Trang chủ    Quốc tế    Những động lực phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ lịch sử và hiện đại
Thứ tư, 26 Tháng 4 2017 09:54
2091 Lượt xem

Những động lực phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ lịch sử và hiện đại

(LLCT) - Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, quan hệ với Ấn Độ là mối quan hệ đặc biệt, hữu nghị và sự tin tưởng chân thành hiếm có.  Nền tảng của mối quan hệ đặc biệt đó là: Giá trị chung về văn hóa, tôn giáo; truyền thống quan hệ hữu nghị, sự tin tưởng chân thành và nhu cầu bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, và đó sẽ tiếp tục là những động lực phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới.

1.   Giá trị chung về văn hóa, tôn giáo

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (thế kỷ III trước Công nguyên). Những tư tưởng và triết lý của Phật giáo đã được “Việt hóa” với cơ tầng nông nghiệp lúa nước. Phật giáo không chỉ hòa hợp với tín ngưỡng dân gian mà trong một thời gian dài đã trở thành vũ khí tư tưởng của người Việt trong cuộc đấu tranh chống “Hán hóa” thời kỳ Bắc thuộc; và là đối trọng với tư tưởng chính trị phong kiến phương Bắc thời Ngô, Đinh, Tiền Lê (những triều đại phong kiến độc lập đầu tiên ở Việt Nam ra đời sau thời kỳ Bắc thuộc). Sau đó Phật giáo đã chính thức trở thành Quốc giáo trong các triều đại nhà Lý, nhà Trần. Tư tưởng và thế giới quan Phật giáo không chỉ xâm nhập vào đời sống nhân dân lao động mà còn tác động, chi phối quan điểm chính trị và phương thức cầm quyền của một số triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử.

Cùng với Phật giáo, các tôn giáo khác của Ấn Độ như Bàlamôn, Hindu cũng đã du nhập vào Việt Nam. Các tôn giáo đã không chỉ xâm nhập, hòa quyện vào đời sống cư dân bản địa, mà đặc biệt còn ảnh hưởng tới thể chế chính trị của hai nhà nước là Champa ở miền Trung (từ Quảng Bình, Quảng trị đến Ninh Thuận, Bình Thuận) và Phù Nam (khu vực Nam Bộ).Tư tưởng, thiết chế chính trị và bộ máy Nhà nước cai trị của vương quốc Champa chủ yếu là tư tưởng Ấn Độ giáo. Cũng như vậy, trên dải đất Việt Nam vào đầu Công nguyên đã hình thành Nhà nước Phù Nam dưới tác động của văn minh Ấn Độ, tạo nên hình thái quyền lực nhà nước từ sự kết hợp chặt chẽ giữa vương quyền với thần quyền “Phù Nam là nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc Deva Raja (Thần - Vua đồng nhất)”.

Như vậy, Phật giáo, Bàlamôn giáo, Hindu giáo - cáctôn giáo Ấn Độ đại diện chovăn hóa tinh thần Ấn Độ đã du nhập vào Việt Nam từ thời cổ đại và tồn tại trong chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, góp phần tạo nên “bản sắc văn hóa” người Việt với các đặc trưng tiêu biểu như: đức hy sinh, tư tưởng bình đẳng, đoàn kết, vị tha, yêu hòa bình(1).

Sự tiếp biến văn hóa, tôn giáo Ấn Độ là nền tảng để Việt Nam kết nối, phát triển quan hệ với Ấn Độ. Trên cơ sở ý thức được vai trò quan trọng của giá trị văn hóa chung giữa hai nước, trong thời gian qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam - Ấn Độ đã có nhiều hợp tác trên lĩnh vực này như: bảo tồn và trùng tu di sản kiến trúc Chăm tại Mỹ Sơn; hợp tác về du lịch tâm linh...

Để những giá trị chung về văn hóa của hai nước tiếp tục là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, Chính phủ và nhân dân hai nước cần có cách tiếp cận, nhận thức mới về những giá trị văn hóa chung, khai thác tốt hơn những giá trị này phù hợp với xu thế phát huy “sức mạnh mềm”, “ngoại giao mềm” trong quan hệ quốc tế. Điều đó sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy sự phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ hướng tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện(2).

2. Truyền thống quan hệ hữu nghị, sự tin tưởng chân thành, đoàn kết, gắn bó giữa Việt Nam và Ấn Độ

Những hoạt động thương mại của thương nhân và truyền giáo của các tôn giáo Ấn Độ đến Việt Nam diễn ra từ những nămtrước Công nguyên xuất phát từ nền tảng lợi ích địa - kinh tế và địa - văn hóa. Tuy nhiên, vào thời kỳ hiện đại, bên cạnh những lợi ích đó, đã xuất hiện nhiều yếu tố mới và ngày càng trở thành cơ sở chủ đạo cho quan hệ giữa hai nước, trong đó tiêu biểu là lợi ích địa - chính trị. Đây là yếu tố quyết định, tác động làm chuyển biến quan hệ của hai nước từ những hoạt động giao thương và giao lưu tôn giáo, văn hóa thành quan hệ đối tác chiến lược.

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ năm 1945 đến nay định hình rõ nét mối quan hệ hữu nghị, thực chất và tin cậy chính trị cao. Sự tin cậy ngày càng được củng cố thông qua việc hai nước thường xuyên có những chuyến thăm, làm việc của các đoàn cấp cao Đảng và Nhà nước. Trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam vào đầu tháng 9-2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận định: “Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ gắn bó truyền thống bắt nguồn từ cuộc đấu tranh giành tự do của hai nước do hai vị cha già của dân tộc là Thủ tướng Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo”(3); vàrất cần thiết phải nhìn lại lịch sử “mối quan hệ gắn bó truyền thống” giữa hai nước, để từ đó hiểu sâu sắc ý nghĩa, động lực phát triển của mối quan hệ đó đối với tương lai quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Vào những năm giữa thế kỷ XX, nhận thức dân tộc Việt Nam về quan hệ với các nước trên thế giới và trong khu vực có những phát triển mới, thể hiện rõ trong việc Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định “Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu Á. Vận mệnh Việt Nam rất mật thiết quan hệ với vận mệnh các dân tộc Á châu”(4). Đây là một trong những quan điểm sâu sắc, là sơ sở quan trọng cho việc tạo lập mối quan hệ hữu nghị Việt - Ấn trong thời hiện đại.

Chính sách Tìm bạn bên ngoài của Việt Nam thời điểm đó xác định: Tất cả những nước nào, những dân tộc hay lực lượng nào trên thế giới tán thành mục đích giành độc lập của Việt Nam đều là bạn. Bạn thân nhất của ta bên ngoài là các dân tộc thuộc địa và bán thuộc địa đang tranh đấu giành tự do, độc lập. Trong đó “dân tộc Ấn” là một trong những “bạn thân nhất” của Nhà nước Việt Nam mới. Bởi Ấn Độ vừa là một “dân tộc Á châu” lại là dân tộc đang tranh đấu giành tự do, độc lập, có sự song trùng về lợi ích chính trị, chiến lược.

Mặc dù nhân dân Ấn Độ đang trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn dành cho Việt Nam sự chia sẻ, đồng tình ủng hộ. “Thánh Găngđi ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam ngay khi mới bắt đầu và Thủ tướng Nêru đã nhiều lần lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam”(5).

Tháng 10-1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã đến thăm Việt Nam. Trong những năm 1955-1956, những hiệp định thương mại đầu tiên mà Việt Nam mới ký kết với bên ngoài là với Liên Xô và Ấn Độ(6). Đây là những ủng hộ quý báu đối với nền ngoại thương non trẻ của Việt Nam.

Trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc Việt Nam (1954-1975), nhân dân Ấn Độ tiếp tục thể hiện sự đồng tình, ủng hộ nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong thời kỳ này, quan hệ Việt - Ấn đã có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra như: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết lập quan hệ tổng lãnh sự quán với Cộng hòa Ấn Độ(7); Tổng thống R.Praxat đến thăm Việt Nam (3-1959); ngày 7-1-1972, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ.

Giai đoạn 1975-1985, Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp với Việt Nam trong hoàn cảnh Mỹ và một số nước phương Tây thi hành chính sách bao vây, cấm vận Việt Nam(8). Tháng 8-1977, Hội hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam được thành lập; sau đó, vào ngày 11-11-1982, Việt Nam đã thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ. Các hoạt động của Hội hữu nghị hai nước đã góp phần quan trọng cho việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước. Tháng 11-1985, Thủ tướng Ấn Độ R.Găngđi chính thức thăm Việt Nam.

Năm 2003,tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ bước sang thế kỷ XXI được ký kết, đã định hướng phát triển sâu sắc quan hệ của hai nước trongtương lai.Năm 2007 diễn ra sự kiện đặc biệt: Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến, đánh dấu bước phát triển về chấttrongquan hệ Việt Nam-Ấn Độ, nângquan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt - Ấn lên tầm cao mới, mở đường cho sự phát triển sâu rộng quan hệ hợp tác vì sự phát triểnchungcủa hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Ngày 19-11-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ. Ngày 20-11, hai bên ra Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh “Việt Nam và Ấn Độ có những mục tiêu chung về tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện và khẳng định cùng có một tầm nhìn đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước”. Theo Thủ tướng Manmohan Singh, sự kiện chính trị này “có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Việt Nam”(9); đồng thời góp phần khẳng định Việt Nam là trụ cột trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ.

Tháng 9-2016, Thủ tướng Narendra Modi sang thăm Việt Nam với nhiều hoạt động chính trị đã thiết lập một tầm mới cho quan hệ Ấn Độ - Việt Nam. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Modi đã ký 12 hiệp định và các bản ghi nhớ với Việt Nam; công bố khoản tín dụng mới 500 triệu USD cho Việt Nam để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước; lãnh đạo hai nước nhất trí đưa kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD năm 2020.

Trên một tầm nhìn mới và sâu sắc hơn, có thể nhận thấy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự tin tưởng chân thành giữa Việt Nam và Ấn Độ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển toàn diện trong tương lai. 

3. Nhu cầu bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không

Biển Đông có vị trí địa - chiến lược, địa - kinh tế rất quan trọng, nhiều nước và tổ chức khu vực, quốc tế có lợi ích to lớn từ Biển Đông. Việc Trung Quốc yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý chiếm đến hơn 80% diện tích Biển Đông; cho rằng Biển Đông là một trong những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc (3-2010), cùng các hành động bồi đắp đảo, đá và quân sự hóa thời gian qua đã làm Biển Đông trở thành điểm nóng, đe dọa an ninh hàng hải và tự do lưu thông hàng hải, hàng không khu vực này.

Vấn đề Biển Đông có tác động tới chiến lược, chính sách của các nước lớn, trong đó có Ấn Độ. Không chỉ tư cách một nước lớn, có trách nhiệm, mà những lợi ích thực tế của Ấn Độ tại Biển Đông, đặc biệt là vận tải biển (55% thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông), sẽ thúc đẩy Ấn Độ can dự sâu rộng vào khu vực này. Thủ tướng Ấn Độ từng nhiều lần lên tiếng quan ngại về hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc tại Biển Đông và kêu gọi tất cả các nước phải có trách nhiệm tuân thủ luật lệ và quy tắc quốc tế về vấn đề hàng hải. Thời gian qua Ấn Độ cũng đã chân thành ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Thực tế cho thấy, cả Ấn Độ và Việt Nam đều có lợi ích địa chiến lược, địa - chính trị ở Biển Đông, vì vậy hai nước đều có nhu cầu phát huy quan hệ đối tác chiến lượcnhằm góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông;giải quyết hòa bình mọi tranh chấp về lãnh thổ trên Biển Đông trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đây là động lực phát triển mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới.

_____________

(1), (2) Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016, tr.250, 252.

(3) http://dangcongsan.vn

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.22.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tr.45.

(6) Những hiệp định thương mại đầu tiên giữa Việt Nam với Liên Xô ký ngày 18-7-1955), tiếp theo là ký với Ấn Độ ngày 22-9-1956: Trung tâm Khoa học Xã hội và nhân văn Quốc gia: Lịch sử Việt Nam 1954-1965, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr.48.

(7) Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.178.

(8) Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.315, 316.

(9) http://www.tienphong.vn.

 

PGS, TS Đinh Xuân Lý

 Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 


 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền