Trang chủ    Quốc tế    Những nhân tố chủ yếu tác động đến môi trường an ninh và sự lựa chọn chiến lược quốc tế của Trung Quốc những năm tới
Thứ năm, 29 Tháng 12 2016 09:58
2792 Lượt xem

Những nhân tố chủ yếu tác động đến môi trường an ninh và sự lựa chọn chiến lược quốc tế của Trung Quốc những năm tới

(LLCT) - Dự đoán diễn biến môi trường an ninh quốc gia là vô cùng quan trọng đối với an ninh lâu dài của một đất nước. Ở đây, bắt đầu từ những phán đoán về xu thế diễn biến của một số nhân tố có ảnh hưởng quyết định đối với môi trường an ninh của Trung Quốc để đưa ra một dự đoán có hệ thống về môi trường an ninh tổng thể của Trung Quốc. Vậy thì, trong tương lai 10-15 năm tới, nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc là gì? Đây chính là câu hỏi phải trả lời trước tiên khi tiến hành phân tích môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc.

1. Những nhân tố chủ yếu tác động đến môi trường an ninh Trung Quốc

Địa vị chiến lược toàn cầu của Mỹ

Với sức mạnh và sự phát triển hiện tại, trong tương lai 10 năm tới, địa vị siêu cường của Mỹ sẽ rất khó lung lay. Vì thế, chiến lược an ninh của Mỹ - nước được coi là nguồn cung kỹ thuật quan trọng, đối tác kinh tế, thị trường quan trọng của Trung Quốc - sẽ vẫn là một trong những nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến an ninh tổng thể của Trung Quốc.

Giả định kinh tế Mỹ duy trì mức tăng trưởng 2,5%/năm(1), kinh tế vài nước đang phát triển chủ yếu như Nga, Ấn Độ, Brazin, Trung Quốc duy trì ở mức 6-8%, châu Âu duy trì ở mức 2%/năm, Nhật Bản duy trì ở mức trên dưới 1%/năm, thì đến năm 2020 địa vị tương đối của Mỹ trong thực thể kinh tế quan trọng sẽ hạ thấp, địa vị ưu thế của Mỹ sẽ suy yếu ở mức độ nhất định. Nhưng do khả năng các thực thể chính trị khác có được năng lực toàn diện rất ít, nên vai trò lãnh đạo toàn cầu toàn diện của Mỹ sẽ không thay đổi ít nhất là trong thập kỷ tới, trong cục diện thế giới Mỹ vẫn chiếm địa vị chi phối. Tuy nhiên, đến năm 2025, các nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ sẽ là những đối thủ kinh tế thực sự cạnh tranh vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ, đó có thể là thời điểm “khoảng khắc thế giới đơn cực” sẽ thực sự chấm dứt sau 1/4 thế kỷ tồn tại. Thay thế vào đó là một cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm theo đúng nghĩa của nó.

Một câu hỏi quan trọng đặt ra là, chiến lược tổng thể của Mỹ trong những năm tới là chiến lược nào? Hầu hết các nhà quan sát chính trị đều cho rằng, Mỹ hiện tại dùng thế chiến lược song trùng, kết hợp giữa chiến lược lãnh đạo mang tính bảo thủ và chiến lược đa phương mang tính xây dựng dù sắp tới tổng thống Mỹ là ai.Chiến lược đó khiến cho Trung Quốc sẽ có cảm giác dễ chịu hơn, nhưng thực chất là khó khăn hơn. Thời kỳ tới, sẽ khó có chuyện “đánh đòn phủ đầu” theo kiểu hành xử của một nước Mỹ ngang ngược, hiếu chiến, xem thường quyền lợi chủ quyền của nước khác, mà là một nước Mỹ khôn ngoan hơn, hiệu quả hơn. Dấu ấn lợi ích sẽ được thể hiện rõ nhất và là mối quan tâm hàng đầu của cơ chế đối ngoại mới của Mỹ.

Mặc dù không gian quan hệ Trung - Mỹ được mở rộng hơn bởi tính chất phụ thuộc sâu sắc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, nhưng về cơ bản trên một số vấn đề cốt lõi, liên quan trực tiếp đến quan hệ Trung - Mỹ không có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Mỹ (còn có cả Nhật Bản) về cơ bản chưa chấp nhận thực thể Đài Loan là lợi ích liên quan đến sự sống còn của Trung Quốc. Vì thế, khả năng nổ ra xung đột giữa Mỹ, Nhật Bản với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan là nguy cơ vẫn đang hiện hữu, có nhiều nhân tố có thể xảy ra bất ngờ, khó lường trước. Như vậy, trước khi vấn đề Đài Loan được giải quyết, sự hiểu biết lẫn nhau về chiến lược mà ba nước Trung, Mỹ, Nhật Bản có thể đạt được sẽ chỉ còn là lỏng lẻo, khó mà đạt được sự hiểu biết lẫn nhau về chiến lược cho cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những sự hòa giải trước đây và mối dây liên hệ về kinh tế dù vô cùng chặt chẽ cũng không đủ sức trói buộc một cách vững chắc quan hệ giữa những nước này.

Về địa vị của Mỹ trong tương lai, có thể nói rằng, nếu như địa vị của Mỹ suy thoái, sẽ không phải là do nước khác, hoặc một lực lượng phi quốc gia tấn công bằng một cuộc chiến tranh với Mỹ mà chủ yếu là do các nước khác mất lòng tin đối với hệ thống kinh tế, tài chính của Mỹ(2). Như vậy khá nhiều hành vi của Mỹ sẽ bị hạn chế, địa vị của Mỹ cũng sẽ suy yếu, mặc dù điều này không đồng nghĩa với các nước lớn khác sẽ thay thế vị trí của Mỹ. Đương nhiên, do thế phụ thuộc lẫn nhau cao độ của nền kinh tế thế giới, xảy ra khả năng tách khỏi Mỹ, khiến kinh tế Mỹ xuất hiện dòng chảy tư bản lớn ra bên ngoài là khá thấp, thế nhưng sự gia tăng của một số nhân tố bất lợi trong nước Mỹ cũng sẽ khiến thị trường thế giới biến động, cần phải có sự chuẩn bị cho tình huống này.

Chiến lược quốc tế lâu dài của Nga

Kể từ sau khi Liên Xô tan rã, Nga trải qua 10 năm suy thoái, đến khi Putin lên nắm quyền mới ổn định lại được. Hơn 15 năm qua, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng liên tục và ổn định ở mức tương đối cao. Trong hầu hết thời kỳ cầm quyền tối cao của Putin, Nga về cơ bản thực hiện chiến lược ổn định môi trường quốc tế của một nước lớn, trọng điểm là chỉnh đốn nội bộ, phát triển trong nước. Từ thời Putin, sau đó là Medvedev, rồi sự trở lại của Putin, Nga đã quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng lại hình ảnh của một cường quốc với thực lực ngày càng mạnh lên. Tuy nhiên mục tiêu mang tính giai đoạn trước mắt của Nga không mưu cầu trở thành một lực lượng chủ đạo toàn cầu, mà chỉ xây dựng thành một nước lớn quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc tại khu vực. Với mục tiêu như vậy, Nga chủ động cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, tìm kiếm hợp tác. Do đó, quan hệ Trung - Nga đã và đang có một điều kiện tốt để phát triển, nhưng đều có giới hạn trong cả quan hệ song phương láng giềng và trên bình diện toàn cầu.

Tính đến quan hệ lâu dài và lợi ích đặc biệt với các nước Trung Á và Đông Âu, Nga sẽ tiếp tục coi việc đảm bảo duy trì quan hệ ổn định với các nước này, đảm bảo lợi ích căn bản của Nga tại khu vực này là một trọng điểm. Nếu như Nga có thể làm tốt, duy trì đà phát triển kinh tế ổn định, gia tăng thực lực, sức ảnh hưởng của Nga đối với các khu vực xung quanh sẽ không giảm. Như vậy, sức ảnh hưởng của Nga đối với cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) - nơi Trung Quốc cũng có nhiều lợi ích gắn bó - sẽ cơ bản duy trì được ổn định và ngày một nâng cao. Điều đáng chú ý là nếu Nga có thể duy trì được ảnh hưởng đối với SNG ở mức độ như hiện nay sẽ có phần chồng chéo với mục tiêu và tham vọng của Trung Quốc đối với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Ở một góc độ khác, Nga đã thiết lập chính sách nếu không liên quan đến lợi ích chủ chốt, Nga tuyệt đối không đối kháng trực tiếp với Mỹ, để tập trung nguồn vốn nhiều hơn vào đầu tư kinh tế trong suốt một thời gian dài, cho đến khi vấn đề Ucraina xuất hiện (2014). Sau khi Cờrưm nhập vào Nga, một cuộc chiến thực sự giữa Nga và phương Tây do Mỹ đứng đầu về nhiều mặt đã bùng nổ. Quan hệ Nga - Mỹ trong thời gian tới sẽ tiếp tục phức tạp, điều đó với Trung Quốc là một sự thuận lợi trong việc thúc đẩy quan hệ chiến lược với Nga một cách bền chặt hơn. Cả Nga và Trung Quốc đều cần đến nhau trong một cuộc chơi lâu dài với thế giới phương Tây.

Chiến lược của Ấn Độ

Có thể thấy rằng, Ấn Độ đang gặp phải khá nhiều vấn đề như Trung Quốc, đó là: chủ nghĩa ly khai địa phương, việc ổn định chính trị, việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, để đủ giải quyết vấn đề việc làm, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phá vỡ hạn chế về kinh tế (từ phát triển theo phương thức công nghiệp hóa đại nhảy vọt trước đây sang tin học hóa), cũng như giải quyết những vấn đề do sự trỗi dậy đem lại (chủ nghĩa dân tộc, trách nhiệm và địa vị, vấn đề quan hệ với các nước xung quanh). Không giống với Trung Quốc, những thách thức Ấn Độ gặp phải chủ yếu từ vấn đề trong nước. Điển hình là vấn đề dân tộc, tôn giáo. Về kinh tế, cải cách ở Ấn Độ đã có nhận thức chung trong xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới, Ấn Độ ít có khả năng lặp lại tình trạng kinh tế trì trệ, không phồn thịnh như trước đây. Thực lực kinh tế gia tăng mạnh mẽ đã dẫn đến một điểm có thể khẳng định trong chiến lược ngoại giao của Ấn Độ là bám đuổi, bắt kịp và vượt qua Trung Quốc. Ấn Độ sẽ tập trung cho việc gỡ bỏ chiếc mũ cường quốc tiểu khu vực Nam Á, đi tới mục tiêu là một nước lớn khu vực và là lực lượng mang tính chất toàn cầu. Nhưng Ấn Độ muốn vượt qua giới hạn của tiểu lục địa Nam Á, ít nhất phải chịu sự ràng buộc từ ba phía: (1) Ấn Độ xuất phát điểm là một nước nghèo, (2) Sự ràng buộc và cân bằng của các nước trong và ngoài khu vực đối với Ấn Độ, (3) Giải quyết vấn đề xung đột Ấn Độ và Pakixtan. Đây là vấn đề được xác định trong 10-15 năm tới vẫn chưa thể giải quyết, Ấn Độ trên tư thế là một nước lớn dường như không quen đưa ra các nhượng bộ cụ thể để Pakixtan có thể chấp nhận thỏa hiệp.

Truyền thống an ninh, ngoại giao (hoặc văn hóa) tương đối độc lập của Ấn Độ, cũng như việc theo đuổi địa vị của một nước lớn độc lập đã quyết định Ấn Độ sẽ không cam chịu suốt đời làm đối tác nhỏ của Mỹ, Nga. Đồng thời, Ấn Độ cũng nhận thức được, nếu như Trung Quốc ngày càng hùng mạnh, áp dụng chiến lược hoàn toàn đối địch với Trung Quốc sẽ không phù hợp với lợi ích của Ấn Độ. Nên chiến lược an ninh của Ấn Độ trong tương lai rất lớn sẽ là tìm kiếm sự cân bằng, thúc đẩy quan hệ với Mỹ, Nga mật thiết hơn ở tầm đối tác chiến lược, nhưng cũng duy trì quan hệ không quá xấu với Trung Quốc, vẫn hợp tác về kinh tế, nhưng vẫn đấu tranh quyết liệt với Trung Quốc, nhất là tranh chấp lãnh thổ, với cả hai nước, nguy cơ xung đột vẫn hiện hữu. Hiện tại người ta thấy rõ mối quan hệ nổi trội Mỹ - Ấn và sự thất thường trong quan hệ Trung - Ấn. Sự bùng nổ của chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ ngày càng mãnh liệt cũng dẫn đến nguy cơ làn sóng này tràn vào Trung Quốc, căng thẳng về vấn đề biên giới làm cho sự bảo đảm an ninh ở biên đường biên giới dài phía Tây của Trung Quốc, với láng giềng lớn Ấn Độ có nhiều khó khăn.

Nhân tố khó lường Nhật Bản

Trong tất cả các nước xung quanh Trung Quốc, tương lai Nhật Bản là nhân tố khó xác định nhất. Nhật Bản vẫn là một quốc gia có khả năng hiện thực và tiềm tàng to lớn, trình độ khoa học công nghệ và các doanh nghiệp, các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới mà Nhật Bản nắm trong tay đã tạo nên tiềm lực khó suy chuyển.

Thế nhưng, Nhật Bản đang đối mặt với một số vấn đề cấp bách: cải cách thể chế chính trị. Sự già hóa dân số đồng nghĩa với việc Nhật Bản bị ảnh hưởng đối với những ngành nghề tập trung sức lao động cao, đồng thời cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ cao cũng thiếu sức bền do nguồn nhân lực. Tương lai 10-15 năm tới, nếu như Nhật Bản vẫn không thể giải quyết được vấn đề khó khăn cho Nhật Bản trong suốt 15 năm qua, thì có thể khẳng định sự suy thoái của Nhật Bản là hiện thực (dù điều này không có nghĩa là Nhật Bản trở thành nước nghèo.

Trong 15 năm qua tính từ đầu thế kỷ XXI, Nhật Bản đã có nhiều lần thay đổi nội các và thủ tướng, ước tính trung bình mỗi thủ tướng Nhật Bản chỉ tại vị được 1,5 năm. Ngày 9-1-2007, Nhật Bản chính thức lập lại Bộ Quốc phòng trên cơ sở Cục Phòng vệ tồn tại từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Nhật Bản sẽ căn cứ vào xu thế phát triển kinh tế của mình để định vị lại chiến lược ngoại giao. Nếu như sự suy thoái của Nhật Bản là lâu dài, giống như sự suy thoái của Anh, sự lựa chọn của Nhật Bản sẽ rất có hạn. Điều chắc chắn là, vì lợi ích chiến lược của mình, Nhật Bản sẽ ngày càng gắn kết với Mỹ chặt chẽ hơn, giống như Anh gắn bó với Mỹ. Có điều, nước Anh trước mặt là một châu Âu tương đối hữu nghị, còn Nhật Bản bên cạnh là một Trung Quốc đang trỗi dậy với đầy đủ tham vọng của một cường quốc, những vấn đề lịch sử và diễn biến hiện tại làm cho Nhật Bản và Trung Quốc còn tồn tại những mâu thuẫn lớn, mối nghi ngờ chắc chắn vẫn còn tồn tại dai dẳng. Hiện tại về khía cạnh an ninh, Nhật Bản ít có khả năng duy trì vai trò một nước lớn độc lập, mà giống như Anh, dựa chặt chẽ vào Mỹ.

Trong tương lai, với mục tiêu chiến lược nước lớn của mình, Nhật Bản về cơ bản có ba sự lựa chọn: (1) Tiếp tục duy trì hiện trạng liên minh với Mỹ, (2) Tiến gần với Trung Quốc và xa rời Mỹ, (3) Cùng với Trung Quốc và các nước  Đông Á khác tạo dựng khối cộng đồng Đông Á, nhưng không loại trừ sự tham gia của Mỹ.

Trong ba sự lựa chọn trên, kết hợp giữa sự lựa chọn (1) và (3) là phù hợp với lợi ích của Nhật Bản, có điều chắc chắn rằng, những mâu thuẫn sâu sắc sẽ khiến cho cơ hội hợp tác sâu rộng giữa Nhật Bản và Trung Quốc là mong manh, xung đột giữa hai nước là khả năng luôn hiện hữu.

Diễn biến của bán đảo Triều Tiên

Tình hình an ninh khu vực Đông Bắc Á hiện tại và tương lai một phần quan trọng được quyết định bởi diễn biến trên bán đảo Triều Tiên và việc tái tổ chức lại quan hệ nước lớn do diễn biến gây ra.

Hoàn toàn có lý do để tin rằng hai miền Nam - Bắc Triều Tiên đều ý thức được họ cần phải nắm được một cách thực sự tương lai của dân tộc Triều Tiên, mở ra tiến trình hòa giải, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân dân về một đất nước thống nhất, hòa bình. Nhiều người lạc quan còn bàn bạc về phương án sau khi bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ đi theo phương hướng nào và thống kê ra ba khả năng: (1) Bán đảo Triều Tiên sau khi thống nhất sẽ tiếp tục duy trì liên minh quân sự với Mỹ, (2) Bán đảo Triều Tiên sau khi thống nhất thoát ly khỏi quỹ đạo của Mỹ nhưng cũng không đi vào quỹ đạo của nước khác (như Trung Quốc chẳng hạn), (3) Bán đảo Triều Tiên sau khi thống nhất sẽ trở thành khởi điểm hợp tác của cơ chế hợp tác giữa bốn nước lớn Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong tương lai 10-15 năm tới, khả năng thống nhất bán đảo Triều Tiên là rất thấp. Các nhân tố ảnh hưởng đến điều này là: (1) Bán đảo Triều Tiên hiện tại thực chất là điểm cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, Mỹ mong muốn thiết lập lại sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên và muốn dùng sức mạnh kinh tế của Hàn Quốc để hóa giải bán đảo này với chiến lược nghiêng về Mỹ, lấy bán đảo Triều Tiên làm công cụ kiềm chế an ninh, kinh tế đối với Trung Quốc. Còn Trung Quốc, hình thức thì ủng hộ sự thống nhất, nhưng thực chất chưa muốn điều này diễn ra, bởi đơn giản Trung Quốc không muốn có một nước lớn bên cạnh mình, sự chia cắt và diễn biến tiếp tục phức tạp trên bán đảo Triều Tiên là “thanh nam châm” hút sự chú ý an ninh Đông Á vào khu vực này, là “tường rào vô hình” quan trọng cho an ninh Trung Quốc ở bờ biển Đông Bắc nước này. (2) Vấn đề hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là vô cùng khó giải quyết bởi sự cứng rắn trong chính sách của Triều Tiên, sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc. Vấn đề hạt nhân là “lớp vỏ” thứ nhất để đi đến thống nhất bán đảo Triều Tiên, nhưng bóc tách được lớp vỏ này là điều không hề dễ dàng, khả năng Mỹ dùng “quả đấm thép” để giải quyết vấn đề hạt nhân và chế độ nhà nước là không đơn giản. (3) Với động thái chuẩn bị của Triều Tiên, như chuẩn bị cho một thế hệ lãnh đạo mới, cho thấy Triều Tiên chưa sẵn sàng cho một sự bàn bạc đến việc thống nhất, thống nhất có thể là nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, nhưng không hẳn là nguyện vọng của hai chính phủ, nhất là đằng sau sự thống nhất này là những tính toán nhiều tầng nấc về lợi ích của các nước lớn, làm thế nào để tìm ra sự thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc đối với hướng đi trong tương lai của bán đảo Triều Tiên, từ đó có lợi cho thực hiện hòa giải tại bán đảo Triều Tiên là vấn đề còn nan giải.

Tương lai hợp tác Đông Á

Xu thế phát triển trong 10-15 năm tới, hợp tác Đông Á sẽ có những tiến triển rõ rệt, khung cơ bản của hợp tác khu vực sẽ hoàn thiện hơn, xây dựng cơ chế hóa được tăng cường. Hợp tác khu vực Đông Á là xu thế lớn, phù hợp với lợi ích của các nước, nhưng bản thân vấn đề này rất phức tạp. Mục tiêu lâu dài của hợp tác khu vực Đông Á là phát triển thành một tổ chức khu vực nhất thể hóa cao. Một tổ chức như vậy với khu vực Đông Á hoặc cục diện thế giới đều mang ý nghĩa quan trọng. Tương lai 10-15 năm tới, khu vực này về cơ bản vẫn chỉ có thể đi được một số bước nhỏ về kinh tế, chính trị hoặc an ninh, khó có thể trông chờ bước đột phá lớn. Trong thúc đẩy hợp tác Đông Á, vai trò của Trung Quốc là vô cùng quan trọng, sự tham gia và thúc đẩy của Trung Quốc là nhân tố then chốt làm cho tiến trình không ngừng đi lên. Thế nhưng, chừng nào sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản - xương sống của hợp tác Đông Á - còn có trở ngại, mâu thuẫn thì chừng đó hợp tác Đông Á chưa thể phát huy cao nhất hiệu quả và chưa thể thành lập một cộng đồng, hay liên minh Đông Á giống như kiểu EU.

2. Sự lựa chọn chiến lược quốc tế của Trung Quốc

Cùng với sự phát triển của bản thân Trung Quốc và sự thay đổi tình hình quốc tế, chính sách ngoại giao của Trung Quốc thời gian tới dần dần sẽ quá độ lên chính sách ngoại giao “nước lớn trụ cột” với ba trọng điểm. Ba trọng điểm là ngoại giao “nước lớn kiểu mới” với Mỹ để xây dựng một khuôn khổ hợp tác mới của những nước lớn mạnh nhất thế giới, khác với các quan hệ nước lớn truyền thống (hoặc đồng minh, hoặc đối đầu); ngoại giao láng giềng với cơ chế song hành hợp tác song phương và đa phương; ngoại giao đa phương tham gia và hoạch định quy tắc của các cơ chế và tổ chức đa phương khu vực và toàn cầu, thậm chí là lập ra các cơ chế hợp tác mới mà Trung Quốc là trụ cột (như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á - AIIB, hay xúc tiến đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực - RCEP ) để chủ động luật chơi, phá vỡ các cấu trúc và luật chơi cũ. Trong đó, các hướng chiến lược quốc tế mà Trung Quốc sẽ triển khai là:

Thứ nhất, tìm kiếm ngoại giao cân bằng và hợp tác.Trong vấn đề ngoại giao với các nước lớn, mặc dù vai trò đa nguyên hóa của cộng đồng quốc tế làm cho khả năng ảnh hưởng đến công việc quốc tế của các nước có phần giảm xuống, song không thể phủ nhận, an ninh và ổn định của thế giới vẫn dựa chủ yếu vào chính trị quyền lực của nước lớn. Nếu như quan hệ của một số nước lớn chủ yếu trên thế giới căng thẳng, hòa bình của cộng đồng quốc tế khó mà được duy trì, còn nếu giữa các nước lớn chủ yếu có thể đạt được sự thừa nhận, thậm chí là thỏa thuận chiến lược nhất định, tôn trọng lợi ích của nhau thì sẽ có lợi cho hòa bình, ổn định toàn cầu.

Trung Quốc nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực mà lợi ích của nhiều nước lớn cùng tồn tại. Nhiều lúc chỉ dựa vào hợp tác của hai nước lớn nhất Mỹ - Trung thì rất khó giải quyết vấn đề. Điều này đòi hỏi các nước lớn cùng đi sâu thảo luận cơ chế kiểm soát an ninh khu vực. Vì vậy, trong tương lai, Trung Quốc sẽ chú trọng hơn nữa thúc đẩy hợp tác giữa các nước lớn trong công việc toàn cầu, đặc biệt là công việc khu vực. Điều này đương nhiên không có nghĩa là đến mức tất cả các nước lớn đều có chung lập trường trên một vấn đề, mà có nghĩa là các bên gắng hết sức mình thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước lớn. Trong đó, ngay bản thân Trung Quốc nếu không điều chỉnh trong hành vi quốc tế, sẽ khó nhận được sự chân thành, tin cậy từ các nước khác, mà là sự e ngại, kiềm chế.

Điều cần nhấn mạnh là đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quan hệ ba bên Trung - Mỹ - Nhật chứ không phải quan hệ Trung - Mỹ mới là nhân tố mang tính quyết định hơn. Vì thế, đặt quan hệ Mỹ - Trung vào quan hệ ba bên Mỹ - Trung - Nhật, thậm chí trong cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương  để xem xét sẽ càng có lợi cho việc Trung Quốc đưa ra chính sách quan hệ Trung - Mỹ hợp lý hơn. Còn đặt quan hệ Trung - Mỹ vào vị trí cao nhất thì không có lợi cho việc Trung Quốc dùng tầm mắt có hệ thống để xem xét môi trường và chính sách an ninh của mình, vì vậy Trung Quốc có thể sẽ vứt bỏ quan niệm Mỹ là trung tâm chính sách ngoại giao an ninh của Trung Quốc. Mặc dù vấn đề Đài Loan vẫn còn lơ lửng chưa được giải quyết, đòi hỏi Trung Quốc phải đặc biệt chú ý nhất cử nhất động của Mỹ, nhưng điều này không có nghĩa là quan hệ Trung - Mỹ tốt hay xấu sẽ quyết định mức độ đối với chính sách ngoại giao, an ninh tổng thể của Trung Quốc. Trên thực tế, nếu phán đoán của Trung Quốc là có cơ sở thì nhất định địa vị của Mỹ trong chính sách ngoại giao tổng thể của Trung Quốc sẽ được điều chỉnh.

Thứ hai, thực hiện ngoại giao song phương kết hợp đa phương. Hợp tác an ninh song phương vẫn sẽ là một trong những trụ cột trong chính sách an ninh của Trung Quốc. Nhưng sự tham gia vào các cơ chế, tổ chức đa phương ngày càng sâu của Trung Quốc, cơ chế và tổ chức đa phương đối với an ninh và ngoại giao của Trung Quốc ngày càng quan trọng. Trong đó, lấy hợp tác Đông Á với “10+3” (phạm vi hợp tác Đông Á trong tương lai) làm kênh chính và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là hai cơ chế và tổ chức quan trọng nhất. Vai trò của “10+3” là ở chỗ nó có thể là vũ đài tốt nhất để hai nước Trung Quốc và Nhật Bản có thể vượt qua lịch sử, đạt được nhận thức chung rộng rãi hơn. Ý tưởng hiện nay của Nhật Bản và Trung Quốc đối với Đông Á trong tương lai vừa có bất đồng vừa có điểm chung. Làm thế nào để khiến Trung Quốc và Nhật Bản, hai nước có vai trò quyết định đối với tương lai Đông Á, có thể cùng với các nước Đông Á khác xây dựng một Đông Á đoàn kết hơn là có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với bản thân Trung Quốc và cả môi trường an ninh Đông Á.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải về cơ bản đã bao trùm các nước và những khu vực chủ yếu phía Bắc Trung Quốc. Nếu như trong tương lai Mông Cổ, thậm chí cả Ấn Độ và Pakixtan,  Ápganixtan đều tham gia tổ chức này, SCO sẽ bao trùm phía Đông lục địa Âu - Á và tất cả khu vực Trung Á, thậm chí cả một số nước Nam Á. Như vậy, tầm quan trọng của SCO đối với an ninh và phát triển kinh tế trong tương lai của vùng Tây Bắc và phía Bắc Trung Quốc sẽ càng nổi bật. Thế nhưng, SCO đang đứng trước nhiều nhân tố không xác định, trong đó có sự tồn tại của các tổ chức khu vực khác tại khu vực này, đặc biệt là quan hệ với Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG. Do trong số các thành viên hiện nay của SCO ngoài Trung Quốc ra, tất cả các nước còn lại đều là thành viên của SNG, vì thế nếu hợp tác kinh tế SNG trong tương lai 10-15 năm tới có được sự thành công đáng kể thì nhu cầu phát triển quan hệ kinh tế chặt chẽ của các thành viên SCO sẽ giảm tương đối, mặc dù trao đổi kinh tế giữa các nước ngày càng mật thiết hơn. Sức sống chủ yếu của SCO chủ yếu được quyết định bởi tổ chức này liệu có thể phát triển thành một sân chơi hợp tác kinh tế đem lại lợi ích cụ thể cho các nước thành viên hay không. Cùng lúc, cơ chế hợp tác đa phương khác như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), APEC, diễn đàn châu Á Bác Ngao (Trung Quốc)... cũng sẽ chiếm vị trí quan trọng trong ngoại giao đa phương của Trung Quốc.

Thứ ba, tăng cường ảnh hưởng đối với quy tắc quốc tế và dư luận quốc tế. Sự tăng cường về sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc có nghĩa là sức ảnh hưởng của Trung Quốc đang từng bước được tăng cường, điều này yêu cầu Trung Quốc cần phải tốn nhiều công sức để cơ chế hóa sức ảnh hưởng của mình, giảm bớt tâm lý lo ngại của nước khác đối với Trung Quốc. Trong quá trình này, Trung Quốc nhất định phải tìm kiếm sức ảnh hưởng nhất định đối với quy tắc quốc tế, nhưng không thể quá nóng vội. Trong tương lai 20-30 năm tới, Trung Quốc có khả năng phát triển thành một nước lớn toàn diện. Sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với quy tắc mang tính toàn cầu trước tiên sẽ thể hiện ở sức ảnh hưởng mang tính toàn cầu của Trung Quốc với tư cách là một thực thể kinh tế lớn đối với động thái kinh tế và hệ thống tài chính quốc tế, đặc biệt tại khu vực Đông Á. Trong vòng 5-10 năm tới, Trung Quốc và các nước Đông Á có thể có những ảnh hưởng tổng hợp nhất định đối với chuyển động quốc tế, từ đó làm cho cho khu vực này có thể đối phó hiệu quả với khủng hoảng kinh tế và tài chính xảy ra bất ngờ. Nếu Trung Quốc - Nhật Bản có thể hợp tác sâu rộng, sẽ thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế và tự do hóa mậu dịch toàn khu vực, các nước Đông Á và bản thân Trung Quốc sẽ tự nhiên có được sức ảnh hưởng tổng hợp đối với hệ thống kinh tế, tài chính toàn cầu.

Sức ảnh hưởng đối với dư luận quốc tế trên thực tế là một bộ phận của sức ảnh hưởng đối với quy tắc quốc tế. Trung Quốc sẽ nỗ lực hợp tác với các nước đang phát triển khác, thành lập các tập đoàn truyền thông mang tính khu vực, có thể thiết lập tập đoàn dư luận có khả năng phát đi tiếng nói của Trung Quốc và các nước đang phát triển trên trường quốc tế. Điều này không chỉ xuất phát từ những đòi hỏi của việc từng bước hạ thấp giá thành hiện thực chính sách của Trung Quốc, thúc đẩy chính sách ngoại giao chủ động tích cực hơn, mà còn xuất phát từ nhu cầu có được chỗ đứng trên thị trường truyền thông quốc tế.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2016

(1) https://www.imf.org

(2) Ở điểm này giống như Trung Quốc, chủ yếu mất lòng tin đối với thế giới do cơ chế thông tin có phần thiếu minh bạch về các vấn đề quân sự quốc phòng, cách hành xử theo kiểu bá quyền đối với các nước xung quanh trong tranh chấp lãnh thổ, sự kém chất lượng của hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến nó làm trung gian để người tiêu dùng trên thế giới tìm đến các sản phẩm chất lượng cao của Mỹ, châu Âu, Nhật hay việc tìm mọi cách để giành lấy nguồn tài nguyên ở các khu vực trên thế giới.

 

TS Trần Thọ Quang

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền