Trang chủ    Quốc tế    Trung Quốc đấu tranh trong vấn đề nhân quyền như thế nào
Thứ tư, 26 Tháng 10 2016 09:01
2670 Lượt xem

Trung Quốc đấu tranh trong vấn đề nhân quyền như thế nào

(LLCT) - Trung Quốc đã tích cực tham gia trong việc phát triển nhân quyền trên thế giới trên cơ sở bảo vệ nhân quyền ở trong nước. Chính phủ và người dân Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện các điều kiện nhân quyền. Ngay từ khi cải cách mở cửa, tôn trọng và bảo vệ nhân quyền đã là một mục tiêu quan trọng của sự phát triển chính trị và hiện đại hóa của Trung Quốc. 

1. Thực tiễn đấu tranh về nhân quyền của Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những nước tham gia sớm nhất và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển nhân quyền trên thế giới. Ngày 25-4-1945, Trung Quốc đã tham dự Hội nghị của Liên Hợp quốc (LHQ) tại San Francisco (Mỹ) và có những đóng góp tích cực đến việc thành lập LHQ cũng như việc xây dựng Hiến chương LHQ. Năm 1947, khi Ủy ban Nhân quyền của LHQ được thành lập, Trung Quốc đã tham gia vào việc soạn thảo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Trong các cuộc tranh luận nóng bỏng giữa các quốc gia thành viên, các đại biểu Trung Quốc nhấn mạnh rằng, khái niệm nhân quyền và các tiêu chuẩn quy định trong Hiến chương LHQ không nên chỉ được hiểu theo phương Tây, mà văn hóa Nho giáo của Trung Quốc cũng phải được coi là một nền tảng cho các giá trị nhân quyền phổ quát(1).

Sau khi nước CHND Trung Hoa được thành lập (1949), Chính phủ Trung Quốc luôn tích cực hỗ trợ, tham gia vào việc bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới. Tháng 4-1955, Trung Quốc tham gia Hội nghị Á - Phi tại Băngđung (Inđônêxia) và đã thể hiện quan điểm đồng thuận về nhân quyền với các nước đang phát triển.

Thời kỳ 1971 - 1989: Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách dính líu, tham gia chế độ nhân quyền quốc tế: Trên lý thuyết, Trung Quốc đã tham gia chế độ nhân quyền quốc tế, tuy nhiên thực tế giai đoạn 1971 - 1979, Trung Quốc không ký bất kỳ hiệp ước nào liên quan đến nhân quyền, nên không phải là đối tượng giám sát của các thể chế này([1]2). Vấn đề nhân quyền tạm thời ít được đề cập trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây.

Cuối thập niên 70, Trung Quốc tiến hành công cuộc cải cách mở cửa. Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI năm 1978, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố các biện pháp đưa đất nước phát triển theo hướng mới, nhấn mạnh “4 hiện đại hóa” và mở cửa với phương Tây. Chính phủ Trung Quốc bắt đầu chú ý đến vấn đề nhân quyền, điều đó được minh chứng qua Hiến pháp năm 1982.

Ở cấp độ quốc tế, Trung Quốc tham gia tích cực hơn vào các chủ đề nhân quyền. Năm 1982, Trung Quốc trở thành thành viên Ủy ban Nhân quyền LHQ. Từ 1980 - 1989, Trung Quốc ký và phê chuẩn nhiều công ước về nhân quyền. Điều đó đã đặt Trung Quốc dưới sự xem xét của các cơ chế kiểm soát gắn với các công ước mà họ đã ký. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, những chỉ trích chưa nhiều và chưa gay gắt.

Thời kỳ 1989 - 1993: Từ chống đỡ thụ động chuyển sang tham gia tích cực. Năm 1989 xảy ra sự kiện Thiên An Môn. Việc giải quyết sự kiện này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây. Trung Quốc chịu rất nhiều sức ép. Các nước Tây Âu phản ứng bằng hàng loạt sự trừng phạt, bao gồm hoãn các dự án hợp tác mới, cắt đứt quan hệ cấp bộ trưởng, ngừng hợp tác quân sự(3). Mỹ cũng phản ứng bằng các biện pháp tương tự, ví dụ như gắn quy chế Tối Huệ quốc (MFN) với sự tôn trọng nhân quyền và dân chủ(4). LHQ cũng có phản ứng gay gắt. Biểu hiện rõ nhất là Nghị quyết của Ủy ban Nhân quyền LHQ tháng 8-1989 lên án gay gắt hành động của Chính phủ Trung Quốc.

Trước sự chỉ trích từ quốc tế, Chính phủ Trung Quốc phản đối kịch liệt toàn bộ những chỉ trích về nhân quyền do Mỹ và các nước phương Tây đưa ra, coi đó là can thiệp vào nội bộ Trung Quốc. Đây là thời điểm rất bất ổn của Trung Quốc: vừa phải đối phó với những chỉ trích về sự kiện Thiên An Môn, đồng thời cũng phải đối mặt với những thay đổi trong hệ thống quyền lực quốc tế (năm 1989, hệ thống XHCN ở Đông Âu bắt đầu sụp đổ, làm thay đổi cục diện chính trị toàn cầu).

Sau thời gian “bất ổn và rút lui”, bước sang thập niên 90, Trung Quốc bắt đầu điều chỉnh theo hướng tiến hành thảo luận với các nước về tình trạng nhân quyền của mình. Tháng 9-1990, Trung Quốc có sự thay đổi lớn đối với vấn đề nhân quyền, dẫn tới “cơn sốt về nhân quyền”. Trung Quốc chiếm vị trí nổi bật trên diễn đàn nhân quyền quốc tế. Chính phủ Trung Quốc thông qua luật liên quan đến nhân quyền, các học giả Trung Quốc được khuyến khích nghiên cứu về vấn đề nhân quyền(5).

Trung Quốc bắt đầu xuất bản những ấn phẩm chính thức về nhân quyền mang tên “Sách trắng”. Tháng 10-1991, Sách trắng đầu tiên của Trung Quốc về nhân quyền được xuất bản, trong đó trình bày những quan điểm chính thức của Chính phủ Trung Quốc về nhân quyền, khẳng định việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền cho người dân và hướng tới cộng đồng quốc tế. Sách trắng 1991 cũng là cơ sở để xây dựng chính sách ngoại giao nhân quyền của Trung Quốc.

Trong thời kỳ này, Trung Quốc trở nên tích cực và chủ động hơn trong việc ứng phó với những chỉ trích về nhân quyền. Cụ thể, Trung Quốc đã chỉ ra điểm mấu chốt trong những chỉ trích từ phía quốc tế, đó là tính phổ quát (universality) của nhân quyền, và biến đó thành vũ khí quan trọng nhất trên diễn đàn nhân quyền quốc tế. Trung Quốc khẳng định: “Tình hình nhân quyền của một nước không thể bị phán xét mà không quan tâm đến điều kiện lịch sử và dân tộc của nước đó, nó không thể bị đánh giá theo mô hình hoặc tiêu chuẩn định trước của một nước hoặc khu vực khác”(6). Điều đó có nghĩa là, bên cạnh tính phổ quát, nhân quyền còn có tính tương đối. Tuyên bố này là điểm then chốt làm thay đổi thái độ của Trung Quốc trên diễn đàn nhân quyền quốc tế, từ vị trí chống đỡ thụ động trở thành nước tham gia tích cực.

Tuyên bố về tính tương đối của nhân quyền tại Hội nghị nhân quyền quốc tế ở Viên năm 1993 cho thấy rằng, khái niệm nhân quyền đến từ phương Tây, thấm nhuần những giá trị phương Tây nhưng không nhất thiết áp dụng vào các nền văn hóa phi phương Tây. Mặc dù những tranh cãi chưa đến hồi kết và có thể không bao giờ có kết luận tính chất nào là đúng, tính phổ quát hay tính tương đối, nhưng có thể nói rằng, Trung Quốc đã thành công khi đưa ra một nhận thức về sự khác biệt văn hóa trong thảo luận việc thực thi nhân quyền.

Thời kỳ 1994 đến nay: Trung Quốc tiếp tục xuất bản “Sách trắng” về nhân quyền. Sự ủng hộ cho những nghiên cứu về nhân quyền bắt đầu từ 1990 được tiếp tục. Nhiều trung tâm nghiên cứu nhân quyền được thành lập, các ấn phẩm học thuật tăng lên, Luật nhân quyền được đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên đại học. Những chỉ trích quốc tế về tình trạng nhân quyền của Trung Quốc giảm đi.

Nhiều nước đang phát triển ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Trung Quốc. Họ đồng ý với lập luận của Trung Quốc rằng, tình hình cụ thể của một nước cần được xem xét khi phán xử tình trạng nhân quyền của nước đó và đối với các nước đang phát triển sự phát triển và những mối quan tâm kinh tế phải được đặt vào vị trí hàng đầu trước khi thực hiện hiệu quả các quyền công dân và chính trị. Bên cạnh đó, thành tựu kinh tế của Trung Quốc cũng tạo nên sức hút đối với các nước đang phát triển, đồng thời, ảnh hưởng đến thái độ của các nước phương Tâyđối với vấn đề nhân quyền của Trung Quốc.

Do sự thúc đẩy tích cực của Trung Quốc và các nước đang phát triển, tháng 3-2006, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết thành lập Hội đồng Nhân quyền (HR) thay thế cho Ủy ban Nhân quyền đã tồn tại hơn 50 năm. Từ năm 2006 đến nay, Trung Quốc luôn giành được một ghế trong Hội đồng nhân quyền. Như vậy, Trung Quốc đã hòa nhập tốt vào cơ chế nhân quyền quốc tế, thực hành quan điểm công khai và hợp tác trong các vấn đề nhân quyền quốc tế,cùng với các nước khác thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nhân quyền trên thế giới.

2. Kết quả trong đấu tranh về nhân quyền của Trung Quốc

Một là, các nước phương Tây lần lượt thiết lập cơ chế đối thoại nhân quyền, mở rộng hợp tác trong vấn đề nhân quyền với Trung Quốc

Nhờ chính sáchcải cách, mở cửa và sự phát triển kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc tiến gần hơn với các nước phương Tây trong các quan hệ thương mại; tăng cường sức mạnh mềm và có tiếng nói hơn trên trường quốc tế. Các nước phương Tây từng bước điều chỉnh chiến lược đối với Trung Quốc. Tháng 3-1996, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha tuyên bố không tham gia đưa đơn kiện chống Trung Quốc và sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc về nhân quyền. Từ năm 1997, EU từ chối không cùng Mỹ kiện chống Trung Quốc. Trước Hội nghị Nhân quyền Giơnevơ lần thứ 61 tháng 3-2005, Mỹ tuyên bố không bàn yêu cầu chống Trung Quốc.

Hai là, thống nhất các nước có cùng quan điểm và đoàn kết hữu nghị với các nước đang phát triển khác

Tại Hội nghị nhân quyền hằng năm, tiêu điểm đều là cuộc đấu tranh về quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc, đại diện cho lợi ích của các nước đang phát triển, hoạt động tích cực và thống nhất các nước có cùng quan điểm. Cuộc đấu tranh giúp củng cố tình hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước đang phát triển, các nước bạn bè của Trung Quốc.

Ba là, hòa  nhập vào cơ chế nhân quyền quốc tế, gây ảnh hưởng tích cực

Trung Quốc tích cực trong việc phê chuẩn và tham gia các công ước quốc tế về nhân quyền. Đến nay, Trung Quốc đã ký kết 25 công ước quốc tế về nhân quyền, gồm 6 công ước cơ bản, đồng thời thông qua các biện pháp hiệu quả để thực hiện các điều khoản trong các công ước, báo cáo kịp thời việc thực hiện của mình lên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Trung Quốc cũng cử các chuyên gia ứng cử vào nhiều vị trí trong các tổ chức nhân quyền LHQ.

Trung Quốc ủng hộ đối thoại, trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực nhân quyền với các nước khác trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Đến nay, Trung Quốc đã thực hiện khá nhiều vòng đối thoại và trao đổi với Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, EU, Ôxtrâylia...Đồng thời, đề xuất sáng kiến mời Cao ủy LHQ, phóng viên đặc biệt, các quan chức, chuyên gia nhân quyền đến thăm Trung Quốc và cử các đoàn của Trung Quốc đến các nước để trao đổi quan điểm về nhân quyền.

Bằng việc hòa nhập vào cơ chế nhân quyền quốc tế, Trung Quốc chấp nhận sự xem xét lại tình hình nhân quyền của mình với thái độ công khai, thẳng thắn; đồng thời phản đối các cuộc tấn công chống Trung Quốc vì động cơ chính trị.

Bốn là, quan điểm của Trung Quốc về quyền được sống và phát triển đã được công nhận rộng rãi, làm phong phú thêm lý thuyết nhân quyền quốc tế

Trung Quốc đưa ra quan điểm: quyền đầu tiên của nhân quyền phải là quyền sống và phát triển; các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và quyền dân sự, chính trị là hai bộ phận cấu thành không thể tách rời của hệ thống nhân quyền. Trung Quốc kiên định chống lạihành động củamột số nước cố áp đặt giá trị của mình lên các dân tộc khác và kiên trì quan điểm đối thoại trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Quan điểm của Trung Quốc phản ánh tiếng nói của các nước đang phát triển và nhận được sự ủng hộ tích cực. Trung Quốc công khai quan điểm của mình trên các diễn đàn quốc tế và cố gắng lồng ghép nó trong những quy định quốc tế. Lý thuyết nhân quyền của Trung Quốc về quyền sống và phát triển làm phong phú thêm nội dung nhân quyền quốc tế, trở thành vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh nhân quyền với Mỹ và phương Tây.

Năm là, xây dựng hình ảnh tích cực và đạt được nhiều thành tựu về nhân quyền

Trong các hoạt động quốc tế, Trung Quốc lấy thực tế để đáp trả lại sự bôi nhọ và bóp méo tình hình nhân quyền ở Trung Quốc của phương Tây. Qua quá trình cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ toàn diện trong lĩnh vực nhân quyền; thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trở thành một phần quan trọng trong phát triển kinh tế và cải cách chính trị ở Trung Quốc. Số người nghèo ở Trung Quốc giảm từ 250 triệu năm 1978 xuống 14,9 triệu ngườinăm 2007, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn tăng từ 133,6 nhân dân tệ lên tới 4.761 nhân dân tệ cùng kỳ. Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới hoàn thành mục tiêu giảm nghèo thiên niên kỷ và mục tiêu phổ cập giáo dục cơ sở, xóa bỏ phân biệt giới trong giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Trung Quốc kiên định thúc đẩy dân chủ và xây dựng hệ thống pháp luật, thực hiện cải cách và nâng cao hệ thống pháp lý, thúc đẩy quản lý theo luật pháp và quản lý công khai, bảo đảm quyền tham gia và quyền giám sát của công dân...

Hưởng ứng lời kêu gọi của LHQ về xây dựng chương trình hành động quốc gia về nhân quyền, tháng 4-2009, Trung Quốc đã đưa ra Chương trình hành động quốc gia về nhân quyền (2009-2010), nêu rõ mục tiêu và biện pháp bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền, trong đó đề cập các vấn đề chi tiết như chức năng của Chính phủ, dân chủ, quy định luật pháp, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ quyền đặc biệt của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số... Năm 2012, Kế hoạch hành động nhân quyền quốc gia (2012-2015) được công bố cũng nhắc lại cam kết thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền của Trung Quốc...

Trung Quốc đã tích cực tham gia trong việc phát triển nhân quyền trên thế giới trên cơ sở bảo vệ nhân quyền ở trong nước. Chính phủ và người dân Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện các điều kiện nhân quyền. Ngay từ khi cải cách mở cửa, tôn trọng và bảo vệ nhân quyền đã là một mục tiêu quan trọng của sự phát triển chính trị và hiện đại hóa của Trung Quốc. Trung Quốc bảo vệ quyền được sống và phát triển trong một đất nước với 1/4 dân số thế giới tự nó đã là đóng góp lớn cho nhân quyền của thế giới. Trung Quốc đã có những thành tựu to lớn trong việc thực hiện các quyền đối với thông tin, tham gia, biểu hiện và giám sát; cam kết thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền thế giới trên tinh thần cởi mở.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2016

(1) Huang Mo, Forty Years of International HR Development, Intellectual, Summer edition, 1986.

(2) Kent Ann, China, the United Nations, and Human Rights: The Limits of Compliance, University of Pennsylvania Press, 1999, pp. 40-41.

(3) European Council, EU Declaration on China, Madrid 26-27 June 1989.  Also Hilton, Isabell, op.cit., p. 37.

(4) Song Wen, Cold War Ban Thaws, Beijing Review, Vol. 47, No. 8, Feb. 26 2004, pp. 44-45; With the Pace of the Times, Beijing Review, Vol. 47, No. 1, Jan. 1 2004, pp. 21-22.

(5) Svensson Marina, Debating human rights in China – A Conceptual and Political History, Lanham: Rowman and Littlefield Publishers, 2002, p. 261 and following.

(6) State Council of the People’s Republic of China, Human Rights in China, Beijing: State Council of the People’s Republic of China, 1991, p. ii, p. 85. (First white paper on human rights.)

 

TS Mai Hoài Anh

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS Nguyễn Thị Ngọc Loan

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền