Trang chủ    Quốc tế    Bố cục chiến lược bốn toàn diện - Lý luận mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 11:53
3854 Lượt xem

Bố cục chiến lược bốn toàn diện - Lý luận mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc

(LLCT) - Đại hội lần thứ XVIII (11-2012) của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc là sự chuyển giao sang thế hệ lãnh đạo thứ 5 (Mao Trạch Đông - Đặng Tiểu Bình - Giang Trạch Dân - Hồ Cẩm Đào - Tập Cận Bình). Sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo trong lịch sử ĐCS Trung Quốc từ khi ra đời đến nay đều rất quan trọng và là quá trình đấu tranh quyết liệt trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.

ĐCS Trung Quốc coi sự phát triển tư tưởng, lý luận là sự phát triển chủ nghĩa Mác trên đất nước mình, tức là “Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác”. Con đường đi lên CNXH là không đổi nhưng cần phải có sự thay đổi, bổ sung, phát triển về lý luận ở những thời điểm khác nhau cho phù hợp. ĐCS Trung Quốc rất tự hào giải thích về sự phát triển lý luận của mình với 4 lần nhảy vọt:

Lần nhảy vọt thứ nhất: Chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông (từ Đại hội VII năm 1945 đến năm 1956 và từ Đại hội IX năm 1961 đến nay, đề cao tư tưởng Mao: làm cho Trung Quốc “đứng lên”).

Lần nhảy vọt thứ hai: Chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình (từ Đại hội XV năm 1997 đến nay, đề cao tư tưởng của Đặng Tiểu Bình: làm cho Trung Quốc “giàu lên”).

Lần nhảy vọt thứ ba: Chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba đại diện(từ Đại hội XVI năm 2002 đến nay: làm cho Trung Quốc “mạnh lên”).

Lần nhảy vọt thứ tư:Chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba đại diện và quan điểm phát triển khoa học (từ Đại hội XVIII đến nay: làm cho Trung Quốc “sáng lên”).

Những thành tựu về lý luận là kết quả của sự kiên trì, phấn đấu bền bỉ, thể hiện quyết tâm rất cao của toàn Đảng, toàn dân về: “giải phóng tư tưởng”, “cải cách, mở cửa”, “tiến cùng thời đại”, “ thực sự cầu thị”, “vừa đi vừa tìm đường”, “dò đá qua sông”, “dễ trước, khó sau”, “từ thấp đến cao”,“ lấy điểm thúc đẩy diện”, “mạnh dạn làm thử rồi rút kinh nghiệm, không tranh cãi”, “phát triển là đạo lý cuối cùng”,v.v.. nhằm mục tiêu lớn nhất là giải phóng và phát triển mạnh mẽ sức sản xuất, đem lại đời sống khá giả cho đa số nhân dân.

Hiện nay, khát vọng của ĐCS Trung Quốc cũng như của nhân dân Trung Quốc là sẽ có lần nhảy vọt thứ năm về lý luận.

Mặc dù chưa được chính thức đưa vào văn kiện Đảng với tư cách là một bộ phận nền tảng tư tưởng của Đảng nhưng những tư tưởng của ĐCS Trung Quốc mà tác giả chính là Tổng Bí thư Tập Cận Bình đang tích cực hoàn thiện hệ thống lý luận mới: “bố cục chiến lược bốn toàn diện”.

ĐCS Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh của thời đại và quá trình phát triển CNXH mang đặc sắc Trung Quốc diễn ra rất nhanh nên lý luận cũng phải có sự chuyển biến nhanh. Sáng tạo mới dựa vào bối cảnh của thời đại mới, qua những bài học cải cách - cả thành tựu và những tồn tại.

Gần 40 năm cải cách, mở cửa, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh, sức mạnh của Nhà nước được tăng cường. Theo Cục thống kê Nhà nước Trung Quốc, năm 2014 GDP đạt 10 nghìn tỷ USD đứng thứ 2 thế giới. Dân sinh được cải thiện không ngừng. Chính trị không ngừng được hoàn thiện và phát triển nhờ sự thúc đẩy những cuộc cải cách. Dân chủ ở cơ sở ngày càng được bảo đảm tốt hơn với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của hệ thống pháp luật và quản lý đất nước bằng pháp luật. Văn hóa không ngừng được nâng lên, xây dựng được hệ giá trị then chốt của CNXH, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được phong phú hơn. Xã hội phát triển ngày càng hài hòa, bình đẳng hơn, các dịch vụ xã hội ngày càng phong phú, hiệu quả.

Tuy nhiên, do phát triển quá nóng (gần 40 năm cải cách của Trung Quốc bằng 200 năm tư bản phát triển) nên đã có nhiều mâu thuẫn phát sinh. Dân số quá đông nên GDP bình quân đầu người mới chỉ đứng thứ 90 thế giới. Sự phát triển kinh tế không công bằng và chưa bền vững. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng giữa các vùng, miền, giữa đô thị và nông thôn. Ở 7 thành phố lớn, GDP bình quân là 10 nghìn USD/người/năm nhưng ở miền Tây, GDP bình quân chỉ là 2 nghìn USD/người/năm. Sáng tạo công nghệ mới, kết cấu ngành nghề không hợp lý. Nông nghiệp phổ biến vẫn trong tình trạng lạc hậu. Môi trường tài nguyên sinh thái bị sức ép lớn. Nhiều mâu thuẫn xã hội phát sinh, an ninh trật tự, an toàn xã hội và chấp hành pháp luật, tham nhũng còn nghiêm trọng...

Đòi hỏi khách quan của lịch sử, yêu cầu chính đáng của nhân dân đối với Đảng cầm quyền là cần phải có chiến lược mới - “bố cục chiến lược bốn toàn diện” với những nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, “Xã hội khá giả toàn diện”

Khái niệm “xã hội khá giả” thực ra đã được Đặng Tiểu Bình trong bài phát biểu ngày 16-2-1979 “xây dựng xã hội khá giả một cách toàn diện”. Đại hội XVI ĐCS Trung Quốc (2002) đã đưa ra luận điểm: Xã hội XHCN khá giả toàn diện phải mang lại lợi ích nhiều hơn cho 1,3 tỷ dân ở mức độ cao hơn. Đại hội XVII (2007) đã chính thức đề cập xây dựng CNXH khá giả toàn diện. Đại hội XVIII (2012) tiếp tục nhấn mạnh “Xã hội XHCN khá giả toàn diện” và “Đi sâu cải cách một cách toàn diện”.

“Khá giả” là có của cải dư dật, nhưng chưa thỏa mãn toàn bộ cho con người. Khá giả còn là lý tưởng của con người từ thời cổ đại Trung Quốc “có của ăn của để”.

“Toàn diện” gồm các mặt như chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, môi trường... Xây dựng xã hội khá giả toàn diện được Đặng Tiểu Bình đưa ra từ những năm đầu cải cách thì nay phải “Xây dựng thành công  xã hội khá giả toàn diện” theo 10 tiêu chí được hoàn thiện qua các Đại hội XVI, XVII và XVIII. Như vậy, nhận thức và thực hành xây dựng xã hội đã trải qua các giai đoạn: ấm no - khá giả tổng thể- khá giả toàn diện.

Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc xác định mục tiêu xã hội khá giả toàn diện là: Duy trì sự phát triển kinh tế lành mạnh, mở rộng dân chủ nhân dân, sức mạnh mềm văn hóa tăng lên rõ rệt, đời sống nhân dân được cải thiện, đạt những tiến bộ đáng kể trong xây dựng xã hội tiến bộ, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, đồng thời đưa ra những yêu cầu và triển khai cụ thể đối với từng mục tiêu.

Trung Quốc xây dựng Chiến lược “ba bước”: Bước 1, thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện là vào năm 2021 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCS Trung Quốc, GDP/người/năm tăng gấp đôi 2010; Bước 2, thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước thành quốc gia XHCN hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa vào năm 2049 dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước; Bước 3, hoàn thành phục hưng dân tộc Trung Hoa vào cuối thế kỷ XXI.

Thứ hai, “Đi sâu cải cách sâu rộng toàn diện”

Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII, năm 2013 chính thức thông qua “Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề trọng đại đi sâu cải cách toàn diện”. Sau 35 năm cải cách, mở cửa, lý luận CNXH mang đặc sắc Trung Quốc ngày càng hoàn thiện. Ngoài tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng thể, các phần còn lại đề cập đến 6 lĩnh vực cải cách gồm: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, văn minh sinh thái và quốc phòng - quân đội.

Để cải cách sâu rộng toàn diện, giải quyết những chướng ngại trên lĩnh vực thể chế, cơ chế trong quá trình phát triển, Hội nghị đã xác định 60 mục tiêu và 300 biện pháp cải cách cụ thể ở 16 lĩnh vực.

Xác định Tư duy cải cách làtuân thủ tư duy chiến lược, tư duy biện chứng, tư duy pháp trị, tư duy hệ thống, tư duy giới hạn và tư duy sáng tạo; Phương hướng cải cách làkhông ngừng thúc đẩy hệ thống XHCN tự hoàn thiện và phát triển, chứ không phải là thay đổi lề lối của hệ thống XHCN; Mục tiêu cải cách làhoàn thiện và phát triển hệ thống CNXH đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hệ thống quản trị nhà nước hiện đại hóa năng lực quản trị; Mối quan hệgiữa giải phóng tư tưởng và thực sự cầu thị; giữa thúc đẩy tổng thể và đột phá trọng điểm; giữa thiết kế tầng đỉnh và dò dẫm từng bước một; giữa phải can đảm thực hiện và bước đi vững chắc; giữa cải cách và phát triển ổn định; Lộ trình thực hiện thúc đẩy cải cách chuẩn xác, đúng đắn, có trật tự, hài hòa, cân đối.

Thực tế đã xác nhận những đột phá mới về lý luận cải cách, cơ chế chính sách từ những nhận định mới như: làm cho thị trường có vai trò mang tính chất quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực, hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị nhà nước, phát huy tốt hơn nữa vai trò của Chính phủ kiểm soát vĩ mô, giám sát thị trường, dịch vụ công cộng, bảo vệ môi trường, quản lý xã hội, chuẩn hóa hành vi của Chính phủ, giải phóng sức sống của thị trường, phát huy đầy đủ sức mạnh của lý luận...

Thứ ba, “Quản lý nhà nước theo pháp luật một cách toàn diện”

Tháng 10-2014, Hội nghị Trung ương 4 khóa XVIII ĐCS Trung Quốc đã đề ra “một số vấn đề quan trọng về thúc đẩy quản lý toàn diện đất nước bằng pháp luật”. Đảng yêu cầu trong điều kiện mới phải phát triển dân chủ và phải bằng luật pháp để thực thi dân chủ. Quyền lực của nhân dân cũng phải được quy định bằng pháp luật theo hướng “công bằng, chính nghĩa, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật”.

Đảng và pháp luật, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý đất nước bằng pháp luật thống nhất cao độ với nhau. Pháp luật là sự phản ánh thống nhất giữa chủ trương của Đảng và ý chí của nhân dân. Quản lý đất nước bằng pháp luật là ràng buộc mọi vấn đề, mọi con người trong một trật tự xã hội lành mạnh, tiến bộ, tránh được nguy cơ lợi ích nhóm gây mâu thuẫn lớn trong xã hội. Quản lý toàn diện đất nước bằng pháp luật là phương thức cơ bản và là sự bảo đảm đáng tin cậy cho việc thực hiện mục tiêu. Pháp quyền XHCN buộc phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo của Đảng buộc phải dựa vào Nhà nước pháp quyền XHCN. Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng Hiến pháp và pháp luật. Đảng hoạt động trong phạm vi Hiến pháp và pháp luật. Đó chính là thể hiện sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Làm sâu sắc thêm sự hiểu biết về các quy định của pháp luật là sự tự hoàn thiện của Đảng cầm quyền trong quá trình hiện đại hóa.

Quản lý toàn diện đất nước bằng pháp luật trên nền tảng chung là xây dựng hệ thống pháp quyền XHCN đặc sắc Trung Quốc với 5 hệ thống pháp quyền gồm: hệ thống quy phạm pháp luật, hệ thống thực thi pháp quyền hiệu quả, hệ thống giám sát pháp quyền nghiêm ngặt, hệ thống bảo đảm pháp quyền, hệ thống pháp quy trong Đảng.

 Tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền của Tập Cận Bình có thể chia thành 6 điểm: mục tiêucụ thểlà Trung Quốc pháp quyền, phương hướng cơ bảnlà thúc đẩy tổng thể, mục đích căn bảnlà bảo đảm nhân quyền, giá trị theo đuổilà công bằng chính nghĩa, đột phá trọng điểmlà thực thi pháp luật, cải cách trước tiên là hệ thống tư pháp.

Thứ tư, “Quản lý đảng nghiêm khắc toàn diện”

 Hơn 40 bài viết, bài nói chuyện của Tập Cận Bình từ 15-11-2012 đến 23-10-2014 tại tỉnh Giang Tô đã nêu khá đầy đủ luận điểm mới về nghiêm khắc quản lý đảng một cách toàn diện. Có thể nói, luận điểm này lần đầu tiên được đưa ra sau 90 năm từ khi ĐCS Trung Quốc ra đời.

Bộ Chính trị lấy việc làm gương thực hiện 8 quy định của Trung ương “về cải tiến tác phong làm việc, cải tiến mối liên hệ mật thiết với quần chúng” làm bước khởi đầu, lấy việc xây dựng tác phong làm bước đột phá, lấy hoạt động thực tiễn giáo dục đường lối quần chúng của Đảng làm trọng tâm, lấy chống tham nhũng làm động lực trong công tác xây dựng Đảng. Tư tưởng chiến lược quản lý đảng nghiêm khắc, toàn diện vẫn không ngừng được hoàn thiện trong thực tiễn và hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng.

“Toàn diện” là thực thi đồng bộ trên mọi khâu của công tác xây dựng Đảng. Đó là “Thuyết nghiêm trị” trong Đảng; “thuyết bổ sung canxi” trong củng cố niềm tin lý tưởng; “thuyết ưu hóa” trong xây dựng tổ chức, hướng dẫn dùng người chính xác, yêu cầu cán bộ trung thực với nhân dân, “thuyết làm sớm”, “làm từ nhỏ” trong xây dựng tác phong (nhấn mạnh làm việc vững chắc hiệu quả, nghiêm khắc chỉnh đốn tác phong, thực hiện đường lối quần chúng), “thuyết không khoan nhượng” trong chống tham nhũng (muốn rèn được thép búa phải cứng, đánh cả hổ lẫn ruồi, xử lý cả gốc lẫn ngọn), thuyết “chiếc lồng” trong xây dựng chế độ (đem quyền lực nhốt trong một cái lồng của chế độ).

Nét nổi bật trong công tác xây dựng Đảng là nhận thức về công tác thanh tra được nâng lên tầm cao chiến lược của quản lý đảng nghiêm khắc. Đã có nhiều đổi mới về thể chế, cơ chế hệ thống thanh tra, đổi mới hình thức thanh tra, tăng cường hiệu quả thanh tra, chỉnh đốn cải cách giải quyết các vấn đề được phát hiện trong thanh tra trên cơ sở luật hóa, cơ chế hóa, quy phạm hóa và công khai hóa.

“Nghiêm khắc” là làm theo Điều lệ Đảng, quy định của Đảng; kỷ luật nghiêm minh; nêu cao trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo quản lý, tăng cường kiểm tra giám sát, gắn kỷ luật Đảng và bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm tính trong sạch, tiên phong, nòng cốt, hạt nhân lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở.

Bốn toàn diện nêu trên không phải là mối quan hệ ngang hàng đơn giản mà là một chỉnh thể thống nhất, có mối quan hệ mật thiết, thực hiện sự thống nhất. “Xây dựng xã hội khá giả toàn diện”được coi là mục tiêuchiến lược, nhiệm vụ trung tâm; “đi sâu cải cách sâu rộng toàn diện”, “quản lý nhà nước theo pháp luật một cách toàn diện”, “quản lý Đảng nghiêm khắc toàn diện” được xác định là biện pháp chiến lược. Cải cáchlà động lực của tiến bộ xã hội và là trào lưu của thời đại. Cải cách sâu rộng, toàn diện là động lựccơ bản xuyên suốt để xây dựng toàn diện xã hội khá giả, thúc đẩy quản lý toàn diện đất nước bằng pháp luật, tạo điều kiện bảo đảm pháp lý cho việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả. Pháp trịlà điều kiện, sự bảo đảm quan trọng cho hệ thống quản trị nhà nước và hiện đại hóa năng lực quản trị. Những cải cách quan trọng cần phải có cơ sở pháp lý, những kết quả cải cách cần phải có pháp trị để giữ vững, bảo đảm tính ổn định, tính quy phạm cho cải cách thành công. Quản lý đảng một cách nghiêm khắclà yêu cầu cần thiết để đảng cầm quyền tăng cường việc xây dựng bản thân, là cơ sở bảo đảm thực hiện các toàn diện khác. Đảng phải thường xuyên tự thanh lọc, tự hoàn thiện, tự đổi mới, tự nâng cao.

Công cuộc đại cải cách này sẽ có nhiều đột phá mới, phản ánh tinh thần kiên quyết, táo bạo của Ban lãnh đạo mới nhưng vẫn đặt trong khuôn khổ của con đường “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” mà Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc đã xác định. Không đi con đường cũ đóng cửa, cứng nhắc nhưng cũng không đi con đường tà lộ thay đổi ngọn cờ; kiên trì vai trò lãnh đạo của Đảng; vai trò chủ thể của kinh tế quốc hữu trong khi nâng cao vai trò thị trường. Đảng vẫn là tư lệnh chiến lược, là linh hồn của bốn toàn diện, chỉ dẫn phương pháp cho bốn toàn diện, ngăn chặn những sai lầm nghiêm trọng ở các vấn đề lớn; không ngừng tăng cường và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, làm cho Đảng là linh hồn của cả dân tộc, là cơ sở bảo đảm chính trị cho việc thúc đẩy bốn toàn diện.

Các học giả Trung Quốc cho rằng, tư duy bố cục chiến lược bốn toàn diện là hệ thống lý luận chặt chẽ, lôgíc. Đây là hệ thống lý luận mở và không ngừng phát triển, được tạo thành bởi tập hợp các thành quả lý luận, tuân theo quy luật khách quan của nhận thức, quá trình nhận thức tiến về phía trước theo hình xoắn ốc.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2016

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền