Trang chủ    Quốc tế    Việc thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Hủa Phăn, Lào
Thứ tư, 26 Tháng 4 2017 11:19
2244 Lượt xem

Việc thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Hủa Phăn, Lào

(LLCT) - Tỉnh Hủa Phăn nằm ở phía Đông Bắc của Lào, giáp với tỉnh Luông Pha Băng, Xiêng Khoảng và ba tỉnh của Việt Nam (Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An), có diện tích 16.500 km­­­­­2, đồng bằng chiếm khoảng 6%, vùng núi thấp chiếm 18%, còn lại là núi cao. Tỉnh có 10 huyện với 736 bản, dân số 298.436 người, gồm 9 bộ tộc. Chính quyền tỉnh xác định việc thực hiện chính sách dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển bền vững, giữ vững an ninh, ổn định.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh Hủa Phăn đã có sự phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó có việc thực hiện chính sách dân tộc.

1. Những thành tựu

Về phát triển kinh tế

Toàn tỉnh có 61.113 ha đất sản xuất, 128.214 ha đất trồng lúa. Việc bảo đảm đất sản xuất cho hộ nông dân các bộ tộc trên địa bàn tỉnh cơ bản được giải quyết. Công tác khuyến nông - khuyến lâm được tỉnh thường xuyên quan tâm, mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn canh tác mới, triển khai một số chính sách hỗ trợ hộ nông dân phát triển sản xuất như: cung cấp giống, phân bón, vốn,... Nhờ đó, nhiều hộ đã áp dụng kỹ thuật thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều vùng đã tập trung trồng một số cây cho hiệu quả kinh tế như: bắp lai, đậu nành... với sản lượng thu hoạch ngày càng cao; nhiều hộ gia đình đã trở thành gia đình sản xuất giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất của nông dân, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, xây dựng kênh mương để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm  cung cấp nước cho trên 12.000 ha đất trồng trọt.

 Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều hộ gia đình đã chuyển từ trồng trọt sang chăn nuôi gia súc, gia cầm, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra những sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Năm 2015, đàn bò của tỉnh có 71.806 con, trâu 406.703 con, lợn 250.520 con,... Từ đó, các hộ nông dân từng bước tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và ổn định cuộc sống.

Về văn hóa, giáo dục, y tế

Văn hóa truyền thống tốt đẹp của các bộ tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Đài phát thanh tỉnh Hủa Phăn phát bằng nhiều thứ tiếng, nhất là tiếng Lào, tiếng Mông, tiếng Kưmụ với thời lượng mỗi ngày 4 tiếng. Các chương trình phát sóng đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, nhất là việc đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Lào vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho nhân dân các bộ tộc được các cấp, các ngành tỉnh Hủa Phăn đặc biệt quan tâm. Năm 2010, tỉnh đã công nhận xóa mù chữ cho 12.728 người trong độ tuổi từ 15 đến 40. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học được quan tâm đầu tư ở tất cả các cấp học, hệ thống trường, lớp được đầu tư nâng cấp.

Năm 2015, toàn tỉnh có 126 cơ sở mầm non, 96 trường trung học cơ sở với 1.516 giáo viên; 94,9% con em trong độ tuổi đi học.

Năm 2016, toàn tỉnh có 736 trường tiểu học với 98.151 học sinh và 2.219 giáo viên; 39 trường trung học phổ thông cấp 3 với 9.803 học sinh và 498 giáo viên. Trong đó, trường phổ thông trung học cơ sở dân tộc nội trú tỉnh Hủa Phăn (được xây dựng năm 1996), hiện nay đang được tỉnh Sơn La Việt Nam hỗ trợ xây dựng, nâng cấp. Hằng năm, trường tuyển sinh từ lớp 6 đến lớp 12; năm 2015, trường có 700 học sinh. 

Công tác đào tạo nghề cho thanh niên các bộ tộc được tỉnh thường xuyên quan tâm, chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 1 trường bổ túc, 4 trung tâm dạy nghề và 1 trường đại học. Nhờ đó, cán bộ và nhân dân, đặc biệt là thanh niên các bộ tộc được tiếp cận kiến thức nghề nghiệp, nâng cao trình độ năng lực trong lao động sản xuất, tạo việc làm, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Hệ thống y tế được xây dựng, nâng cấp từ huyện xuống đến thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, toàn tỉnh có 11 bệnh viện, trong đó có 1 bệnh viện tỉnh, 10 bệnh viện huyện, 61 trạm y tế với 495 giường bệnh và 728 bác sĩ. Công tác vệ sinh phòng dịch được đẩy mạnh, nhân dân các bộ tộc đã có ý thức hơn trong việc dùng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường nơi sinh sống. Khắc phục được tình trạng mê tín trong việc chữa bệnh.

Về xóa đói, giảm nghèo

Hủa Phăn là tỉnh nghèo nhất của Lào, trong đó tỷ lệ đói nghèo cao nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa. Trong những năm qua, tỉnh Hủa Phăn đã tập trung đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo lồng ghép với việc phát triển nông thôn. Năm 2015, số bản đạt chuẩn nông thôn mới là 173 chiếm 20,09%, tình hình đói nghèo giảm từ 53,23% (năm 2005) xuống còn 45,3% (năm 2010) và 22,16% (năm 2015).

2. Một số hạn chế

Thứ nhất,tình trạng thiếu đất sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề cần tiếp tục được giải quyết khi dân số tăng. Trong khi vẫn còn tình trạng bỏ hoang đất sản xuất, tình trạng bán đất, cho thuê đất trái phép, sử dụng đất sai mục đích, khiếu kiện về đất đai còn khá phổ biến. Trên thực tế vẫn còn 28% hộ gia đình thiếu đất sản xuất. Một số diện tích đất sản xuất lại kém mầu mỡ, thiếu nước tưới. Hiện còn 1.487.800 ha đất canh tác chưa có hệ thống thủy lợi cung cấp nước sản xuất 2 vụ. Do đó, hiệu quả sản xuất thấp, trung bình chỉ đạt 4,16 tấn/ha, bình quân đầu người 360 kg/năm. Số hộ gia đình thoát nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo còn khá cao.

Thứ hai, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm do trình độ canh tác thấp, khả năng tiếp nhận và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất còn hạn chế, khả năng giao lưu kinh tế còn trì trệ. Hoạt động khuyến nông, khuyến lâm chưa rộng rãi và thường xuyên. Tình trạng chiếm đất rừng, nạn phá rừng làm rẫy, chặt phá rừng lấy gỗ còn khá phổ biến, chưa được xử lý một cách triệt để. Năm 2015, có 130 ha rừng bị chặt phá làm nương rẫy.

Thứ ba, kết cấu hạ tầng còn nghèo nàn; hệ thống giao thông nông thôn yếu kém, nhiều nơi mùa mưa đường sá lầy lội, đi lại khó khăn. Tổng chiều dài đường được trải nhựa chỉ 504 km (11,85%), đường đất đá 1.047km (24,67%), đường đất 2.693km (69,45%), trong đó còn 2.164km đường chỉ đi lại được vào mùa khô.

Thứ tư, văn hóa, giáo dục của người dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Các hoạt động văn hóa chưa được tổ chức thường xuyên, đời sống văn hóa của nhân dân còn nghèo nàn, đơn điệu. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Hủa Phăn, tỷ lệ người mù chữ năm 2015 còn 3,8%.

Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu như: lớp học, đồ dùng giảng dạy, sách giáo khoa còn thiếu.

Toàn tỉnh hiện có 428 trường tiểu học có từ lớp 1 đến lớp 5, tập trung ở thị trấn, cụm bản, bản đông dân cư; còn 308 bản chỉ có lớp 1 đến lớp 2. Vẫn còn 21,66% trẻ em độ tuổi đi học tiểu học không có điều kiện đến trường, phải bỏ học khi học lớp 1, lớp 2. Đây là những hạn chế và yếu kém mà ngành giáo dục của tỉnh Hủa Phăn chưa khắc phục được.

3. Một số giải pháp

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về công tác dân tộc

Tổ chức học tập, quán triệt, triển khai kịp thời, sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Lào về công tác dân tộc. Cần đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thông qua các hình thức như: tập huấn kiến thức, truyền thông đại chúng, phát thanh, truyền hình, loa công cộng. Đặc biệt là cần lồng ghép nội dung, phổ biến chính sách dân tộc vào các chương trình giảng dạy, học tập, không chỉ có tác dụng trực tiếp nâng cao nhận thức cho các đối tượng mà còn thúc đẩy họ tích cực tham gia thực hiện chính sách dân tộc tại địa phương.

Hai là, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị tham gia công tác dân tộc

Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị phù hợp với đặc điểm, tình hình mới hiện nay, bảo đảm vai trò lãnh đạo, tổ chức nhân dân các bộ tộc thực hiện tốt các chương trình, dự án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện tốt chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Hủa Phăn.

Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc đối với việc ổn định chính trị, xã hội ở địa phương. Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác dân tộc, coi trọng công tác chỉ đạo, sơ kết, tổng kết. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, tôn giáo, những người có công, những người có uy tín trong xã hội trong công tác vận động đồng bào dân tộc.

Ba là, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các bộ tộc

Để thực hiện tốt chính sách dân tộc, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Nhiệm vụ trọng tâm là lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác vận động định canh, định cư bền vững. Đối vớicác vùng khó khăn, cần vận động, có chính sách hỗ trợ, giúp nhân dân di chuyển đến nơi ở mới có điều kiện sản xuất thuận lợi để ổn định cuộc sống lâu dài. Rà soát lại hiệu quả việc điều chỉnh dân cư, công tác định canh, cần xây dựng đề án tổng thể về định canh, định cư, phát triển kinh tế trang trại ở các vùng, nơi cư trú ổn định.

Bốn là, phát triển văn hóa, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao trình độ, nhận thức của người dân

Giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các bộ tộc, đồng thời nâng cao trình độ dân trí. Chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp trên địa bàn tỉnh. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Vận động người dân cho con em đến trường, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học. Xây dựng hệ thống trường, lớp ở cơ sở làng, bản, tạo điều kiện thuận lợi cho con em nhân dân các bộ tộc có điều kiện tiếp cận với giáo dục - đào tạo.

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các bộ tộc.Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở, xây dựng bản văn hóa, cụ thể hóa các nội dung về xây dựng bản văn hóa, gia đình văn hóa theo hướng thiết thực. Tổ chức tốt các lễ hội truyền thống của các bộ tộc nhằm làm phong phú thêm đời sống tinh thần xã hội, đồng thời hạn chế, ngăn ngừa, loại bỏ những hủ tục, mê tín dị đoan. Xây dựng tinh thần giao lưu văn hóa, phát huy tình đoàn kết, thống nhất giữa các bộ tộc.

 Năm là, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và đội ngũ cán bộ người dân tộc ở tỉnh Hủa Phăn

Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc gắn với đặc thù của tỉnh, đội ngũ này phải vừa am hiểu đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc, biết tổ chức xử lý tình huống, làm tốt công tác tham mưu trong lĩnh vực dân tộc cho cấp ủy, ban, ngành, vừa nắm rõ phong tục, tập quán và tâm tư nguyện vọng của nhân dân các bộ tộc. Vì vậy, cần xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ là người bộ tộc thiểu số cả về trình độ văn hóa, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước để có đủ năng lực lãnh đạo, quản lý. Cần đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức nhất là cán bộ công chức người bộ tộc thiểu số theo chức danh cán bộ cụ thể. Có chính sách bảo đảm quyền lợi cho người đi học, nâng cao trình độ học vấn, trên cơ sở đó nâng cao kiến thức, năng lực quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở.

Quan tâm đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số, cử đi đào tạo chuyên nghiệp những học sinh tốt nghiệp phổ thông các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh để nâng cao trình độ học vấn nhằm bảo đảm nhân lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2016

 

EUYSO PHANTIVONG

Nghiên cứu sinh Lào

tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền