớn nhất thế giới.

Đài phát thanh Monte Carlo Doualiya chuyên sản xuất những chương trình tiếng Ả rập để phát sóng rộng rãi đến công chúng khắp Trung Đông và Bắc Phi… Chính phủ Pháp thực hiện nhất quán việc quảng bá hình ảnh nước Pháp ra thế giới thông qua việc quản lý thống nhất các chương trình truyền hình trong nước phát sóng ra nước ngoài.

Ngoài ra, thông qua các tập đoàn, công ty nhà nước, Chính phủ Pháp chủ động tiếp cận và nắm giữ cổ phần trong các phương tiện truyền thông quốc tế như mạng lưới truyền hình toàn cầu TV5MONDE, Tạp chí Le francais dans le monde... nhằm bảo đảm việc định hướng thông tin, quảng bá hình ảnh nước Pháp trên toàn cầu một cách hiệu quả.

Hai là, các chương trình trao đổi văn hóa, giáo dục

Nội dung cốt yếu của chính sách ngoại giao công chúng của Pháp là ưu tiên quảng bá ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục Pháp ra nước ngoài dựa vào các trung tâm văn hóa Pháp, các trung tâm và viện nghiên cứu ở nước ngoài...

Thông qua chính sách ngoại giao song phương với các nước, Chính phủ Pháp tăng cường sự hiện diện ở nước ngoài qua các dự án hợp tác quảng bá tiếng Pháp trong hệ thống giáo dục ở nước sở tại. Đồng thời, trong chính sách ngoại giao đa phương của mình, Pháp thúc đẩy thành lập Tổ chức pháp ngữ quốc tế (the International Agency of La Francophonie- IOF) vào năm 1970nhằm đưa các nước nói tiếng Pháp xích lại gần nhau như một cộng đồng chính trị, chia sẻ những giá trị chung và quảng bá tiếng Pháp, sự đa dạng văn hóa vì mục tiêu phát triển và thịnh vượng.

Gần đây, Bộ Ngoại giao Pháp cũng đã xây dựng một chương trình đặc biệt để thúc đẩy chủ nghĩa đa ngôn ngữ và tiếng Pháp ở châu Âu, tập trung vào 2 chính sách chủ yếu: chính sách quảng bá tiếng Pháp trong các tổ chức của Liên minh châu Âu vàchính sách thúc đẩy đa ngôn ngữ và tiếng Pháp trong hệ thống giáo dục Liên minh châu Âu.

Bên cạnh địa bàn chiến lược là châu Âu, Bộ Ngoại giao Pháp cũng đã xây dựngmột số chương trình hợp tác khu vực, chủ yếu ở châu Phi, Bắc Mỹ, châu Á, Mỹ Latinh và vùng Caribê, do đây là những khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn số lượng người nói tiếng Pháp, tiếng Pháp ngày càng được lựa chọn để giảng dạy trong các cơ sở giáo dục địa phương.

Đặc biệt, khi số lượng người Pháp sống ở ngoài nước Pháp ngày càng tăng, Chính phủ Pháp đã chủ động thiết kế chương trình “tiếng Pháp ngôn ngữ thứ nhất” dành cho trẻ em Pháp và những người hai quốc tịch, nhằm tạo cơ hội cho công dân Pháp trên khắp thế giới được tiếp cận với ngôn ngữ và văn hóa Pháp.

Bên cạnh những chương trình, hoạt động quảng bá ngôn ngữ, Bộ Ngoại giao Pháp vận hành một mạng lưới rộng lớn các cơ sở và bộ phận văn hóa Pháp ở nước ngoài, tạo dựng sự liên kết chặt chẽ với các đối tác địa phương để quảng bá văn hóa Pháp đến đông đảo công chúng trên toàn thế giới.

Hằng năm, mạng lưới văn hóa Pháp ở nước ngoài tổ chức khoảng 50 nghìn sự kiện văn hóa để đưa các giá trị văn hóa Pháp đương đại đến công chúng trên khắp thế giới, giao lưu và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa.

Chính phủ Pháp thường xuyên phối hợp với chính phủ các nước và đối tác địa phương tổ chức Năm văn hóa Pháp ở các nước (the Year of France) với hàng trăm sự kiện trong các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, giáo dục và kinh doanh. Ngược lại, Pháp cũng cởi mở đón nhận sự độc đáo của các nền văn hóa khác và thúc đẩy đa dạng văn hóa thông qua việc tổ chức các sự kiện xuyên văn hóa “Các mùa văn hóa ở Pháp” (Seasons in France). Những chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa này thực sự là những công cụ hiệu quả của ngoại giao công chúng.

Ba là, viện trợ phát triển

Viện trợ phát triển là một phần quan trọng của chính sách đối ngoại nói chung, của ngoại giao công chúng Pháp nói riêng.

Thông qua Cơ quan phát triển Pháp (AFD), cơ quan đóng vai trò trọng tâm của viện trợ phát triển Pháp tại các nước đang phát triển và có nhiệm vụ tài trợ, kết nối các tổ chức phi chính phủ Pháp (PCP), Pháp đã tăng cường nguồn lực cho các PCP thực hiện hiệu quả toàn diện các dự án phát triển ở khắp nơi trên thế giới.

Đặc biệt, dưới thời Tổng thống Francois Hollande (từ năm 2012), chính sách viện trợ phát triển của Pháp có nhiều đổi mới. Viện trợ phát triển của Pháp hiện nay tập trung vào ba ưu tiên: an ninh, môi trường và phát triển kinh tế cho các quốc gia đang có nhu cầu, với điều kiện đối tượng thụ hưởng phải đồng ý tuân thủ các yêu cầu của nền dân chủ, tăng cường pháp quyền và thúc đẩy quyền của phụ nữ. Đây là định hướng đầu tiên về chính sách viện trợ phát triển và đoàn kết quốc tế của Pháp nhằm thúc đẩy ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao và văn hóa của Pháp trên trường quốc tế, nhất là ở nước nói tiếng Pháp.

Những năm qua, Pháp là nhà tài trợ ODA lớn thứ 4 thế giới, đóng góp khoảng 10 tỷ Euro hàng năm (9.348 triệu Euro năm 2011), và lớn thứ hai thế giới về phần trăm Tổng thu nhập quốc gia GNI (0,46% năm 2011 sau Anh 0,56%). Trong đó, châu Phi là khu vực nhận được nhiều ODA của Pháp nhất (55%), riêng các nước thuộc khu vực Cận Sahara chiếm 41%.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Pháp phối hợp với các bên hỗ trợ những dự án hợp tác giữa chính quyền địa phương Pháp và nước ngoài trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, phát triển bền vững và kinh tế. Hiện có hơn 13 nghìn dự án hợp tác được thực hiện tại 145 nước trên thế giới.

Cho đến nay, Pháp đã triển khai khá toàn diện trên quy mô lớn các hoạt động ngoại giao công chúng, tiếp cận và chinh phục niềm tin của công chúng quốc tế từ nhiều khía cạnh. Đặc biệt, ngoại giao công chúng Pháp đã có chiến lược, định hướng và trọng tâm, trọng điểm rõ ràng. Ngôn ngữ, văn hóa được đặc biệt coi trọng và là nhân tố gây ảnh hưởng chủ đạo trong ngoại giao công chúng Pháp trên cơ sở ứng dụng linh hoạt, hiệu quả công nghệ số và các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2016

 

PGS, TS Phạm Minh Sơn

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

ThS Nguyễn Thị Tú Hoa

Lê Minh Hằng

Học viện Chính  trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền