Trang chủ    Quốc tế    Tân Tổng thống Hoa Kỳ và những chính sách tương lai của nước Mỹ
Thứ hai, 26 Tháng 6 2017 10:33
1989 Lượt xem

Tân Tổng thống Hoa Kỳ và những chính sách tương lai của nước Mỹ

(LLCT) - Cuộc đua vào Nhà trắng cũng đã kết thúc, với số phiếu bầu đã nghiêng hẳn về ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump sẽ là Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và cũng là doanh nhân đầu tiên của Hoa Kỳ ngồi trên chiếc ghế này vào ngày 20-1-2017. Sau những phát ngôn gây “sốc” của ông Trump, những moi móc đời tư giữa các ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, giờ đây dư luận quốc tế sẽ tập trung vào những chính sách của ông Donald Trump, để xem ông sẽ đưa nước Mỹ đi về đâu.

1. Chính sách đối nội

Với khẩu hiệu tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, cử tri Mỹ đã lựa chọn ông Trump (290/538 phiếu đại cử tri)(1) với mong muốn về một sự thay đổi đối với tương lai nước Mỹ. Ông Trump lên nắm quyền trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đã có nhiều cải thiện khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 5 năm qua tăng trung bình 5%, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức thấp. Tuy nhiên, kinh tế vẫn luôn là ưu tiên số một đối với bất kỳ chính phủ nào, và ông Trump cũng không thể làm khác.

Ông Trump sẽ chọn Detroit, trung tâm sản xuất ôtô của Mỹ, làm nơi công bố kế hoạch cải tổ bộ luật thuế, hủy bỏ một số hiệp định mậu dịch và xem xét lại chính sách năng lượng của nước Mỹ. Tại đây, ông đã nhắc lại khẩu hiệu “Nước Mỹ là trên hết”(2). Trong một bài phát biểu tại Charlotte, bang North Carolina, ông Trump còn vạch ra kế hoạch để tạo điều kiện cho các doanh nhân Mỹ gốc Phi dễ vay vốn, và cho phép các thành phố tuyên bố một số khu vực bị tàn phá là khu vực thiên tai để có thể xây dựng lại.

Đối với chính sách thuế, ông Trump chủ trương cắt giảm thuế cho tất cả mọi người và giảm số người đóng thuế từ 7 nhóm xuống còn 3 nhóm. Ông còn giảm thuế suất cao nhất từ mức 39,6% xuống còn 33,1%. Ngoài ra, ông Trump còn muốn giảm thuế đánh vào những công ty Mỹ xuống còn 15% từ mức 35% hiện nay và loại bỏ thuế tài sản. Ông chủ trương thuế tài sản chỉ áp dụng khi người quá cố chuyển nhượng tài sản trị giá trên 5,45 triệu USD cho một cá nhân người thừa kế hay 10,9 triệu USD cho một cặp vợ chồng(3).

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Thuế vụ - một tổ chức độc lập, chính sách thuế vụ của ông Trump sẽ làm Chính phủ mất đi khoảng 9,5 nghìn tỷ USD tiền thuế. Theo ông Roberton Williams thuộc Tax Policy Center, kinh tế phát triển sẽ không đủ để bù đắp nổi số tiền thuế bị hụt đi do chính sách của ông Trump. Theo tổ chức Tax Foundation, ông Trump chủ trương giảm thuế cho mọi người dân Mỹ, nhưng trên thực tế, chính sách của ông lại giảm thuế nhiều nhất cho những người có lợi tức cao. Ông chủ trương chấm dứt việc áp thuế bất động sản, miễn thuế đối với các phí tổn chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, và áp đặt mức trần 15% đối với tất cả các loại thuế thu nhập công ty, tạm ngừng thực hiện tất cả những quy định mới của các cơ quan liên bang.

Về chính sách việc làm,ông Trump chủ trương hạn chế di dân, ủng hộ việc gia tăng mạnh mẽ chi tiêu về quốc phòng và cơ sở hạ tầng và giảm chi tiêu về những chương trình ngoài lĩnh vực quốc phòng, ngoại trừ những lĩnh vực như chương trình y tế của cựu chiến binh, biên phòng, an sinh xã hội, và trợ cấp y tế Medicare. Ông Trump cho rằng, chính sách tái thiết và xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá, cầu cống, sân bay... với chi phí gần 1 nghìn tỷ USD, sẽ tạo ra 13 triệu việc làm(4).

Vấn đề lương tối thiểu. Trong quá trình tranh cử, ông Donald Trump đã thay đổi lập trường nhiều lần về vấn đề này. Trong giai đoạn bầu cử sơ bộ, ông Trump chủ trương giữ nguyên mức lương tối thiểu liên bang hiện tại là 7,25 USD/giờ, nhưng sau đó ông lại ủng hộ việc tăng mức lương tối thiểu nhưng để các tiểu bang tự quyết định lấy mức độ tăng cụ thể.

Về chính sách năng lượng, ông Trump cho biết, sẽ từ bỏ Hiệp ước chống biển đổi khí hậu toàn cầu được ký tại Paris hồi tháng 12-2015 và ngừng các khoản đóng góp của Mỹ cho các chương trình của Liên Hợp quốc đối phó với tình trạng trái đất ấm lên. Ông còn khẳng định sẽ thay đổi các chính sách năng lượng và khí hậu của chính quyền tiền nhiệm, mà ông cho là đang “phá hủy cơ hội việc làm của người Mỹ”, ủng hộ dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL nối giữa Canada và Mỹ đã bị Tổng thống Obama bác bỏ vì lý do môi trường.

Chăm sóc y tế toàn dân. Ông Trump cho phép người dân tự chọn bảo hiểm ở các bang, đồng thời cam kết “thỏa thuận” với các bệnh viện cung cấp bảo hiểm cho người nghèo. Ông nêu rõ: “Hãy hủy bỏ và thay thế Obamacare bằng một chương trình hoàn hảo hơn”.

Tăng đầu tư cơ sở hạ tầng. Một số ý tưởng kinh tế của ông Trump có xu hướng thiên về cánh tả của bà Clinton trong một số vấn đề, ông tuyên bố sẽ chi gấp đôi số tiền 275 tỷ USD là mức dự chi của của bà Hillary Clinton cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ông Trump cũng tỏ ra sẵn sàng hành động theo lời khuyên của Phố Wall. Trước đó, ông đã công bố một nhóm cố vấn kinh tế bao gồm các tỷ phú, chủ ngân hàng và phụ trách quỹ.

Với các hiệp định kinh tế, ông Trump cho rằng các hiệp định thương mại lớn cũng như hoạt động cho thuê ngoài mà nước Mỹ đang thúc đẩy là nguyên nhân khiến nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm. Trong quá trình tranh cử, ông Trump tuyên bố ông sẽ đàm phán lại các điều khoản của Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Vấn đề nợ công.Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay, nợ quốc gia của Mỹ đã tăng lên gấp đôi, tới mức 13,6 nghìn tỷ USD, tương đương với 75% GDP tính đến đầu năm 2016, một phần vì lợi tức thu từ nguồn thuế giảm, trong khi đó Chính phủ lại phải chi tiêu để kích thích phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu kể cả số nợ Chính phủ vay của Federal Trust Funds, nợ quốc gia hiện lên tới 19 nghìn tỷ USD, tương đương với 104% GDP. Nợ quốc gia Mỹ buộc bất cứ ứng cử viên nào thắng cử vào Nhà Trắng cũng phải suy nghĩ về tăng hay giảm thuế và chi tiêu để dự trù ngân sách nhà nước. Tháng 3-2016, ông Trump tuyên bố, thông qua việc thực hiện những kế hoạch phát triển kinh tế của ông sẽ giúp nước Mỹ thanh toán được nợ công. Theo các chuyên gia phân tích về ngân sách, điều ông Trump mong muốn khó có thể thực hiện khi ông đã làm cho số tiền thu từ thuế bị giảm gần 1 nghìn tỷ USD.

Vấn đề kiểm soát súng đạn. Ông Trump tuyên bố sẽ phủ quyết mọi dự luật kiểm soát súng đạn mới. Ông cho rằng: “Chúng ta đã có quá nhiều quy định. Nếu nhìn vào các đối thủ của tôi, họ đang rất lúng túng trước việc thực hiện Tu Chính án thứ 2, trong khi tôi rất quyết liệt”.

Vấn đề người nhập cư. Nước Mỹ hiện có khoảng 42 triệu người nhập cư. Với 25% trong số này là nhập cảnh bất hợp pháp gây ra tình trạng khó xử cho những nhà lập pháp. Ông Trump chủ trương trục xuất khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp và xây bức tường dài dọc theo biên giới Mexico. Sau vụ khủng bố ở San Bernardino, California, ông Trump còn muốn cấm tất cả người Hồi giáo vào nước Mỹ. Để ngăn chặn việc nhập cảnh bất hợp pháp, ông Trump chủ trương tăng số nhân viên kiểm tra di dân và thuế quan lên gấp ba lần và thêm 5.000 nhân viên tuần tra biên giới.

Ông Trump tuyên bố: “Nếu ông Obama vì sự yếu đuối của mình mà tiếp nhận họ, thì tôi sẽ trục xuất tất cả nếu như tôi đắc cử”. Ông Trump nhiều lần đề cập vấn đề người Hồi giáo. Ông từng gây tranh cãi với tuyên bố “cấm cửa” tất cả người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ, ông không chỉ muốn trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp mà còn gia tăng mức phạt đối với những người vi phạm quy chế thị thực. Ông Trump đề xuất một hệ thống kiểm tra suy nghĩ và tư tưởng của người tỵ nạn trước khi cho phép họ vào nước Mỹ và thành lập một ủy ban có nhiệm vụ “phát hiện ra những mạng lưới trong xã hội hỗ trợ chủ nghĩa cực đoan”. New York Times cho rằng, ông Trump đã “hủy hoại những giá trị của nước Mỹ về lòng khoan dung, về cách đối xử bình đẳng mà chính ứng viên Đảng Cộng hòa từng nói rằng muốn khuyến khích”(5)

2. Chính sách đối ngoại

Ngay từ đầu, chiến lược tranh cử của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump được coi là “ca cực lạ”(6) trong lịch sử bầu cử Mỹ. Giới phân tích tin rằng ông Trump là người theo chủ nghĩa dân tộc, muốn lấy lòng dân và hứa hẹn chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích của nước Mỹ. Những phát ngôn của ông khiến không ít cử tri bị “sốc”. Ông Trump còn đặt câu hỏi: “Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia là những nước giàu, sao họ không trả tiền để đổi lại sự bảo vệ của Mỹ?”.

Về đồng minh của Mỹ, theo ông Trump, thế giới hiện nay đang dựa dẫm quá nhiều vào ảnh hưởng và tiền bạc của Mỹ, trong khi đó Liên Hợp quốc và NATO là hai tổ chức quá tốn kém. Ông chỉ trích NATO đã trở nên “lỗi thời” và tuyên bố sẽ buộc các nước đối tác của Mỹ đóng góp nhiều hơn cho việc bảo đảm an ninh cho chính họ. Theo ông, các đồng minh của Mỹ đã được hưởng lợi từ “chiếc ô an ninh” của Washington, nhưng lại chưa chia sẻ trách nhiệm tài chính một cách tương ứng.

Ông Trump từng cảnh báo các đồng minh như: Nhật, Hàn Quốc, Đức, và Arab Saudi phải đóng góp nhiều hơn cho chi phí triển khai lực lượng quân đội Mỹ hay các biện pháp phòng thủ khác ở những nước này. Ông thậm chí còn đưa ra nhận xét gây tranh cãi khi khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân nếu Mỹ rút binh sĩ. Nếu ông Trump làm đúng những gì tuyên bố trong khi tranh cử thì Mỹ sẽ thực hiện chính sách đối ngoại xa lánh đồng minh, tự cô lập bản thân và tạo ra lỗ hổng quyền lực lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, có thể châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh quyền lực khu vực trong tương lai.

Ông Trump không coi trọng những lợi ích mà nước Mỹ có được từ làn sóng đầu tư do hội nhập châu Âu cũng như an ninh xuyên Đại Tây Dương, những mâu thuẫn về chính sách thuế với châu Âu sẽ nảy sinh, thay vì các cuộc đàm phán để thúc đẩy Hiệp định Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương. Trước đó, ông đã có ý kiến tương tự khi tuyên bố rằng ông có thể rũ bỏ trách nhiệm bảo vệ các đồng minh, nếu họ không đóng góp nhiều hơn cho NATO. Với Nhật Bản, ông cho rằng “nếu Nhật bị tấn công, Mỹ có thể phải tham gia Chiến tranh Thế giới III. Còn nếu Mỹ bị tấn công, Nhật Bản có thể sẽ chẳng phải làm gì cả!”(7).

Bình luận về những tuyên bố này của ông Trump, nhà phân tích Janathan Pollack của Viện Brookings “lo ngại sâu sắc về cái mà một nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump sẽ để lại”, còn nhà nghiên cứu Robert Manning của Viện Atlantic thì cho rằng, ông Trump “về cơ bản là không hiểu gì về các đồng minh của Mỹ”.

Về chính sách Trung Đông,ông Trump sẽ phải đối mặt với một khu vực Trung Đông “nóng bỏng” bởi cuộc khủng hoảng Syria kéo dài đã hơn 5 năm, nhưng chưa tìm được lối thoát; tình hình Yemen và tiến trình hòa bình Israel – Palestine vẫn chưa thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Ông Trump tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân được ký kết với Iran, điều này có thể sẽ đẩy khu vực Trung Đông tới nguy cơ khủng hoảng. Ông còn chỉ trích chính quyền của Tổng thống Obama đã sản sinh ra Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và gây bất ổn Trung Đông; đã tạo điều kiện cho Iran trở thành một thế lực thống trị ở Trung Đông, vì thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 đã khiến Teheran không còn phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Về chống chủ nghĩa khủng bố, ông Trump đưa ra giải pháp sẽ triệt phá nguồn cung cấp dầu mỏ của IS và khẳng định nước Mỹ cần truy quét cả gia đình của những thành viên IS. Ông nói: “Tôi sẽ ném bom đến tận cùng để tiêu diệt IS”.

Quan hệ với Liên bang Nga. Theo giới quan sát, ông Trump luôn bộc lộ sự yêu thích và ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin và ủng hộ các phong trào dân túy ở châu Âu. Ông từng tuyên bố muốn “hâm nóng” quan hệ với Tổng thống Nga Putin, ông cũng đã gây “sốc” khi tuyên bố Tổng thống Nga Putin là nhà lãnh đạo tốt hơn Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong quá trình tranh cử, ông Trump còn khẳng định ông Putin hiện đang “điều hành nước Nga rất tuyệt vời”. Hồi cuối năm ngoái, ông Trump còn nói, rất vinh dự khi được nhà lãnh đạo Nga khen ngợi là “một nhân vật tài năng”(8).

Quan hệ với Trung Quốc. Kể từ khi bắt đầu vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã có những tuyên bố rất cứng rắn đối với Trung Quốc, ông cáo buộc Trung Quốc “thao túng đồng tiền”, đồng thời tuyên bố sẽ “thay đổi luật sở hữu trí tuệ và ngăn chặn các hành vi bất công, phi pháp của công ty Trung Quốc” ở thị trường Mỹ. Tuy nhiên, những chỉ trích này chủ yếu tập trung vào thương mại, chứ không phải về quân sự.

Ông Trump cũng có những lời lẽ công kích các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo ông Trump, để có thể dồn ép, buộc Trung Quốc phải trả giá cho những hành động phiêu lưu trên biển, Mỹ phải “tăng cường sức mạnh quân sự và triển khai sức mạnh đó một cách thích hợp đến Biển Đông và Hoa Đông”. Ông Trump cho rằng, những hành động đó sẽ “ngăn cản chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của Mỹ ở châu Á”, đồng thời nhấn mạnh: “sự hiện diện quân sự mạnh sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho Trung Quốc và các nước châu Á cũng như toàn thế giới biết rằng Mỹ đã trở lại với vai trò lãnh đạo toàn cầu”.

Đối với Triều Tiên. Theo giới phân tích, ông Trump sẽ theo đuổi các biện pháp mềm mỏng hơn, có thể sẽ đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jongun, hoặc tác động để Trung Quốc can thiệp;sử dụng “đòn bẩy kinh tế của Mỹ” nhằm thuyết phục Trung Quốc kiềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên.

Về kinh tế đối ngoại. Ông Trump chủ trương áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch, nên ông quyết liệt phản đối TPP, vì cho rằng nó không mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như sẽ làm mất đi việc làm của người Mỹ. Theo ông “TPP là cuộc tấn công giới doanh nghiệp Mỹ. Nó không làm ngưng sự thao túng tiền tệ của Nhật Bản”(9), nó khiến dân Mỹ mất việc làm và hàng hóa ngoại rẻ hơn sẽ lấn át hàng nội địa Mỹ. Theo giới phân tích, trong chính sách kinh tế đối ngoại của ông Trump khi trở thành Tổng thống, điều đầu tiên ông làm là hủy bỏ cam kết TPP.  

3. Những phản ứng ban đầu

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Donald Trump khẳng định ông sẽ là “Tổng thống của mọi người dân Mỹ”. Ông hứa hẹn sẽ mang lại điều tốt lành cho nhân dân Mỹ và bảo đảm người sống bên lề xã hội không bị bỏ quên. Ông cam kết sẵn sàng trao đổi với các nước và ưu tiên cho quan hệ đối tác hơn xung đột. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng “sốc” của cả thị trường, dư luận, chính giới Mỹ và quốc tế.

Thị trường chứng khoán rung lắc mạnh, tại Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones liên tục giảm và mất gần 700 điểm, S&P 500 mất hơn 100 điểm còn Nasdaq là gần 200 điểm. Ở châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng giảm gần 1.000 điểm, Hang Seng của Hong Kong giảm hơn 650 điểm. Trong khi đó, thị trường tài chính tại Anh và Pháp cũng được ghi nhận sụt giảm sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Giá dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 9-11. Theo đó, dầu Brent giảm 2% xuống còn 44,80 USD/thùng, dầu West Texas Intermediate (WTI) giảm 2,6% xuống còn 43,62 USD/thùng. Đồng peso của Mexico tiếp tục mất 8,5% giá trị so với đồng USD. Giá vàng thế giới cũng có mức tăng mạnh từ 1.270 USD/ounce lên 1.325 USD/ounce. Có thời điểm lên tới 1.337,4 USD/ounce, cao hơn 4,9% so với cuối phiên trước đó và là mức cao nhất kể từ ngày 27-9(10). Mexico là thị trường bị “sốc” nặng vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Trong quá trình tranh cử, ông Trump từng tuyên bố sẽ đàm phán lại NAFTA mà Mexico và Mỹ cùng là thành viên, đồng thời siết chặt biên giới với nước này.

Tại bang California Mỹ, nhiều người xuống đường biểu tình đốt hình nộm của ông Trump, đập vỡ cửa kính, đốt thùng rác và vỏ xe ở Oakland. Biểu tình cũng đã diễn ra tại Đại học California. Ngay khi có thông tin ông Trump thâu tóm phiếu của đại cử tri ở các bang then chốt, trang web của Bộ Di dân Canada đã bị nghẽn. Trang web này hướng dẫn thủ tục để định cư hoặc lấy quốc tịch Canada. Từ nhiều tháng nay, nhiều công dân Mỹ đã dự tính di dân sang Canada nếu ông Trump chiến thắng.

Sự kiện ông Trump đắc cử Tổng thống không chỉ làm rung chuyển bộ máy chính quyền tại Mỹ mà còn tạo nên làn sóng chấn động tại nhiều quốc gia khác, bao gồm cả các nước đồng minh và các nước đối tác của Mỹ. Theo CNN, ngay khi thông tin ông Trump giành chiến thắng, các cơ quan tài chính và an ninh tại các quốc gia đồng minh của Mỹ, trong đó có Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để đánh giá những tác động đối với thị trường tài chính toàn cầu từ sự kiện này.

Nhiều nước trên thế giới cũng có những phản ứng kịp thời về sự kiện ông Trump đắc cử Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trung Quốc ngay lập tức đã gửi lời chúc mừng và mong muốn đưa quan hệ song phương lên bước tiến mới. Ngày 9-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chúc mừng Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump, đồng thời thể hiện mong muốn hợp tác với ông Trump để phát triển hơn nữa quan hệ Trung - Mỹ: “Tôi đánh giá cao mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ, và mong muốn hợp tác cùng với ông (Trump) cũng như thắt chặt mối quan hệ hướng đến sự tôn trọng lẫn nhau, không xung đột và không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và cùng hợp tác”(11).

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống: “Tôi đã nghe những phát biểu sau chiến thắng của ông Trump, hướng đến việc tái thiết quan hệ giữa Nga và Mỹ... Chúng tôi hiểu là sẽ không có con đường dễ dàng để suy xét mối quan hệ mà không may đã bị tổn hại. Song, Nga sẵn sàng và muốn khôi phục quan hệ chính thức với Mỹ. Đó là mong muốn của người dân hai nước, cũng như ảnh hưởng tích cực tới bầu không khí chung của mối quan hệ quốc tế, cân nhắc trách nhiệm đặc biệt của Nga và Mỹ nhằm ổn định an ninh toàn cầu”(12).

Như vậy, với việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, đã khép lại cuộc tranh đua quyết liệt, nhiều kịch tính giữa hai ứng viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Kẻ mừng, người lo, không chỉ riêng người dân Mỹ mà còn của nhiều nước trên thế giới, vì nước Mỹ có vị thế siêu cường, có ảnh hưởng lớn đối với an ninh toàn cầu. Với một Tổng thống - doanh nhân - tỷ phú, ông Trump vừa phản ánh tâm trạng muốn thay đổi của đa số người dân Mỹ, vừa gây quan ngại cho các chính giới khác bởi những chính sách mới (khác thường) của ông. Tuy nhiên, theo giới phân tích, để trở thành “Tổng thống của mọi người dân Mỹ” như ông hứa hẹn, thì chắc chắn ông Trump sẽ phải thực hiện cương lĩnh tranh cử của mình một cách thông minh nhất. Vì thế,  trong tương lai “nước Mỹ là trên hết”, “nước Mỹ vĩ đại trở lại” như thế nào vẫn còn đang ở phía trước.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2016

(1) http://vietnamfinance.vn: Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ với 276 phiếu đại cử tri, 9-11-2016.

(2) http://vov.vn: Giới lãnh đạo Mỹ cam kết cùng ông Trump thúc đẩy sự phát triển nước Mỹ, 10-11-2016.

(3), (4) http://thanhnien.vn: Hillary Clinton và Donald Trump, hai thái cực đối lập về chính sách, 7-11-2016.

(5) http://vneconomy.vn: Donald Trump lại kêu gọi “cấm cửa” người Hồi giáo vào Mỹ, 13-6-2016.

(6), (7) http://news.zing.vn: Chính sách ngoại giao Mỹ qua chiến lược của Trump và Clinton, 3-11-2016.

(8) http://nld.com.vn: Ông Trump khen ông Putin lãnh đạo tốt hơn ông Obama, 8-9-2016.

(9) http://thanhnien.vn: Tỷ phú Donald Trump: TPP tấn công doanh nghiệp Mỹ, 24-4-2016.

(10) http://tuoitre.vn: Ông Trump đắc cử thị trường thế giới phản ứng mạnh, 9-11-2016.

(11) http://news.zing.vn: Chủ tịch Trung Quốc chúc mừng Donald Trump đắc cử Tổng thống, 9-11-2016.

 

NGUYỄN NHÂM

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền