Trang chủ    Quốc tế    Báo chí và chính trị ở Cộng hòa Pháp
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 11:45
5322 Lượt xem

Báo chí và chính trị ở Cộng hòa Pháp

(LLCT) - Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius khi trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam đã cho rằng: “Các nhà báo làm công việc của mình. Họ hoàn toàn độc lập với chính quyền và bộ máy quản lý. Chúng tôi, những người làm chính sách cũng có quan điểm độc lập. Nhưng những bài báo nêu trúng vấn đề, có phân tích sâu sắc và đa chiều, đều làm chúng tôi phải suy nghĩ, cân nhắc trước khi ra quyết định”. Đó chính là sức mạnh của báo chí đối với giới chính trị.

1. Đặc điểm nền chính trị Pháp

Pháp là nước thiết lập bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tam quyền phân lập, mô hình “lưỡng đầu chế” (Chính phủ do Tổng thống và Thủ tướng cùng đứng đầu). Trong đó, quyền lực nhà nước tập trung vào Tổng thống. Là nguyên thủ quốc gia, đứng đầu cơ quan hành pháp, chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang, Tổng thống chi phối mọi hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Khi liên minh đảng của Tổng thống chiếm đa số trong Hạ viện, Tổng thống Pháp có quyền lực gần như tuyệt đối. Khi phe đối lập chiếm đa số trong Hạ viện, quyền lực của Tổng thống bị hạn chế bởi yếu tố đại nghị. Thủ tướng là người của đảng chiếm đa số trong Hạ viện, nhưng buộc phải phục tùng quyền lãnh đạo của Tổng thống. Thủ tướng chủ yếu điều hành công việc trong nước, các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hạ viện là cơ quan bầu ra Thủ tướng và Chính phủ, kiểm tra, giám sát hoạt động của Chính phủ, thông qua các đạo luật và các quyết định quan trọng của đất nước. Thượng viện đại diện cho lợi ích của các đơn vị hành chính lãnh thổ, chủ yếu là vùng nông thôn, thị trấn. Tuy nhiên, vai trò của Hạ viện, đặc biệt là Thượng viện bị hạn chế do yếu tố đảng phái chi phối. Hội đồng Hiến pháp là cơ quan tư pháp cao nhất. Trong hệ thống tư pháp Pháp còn có Hội đồng thẩm phán tối cao do Tổng thống đứng đầu. Trên thực tế hoạt động của cơ quan tư pháp phụ thuộc khá nhiều vào Chính phủ.

Ở Pháp, số lượng đảng nhiều, liên minh các đảng không chặt chẽ dẫn đến thiếu ổn định, Chính phủ thường xuyên thay đổi do hai phe tả - hữu có lực lượng ngang bằng nhau. Theo truyền thống, các đảng phái được chia thành hai phe tả và hữu. Phe tả do đảng Xã hội (PS) đứng đầu, liên minh với Đảng Xanh (EELV), Đảng “Mặt trận cánh tả”, Đảng Cộng sản (PCF)...; phe hữu do Đảng “Những người Cộng hòa” (trước có tên là Liên minh vì phong trào dân chủ - UMP) đứng đầu, liên minh với Đảng “Liên minh những người dân chủ và độc lập” (UDI) và “Phong trào Dân chủ” (MoDEM), Đảng Dân chủ tự do... Thời gian qua, Đảng cực hữu “Mặt trận quốc gia” (FN) nổi lên như một lực lượng chính trị quan trọng gây xáo trộn bức tranh đối đầu tả - hữu và thay vào đó là cuộc đua tam giác giữa 3 lực lượng chính trị lớn, trong đó có đảng cực hữu FN.

Cùng với việc Tổng thống François Hollande nhậm chức, Đảng Xã hội lên nắm quyền từ tháng 6-2012, sau 17 năm thất bại (kể từ thời Tổng thống François Mitterrand). Trước khi bước vào Điện Elysée, ông Hollande đã cam kết sẽ nhanh chóng giải quyết những thách thức của một đất nước đang chìm trong khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nợ công bằng cách khởi động lại quá trình tăng trưởng, từng bước sốc lại nền kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách và đảo chiều mức thất nghiệp. Tuy nhiên, mọi việc không hề đơn giản. Đảng Xã hội cầm quyền đang đánh mất sự tín nhiệm khi thất bại trên hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Kinh tế Pháp tiếp tục ảm đạm, thất nghiệp tăng liên tục. Mục tiêu thâm hụt ngân sách không quá 3% GDP ngày càng trở nên xa vời và Pháp biến thành “con bệnh” ở châu Âu.

Nhưng cánh hữu cũng không thể chối bỏ trách nhiệm. Hơn một thập kỷ cầm quyền trước đó, cánh hữu đã đẩy nước Pháp vào những tình cảnh bi đát, bao gồm các cuộc bạo động năm 2005 gây chia rẽ xã hội, nợ công từ 58,8% năm 2002 vọt lên 90,6% năm 2012. Những yếu kém của bộ máy hành pháp của chính quyền tả cũng như hữu trong nhiều thập kỷ đã đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Cùng với những khó khăn về kinh tế, yếu kém của bộ máy đương nhiệm, khủng bố và mặt trái của vấn đề nhập cư cũng chính là lý do giải thích việc đảng cực hữu “Mặt trận quốc gia” nổi lên và ngày càng thu hút được lá phiếu cử tri tại các cuộc bầu cử gần đây.

2. Đặc điểm nền báo chí Pháp

Ở Pháp, tự do báo chí được đề cập lần đầu tiên trong Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền (1789). Luật về tự do báo chí năm 1881, qua nhiều lần sửa đổi nhưng về cơ bản vẫn giữ được tinh thần cơ bản ban đầu, đó là cụ thể hóa quyền hoạt động báo chí và in ấn. Luật xác định các quyền và trách nhiệm của báo chí Pháp, vạch ra khuôn khổ cho toàn bộ hoạt động xuất bản báo chí, trưng bày báo chí, phân phối, xác định một số quy tắc chung như tôn trọng quyền và phẩm giá của con người, bảo vệ người vị thành niên, cấm các hành vi lăng nhục, vu cáo hay xâm phạm đời tư. Ngoài ra, hoạt động báo chí còn được chế tài trong nhiều luật, nghị định hay sắc lệnh cơ bản khác. Hoạt động báo chí - với tư cách là một ngành kinh tế, chịu sự chi phối và chế tài của các luật.

Tại Pháp, không có cơ quan nhà nước nào có chức năng lãnh đạo, quản lý, điều tiết hay chỉ đạo báo chí. Báo chí Pháp hoạt động theo quy định của luật pháp và các quy chế riêng chặt chẽ ở ba cấp độ: luật pháp, doanh nghiệp báo chí, hội đoàn nghề nghiệp.

Về luật pháp, Hiến pháp quy định quyền tự do báo chí, nhưng Luật Hình sự và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác thì xác định những việc mà báo chí không được phép làm, như vu khống, nói dối, xúc phạm danh dự người khác, phỉ báng nguyên thủ nước ngoài; các tội hình sự liên quan đến tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật quốc gia. Đối với mỗi trường hợp thường có các luật cụ thể và rõ ràng. Để phán xét các hành vi vi phạm của báo chí hoặc ngăn chặn báo chí, cần phải thỏa mãn nhiều điều kiện chặt chẽ để không phát sinh lạm dụng. Các điều kiện này do Tòa án thực hiện, đáp ứng đồng thời ba yếu tố: 1) Hạn chế tự do báo chí cần phải theo một luật cụ thể, quy định chi tiết, rõ ràng; 2) Phải có mục đích hợp pháp, chẳng hạn như bảo vệ danh dự, uy tín cá nhân, ngăn chặn phát tán thông tin bí mật, thông tin có thể ảnh hưởng tới sự công bằng của cơ quan tư pháp; 3) Phải thực sự cần thiết, biện pháp thực hiện hoặc trừng phạt phải cân xứng.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, ranh giới giữa tự do báo chí hay quyền được thông tin với các hành vi được coi là vi phạm rất mong manh. Đối với chính quyền, báo chí có quyền lực rất lớn, nhưng trước các cá nhân, báo chí thường chịu lùi bước. Luật pháp của Pháp cho phép các nhà báo bảo vệ nguồn tin một cách nghiêm ngặt. Chỉ có tòa án, thông qua một quy trình chặt chẽ, mới có thẩm quyền buộc nhà báo tiết lộ nguồn tin, song trong nhiều trường hợp cũng bị từ chối.

Các doanh nghiệp báo chí. Các cơ quan này kiểm soát thông qua hệ thống quy định nội bộ: quy tắc do các hiệp hội biên tập viên thông qua, hiến chương biên tập, xác định định hướng cơ bản của sản phẩm báo chí, quy định về cách thức hoạt động của tòa soạn. Thông qua những quy định này, báo chí thể hiện một cách rõ ràng định hướng sản phẩm của mình. Các tờ báo chính thống không bao giờ đăng tin câu khách, giật gân rẻ tiền, không đi vào đời tư cá nhân, dù là chính trị gia, người nổi tiếng hay dân thường, ngoại trừ để phục vụ cho bài điều tra hoặc bình luận.

Bên cạnh đó, báo chí Pháp có tính chất phân cực rất mạnh. Chẳng hạn, nhật báo hàng đầu Le Mondetheo định hướng Dân chủ - xã hội Thiên Chúa giáo, mặc dù nhiều ý kiến từ giới kinh doanh coi tờ báo này quá thiên tả. Cùng ủng hộ cánh tả có tờ Liberation, trong khi Le Figaroluôn luôn kiên định lập trường thiên hữu.

Quy tắc của các nghiệp đoàn báo chí. Pháp là một trong những nước phương Tây đầu tiên công bố Hiến chương của các nhà báo (từ năm 1918) cho ra đời một nghiệp đoàn báo chí chuyên nghiệp. Nghiệp đoàn không chỉ bảo vệ mạnh mẽ các nhà báo, mà còn chống lại các hành vi sai trái, đi ngược lại chức năng thông tin. Các tổ chức nghề nghiệp này đưa ra những tôn chỉ rõ ràng buộc các thành viên phải tuân thủ, nhất là quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Mặc dù có tính chất không chính thức, nó có tác dụng rất lớn điều chỉnh hành vi của nhà báo và cơ quan báo chí.

Hiện nay, báo chí Pháp không mang nặng tính tuyên truyền mà tự tham gia vào đời sống chính trị - xã hội như một nhu cầu tất yếu để tồn tại. Báo chí phát huy vai trò phản biện, tạo ra áp lực với chính quyền, đồng thời tạo ra áp lực với xã hội, qua đó hình thành dư luận xã hội nhằm làm cho mọi tiến trình chính trị vận động và phát triển.

Trong bối cảnh chính trường đa đảng phái phức tạp, báo chí Pháp thể hiện khá rõ nét màu sắc chính trị. Mười nhật báo hàng đầu ở cấp quốc gia có khuynh hướng chính trị như sau: 1) Le Monde(Thế giới) là tờ báo hàng đầu, thành lập năm 1944, theo đường lối trung tả và được coi là tờ báo của giới trí thức và đang nỗ lực để có được sự độc lập về chính trị. 2) Le Figarocó lịch sử lâu đời, thành lập từ năm 1866, có khuynh hướng bảo thủ, thiên hữu, gần với giới doanh nghiệp. 3) Libération(Giải phóng) thành lập năm 1973, có quan điểm cánh tả, đặc biệt là Đảng Xã hội (PS), quan tâm nhiều đến các chủ đề như nữ quyền, quyền lợi của người nhập cư, xung đột chủ - thợ, hoạt động công đoàn, các cuộc đình công... 4) Les Echos(Tiếng vang) thành lập năm 1908, có khuynh hướng tự do, chuyên về thông tin kinh tế, tài chính và doanh nghiệp. 5) Le Parisien (Người Paris) và Aujourd’hui en Francelà tờ báo thông tin tổng hợp, có số lượng phát hành đứng đầu cấp quốc gia (500 nghìn bản). 6) La Tribune(Diễn đàn) là tờ báo chuyên về thông tin kinh tế và tài chính, tuy nhiên từ cuối tháng 1-2012, tờ báo đã ngừng phát hành bản in và chuyển thành tạp chí ra hàng tuần. 7) La Croix(Công giáo) thành lập năm 1880, có khuynh hướng dân chủ - Cơ đốc và quan điểm chính trị trung tả, quan tâm đến các vấn đề tôn giáo, các vấn đề xã hội như nạn nghèo đói, tình trạng vô gia cư, không giấy tờ. 8) L’Humanité (Nhân đạo) thành lập năm 1904, là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp. Kể từ khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, số lượng phát hành của tờ báo sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, những người cộng sản Pháp vẫn quyết tâm duy trì tờ báo nhằm đấu tranh cho các quan điểm của mình. Tờ báo có nhiều bài báo được công chúng quan tâm như đình công, biểu tình, xung đột trong lĩnh vực việc làm, đời sống của tầng lớp bình dân... 9) France-Soir(Nước Pháp buổi chiều), thành lập năm 1944 với tôn chỉ là thông tin tổng hợp. Tờ báo đã ngừng ra báo in vào năm 2012 và khai trương bản điện tử năm 2013. 10) L’Equipelà tờ báo chuyên về thể thao được thành lập năm 1946.

Trong những năm gần đây, Le Figarolà tờ báo thành công nhất trong việc chống lại xu hướng sụt giảm số lượng báo in. Ngoài ra, một số tờ báo địa phương tại Pháp có số lượng phát hành trung bình hàng ngày cao hơn các tờ báo quốc gia. Tiêu biểu như báo Ouest-Francevới số lượng phát hành trung bình là 768.226 bản/ngày; tờ Le Progrèsvà Le Dauphiné Libérécủa tập đoàn EBRA với tổng số lượng phát hành là 959.934 bản/ngày.

Kênh truyền hình chuyên về thông tin BFMTVlà kênh thông tin quốc gia thuộc tập đoàn NextRadio TV, thành lập ngày 28-11-2005, được ví như CNN của Pháp. Các bản tin được BFMTV cập nhật liên tục 24/24 giờ hàng ngày. Đan xen giữa các bản tin thời sự là các chương trình bình luận và phân tích “Góc nhìn lớn”, với 1 hoặc một số khách mời là các chuyên gia. Kể từ tháng 6-2008, BFMTV trở thành kênh thông tin đứng đầu nước Pháp về số lượng người theo dõi. Đối thủ cạnh tranh của BFMTV là kênh iTélé - công ty con của tập đoàn Canal+. Kênh iTélé cũng có các chương trình bình luận, phân tích, các phóng sự đan xen giữa các bản tin giúp khán giả hiểu sâu về nhiều vấn đề trong nước và quốc tế. Đây là hai kênh truyền hình có số lượng người xem cùng doanh thu quảng cáo đứng đầu trong các kênh truyền hình ở Pháp.

Đài phát thanh quốc giaRFI (Radio France Internationale) là một trong số các đài phát thanh quốc tế có số thính giả lớn nhất thế giới, với trên 40 triệu thính giả, phát sóng 24/24 giờ bằng tiếng Pháp và 13 ngôn ngữ khác.

Về quyền sở hữu, hệ thống báo chí Pháp cóhai loại: nhà nước và tư nhân. Cơ quan báo chí có vốn nhà nước chi phối (như Truyền hình Pháp - France Télévision, Đài phát thanh Pháp - Radio France, Tập đoàn truyền thông thế giới Pháp - France Médias Monde, gồm các kênh rất nổi tiếng như RFI, France 24, TV5) có đặc thù là cơ quan thông tấn quốc gia, lãnh đạo các cơ quan này phải duy trì sự độc lập và trung lập về chính trị, không chịu ảnh hưởng từ phía chính quyền hay đảng phái nào. Tuy nhiên, để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ phía báo chí, các nhà lãnh đạo cố gắng đưa người của mình vào các chức vụ then chốt cơ quan báo chí. Báo chí nhà nước chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các cơ quan báo chí tư nhân. Ngoại trừ AFP có vị thế tương đối độc lập, báo chí tư nhân về cơ bản chi phối hoạt động báo chí truyền thông ở Pháp, lấn át các cơ quan báo chí nhà nước. Ví dụ: trong lĩnh vực báo viết: Le Monde, Le Figaro, Liberation, Les Echos...; trên lĩnh vực nghe nhìn: các kênh truyền hình TF1, BFMTV, iTélé, Canal Plus...; lĩnh vực phát thanh là BFM, RMC...

3. Sự tương tác giữa báo chí với chính trị

Thứ nhất, chính quyền cung cấp thông tin cho báo chí

Nền báo chí Pháp hoạt động theo Luật Tự do báo chí năm 1881. Mối quan hệ giữa báo chí với chính quyền là mối quan hệ tương tác chứ không phải phụ thuộc. Bộ Văn hóa và Thông tin Pháp không làm chức năng quản lý. Trong cơ cấu tổ chức của bộ này có Tổng cục Truyền thông và Công nghiệp văn hóa, có chức năng phối hợp và đánh giá chính sách của Nhà nước về phát triển truyền thông, công nghiệp quảng cáo, các dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến cho công chúng, ngành công nghiệp ghi âm và kinh tế văn hóa.

Hầu hết các cơ quan công quyền Pháp không cho ra đời các tờ báo của cơ quan mình, tức không có các tờ báo có bộ chủ quản. Luật Ngân sách cũng không cho phép dùng kinh phí từ ngân sách để trả lương cho các nhà báo cũng như không cho phép dùng tiền ngân sách chi trả cho hoạt động của báo chí. Thay cho báo của các bộ, ngành, cơ quan công quyền đăng tải các văn bản hành chính, các quy định về lĩnh vực quản lý, các hoạt động của lãnh đạo, cơ quan, tổ chức, hội đoàn liên quan tại trang web thông tin chính thức và các địa chỉ Facebook, Twitter để có thể nhận được phản hồi của người dân. Ở cấp Nhà nước, các văn bản quan trọng được đăng tại Công báo. Các hình thức truyền thông này có mục đích cung cấp thông tin cho báo chí và người dân. Bên cạnh đó, tại các cơ quan công quyền, từ Phủ Tổng thống (Điện Elysée), đến Phủ Thủ tướng (Điện Matignon), đến các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, bộ phận phụ trách báo chí có nhiệm vụ gửi thông cáo báo chí vào địa chỉ email của các cơ quan báo chí hoặc cá nhân các nhà báo để thông báo quan điểm chính thức về một hoặc nhiều vấn đề quan trọng.

Do chính quyền và các đảng phái rất coi trọng vai trò của báo chí nên mỗi khi ra quyết định, chính quyền cũng như các đảng phái đều tính đến phản ứng của báo chí. Thường trước khi ra luật, ban hành chính sách mới, tổ chức các sự kiện lớn... các cơ quan công quyền tổ chức họp báo, mời báo chí tham dự đưa tin. Ngoài ra, trong nhiều bộ, ngành của Pháp đều có bộ phận chuyên điểm báo hàng ngày để nắm bắt dư luận báo chí, dư luận người dân, từ đó có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp hoặc có biện pháp thông tin lại cho người dân hiểu rõ hơn về chính sách hay hoạt động của các cơ quan công quyền.

Thứ hai, báo chí tác động đến chính quyền, các đảng phái và người dân

Báo chí Pháp có chức năng giám sát quyền lực, mà quan trọng nhất là giám sát việc thực hiện quyền hành pháp. Bên cạnh đó, báo chí cũng có chức năng giám sát xã hội. Chính vì vậy, trong quá trình đưa tin, báo chí vừa tư vấn, vừa giám sát, đồng thời phản biện hoạt động của các cơ quan công quyền nói riêng và toàn xã hội nói chung, làm cho xã hội được quản lý chặt chẽ hơn và cuộc sống diễn ra ngày một tốt đẹp hơn.

Như vậy, bằng việc phản ánh trung thực sự việc với các luồng ý kiến khác nhau, bằng thông tin tổng hợp phong phú cùng các phân tích sâu sắc và đa chiều của các nhà báo, chính khách, chuyên gia và người dân được đăng tải, báo chí Pháp tạo áp lực, thúc ép các đảng phái, cơ quan, các quan chức, chính trị gia phải có quan điểm, chính sách đúng đắn. Báo chí góp phần quan trọng tạo ra dư luận xã hội, làm bộc lộ những góc khuất cần lưu ý như vấn đề lạm quyền nhân danh chống khủng bố, việc bảo vệ các giá trị tự do và dân chủ... Báo chí cũng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề an ninh quốc gia, nhận thức được những điểm nghẽn về thể chế phải cải cách, tháo gỡ, đặc biệt là góp phần làm thay đổi nhận thức những người có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước (trong vấn đề phúc lợi xã hội).

Báo chí Pháp đã tác động tích cực tới giới cầm quyền, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức xã hội nhằm làm cho nền kinh tế - xã hội đất nước phát triển đúng hướng, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân. Điều này giải thích việc Chính phủ Pháp nhận được sự ủng hộ cao từ phía người dân trong các biện pháp chống khủng bố thời gian vừa qua. Cách xử lý của Chính phủ cũng cho thấy, báo chí có tác động quan trọng tới những người điều hành đất nước, buộc họ phải cẩn trọng hơn, cân nhắc các tác động tích cực và tiêu cực khi đề xuất chính sách.

Như vậy, báo chí và chính trị ở Pháp có mối quan hệ rất chặt chẽ. Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của nền chính trị Pháp. Trong kỷ nguyên hiện đại, báo chí vừa thực hiện chức năng đưa tin, vừa thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, buộc các quan chức nhà nước, đảng phái, chính trị gia phải hành động theo chuẩn mực, đúng với quy định của luật pháp nhằm đưa xã hội vận động theo hướng đi lên. Chính vì vậy, báo chí đã tạo hiệu ứng góp phần thúc đẩy nền chính trị phát triển.

Cần nhấn mạnh rằng, báo chí Pháp có liên quan mật thiết với giới chính trị và chịu ảnh hưởng của giới chính trị (và cả giới tài phiệt, trong một số trường hợp). Nhiều tờ báo có các khuynh hướng chính trị rõ ràng, các bài viết tổng hợp, phân tích, các chương trình bình luận không hoàn toàn khách quan trong việc phản ánh các vấn đề xã hội, mà đều có dụng ý riêng của ban biên tập. Thông tin báo chí có tác động lớn tới công tác lãnh đạo, quản lý ở Pháp. Trong đó hầu hết là tác động tích cực vì các ý kiến phản hồi được giới quan chức tiếp thu, xử lý.

Kinh nghiệm của báo chí Pháp cho thấy những điểm mạnh, như sự trung thực, khách quan, sự can đảm của nhà báo khi nói lên sự thật, đồng thời cũng cho thấy những căn bệnh của báo chí hiện đại, đó là xu hướng thiên về những mặt tiêu cực, câu khách, từ đó làm thiên lệch giữa hai mảng sáng - tối trong thông tin khi phản ánh các sự việc.

Mặc dù vậy, vẫn có nhiều điểm cần nghiên cứu học tập báo chí Pháp, đặc biệt trong việc tương tác với giới chính trị. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius khi trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam đã cho rằng: “Các nhà báo làm công việc của mình. Họ hoàn toàn độc lập với chính quyền và bộ máy quản lý. Chúng tôi, những người làm chính sách cũng có quan điểm độc lập. Nhưng những bài báo nêu trúng vấn đề, có phân tích sâu sắc và đa chiều, đều làm chúng tôi phải suy nghĩ, cân nhắc trước khi ra quyết định”. Đó chính là sức mạnh của báo chí đối với giới chính trị.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

Tài liệu tham khảo:

1. Dương Xuân Ngọc - Lưu Văn An: Thể chế chính trị thế giới đương đại,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.

2. Đinh Thị Thúy Hằng: Báo chí thế giới và xu hướng phát triển, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2008.

3. Tài liệu của Phân xã TTXVNtại Pháp năm 2015-2016.

 

PGS, TS Lưu Văn An

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Phạm Thị Bích Hà

Cơ quan thường trú TTXVN tại Pari, Pháp

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền