Trang chủ    Quốc tế    Quan hệ Mỹ Cu Ba: Những tiến triển và trở ngại
Thứ tư, 26 Tháng 4 2017 11:22
3039 Lượt xem

Quan hệ Mỹ Cu Ba: Những tiến triển và trở ngại

(LLCT) - Ngày 20-3-2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm đầu tiên đến Cuba. Chuyến thăm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là bước khởi đầu cho những quan hệ . Nó cũng là sự kiện bảo đảm tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước là “không thể đảo ngược”, mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước: cùng tồn tại hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro, Tổng thống Mỹ Barack Obama, không chỉ bàn bạc về chủ đề thương mại, cải tổ chính trị mà còn đề cập nhiều vấn đề nhạy cảm khác như nhân quyền, tự do ngôn luận...

1. Những tiến triển mới trong quan hệ Mỹ - Cuba

Ngày 17-12-2014, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố quyết định tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương. Sự kiện này được coi là bước đột phá “đã khiến phần lớn thế giới bất ngờ”(1), là bước ngoặt lịch sử trong quan hệ Mỹ và Cuba. Hiếm có một quyết sách nào của Tổng thống Obama trong hai nhiệm kỳ cầm quyền lại nhận được sự hoan nghênh lớn như lần này. Từ lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế đến nhân dân hai nước Mỹ và Cuba đều bày tỏ sự hân hoan: Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Kimoon, nhận định: “Đây là một thông tin vô cùng tốt lành. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro về bước đi quan trọng này trong việc hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương”(2). Liên minh châu Âu (EU) cũng ca ngợi thỏa thuận đột phá giữa Mỹ và Cuba, coi đây là một “bước ngoặt lịch sử”, “là một thắng lợi của đối thoại trước đối đầu”... Tổng thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), ông Jose Miguel Insulza cho rằng: Quyết định của Tổng thống Mỹ Obama đã xóa bỏ điều gây chia rẽ lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh(3), v.v..

Trong tuyên bố về quyết định lịch sử của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu rõ: “Ngày hôm nay, Mỹ lựa chọn để cắt đứt xiềng xích trong quá khứ, tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân Cuba, cho nhân dân Mỹ, cho toàn bộ bán cầu của chúng tôi và cho toàn thế giới. Đã đến lúc bắt đầu cho một mối quan hệ mới”(4). Theo ông Obama, “bình thường hóa quan hệ với Cuba là cách tốt nhất để Mỹ gây ảnh hưởng lên nước này”(5). Việc tái lập bang giao Mỹ - Cuba là sự thay đổi quan trọng nhất về chính sách của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua, đây sẽ là một trong những di sản đối ngoại đáng chú ý mà ông Obama để lại sau khi rời Nhà Trắng vào tháng 1-2017. Chủ tịch Cuba Raul Castro, ca ngợi động thái tích cực của nhà lãnh đạo Mỹ, vì “điều này cho thấy Tổng thống Barack Obama xứng đáng với sự tôn trọng và thừa nhận bởi tất cả mọi người”(6).

Để đi đến kết quả quyết định lịch sử này, cả hai bên đã trải qua một quá trình “18 tháng đàm phán bí mật, với sự tham gia của nhiều bên, bao gồm cả Giáo hoàng Francis, tại nhiều địa điểm khác nhau”(7).

Trước đó, vào tháng 5-2002, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thăm Cuba. Ông Carter đã lên tiếng kêu gọi Mỹ nới lỏng các biện pháp trao đổi thương mại với Cuba. Tiếp đó, phái đoàn Quốc hội Mỹ tới thăm Cuba vào năm 2006, do Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jeff Flake dẫn đầu, chuyến thăm này đã dần mở ra “một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - Cuba”.

Dấu hiệu được coi là bước chuyển biến tích cực nhất trong quan hệ hai nước đó là vào tháng 3-2009, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật nới lỏng các biện pháp bao vây cấm vận đối với Cuba. Tháng 4-2009, phái đoàn Mỹ đầu tiên đến Cuba kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nhậm chức, nhằm nỗ lực chấm dứt việc Mỹ cấm vận Cuba và thảo luận về tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước. 

Cái bắt tay đầu tiên giữa Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại lễ tang nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela, vào tháng 12-2013, đã được dư luận thế giới đánh giá tích cực.

Ngày 17-12-2014, theo yêu cầu từ phía Mỹ, Cuba đã trả tự do cho công dân Mỹ Alan Gross, vì lý do nhân đạo, sau khi đã hoàn thành 5 năm trong bản án tù giam 15 năm mà tòa án Cuba đã tuyên phạt nhân vật này với tội danh xâm phạm độc lập, chủ quyền lãnh thổ và hoạt động gián điệp tại Cuba. Đồng thời, Cuba cũng trả tự do cho một điệp viên Mỹ bị giam giữ 20 năm. Mỹ cũng quyết định trả tự do cho 3 tình báo Cuba trong nhóm 5 người bị Mỹ kết án tù giam từ năm 2001 (trước đó, Rene Gonzalez và Fernando Gonzalez đã được trả tự do sau khi hoàn thành bản án tù giam).

Kể từ khi tuyên bố tái thiết lập quan hệ, hai nước đã và đang có những nỗ lực tích cực để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa với những bước tiến mới trên nhiều lĩnh vực, như: bảo vệ môi trường, hàng không dân sự, bưu điện, an ninh hàng hải, sức khỏe, nông nghiệp, trao đổi giáo dục và văn hóa cũng như các vấn đề về pháp lý... đặc biệt là từ phía Mỹ.

Ngày 15-1-2015,Mỹ đã tuyên bố hàng loạt biện pháp nhằm nới lỏng lệnh cấm vận đối với Cuba, cụ thể: cho phép Cuba mở rộng các hoạt động du lịch, thương mại và tài chính.Theo những quy định mới do Bộ Tài chính và Thương mại Mỹ đưa ra, nước này sẽ cung cấp dịch vụ Internet, xuất khẩu nông nghiệp, xây dựng và thiết bị viễn thông sang Cuba; cho phép các hãng hàng không Mỹ mở các chuyến bay đến đây, công dân Mỹ có thể sang Cuba du lịch, thăm gia đình, học tập... mà không cần phải xin giấy phép đặc biệt từ Chính phủ Mỹ như trước đây. Về giao dịch ngân hàng, người Mỹ được phép gửi 8.000 USD sang Cuba mỗi năm, tăng gấp 4 lần so với số tiền quy định trước đây, còn nếu đến Cuba sẽ được mang theo 10.000 USD; các loại thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cũng sẽ được sử dụng tại Cuba, v.v..

Ngày 11-4-2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama, chính thức có cuộc hội đàm lịch sử với Chủ tịch Cuba Raul Castro, bên lề Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia châu Mỹ (OAS) tổ chức tại Panama. Đây là lần gặp mặt đầu tiên của lãnh đạo hai nước sau Tuyên bố ngày 17-12-2014, nhằm tìm cách khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao. Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị OAS, ông Obama tuyên bố: “Nước Mỹ sẽ không để quá khứ cầm tù. Chúng tôi đang hướng tới tương lai. Tôi không quan tâm tới những trận chiến bắt đầu trước khi tôi ra đời. Chiến tranh Lạnh đã qua lâu rồi”(8).

Ngày 14-4-2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đồng ý đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố. Sau khi quyết định này có hiệu lực, Cuba được tiếp cận lại hệ thống ngân hàng và mở lại Đại sứ quán tại Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ cũng dỡ bỏ lệnh cấm nhiều thập kỷ đối với 4 công ty ở bang Florida (cách Cuba 150 km về phía Nam), cho phép họ mở tuyến phà chở hành khách và hàng hóa tới Cuba. Hành động này được coi “là một bước tiến lớn về phía trước”. Hãng hàng không JetBlue của Mỹ cũng tuyên bố mở đường bay trực tiếp từ New York tới thủ đô Havana. Tập đoàn khách sạn Starwood trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt thỏa thuận với Chính phủ Cuba kể từ năm 1959, theo thỏa thuận, Starwood sẽ đầu tư nhiều triệu USD cho dự án cải tạo và điều hành 3 khách sạn ở La Havana, Cuba.

Sau gần 7 tháng thương lượng, trải qua bốn vòng đàm phán, tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba đã đạt được bước tiến mang dấu mốc lịch sử với việc Mỹ tuyên bố nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba vào ngày 01-7-2015, hai bên nhất trí mở lại Đại sứ quán tại mỗi nước. Ngày 20-7-2015, Đại sứ quán Cuba chính thức được mở lại tại Washington; và ngày 14-8-2015, Đại sứ quán của Mỹ chính thức được mở lại tại La Havana.

Ngày 16-2-2016, Mỹ - Cuba thiết lập các chuyến bay thương mại trực tiếp giữa hai nước sau hơn 50 năm gián đoạn. Ngày 16-3-2016, dịch vụ bưu chính trực tiếp giữa hai nước được khôi phục. Ngày 19-3-2016, hai bên ký Bản ghi nhớ về hợp tác trắc địa, thủy văn và các dịch vụ liên quan.

Ngày 20-3-2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm đầu tiên đến Cuba. Chuyến thăm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là bước khởi đầu cho những quan hệ . Nó cũng là sự kiện bảo đảm tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước là “không thể đảo ngược”, mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước: cùng tồn tại hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro, Tổng thống Mỹ Barack Obama, không chỉ bàn bạc về chủ đề thương mại, cải tổ chính trị mà còn đề cập nhiều vấn đề nhạy cảm khác như nhân quyền, tự do ngôn luận...

Kể từ khi hai nước công bố quyết định bình thường hóa quan hệ, ngành công nghiệp du lịch ở Cuba bùng nổ chưa từng có nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng du khách Mỹ, cũng như nhờ sự nới lỏng những hạn chế từ phía Mỹ.

Theo CNET, ngày 9-5-2016, Công ty viễn thông nhà nước Cuba (ETECSA) và Tập đoàn T-Mobile của Mỹ đã ký thỏa thuận kết nối trực tiếp để chuyển vùng cuộc gọi quốc tế. Theo đó, ETECSA sẽ cung cấp các dịch vụ chuyển vùng quốc tế gọi thoại, tin nhắn văn bản và truyền tải dữ liệu cho những khách hàng Mỹ của T-Mobile tới thăm Cuba. Thỏa thuận này cho phép
T-Mobile giảm 65% cước cuộc gọi từ thuê bao của T-Mobile tại Mỹ tới điện thoại cố định và di động tại Cuba, xuống còn 0,6 USD/phút. Đây là thỏa thuận chuyển vùng quốc tế thứ hai mà ETECSA ký với một công ty viễn thông của Mỹ, sau thỏa thuận với hãng Verizon ngày 14-3-2016. Công ty viễn thông AT&T của Mỹ cũng tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận tương tự với đối tác Cuba.

Sự kiện Mỹ - Cuba tuyên bố khôi phục lại quan hệ ngoại giao và những kết quả ban đầu của tiến trình này đã cho thấy, cả Mỹ và Cuba đã sẵn sàng cho một mối quan hệ hòa bình trên cơ sở tôn trọng những khác biệt và quyết tâm giải quyết những bất đồng, tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau để hướng tới một tương lai phát triển bền vững và ổn định ở khu vực, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước.

2. Vẫn còn những khó khăn, trở ngại

Mặc dù tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba sau nhiều thập kỷ thù địch đã và đang có những bước tiến triển tốt đẹp, song từ việc bình thường hóa quan hệ về mặt ngoại giao tới bình thường hóa quan hệ về kinh tế vẫn còn là một lộ trình rất dài với nhiều rào cản vốn tồn tại từ rất lâu.

Thứ nhất, lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba

Cho đến nay, lệnh cấm vận của Mỹ về thương mại vẫn đang đè nặng lên nền kinh tế của Cuba. Các công ty của Mỹ không thể đầu tư vào Cuba ngoại trừ việc bán thực phẩm hoặc thuốc y dược, ngược lại, các doanh nghiệp Cuba cũng không thể bán bất cứ thứ gì sang Mỹ. Mặc dù ông Obama đã cho phép nới lỏng các quy định quản lý du lịch, giáo dục, nhưng du lịch lữ hành vẫn bị cấm. Việc dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận sẽ cần tới những thay đổi lập pháp đối với Đạo luật dân chủ Cuba, đạo luật cấm các công ty con của các tập đoàn của Mỹ tại nước ngoài bán hàng hóa cho Cuba; Đạo luật cải cách các biện pháp trừng phạt thương mại và tăng cường xuất khẩu đã cấm du lịch lữ hành... Chẳng hạn, tư cách thành viên của Cuba trong các thể chế tài chính quốc tế: Đạo luật Helms-Burton yêu cầu Mỹ bỏ phiếu chống lại tư cách thành viên của Cuba trong Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB). Để trở thành thành viên của WB, trước tiên phải gia nhập IMF, điều này đòi hỏi phải có 85% số phiếu ủng hộ từ các nước thành viên. Do Mỹ nắm 17% số phiếu bầu, nên sự phản đối của Mỹ làm cho Cuba không gia nhập được IMF và WB. Giải quyết vấn đề này sẽ đòi hỏi phải thay đổi hoặc hủy bỏ Đạo luật Helms-Burton.

Trong Thông điệp Liên bang cuối cùng của mình, Tổng thống Obama cũng thể hiện mong muốn điều này sẽ được chấm dứt khi ông rời Nhà Trắng, vì theo ông, “Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt. Hãy dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba”. Ông đã cam kết: “Bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào tôi có thể thực hiện các bước đi mà không cần luật... đó là những gì tôi sẽ làm”(9). Song, mong muốn này nằm ngoài khả năng của ông Obama, nó phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội Mỹ.

Thứ hai,về thể chế chính trị 

Từ trước đến nay, Mỹ và Cuba luôn luôn tồn tại những khác biệt về vấn đề nhân quyền và dân chủ do khác nhau về thể chế chính trị. Mỹ đưa ra điều kiện yêu cầu Cuba phải có những thay đổi và cải thiện rõ ràng trong vấn đề nhân quyền, chấm dứt cầm tù những người bất đồng chính kiến, đồng thời muốn Cuba thay đổi hệ thống chính trị một đảng. Có thể thấy, mục tiêu cốt lõi của Mỹ đằng sau quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao vẫn là đẩy nhanh và định hướng những thay đổi về chính trị tại quốc đảo Caribe này, buộc Cuba phải chấp nhận chế độ đa đảng, trong đó có những đảng do Mỹ hậu thuẫn, thậm chí có thể chiếm một số vị trí trong Chính phủ. Đó chính là sự khởi đầu của quá trình mà người Mỹ gọi là “chuyển tiếp”, nói cách khác, chính là “diễn biến hòa bình” và quá trình ấy sẽ kết thúc với cái mà họ gọi là sự “kế thừa”.

Trong quá trình “chuyển tiếp”, mục đích mà Mỹ muốn đạt được là tạo ra một hoặc nhiều đảng đối lập tại Cuba, và những đảng này phải được tham gia ứng cử trong các cuộc bầu cử để thâm nhập hệ thống nhà nước (thậm chí họ còn muốn cả những người Cuba sống ở ngoài nước cũng được quyền ứng cử), đồng thời thúc đẩy thay đổi một loạt nguyên tắc mà cuộc cách mạng Cuba đã đề ra liên quan tới sở hữu, y tế, giáo dục, vai trò của các tổ chức quần chúng và quốc phòng, thậm chí cả việc thay đổi Hiến pháp để Đảng Cộng sản không còn được giữ vai trò cầm quyền như hiện nay. Mỹ coi đó chính là nền móng cho sự “kế thừa” sau này tại Cuba(10).

Cuba luôn khẳng định được những ưu việt của mình trong các vấn đề như bảo vệ quyền của công dân, y tế, giáo dục... và tiếp tục nhìn nhận các vấn đề về nhân quyền, dân chủ như là công việc nội bộ của mình, coi các yêu cầu của nước ngoài là xâm phạm chủ quyền quốc gia. Cuba sẽ không chấp nhận những đòi hỏi thay đổi các vấn đề về nhân quyền, dân chủ của Mỹ. Tuy nhiên, về lâu dài, sẽ là khó khăn cho Cuba trong việc duy trì một hệ thống chính trị kiểm soát chặt chẽ nếu cho phép tự do hơn trong các lĩnh vực truyền thông, du lịch, thương mại và đầu tư... khi nước này mở cửa với thế giới bên ngoài.

Ngoài ra, cũng còn rất nhiều các vấn đề khác giữa hai nước thuộc về quá khứ hoặc liên quan đến những đạo luật cần được thay đổi... Để đến được đích bình thường hóa hoàn toàn và hợp tác hiệu quả, đòi hỏi hai bên còn phải tiếp tục nỗ lực rất nhiều để vượt qua những khó khăn, trở ngại đó.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2016

(1), (5), (7) TTXVN: “Xung quanh việc Mỹ - Cuba bình thường hóa quan hệ”, Tài liệu tham khảo đặc biệt hàng ngày, số 007-TTX, ngày 18-1-2015, tr.19, 7.

(2)http://dantri.com.vn.

(3)Sự sụp đổ bức tường Berlin ở Mỹ Latinh, http://www.daibieunhandan.vn.

(4) http://baodatviet.vn.

(6) http://baodatviet.vn.

(8)http://www.tienphong.vn.

(9)TTXVN: “Bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba: Tại sao vào thời điểm này?”, Tài liệu tham khảo đặc biệt hàng ngày, số 057-TTX, ngày 11-3-2015, tr.21.

(10) TTXVN: “Về chiến lược diễn biến hòa bình của Mỹ chống Cuba”, Tài liệu tham khảo đặc biệt hàng ngày, số 032-TTX, ngày 5-2-2015, tr.2-3.

 

ThS Đỗ Thị Thảo

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền