Trang chủ    Quốc tế    Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Hành trình từ đối kháng tới đối tác toàn diện
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 11:46
5129 Lượt xem

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Hành trình từ đối kháng tới đối tác toàn diện

(LLCT) - Với việc ngày càng có nhiều tương đồng về lợi ích chiến lược, Việt Nam và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ đưa quan hệ song phương “theo hướng thực chất, sâu sắc, hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới” như Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 23-5-2016.

1. Quá khứ chiến tranh và những trang sử bi thương

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi vào giai đoạn kết thúc có lợi cho Việt Nam thì Mỹ can thiệp và sau đó thay chân Pháp, tự biến mình thành kẻ thù trực tiếp của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, đó là sự trớ trêu của lịch sử, bởi lẽ ra hai nước đã không những không rơi vào thảm họa chiến tranh với biết bao hệ lụy, mà còn có thể thiết lập được một mối quan hệ hợp tác bình thường từ rất sớm, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Cuộc chiến tranh Mỹ - Việt kéo dài 20 năm (1954-1975) đã để lại những trang sử thật bi thương cho cả hai dân tộc, 58.315 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến Việt Nam, cùng với đó là “hội chứng Việt Nam”. Việt Nam cũng phải gánh chịu những đau thương, mất mát lớn hơn nhiều. Sau hơn 30 năm chiến tranh chống Pháp và Mỹ, “cả nước có 1 triệu 10 vạn liệt sĩ, 60 vạn thương binh, 30 vạn người mất tích, gần 2 triệu người tàn tật, 2 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học”(1). Chính vì vậy, ở Việt Nam cũng tồn tại dài lâu “hội chứng Mỹ”, và cả hai bên đều không dễ dàng thay đổi nhận thức để chuyển hóa từ mối quan hệ mang nặng tính thù địch trong chiến tranh sang bình thường hóa quan hệ.

Phải mất tới 20 năm sau cuộc chiến, với rất nhiều nỗ lực và thiện chí từ cả hai phía, Việt Nam và Hoa Kỳ mới bình thường hóa quan hệ. Ngày 11-7-1995, trong Tuyên bố về việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Tổng thống B.Clinton kêu gọi: “Bất kể những gì đã chia rẽ chúng ta trước đây, chúng ta hãy xếp vào quá khứ. Hãy để cho giây phút này là thời điểm để hàn gắn và thời điểm để kiến tạo”(2). Đến nay, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng nhau nỗ lực không mệt mỏi để vừa “hàn gắn” những vết thương cho cả hai phía, vừa “kiến tạo” một mối quan hệ mới về chất.

Phát biểu tại Hội thảo “Vietnam War Summit” (tại thành phố Austin, bang Texas, cuối tháng 4-2016), Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry cho rằng, bài học quan trọng nhất mà nước Mỹ cần rút ra từ chiến tranh Việt Nam là khi đánh giá một nước cần nhìn nhận qua lăng kính của chính người dân nước đó.

2. Kết quả quá trình bình thường hóa quan hệ và hợp tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng bước vượt qua những bất đồng, nghi kỵ thông qua việc tăng cường quan hệ chính trị - ngoại giao. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có 8 chuyến thăm cấp cao, trong đó có 3 chuyến thăm cấp cao tạo ra 3 dấu mốc quan trọng, cụ thể như sau:

Dấu mốc thứ nhấtlà hai nước ký Tuyên bố chung xác lập quan hệ “Đối tác toàn diện” với 9 lĩnh vực hợp tác chủ chốt, được ký nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7-2013). “Việc hai nước xác lập quan hệ “Đối tác toàn diện” đã khẳng định xu thế phát triển tất yếu của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước trong tương lai”(3). Văn bản này đã khẳng định, Hoa Kỳ “tôn trọng thể chế chính trị” của Việt Nam. Điều đó tạo cơ sở vững chắc cho thành công của “chuyến thăm lịch sử” tới Hoa Kỳ (7-2015) của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Dấu mốc thứ hailà việc ký kết Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, mở ra một trang mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Văn bản này ghi rõ: “Việc thực hiện tốt, đầy đủ và không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở để xây dựng lòng tin, tiến tới đưa quan hệ phát triển lên một tầm cao mới”(4).

Dấu mốc thứ ba, rất quan trọnglà chuyến thăm Việt Nam tháng 5-2016 mới đây của Tổng thống B.Obama. Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Như vậy, Hoa Kỳ đã xóa bỏ vật cản cuối cùng trong quan hệ song phương, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, đồng thời gửi đi một thông điệp nhiều ý nghĩa về việc tăng cường lòng tin chiến lược và sự thắt chặt quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới. Với chương trình và các hoạt động bên lề của đoàn cấp cao Hoa Kỳ ở Việt Nam, “chuyến thăm thể hiện một bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Mỹ với Việt Nam”(5), mở ra một chương mới cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Trên lĩnh vực kinh tế - thương mại

Hợp tác kinh tế - thương mại được coi là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ giữa hai nước. Trong 20 năm, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 90 lần, từ 451 triệu USD (1995) lên 36 tỷ USD (2014) và 45,1 tỷ USD (2015), trong đó Việt Nam luôn xuất siêu sang Hoa Kỳ và Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm nay. Năm 2015, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ gần 31 tỷ USD(6). Trong chuyến thăm của Tổng thống B.Obama, một số hợp đồng thương mại và bản ghi nhớ đã được ký kết, riêng các hợp đồng trên lĩnh vực hàng không và điện gió đạt 16,3 tỷ USD. Về đầu tư, Hoa Kỳ hiện đứng thứ 8 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 806 dự án FDI, tổng số vốn 11,7 tỷ USD(7). Với nền tảng đó, sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, mức đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ tăng mạnh và Hoa Kỳ có thể trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam trong tương lai gần.

Ngoài các dự án FDI, Hoa Kỳ cũng là một trong những nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam.

Hợp tác trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng

Hợp tác an ninh - quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ tiến triển chậm nhưng đã có những thay đổi ấn tượng. Trong 5 năm đầu bình thường hóa quan hệ, hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trên lĩnh vực này mới chỉ dừng lại ở những cuộc tiếp xúc song phương để tìm hiểu chủ trương, chính sách của nhau, chủ yếu tập trung giải quyết vấn đề POW/MIA trong chiến tranh tại Việt Nam. Từ năm 2000 mới có những nỗ lực đầu tiên để mở rộng quan hệ quân sự Việt Nam - Hoa Kỳ, bắt đầu bằng các chuyến thăm lẫn nhau của Bộ trưởng quốc phòng hai nước, tạo nền tảng ban đầu để hai nước đưa quan hệ an ninh - quốc phòng tiến triển ngày càng tích cực hơn. Trong hợp tác an ninh - quốc phòng, hai nước coi việc xử lý hậu quả chiến tranh (xử lý chất độc điôxin, tìm kiếm quân nhân mất tích, rà phá bom mìn) là một trong những trọng tâm và hợp tác trên thực tế đã mang lại những kết quả rõ rệt. Đến nay, Việt Nam đã trao trả 894 bộ hài cốt quân nhân Hoa Kỳ, Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin, giúp Việt Nam tìm được trên 1.000 hài cốt quân nhân Việt Nam. Năm 2014, Hoa Kỳ đã giải ngân 29 triệu USD (trong khoản ngân sách 84 triệu USD giai đoạn 2014-2016) cho dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng và trợ giúp về y tế cho người khuyết tật, bao gồm các nạn nhân bị nhiễm chất độc điôxin. Hoa Kỳ cũng tài trợ cho Việt Nam các dự án khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh với tổng số viện trợ là 94 triệu USD từ năm 1993 đến nay thông qua các tổ chức phi chính phủ(8).

Thông qua các thỏa thuận được ký kết và thực thi, hợp tác an ninh - quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng được mở rộng, có nhiều tác động tích cực tới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Điều này thể hiện trong “Bản ghi nhớ hợp tác an ninh - quốc phòng” (9-2011); “Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ” (5-2015); “Bản ghi nhớ hợp tác về gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc” (7-2015). Ngày 23-5-2016, Tổng thống B.Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Với quyết định lịch sử này, Tổng thống B.Obama - sau khi vượt qua nhiều trở ngại trong chính giới và nội bộ nước Mỹ - đã thực hiện một bước tiến ngoạn mục, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin để cùng đối phó hữu hiệu với các nguy cơ về an ninh trong khu vực. Quyết định này của Hoa Kỳ giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, trang thiết bị quân sự, từ đó nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Hiện tại hai nước cũng đang triển khai gói hỗ trợ 18 triệu USD của Hoa Kỳ cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Hợp tác trên các lĩnh vực khác

Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng là một trong những “điểm sáng”, đạt nhiều kết quả khả quan. Năm 1995 chỉ có khoảng 500 sinh viên Việt Nam học tập tại Hoa Kỳ, đến nay số sinh viên, học sinh đang theo học tại Hoa Kỳ là gần 19.000 người, đứng đầu các nước Đông Nam Á, thứ 8 trong các nước có sinh viên, học sinh du học tại Hoa Kỳ. Mới đây nhất, Đại học Fulbright Việt Nam (trường đại học đầu tiên theo mô hình Hoa Kỳ) đã được Chính phủ Việt Nam cấp phép và đang chuẩn bị đi vào hoạt động, hứa hẹn mang lại những giá trị thiết thực từ sự phát triển quan hệ song phương cho việc nâng cao chất lượng nguồn lực Việt Nam.

Trong lĩnh vực y tế, nhiều dự án và chương trình đã và đang được triển khai hiệu quả. Thí dụ, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì và cam kết viện trợ cho Chương trình hỗ trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR) của Việt Nam đến năm 2018, trị giá trung bình gần 100 triệu USD/năm.

Về khoa học - công nghệ, hai nước đã và đang tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hải dương học, công nghệ không gian...

Với sự trợ giúp của các trung tâm giáo dục Hoa Kỳ, nhiều sinh viên Việt Nam đã được đào tạo bài bản, góp phần mang lại thành công cho dự án đầu tư và phát triển lâu dài của Tập đoàn Intel tại Việt Nam (với số vốn đầu tư 1 tỷ USD, đã đi vào hoạt động). Việc 2 nước ký Hiệp định Hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) vào ngày 6-5-2014, chính thức có hiệu lực từ 10-9-2014 đã mở ra hình thức hợp tác mới, thu hút sự quan tâm của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ tới việc phát triển hạt nhân dân sự của Việt Nam. Hiệp định này tạo cơ sở để Việt Nam có thể tiếp nhận công nghệ hạt nhân tiên tiến, hiện đại cho các dự án điện hạt nhân.

Nhìn lại chặng đường 21 năm qua, khi Việt Nam và Hoa Kỳ từ cựu thù đã trở thành bạn, từ bạn thành đối tác toàn diện, mang tầm vóc chiến lược, có thể thấy lãnh đạo và nhân dân hai nước đã có những nỗ lực phi thường để “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Trên thực tế, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã vững chắc, chặt chẽ trên các lĩnh vực hợp tác hiệu quả, ở cả ba tầng nấc (song phương, khu vực và toàn cầu). Sự phát triển đó phù hợp với xu thế thời đại, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước và hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển của khu vực và thế giới.

3. Những nhân tố tạo nên biến chuyển trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Có nhiều nhân tố chủ quan và khách quan tạo nên những thành tựu, thành công của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Nhưng nhân tố quyết định nhất, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển của mối quan hệ này đó là vì lợi ích chung của hai nước. C. Mác đã từng khẳng định: “Tất cả những gì mà con người đấu tranh để giành lấy đều gắn liền với lợi ích của họ”(9). Nhìn lại những thăng trầm trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, có thể thấy rõ tác động quyết định của nhân tố lợi ích.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đứng cạnh Hồ Chí Minh chính là Hoa Kỳ với việc ngày 17-7-1945, 5 người thuộc đơn vị OSS (The Office Strategic Services - Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ) nhảy dù xuống Tân Trào, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự cho 40 chiến sĩ du kích của Đàm Quang Trung. Đầu tháng 8-1945, trung đội Việt - Mỹ được thành lập dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp. Có sự hợp tác này là do lực lượng Việt Minh và lực lượng Mỹ ở Hoa Nam (Trung Quốc) là đồng minh, có lợi ích chung là chống phát xít Nhật. Sau đó quan hệ Việt - Mỹ lại rẽ sang một hướng khác - từ đồng minh (dù chỉ trong một giai đoạn ngắn) sang kẻ thù, nguyên do cũng vì lợi ích quốc gia đối kháng. Phải 20 năm sau chiến tranh, hai nước mới bình thường hóa quan hệ, vì lúc đó hai bên đều cần, đều nhìn thấy lợi ích của quyết định này. Từ năm 1995 đến nay, lợi ích chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng trong tất cả các lĩnh vực quan hệ, ở cả 3 tầng nấc song phương, khu vực và toàn cầu.

Trên lĩnh vực chính trị - an ninh, Việt Nam có lợi ích tương đồng trong việc giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam chủ trương “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển và an ninh của đất nước”(10). Việt Nam nhìn nhận Hoa Kỳ là một cường quốc thế giới, đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với “phát triển và an ninh” của đất nước mà còn của thế giới. Về phía Hoa Kỳ, theo GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Ốtxtrâylia), Việt Nam là câu chuyện thành công của Mỹ ở châu Á, chính xác hơn là của chính sách mang dấu ấn Obama - chính sách “tái cân bằng” ở châu Á. Nhìn chung, Hoa Kỳ coi trọng vai trò mang tính xây dựng của Việt Nam trong các vấn đề an ninh khu vực và thế giới, trong các cơ chế do ASEAN làm trọng tâm và trong Liên Hợp quốc, vì điều này phù hợp với lợi ích chính trị - an ninh của Hoa Kỳ. Dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương là sự phát triển lôgíc của quan hệ song phương sau khi hai bên đã thiết lập quan hệ “Đối tác toàn diện”. Quyết định này cũng xuất phát từ chính lợi ích của Hoa Kỳ trong việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác để phát triển trong khu vực. Hoa Kỳ đang triển khai chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á, còn Việt Nam đang chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Vì vậy, “quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí không phải là “món quà” Mỹ tặng Việt Nam”(11) mà nó có lợi cho cả hai bên, tác động tích cực đến việc củng cố và tăng cường an ninh trong khu vực trong bối cảnh tại đây đang nổi lên những thách thức de dọa an ninh chung.

Trên lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác, Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ nhiều lợi ích chung. Trong thương mại, Việt Nam được lợi khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu số 1 và cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ cũng được lợi không ít khi “mua rẻ bán đắt” hàng hóa Việt Nam. Minh chứng rõ ràng TPP mà Việt Nam và Hoa Kỳ là 2 trong 12 thành viên tham gia ký kết đã tạo cơ hội lớn cho Việt Nam nâng cao thế và lực, mang lại lợi ích nhiều mặt cho Hoa Kỳ. Trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, hai bên đều có lợi ích trong quan hệ song phương, hợp tác khu vực và quốc tế.

Với việc ngày càng có nhiều tương đồng về lợi ích chiến lược, Việt Nam và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ đưa quan hệ song phương “theo hướng thực chất, sâu sắc, hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới” như Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 23-5-2016.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

(1) Nguyễn Phú Trọng: “Những bài học của mười năm đổi mới”, Tạp chí Cộng sản, số 16/1996, tr.6.

(2) Wlliam A.Degregorio:42 đời tổng thống Hoa Kỳ,Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 1995, tr.1329.

(3), (8) Hà Kim Ngọc: “Tầm nhìn mới cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”, Tạp chí Cộng sản, số 874, tr.102.

(4), (5) http://vietnamnet.vn.

(6) Lê Nam: “Hợp tác đầu tư, thương mại Việt - Mỹ: Đánh thức tiềm năng”, http://www.kinhtedothi.vn, ngày 23-5-2016.

(7) Hà Duy: “Obama thăm Việt Nam: Việt - Mỹ, dấu ấn tỷ USD ngoạn mục”, http://vietnamnet.vn, ngày 27-5-2016.

(9) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập,t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.109.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.155.

(11) http://vnexpres.net.

 

PGS, TS Hà Mỹ Hương

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền